luc luong cong an nhan dan

Chuyện về những nữ chiến sĩ biệt động quả cảm

Kỳ 1: Trận chiến oanh liệt và chiếc nhẫn nặng tình yêu của mẹ

Thứ Năm, 01/02/2018, 10:01
Trong các trận đánh khốc liệt trước, trong và sau Tết Mậu Thân, người chiến sĩ biệt động thành Lê Hồng Quân luôn có mặt ở những địa điểm ác liệt nhất.

Và trong trận chiến đấu ác liệt, nữ chiến sĩ ấy đã tự mình cứa đứt lìa cánh tay mình để tiếp tục chiến đấu trước họng súng điên cuồng của kẻ thù.

19 tuổi, Lê Hồng Quân (Đào Thị Huyền Nga) từ đất Tây Đô lên Sài Gòn hoạt động cách mạng. Để tồn tại và sống được tại đây, mới đầu, chị phải làm đủ mọi nghề. Một thời gian ngắn, chị đã tạo cho mình một vỏ bọc an toàn giữa lòng địch. Có một vị trí nhất định trong Sài Gòn, Khu ủy Khu 9 (T3) bàn giao Hồng Quân cho đơn vị biệt động Sài Gòn - Gia Định (T4). 

Nhận nhiệm vụ mới đồng nghĩa với gánh trên vai trách nhiệm nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, chiến sĩ trẻ Lê Hồng Quân đã bắt tay ngay vào công việc. Chị tìm hiểu về phương thức hoạt động của địch tại những sào huyệt, cơ quan đầu não của chúng để tìm cách đối phó. Thời điểm này, Mỹ - ngụy ra sức đàn áp phong trào công nhân học sinh xuống đường biểu tình, vì vậy các cuộc đấu tranh bùng phát và ngày càng lan rộng.

 Để chuẩn bị cho kế hoạch Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, đơn vị nữ biệt động nội thành đã hoạt động rất tích cực. Trước đợt I, tổng tiến công, Hồng Quân cùng các đồng chí tổ chức diễn thuyết phát truyền đơn ở 147 điểm. Địa điểm diễn thuyết là ở các nhà ga, khu chợ buôn bán, khu công nhân lao động, trường học và trên xe bus… 

Mốc thành công đánh đấu thắng lợi của đội nữ biệt động là điểm diễn thuyết cuối cùng tại cửa Bắc chợ Bến Thành. Với chất giọng hào sảng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, Hồng Quân được giao trọng trách đứng lên diễn thuyết kêu gọi đồng bào chung sức, đoàn kết đánh giặc. 

Vào đúng 21h ngày 27 Tết Mậu Thân 1968, Hồng Quân trong trang phục được hóa trang sẵn, tóc búi cao thừa thời cơ trèo lên nóc cao của một gian hàng ở chợ Bến Thành. Phía sau chị, lá cờ đỏ sao vàng bề ngang 2,4m, bề dài 1,8m tung bay trong gió. 

Ước chừng trong đêm hôm đó có khoảng 10 ngàn người bao gồm tiểu thương, quần chúng nhân dân được vận động sẵn và một bộ phận khách vãng lai tập trung đi dạo chợ Tết. Hồng Quân đứng trên bục cao cất lời thật to: “Kính thưa đồng bào! Chúng tôi đại diện lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam kêu gọi đồng bào hãy chung sức chung lòng, đoàn kết đánh đuổi bọn xâm lăng và bọn tay sai bán nước…”. 

Giọng nói của chị âm vang và dội vào không trung lan rộng ra cả một vùng. Không khí ồn ào, náo nhiệt của khu bán buôn sầm uất nhất Sài Gòn chợt lặng yên, im phăng phắc. Trong vòng chưa đầy 10 phút, Hồng Quân đã truyền đạt thành công ý Đảng tới nhân dân. Ở phía dưới, đồng đội chị cũng rải xong truyền đơn. 

Phía xa, có một vài tên đặc vụ lăm lăm sát khí đang cố rẽ dòng người để tiến lại phía Hồng Quân. Rất nhanh, Quân vớ được một cuộn giấy truyền đơn ném vào bọn chúng rồi nhảy xuống “thoát xác” thành một thiếu nữ quần đen, áo sơ mi trắng lẩn vào dòng người dạo chợ.

Nữ chiến sĩ biệt động Lê Hồng Quân ngày ấy và bây giờ.

Trong đợt 1 của cuộc tổng tiến công, Hồng Quân bị thương một chân, chị cố lết về lõm căn cứ. Vết thương cũ vừa lành, Hồng Quân tiếp tục tham gia đợt tổng tiến công lần hai. Trong đợt này, nhiều chiến sĩ của ta bị thương và hy sinh, còn Hồng Quân vẫn chiến đấu trong trận đánh không cân sức ở mặt trận Cầu Muối, Cô Bắc, Cô Giang thuộc quận Nhì, Sài Gòn. Đồng đội bị thương nhiều, số còn lại đang cố thủ quyết chiến với giặc. 

Hồng Quân tình nguyện ở lại thu hỏa lực cùng hai đồng chí khác là Quang và Sáu Xuân nhằm cản đường tiến công của giặc để đồng đội rút về phía sau. Lúc này, Quân bị thương khắp người, cánh tay trái của cô bị đạn bắn xuyên thủng gần khuỷu giập nát. 

Một tiếng nổ long trời ngay phía trước mặt chị, Hồng Quân vẫn sống nhưng khắp người cô là dày đặc những mảnh đạn bám vào. Quân không còn cảm giác đau đớn nữa bởi trước mặt chị là cái chết đang cận kề. Trong tình thế nguy cấp, lại phải ôm súng mà cánh tay gãy cứ lúc lắc thấy vướng bận. 

Thời khắc ấy theo chị nghĩ không còn gì để mất, giặc tiến sát tới chân, chị quyết ở lại chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Quân chìa cánh tay ra bảo Sáu Xuân chặt giúp nhưng người đồng chí của chị khuyên nên giữ lại để về điều trị may ra có cơ hội hồi phục. Giặc đến rất gần, không chần chừ, Quân rút dao, cứa đứt cánh tay bị gãy bỏ lại phía sau rồi tiếp tục chiến đấu. 

Quân giấu chặt cánh tay vào trong ngực, máu thấm đẫm áo. Cố gắng chút sức lực còn lại, Quân bắn đến những viên đạn cuối cùng. Súng hết đạn, máu chảy đầm đìa ở vết thương, Quân ngồi lại chờ giặc tới.

Chợt Quân nhìn xuống ngón tay đeo nhẫn, trước đó vài hôm, chị  gặp mẹ và bà đã đeo vào tay con gái chiếc nhẫn vàng để khi nào có túng thiếu gì thì bán mà dùng vào việc chung. Chiếc nhẫn của mẹ đang mắc trên cánh tay bị gãy nhuộm đỏ máu. Nhưng cái chết đã đến rất gần, nhẫn cũng chẳng để làm gì. Hồng Quân nghĩ về mẹ, không biết giờ này mẹ đang ở đâu giữa tiếng súng nổ rền khắp nơi. 

Đồng đội khuyên Quân nên lùi lại phía sau điều trị vết thương nhưng chị một mực không chịu. Quân nhìn phía trước mình ít bước chân, Sáu Xuân hy sinh khi trên tay còn nắm chặt quả lựu đạn chưa kịp rút chốt. Quân và Quang bị thương nặng. Quang là một cậu bé vừa tròn 15 tuổi đời và 1 tháng tuổi Đoàn. Quang bị thương khắp người, trong đó có vết thương đụng phổi. Quang ngồi ép mình vào Quân, hai chị em ngẩng cao đầu trước họng súng đằng đằng sát khí của giặc. 

Một thoáng suy nghĩ chợt lướt qua trong đầu Hồng Quân: “Mẹ ơi! Đứa con gái cuối cùng của mẹ không quay trở về nữa” (trước đó, 4 người anh của Quân đều có giấy báo tử). Một tên lính nhanh như cắt, hất họng súng của một tên khác đang chĩa thẳng vào đầu Quân bóp cò khiến viên đạn định mệnh bay chệch hướng. 

Đau đáu thương nhớ đồng đội

Đến nay, ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng chất anh dũng, kiên trung và lòng yêu nước nồng nàn luôn hiện lên trong mỗi ánh mắt, cử chỉ ở trong mỗi kỷ niệm mà bà kể, khiến thế hệ cháu con cảm thấy tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Chưa giây phút nào trong suốt cuộc đời mình, bà quên được những hình ảnh, những kỷ niệm về một thời thanh xuân anh hùng. Đến nay, những di chứng từ những vết thương để lại khi bà tham gia vào cuộc chiến vệ quốc đầy ý nghĩa của dân tộc vẫn âm ỉ đau nhức đến thấu xương mỗi khi trái gió trở trời. Không chỉ là một nữ chiến sĩ anh dũng mà bà còn là một người sống trọng tình cảm, giàu tình nghĩa. Trở về sau cuộc chiến, mang thương tật nặng nề nhưng mấy chục năm qua, bà vẫn miệt mài, lặng lẽ đi tìm danh phận cho đồng đội.

Hải Âu

.
.
.