SƠN ĐÔNG MÃI VÕ

Nguyễn Văn Sâm

 

Tư Thẹo ngầy ngà vợ theo giọng trịch thượng của kẻ cầm quyền quen thói lấn lướt thiên hạ, đem lỗi lầm của người khác chẻ ra làm năm làm mười.

- Tao dặn mầy năm lần bảy lượt nhớ mua một cây mực Tàu để làm màu trộn mấy viên thuốc tễ, đầu óc mầy để đâu mà mầy hổng mua? Bây giờ lấy gì tao trộn đây! Trắng nhách, ma nào mà thèm. Mai bán không được một xu cho mầy vừa bụng.

Cô Hai Hỏn chống chế:

- Kiếm cùng chợ đỏ con mắt mà hổng thấy ở đâu bán hết trơn hết trọi. Đất Sài Gòn rộng hằng hà sa số chớ bộ nhỏ bằng cườm tay như cái miệt Kinh Thứ của tui đâu mà tui rành.

Cô ngó thẳng vô mặt anh chồng, nói thiết yếu như chịu lỗi:

- Để thủng thẳng tui hỏi thế nào cũng kiếm ra chỗ bán mà.

Rồi cô ta cười ngỏn ngoẻn:

- Tạm thời anh cạo dưới đít chảo lấy một mớ lọ nghẹ thế đỡ đi. Lọ nghẹ còn nên thuốc gấp mấy lần mực Tàu nữa! Cũng đen, ai vô đó mà biết.

Thấy chồng ơ hờ, cô đỏng đảnh hỏi khó:

- Bộ anh hổng thấy người ta đứt tay đứt cẳng, lấy lọ nghẹ đấp vô để cầm máu sao?

Trong bụng Tư Thẹo phục con vợ coi lẩm rẩm vậy mà sáng trí, nhưng cũng phải nói cái gì đó cho ra vẻ, nên gạt ngang gạt ngửa:

- Thôi đừng có nói tầm ruồng bá láp mầy! Lọ nghẹ làm màu đen để mầy vẽ mặt làm hề thì được chớ nên thuốc cái khỉ mốc họ. Cầm máu là bịt ở chỗ đứt, còn mình đương trộn thuốc để uống trong bụng mà. Khác như Tây trắng với mặt gạch bộ mầy không thấy sao?

Anh ta làm thinh tiếp tục giã giã nện nện cái chày đâm tiêu vô cái soong nhôm anh kẹp giữa hai bàn chân. Một lúc lâu ớn mới chắc lưỡi làm bộ như bị bắt buộc lắm mới chịu bề chấp nhận đề nghị của “đối phương”:

- Mà thôi cũng được, mầy đưa cái chảo đây tao, lấy con dao nữa để tao cạo, thiệt hết chỗ nói... Mầy đi ngâm cam thảo với lại tán mấy miếng quế đi. Nãy giờ tao giã nồi cơm nguội nầy thiếu điều mỏi rụng cánh tay. Phải giã thiệt nhỏ, hổng được để sót một hột cơm nào. Mỏi quá mà sợ cái tài ba trợn của mầy nên tao đâu dám giao. Đưa cho mầy giã, mầy ngủ gục để còn nguyên mấy hột cơm thì mụ nội tao cũng lìa.

Cô Hai Hỏn cười mỉm. Cô không giận chuyện anh chồng cô nói năng lung tung lại còn kiếm chuyện rầy rà, giọng điệu như ông nội người ta. Cô hiểu anh chồng như một với một là hai, nói như vậy nhưng y chang rốt cuộc là chấp nhận đề nghị của cô. Cô vát hất mặt lên ngó anh ta, mỉm cười thích chí nửa như tự ái đã được vuốt ve, nửa để ngầm nói: “Tôi cũng đâu ngu hèn, dốt nát gì, cũng quyền biến chớ bộ. Đừng khi dễ con nầy!”

Mà cô thích chí cũng phải, chuyện chạy đi mua thứ này thứ kia cô ghét tận mạng. Không phải làm biếng làm nhác gì đó, chỉ tại không biết chỗ bán mà thôi. In như mười lần xách rổ đi chợ, tám chín lần vừa đi cô vừa tính toán làm cách nào để bịt miệng anh chồng ưa ăn hiếp vợ của cô. Mua không được, về tới chỗ tạm trú, quăng cái giỏ xuống cái xạch cô cự nự trước khi Tư Thẹo kịp mở miệng:

- Đã nói ở đây thiên hạ hổng có bán thứ mắc dịch mắc toi đó mà cứ biểu giựt ngược, giựt xuôi. Ai giỏi thì đi đi. Đừng biểu tui. Quê người xứ lạ, tui có biết trời đất gì đâu đâu? Sao hổng đưa tiền mua một lần cho nhiều nhiều. Sợ tiền, cứ cà nhắc nay mua một chút mai mua một chút bắt người ta tới đâu đi mua chỗ đó ai biết ở đâu mà kiếm. Lạ nước lạ cái lần nào cũng lội muốn rã cặp giò. Bực mình thấy mồ thấy tổ.

Biết cằn nhằn như vậy không hợp lý, nhưng cô thấy cần phải phủ đầu thằng chồng trước, không thôi thằng chả được mợi làm tới ai chịu đời cho thấu. Những lần bị nự, Tư Thẹo chỉ biết ậm ờ bọc xuôi cho qua buổi, rồi lui cui kiếm chuyện nầy chuyện nọ làm, giả bộ không nghe.

Bữa nay chồng cô chịu lấy lọ nghẹ thế mực Tàu thì tốt quá, từ nay đỡ được chuyện trần thân đi kiếm đã đành, mà còn thoát nợ luôn chuyện mài mực nữa. Mài cả buổi mỏi tay bắt chết mới đủ một chén, đâu có bàn ghế gì. Ngồi chồm hổm có bữa tê cứng cặp giò.

Cô Hai Hỏn nói với chồng sống bằng nghề hát xiệc cũng được hai năm nay, sau mấy năm lăn lóc kiếm ăn bằng đủ thứ nghề tạp nhạp từ ngày Tây đổ bộ lên ngã ba Long Xuyên, đánh thóc xuống Rạch Giá, tạt qua vùng Kinh Thứ, quê cô. Cuộc sống cũng dễ thở, không có những chuyện gì phải lo ngoài việc di chuyển đồ đạc và kiếm chỗ vừa có thể biểu diễn được, vừa có thể bán thuốc. Đồ đạc đem theo cả gia tài sản của vợ chồng không nhiều nhỏi gì lắm. Mấy thứ lỉnh kỉnh như: phèng la, mười tám thứ binh khí mà thằng chồng cô thường nói là “thập bát ban võ nghệ”, quần áo võ của hai người và các thứ nồi niêu soong chảo, mắm muối, gạo củi chất đầy ba cái rương lớn. Đó là chưa kể hai cái trống để bên ngoài với một cái rương cũng trộng cải chứa “thuốc” như “Sơn Đông hóa đàm chỉ khái tán”, “Sơn Đông thanh huyết thần thủy” với lủ khủ hộp, chai không mà vợ chồng cô mua sẵn ở chợ Bình Tây, và những cái toa thuốc in bằng hai thứ tiếng Tàu Việt được đặt in ở một nhà in Tàu trong một hẻm nhỏ dưới cầu Chà-Và Chợ Lớn.

Cuộc sống như lục bình theo con nước nay đây mai đó, ngủ đình, ngủ chợ lăn lóc bụi bờ, nay vô vùng nầy hai ba bữa, mai ở vùng khác đôi ba ngày, tới đâu hay tới đó, không nhà cửa nhứt định coi vất vưởng lêu bêu, nhưng không có gì câu thúc buộc ràng.

Họ đi lần lần từ Rạch Giá lên Sài Gòn, bán nước miếng và sức mạnh của người chồng, bán ba cái đường quyền học lóm và cái mủm mỉm của cô vợ, lây lất qua ngày. Miệt dưới giặc giã khó sống. Bà con nội ngoại không còn ai. Họ gặp nhau trong lúc hai đàng đều cù bơ cù bất rồi bắt đầu vô nghề “Sơn Đông mãi võ” do sự gợi ý của thầy Hai Hút mà họ làm quen được trong một đêm nằm bót ở Cạnh Đền. Cứ như vậy họ lăn lóc từ quê lên tỉnh, từ tỉnh lần lên Sài Gòn, ăn uống kham khổ giới hạn chi tiêu.

Tư Thẹo thường bàn với vợ:

- Cứ ẩn nhẫn làm nghề này thêm một đỗi nữa coi ra sao. Chừng khá khá mình tính kế khác. Làm ăn kiểu nầy con bộ không bền. Hoặc trầm ngâm chắc lưỡi: “Đã đành thuốc mình không làm chết ai, nhưng mà lợi dụng lúc thiên hạ đau ốm để moi tiền thì mất phước đi. Về sau con cái tàn mạt ngóc đầu lên không được! Túng ngặt phải xoay sở chớ đâu thể nào bịp bợm kiểu nầy hoài”.

Có một buổi chiều sau khi tính toán chỉ tiêu trong ngày, Tư Thẹo cười cười xếp tiền vô bóp phơi nhét xuống một đáy rương, chồng lên ba mớ quần áo, nắm tay vợ an ủi:

- Ráng kiếm đủ tiền mua một căn nhà nho nho ở đất Sài Gòn rồi giải nghệ, lựa công chuyện gì không “sát sanh hại vật” để làm. Không lâu đâu em, anh tính rồi. Mình cũng đủ chưn đủ tay chớ có đui què mẻ xứt gì đâu mà cứ lần quần kiếm sống bằng cái nghề mà thiên hạ biết ra thì thế nào cũng chưởi ông chưởi cha đào mồ, cuốc mả ông bà mình đổ xuống sông xuống biển.

Cô Hai Hỏn cảm động rưng rưng. Một thân bơ vơ gá nghĩa rồi thì anh dẫn đi đâu em theo đó. Chồng khôn thì vợ được nhờ. Anh muốn tính sao thì tính. Cô bóp bàn tay chồng, mỉm cười đồng tình. Được mợi, anh ngó vô mặt vợ nói thiệt tình tứ:

- Mà tui cũng không muốn em cười tủm tỉm, liếc ngang liếc dọc với thiên hạ nữa. Mệt tim quá. Mỗi lần thấy em cười duyên với họ là tui mệt cầm canh, còn hơn biểu diễn cả tuần.

Anh đứng dậy nheo mắt:

- Cười với qua nè cưng, cười bao nhiêu qua cũng nhận hết.

Cô Hai Hỏn háy chồng một cái bén ngót còn hơn con dao cầu xắt thuốc:

- Ứ! Lãng xẹt. Vợ chồng già mà còn bày đặt ghen bóng ghen gió. Làm như thương lắm vậy.

Tư Thẹo cười ruồi:

- Hổng thương? Hổng thương mà người ta bỏ chức anh chị bến xe đò ở miệt dưới để trôi nổi với em lên tới đất Sài Gòn nầy, rồi còn tính bỏ xứ sở trụ luôn với em tới mãn kiếp trên nầy?

Mặt trời bắt đầu tạo nên một bửng sáng lờ mờ ở chân trời sau một đêm dài ngủ kỹ. Đâu đây mấy ngọn đèn đường hết thời trơ trẽn buông những tia sáng vàng vọt, ẻo lả vô duyên như mấy ả ăn sương về già còn cố níu kéo những ngày tàn không biết hổ ngươi.

Mặc dầu ngày cũ chưa thật sự chấm dứt, sinh hoạt của một ngày mới đã lục tục bắt đầu. Trong mấy đường hẻm nhỏ dẫn ra từ các khu lao động mấy người đàn bà kẻ bưng rỗ, người gánh, người gồng lũ lượt đem hàng ra chợ sớm. Trong không gian yên lặng của buổi bình minh, tiếng nói cười của họ tạo thành một bản nhạc vui tươi đầu ngày. Chừng độ mười lăm phút, nửa giờ sau, khi mặt trời bắt đầu vắt một dải mây hồng lợt xa xa, thì mấy cô cậu học trò cũng rủ nhau tới trường. Mấy đứa con trai trong bộ đồng phục quần xanh áo trắng đua nhau gõ guốc lộp cộp xuống đường phố tráng nhựa vẫn còn thưa thớt xe cộ qua lại. Mấy đứa con gái sạch sẽ trong bộ bà ba trắng, tóc kẹp sau ót nâng niu cái cặp bàng cẩn thận, tay xách bình mực tòn ten, vừa đi vừa nói chuyện líu la, líu lo hồn nhiên vô tư lự…

Đường xá chưa hoàn toàn thức giấc nhưng mấy tiệm nước ở đầu ngã tư đã mở cửa từ hồi nào, khách khứa ăn uống ồn ào, xe máy xếp thành từng hàng dài trước cửa. Mấy đứa nhỏ nghèo khổ đã bắt đầu thập thò trước cửa tiệm chờ khách ăn rồi ngửa tay kể lể xin xỏ một vài cắc lẻ. Trong tiệm mấy người hầu bàn đứng xa nhà bếp đua nhau kêu đặt thức ăn vọng vô trong “dách cô phế nại lượng cô tài báo” giọng điệu ê a kéo dài hòa với tiếng bàn toán lóc cóc của người tài phú tạo thành một không khí thanh bình giả tạo ngay từ sáng sớm của một thành phố chưa thiệt sự biết mùi chiến tranh dầu tiếng súng xa xa lâu lâu vọng lại hay thỉnh thoảng ai đó liệng một trái mảng cầu vô rạp hát hay vô đám đông.

Thỉnh thoảng một chiếc xe ngựa đầy nhóc bạn hàng đi chợ sớm, lọc cọc chạy ngang, móng ngựa gõ nhịp nhàng trên mặt lộ tạo cung bậc thật riêng tư của thành phố buổi sáng sớm, âm thanh nhỏ lần rồi mất biệt ở phía xa.

Trời đất càng lúc càng sáng tỏ, tiếng chuông xích lô “king koong king koong”  mỗi lúc một nhiều hơn. Tiếng nổ dòn tan của mấy chiếc xích lô máy và tiếng thở khình khịch của chiếc xe ô tô buýt tài nhứt báo hiệu sự sinh hoạt của một ngày nữa đã thật sự bắt đầu…

Chiếc xe thổ mộ từ phía Ngã Sáu chạy tới, ngừng lại chỗ đám đất trống ở khu “Ngã Ba Vườn Lài”. Tư Thẹo lẹ làng nhảy xuống từ phía trước, chỗ hai cái càng kẹp bên hông ngựa. Cô Hai Hỏn cũng lục đục khệ nệ với mấy cái rương dụng cụ thuốc men ở phía sau. Hai vợ chồng đứng ngắm nghía khu đất xung quanh một lát rồi cùng nhau hè hụi dọn đồ đạc tới kế bên cái mả lạn với sự giúp sức của người đánh xe.

Cô Hai Hỏn đã bận sẵn cái quần võ, ống bó túm phía dưới, mang giày “bata” áo xẩm cụt tay. Ở mỗi cườm tay cô đeo một chiếc vòng dẹp bằng thiếc theo kiểu con nhà võ trong các tuồng hát của đoàn Cầu Muối-Cầu Quan hay đoàn hát bội ở đình Thành Xương…

Cô lấy dùi, phèng la rồi xách cái trống ra đầu kia tấu lên bản nhạc đặc biệt của đoàn “Sơn Đông mãi võ”: Cờ lùng tùng xà, cờ lùng tùng cà, cờ lùng tùng xà… Cô đánh trống nhịp nhàng say sưa nhưng vẫn liếc chừng người qua lại. Mặt cô sáng lên khi thấy tiếng trống đã thu hút được số đông người mau chân tò mò…

Tư Thẹo dặn người đánh xe:

- Chiều nay chừng sáu bảy giờ anh trở lại đón tụi tui nghe. Đi lợi đằng vườn Bà Lớn! Tối nay tụi này ngủ tạm ở miếng đất trống đằng đó. Mai làm một bữa nữa ở khu chợ đầu đường Hai Mươi. Rồi tính sau.

Người đánh xe vui vẻ:

- Được mà! Chiều nay tui lợi đây khoảng đó. Có lẽ tui sẽ bỏ chuyến chót.

Anh lại cười thật cởi mở:

- Chuyến chót thường vớt được nhiều mối ngon hơn chuyến thường, nhưng mà hổng sao. Nhằm nhò gì! Hổng biết nhau thôi, biết nhau rồi thì là anh em hết. Thế nào tui cũng trở lợi, anh đừng lo.

Rồi anh nheo mặt vỗ vai Tư Thẹo như bạn tri kỷ:

- Nhưng mà anh biểu diễn cho cẩn thận nó nghe, thấy anh làm sao mà tui ớn lạnh xương sống. Có bề gì khó lòng lắm!

Tư Thẹo cười cười rồi cũng vỗ vai người bạn mới mà anh ta thấy có cảm tình  ngay khi mới gặp lần đầu:

- Coi ghê vậy chớ hổng sao đâu anh. Tui có nghề mà. Hổng thôi bộ tui điên sao mà đút đầu vô chỗ chết?

Tư Thẹo đưa tay ra để “bổ xua” như dân Sài Gòn chánh hiệu con nai:

- Thôi anh đi kẻo trễ họ vớt hết mối ngon.

Bây giờ đám con nít nghe tiếng trống đã tụ lại bộn bàng, chỉ trỏ, bàn tán. Tụi nó khoái nhứt và cũng lạ lùng nhứt về bộ đầy đủ mười tám thứ binh khí của Tư Thẹo. Chúng còn bàn ngang tán dọc rằng lát nữa chị đàn bà sẽ đấu với thằng cha đàn ông bằng mấy thứ khí giới nầy, và chắc chắn nữ tướng sẽ thắng vì đàn bà nhẹ nhàng, lanh lợi hơn đàn ông, đấu võ thì thua vì sức yếu hơn, nhưng đấu thương đao, xà mâu thì ăn chắc.

Một đứa làm lanh nói oang oang:

- Mầy hổng thấy hồi hôm cô đào chánh của gánh Tỷ Phượng mần tuồng "Đào Tam Xuân loạn trào" đánh rạp hết mấy kép khác sao? Tao nói để rồi mầy coi có trúng phóc không thì biết. Tướng tá cô nầy còn điệu hơn cô đào đó nữa.

Cô Hai Hỏn nghe không sót một tiếng nào. Thằng đó nói bô bô cái miệng, ý chừng muốn chứng tỏ với chung quanh rằng mình "ta đây". Cô không nói không rằng gì hết, đi nhiều, gặp mấy đứa nhạy miệng như vậy không phải lần nầy là một. Cô buông dùi trống, cầm phèng la vừa đi vừa xát vô đám nhỏ vừa đánh chát chúa. Tụi nhỏ bị điếc tai né né lui ra từ từ. Giáp một vòng thì cái vòng tròn con nít ở phía trong cái vòng người lớn, đã nở ra bộn bàng. Miếng đất trống này còn quá rộng. Vòng người cần phải bự hơn để khi biểu diễn khỏi vướng tay vướng chân. Nghĩ vậy nhưng cô vẫn không có hành động nào để giải quyết. Chuyện đó để ảnh lo sau. Cô để cái phèng la lên trên nắp rương rồi mở một rương khác lấy ra cái áo chẽn có gắn những miếng thiếc tròn tròn sáng chói lẹ làng mặc vào người.

Bây giờ cô Hai Hỏn không còn có vẻ một người thường nữa. Cô có hình dáng một nữ tướng như Sở Vân, Phàn Lê Huê, Lưu Kim Đính, Đào Tam Xuân, Mộc Quế Anh trong các gánh hát Hậu Tấn, Tiếng Chuông, Phước Chung…

Đoàn người bu chung quanh đã khá đông. Con nít tuy nhiều, nhưng số người lớn coi bộ cũng đã khả quan, Tư Thẹo liếc quanh để lượng định khả năng tiêu thụ của họ. Đằng kia mấy ông già ho xù xụ. Lại có một người chống gậy nữa. Tốt, mấy người coi bộ bịnh hoạn yếu đuối này vậy mà rất có ích lợi, thế nào họ cũng mua vài hộp “Sơn Đông trường lực hoàn” của mình. Không đến nỗi ế như biểu diễn ở chợ Cây Điệp. Vài cậu thanh niên chải đầu bảy ba, mắt ngó vợ chồng Tư Thẹo mà thỉnh thoảng liếc liếc mấy cô tân thời trước mặt. Mấy cô cậu này mượn mình để đảo nhãn, bắt cặp với nhau đây. Nhưng mà mình sẽ khích tướng tụi nó. Thế nào cũng trúng mối. Mấy cô cậu này chắc là bộn xu. Có ăn của họ mấy đồng bạc chắc chết xuống cũng không có tội gì đâu. Tư Thẹo nghĩ trong bụng như vậy rồi lẹ làng xuống tấn đi một đường đao ruột. Anh hươi bên này, chỉa bên kia, vớt bên nọ, phạt ngang phạt dọc, chém dưới, hớt trên thiệt lẹ làng dũng mãnh. Thỉnh thoảng anh lại chêm vào ngón nghề “hồi mã thương” đang múa như bão táp mưa sa phía trước anh dậm chân quay lại vít như chớp phía sau. Người coi chung quanh chắc lưỡi hít hà nức nở, thán phục tài nghệ…

Tuy lo biểu diễn, Tư Thẹo vẫn không quên mục tiêu của mình nên lâu lâu anh nhắm ngay chỗ mà cái vòng người cần phải dãn ra vớt lia lịa, mấy đứa nhỏ nghe tiếng đao xé gió vù vù tới, đứa nào đứa nấy xanh mày xanh mặt, bò lê bò càng ra xa, người lớn vừa né vừa thụt lùi làm mấy người ở sau bị đẩy xô, la ơi ới.

Tư Thẹo múa hết đường đao thì cái vòng người đã tròn trịa lại rộng thêm ra bộn bàng. Anh nhắm nhía công trình mình, mỉm cười đắc ý rồi mới quảng cáo:

- Kính thưa bà con cô bác. Hôm nay đoàn Sơn Đông Việt Nam chúng tôi hân hạnh ra mắt bà con cô bác ở xóm “Vường Lài” này. Mục đích chúng tôi là cứu nhân độ thế (vợ Tư Thẹo chấm nghỉ bằng một nhịp trống cờ lùng tùng xà), là giúp ông già bà cả trường lực mạnh mẽ (cờ lùng tùng xà), là giúp cho các em nhỏ vui tươi hoạt động (cờ lùng tùng xà), là giúp cho người bịnh hoạn mau chóng bình phục, sởn sơ (cờ lùng tùng xà), là giúp cho người đau mới mạnh ăn ngon ngủ khỏe (cờ lùng tùng xà)…. Hôm nay chúng tôi đem cống hiến bà con cô bác ở quanh đây môn thuốc gia truyền “Sơn Đông trường lực hoàn” (cờ lùng tùng xà, cờ lùng tùng xà). Đó là…

Tư Thẹo thao thao bất tuyệt, anh lặp đi lặp lại về công dụng thần sầu quỷ khốc của những viên thuốc tễ cơm nguội trộn cám với lọ nghẹ cam thảo, quế mà vợ chồng anh chế hồi tối hôm qua. Rồi anh đề cao những người chung quanh lên tới tận mây xanh, nào là biết xài tiền đúng chỗ, biết lo cho sức khỏe của mình, biết thương những người thân thuộc. Mua thuốc cho mình hay mua tặng người thân là một hành động vô cùng cao quý có một không hai…

Anh phùng mang trợn mắt, tán dọc, tán ngang bài học cho mọi người bị trí tò mò mà thúc đẩy một lúc thiệt lâu anh mới lục rương đưa cho họ thấy những viên thuốc tròn trĩnh, bọc trong giấy kiếng trong trong, đài các như mời mọc mọi người.

Tư Thẹo tiếp tục ba hoa:

- Chúng tôi là đại diện cho nhà thuốc chánh bên Hồng Kông, bữa nay tới đây bán làm quảng cáo nên chịu lỗ, bán một tặng một… (cờ lùng tùng xà). Chúng tôi chỉ đi qua mỗi địa phương một lần thôi, bà con cô bác không mua hôm nay sẽ không có dịp gặp cái may lần thứ hai. Mại vô! (cờ lùng tùng xà).

“Ông Hai bên này muốn mua. Cô Ba bên kia muốn mua. Cậu Hai này muốn mua”.  Tư Thẹo dựng đứng lên chuyện có người mua. Anh làm bộ như thiên hạ đã chờ sẵn để anh tới làm người cứu tinh.

- Nhưng mà bây giờ chưa tới giờ bán. Thành thật xin lỗi và con cô bác. Xin lỗi ông Hai, xin lỗi cô Ba, xin lỗi cậu Hai, chúng tôi bán sau khi biểu diễn một màn thật hấp dẫn để bà con cô bác thấy được công hiệu của thuốc “Sơn Đông trường lực hoàn”. Trước  khi biểu diễn bà con cô bác muốn mua một trả mười chúng tôi cũng không dám bán. Chúng tôi được lịnh chỉ bán sau khi đã chứng tỏ cho bà con cô bác thấy rõ cái sức mạnh mà thuốc “Sơn Đông trường lực hoàn” đem lại cho người dùng nó mà thôi.

Vợ Tư Thẹo chấm dứt màn quảng cáo của chồng bằng một hồi trống thiệt dài, đinh tai nhức óc…( cờ lùng tùng xà), (cờ lùng tùng xà), (cờ lùng tùng xà)…

Có lẽ thấy bao nhiêu đó đã đủ, Tư Thẹo chất chồng mấy hộp thuốc lên cái rương rồi lấy cây kích ra lau lau đầu nhọn. Bỗng anh phóng phập cây kích lún xuống đất sát chân mấy đứa nhỏ láu táu nhứt bọn, cứ lâu lâu xích vô làm cho cả vòng người méo đi. Cán kích rung rung. Đầu kích lún xuống đất hơn một tấc. Mọi người trầm trồ khen ngợi tài phóng kích của Tư Thẹo, chính xác và mạnh mẽ. Mấy đứa nhỏ hết dám hó hé. Chúng bảo nhau giữ trật tự, có thằng còn rầy những  đứa lấn ra khỏi cái vòng tròn tượng tượng của người bầu gánh Sơn Đông.

Có tiếng một bà già trầu nói nhỏ với người kế bên:

- Thằng cha Sơn Đông nầy giỏi thiệt, nhưng mà nó ỷ tài làm ẩu rủi gặp năm vận tháng hạn tụi nhỏ xô nhau có đứa ngã tới trước phải nó bị bắt thường nhân mạng không? Cái đó mới ở tù lãng xẹt à nhe!

Người kế bên binh vực Tư Thẹo:

- Dễ hông? Năm khi mười họa mới có một lần, người ta làm người ta đã tính trước rồi. Mấy người Sơn Đông nầy trước khi ra nghề họ đã học kỹ rồi, thành tài mới ra làm, hổng thôi gặp mấy người thầy võ thứ thiệt đòi tỷ thí, đòi đả lôi đài thì sao?

Tư Thẹo nghe câu được câu chăng nhưng anh cũng khoái trong bụng, không dè mấy ngón đòn học lóm của đám anh chị xe đò lục tỉnh lại được đánh giá cao như vậy. Anh nói lớn:

- Bây giờ tôi cần một anh thanh niên nhổ cây kích rồi giúp tui chuyện này.

Đám đông chung quanh yên lặng hoàn toàn. Người này ngó người kia. Ai cũng muốn có một người bước ra nhưng người đó không phải là mình. Họ không biết Tư Thẹo muốn gì. Họ sợ phải đứng trước đám đông, trăm mắt dòm vô “giữa thập mục sở thị”  mà mình làm gì sơ xuất hay thua sút thì sẽ bị làm trò cười. Mất mặt bầu cua chết. Ở đây đâu chỉ toàn ông già bà cả với mấy đứa nhỏ thôi, còn mấy cô nữa chi?

Tư Thẹo hiểu tâm lý e ngại đó của mấy cậu thanh niên nên cố gắng thuyết phục, anh ngó ngay một thanh niên chải đầu tém kiểu kép hát Út Trà Ôn, giải thích:

- Tôi không dám nhờ anh em làm chuyện gì khó. Anh em cứ mạnh dạn bước vô chỉ làm điều gì tôi nhờ mà thôi. Không có chuyện tỷ thí đâu. Rừng nào  cọp nấy. Tôi đâu dám làm chuyện thất sách.

Mọi người vẫn yên lặng. Người này thúc cùi chỏ chỗ người kia, nhưng không một ai bước ra khỏi vòng tròn.

Bỗng có tiếng nói lớn:

- Có thằng Tây với ba thằng mặt gạch đây. Nếu anh có giỏi thì kêu tụi nó làm. Tụi tui mới phục.

Những người khác phụ họa nhao nhao:

- Phải phải. Giỏi thì bắt mấy thằng Tây làm coi thử.

Tư Thẹo dòm chung quanh. Mấy anh thanh niên nầy bún thiêu quá. Chắc mẩm là họ nhát rồi. Nhưng mà mình cũng không muốn lộn xộn với mấy thằng Tây làm gì. Tây u khó lòng lắm. Tư Thẹo bối rối còn chưa biết tính sao. Anh đưa mắt hỏi ý kiến vợ. Cô Hai Hỏn nhìn anh nhưng cũng không nói gì. Anh thấy mình phải quyết định mau. Chỉ ngại ngôn ngữ bất đồng, chớ còn sức lực thì không có gì phải lo ngại. Anh liếc mắt về chỗ mấy thằng Tây đang bá vai, cọ vế mấy ả tân thời. Một thằng trắng. Ba thằng đen. Thằng trắng có vẻ hiền từ nhất và nhỏ con nhất. Có thể đối phó được. Anh bước tới trước mặt nó, đưa tay làm dấu mời nó ra nhổ cây kích lên. Thằng Tây trố mắt nhìn anh. Nó ngạc nhiên hết cỡ nên quay lại hỏi cô bạn đứng kế bên. Cô này hất mái tóc quăn của mình ra sau ót rồi xí xô một tràng. Thằng Tây rẽ ra khỏi đám đông ra ngoài. Nó ơ hờ đưa một tay nhổ cây kích lên. Chắc trong bụng nó nghĩ rằng không cần phải dùng hết sức. Nhưng nó đã lầm, cây kích gắn chặt xuống đất làm cho nó phải lấy thêm tay kia phụ sức mới nhổ lên được. Nó cầm cây kích thủ theo thế võ cận chiến của súng gắn lưỡi lê chỉa lia lịa vô bụng Tư Thẹo.

Ngoài kia có những tiếng kêu trời nho nhỏ. Một vài người nhát gan đưa tay lên ngực như sắp bị đứng tim. Trong nầy Tư Thẹo điếng hồn, anh ta thụt lùi lại mấy bước.

“Thấy ông bà ông vải hông? Thằng nầy nó khùng lên giở cận chiến để đánh với Việt Minh ra ở đây thì mệt cầm canh. Tiếng Tây tiếng u mình ù ù cạc cạc làm sao cho nó hiểu được”. Tư Thẹo thấy tức mình, tức luôn anh thanh niên đã đưa đề nghị xỏ lá nầy. Tuy vậy anh vẫn làm tỉnh, vừa cười vừa khoát tay vừa xổ cái vốn liếng tiếng Tây không bằng lá mít của anh:

- Nông. Nông. Mông xừ!

Thằng Tây hiểu ý dừng bộ lại. Cô Hai Hỏn đã đứng bên nó lúc nào, mỉm cười tay đưa ra đỡ lấy cây kích rồi ra dấu cho nó biết những gì nó phải làm.

Cô xuống tấn, cấp cán kích vô nách hướng về Tư Thẹo. Tư Thẹo tới gần, xuống trụ, hai tay gồng lên để lộ ra những bắp thịt cuồn cuộn, đồng thời anh nín hơi, vận nội công, bạnh cầm ra để chuyển hết sức mạnh vô cần cổ. Bây giờ người chung quanh mới chú ý thấy chỗ yết hầu anh có vài dấu lủng cạn, đen đen. Cô Hai Hỏn đưa đầu nhọn của cây kích vô đó và ra bộ đẩy tới. Tư Thẹo bấu mấy ngón chân chặt xuống đất sẵn sàng cuộc biểu diễn. Thằng Tây bây giờ đã hiểu nó phải làm gì. Nó lấy cây kích từ tay cô Hai Hòn, nó cũng cặp cán kích vô nách chịu thế để đẩy vô yết hầu của anh Tư Thẹo. Tư Thẹo lượng sức địch thủ: “Thằng nầy coi vóc vác vậy mà chắc không bền, chưa gì hơi thở đã không điều hòa rồi. Nó đi chung với mấy cô tân thời ra đây quá sớm. Thế nào nó cũng tiêu tán sức lực nhập trận hồi tối hôm qua. Chắc chắn không còn bao nhiêu xí quách nữa đâu. Không cần hạ nó ngay. Cần phải làm cho nó không cảm thấy mất mặt mà người coi thích thú mới được”.

Nghĩ vậy cho nên Tư Thẹo không dùng hết sức mình. Anh chỉ giữ tấn chịu đựng để khỏi bị đẩy lui chớ không lấn tới. Thằng Tây dùng hết sức. Nó phùng mang trợn mắt. Hai cằm bành ra, môi mím chặt, cố hết sức để đẩy lui đối thủ. Chân mặt của nó cong lại, chiếc giày trận bấu chặt vô đất, chân trái duỗi thẳng ra, gót ấn mạnh xuống để làm điểm tựa. Nó hy vọng hạ đối thủ bằng cách dùng hết sức mạnh của mình ngay từ lúc đầu.

Cái vòng tròn người trước đây xôn xao, nhúc nhích bây giờ như được làm bằng một khối kim khí, bất động, lặng trang. Có người nín thở, có người mím môi làm như là mình đương đấu sức với thằng Tây ngoài đó chớ không phải là Tư Thẹo.

Cô Hai Hỏn nãy giờ vẫn đánh trống và gõ phèng la đều đều. Nhạc trống Sơn Đông giờ đây có vẻ như nhịp trống trận, có tác dụng như thúc hối cổ võ hai bên ráng đem phần thắng về mình.

Tư Thẹo thấy biểu diễn bao nhiêu đó đã đủ. Mười phút rồi còn gì. Chắc bà con đã thỏa mãn, không cần kéo dài thêm nữa. Anh ngó ngay mặt đối thủ tên này hít hơi vô buồng phổi anh thụt một bước dài ra sau. Thằng Tây khoái chí quên chuyện thở, nhón cẳng bước tới… Lẹ như chớp, Tư Thẹo nương lúc địch thủ đứng một cẳng, cẳng kia chưa kịp để xuống đất đẩy mạnh tới. Thằng Tây bị phản công bất ngờ xiểng niểng, gượng không được, phải bước lùi năm sáu bước. Tư Thẹo lẹ làng đưa tay nắm đầu kích, dằn mạnh một cái tuột khỏi tay thằng Tây. Anh cầm ngang đưa lên trời để làm dấu chiến thắng rồi đưa tay ra bắt tay đối thủ tỏ ý thân thiện. Thằng Tây ngạc nhiên trước sức mạnh của Tư Thẹo, nó phục ra mặt nên lẹ làng đưa tay ra vừa bắt vừa nói một tràng tiếng Tây, Tư Thẹo không hiểu gì nên chỉ nhe hàm răng ra cười cầu tài.

Có tiếng một cô gái son phấn đâu đây nói lớn:

- Nó nói nó phục anh lắm đó. Nó nói nếu anh ở bên Tây thì anh làm giàu bởi vì người ta sẽ mướn anh đóng phim, anh sẽ nổi tiếng.

Tư Thẹo “mẹt xi” lia lịa.

Vừa lúc đó Tư Thẹo bỗng nghe tiếng xôn xao rồi tiếng gió rít sau lưng, với phản ứng tự nhiên của người từng đụng độ dao búa nhiều lần anh tràn mình tránh khỏi. Thằng mặt gạch đánh lén anh mất đà chới với, anh đưa tay đẩy nhẹ vô lưng nó. Nó chúi nhủi tới trước. Tư Thẹo còn đương chưa biết chuyện gì xảy ra thì hai thằng mặt gạch khác đã lách đám đông ào ào nhảy vô.

Có tiếng đàn bà la hét bằng một thứ tiếng Tây ba rọi. Nhưng tình thế đã tới lúc không còn thể cứu chữa nổi. Tư Thẹo thấy cần phải cho tụi nó sợ nên anh nhảy tới đá vô mặt một thằng khi tên này xông tới định bóp cổ anh. Nó nhào lộn hai ba vòng, chổng bốn vó lên trời rồi nằm yên không nhúc nhích. Hai tên còn lại thấy vậy nên khựng lại thủ thế. Tư Thẹo hét lớn về phía mấy cô tân thời đã cặp kè với mấy thằng trời đánh nầy hồi nãy:

- Mấy cô nên lôi mấy ông trời con nầy đi không thôi tụi nó chết hết mất công lắm à.

Rồi anh cúi xuống đỡ tên bị đá ngồi dậy, mắt vẫn lom lom ngó chừng hai thằng kia. Mấy cô bạn của tụi nó thừa dịp nầy ào ra vừa xỉa xói vừa vả lia lịa vô mặt hay đấm thùm thụp vô lưng chúng rồi kéo chúng ra về. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Một vài người vỗ tay rồi đám đông vỗ tay rần rần. Họ hoan hô vang trời dậy đất. Một vài người buột miệng:

- Vậy mới phải là người làm nghề Sơn Đông mãi võ. Vậy mới đáng mặt anh hùng: tài nghệ, bình tĩnh, độ lượng, biết tấn công đúng lúc.

- Cái đá của anh ta cao quá. Tui thấy bộ dạng mấy thằng lính “săn đá” đó là tui ớn rồi, mà anh ta hạ thằng lớn con nhứt như chơi. Tụi nó coi hùm hổ, thằng nào thằng nấy mạnh như con trâu cui mà phải xếp vó chịu thua, vậy mới biết nghề của anh này khá tới mức nào.

Có tiếng khác gắn liền với thời sự:

- Có vậy tụi nó mới nể người Việt Nam. Việt Nam mình có thua ai?

Vợ chồng Tư Thẹo trao đổi ánh mắt lo ngại với nhau. Qua cơn biến động bây giờ họ mới thấy sự rắc rối của câu chuyện. Nếu mấy thằng đó nuốt giận chịu thua thì dễ. Nếu tụi nó tức khí về trại ở đường Hui-Bon-Hoa kéo cả lũ tới thì mệt cầm canh. Mà bây giờ thế đã cỡi cọp không thể leo xuống được. Phải tiếp tục chuyện bán thuốc. Sớm mơi tới giờ có bán thuốc. Sớm mơi tới giờ có bán được cắc nào đâu. Không lẽ dọn đồ nghề ra về?

Cô Hai Hỏn lanh trí không cần hỏi ý chồng, cô cầm lên cả chục hộp thuốc bắt đầu giọng quảng cáo kích động:

- Kính thưa bà con cô bác. Chắc bà con cô bác đã biết nhờ đâu anh này có thể hạ mấy thằng “săn đá”? Nhờ đâu anh ấy có sức mạnh như vậy? Đó là nhờ thuốc “Sơn Đông trường lực hoàn”. Sơn Đông trường lực hoàn là thứ…

Bữa đó vợ chồng Tư Thẹo bán không còn một viên thuốc giả để… làm thuốc.

*

*           *

Chú Tư với tay lấy cái bình tích chế nước nóng pha lợt ly cà phê trước mặt, đưa muỗng quậy liên tu bất tận như để che dấu một sự bối rối gì đó, nói một câu không ăn nhậu gì hết với câu chuyện vừa kể:

- Cà phê bắp rang coi vậy mà cũng tới quá chớ. Hết cà phê Ban Mê Thuộc, mậu[i] cà phê Martin thì mình xài cà phê bắp rang cũng được. Chết ai? Đâu cũng vô đó.

Chú xòe bàn tay đưa ra trước mặt làm một cử chỉ mời rồi hớp từng ngụm nhỏ, thưởng thức:

- Chú ám chỉ cái gì con nít còn bồng cũng còn biết đâu cần phụ họa. Ngồi cho vui chớ tôi chạy tét ba cái nước đen đen khét khét mùi vị không ra đám ôn gì mà còn tốn tiền.

- Mà sao chú Tư với thím Tư giải nghệ đi?

Chú Tư xoay xoay cái ly, cặp mắt xa xăm, giọng trầm ngâm:

- Phải giải nghệ, chơi trò xí gạt thiên hạ hoài bụng dạ không yên. Nhiều khi tôi tức mình sao cứ làm những chuyện chúng rủa không. Nhỏ thì đi theo tụi đá cá lăn dưa giựt đồ của bạn hàng trong chợ, lớn lên một chút thì theo mấy tay anh chị đứng bến xe đò hún hiếp người cô thế. Lúc mê bả thì đi làm Sơn Đông mãi võ, gạt bán thuốc cơm nguội cho chúng, không có lúc nào làm ăn lương thiện hết.

Tôi thấy mình cần phải nói câu gì đó để làm nhẹ đi lương tâm của chú.

- Bề gì chú cũng đã ray rứt mấy chục năm nay rồi.

Tôi muốn nói chú như ông ăn cướp có lòng thành sau đó được thành Phật, trong chuyện đời xưa “Sự tích con chim bìm bịp” nhưng nín kịp, sợ mích lòng, chỉ nói ầu ơ ví dầu:

- Mà cả chục năm nay từ ngày chú thím tới mở tiệm tạp hóa ở xóm nầy tới giờ, tôi đâu có thấy chú bị tai tiếng gì đâu nà. Có thể nói chú là một trong số ít người tốt nhứt ở xóm chợ Bà Chiểu này nữa là khác.

Chú Tư cười hề hà:

- Thì vậy chớ sao, bỏ nghề đạo tặc rồi. Tu. Tu nhà, tu chợ.

Rồi chú tâm sự:

- Hồi đó, đâu một ngàn chín trăm năm mốt, năm hai gì đó, tôi giải nghệ nghề Sơn Đông vì tức mấy thằng Biện Chà đá đít liệng đồ. Tụi nó vui thì thôi, mình đánh trống múa lân nó cũng làm thinh, chừng buồn buồn lựa lúc mình đang bán thuốc đuổi thiên hạ đi lại còn liệng đồ đạc của mình. Tức cành hông mà phải dằn: đời dân nô lệ nó chó đẻ vậy đó, không có tự do.

Chú bóc gói thuốc "Ba con Năm" nội hóa vấn bằng lá cờ, bập bập tiếp:

- Thét rồi[ii] tôi chán, giải nghệ mua một căn nhà lá ọp ẹp ở đường Hai Mươi gần vườn Bà Lớn. Tôi làm thuê vác mướn, bả vá may bậy bạ cũng đấp đổi qua ngày.

Mấy đứa nhỏ con ai không biết, rủ nhau tới tiệm dòm lom lom vô tô hủ tiếu của một hai người thực khách hiếm hoi đương ngồi xa xa đầu kia. Chúng chỉ trỏ xí phần rồi cãi nhau om xòm. Chú Tư theo dõi không xót một cử chỉ nào cái hoạt cảnh đáng buồn trước mặt.

- Lúc đó tôi chưa có xấp nhỏ, để dành cũng dễ. Chắt mót đâu được một thời gian thì mua được căn nhà cũng khá khá ở chợ Bàu Sen...

Nói tới đây mặt chú buồn buồn, chú thở dài sườn sượt:

- Bôn ba không qua thời vận, chắt mót rồi cũng đút cho bà hỏa hết. Tôi đi làm, bả ra chợ, nhà cháy không còn một tấm giẻ rách để bận, ôm hai đứa con tụi tui thiếu điều tự vận.

Tôi hỏi để làm loãng không khí u ám của câu chuyện:

- Phải trận cháy lớn quá mạng khoảng một ngàn chín trăm năm mươi ba đó không? Hồi thiên hạ đồn vợ nhỏ Hùm Xám Cai Lậy đốt nhà đồng bào để bán tôn chớ gì?

Chú Tư nhích mép như mỉm cười xác nhận, chú nói giọng nhân đức của người có thiện tâm:

- Thì lúc đó đó, nhưng mà mình cũng không biết ai đốt, đốt để làm gì. Nghe đồn bậy bạ đề án tử người ta, không có thiệt thì tội chết.

Chú xuống giọng như ông già bảy mươi:

- Ở đời kỵ nhứt là kết tội người ta mà mình không biết hư thiệt như thế nào. Ghét ai phao phản người đó là này là nọ, tôi thù tận mạng mà cũng không bao giờ tôi làm. Oan cho người ta tội nghiệp. Bây giờ nè...

Tôi thấy cần tốp chú Tư lại, bẻ đề tài câu chuyện qua một góc nhìn chín chục độ:

- Chú Tư biết không, lúc nhỏ tôi mê coi Sơn Đông mãi võ số một. Tôi đâu có biết thuốc của họ hay dở thế nào. Hồi đó tôi nhỏ hí với lại có thử lúc nào đâu mà biết nhưng mà tôi ưa coi họ múa võ lắm. Nhiều khi đợi họ mấy tiếng đồng hồ, bực mình thấy mồ, họ cứ quảng cáo thuốc lia chia, lập đi lập lại hoài mà không làm trò. Kiên nhẫn lắm mới coi được một trò thì vừa coi vừa hồi hộp sợ về bị đòn... Chú biết không, có bữa chờ hoài không được coi biểu diễn, tôi liều mạng ngồi đợi tới cùng, tối quá mà họ vẫn không diễn cái trò đã quảng cáo, báo hại về bị ông già chộp cổ...

- Vậy đó, mấy chú nhỏ thì muốn coi múa võ, coi cho đã mắt trò nầy trò kia. Người bán Sơn Đông thì muốn bán thuốc, võ chỉ là mánh khóe vừa để tụ họp thiên hạ lại vừa xí gạt thiên hạ rằng họ có nghề là nhờ uống thuốc Sơn Đông.

Tôi vẫn không kềm chế được ý muốn kể cho chú nghe kỷ niệm của mình:

- Hồi đó tôi được coi cả chục đoàn Sơn Đông biểu diễn lận. Không kể đoàn của ông Lê Văn Quý chuyên môn diễn và hát thuật. Có một đoàn người Tàu rất đông, trò đặc biệt của họ là trò "Tam anh đại chiến Lữ Bố" ba người cầm khí giới của Lưu, Quan, Trương đánh với một người cầm cây "Phương thiên họa kích" đóng vai Lữ Bố. Coi cũng mát con mắt lắm. Có một đoàn của một cặp vợ chồng Việt Nam, anh chồng biểu diễn như chú hồi đó vậy, cũng lấy cây kích cho người ta đẩy vô giữa yết hầu. Tôi khoái ông ta nhứt vì ông ta là Việt Nam. Tôi còn nhớ ông ta có một cái thẹo dài ở ngang lưng. Cái thẹo đó cắt con cọp xâm trên lưng ông ta ra làm hai khúc. Coi thiệt là đẹp, thiệt là lạ. Nó như một tấm hình vẽ bị xé ra làm hai. Mà là hình vẽ trên một cái lưng bề ngang bự như một tấm thớt, bắp thịt cuồn cuộn, lấm tấm mồ hôi, lóng lánh như sao đêm.

Chú Tư cười rạng rỡ nhưng bí hiểm. Chú ngó xuống ngực mình, cái áo sơ mi dài tay lòng thòng không che giấu được mình mẩy ốm nhom ốm nhách của chú. Chú tính nói gì, nhưng rồi lại làm thinh, mân mê điếu thuốc bằng mấy ngón tay xương xẩu, da thịt nứt nẻ, đóng khói vàng.

- Tôi còn nhớ hồi đó, đâu tôi chừng bảy tám tuổi có một cái răng cửa bị xiết ăn lung lay quá cỡ. Ngồi trong lớp tôi cứ lấy lưỡi đẩy đẩy nó ra hoài. Hy vọng nó rớt ra. Mà đâu có được. Đẩy mạnh thì đau, lưỡi thì thụt lại. Nó hành hạ tôi cả tuần. Bữa đó đoàn Sơn Đông của cặp vợ chồng này quảng cáo thuốc sâu răng gia truyền và có nhổ răng thí. Tôi lấy hết can đảm bước ra cho ông ta nhổ răng. Chú biết sao không?

Chú Tư đưa tay chận tôi lại:

- Thầy Hai để tôi nói coi trúng không?

Tôi ngạc nhiên nhưng cũng ngưng nói, đưa ly cà phê lên nhấm nháp từng hớp thiệt nhỏ rồi mở gói ny-lông trong túi vấn một điếu thuốc bằng giấy báo cũ:

Chú Tư ngó châm bẩm vô mặt tôi, cười hề hề:

- Chắc anh ta một tay bợ cằm thầy Hai, một tay hờm sẵn, anh ta hỏi đâu đâu, chờ khi thầy Hai mở miệng trả lời là anh ta đẩy bật cái răng ra chớ gì? Có khó gì đâu? Đâu cần học tới bằng cấp bác sĩ mới biết nhổ mấy cái răng cơm sườn đó.

Tôi cười theo, vui thiệt là vui.

- Vậy mà lúc đó tôi đâu có  ngờ. Bây giờ chuyện gạt con nít đó quá tầm thường. Tôi cũng thường hay nhổ ba cái răng sữa của các con tôi kiểu đó. Nhưng mà phải phục ông ta sáng trí, biết cách làm cho mình chú ý tới một cái gì khác để quên thực tại và ông ta đã thành công.

Chú Tư ngắt lời tôi:

- Như mình bây giờ "thiên hạ" biểu chống nầy chống kia, chống đông chống tây, chống tam hoàng xích đế, để mình quên dòm lại mình chỉ còn cái quần xà lỏn rách, cơm cũng không có mà ăn.

Tôi trở về đề tài kỷ niệm của mình, không muốn chết chùm vì lời phát ngôn của người đối diện:

- Chú Tư biết không, lúc ông ta bẻ cái răng, đau thiếu điều xón đái trong quần, tôi nhón người lên, đưa hai tay gỡ tay của ông ta, buông cái cặp bàng xuống đất. Cặp đã rách ra làm hai sẵn nên sách vở văng tùm lum tà la, bình mực bỏ trong cái lon sữa bò tôi thường xách tòn ten cũng lăn long lóc, đổ mực ướt dài trên mấy cuốn tập. Bữa sau vô lớp bị ông thầy già quất roi mây một trận muốn quíu đít luôn.

Chú Tư cười ha hả:

- Vậy là vô tình tôi hại thầy Hai rồi.

Rồi không để tôi ngạc nhiên lõ mắt dò hỏi lâu hơn. Chú trật áo đưa hình con cọp xé hai trên cái lưng da nhăn nhó. Con cọp không còn hùng dũng nữa, trái lại như mếu máo xệu xạo. Tuy vậy nó vẫn có một cái vẻ gì đó khiến tôi nhận liền ra được như một người quen sau mấy chục năm xa cách.

Chú nói chậm rãi, mắt đăm đăm theo dõi cái bóng nắng đang từ từ liếm một cái lỗ bự trên nền xi măng trước cửa:

- Tôi nhổ răng cho quá nhiều người, họ nhớ tôi, chớ tôi không nhớ họ. Như thầy Hai dạy học trò vậy mà. Học trò nhớ thầy chớ thầy làm sao nhớ hết học trò.

Tôi nói để lấp liếm sự mắc cỡ về cử chỉ của mình hồi nhỏ:

- Vậy là tôi mang ơn chú rồi. Mang ơn mấy chục năm nay mà hổng biết. Nhờ chú tôi được bài học "dương đông kích tây". Tôi nói thêm, bắt chước giọng của mấy ông già bảy mươi gần kề miệng  lỗ:

- Nhiều khi ngồi không buồn buồn nhớ lại chuyện Sài Gòn mấy chục năm về trước thấy cũng hay hay ngồ ngộ. Tiếng xe thổ mộ lọc cọc đánh nhạc buổi sáng, âm thanh đều đều trong trẻo có cái gì đó mát mát vui vui khó tả vô cùng. Buổi chiều đi học về nghe tiếng phèng la của đoàn Sơn Đông mãi võ thì không còn gì hấp dẫn hơn, cây roi mây chờ sẵn ở nhà cũng tấp vô. Mấy bữa nghỉ học, trời xế xế, vừa ngủ dậy nghe tiếng kèn tây của đoàn nhạc sĩ mù thổi mấy bản ái quốc thì nức lòng nức dạ không sao nói nổi, chém chết cũng đi theo họ, lòng vòng có khi xa thiệt xa nhà mà không hay. Mấy thứ đó là những kỷ niệm khó quên của thời thơ ấu, nhớ lại mà tiếc hùi hụi.

Chú Tư gật gù nhưng vẫn không bỏ được tánh trời cho:

Bây giờ những thứ đó cũng có nhưng dưới hình thức khác hơn một chút: Nè nghe! Tiếng nhạc xe ngựa lọc cọc buổi sáng được thay bằng mấy cái loa phóng thanh lè nhè "tiến nhanh, tiến mạnh"... Tiếng phèng la của đoàn Sơn Đông mãi võ với những khẩu hiệu trời ơi đất hỡi có khác gì đâu nà, cũng mời gọi quyến rũ, cùng gạt người ta bằng nguyên tắc đưa ra một thực tế để tuyên truyền cho một thực tế khác, xa lắc xa lơ không ăn nhậu gì với nhau hết, suy nghĩ nát óc cũng không thấy chúng liên quan ở chỗ nào! Tôi nói ít chắc thầy Hai hiểu nhiều, còn mấy bản kèn ái quốc của đoàn nhạc sĩ mù hả, được thế bằng diễn văn tràng giang đại hải của mấy cha nội chớp bu mù tịt về cách xây dựng đất nước nhưng luôn luôn xô đẩy người ta đi theo con đường của mình.

Tôi rùng mình ê càng trước lời phát ngôn oang oang của chú Tư. Cha nội nầy già mà còn hăng máu ngà quá, may mà quán quen, chung quanh không có mặt lạ. Đời bây giờ đâu cần nói hết ý…

Tôi dòm quanh quất một lần nữa chắc bụng không có tai vách mạch rừng rồi mới gật đầu biểu tình vừa đốt cho pháo nổ thêm:

- Chú nói không trật vô đâu được. Có sự thay đổi nhưng mà những thay thế đó chắc không được mấy người ưa.

Chú Tư phản đối quyết liệt, cùn quằng như đuôi thằn lằn bị đứt:

- Sao lại không? Ít nhứt là tụi theo đóm ăn tàn, là bọn đâm cha giết chú lấy chị dâu. Đời thiếu giống gì bọn theo gió trở cờ. Nhưng mà những kỷ niệm thời thơ ấu của thầy Hai nó đẹp, nó điểm tô cho cuộc đời của thầy Hai. Còn kỷ niệm của tuổi trẻ bây giờ hả? Ác mộng! Dòm mà tội nghiệp!

Hai đứa con gái nhỏ đâu độ bảy, tám tuổi, quần ống thấp ống cao, ý chừng là em của đứa nào đó trong bọn trước, ở đâu chạy tới đứng ngó thèm thuồng, mấy đứa con trai giành nhau húp một chút nước lèo cặn xót lại của một thực khách vừa đứng dậy.

Chú Tư bắt gặp tôi theo dõi cảnh tượng từ đầu đến cuối, hất hàm như hỏi đố về người trách nhiệm cho hoạt cảnh đau lòng nầy.

Tôi ngó đi chỗ khác. Mấy câu nói thẳng như ruột ngựa của chú: "Tiếng phèng la của đoàn Sơn Đông mãi võ với những khẩu hiệu trời ơi đất hỡi có khác gì đâu nà". "Kỷ niệm của tuổi trẻ bây giờ hả? Ác mộng" xoáy mòn tim tôi, quậy lên các chất chua trong bao tử. Tôi nghe mình chóng mặt muốn mửa vì một nỗi buồn mênh mông bao vây...

Chúng tôi ngồi đó, làm thinh ngó nhau một lúc thiệt lâu, hàng thế kỷ có lẽ, ai chìm trong sóng ý tưởng nấy, nhưng tôi biết cả hai đương có một sự tương thông kỳ lạ.

Tự nhiên tôi thấy thương chú Tư quá, thương một người đã già mà vẫn còn dằn vặt vì chuyện "làm bậy" để sinh tồn của mỉnh từ cái thuở xa xưa nào đâu, thương một người biết đau về nỗi bất hạnh của thiên hạ, của tuổi trẻ bị bỏ quên….

 



[i] Mậu: không có, theo tiếng Tàu chợ lớn.

[ii] Thét rồi: Lâu ngày chầy tháng, lâu dần.