Sài Gòn, cà phê sáng

Mất khá lâu tôi mới tìm được hai chữ “cà phê” trong Từ Điển Hán Viêt của Thiều Chửu (café theo tiếng Pháp, coffee theo tiếng Anh). Thiều Chửu cho nghĩa 咖啡(gia phi hay già phê) là cà phê, cây cà phê. Cả hai chữ đều có bộ khẩu 口. Thì ra, anh chàng Tầu tham lam, hợm hĩnh, láu cá, cái gì cũng muốn có hay copy của người khác mà có.

Nhờ có thời gian ở Vĩnh Long, Vĩnh Bình và Chương Thiện, “ông thầy” học của “đệ tử” những cách gọi cà phê bằng tiếng Tầu, khiến chủ quán, dù là người Tầu thật hay lai 70 đời, cũng phải thắc mắc, kinh ngạc và kính nể, không biết người khách này học tiếng Tầu ở đâu. Vào quán, muốn uống cà phê, cứ gọi một cái xây chừng (cà phê đen nhỏ) hay một cái xây bạc xỉu (cà phê sữa nhỏ) là xong. Có thể người bán thuộc lớp người mới, không hiểu xây chừng hay xây bạc xỉu là gì, nhưng điều đó không quan trọng. Chỉ cần chứng tỏ ta là người… biết tiếng Tầu là được rồi. Bạc sỉu (tiếng Hoa 白小, bạch và tiểu, âm Tầu là bạc và sỉu có nghĩa “trắng và nhỏ”, xuất phát từ vìệc uống cà phê của người Việt gốc Quảng Đông, bên Tầu, phổ biến ở miền Nam VN, như cà phê sữa, nhưng phần sữa nhiều hơn, cà phê ít hơn). Còn nữa, nhưng, xin lỗi, tôi quên mất rồi.

Trước tháng Tư 1975, gần như sáng nào tôi cũng ra quán chú Ba Phèng ở đầu hẻm uống cà phê. Người ta gọi chú là chú Ba Phèng, tôi cũng bắt chước gọi theo. Không ai biết tên thật của chú Ba là gì, cứ goi là chú Ba hay chú Ba Phèng bán cà phê, nghe thân thiết như người trong một gia đình. Nghe nói vợ chồng chú Ba là người Minh Hương, dân trong xóm ai cũng qúy. Minh Hương là tên gọi một nhóm người Hoa ở phía Nam (Việt Nam). Minh Hương có nguồn gốc từ đời nhà Minh, nhà Thanh ở Trung Quốc, sau, vì những vụ xáo trộn chính trị, khiến họ phải lưu vong qua các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ta thường gọi sai họ là Tầu lai. Vì sinh sống dài ngày trên đất Việt, họ nói tiếng Việt rất sõi, có khi y như người Việt. Vợ chồng chú Ba Phèng ăn ở với nhau đã lâu, nhưng không có mặt con nào.

Cuối năm 1980, tôi ở rừng về, vẫn tiếp tục uống cà phê chú Ba. Cà phê chú Ba hình như có cái gì đó thân thiết không thể rời bỏ.Trong lúc đang nặn đầu nặn óc tự tìm công việc làm mới thích hợp với mình, tôi thấy ghé uống cà phê chú Ba cũng như một giải quyết cho mình vậy. Không phải vì chú Ba lấy rẻ, mà là vì quán chú Ba gồm toàn những người quen mặt từ trước. Nào là bác Sáu Rựa, chú Tư Xích Lô, bà Năm Trầu, thằng Sáu Đình Đám, Thím Bẩy Toét… Ai cũng biết nhau, ra vào bình dân, không phải đóng bộ này nọ mất công. Không ai để ý nhau. Thế là tôi thích rồi.

Nhà vợ chồng chú Ba ở trong hẻm gần cây cầu gỗ. Cạnh đó là một bãi rác bự tổ chảng. Mọi người thấy vợ chồng chú Ba hiền lành, tối ngày mắc bận ở ngoài quán, nhà thường không có người ở, nên tới đổ rác ì xèo mỗi ngày. Được cái cô chú Ba cứ tỉnh bơ. Ngửì rác thối là mọi người cùng ngửi hết, sợ gì? Nghĩ cũng tội, vợ chồng chú Ba bán cà phê gần như suốt ngày, tối về còn phải ngửi mùi rác thối bốc lên nữa. Nào là xác chuột chết, mèo chết (không có xác chó chết, vì sau 1975, có người đã lượm mất rồi), nào là gìấy má vụn, nào là bao túi nhựa đựng đồ xanh, vàng, trắng, đỏ… Khi nào đống rác to cao lên tổ bố hay nhìn khó coi, người dân trong xóm lại đẩy nó xuống con sông gần đó, cho nó theo con nước lớn lênh đênh. Thiệt là tiện lợi siêu phi thường. Vợ chồng chú Ba thích nhất ngày đó, vì không còn bị mùi hôi thối hành hạ lỗ mũi nữa. Người VN có nhiều sáng kiến, rất đáng nhận bằng khen treo trong nhà.

Từ khi có quán chú Ba, ngày nào anh công an khu vực tên Bình cũng đến thăm hỏi khu phố, nhất là vào buổi sáng. Mỗi lần ảnh ghé qua hay chui vào một nhà nào đó, ảnh đều ghé thăm vợ chồng chú Ba trước, làm một ly cà phê đen nóng cho ấm bụng cái đã rồi mới đi đâu thì đi. Lẽ dĩ nhiên ảnh uống cà phê cứ quên trả tiền hoài mà chú Ba, để giữ nồi cơm, lại không dám đòi. Đi đến đâu, miệng ảnh cũng nở toét ra, không như ngày xưa, mặt cứ lầm lầm lì lì, thấy mà ghét. Cái quán cà phê của chú Ba là “điểm giao liên” đầu tiên trong khu phố. Chú Ba “mở” quán ở đầu hẻm rất tiện. Dưới cái bảng “quảng cáo” xanh trắng “Khu Phố Văn Hóa” là cái quán cà phê của chú Ba, không lẫn vào đâu được. Đi đâu mọi nguời thường hay tạt vào, nói dóc vài ba câu rồi mới về nhà. Đó là một thứ văn hóa không thể thiếu trong đời sống thường ngày.

Gọi là “quán” cho nó sang, chứ thật ra, “quán” chú Ba chỉ có mấy cái bàn mộc, mấy cái ghế đẩu, cũng để mộc, thấp cũn cỡn cho khách ngồi. Uống cà phê ở quán chú Ba, ít ai để tâm đến cái bàn, cái ghế. Bàn ghế thế nào cũng đươc, miễn là ngồi được, uống cà phê được, thì thôi.

Ngày nào cũng vậy, chú Ba ra quán lúc 3-4 giờ sáng, nấu nước, bầy “hàng”. “Quán” chú Ba có mấy cái siêu đất rất ngộ. một lô “phin” pha cà phê làm bằng vải mỏng, người ta quen gọi là bí tất hay vớ (dzớ). So sánh như vậy cho thêm vui, chứ ai lại lấy dzớ pha cà phê cho khách bao giờ. Nhưng cà phê không pha bằng phin (filter) mà phải pha bằng vợt, rót vào cái siêu đất, rồi lại rót cà phê từ cái siêu đất vào một cái ly. Thế là đã có một ly xây chừng ngon…đáo để. Vợ chồng chú Ba bán đến 2-3 giờ chiều thì lo dọn dẹp.

Từ tờ mờ sáng đã thấy chú Tư ra quán chú Ba. Chú Tư có lối ngồi và phong cách uống cà phê đen rất đặc biệt của người cao tuổi miền Nam. Mới 4-5 giờ sáng, mặc dù trời còn lạnh, chú cứ thản nhiên như không, người xoay trần, ngồi theo kiểu “nước lụt” (chồm hổm) trên chiếc ghế mộc, tay phải chú khoắng rất nhẹ chút đường trong muỗng, rồi đổ một phần cà phê vào dĩa, đưa lên miệng uống. Các cử động của chú rất nhẹ nhàng, thuần thục, chứng tỏ chú Tư đã làm việc này từ lâu rồi. Chú Tư thích uống cà phê đen bằng dĩa hơn bằng ly hay bằng tách. Tôi đoán chú làm như thế là muốn cho cà phê mau nguội, vừa uống hơn. Có lẽ uống cà phê đen bằng cách đổ ra dĩa chỉ có ở VN.

Sau khi húp ngụm cà phê đầu tiên, chú Tư quay qua quay lại, có ý tìm một người bạn thâm giao nào đó, sửa lại chỗ ngồi, chú mới nói lớn cho mọi người trong quán cùng nghe, thôi thì đủ thứ chuyện trên đời, khi thì về chính trị, khi thì về kinh tế, xã hội, văn hóa. Không ai tài nào biết trước được. Nhưng dù đề tài nào, chú Tư cũng tỏ ra mình là người rành rẽ, từng trải, có kinh nghiệm. Đã nhiều lần tôi bị mê mẩn bởi câu chuyện của chú, không dứt ra được.

Sau phần “nói chuyện” một mình, chú Tư lại hớp một chút cà phê thấm giọng, chú lại nói tiếp như sợ ai nói tranh mất. Nói tranh sao được, vì gần như chuyện nào chú nói, cũng đòi hỏi sự từng trải,hay kinh nghiệm. Gần như không ai dám mở miệng, chỉ ngồi nghe thôi. Nghe chú nói là đủ đã thèm rồi.

Ngày nào cũng vậy, chú Tư “uống” cà phê đến 8-9 giờ sáng mới xong. Chú Ba không bao giờ nói gì. Có chú Tư, quán thêm vui, nhất là chú có người kể chuyện cho nghe.

Lúc chú Tư đứng lên ra về, mặt trời đã lên cao. Bóng chú in siêu siêu trên nền xi măng dẫn vào nhà. Chú lau qua chiếc xích lô, đóng cửa nhà, rồi nhẩy lên xe, đạp đi.