Văn Hóa
Văn Minh



Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc

Ngày: 16/01/2008

Khó ai ngờ những chiếc bánh tráng, bánh phồng mộc mạc đơn sơ được làm ra từ một làng quê hẻo lánh ở Bến Tre nay lại viễn du sang tận trời Âu, trời Á. Có phải người ta ăn những chiếc bánh trên là để nhớ đến hương vị ngọt ngào cùng những kỷ niệm êm đềm nơi quê hương xứ sở?

Trăm năm bánh tráng Mỹ Lồng

Nép mình dưới những vườn dừa xanh tươi mát rượi nằm phía bên kia chân cầu Chẹt Sậy là những xóm nhỏ bao đời qua chuyên làm nghề bánh tráng, loại bánh tráng nổi tiếng mà người ta quen gọi là bánh tráng Mỹ Lồng (nay thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, Bến Tre).

Dòng họ, gia đình của chị Nguyễn Thị Xuân Đào ở ấp Nghĩa Huấn (Mỹ Thạnh) đã bốn đời làm nghề tráng bánh tráng. Chị Xuân Đào cho biết, hằng ngày, chị thức dậy vào lúc nửa khuya. Công việc trước tiên của chị là ra đứng trước sân nhà, nhìn trăng, nhìn sao để đoán coi một ngày mới đang đến trời có mưa hay không. Nếu thấy chắc ăn bữa nào trời không mưa, chị mừng thầm và sẽ bắt tay vào công đoạn đầu tiên của việc làm bánh tráng: xay bột. Bởi, làm bánh tráng mà đụng phải trời mưa, trời suốt ngày cứ âm u, thiếu nắng thì bánh làm ra sẽ bị chua.

Sau một đêm mắt thâm quầng do thức để tráng bánh tráng, giọng chị Xuân Đào khẽ khàng: “Bánh tráng Mỹ Lồng làm từ bột gạo. Gạo phải thuộc loại hạng nhất, đặc biệt thơm ngon như giống Trắng tép hay Tài nguyên. 1 kg bột pha đúng với 1 kg nước cốt dừa. 10 kg gạo sẽ cho ra y chang 220 chiếc bánh tráng béo. Nhưng “cao tay ấn” hay không là ở khâu xay bột và pha bột, vì làm bánh tráng “kỵ rơ” với trời mưa, tất cả thao tác phải tranh thủ khít khao từ lúc nửa đêm cho đến sáng để kịp phơi bánh khi nắng vừa lên”.

Mặt khác, để đủ sức cạnh tranh trên thương trường thì những chiếc bánh làm ra phải đẹp, tròn trịa, đều đặn, chiếc nào cũng như chiếc nấy dù tất cả các công đoạn, thao tác đều làm bằng tay.

Công việc làm bánh tráng tại hộ chị Xuân Đào trông thật đơn giản. Về nhân sự, chị Đào thủ vai chánh, tức ngồi suốt bên bếp để múc từng gáo bột, tráng thành từng chiếc bánh rồi khéo tay đặt bánh sắp hàng dọc trên những chiếc líp (đan bằng hai tàu lá dừa); còn bà mẹ và chồng của chị thì canh chừng đun củi tàu dừa vào bếp và khiêng bánh ra sân phơi. Nói vậy chứ không dễ đâu, như việc đun củi chẳng hạn, phải chịu khó vì tráng bánh chỉ cần lửa cháy liu riu. Còn phơi bánh, phơi dưới nắng tốt bánh mới khô ráo. Nhưng để lấy bánh ra khỏi những chiếc líp mà không bị hỏng thì phải tiếp tục đem phơi sương cho bánh dẻo lại mới dễ gỡ ra.

Chị Xuân Đào than: “Vật giá năm nay thứ gì cũng lên ráo trọi. Năm 2006, dừa làm bánh chỉ 20.000-22.000 đồng/chục (12 trái) còn năm nay dừa lên 25.000-26.000 đồng/chục, trong khi đó nước cốt dừa chiếm 50% trong thành phẩm một chiếc bánh tráng!” “Vậy là bánh lên giá thôi, phải không chị Đào?”- tôi hỏi. Chị Đào trề môi: “Đâu dễ. Hiện ở Mỹ Thạnh có khoảng 100 lò làm bánh tráng như tụi này, nếu mình tự lên giá, bạn hàng sẽ tìm đến chỗ khác lấy bánh, chết luôn! Tuy nhiên, do mình vẫn giữ chất lượng bánh y chang như nào giờ nên bánh được các mối đặt hàng làm nhiều hơn, nhất là vào mùa tết như hiện nay”.

Trong khoảng 100 lò làm bánh tráng hộ gia đình lớn nhỏ ở Mỹ Thạnh, với trung bình sản xuất 500 bánh/ngày/lò, thì lò của anh Hai Nghiệp đáng chú ý nhất vì vài công đoạn sản xuất ở đây đã được “hiện đại hóa”. Với lò bánh tráng của Hai Nghiệp, bột bánh được xay bằng cối điện và bánh được “cải biên” thêm sữa, ăn rất thơm ngon. Tuy vậy, số nhân công ở đây cũng không trên 10 người.

Trải bao đời qua, nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng thật lặng lẽ, lai rai, nhưng lâu dài đã nên danh, và cũng đã giải quyết được việc làm cho phần lớn lao động tại địa phương.

Bay xa bánh phồng Sơn Đốc

Chợ Sơn Đốc nay thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm (Bến Tre), nơi từ xa xưa đã nổi danh với đặc sản bánh phồng nếp “rặc ri”. Ông Võ Văn Chôm (Sáu Chôm) kể: “Qua (tôi) năm nay 85 tuổi nhưng hồi còn nhỏ đã thấy ông bà nội của qua làm bánh phồng rồi. Nhưng hồi đó quết bánh phồng là để phục vụ cho quét mộ, đưa ông Táo, rước ông bà, cúng kiếng ba ngày tết chớ ai nghĩ tới chuyện bánh phồng tham gia hội chợ, chu du khắp cả nước và bay sang cả bên Tây, bên Tàu như bây giờ”.


Cán bánh phồng

Tôi ăn thử miếng bánh phồng Sơn Đốc vừa quết mấy ngày qua tại lò của ông Võ Văn Thành, con trai bác Sáu Chôm. Miếng bánh phồng vừa để vào miệng đã ngập hết răng, giòn tan và dư vị đọng lại rất lâu. Ông Ba Thành cho biết, lâu nay, bà con ở Hưng Nhượng làm bánh phồng từ giống nếp trồng tại quê nhà như giống nếp sáp, nếp Bà Bóng, giống bốn tháng rưỡi chẳng hạn. Bây giờ, quết bánh phồng đã có máy trợ lực, trợ sức, còn trước đây thì phải…bằng chân. Những đôi chân dẻo dai của các thanh niên lực lưỡng trong làng thay nhau đạp chày, từ nửa đêm đến sáng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Cực lắm. Ở khâu bắt bột, cán bánh cũng thế. Các chị bắt bột phải “bóc” sao cho mỗi phần bột trọng lượng như nhau để tránh khi cán bánh bị quá mỏng hay quá dày. Còn cán bánh, các chị với con mắt tinh tế và đôi bàn tay khéo của mình phải cán sao cho mọi chiếc bánh tròn trịa như nhau với đường kính 15 cm, sau cùng mới mang ra sân phơi. Cứ 10 lít nếp (cộng với đường cát, nước cốt dừa…) sẽ cho ra khoảng 300 chiếc bánh phồng.


Phơi bánh phồng

Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc nay đã có bước tiến đáng kể với công việc sản xuất nhuốm rõ hình ảnh công nghiệp. Anh Đặng Thanh Hải, Chủ nhiệm HTX bánh phồng Sơn Đốc cho biết: Lâu nay tại Hưng Nhượng có hàng trăm hộ lớn nhỏ làm bánh phồng. Để giúp làng nghề đi lên, đủ thực lực cạnh tranh trên thương trường, HTX bánh phồng Sơn Đốc đã được thành lập từ năm 2001. Hiện tại, HTX có 19 hộ ở xã Hưng Nhượng là xã viên. Một hộ xã viên có trung bình 10 – 15 lao động. Bánh phồng Sơn Đốc cũng đã đăng ký thương hiệu từ năm 2002. Bánh gồm 3 loại: Bánh phồng sữa, bánh sầu riêng và bánh phồng nếp truyền thống.

Cứ tưởng hình ảnh chiếc bánh tráng, bánh phồng sẽ biến mất dần giữa làn sóng bánh kẹo hiện đại, nhưng không, loại bánh mộc mạc ấy vẫn hiện hữu và không thể thiếu được trong những ngày xuân về, tết đến. Phải chăng người ta ăn những chiếc bánh tráng, bánh phồng đâu chỉ vì hương vị ngọt ngào khó quên mà còn ăn cả âm thanh từ bánh: tiếng chày khua rộn rã trong đêm báo hiệu một năm mới sắp đến nơi quê nhà?

Phan Lữ Hoàng Hà

Nguồn: http://www.bentre.gov.vn/content/view/2840/38/