Giới thiệu tập truyện Quê Hương Vụn Vỡ của Nguyễn Văn Sâm
Tôi quen biết tác giả Nguyễn Văn Sâm của tập truyện Quê Hương Vụn Vỡ từ nhiều năm nay. Phải thưa điều này ra ngay với quý bạn đọc vì tôi tâm đắc lời tâm sự dưới đây của thi sĩ Bàng Bá Lân trong trang mở đầu cuốn sách Kỷ Niệm Văn Thi Sĩ Hiện Đại của ông, xuất bản năm 1962 tại thủ đô miền Nam nước Việt:

“Nhiều lúc ngâm đọc những bài thơ, đoạn văn ưa thích, tôi [Bàng Bá Lân] thường tự hỏi: Không biết tác giả có thích như mình không? Đây có phải bài thơ, đoạn văn mà tác giả ưng ý nhất không? Và nếu không thì là bài thơ nào, đoạn văn nào? … Ý nghĩ ấy cứ ám ảnh tôi hoài, nhất là những khi tôi đọc những bài phê bình văn học hoặc chính tôi phải làm việc bình giảng văn thơ. Mắt nhìn những dòng chữ nhảy nhót mà lòng tôi thắc mắc hoang mang. Tôi hoài nghi tự hỏi: Có thật tác giả có tư tưởng này, có dụng ý kia, có tâm sự nọ? Hay tất cả chỉ là võ đoán? Rồi sự thắc mắc trên đưa tới kết luận này: Muốn phê bình thật đúng một nhà thơ, nhà văn nào, phải quen biết nhà thơ, nhà văn ấy!

Tác giả Quê Hương Vụn Vỡ là người miền Nam, còn tôi là người miền Bắc di cư vào Nam từ thuở mới bắt đầu trung học. Chúng tôi cùng lứa tuổi, từng là đồng nghiệp trong khung trời Đại Học Sài Gòn, nơi anh Sâm dạy Việt văn ở Văn Khoa và tôi dạy Anh văn ở Sư Phạm. Tỵ nạn qua Mỹ, chúng tôi gặp lại nhau ở Texas và thường cùng góp phần trong các sinh hoạt văn học Việt Nam từ đó đến nay. Năm 2000 tôi vinh hạnh được nói chuyện trong buổi ra mắt rất thành công cho tập truyện Khói Sóng Trên Sông của anh tại Houston. Và từ nhiều năm nay chúng tôi cùng  đóng góp bài vở thường xuyên cho nguyệt san văn học Khởi Hành ở Little Saigon và cho tam cá nguyệt san Văn Hóa Việt Nam ở Houston.

Tôi hy vọng mối thân tình lâu năm giữa chúng tôi đã giúp tôi viết lên những dòng nhận xét về tập truyện mới nhất này của anh một cách khả tín, không phải “chỉ là võ đoán”!

Quý bạn đọc đang cầm trong tay một tuyển tập truyện ngắn đặc sắc qua ngòi bút Nguyễn Văn Sâm. Tôi có cảm tưởng mỗi truyện anh viết là một kỷ niệm đậm sâu trong đời anh, hoặc trong đời một người rất thân của anh, mà khi đọc xong, dù vui hay buồn, tôi còn lưu luyến mãi trong lòng như một nhắc nhở ray rứt. Anh là một nhà văn gốc nhà giáo có một tâm hồn hướng thượng, một trái tim nhân ái, một ước vọng chấn hưng đạo đức trong một quê hương đang băng hoại về lối sống; do đó, mỗi truyện của anh là một bài ngụ ngôn thấm thía.

“Văn dĩ tải đạo” là sứ mệnh văn chương của anh mà anh đã thực hiện một cách ngoạn mục trong tập truyện. Phương tiện để anh đạt mục tiêu vừa kể là một văn phong truyền cảm, thành tâm, sâu sắc, quan sát tận tường. Thêm vào đó là những yếu tố bất ngờ kỳ thú trong các cốt truyện được anh xây dựng mạch lạc, những từ vựng thực vui mắt của một phương ngữ miền Nam đáng yêu, và những đoạn văn tả chân thần sầu quỷ khốc của anh mỗi khi anh ra tay hạ xuống. Một bí quyết nữa khiến những truyện ngắn của anh thành công là chúng đều có một mở đầu gợi cảm kích thích bản chất tò mò của người đọc (khiến họ không thể bỏ cuốn sách xuống) và một kết luận làm người đọc xao xuyến trong lòng (khiến họ khó quên được câu chuyện).

Tôi thích tất cả các truyện trong tuyển tập này, nhưng tôi nhất truyện “Người đổi chó” của anh. Phần kết của tuyệt tác này làm tôi nhỏ lệ vì nó mầu nhiệm quá. Phép lạ nhãn tiền mà Ơn Trên đã dành cho một người có thiện tâm trong cuộc sống vô thường đã làm tôi ấm lòng vô hạn. Xin lấy câu chuyện này để làm thí dụ cho những điều tôi nhận xét về văn tài của bạn tôi.

Đây là một ngụ ngôn tuyệt diệu chứng minh cho các niềm tin “ở hiền gặp lành”, “ông Trời có mắt”, “phép lạ có thật”, vân vân. Nhân vật chính trong truyện là một người chuyên đi mua chó rồi bán lại cho các tiệm bán thịt chó để kiếm lời độ nhật. Một bữa anh “trúng mánh” vì anh “được một bà kia kêu tới cho không con chó mực mà bầy con bả đã cho lối xóm hết rồi.” Cho con Mực vào lồng trên xe, anh ta nói với nó: “Ôi Mực ơi, tao cám ơn mầy. Mầy chết mà nhiều người khoái khẩu, tao được đỡ khổ một ngày dang nắng vậy là cái chết của mầy có lý lắm chớ không phải chơi đâu nhen Mực!” Với con Mực trên xe, anh ghé một tiệm thịt chó, nơi mà một số chó đang bị sát hại tàn ác. Phản ứng của con Mực làm nát lòng người đọc: “Nghe tiếng đồng loại tru thảm thiết, con Mực giờ nằm im trong lồng trên xe của tôi, bỗng nhiên lồng lộn vùng vẫy, nó sủa bằng một giọng đứt khoảng của sự sợ hãi đến cùng cực với đôi mắt ghèn trôi theo máu trào ra ở khóe.” Anh ta động lòng trắc ẩn, quyết định thả con Mực. Và đây là đoạn kết nhiệm mầu của câu chuyện, một ngụ ngôn mà ý nghĩa chúng ta sẽ còn nhớ mãi:

“Không cần suy nghĩ, tôi mở cửa lồng định bụng thả cho con Mực chạy đi. Nhưng mà lạ, nó không chạy ra xa mà cắn ống quần tôi, vừa cắn vừa gâu gâu. Tôi tức giận đá cho nó một cái như trời giáng vậy mà nó cũng không buông …. Con chó vẫn kéo, chừng độ 4, 5 thước khỏi cái xe, tôi đập được con Mực một cái trúng đầu, nó nằm xuống, thì cũng lúc đó tiếng kèn rú long trời của hai chiếc xe chạy đua từ đâu xẹt tới, một chiếc do tránh người đâm vào chiếc xe của tôi tạo ra một âm thanh chói tai tung cát mịt mù …. Tôi chóng mặt ngang, hình như tôi quá kinh hoàng sau khi thoát khỏi tai nạn, không còn tỉnh trí, chỉ nghe mơ hồ như có ai nói thằng cha đổi chó nầy hên cùng mình nha bây, nếu nó còn đứng chỗ cái xe thì tiêu tùng rồi. Tôi thở dài, ngó cái xe của mình, cong queo, gãy đổ đến tội nghiệp. Tôi ngó xuống con Mực, nó không cắn ống quần tôi nữa mà nhìn lên tôi thân thiết vẫy đuôi, hai khóe mắt của nó ghèn pha máu vẫn còn chảy, bây giờ xuống gần tới mũi.”

Đoạn kết nêu trên của câu chuyện cảm động bao nhiêu thì đoạn mở đầu của nó cũng hấp dẫn bấy nhiêu. Thực khó có thể bỏ cuốn sách xuống sau khi đọc những dòng chữ mở đầu hấp dẫn này:

“Ban đầu thì tôi chê cái nghề kỳ cục này. Gì mà chở cái lồng chó kêu ăng ẳng sau bọt-ba-ga, đi tới đâu chó trong xóm thi nhau sủa tru mà dân chúng thì thò đầu ra ngó chăm bẳm rồi xầm xì đồ thằng cha làm cái nghề thất nhơn sát đức, giết chó nên chó thấy là sủa ì èo, tru nghe thảm thiết.”

Nghệ thuật tả chân của anh thực vô song. Nhiều lúc tôi nín thở để đọc những đoạn văn anh tả chân cuộc sống ở quê nhà, để rồi rùng mình khiếp sợ. “Thằng Tư mặt thẹo” là một tay bắt chó chuyên nghiệp mà “mỗi ngày phải đập đầu chừng một chục con thì uống rượu mới ngon.” Hắn ta tuyên bố câu nói độc ác ấy “mà nhe hai hàm răng lởm chởm đóng bựa vàng và khói thuốc đen phụ họa với cái mặt thẹo bị chém thời cố Hỷ nào coi thiệt là dọa ông kẹ con nít.”  Và đọc xong đoạn văn dưới đây thì còn ai dám tiêu thụ bánh tráng hoặc lạp xưởng từ quê nhà xuất cảng sang hải ngoại:

“Đi qua một lò làm bánh tráng, làm bún mùi chua nồng vậy mà còn dễ thở hơn đi ngang qua chỗ làm lạp xưởng, hay làm đồ lòng, ở đây ruồi vô số và mùi thịt thúi bay dính vô quần áo đi xa cả cây số mà mùi vẫn còn phưởng phất, ác nhứt là mùi thứ nước màu đo đỏ họ dùng để ướp thịt, nghe như mùi sơn ở cái trại hòm, làm mình liên tưởng đến mùi người chết để qua ngày hòm bị xì.”

Năm nay ở tuổi “thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất dụ củ” (Luận Ngữ), anh Sâm quả thực không phải suy nghĩ, gắng sức mà vẫn hành động tự nhiên hợp đạo lý. Bài thơ “Nói với đứa cháu nhỏ mới sanh” để thay lời tựa cho tập truyện này của anh chứng tỏ điều ấy. Anh viết ra những điều thật tự nhiên, thành tâm, chan chứa ân tình, hợp đạo làm người. Qua bài thơ, anh đã nói dùm tất cả chúng ta với những thế hệ kế tiếp ở hải ngoại, nhất là đoạn kết của bài thơ:

Phải yêu quý nơi mình sinh ra và yêu cả đồng bào quê cha 
Ông đã sống hết đời mình và tự hào sống đáng
Ông tiếc nếu không kịp nhìn thấy lũ cháu lớn lên thành đạt
Biết nghĩ suy và nói thông thạo tiếng Việt Nam

Bạn hiền ơi, tôi chúc mừng bạn đã trình làng thêm một tác phẩm quý báu và cảm ơn bạn đã mang lại cho tôi một niềm vui lớn là được viết lời giới thiệu Quê Hương Vụn Vỡ  của bạn với độc giả bốn phương.

Đàm Trung Pháp
Dallas Trọng Hạ 2011

Quê Hương Vụn Vỡ
Do Viện Việt Học xuất bản lần thứ nhất năm 2012.
Ấn phí ủng hộ $20.00.
Địa chỉ liên lạc:
Nguyễn Văn Sâm
12960 High Vista, Victorville, CA 92395
Samnguyen20002002@yahoo.com