Nét độc đáo của đàn Kìm trong Đờn Ca Tài Tử (1)

Tiếng đàn trong, vang, những âm thanh khi bổng, khi trầm, lúc réo rắt, dịu dàng, mềm mại, khi rắn rỏi, rộn ràng. Đờn điệu Bắc thì khoan thai, điệu Nam - Oán thì mùi mẫn, nỉ non, sâu lắng. Nhờ diễn đạt được nhiều sắc thái tình cảm khác nhau mà cây đàn Nguyệt (Nguyệt cầm) hay còn gọi là đờn Kìm (theo cách gọi của người miền Nam), là loại nhạc cụ khá quen thuộc trong dàn nhạc dân tộc cả ba miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam.

Chính sức mê hoặc kỳ lạ của đàn Kìm đã thu phục tình cảm của giáo sư Nguyễn Châu sâu nặng vô cùng. Ông là một trong những người sáng lập và là giám đốc nghệ thuật đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng từ năm 1989 đến nay. Dù có khả năng biểu diễn thuần thục nhiều loại nhạc cụ như đàn Cò, đàn Bầu, đàn Tranh, Sến, Guitar phím lõm, đàn Tỳ Bà, nhưng giáo sư Nguyễn Châu yêu nhất và gắn liền với cây đờn Kìm như máu thịt.


Hình dáng cây đàn Kìm.

Nét độc đáo của đàn Kìm (đàn Nguyệt)

Nói về những nét độc đáo của nhạc cụ này trong dàn nhạc dân tộc Việt Nam, đặc biệt là trong dàn nhạc đờn ca Tài Tử miền Nam, giáo sư Nguyễn Châu cho biết từ xa xưa, dàn nhạc ngũ âm trong cung đình theo phong cách “tứ tuyệt” (kìm, cò, tranh, độc) hay “ngũ tuyệt” (kìm, cò, tranh, độc, sáo) thì cây đờn Kìm vẫn đứng ở vị trí đầu nhóm đảm nhiệm vai trò lĩnh xướng. Còn từ khi nhạc tài tử miền Nam xuất hiện (vào giữa thế kỷ 19) và sân khấu cải lương ra đời (đầu thế kỷ 20), cây đờn Kìm vẫn giữ được vị trí “độc tôn” này.

Các bài bản trong âm nhạc tài tử cải lương cũng đều dựa vào chữ nhạc chính từ cung bậc của đờn Kìm. Những ai học ca, hay học các loại nhạc cụ khác cũng dựa vào nền tảng âm nhạc của đờn Kìm. Vì vậy cây đờn Kìm được tôn vinh là “Quân tử cầm” và là… “thầy” của các loại nhạc cụ khác trong dàn nhạc tài tử cải lương, và là “thầy” của người hát là vì vậy.

Giáo sư Nguyễn Châu nói thêm, “Tôi thấy từ xưa đến giờ những bậc nhạc sư trong đờn ca tài tử, phải biết đàn Kìm là chính, còn những nhạc cụ khác như đàn Tranh, Bầu, Cò… biết phụ thêm. Vì khi nắm vững cây đàn Kìm, thì khi học qua những cây đàn khác rất dễ. Như cá nhân tôi khi đã học vững vàng cách chơi đàn kìm, học qua đàn Tỳ Bà rất dễ, khi đàn cũng chạy mấy ngón trên dây thôi, học qua đàn Sến còn dễ hơn nữa, còn khi học qua đờn Guitar thì chỉ cần học chút xíu thôi. Nhưng nếu ai đó học trước đàn guitar rồi mới chuyển qua học đờn Kìm thì rất khó.”

Được biết ở sân khấu cải lương thời xưa, những ông bà bầu gánh hát thường phải tìm cho bằng được người đờn Kìm giỏi, để giữ song loan (giữ nhịp chính của dàn nhạc) và hướng dẫn bài bản, nhịp nhàng cho nghệ sĩ mới vào gánh hát hoặc bổ túc nghề thêm cho những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Hầu hết các nghệ sĩ cải lương tài danh ngày xưa đều học nghề bằng phương pháp này (học theo kiểu truyền ngón). Do đó các nhạc công của các loại nhạc cụ khác trong gánh hát cho đến các nghệ sĩ đều phải “kính nể” nhạc công đờn Kìm trong gánh hát của mình.


Giáo sư Nguyễn Châu độc tấu đàn Kìm. (Băng Huyền/ Viễn Đông).

Dù thời gian đầu đàn Kìm là cây đàn chính trong dàn nhạc đờn ca tài tử và cải lương, nhưng khoảng từ thập niên 1940, guitar phím lõm đã chiếm lĩnh vị trí “bá chủ” trong dàn nhạc cải lương của đờn Kìm. Bởi guitar phím lõm có nhiều tính năng và phong phú âm sắc, âm vực rộng hơn và thêm vào đó được khuyếch đại âm thanh qua hệ thống ampli. Còn đờn Kìm là nhạc cụ mộc, âm vực hẹp lại khuyếch đại âm thanh bị hạn chế và âm sắc kém trung thực.

Chính vì vậy mà từ thập niên 70 đến 90 ở sân khấu cải lương trong nước không xuất hiện những nghệ sĩ trẻ đờn Kìm kế thừa, mà chỉ còn lại các nghệ nhân “lão làng” và rất ít người học đờn Kìm. Đại đa số đều học Guitar phím lõm, Sến, Tranh... Thế nhưng từ ngày phong trào đờn ca tài tử được phát triển rộng rãi những năm gần đây trong nước, thì cây đờn Kìm được chú trọng trở lại, các nhóm đờn ca tài tử, các câu lạc bộ đờn ca tài tử đều khai thác những ngón đờn kìm “ẩn dật”, nhiều người trẻ, trung niên rủ nhau học đờn Kìm. Cây đờn Kìm đã khôi phục lại vị trí trong dàn nhạc tài tử và giữ “song loan” (giữ nhịp).

Nguồn gốc xuất xứ của đàn Kìm

Đàn Kìm của Việt Nam là nhạc khí dây gảy loại có cần đàn.

Trên một trang mạng phổ biến trên internet cho rằng “Đàn Nguyệt là một trong những cây đàn đặc sắc đã gắn bó với lịch sử dân tộc của người Việt từ khá sớm. Sách của Phạm Đình Hổ ghi rằng đàn Nguyệt xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ 18. Tại bệ đá ở chân cột chùa Phật Tích (huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc) được xây dựng vào đời nhà Lý thế kỷ 11, còn ghi lại hình ảnh hoà tấu ban nhạc trong đó có đàn Nguyệt và các nhạc cụ khác như sáo dọc, sáo ngang, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nhị, trống bản, trống cơm.

“Về xuất xứ, cây đàn Nguyệt của người Việt có nguồn gốc từ cây Nguyệt cầm (Yue kin) của người Trung Hoa do Nguyễn Hàn, tự là Trọng Dung đời nhà Tấn chế tạo ra. Nguyệt cầm của Trung Quốc có mặt đàn hình tròn tựa mặt trăng, được làm từ gỗ cây ngô đồng, có 4 dây chia thành 2 cặp, mỗi cặp có 2 sợi cùng âm, gắn phím thấp và đánh theo thất cung. Số lượng phím thì bằng với phím trên Đàn Nguyệt của Việt Nam nhưng còn cần đàn thì lại ngắn hơn. Phần nhiều các điểm này Đàn Nguyệt của Trung Hoa khá giống với đàn Đoản, đàn Tứ của Việt Nam.

“Khi du nhập vào Việt Nam, đàn Nguyệt đã được biến đổi để phù hợp với thẩm âm của người Việt, mặt đàn vẫn hình tròn, một số đàn vẫn giữ 4 tai nhưng rút xuống còn 2 dây, cần đàn dài hơn, phím đàn gắn cao hơn để có thể diễn tả những kỹ thuật rung, nhấn, luyến láy và đánh theo ngũ cung của người Việt. Tương tự như đàn Nguyệt Việt Nam ở Campuchia có Ðàn Chạpet, nhưng cách đánh không có nhấn luyến.”

Cấu tạo của đàn Kìm

“Đờn Kìm còn có tên gọi đàn Nguyệt (theo cách gọi của người miền Bắc) có thể do có mặt đàn hình tròn như mặt trăng.

“Đàn Kìm có đáy đàn và mặt đàn để mộc, được làm bằng gỗ nhẹ, xốp, có đường kính khoảng 30 cm.

“Trên mặt đàn có gắn ngựa đàn (hay yếm đàn) để mắc dây. Thành đàn (hay còn gọi là hông đàn) làm bằng gỗ cứng thấp khoảng 5 cm – 6 cm, có thể để trơn hay khảm trai. Hộp đàn kín hoàn toàn, không có lỗ thoát âm như đa số các loại đàn dạng gảy khác.

“Cần đàn được làm bằng gỗ cứng (có thể để trơn hay khảm trai), dài khoảng 1m trên có gắn các phím đàn bằng tre với khoảng cách không đều nhau theo thang 5 âm. Nhờ có cần tương đối dài và những phím cao, người đàn có thể tạo được những âm nhấn nhá uyển chuyển, mềm mại.

“Dây đàn được làm bằng tơ se hay dây nilon. Đàn có hai dây, dây cao (còn gọi là dây ngoài hay dây tang) nhỏ hơn dây trầm (còn gọi là dây trong hay dây tồn), thường lên dây cách nhau một quãng năm đúng và tùy theo giọng từng bài.

“Bộ phận lên dây có 4 trục gỗ xuyên ngang hai bên thành đàn của đầu đàn để lên dây, nhưng chỉ dùng hai trục để mắc và lên dây đàn. Sự hiện diện của 4 trục chứng tỏ rằng khởi thủy đàn Nguyệt là có hai dây kép (Ðàn Song Vận), về sau do nhấn không thuận tiện nên người ta bỏ bớt hai dây (kép) chỉ để một dây. Bộ phận lên dây được cải tiến để dây không bị chùng xuống.

Trục lên dây được làm bằng gỗ cứng xuyên qua hai lỗ phía đầu cần đàn.

“Ngày xưa nghệ nhân gảy đàn Kìm thường bằng móng tay dài của mình, ngày nay gãy đàn bằng miếng nhựa với những ngón gảy, hất, phi và đặc biệt là ngón vê…kể cả những âm ngắn tạo không khí rộn ràng sôi nổi.

Các kiểu lên dây đàn chính của đàn Kìm

“Đàn Kìm có nhiều kiểu lên dây khác nhau, tuỳ theo yêu cầu của tính chất âm nhạc mà quyết định kiểu lên dây nào thích hợp.

“Lối lên dây cổ truyền của đàn Nguyệt vẫn được kế thừa tới ngày nay với 4 kiểu lên dây chính:

Dây Bắc: Dây trầm cách dây cao một quãng 5 đúng (Fà-Đô), thích hợp với âm nhạc vui tươi, hùng tráng.

Dây Oán: Dây trầm cách dây cao một quãng 6 đúng (Mì-Đô). Dây Oán thích hợp với âm nhạc nghiêm trang, sâu lắng.

Dây Tố Lan: Dây trầm cách dây cao một quãng 7 thứ (Rề-Đô). Dây Tố Lan thích hợp với âm nhạc dịu dàng, mềm mại.

Dây song thanh (giây quãng 8):

“Âm thanh Đàn Nguyệt tươi sáng, rộn ràng rất thuận lợi để diễn tả tình cảm sâu lắng. Ðàn Nguyệt có tầm âm rộng hơn hai quãng 8 từ: Đô1 đến Rê3 (C1 đến D3) nếu dùng ngón nhấn sẽ có thêm hai âm nữa.

“Tầm âm có thể chia ra 3 khoảng âm với đặc điểm như sau:

“Khoảng âm dưới: tiếng đàn ấm áp, mềm mại, biểu hiện tình cảm trầm lặng, sâu sắc.

“Khoảng âm giữa: là khoảng âm tốt nhất của Đàn Nguyệt, tiếng đàn thanh thót, vang đều, diễn tả tình cảm vui tươi, linh hoạt.

“Khoảng âm cao: tiếng đàn trong sáng nhưng ít vang.”

Đàn Kìm là nhạc cụ với nhiều ngón kỹ thuật độc đáo như nhấn, luyến, vê… có nhiều khả năng độc tấu và hòa tấu.

Theo giáo sư Nguyễn Châu, đàn kìm không chỉ giàu có về kỹ thuật, bài bản, mà còn đa dạng về kiểu kết hợp với các nhạc cụ khác.

“Là loại đàn có màu âm tơ, với kỹ thuật diễn tấu phong phú, đàn Kìm là cây đàn gẩy tiêu biểu của người Việt tham gia hầu hết trong các hoà tấu dàn nhạc cổ truyền như: dàn nhạc Hát Văn, phường bát âm ngoài miền Bắc, dàn nhạc thính phòng Huế, dàn nhạc Tài tử Nam bộ, dàn nhạc Cải lương. Đàn Kìm còn được dùng trong dàn Nhã nhạc của âm nhạc cung đình. Đàn Nguyệt có thể là nhạc cụ đi giai điệu duy nhất kết hợp với các nhạc cụ gõ khác như trống, phách, cảnh, thanh la trong dàn nhạc Hát văn, hoặc là một trong những nhạc cụ dây gẩy bên cạnh đàn Tranh, đàn Tam thập lục, đàn Tỳ Bà kết hợp với các nhạc cụ hơi, nhạc cụ dây kéo, nhạc cụ gõ trong phường bát âm, dàn Nhã nhạc của cung đình triều Nguyễn.

“Dàn nhạc thính phòng Huế, dàn nhạc Tài tử Nam bộ và dàn nhạc Cải lương chủ yếu là sự kết hợp giữa các nhạc cụ dây gẩy và nhạc cụ dây kéo như trong dàn nhạc thính phòng Huế hoà tấu 3 cây đàn Kìm, đàn Tranh, đàn Cò được gọi là Tam thanh, hoà tấu 5 cây đàn Kìm, đàn Tranh, đàn Cò, đàn Tỳ bà, đàn Tam được gọi là Ngũ tuyệt và khi dàn Ngũ tuyệt có thêm cây sáo hoặc đàn Bầu thì được gọi là Lục tấu.

“Trong dàn nhạc Tài tử Nam bộ sự kết hợp giữa các nhạc cụ cũng khá đa dạng: có thể là giữa 2 nhạc cụ cùng họ dây chi kéo (Cò dương và Cò lòn), giữa 2 nhạc cụ cùng họ dây chi gẩy (đàn Kìm và đàn Tranh hoặc đàn Kìm và đàn Tỳ bà), giữa 2 nhạc cụ dây kéo và dây gẩy (Cò dương và đàn Kìm) hay giữa 4 nhạc cụ cùng họ dây chi kéo (Cò líu, Cò dương, Cò lòn, Cò gáo), 4 nhạc cụ cùng họ dây chi gảy (đàn Kìm, đàn Tỳ bà, đàn Tranh, đàn Tam), 4 nhạc cụ giữa họ dây chi kéo và chi gảy (Cò dương, Cò lòn, đàn Kìm, đàn Tỳ bà)... Như vậy, đàn Kìm luôn đại diện cho các nhạc cụ họ dây chi gẩy trong sự kết hợp với các nhạc cụ họ dây chi kéo nên không thể phủ nhận vai trò của đàn Kìm trong hoà tấu dàn nhạc.

“Đàn Kìm tham gia chủ yếu dựa trên sự phát triển của hai yếu tố giai điệu và tiết tấu theo lôgích chiều ngang. Lối hoà tấu này thực chất là lối trùng tấu những nhạc cụ có âm sắc khác nhau. Mỗi bè tiến hành giai điệu một cách hoàn toàn độc lập, mỗi đàn lại có màu âm riêng nên các bè không bị lẫn lộn làm nhòe sắc thái của nhau. Mỗi bè diễn tấu có khả năng phát huy hết sở trường của mình như âm nhấn, láy, rung… trên cơ sở một khung giai điệu nhất định mà không bị bè khác ràng buộc. Bên cạnh đó, chính lối phát triển giai điệu theo chiều ngang lại tạo hiệu quả những quãng lạ, độc đáo giữa các bè đàn trong mối quan hệ chiều dọc.”