Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Đọc Tin Trên Báo” (nhạc sĩ Thanh Sơn) – Viết cho người nằm xuống trên đồi sim

Đông Kha

Hôm qua tôi đọc báo thấy tin anh ngã gục,
Phía trang sau chia buồn.
Lòng mình bỗng lạnh căm,
Xúc động đến dị thường, xui đôi dòng lệ tuôn.

Tình bạn anh và tôi nay cách xa nhau rồi,
Mang tiếc thương trong đời
Những ngày vui tắt lịm,
Màu trời loang màu tím
Như tiễn đưa linh hồn một người vừa ra đi.

Anh ngã đi như bao anh hùng,
Quê hương buồn não nùng,
Hận thù trên tay súɴɡ,
Từ miền xa mấy thằng trong bọn mình,
cũng nhận được hung tin.

Anh mất đi non sông tôn thờ
Quê hương lửa ngút trời, thì còn tôi đi tới.
Giọt lệ rơi nức nở thương cuộc tình,
Hai đứa mình ngăn đôi.

Hôm nay tôi đọc báo thấy đăng tin thắng trận,
Toán quân anh đứng đầu.
Lòng buồn bỗng chợt vui,
Những người trẻ sau này,
Noi gương hùng tranh đấu.

Chập chờn qua từng đêm,
Trong giấc mơ anh về,
Anh báo tin tôi rằng,
Những người đi lính trận,
Một lần đi còn thiếu,

Nhưng nước non thanh bình,
Thì dù là bao nhiêu.

Đó là phần lời của ca khúc Đọc Tin Trên Báo, được ca sĩ Trúc Ly thu âm trong dĩa nhựa 45 vòng của hãng dĩa Thiên Thai vào năm 1969, bạn có thể nghe ca khúc này ở bên dưới. Ít người biết rằng ca khúc này được nhạc sĩ Thanh Sơn viết dành cho người bạn nhạc sĩ là Dzũng Chinh (tác giả ca khúc Những Đồi Hoa Sim) khi nghe tin nhạc sĩ này hy sinh trên ᴄhiến tɾường.

Trúc Ly hát Đọc Tin Trên Báo (nhạc sĩ Thanh Sơn)

Click để nghe Trúc Ly hát Đọc Tin Trên Báo (nhạc sĩ Thanh Sơn)

Nhạc sĩ Dzũng Chinh tên thật là Nguyễn Bá Chính, là một người lính thực thụ. Theo tác giả Phạm Tín An Ninh, trước khi theo học khóa sĩ quan đặc biệt ở Đồng Đế Nha Trang, nhạc sĩ Dzũng Chinh là hạ sĩ quan phục vụ tại Tiểu Đoàn 2/14/ Sư Đoàn 9 Bộ Binh thuộc Vùng IV. Cuối năm 1968, sau khi tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn Úy, ông chọn đơn vị Sư Đoàn 23 Bộ Binh và xin được phục vụ tại Trung Đoàn 44 (trú đóng tại Sông Mao, Phan Thiết), đảm trách các tỉnh miền duyên hải: gồm Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa. Dzũng Chinh xin phục vụ tại đơn vị này để được ở gần quê nhà Nha Trang.

Một đêm cuối tháng 2 năm 1969, Trung đội của ông có nhiệm vụ chốt ở chân núi Chà Bang, Ninh Phước, đụng độ với một toán địch quân và ông bị trọng thương trong lúc giao tranh với nhau.

Ngay sau đó, Dzũng Chinh được trực thăng của Mỹ tải thương về Quân y viện Phan Thiết, nhưng vì vết thương quá nặng nên ông đã từ trần vào ngày 1 tháng 3 năm 1969, hưởng dương 28 tuổi. Ông được truy thăng cấp bậc Trung úy và được đưa về quê quán ở Nha Trang an táng.

Thông tin Dzũng Chinh – Nguyễn Bá Chính hy sinh được đăng trên báo với những dòng chia buồn thương tiếc, làm bàng hoàng những người hậu phương, đặc biệt là đối với những khán giả yêu nhạc vàng đã từng hâm mộ các ca khúc Những Đồi Hoa Sim, Tha La Xóm Đạo, Lời Tạ Từ…

Nhạc sĩ Thanh Sơn lúc đó cũng đang là một người lính phục vụ tại Bộ Tổng Tham Mưu, nghe được tin người bạn mình vừa qua đời, đã ngay lập tức viết thành ca khúc Đọc Tin Trên Báo với những lời nhạc vừa tỏ lời tiếc thương, vừa hy vọng về một tương lai tươi sáng cho quê hương đằng sau những hy sinh của người lính:

Anh mất đi non sông tôn thờ
Quê hương lửa ngút trời, thì còn tôi đi tới.


Hôm nay tôi đọc báo thấy đăng tin thắng trận,
Toán quân anh đứng đầu.

Lòng buồn bỗng chợt vui,
Những người trẻ sau này,
Noi gương hùng tranh đấu.

Lúc hy sinh, Nguyễn Bá Chính đang là Thiếu úy – đứng đầu một trung đội giữ nhiệm vụ án ngữ dưới chân núi Chà Bang.

Trong phần đề tựa ca khúc Đọc Tin Trên Báo được in trong bản nhạc tờ phát hành ngày 19 tháng 3 năm 1969 (chỉ hơn nửa tháng sau ngày Dzũng Chinh hy sinh), nhạc sĩ Thanh Sơn ghi:

Tưởng niệm Thiếu úy NGUYỄN-BÁ-CHÍNH tự DZŨNG-CHINH đã yên giấc trên “NHỮNG ĐỒI HOA SIM” ngày 01-03-1969.

Nơi Dzũng Chinh – tác giả ca khúc Những Đồi Hoa Sim ngã xuống là chân núi Chà Bang. Như một định mệnh, nơi này có một vùng đầy hoa sim tím, nên nhạc sĩ Thanh Sơn đã ghi rằng Dzũng Chinh đã yên giấc trên những đồi hoa sim.

Trước khi nhạc sĩ Dzũng Chinh hy sinh, ông cùng với nhạc sĩ Thanh Sơn rất thường xuyên gặp gỡ nhau trong những lần Dzũng Chinh về Sài Gòn công tác hoặc nghỉ phép. Ca sĩ Phương Dung từng kể ại rằng cô thường gặp 2 nhạc sĩ này ở tiệm café Kim Sơn trên đường Lê Lợi để bàn về các bài hát, việc thu âm.