Huyền thoại về Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu: Ngày ấy - bây giờ

Tấm gương giết giặc lập công của Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu vang bóng một thời đã trở thành huyền thoại và đi vào sử sách.

Dù đã bước sang tuổi 88 song người Anh hùng Cách mạng năm nào vẫn tâm niệm chừng nào trái tim còn đập, ông vẫn còn muốn được cống hiến cho Tổ quốc. Ông là một trong 10 gương mặt tiêu biểu được đề nghị vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019".

Chú thích ảnh
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu tại nhà riêng. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Trong căn nhà nhỏ nằm trên phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu xuất hiện trong bộ quân phục giản dị, với nụ cười ấm áp, thân thiện, tác phong nhanh nhẹn, khỏe hơn nhiều so với tuổi của mình.

Những tấm Huân, Huy chương, Bằng khen của Nhà nước trao tặng được Anh hùng La Văn Cầu treo trang trọng trong căn nhà. Do thành tích trong chiến đấu, ngày 19/5/1952 ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, khi đang là tiểu đội phó thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Cùng năm đó, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng thi đua ái quốc theo Sắc lệnh số 107-SL.

Được phong hàm Đại tá từ năm 1985, ông đã được tặng Huân chương quân công hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, từng là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tên ông còn được đặt cho một con đường tại phường 2, thành phố Vũng Tàu, một con phố ở Nam Định và một khu phố ở thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. 

Anh hùng La Văn Cầu sinh năm 1931, ở huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), người dân tộc Tày. Với khát khao được cầm súng giết giặc giải phóng đất nước, dù mới 16 tuổi, La Văn Cầu đã khai tăng lên 18 tuổi để được vào bộ đội. Lúc đó là năm 1948, thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ, thiếu thốn. Nhưng niềm vui, ý chí đã giúp cho chàng trai trẻ La Văn Cầu vượt qua khó khăn, vươn lên rèn luyện thành một chiến sĩ gương mẫu, giàu lòng nhân ái, được đồng đội rất quý mến. 

Bồi hồi xúc động, Đại tá La Văn Cầu đã kể về trận đánh đồn Đông Khê 2, năm 1950, đầy khốc liệt và bi tráng. Những đồng đội của ông đã hy sinh, ông là người cuối cùng may mắn sống sót, với một cánh tay lành lặn. Ông nói: "Mình phải hoàn thành nhiệm vụ thay cho các đồng đội đã ngã xuống".

Ông nhớ lại: "Tổ có 5 người do tôi làm Tổ trưởng. Lần đầu tiên chúng tôi đánh bộc phá - đơn vị bộc phá đầu tiên. Bộc phá có ít nên tôi có sáng kiến lấy mìn của địch để phá hàng rào. Lúc đó, địch bắn xuống như mưa, nhưng ai cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ nên dù có bị thương cũng không dám nói ra vì sợ mọi người nhụt chí.

Đến khi không còn trụ nổi nữa họ mới nói: "Chúng tôi bị thương nặng không làm được nhiệm vụ nữa. Các anh cố gắng làm xong nhiệm vụ và trả thù cho chúng tôi." Khi cách lô cốt địch khoảng 15 thước, hai người nữa lại bị địch bắn trúng và hy sinh. Ôm hôn vĩnh biệt các anh, lại thấy căm thù giặc hơn, tôi quyết phải trả thù cho các anh và làm cho xong nhiệm vụ."

Ông bồi hồi kể: "Đạn bắn trúng cánh tay phải và má phải của tôi. Lúc đó, tưởng chết, nên tôi cố hô Hồ Chủ tịch muôn năm, Việt Nam độc lập muôn năm. Khi tỉnh lại, một bên mình đã tê đi, cánh tay phải lủng lẳng, má phải mất. Lại nghĩ đến nhiệm vụ, tôi vùng dậy tìm gói bộc phá, nhưng lúc này rất khó đi. Tôi quay xuống tìm người nhờ chặt cánh tay để tiếp tục làm nhiệm vụ. Quả bộc phá nặng 12 kg nhưng tay trái tôi vẫn đủ sức để xách.

Qua giao thông hào thứ ba, tôi lại nhảy hụt lần nữa, vì sức đã yếu. Trong khi đó, tiếng súng liên thanh của địch cứ nổ ran, những lỗ châu mai của địch nhả đạn liên hồi - ở dưới giao thông hào tôi đã quá mệt. Nhớ đến lời Ban Chỉ huy dặn phải phá cho bằng được lô cốt này, vì Đông Khê là vị trí rất quan trọng, bảo vệ đường số 4. Lô cốt này bắn xuống đường Thất Khê và yểm hộ bốt Cam Vây. Nếu không phá được lô cốt này quân ta khó tiến. Nghĩ thế, tôi lại thấy hăng, lại xách bộc phá nhảy lên".

"Tôi tiến đến gần chân lô cốt, men lại lỗ châu mai, chờ cho địch thay băng đạn. Khi súng địch tạm im không bắn, tôi xông lại, đút quả bộc phá vào lỗ châu mai. Địch ở trong lấy báng súng đẩy ra hai lần. Lần đầu, do tay yếu không đẩy vào sâu được nên địch lại đẩy ra. Thấy thế tôi nảy ra sáng kiến lấy chân đẩy quả bộc phá vào. Lần này, nhờ có sức mạnh của chân, quả bộc phá được đẩy vào sâu, bịt chặt lấy lỗ châu mai, địch không đẩy ra được nữa.

Chạy ra xa lô cốt độ mươi mười lăm thước, tôi giật nụ xòe. Quả bộc lôi nổ rất to. Tôi bị sức ép của quả bộc phá làm ngất đi mấy phút. Lúc tỉnh lại, lô cốt đã tan tành, chỉ còn một đống gạch trắng xóa, bóng các anh xung kích từng loạt, từng loạt lướt qua mắt tôi nhảy vào vị trí Đông Khê. Tôi thấy sung sướng quá vì đã trả thù được cho bốn bạn trong tổ của mình".

Tấm gương chiến đấu của Anh hùng La Văn Cầu đã cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công trong toàn quân, trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua sử dụng bộc phá công đồn - một hình thức chiến thuật mới của quân đội ta từ Chiến dịch Biên giới năm 1950. 

Chú thích ảnh
Những thành tích của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu tại nhà riêng. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Kể lại những kỷ niệm xưa về các trận đánh lịch sử, Anh hùng La Văn Cầu không khỏi xúc động nghẹn ngào khi nhớ về những đồng đội đã hy sinh trong trận đánh đồn Đông Khê, mở màn cho Chiến dịch Biên giới. Ông nói, chừng nào trái tim còn đập, ông vẫn còn muốn được cống hiến. Đây là điều ông luôn tâm niệm trong suốt cuộc đời. Mặc dù chiến tranh đã qua đi, song Anh hùng La Văn Cầu vẫn mong được góp một phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng giàu đẹp, hùng cường.

Các cụ nói "Giàu hai con mắt khó đôi bàn tay", đối với Anh hùng La Văn Cầu cũng thế, tay phải là tay làm tay ăn, mất tay phải rồi tay trái phải cáng cho tay phải. Mặc dù có sự bất tiện, khó khăn, song ngày tháng trôi qua, ông nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới, từ bắn súng tới cuốc đất ông đều làm được. Ông luôn xác định mình phải tự lực, cái nào khó quá mới nhờ, bởi lẽ đó là cuộc sống, không thể ỷ lại vào người khác. Phẩm chất kiên cường, tự lực của ông đại diện cho phẩm chất của bao thế hệ bộ đội Cụ Hồ. Trong cuộc sống, ông luôn lạc quan, với nghị lực, sự kiên cường, mọi khó khăn ông đều vượt qua. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Hồng Vĩ (TTXVN)
Kỷ niệm 36 năm giải phóng miền Nam: Huyền thoại "La Văn Cầu" của đoàn tàu không số
Kỷ niệm 36 năm giải phóng miền Nam: Huyền thoại "La Văn Cầu" của đoàn tàu không số

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, “con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” gắn với những con tàu không số, những chiến sĩ dũng cảm và những chiến công thầm lặng. Trong số đó, có một người được đồng đội thán phục trìu mến gọi bằng cái tên "La Văn Cầu" trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN