Ngoài vùng phủ sóng

Chị Oanh vặn cây đèn bão lên cao ngọn. Tôi chóa mắt giật mình lồm cồm ngồi bật dậy, dụi tay quờ quạng. Không biết mình đương ngủ quên ở gò mả đá hay bên cây rơm sau hè nhà. Thầy Hai vừa dứt hồi kinh ru ngủ tôi nãy giờ. Chuông mõ nhịp nhặt nới rộng căn nhà quạnh quẽ, tĩnh lặng. Chị Oanh trong lớp vải tang thô trắng đương cùng đám trẻ mồ côi cúi đầu xì xụp lạy.

Té ra từ chạng vạng tới giờ, tôi đã ngủ một giấc thật sâu dưới cỗ quan tài của dì Bảy. Thấy tôi tỉnh dậy, con Mực nằm kế bên hững hờ vẫy đuôi mừng. Bất chợt, nó vụt đứng lên hừng hực chạy ra ngoài sân trước tối om.

Có tiếng rửa chưn quậy nước đùng đùng ở bờ ao trước nhà. Lấp lóe ánh đèn pin quét mau qua cửa. Mọi đôi mắt chạy dồn theo tiếng sủa lồng lộn của con Mực. Rồi Ba Thẹo bước vô, đặt bọc thịt heo quay xuống đất, cúi xổ lai quần Jean nhung, cười nửa miệng, đủ khoe mấy cái răng vàng bóng lộn. Đám trẻ tíu tít vây quanh cái bịch ny-lông, háo hức, thèm thuồng, soi bói. Nghe tiếng tằng hắng của thầy, tụi nhỏ chạy dồn ra sau bếp, mặt mày lắm le lắm lét.

Thầy chìa mấy ngón tay khô móp áp sát vô cây đèn bão, bấm lướt qua từng đốt rồi lẩm bẩm một mình: ‘Phải hạ huyệt trước sáu giờ sáng.’

Quan tài đóng bằng gỗ tạp, cơi hỏng khỏi mặt đất, gác đầu lên hai chưn ngựa dùng để kê bộ ván gõ từ nhà thầy chở qua. Lúc vác xuống xuồng ba lá, tôi nghe cái xuồng nặng trình trịch như muốn đầu hàng. Nước rón rén phá kẽ be ván trốc chai sau mũi, bò nhẹ vô khoang. Thầy tôi vớ cái mo cau tát nước, hối tôi bơi mau kẻo trời tối.

Vừa trổ ra sông cái, trời đổ mưa mịt mùng, trắng giã. Gió thốc ngược. Thầy cởi tấm áo lá chằm đắp lên con Mực, ngồi co rút trong cái áo mưa, ôm cứng cái túi vải thô tưa tơi, cũ mèm.

Mỗi lần nghe có đám, thầy thường biểu tôi chở thầy đi tụng. Thành thử tôi quen cả màu lẫn mùi của cái túi vải này. Bộ áo cà sa có bệt vá đậm màu trên lưng, cái mũ len đổ lông nhuyễn mịn, quyển kinh góc cuốn tai mèo, cái mõ lên nước bóng huyền, cái chuông đồng hoen rỉ chạy chỉ màu xanh rêu, xâu chuỗi to hạt lòng thòng lét bệt, tất cả phải xếp thật gọn vô cái túi vải thô bạc màu.

Thầy hay mang theo áo tơi bện bằng lá chằm hình cánh quạ. Mặc áo mưa xong, trùm thêm tấm lá chằm, rịt sợi nhợ thắt túm chóp cổ lại. Nhìn giống con nhím sa vô bước đường cùng, cuộn tròn, giấu mặt trước bao mối dọa dẫm chực hờ của các tay thợ săn đang vây bủa.

Chị Oanh lui cui nấu nướng sau bếp, châm thêm trà bưng ra trước, rồi giở nồi bắp luộc cho tụi tôi ăn lót dạ. Vừa cạp vô lớp bắp non, tôi nghe thốc lên mùi da thịt thơm tho, lâng lâng chạy rần lên khắp người.

Tôi đẩy thêm gốc củi tươi vô bếp. Tiếng nổ bắn lách tách lùa khói mịt mù chạy lan theo vách lá, lờ mờ che phủ những thân võng treo mắc dọc trên tấm nẹp tre như những bộ xương người khô đéc. Và gò mả đá nằm cạnh biền lác cứ chờn vờn, duỗi ra trước mặt tôi. Thật đau đớn lúc nghe tin dì Bảy đạp nhằm trái nổ khi đi cắt lác.

Tôi thường thả trâu cho ăn cỏ dưới chưn gò mả, gần biền lác, cùng tụi nhỏ đi nôm cá giẫm nát nơi đây. Dì Bảy mất đột ngột làm thằng Được cứ ám ảnh có ma. Trời còn mưa lắc rắc. Mới leo lên nửa thân cây dừa sau nhà, nó quăng rựa tuột xuống la lên vừa thấy ma trên ngọn. Chị Oanh mắng nó:

‘Hư! Mười tuổi rồi mà còn tè ướt quần.’

Nó lườm mắt, nguýt lại:

‘Con trâu Tượng mười hai tuổi đái bậy trên gò mả hoài. Em thấy anh Mót có la nó đâu.’

Tôi lớn hơn con Tượng ba tuổi và luôn luôn sống bên nhau kể từ khi nó mới mọc sừng. Giờ thì nó già nhất trong đàn. Cặp sừng rộng bảng ngả màu vôi sậm, nổi vòng những lớp sụn thô ráp, mốc thếch. Ngày nào lén bỏ bầy phụ chị Oanh đội võng ra chợ Nhỏ bán, tôi đều căn dặn nó giữ giùm bầy nghé ăn cỏ lanh quanh nơi đây. Không được lội qua lung ông Tà phá ruộng nhà người ta. Chị Oanh đương lấp ló chờ tôi dưới bờ mẫu, bên gốc cây ô môi, cười mĩm:

‘Kết nhau quá há!’

Nét mặt chị rỡ ràng, da trắng hồng hòa quyện với những cành hoa ô môi tím sặc sỡ trong nắng sớm, đẩy lùi vùng trời và đồng cỏ xanh thẫm xa tận đâu đâu.

Mấy phiên chợ đầu, tụi tôi ngồi phơi nắng bên dãy sạp, bán được một hai cái rồi phải đội trở về. Người chê lác phơi chưa ráo nắng, sợi còn dẻo nước. Kẻ nói phơi quá già nắng, sợi khô đéc, giòn rệu. Mặt trời đứng bóng. Nhìn mớ võng tốc tung thành đống vung vãi trước mặt mà nghe ngao ngán khi nghĩ tới lúc phải đuối sụm lội đồng vác về. Tình cờ, vợ Ba Thẹo đi ngang, ngoáy lại nhìn chị Oanh:

‘Mèn đéc ơi! Em là con dì Bảy mà chị nhìn hoài không ra. Bây giờ trổ mã đẹp gái quá há. Đi, đi ôm hết mớ võng về chất ở nhà chị, gần hệu đây hà. Chị hét một tiếng là họ lại quơ hết trơn. Lần tới, em cứ đội võng mới ra đây rồi lấy tiền về.’

Chị Oanh ngước nhìn lên, đôi mắt hồn nhiên tròn xoe như đứa trẻ vừa chụp lại được chùm bong bóng mới vuột khỏi tay bay bổng lên cao. Chị vùng vằng nhưng chị Ba cứ dúi tiền ứng trước vô túi chị. Tụi tôi ghé nhà chú Hía mua mớ bánh tiêu, giò cháo quẩy và vài miếng bánh bò. Chú Hía đoán phỏng được ý chị, lắc đầu:

‘Không thấy thơ từ trên Sài Gòn gửi về cho mầy. Vô nhà bốc điện thoại gọi lên trển coi sao. Nói gọn thôi, nhe mậy. Trả tiền mắc lắm đó.’

Tụi tôi đánh một vòng khắp chợ. Chị Oanh ghé sạp lựa áo cho dì Bảy, mua vài cục pin cho thầy, đội cái mũ lưỡi trai màu đen lên đầu tôi rồi tấp lại đống quần áo si-đa Trung Quốc chọn cái áo pull ngắn tay màu vàng, nheo mắt hí hởn cười.

‘Nhờ vợ nó ăn hiền ở lành chớ gia đình Ba Thẹo tiêu đời lâu rồi. Cha nó hy sinh người ta mới cho làm công an Xã. Nó trúng liên tục mấy vụ tôm sú, mua cái ho-bo vừa chạy thăm các vuông tôm vừa chở bạn bè lên huyện ăn nhậu, hát karaoke tới sáng hôm sau mới trở về.’

Ba Thẹo giành giựt vuông tôm của Lục Kên nên bị chém tét mặt. Lục Kên giỏi võ lại biết gồng. Cổ đeo cà tha, thứ bùa hộ mạng rất linh nghiệm, kéo trịch sợi dây chuyền lệ xệ xuống ngực. Ba Thẹo phóng chĩa ba ngạnh trúng ngay ức mà không lủng thịt. Chém Ba Thẹo xong, Lục Kên gọi con đưa thẳng ghe máy lên Tỉnh chịu ở tù. Ba Thẹo bị kiểm điểm rút kinh nghiệm, nhưng tính hung dữ, tham lam vẫn không chừa.

Lần nào đội võng ra chợ Nhỏ, tụi tôi cứ nghe mấy bà ngồi bán trên sạp kể miết chuyện này.

Tới cây ô môi, chị Oanh rẽ theo ngõ trâm bầu về nhà cơm nước cho kịp buổi học. Lớp học chỉ có hai dãy bàn đóng bằng cột tràm và ván ép. Chỉ có bộ ván gõ lót ở giữa là phơi bày tất cả nét sang trọng trong nhà. Cây đèn bão treo lủng lẳng trên cái móc sắt có tuổi đời già hơn bọn tôi, không ai rõ nguồn gốc, giống như cuộc đời mồ côi của bọn tôi. Thầy tôi gom nhặt, nhận về rồi đặt mỗi đứa một cái tên, chắc để nhắc lại kỷ niệm của thầy từng mỗi trường hợp và mỗi hoàn cảnh. Ba đứa còn lại, Lượm và Rớt được tám tuổi, còn út Bé mới lên sáu.

Thầy phân công cho tôi giữ bầy trâu, đi cày mướn, dậm lúa hay kéo cộ tùy theo mùa vụ. Thằng Được chăn vịt. Lượm, Rớt và út Bé theo thầy vô đám lá tối trời tỉa lá về bán, đặt ống trúm bắt lươn và tìm đuông dừa. Thằng Lượm bây giờ sỏi đời lắm. Nó leo lên cây bần cao ngọn, phóng mắt nhìn quanh. Chỗ nào có đọt cà bắp non khô rủ là nó dẫn thằng Rớt và út Bé tới đào bứng gốc củ hủ lên bắt đuông.

Thầy ngồi trên bộ ván gõ, tay đẩy cặp kính sức một bê ngọng, cột quấn dây kẽm, tay chìa cuốn sách áp sát dưới ánh đèn. Chị Oanh ngồi sau lưng, dúi mảnh giấy cuộn nhỏ qua hông tôi: ‘Tối nay em khỏi phải đưa chị. Má đang chờ chị bên ngoài. Ngày mai đón chị ở gò mả đá. Nhớ nghe!’

Lớp đêm vừa tan. Tụi nhỏ chui vô nằm xếp lớp trong cái mùng rách đập muỗi đen đéc một hồi rồi lăn ra phơi bụng ngủ vùi. Thầy cầm cái xâu quất làm bằng cùi dừa đập tủa xơ, vừa đuổi muỗi vừa rà đài nói tiếng Anh trên cái radio nhỏ, đặt kế bên bình trà. Tôi ôm cái nớp bện lác ra ngủ sau cây rơm, cạnh chuồng trâu. Ngồi rút rơm đánh con cúi dài ngoằn đốt lửa ung muỗi cho trâu, tôi tìm chùm sao cày rẽ đuôi trên nền trời trong ngần.

Tối tan học, có khi đưa chị Oanh về, tụi tôi chạy băng tắt ngã ruộng để tránh gặp rắn. Tôi xách ngọn đèn con cóc hình bánh ú đặt vô cái lồng thiết quơ đường cho có chừng, chớ thật ra từng mô đất, từng lùm cỏ đều quen thuộc như lòng bàn tay. Chị xăn tay áo vải quến đầy phèn đổ màu ngà vàng, phơi vén làn da mỏng mịn, non măng, chỉ lên hướng sao Cày. Cứ nhìn đuôi sao để tính giờ. Đuôi sao quay hết một vòng là trời bắt đầu sáng. Lật bật chị vấp sụp lỗ chưn trâu té khuỵu xuống ruộng. Tôi buông lồng đèn, nắm tay kéo giật chị đứng lên, mặt và tóc chị đập mạnh vô vai tôi. Tự dưng tôi nghe cổ chị toát lên mùi thơm bắp non mới luộc chín vừa vớt ra khỏi nồi, làn da bông gòn của người con gái bước vô ngưỡng cửa tuổi mười sáu.

Thầy tôi trở mình húng hắng ho. Cái radio lè rè, hết pin, yếu lần.

‘Thầy con hồi đó lên Sài Gòn học và cưới vợ sống trên đó. Bị bắt quân dịch, thầy ra trường Thủ Đức rồi sang Mỹ học khóa Lackland về làm thông ngôn. Hồi đó, chỗ nầy là vùng oanh kích tự do. Đò máy đi từ tỉnh đến chợ Nhỏ phải treo cờ vàng ba sọc đỏ. Ra khỏi chợ Nhỏ phải cuốn cờ lại treo cờ khác. Lúc nghe tin cha mình qua đời, thầy bảo vợ và hai đứa con trai về quê lo ma chay. Đò chạy gần tới đám lá tối trời thì bị trực thăng Mỹ bắn chìm, chết hết, không ai dám bơi xuồng ra vớt xác.

Học tập cải tạo xong, thầy trở về đây tu hành nhưng không ăn chay. Có giấy gọi bảo lãnh cho đi Mỹ nhưng thầy từ chối. Dì cũng không hiểu nổi. Cuộc đời còn lại của thầy, như con thấy đó, là những chuỗi ngày khép kín, trầm tư.’

Dì Bảy ngừng kể, mắt đăm chiêu nhìn ra biền lác, tay cầm liềm tóm tém rìa đất rạn vỡ bên thềm mả như bịt lại, che giấu những chuyện xa xưa.

Thằng Được bỏ bầy vịt trên lung ông Tà. Nó lượm theo mấy hột vịt đẻ rớt, kéo tụi nhỏ gom về đây ăn cơm trưa. Tôi nhìn những mái đầu trần đọng vệt bùn khô, những tay áo nhuộm màu phèn vàng, quệt nước mũi đóng lớp dày mo, mường tượng như những đứa con thầy gom nhặt được từ những cái đò tan xác. Không đứa nào biết mình họ gì, con ai, đẻ rơi đẻ rớt ở đâu. Rõ thật là không nguồn gốc. Rõ thật như lời Ba Thẹo nói với thầy tôi, lúc thầy nhờ xin khai sanh cho tụi nhỏ và giấy chứng minh nhân dân cho tôi.

‘Toàn là lũ trôi sông, lạc chợ. Lũ con hoang. Ông đi vác đơn tới trời cũng không ai dám cấp giấy. Sống phải tuân theo pháp luật chớ. Ông là người hiểu cao học rộng. Tôi nói ít, ông phải hiểu nhiều.’

Thầy tôi dằn ly rượu, tuột khỏi bộ ván gõ:

‘Đi họp trên Xã, Mặt Trận Tổ Quốc cấp giấy khen cho tôi. Hội phụ nữ định gửi nuôi thêm một đứa nữa. Chú phải giúp tôi nói với Xã lo giấy tờ cho các cháu chớ. Đàng nầy, chú nói cái giọng đó. Khó nghe quá.’

Ba Thẹo vói tay kéo thầy ngồi xuống, cười nhuếch miệng:

‘Ông tu hành mà còn nóng nảy quá. Để tôi nói cho ông nghe. Buổi họp trên Xã có mặt ông là một buổi họp trí tuệ. Làm sao để dân giàu nước mạnh. Làm sao để xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu vùng xa. Làm sao để kéo lưới điện về tận nông thôn hẻo lánh. Ông cứ đứng lên phát biểu trật chìa hoài nên bà phó chủ tịch mời ông ngồi xuống mấy lần là phải. Ai có thẩm quyền cấp giấy tùy thân cho tụi bá vơ này? Ông nói đi?’

Ba Thẹo vét con đuông chiên vàng cuối cùng trên dĩa, nốc cạn ly rượu, bỏ ra ngoài sân đi về hướng bờ sông cái, chỗ neo đậu cái ho-bo. Nghe con Mực sủa vói phía sau, hắn dừng lại trầm trồ:

‘Ê Mót! Con Mực chạy xoáy lưng tận mí đuôi. Lai chó Phú Quốc. Khôn dễ sợ. Để lại tao nuôi đi mày. Bao nhiêu tiền, tao trả đủ.’

Hắn nói, nhưng không nhìn tôi. Trong tầm mắt của hắn chỉ có con Mực là giá trị, là đáng sống. Còn tôi đang bị bôi mờ. Một đứa trẻ không cội nguồn, không biết từ đâu có mặt trên đời này, một thân phận bị cuộc đời từ chối và không đáng sống.

Và chị Oanh cũng vậy. Lúc thời buổi còn quá khó khăn, dượng Bảy bán ruộng, vay tiền mua cái ghe máy lên biên giới Cam-pu-chia chở hàng mướn qua lại. Dì Bảy đẻ chị Oanh trên ghe nên không làm khai sanh được. Ghe chở gạo, bị tịch thu. Dì Bảy ẵm chị Oanh trở về sống với biền lác còn lại rồi sau đó mới hay tin dượng Bảy bị sốt rét cấp tính chết trong trại giam. Dì Bảy tâm sự với thằng Được lúc nó lội xuống biền phụ cắt lác.

Nghe tiếng vịt kêu, nó bỏ liềm chạy thục mạng về hướng lung ông Tà. Ba Thẹo cột chưn hai con vịt thật mập, lêu lêu trước mặt nó:

‘Ê Được! Nhà tao có khách. Mày về nói với ông Hai tao mua cặp vịt này. Mai mốt tao ghé trả tiền nha!’

‘Thầy tôi bán nguyên bầy. Không tỉa bầy bán lẻ.’

Trù trừ suy nghĩ một hồi, thằng Được tiếp lời:

‘Mà có mua thì anh đưa tiền đây. Đếm mất đầu vịt, thầy phạt tôi.’

Ba Thẹo buông cặp vịt xuống bờ mẫu, chống nạnh, hất hàm:

‘Thầy mày tu hành cái con mẹ gì. Bửa nào tao ghé nhà biểu ổng làm tiết canh cho tao nhậu là ổng cắt cổ vịt liền. Nói thẳng với ổng là tao không trả tiền. Làm gì tao?’

Thằng Được chổng mông vỗ đít rồi quay lại tuột quần đái bổng trước mặt Ba Thẹo. Hắn rượt theo nó. Tôi đội võng theo chị Oanh chạy trờ tới cản hắn lại:

‘Vậy mà thầy tôi còn có tình người hơn anh. Anh đến đây cà rà, ngắm nghía muốn tịch thu biền lác này để làm vuông tôm. Bộ anh tưởng tôi không biết sao?’

‘Đồ con hoang. Đồ mất dạy. Tao đấm vỡ mặt tụi bây.’

Chị Oanh nắm áo hắn lại, năn nỉ:

‘Xin anh Ba bỏ qua cho. Đừng chấp nhứt. Nó nói lỡ lời. Biền lác này của mẹ em chớ đâu ăn nhập gì tới nhà thầy Hai, anh hén?’

Hắn dừng lại bên đống võng tôi vừa liệng xuống, nhuếch miệng cười như một xác ướp Ai Cập hiện hình. Răng vàng. Dây chuyền vàng. Đồng hồ vàng. Và lủng lẳng mấy cái cà rá vàng. Hắn cúi xuống ôm mớ võng, trở lại xách cặp vịt, đi bên chị Oanh:

‘Để anh lấy ho-bo đưa em ra chợ Nhỏ.’

Chị Oanh lẽo đẽo đi theo sau. Chị mặc cái áo pull ngắn tay màu vàng phơi bày làn da trắng mỏng, thơm mùi bắp non. Những màu vàng pha trộn vui buồn lẫn lộn bỗng chốc bỏ lại vùng trời và đồng cỏ xanh mởn duỗi dài ra tận đâu đâu. Tôi lưu luyến nhìn theo thật xa. Chị Oanh không ngoảnh mặt lại. Tiếng ho-bo lướt đi, nhồi nhịp từng cơn sóng dữ, đánh vội vô bờ giống như cái phản lực vừa phóng ngang trời nhả lại vệt khói nhờ nhờ, âm u.

Dì Bảy ngồi im lặng trước sân mỏi mòn chờ chị Oanh. Mãi đến tối hôm sau, chị mới trở về, ngồi khóc tức tưởi bên bờ ao trước nhà. Chị Oanh bỏ không đi học nữa.

Thầy tôi trằn trọc mấy đêm liền. Mích lòng Ba Thẹo, cả nhà đều khó sống.

Tôi chui đầu ra khỏi cái nớp nhìn sao Cày vẫy đuôi gần hết một vòng. Có thể chòm sao đó đã chết và tôi đang nhìn ánh sáng từ xa xưa rớt lại mà cứ đinh ninh nó vẫn còn đó, mãi mãi không bao giờ nhạt nhòa. Chắc chắn phải ra đi. Đuôi sao có khởi điểm và tận điểm của đời nó qua một đêm, còn tôi không có khởi điểm và không biết đâu là tận điểm. Nơi đây không phải là chỗ bắt đầu tiếng khóc của đời tôi và nơi tôi đến sẽ không có một lộ trình hay một điểm dừng để thấy đất trời trở ra hẩng sáng.

Mở cửa mả cho Dì Bảy xong, thấy mợ Tư của chị Oanh từ Sài Gòn về. Mợ neo xe du lịch đậu ngoài tỉnh lỵ, bao trọn cái ho-bo đi với người bảo vệ chạy thẳng về đây, ra mả thắp nhang. Người bảo vệ che dù đi sau. Tụi tôi đổ ra vây quanh láo ngáo nhìn cách chưng diện lòe loẹt hoa màu của một người giàu sang, đầy quyền lực.

Vừa ngồi xuống kế bên chị Oanh trên manh chiếu trải gần nấm mộ đơn sơ còn tươi đất, mợ Tư ngoắc tụi tôi tới phân phát thịt, bánh và nước ngọt. Mợ quay qua chị Oanh, tắc lưỡi:

‘Tội nghiệp mấy đứa con của thầy Hai quá. Con làm giấy tay nhường biền lác lại cho thầy rồi thu xếp về ở với mợ ngay. Tệ quá, con không điện cho mợ hay sớm.’

Chị Oanh cúi mặt, lắc đầu:

‘Người ta đã cấp giấy chủ quyền cho anh Ba rồi. Con đâu có giấy tờ gì. Ngay cả khai sanh cũng chưa làm được.’

Mợ Tư vụ thất tung cây dù, đứng lên chống nạnh, chưn mày xâm đen xếch lên, mấp máy môi son ướt bóng:

‘Là thằng nào? Mợ điện lên Sài Gòn, nó đứt bóng ngay.’

Vừa gằn giọng hỏi tên, mợ lẩy bẩy run lên, thọt tay vô túi da cá sấu moi ra cái điện thoại di động. Tiếng léo nhéo ò e phát ra từng chập. Mợ giãy nẩy, giậm chưn bực tức:

‘Ngoài vùng phủ sóng. Nơi khỉ ho cò gáy này làm gì có sóng. Cậu con gốc gác ở đây mà phải bỏ xứ về Sài Gòn là đúng. Mợ sẽ cho nó biết thế nào là lễ độ.’

Tôi đứng trơ người, vòng tay trước ngực, không hiểu mợ Tư nói gì. Lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy được cái điện thoại di động. Mợ bật màn hình màu ra khoe:

‘Cậu Tư con đây nè, đang ngồi làm việc trong phòng máy lạnh. Đây là xe của cơ quan. Còn đây mới là xe hơi nhà. Đây là thằng Hùng, con nhận ra nó không? Sắp sửa đi Úc học đó. Nhà lầu này mợ mới xây lại sau khi hóa giá. Cà phê sân vườn, quán bar trong hình đều là của mợ. Thấy khách Tây ngồi đông nghẹt chưa? Đây là vũ trường. Phòng này hát karaoke. Vui không? Nơi đây không còn gì để con luyến tiếc. Hãy bỏ xứ lên sống với mợ. Còn giấy tờ của con là chuyện nhỏ, khỏi phải bận tâm.’

Chị Oanh đến từ giã thầy. Hổm rày thầy không cho tôi dẫn trâu ra đồng. Phải đi cắt cỏ về cho trâu ăn. Để êm êm vài bửa. Tôi đẩy nắp lu, thọt cái cán gáo dừa múc nước mưa uống tràn ra ngực. Bỗng chị Oanh chạy ra sau, kéo tôi ngồi xuống góc lu nước mưa ôm chầm lấy tôi, nghẹn ngào:

‘Sắp xếp xong chuyện, chị sẽ tìm mọi cách kéo em lên Sài Gòn. Em nhẫn nhục chờ chị. Chị thương em. Chị đi nhá. Chị sẽ gửi thơ cho em. Chị thương em lắm. Đừng khóc nữa.’

Tôi lấy tay áo quẹt nước mũi. Chị Oanh nhét hết tiền bán võng vô túi tôi:

‘Em cất giữ cẩn thận. Đừng cho ai biết. Sau này còn phải đón xe lên Sài Gòn với chị.’

Tôi ngồi tựa người vô lu nước nhìn theo chị Oanh. Tôi không tiễn chị. Chị đang rời bỏ nơi đây để đi vô vùng phủ sóng. Còn chỗ này, ngoài vùng phủ sóng, toàn là rừng lá bạt ngàn, sông rạch chằng chịt, đồng cỏ đầy phèn, dành cho những mảnh đời bị bỏ quên.

Chị Oanh đi được một tháng. Ba Thẹo lái ho-bo đem chai rượu whisky đến nhà thầy tôi. Hắn móc thuốc Marlboro ngoại, lắc cắc bật hộp quẹt zippo, ngồi chéo ngoảy trên mép ván ngựa, phun khói lên cây đèn bão, rung đùi rót rượu:

‘Uống đi ông Hai. Uống để thấy quá khứ của đời ông và tương lai của đời tôi. Tôi bị đình chỉ công tác rồi. Từ nay tôi chỉ còn bóng và mất hình. Xóa hình thì dễ chớ bắt bóng khó lắm. Còn hình thì phải lo giữ nền, giữ nếp chớ biến thành bóng rồi thì đâu còn sợ ai. Nói cho cùng, họ cũng nghèo rớt mồng tơi, cũng phải nhờ bóng tôi để sống thôi. Ông học cao, hiểu rộng. Tôi nói ít, ông chắc hiểu nhiều.’

Ba Thẹo bước ra khỏi cửa để lại không khí nặng trịch trùm phủ khắp nhà. Thầy tôi vẫn ngồi im, quơ cái xâu quất đuổi muỗi, nhìn tôi ngao ngán, thở dài.

Tôi viết thơ tạ ơn để lại thầy, nằm bên đống rơm chờ sao Cày vẫy đuôi lên cao, bỏ nhà ra đi.

Con đường mòn trổ ra rặng trâm bầu, đến cây ô môi, băng ngang gò mả im lặng tiễn bước chưn quen. Tôi không còn thời khóa biểu hẹn hò hay chia tay, gặp gỡ hay rời xa với tất cả cảnh vật chung quanh chỗ nầy nữa. Tôi được tự do.

Tới chợ Nhỏ, trời vừa hửng sáng. Chú Hía đẩy xe ra trước nhà, nổi lửa chiên bánh từ sớm. Chú mừng rỡ kéo tôi vô nhà đưa thơ chị Oanh rồi lật đật ra trở mấy cái dầu-cháu-quảy trong chảo dầu sôi đen thủi đen thui dầu đặc quánh.

Khách từ các đò máy ở vùng xa đổ về chen chúc leo lên chuyến xe buổi sáng chạy lên tỉnh. Khó khăn lắm tôi mới lọt được vô chỗ ngồi ở băng sau bắt dọc cặp theo hông. Tôi mở thơ chị Oanh ra khi xe đương rời khỏi chợ Nhỏ, giòng xóc trên mặt đường trải đá lồi lõm, nhấp nhô.

Sài-Gòn, ngày 25 tháng 7 năm 200…

Em,

Bây giờ chị không còn là Oanh trong mắt em như trước nữa. Ngay từ tuần đầu, mợ Tư đã đổi tên chị là Diễm, dẫn đi mua sắm quần áo, trang điểm và cắt tóc tém.

Trước khi sang ở cùng phòng với những người đồng cảnh ngộ nơi ngôi nhà mở vũ trường, chị gặp cậu Tư chỉ một lần duy nhất. Cậu đi công tác liên tục. Lâu lâu về nhà đầy khách khứa, tiệc tùng và lăn ra say xỉn. Có đêm chị làm ra tiền nhiều hơn cả đời lao lung khó nhọc ở dưới quê mình. Chị dấu lại một ít để có dịp gửi về nhờ em xây mộ cho mẹ, nhưng bị vét sạch. Mợ Tư nói để dành lo tương lai cho chị.

Đêm nào chị cũng khóc ướt gối. Không cách nào trốn ra khỏi chỗ này được. Và rồi đi đâu?

Nghe tiếng điện thoại di động của bà quản lý, mọi người đều hồi hộp nín thở chờ gọi mã số của mình. Có người bất cần đời, tụ tập chơi bài, hút thuốc. Riêng chị Phượng rất thương yêu chị, tâm sự và an ủi chị. Chị tìm được một ý nghĩa nào đó để sống, cho dù rất nhỏ nhoi.

Em kiên nhẫn chờ chị. Một ngày nào đó thoát được cảnh đời tủi nhục này chị sẽ không quên em.

Chị thương và nhớ em nhiều lắm.

Chị.

Tới ngã ba lộ tẻ, xe ngừng lại đón thêm khách. Tôi lách người bước xuống, rẽ chưn trên con đường đất đỏ xa lạ. Hai bên co rúm, vài quán cốc lụp xụp, phủ đầy bụi, vắng hoe.

Tôi quay lại nhìn cái xe đò ọp ẹp, giòng xóc uốn lượn bỏ xa chợ Nhỏ chạy về hướng tỉnh lỵ. Không biết có nên trở lại đón chuyến xe chiều đi lên vùng phủ sóng hay cứ tiếp tục đi trên ngã rẽ cho đến khi tới một nơi nào đó ngoài vùng phủ sóng, không còn ai biết mình. Tôi dừng lại, đắn đo.

Mặt trời lên cao, khép bóng tôi sát với hình. Tôi nhận ra tôi và con đường không có điểm đến. Tôi không còn thời khoá biểu, cũng không còn lựa chọn. Tôi tự do đi thênh thang để cảm thấy mình đã bị đánh mất hết tự do.