Nhà văn Nhật Tiến từ trần, hưởng thọ 84 tuổi

Việt Báo

IRVINE, Calif. (VB) Nhà văn Nhật Tiến vừa từ trần tại thành phố Irvine, Nam California, hưởng thọ 84 tuổi, sau trọn một đời không ngừng làm việc trong các cương vị khác nhau: một nhà văn lớn, một nhà giáo dục luôn quan tâm tới các thế hệ trẻ và là một Tráng sinh Lên đường hy hữu của Hướng Đạo VN.

Theo sau sự ra đi của hiền thê là nữ văn sĩ, dịch giả Đỗ Phương Khanh vào ngày 26 tháng 8 vừa qua, gia đình cho hay, 11:26 phút trưa ngày 14 tháng 9, 2020 (tức 27 tháng 7 năm Canh Tý), nhà văn Nhật Tiến vừa từ trần tại thành phố Irvine, Nam California, hưởng thọ 84 tuổi.


Hình chụp ngày 20/1/2019, khi nhà văn Nhật Tiến nhận các sách tặng từ nhà văn Phan Tấn Hải, Chủ bút Việt Báo.

Nhà văn Nhật Tiến tên đầy đủ là Bùi Nhật Tiến – sinh ngày 24 tháng 8 năm 1936, tại Hà Nội – là tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam. Ông là tác giả tiếp nối của dòng văn học Tự Lực Văn Đoàn; và, bằng chính đời sống và sáng tác của mình, ông mở rộng những chủ đề và cả phong cách sáng tác theo dòng lịch sử đất nước. Có thể nói, lịch sử đặt ông vào những biến cố lớn của đất nước, để từ đó, thông qua ngòi bút của mình, ông trở thành tiếng nói của thời đại mà chính ông và gia đình là những nhân chứng sống. Năm 1954 ông di cư vào Nam, sống tại Đà Lạt, rồi Sài Gòn. Vượt biển vào tháng 10/1979, và tỵ nạn tại Songkhla (Thái Lan) 9 tháng. Ông và gia đình định cư tại California (Hoa Kỳ) từ năm 1980.

Về sự nghiệp văn chương, ông đoạt Giải nhất Giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1960 - 1961, với tác phẩm Thềm Hoang. Trước đó, năm 1952, truyện ngắn của ông lần đầu xuất hiện tại Hà Nội trên Nhật báo Giang Sơn và những vở kịch trên Tuần báo Cải Tạo năm 1953-1954. Tại Đà Lạt, năm 1954 - 1955, ông tiếp tục viết kịch truyền thanh cho đài radio tiếng nói của Ngự Lâm Quân. Từ năm 1958, tại Sài Gòn, 1958, ông tham gia Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay do nhà văn Nhất Linh chủ biên.

Nhóm 4 hình sau là từ nhà văn Ngô Thế Vinh trong một bài viết năm 2015 trên Việt Báo:







Trước năm 1975, tại Việt Nam, nhà văn Nhật Tiến từng viết cho: Giang Sơn, Cải Tạo, Thời Tập, Chánh Đạo, Bách Khoa, Văn, Tân Phong, Văn Học, Đông Phương. Tại hải ngoại, từ năm 1980 đến nay, ông được mời xuất hiện trên nhiều tờ báo và trang web. Riêng tại California, ông đã từ viết cho: Người Việt, Sài Gòn, Văn Nghệ, Hợp Lưu, Văn Học, Việt Tide, Vietstream, Khai Phóng, Chấn Hưng, Việt Nam Hải Ngoại.Ngoài ra, ông còn có tác phẩm trên Đất Mới(ở Seattle), Ngày Nay (ở Kansas City), Xác Định (ở Virginia). Xa hơn, bên ngoài Hoa Kỳ, ông có bài trên Chuông Saigon, Việt Luận, Chiêu Dươngphát hành tại Úc châu, Lửa Việt tại Canada, Độc Lập tại Tây Đức), và Đường Mới, Quê Mẹ tại Pháp.

Tác phẩm của ông bao gồm nhiều thể loại: Truyện dài, Truyện ngắn, Truyện thiếu nhi, Kịch - Tiểu thuyết kịch. Đặc biệt, những năm sau này ông làm công việc khảo cứu gần như là văn học sử qua các tác phẩm Ghi chép và Tiểu luận.

Ngoài viết văn, ông còn là nhà giáo. Ông dạy học, và tham gia các hoạt động văn hóa, giáo dục và xã hội khác. Ông là người viết thỉnh nguyện thư và sau trở thành thành viên của Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (Boat People S.O.S. Committee), từ năm1980 đến 1990.

Nhà văn Ngô Thế Vinh ghi nhận rằng nhà văn Võ Phiến trong bài viết về nhà văn Nhật Tiến trong bộ Văn Học Miền Nam đã đưa ra nhận xét: “Lúc bấy giờ ai cũng biết ở Miền Nam có nhiều tác giả tên tuổi viết về giới trẻ thơ. Mỗi vị một vẻ. Trẻ em trong truyện Duyên Anh thường là những trẻ đáo để. Đám trẻ của Lê Tất Điều hầu hết đều có nét tinh nghịch. Trong Nhật Tiến là trẻ bất hạnh”. [VHMN, truyện 2, tr.1270, Nxb Văn Nghệ 1999]

Nhận xét khái quát về nhà văn Nhật Tiến, nhà phê bình văn học Nguyễn Mạnh Trinh đã viết:

“Có rất nhiều chân dung nhà văn Nhật Tiến: nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, nhà văn của hiện thực xã hôi, nhà văn của lưu lạc xứ người, mà mẫu chân dung nào cũng đều có nhiều cá tính văn chương và trong mỗi dòng chữ, mỗi ý tưởng đếu có những thông điệp trao gửi theo”.

Trong bài “Nhật Tiến Thềm Hoang Vẫn Một Tráng Sinh Lên Đường” in ngày 21/08/2015 trên Việt Báo, nhà văn Ngô Thế Vinh nhận định về nhà văn Nhật Tiến:

“...có thể nói một cách khá đoan chắc, nếu Nhật Tiến không có những năm sinh hoạt Hướng Đạo, sẽ không có Những Người Áo Trắng và rồi những tác phẩm khác như Thềm Hoang sau này... Nhật Tiến rất trực tính và can đảm. Không phải ai cũng chia xẻ và đồng tình với cách hành xử của Anh. Và không ít lần Anh đã phải trả giá cho những ngộ nhận và cả vùi dập cho những điều Anh phát biểu. Nhưng có điều chắc chắn đó là tiếng nói lương tâm của Nhật Tiến.

Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường.”


Hình trên, nhà văn Nhật Tiến (phải) ký tên tặng sách cho nhạc sĩ Trần Chí Phúc (trái) khi nhạc sĩ tới thăm vào tháng 4/2019 và trao tặng các đĩa nhạc Thiền Ca. (Hình: PTH)


Hàng ngồi, từ trái sang: Lê Xuân Khoa, Nhật Tiến, Hoàng Hưng và phu nhân. Hàng đứng, từ trái: Trịnh Y Thư, Nguyễn Thị Khánh Minh, Đặng Thơ Thơ, ca sĩ Thu Vàng. Hình của PTH trong buổi nhà thơ Hoàng Hưng ra mắt tập thơ song ngữ ‘Ác Mộng/Nightmares’ vào tháng 9/2018. (Hình: PTH)


Từ trái: Lê Xuân Khoa, Nhật Tiến, Đặng Thơ Thơ vào tháng 9/2018.(Hình: PTH)

Sau đây là thông tin từ trang riêng của nhà văn Nhật Tiến trên WordPress.

Tác phẩm:

● Tác phẩm đã in ở trong nước trước 1975: Những Người Áo Trắng (1959), Những Vì Sao Lạc (1960), Thềm Hoang (1961), Mây Hoàng Hôn (1962), Người Kéo Màn (1962), Ánh Sáng Công Viên (1963), Chuyện Bé Phượng (1964), Vách Đá Cheo Leo (1965), Chim Hót Trong Lồng (1966), Giọt Lệ Đen (1968), Tay Ngọc (1968), Giấc Ngủ Chập Chờn (1969) Quê Nhà Yêu Dấu (1970), Theo Gió Ngàn Bay (1970), Tặng phẩm của dòng sông (1972), Thuở mơ làm văn sĩ (1974)…và một số truyện viết cho tuổi thiếu nhi như: Lá Chúc Thư, Đường lên Núi Thiên Mã, Săn trong thành phố v…v…

● Tác phẩm đã in ở hải ngoại: Tiếng kèn (1981), Hải tặc trong vịnh Thái Lan (viết chung với Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, 1981), Một thời đang qua (1985), Mồ hôi của đá (1988), Cánh Cửa (1990), Quê nhà Quê người (viết chung với Nhật Tuấn, 1994), Hành trình Chữ Nghĩa (2012), Sự Thật Không Thể Bị Chôn Vùi (2012), Một Thời Như Thế (2012), Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác (2013), Mưa Xuân (Tập truyện-2013).

Hoạt động Văn hóa:

  • Năm 1962 ông đoạt Giải Nhất Văn Chương Toàn Quốc với tác phẩm Thềm Hoang.
  • Nguyên Phó Chủ tịch Trung tâm Văn Bút Việt Nam (1963-1975).
  • Nguyên Hội viên Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa (nhiệm kỳ II, 1974)
  • Nguyên Ủy viên Báo Chí Hội Cựu Giáo Chức Việt Nam Hải Ngoại (1982-1985)
  • Nguyên Chủ tịch Ban Chấp Hành Lâm Thời Văn Bút Việt Nam Hải ngoại, Nam California (1988)
  • Chủ biên cơ sở xuất bản Huyền Trân (từ năm 1959 cho đến nay).
  • Cộng tác thường xuyên với tuần báo Việt Tide phát hành ở Nam Cali (từ năm 2001 đến 2010)
  • Tổng Thư Ký đặc san Vietstream ở Nam Cali từ năm 2015.

Việt Báo trân trọng gửi lời tiễn biệt nhà văn Nhật Tiến – ông là một nhà văn lớn, một nhà giáo dục luôn quan tâm tới các thế hệ trẻ và là một Tráng sinh Lên đường hy hữu của Hướng Đạo VN.

Việt Báo nơi đây thành kính gửi lời chia buồn tới tang quyến nhà văn Nhật Tiến và các cơ quan truyền thông liên hệ.