Bà Tùng Long
Bà Tùng Long tên thật là Lê Thị Bạch Vân, sinh năm 1915 tại Đà Nẵng. Bà là một nhà văn nổi tiếng chuyên viết tiểu thuyết tâm lý xã hội ở miền Nam trước 1975. Bà là tác giả của 50 tiểu thuyết, trong đó có 16 tiểu thuyết được tái bản và mới in sau năm 1975. Cuốn Hồi ký bà Tùng Long vừa được NXB Trẻ và Công ty Văn hóa Phương Nam phát hành nhân dịp mừng thọ bà 88 tuổi.

Từ năm 1953 đến năm 1972, bà Tùng Long vừa đi dạy học, vừa viết báo, viết văn để nuôi dạy 9 người con. “Tôi chưa bao giờ dám tự hào xưng mình là văn sĩ, nữ sĩ. Tôi chỉ nói tôi viết văn là để nuôi con, chỉ thế thôi” (trang 149). Vào những năm 60 của thế kỷ 20, bà Tùng Long vừa đi dạy vừa viết truyện đăng báo (feuilleton), mỗi tháng bà kiếm được 49.000 đồng, thời điểm đó giá vàng 5.000 đồng/lượng. Cũng vào thời điểm đó, có người ghen tức với thu nhập của bà đã chê tiểu thuyết tâm lý xã hội của bà là bình dân, không cao siêu. Bà đã trả lời: “Một nhà văn Pháp tuyên bố: “Nếu tôi có một ngai vàng thì tôi sẵn sàng đổi nó để tìm hiểu tâm lý phụ nữ”. Như thế thì tôi, một phụ nữ tại sao lại không viết để nói lên tâm lý phụ nữ” (trang 147). Nhà báo Trần Quân đã viết trên tuần báo Times ở Sài Gòn năm 1963: “Bà Tùng Long có thể tự hào là bà đã nhận lấy trách nhiệm quan trọng khi cầm bút vạch ra cho phụ nữ đương thời con đường phải đi để được cùng tham gia với nam giới xây dựng một xã hội công bằng và tiến bộ hơn” (trang165).

Bà Tùng Long còn nổi tiếng là người đầu tiên khởi xướng viết mục Gỡ rối tơ lòng trên báo Sài Gòn Mới (1953) và giúp báo bán chạy. Sau năm 1975, nhiều báo cũng mời bà viết tiếp mục này với nhuận bút cao nhưng bà đã biết từ chối vì “thời nào có người nấy”. Hiện nay một số báo vẫn có mục giống như Gỡ rối tơ lòng, nhưng không biết người gỡ rối có đem lại hạnh phúc cho người bị rối như bà Tùng Long đã làm?

Tôi đã có dịp dự sinh nhật mừng thọ bà Tùng Long ở tuổi 87. Thật cảm động khi thấy những học trò mái tóc bạc phơ, sau hơn 40 năm vẫn đến ôm bà chúc mừng và khóc. Một cô giáo phải dạy dỗ như thế nào mới được học trò yêu thương đến vậy? Bà trả lời: “Nghề dạy học luôn được tôi xem là nghề tay mặt, còn viết văn chỉ là nghề tay trái mà thôi”.

Nhà văn, nhà báo Trần Bạch Đằng giới thiệu Hồi ký bà Tùng Long đã cho người đọc biết “một góc của khung cảnh với ký ức văn nghệ Sài Gòn sau Hiệp định Genève”. Với người viết sẽ nhận thấy: Khi viết văn đem lại niềm vui cho mình và cho bạn đọc, người ta sẽ viết dễ dàng hơn và được bạn đọc yêu mến hơn.