Sách về Nam Bộ xưa đoạt giải “Sách vàng” 2008

Bộ sách ảnh do NXB Paul Geuthner xuất bản tại Paris cách đây 73 năm được chấm là sách độc đáo nhất của TP HCM năm nay. Tác phẩm này được đánh giá quý hiếm về thời gian và có giá trị nghiên cứu cao về mặt văn hóa.

Bộ sách ảnh gồm 8 quyển, có tên Monographie dessinée de l'Indochine: Cochinchine, bằng tiếng Pháp, in khổ 32 x 25 cm, xuất bản năm 1935. Hiện nay, bộ sách này được lưu giữ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân giới thiệu bộ sách vàng

của TP HCM năm 2008. Ảnh: Anh Vân.

Trường Mỹ thuật Gia Định tập hợp các tranh vẽ của sinh viên về phong cảnh, đời sống, sinh hoạt, văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, các nghề thủ công, nông nghiệp, thương mại của người Nam Bộ vào khoảng những năm 30 của thế kỷ 20 và tạo nên cuốn sách này.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân, chủ khảo cuộc thi Những cuốn sách vàng lần V của TP HCM, cho biết, trong lời giới thiệu bộ sách, người Pháp rất đề cao phong tục, nếp sinh hoạt Việt Nam xưa.


"Tôi nhớ có đọc trong một cuốn sách nói rằng, sở dĩ người Pháp lập Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Việt Nam vì họ nhận thấy đất nước chúng ta có một nền văn hóa cổ rất đáng kính trọng và cần nghiên cứu. Những học giả Pháp chân chính khi tìm hiểu văn hóa Việt Nam luôn thấy có sức hấp dẫn. Bộ sách ảnh này là minh chứng cho sự trân trọng đó", nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân nói.

Cuộc thi Những cuốn sách vàng là một trong những hoạt động chính của Hội sách TP HCM lần V, diễn ra từ 10 đến 16/3. Cuộc thi là dịp "so tài" của những cuốn sách, tạp chí chữ Việt, Hán - Nôm, Anh, Pháp... được xuất bản từ cách đây 50 năm trở lên và lưu giữ tại Việt Nam. Sách được thể hiện trên những chất liệu độc đáo như giấy, gỗ, kim loại, vải... Nội dung sách, tạp chí cần nói về đất nước và con người Việt Nam, có giá trị về văn hóa, lịch sử.

Lễ trao giải cuộc thi diễn ra vào ngày 12/3, trong khuôn khổ Hội sách tại công viên Lê Văn Tám, TP HCM.

Một vài hình ảnh về Nam Bộ xưa trích từ bộ sách:


Đám cưới người Việt Nam xưa.


Bà gánh cháu.


Một cảnh ở chợ chuối.


Một người chơi đàn cò.


Người bán gà.


Cảnh xay bột.


Cảnh dệt chiếu.