Danh nhân Tây Ninh - Nghệ sĩ Năm Đồ

  Đào Anh Dũng

Nói đến hát bội (hay hát bộ) Nam Phần, ai cũng biết cô Năm Đồ, một nghệ sĩ nổi tiếng của các đoàn hát như Tấn Thành Ban, Minh Tơ, Phước Thành... nhưng ít ai biết bà nguyên quán Tây ninh.

Người viết gốc họ Đào. Ông sơ từ miền Trung vào Nam lập nghiệp từ giữa thế kỷ 19. Chúng tôi không dám nghĩ tổ phụ của mình có liên hệ huyết thống đến cụ Đào Duy Từ (1572-1634), một bậc khai quốc công thần được xem là ông tổ của ngành Hát Bội Việt Nam vì tương truyền cụ là người sáng tác vở tuồng San Hậu. Tuy nhiên, trong gia đình chúng tôi, từ ông bà nội đến cô bác, ai cũng mê hát bội. Người thích hát bội nhất là cô Mười của chúng tôi, tuổi đà 83, hiện cư ngụ tại tiểu bang Pensylvania. Cô thường hay kể cho chúng tôi nghe chuyện xưa Tây Ninh, nhờ vậy mà chúng tôi được biết cô Năm Đồ là người cùng làng với chúng tôi, làng Hiệp Ninh (Tây Ninh).

Cô Mười tôi kể rằng ông nội của chúng tôi vốn mê nghệ thuật nên khi xưa ông có lập một nhóm đờn ca tài tử trong vòng bè bạn ở châu thành Tây Ninh, và thân phụ của cô Năm Đồ là thầy đờn của nhóm vì ông biết rất nhiều nhạc khí cổ truyền Việt Nam. Ông có ngón đờn cò rất điệu nghệ nên ông nội chúng tôi cho cha chúng tôi theo học nhạc khí này với ông. Tuy nhiên, nhóm đờn ca tài tử của ông nội chúng tôi sinh hoạt không được bao lâu thì ông thầy đờn này phải bỏ quê, trốn đi Sài gòn vì ông có chân trong hội kín.

Gần đây, nhờ chú em ở Việt Nam gởi biếu quyển “Từ Điển Nghệ Thuật Hát Bội Việt Nam” xuất bản năm 1998, qua sự chủ biên của giáo sư Nguyễn Lộc và nguồn tài trợ của công ty xe hơi Toyota, chúng tôi được biết thêm nhiều chi tiết khác về người nghệ sĩ lão thành gốc Tây Ninh này.

Theo quyển từ điển nói trên, cô Năm Đồ tên thật là Nguyễn Thị Đồ, sanh năm 1916 tại làng Hiệp Ninh (Tây Ninh), con của ông Nguyễn Văn Giai và bà Phan Thị Hảo. Vào năm 1930, nghệ sĩ Giai có chân trong Thiên Địa Hội nên bị chánh quyền Pháp thuộc truy nã. Ông phải rời tỉnh nhà, trốn đi Sài gòn lánh nạn với hai người con gái là Nguyễn Thị Đồ (cô Năm Đồ) và Nguyễn Thị Sự (cô Bảy Sự). Nhờ có ngón đờn cò điêu luyện, nhạc sĩ Giai được nhận vào Tấn Thành Ban của ông bầu Cung. Lúc ấy, gánh hát bội này diễn thường trực tại đình Nhơn Hòa (Cầu Muối). Hai chị em cô Năm Đồ, Bảy Sự theo cha giúp việc cho gánh hát, rồi quen dần với sân khấu. Cô Năm Đồ tánh tình hiền hòa thùy mị. Cô ăn nói nhỏ nhẹ, lại có giọng hát trong trẻo, ngọt ngào nên cô được nghệ sĩ Tư Châu (tức bà Cao Minh Châu, vợ của bầu Cung) chú ý theo dõi và thu nhận làm đệ tử.

Từ đó, cô Năm Đồ theo nghiệp Hát Bội, được giao các vai phụ như thể nữ, quân báo, ca múa, quân hầu, đánh đầu tuồng... Đến năm 17 tuổi, nhờ có đầu óc cầu tiến, ham học hỏi, cô Năm Đồ đã vững vàng trong các vai đào trẻ, kép con. Từ đó, theo thời gian, danh cô ngày càng rực sáng trong lãnh vực nghệ thuật Hát Bội.

Vào năm 1947, theo thị hiếu của giới thưởng thức, Tấn Thành Ban cũng như các gánh hát bội khác (của bầu Dòn, bầu Thắng...) chuyển dần sang nghệ thuật Hát Bội pha Cải Lương. Cô Năm Đồ lại nổi tiếng trong các vai đào võ. Báo chí thời đó ca ngợi cô qua các vai Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ, Mộc Quế Anh, Lưu Kim Đính... Cô cũng thành công không kém qua các vai đào văn như Điêu Thuyền, Mạnh Lệ Quân, Phi Long Cữu Nhĩ...Ngoài đoàn hát Tấn Thành, cô Năm Đồ còn diễn cho các đoàn khác như Chánh Thành, Minh Tơ, Phước Thành và đoàn mang chính tên của cô là Năm Đồ cho đến sau 30 tháng 4, năm 1975, khi các bộ môn nghệ thuật đều phải vào đoàn thể. Cô cũng được mời thâu nhiều bộ đĩa hát và băng nhựa được giới ngưỡng mộ ưa thích.

Người viết còn nhớ hôm khánh thành hí viện Thanh Sơn tại Chợ Mới Tây ninh vào năm 1959. Chủ nhân rạp hát, ông bà Lý Văn Dõng, là cô dượng Chín của chúng tôi có mời gánh Phước Thành đến hát khai trương. Đêm ấy, cô Năm Đồ thủ vai Lưu Kim Đính trong vở “Lưu Kim Đính Giải Giá Thọ Châu”. Vở tuồng đề cao mối tình của nữ tướng tài ba Lưu Kim Đính với công tử Cao Quân Bảo, cháu vua Tống. Khi thành Thọ Châu bị bao vây, Lưu Kim Đính một mình một ngựa giải giá quân vương, có lúc tưởng mất mạng. Cô Năm Đồ oai phong lẫm liệt trong chiến bào biểu diễn thật xuất sắc. Đồng bào Tây Ninh chen lấn vào rạp xem hát, làm bể cửa rạp hát mới toanh này. Ông nội của chúng tôi lúc ấy tuổi đà 85 mà cũng hăng hái cầm chầu lúc giáo đầu tuồng để khuyến khích cho bộ môn nghệ thuật cổ truyền dân tộc này.

Nghệ sĩ Năm Đồ quả thật đã đóng góp hữu hiệu cho nền nghệ thuật văn hóa tỉnh Tây ninh nói riêng và của toàn thể nước nhà nói chung. Bà mất ngày 24 tháng 2, năm 1992 tại Sài gòn để lại sự thương tiếc của giới nghệ sĩ cũng như giới thưởng ngoạn nghệ thuật Hát Bội.