Trần Văn Thạch, nhà đấu tranh lỗi lạc và dũng cảm

Trước mùa Giáng sinh, chúng tôi được một người bạn ở Pháp gửi tặng một tác phẩm viết về một nhân vật lịch sử Việt Nam mà trước đó chúng tôi chỉ có một ý niệm rất loáng thoáng, rất mơ hồ, để không nói là hầu như không biết gì cả – một thiếu sót đáng trách – về thân thế và sự nghiệp của nhân vật ấy.

Đó là cuốn “Trần Văn Thạch, Cây bút chống Bạo quyền Áp bức” của Trần Mỹ Châu và Phan Thị Trọng Tuyến.

Trước khi nhập đề, xin tiết lộ một điều : đó là, chỉ đến khi nhận được sách thì chúng tôi mới biết người tặng cũng chính là đồng tác giả của cuốn sách. Đây quả là một bất ngờ thú vị mà cũng là một vinh dự cho người được tặng. Xin cám ơn.

Nhờ cuốn sách có một giá trị khảo sử cao, chứa đựng một lượng thông tin dồi dào, hữu ích và được biên soạn một cách công phu, có phương pháp, và khoa học tăng hiệu năng tiếp thu nơi người đọc mà chúng tôi có được một sự hiểu biết phong phú hơn, thấu đáo hơn, ngọn ngành hơn, chính xác hơn về sự đóng góp lớn lao và hy sinh cao cả của Trần Văn Thạch cùng các đồng hành đồng chí Đệ tứ Quốc tế của ông cho cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và Đệ tam Quốc tế cộng sản Việt Nam nhằm giành lại độc lập cho quê hương và xây dựng một xã hội tự do, vắng bóng độc tài chuyên chế cho đồng bào mình.

Chúng tôi trân quý chủ trương và đường lối đấu tranh ôn hoà, bất bạo động của Trần Văn Thạch lấy sức mạnh mềm của đạo đức người quân tử, của trí tuệ am tường và của lời nói lẫn câu văn của lương tri và lẽ phải làm vũ khí chống bạo quyền thực dân và sự khủng bố tinh thần lẫn đe dọa tính mạng mà người cộng sản Đệ tam đang rắp tâm lén lút chĩa về phía mình.

Bây giờ, sau bảy thập niên không thiếu những đảo lộn kinh hoàng gây ra cho đất nước bởi các người cộng sản cuồng tưởng, cuồng tín, ngu trung, bán hồn cho ngoại bang, nhìn lại mới thấy rõ tầm vóc lớn của nhân cách và sự sáng suốt rực rỡ của tư tưởng Trần Văn Thạch.

Tư tưởng Trần Văn Thạch là một tổng hoà chiết trung gạn lọc những phần tinh hoa nhân bản của chủ nghĩa quốc tế ông hằng theo đuổi, lồng chúng vào khung cảnh một chủ nghĩa quốc gia dân tộc phóng khoáng, tiến bộ và hiếu hoà. Khác với người cộng sản đệ tam, ông không hy sinh tình yêu nước thương nòi của mình vì một chủ nghĩa quốc tế mơ hồ, chung chung cho dù nó có cao cả đến đâu chăng nữa. Nói theo cách nói thời nay, ông không đánh hộ cho người Nga hay người Tàu.

Chúng ta thấy, nếu non tay và thiếu sáng suốt, một người của muôn nơi dễ hóa thành một người không là của một nơi nào cả, tức một người không có chỗ để trở về – một người vong bản. Mà như kinh nghiệm của người cộng sản Việt Nam cho thấy, vong bản dễ trượt thành vong thân, tức là một hình thái sa đọa nhân cách ở mức tồi tệ nhất.

Nay, dưới đà đẩy khó cưỡng lại của đam mê bạo lực vốn có, với căn bệnh mù quáng mãn tính gây nên bởi sự tôn thờ một chủ nghĩa giáo điều cực đoan và với sự sụp đổ hoàn toàn nơi hắn của hệ giá trị nhân bản truyền thống, người cộng sản vong thân trở thành một tên giết người. Mà càng giết càng cảm thấy bất an nên phải tiếp tục giết, giết nữa : hắn hoá một tên giết người hàng loạt.

Về mặt bệnh học, hiện tượng vong thân cấp tính trên – sự khốn đọa của người xuống hàng muông thú – xuất phát từ một ám ảnh tận thế (catastrophique) muốn “đốt sạch, hoá Sài Gòn ra tro, Nam Bộ thành sa mạc” (như Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu đã từng muốn) mà hơn một lãnh tụ cộng sản đã mắc phải. Thứ ám ảnh tật nguyền làm con bệnh cảm thấy như bị bao vây bởi hàng ngàn con hydra (thuỷ tức) nhô lên từ thuỷ phủ.

Cơ bản, người cộng sản vong thân cấp tính là một con bệnh nhân cách (psychopath), tức một người chống xã hội (sociopath) “ít có khả năng tạo được các liên hệ cảm xúc với những người khác (Phạm Ngọc Trí, Từ điển Y học Anh-Việt, 1997) và không cảm thấy có tội khi làm hại hay giết người. Khi có quyền lực tuyệt đối trong tay, dưới tác động của hội chứng thuỷ tức và nỗi ám ảnh tận thế trên, để tự vệ, hắn phải giết người thả giàn và trên một quy mô tập thể mà không thấy ghê tay : hắn phạm tội chống loài người.

Quyển sổ đỏ ghi : trực tiếp hay gián tiếp, quán quân Mao Trạch Đông giết 75 triệu người ; Stalin, 60 triệu ; Hồ Chí Minh, 6 triệu (gồm cả số nạn nhân y ném vào lò lửa chiến tranh) ; Kim Nhật Thành, 3,5 triệu ; Pol Pot, 3 triệu…

Tổng cộng : 150 triệu sinh linh hiến tế cho nghiệp đoàn cuồng sát thủ.

Ngoài bệnh phân liệt tâm thần có khuynh hướng bạo hành trên, người cộng sản vong thân cấp tính còn mắc phải một khuyết tật bản thể khác : khả năng lý luận của họ bị hút vào một ý nghĩ duy nhất đóng cặn trong đầu, dồn cục trong máu, hoá đá trong tim, khoá chặt họ vào nhà tù của một chủ nghĩa giáo điều hoang tưởng. Nó đóng sập cánh cửa tâm hồn mở ra vùng trời của những ý tưởng tự do, thông thoáng, lồng lộng, cái chià khoá, động cơ của sự phát trìển sung mãn của trí tuệ.

Sự hạn chế của khả năng lý luận của người cộng sản -một triệu chứng của bệnh thao cuồng đơn ý (monomania) – là nguồn căn của những luận điểm lệch lạc, võ đoán, bóp méo sự thật họ đưa ra để biện bạch cho tội ác của mình.

Một trong những luận điểm ấy là luận điểm về mối liên hệ giữa phương tiện và cứu cánh.

Họ cho rằng, nếu cứu cánh tốt, thì ta có thể làm bất cứ điều gì, kể cả những điều bất lương, miễn chúng giúp ta đạt được cứu cánh ấy. Dựa trên lý luận này, nhân danh một chủ nghĩa mà họ cho là nhân đạo, họ giết người với một lương tâm ổn thoả. Kể cả trường hợp những người vô tội bị giết lầm, họ cũng không cảm thấy dao động.

Rõ ràng là cái lý luận cứu cánh biện minh cho phương tiện là một quỷ biện. Từ này được hiểu ở đây theo hai nghĩa : vừa là một ngụy biện vừa là sự biện bạch của quỷ. Bởi vì khi được lặp đi lặp lại với một tần số cao, quỷ biện hoá kẻ lạm dụng nó thành một con quỷ.

Quỷ là gì ? – Là sự hiện thân của hư vô. Một mất trắng, cả lương tri lẫn trái tim, tức khả năng phân biệt thiện ác và tạo sự mủi lòng. Với nỗi ám ảnh tận thế và hội chứng thuỷ tức mắc phải, quỷ cộng sản không thể không giết người. Là như thế cái logic tự thân của quỷ biện kiểu Giàu- Mai- Trấn.

Bộ ba ấy đã nhúng tay vào vụ giết Trần Văn Thạch.

Ở Trần Văn Giàu, Chủ tịch Lâm uỷ Hành chánh Nam Bộ, chúng ta tìm thấy một phiên bản của mẫu vật (specimen) cộng sản được nhận dạng ở trên.

Trước mắt Giàu, Trần Văn Thạch là một cái gai phải nhổ. Bởi vì ông là sự tương phản trắng đen của hắn. Một tấm gương quang minh chính đại sáng ngời, khiến hắn cảm thấy bị nhức mắt, bực mình, khó ở, mất mặt, hạ thấp, bé đi, bị đe doạ : hắn đâm ra sợ. Sợ bị đè bẹp dưới tầm vóc vĩ đại của người quân tử Trần Văn Thạch.

Quá trình chuyển biến tâm lý nơi hắn diễn ra như sau :

Dưới tác động ngấm tận tuỷ não của ý thức hệ chính trị, sự tị hiềm cá nhân hoá hận thù giai cấp. Cũng như hận thù tôn giáo hay hận thù chủng tộc, hận thù giai cấp khốc liệt, man rợ gấp bội so với các dạng hận thù khác. Nó châm mồi lửa cho ý đồ giết người. Và, dưới tác động của hội chứng du kích vốn có cùng với tâm địa tiểu nhân, hắn tác nghiệp với sự a tòng của bóng tối, ưa chém gáy, đâm lưng, bắn lén, ám sát, thủ tiêu, phi tang, giấu xác : chiến lợi phẩm của hắn là những nấm mồ tập thể.

Nhà tư tưởng chính trị Trần Văn Thạch có một tầm nhìn xa với những tia chớp tiên tri loé lên kì diệu.

Trong “Một giấc mơ độc đáo” được viết ở tuổi 22 (1927), lúc đang còn là một sinh viên du học tại Pháp, ông khẳng định : “(Đảng của tôi) không nhận lệnh (bất cứ) từ đâu, không nhận (lệnh) từ Mạc Tư Khoa hay Quảng Đông. Chúng tôi sợ nhất là người Tàu.” (Trần Văn Thạch, Cây bút chống Bạo quyền Áp bức, tr. 187). Nỗi sợ này, một thứ linh cảm, 80 năm sau được lịch sử xác nhận là có cơ sở : nó chính là nỗi sợ da diết của hậu duệ ông khi thấy đất nước, do sự phản bội nhục nhã của Đảng Cộng sản, đang đứng trước hiểm hoạ bị thôn tính bởi kẻ thù truyền kiếp bắc phương.

Cũng vào năm 1927, ông tiên đoán sự thống trị của thực dân Pháp tại Việt Nam sẽ chấm dứt vào năm 1956 hay 1957. Hai sự kiện lịch sử sau cho thấy lời tiên đoán của ông gần sát sự thật : Cộng sản thật sự làm chủ hoàn toàn miền Bắc vào ngày 16-5-1955, ngày những toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi Cát Bà, Vịnh Hạ Long (sđd, tr. 182, phần cước chú) ; còn ở miền Nam, chế độ thực dân Pháp thật sự chấm dứt hoàn toàn với sự thành lập vào ngày 26-10-1956 của nước Việt Nam Cộng Hoà.

Còn có một sự kiện nữa nói lên tài tiên tri của ông Thạch. Đó là, vào tháng 7-1945, trước khi giã từ trưởng nam Trần Văn Tự, ông nói : “Tây bỏ tù ba mà không giết ba. Đệ tam sẽ giết ba” (sđd, trang 140 & 141). Ba tháng sau, lời dự cảm ấy trở thành hiện thực : ông bị tay chân của Trần Văn Giàu thủ tiêu vào ngày 23-10-1945.

Sau khi dẫn câu “Beaucoup d’internationalisme ramène à la patrie” của nhà lãnh đạo kiêm tư tưởng gia Jean Jaurès của đảng Xã Hội Pháp, ông Trần Văn Ân, bạn thân của ông Thạch, coi ba ông Thâu, Hùm, Thạch là “những nhà ái quốc thành tâm và cũng là những người xã hội chủ nghĩa chân chính bởi vì họ đã ý thức tới nơi tới chốn học thuyết quốc tế để trở về gần với tổ quốc mình hơn”(sđd, tr. 125)

Với tư cách một người xã hội chủ nghĩa chân chinh, Trần Văn Thạch không chủ trương đấu tranh giai cấp bằng bạo lực của chuyên chế vô sản kiểu đệ tam mà bằng các phương thức đấu tranh hoà bình tiệm tiến trong khuôn viên nghị trường, trên mặt bằng báo chí hay thông qua những cuộc biểu tình, đình công ôn hoà trong công xưởng, ngoài đường phố dưới sự tổ chức và điều động của các nghiệp đoàn do nhóm Tranh Đấu của ông ủng hộ.

Theo ông, bạo động, lật đổ là không cần thiết bởi vì “tư bản và lao động tuy xung khắc mà tương sinh”. Quan điểm này mở ra một triển vọng thoả hiệp thoả đáng nhằm xây dựng một đồng thuận trong tinh thần tương nhượng và tự nguyện. Suy luận này có cơ sở bởi vì chúng ta thấy ở ông Thạch một mẫu người phục thiện, trọng lẽ phải, giàu viễn kiến, có đầu óc phóng khoáng và tư tưởng chiết trung và một thiện chí dung hoà không mệt mỏi. Tức những đức tính người làm chính trị cần có để xây dựng đồng thuận với người đối tác của mình.

Xin mở thêm dấu ngoặc để nói về thiện chí dung hoà của ông Thạch được ông biểu lộ qua chủ trương “chấp nhận quyền tư hữu tư sản, ít nhất trong một số điều ứng dụng nào đó” của mình (sđd, tr.187). Chủ trương này, theo chúng tôi, không khác mấy, ở những nét cơ bản, với chủ trương của Đệ nhị Quốc tế là tôn trọng quyền sở hữu tư nhân về một số phương tiện sản xuất quy mô, có tầm vóc quốc gia trong khuôn khổ một nền kinh tế chì đạo và kế hoạch hoá. Ông Thạch chủ trương giải quyết sự mâu thuẫn giữa hai giai cấp tư bản và lao động trong tinh thần hiếu hoà, nhân đạo và huynh đệ, nên người ta gọi ông là một trái tim bồ tát ; còn Đệ nhị Quốc tế coi mâu thuẫn ấy không có tính đối đầu, nghĩa là hai bên có thể tương sinh mà không loại trừ nhau.

Nói chung, chúng ta thấy giữa Đệ nhị Quốc tế và Đệ tứ Quốc tế kiểu Trần Văn Thạch có một mẫu số chung : đó là chủ trương giải quyết sự mâu thuẫn giai cấp bằng một đường lối chiết trung và một thiện chí dung hoà vì lợi ích chung và lí tưởng tiến bộ.

Chủ trương chiết trung của Đệ nhị Quốc tế làm cho nó bớt tính thiên tả vốn có và mang nó về một vị trí trung tâm, ở đây, chúng ta thấy có một sự dung hoà quan điểm giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Sự dung hoà này không chỉ do sự chuyển hướng của chủ nghĩa xã hội mà có mà còn vì chính chủ nghĩa tư bản tự nó cũng có những sự điều chỉnh quan trọng làm nó nghiêng về phía trung tâm hơn. Sự tương sinh bớt tính xung khắc giữa giai cấp tư bản và giai cấp lao động tạo tiền đề cho sự hình thành tiệm tiến của chủ nghĩa tư bản xã hội hiện đang được áp dụng tại các nước dân chủ xã hội hiện đại Bắc Âu. Nó là một điển hình sống động của xu hướng tiến bộ của loài người. Phiên bản chính trị của chủ nghĩa toàn cầu hoá đương đại đang không ngừng phát triển trên mọi mặt : kinh tế, tài chính, thị trường, mậu dịch, truyền thông đại chúng, văn hoá giải trí, cung cách hưởng thụ, bảo vệ mội trường, phòng ngừa dịch bệnh, cứu trợ nhân đạo, và còn gì gì nữa.

Thiển nghĩ, với cái khuynh hướng chiết trung và tinh thần phóng khoáng vốn có của mình, nếu sống lại, chắc nhà đệ tứ quốc tế Trần Văn Thạch sẽ không có cái nhìn nghịch cảm với cái mô thức tư bản xã hội trên.

Tưởng cũng nên nói tới một đóng góp khác của ông Thạch cho chủ nghĩa quốc tế ông hằng theo đuổi. Đó là, với tấm lòng vị tha, tình yêu nước thương nòi, tinh thần khoáng đạt, tầm nhìn xa, tri thức mở, tư tưởng chiết trung và thiện chí dung hoà của mình, ông đã làm cho chủ nghĩa đệ tứ bớt tính viễn mơ không tưởng, cực tả phiêu lưu, mang nó về gần thực tế dân tộc mình và lồng vào cho nó bộ mặt người nhân đạo hơn, nhân ái hơn, bao dung hơn.

Trần Văn Thạch, nhà trí thức tài cao đức rộng. Một trái tim chứa chan nhân từ. Chàng hiệp sĩ của người thợ mỏ, phu đồn điền, anh công nhân xưởng đóng tàu, người cày thuê cuốc mướn, bác xe lôi, chị buôn thúng bán mẹt, những người lao động đầu tắt mặt tối mà không kiếm nổi ba bữa cơm mỗi ngày cho gia đình.

Trần Văn Thạch, tiếng nói dũng cảm bênh vực kẻ bị bóc lột. Hồ sơ bên nguyên kiện tới tận cửa quyền cao nhất, Phủ Toàn quyền Đông Dương, Dinh Thống Đốc Nam Kỳ, biết rằng sau đó mình sẽ bị đày đi Côn Đảo.

Trần Văn Thạch, ông đồ tây chơi chữ lỗi lạc, nhà u mặc uyên thâm, ngòi bút sắc bén, dí dỏm nâng văn châm biếm lên thành một thể loại chính quy. Các ông Tây, thuộc địa lẫn mẫu quốc, cũng phải tìm đọc để xem mình bị chọc quê, chế giễu hay đến mức nào.

Trần Văn Thạch, thế đứng thẳng đối mặt với họng súng, chất vấn Trần Văn Giàu về xuất xứ và tính hợp pháp của cái Lâm Ủy Hành chánh hắn tự tôn lên làm chủ tịch, biết rằng sau đó hắn sẽ cho tay sai giết mình.

Trần Văn Thạch, người anh hùng nâng chủ nghĩa hiếu hoà lên hàng một tôn giáo. Không một tấc sắt trong tay khi kẻ thù đến bắt mình dẫn đi thủ tiêu. Đã thuần thành với đạo mình tới hơi thở cuối cùng – một tử vì đạo. Long lanh tinh khiết như những giọt lệ ngần –larmes pures – của thi ca René Char.

Ông hy sinh vào ngày 23 tháng 10 năm 1945. Ở tuổi 40, tuổi đang sung sức và còn nhiều tiềm lực cống hiến cho quê hương.

“Mạng ấy yểu mà danh ấy thọ”, Vương Hồng Sển khóc bạn.

Kết từ bài này nói về một điểm son của tác giả Trần Mỹ Châu, thứ nữ của liệt sĩ Trần Văn Thạch.

Đó là cái tâm khoan dung, tấm lòng cao thượng thừa hưởng từ người cha mà bà biểu lộ từ tốn, lịch sự, ôn hoà qua cuộc gặp gỡ với Trần Văn Giàu (ở tuổi 95 vẫn còn hung hãn), 61 năm sau ngày cha bà bị tay chân của Giàu sát hại. Với một “thoáng mong ước” ôm theo suốt cuộc hành trình 30 năm tìm cha, tìm được ở Giàu một chứng nhân “cho biết chút ít về cái chết của ba tôi. (Đúng là một ước mong quá ngây thơ.)” (sđd, tr.35).

Phan Thị Trọng Tuyến đã viết ra những câu văn ý nghĩa và đẹp : “Khi đọc phần chị Châu kể chuyện, tôi xúc động bàng hoàng trước sự trầm tĩnh của chị và lập tức nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa ông Giàu và cha chị hơn 60 năm về trước. Một bàn tay vỗ lên báng súng và ngón tay chĩa vào trán xỉa xói, hăm dọa, và lời lẽ không phải để dẫn giải bày tỏ mà là để đe dọa và át tiếng. Hai cử chỉ một con người bên thắng cuộc với khoảng cách thời gian thật dài và với hai thế hệ bên thua cuộc, nhỏ bé, bất động, trên tay chỉ có ngòi bút và tâm trí sáng ngời. Cuộc song hành lửa bạo lực và nước kiên nhẫn vẫn còn tiếp diễn, trong bối cảnh khác.” (sđd, tr.402)

Phan Thị Trọng Tuyến luận về cuộc song hành này : “Tôi nhìn thấy nơi sự im lặng của chị, đường hoàng và ngay thẳng, luồng ánh sáng soi rõ cuộc chém giết thuở xưa…Vị anh hùng tài ba ấy thì ra chỉ là một cục đá, một con dao. Thiếu một tâm hồn, một trái tim. Lửa bạo lực chỉ gây chết chóc, tàn phá và sợ hãi còn nước tĩnh lặng, rạch ròi, kiên nhẫn nhắc nhở để nhớ lại những khoan dung và nuôi nấng.” (sđd, tr.402)