Những cơn sóng chập chờn

Lúc còn chờn vờn chưa lấy lại sự tỉnh táo, tôi nghe người bồng bềnh không còn trọng lực, đương chao liệng lưng chừng trên một khoảng trống nhẹ hều và bị mất phương hướng. Không biết tôi bay bay như vậy từ bao lâu rồi. Cho tới khi rơi phịch xuống một ghềnh nước sâu hay một tấm thảm dày đan bằng cỏ mềm gì đó, tôi mới mơ màng biết được mình còn sống và đương sống trong một miền hoang lạ mà thế gian nầy không chắc có nhiều người được tới. Chắc tôi đã nằm vắt vẻo men rìa đá tai mèo gie ra biển khơi và trong cơn đau thình lình đã lăn vòng chới với rơi xuống mặt nước thật mặn như Biển Chết, rồi cứ lềnh bềnh xoay vòng, xoay vòng chỗ vùng nước xoáy. Hay là tôi đương nằm bên lề một cái hang động hẹp ăn luồn giữa hai vách núi đá cao. Thành đá vôi phẳng phiu màu ngà vàng dịu mắt vươn cao chống đỡ nền trời thấp lè tè đựng những áng mây biến hình đầy tiên nữ. Rồi họ bay xuống trần. Họ sáp tới gần tôi hơn. Những tiên nữ khác đương băng băng tới sát chỗ tôi nằm. Cười cười, nói nói. Một thứ ngôn ngữ như ríu rít tiếng chim hót bình minh, lạ nhưng nghe rất vui tai, bay quần liệng theo bước chân hấp tấp. Gương mặt tất cả đều thùy mị và tươi trẻ. Áo trắng rớt mùi sáp thơm của những cây đèn cầy vội vàng lùa dồn về đầu ngõ đọng hương vây phủ quanh đây rất lâu, lâng lâng và đê mê.

Thình lình một tiên nữ ngừng lại bên tôi. Đôi cánh xếp dấu ngoặc ra sau lưng, ngưng nghỉ trong màu trắng mỏng mịn của sắc áo và da thịt. Đôi mắt trong đen ngó chăm bẳm tôi qua một lớp nước mỏng óng ả hất thẳng những tia sáng thật êm đềm, vỗ về phía người nhận. Nụ cười thấm hút tầm nhìn tôi gắn lên đôi môi phớt hồng và hàm răng đều đặn trắng láng như da mận. Tôi nghe bàn tay cô ta chạm lên trán, áp sát hơn và nồng ấm hơn, kéo mí mắt tôi mở rộng thêm để nhìn rõ cõi tiên người tiên và luồng hơi nóng đương truyền một lực sống lan toả khắp người tôi. Máu cô ta đương truyền chuyển vào máu tôi. Một loại máu trắng tinh như màu áo, trinh nguyên như khuôn mặt trẻ thơ của cô. Thật êm và thật nhẹ, máu chảy vào cơ thể tôi, một cơ thể đã chết đương nhận phù phép hồi sinh.

Tiếng lít rít của một chiếc xe tải khô dầu thắng vùn vụt phóng tới dưới chân tôi. Và nền đất vội vàng rung chuyển kéo lướt tôi trượt mình xuống con dốc thẳng. Rồi như có ma lực nào đó đẩy tôi dội ngược lên dốc trở lại. Vậy mà tôi vẫn thấy mình còn ở chỗ cũ, nằm sóng soài, nát bét, bê bết màu đỏ tanh. Xúm xít nhiều tiên nữ hơn chung quanh. Rộn rịp. Chờn vờn. Ánh mắt họ ngời lên nét sáng từ tâm và băn khoăn. Rõ ràng họ đương nghĩ cách làm tôi yên lòng nằm trên miền đất xa lạ nầy. Tất cả ánh mắt đều trìu mến nhìn tôi thật lâu, lâu lắm. Không cười. Không chớp mắt. Và tôi được san sẻ tấm lòng nhân hậu của họ. Cô tiên nữ hồi nảy đâu rồi? Bay đi nhưng vẫn để lại nguyên cánh tay ngọc ngà treo lơ lửng trong không gian bên tôi. Cánh tay trắng trong, nổi vòng đường gân ngoằn ngoèo bò xuống người tôi. Máu của cô ta vẫn lặng lẽ và chầm chậm chảy nhẹ vào cơ thể người tiếp nhận, đều đều. Đến một lúc nào đó quá kiệt sức chắc cánh tay cô sẽ ngã khuỵu xuống trên mình tôi thôi. Sao tôi lại có phước phần nhận được tấm lòng vị tha chất ngất đến thế? Cánh tay trắng muốt và khẳng khiu nhưng chứa đầy sức sống mãnh liệt vừa đoạn lìa từ thân thể của một nàng tiên áo trắng để chia sớt sống còn cho một nhân sinh khác. Không ngập ngừng đắn đo, không lộ nét do dự trên gương mặt điềm tĩnh và rạng rỡ quanh quất đâu đây.

Và nàng tiên ấy trở lại với mùi nến thơm ngây ngất. Đương chỉnh sửa cánh tay để tới truyền máu cho tôi bằng đôi tay thon dài vừa mới mọc trở lại. Rồi cô cúi mặt lên vai tôi, nhẹ nhàng đỡ lên, lau mồ hôi ướt đọng sau ót, những giọt đau đớn thân thể của kiếp người thua thiệt. Bỗng nhiên tôi nghe tiếng khóc rưng rức nho nhỏ quanh quất đâu đây. Tiếng rên rỉ và kể lể. Tiếng khóc ngất lên hụt hơi. Cao vút rồi tắt im trong đột ngột tĩnh lặng. Ai khóc cho ai vậy cà? Tôi còn sống mà. Trước tôi, đôi mắt nàng vẫn đượm nét trong sáng và đầy vẻ trìu mến. Nụ cười của nàng là lời an ủi, đính chính lầm lẫn của giác quan tôi. Tôi muốn nói lên lời cảm ơn. Tôi muốn hỏi và cố gắng nói, nhưng cổ khô rát trong khi môi lưỡi như đương ngậm đầy một mớ đất sét nhão lớt nhớt, dày cộm.

Rồi từ từ, tôi hồi tỉnh hẳn tới trong nỗ lực nói lời cảm ơn.

Tôi đương nằm trên cái ghế bố xệu xạo để ơ hờ bên lối đi vào nhà xác trong một bịnh viện nhỏ. Ghế bố sát tường, sát cửa nhà xác, chỉ chừa một khoảng trống chật hẹp cho người ra vô khi cần. Phía trước, dọc theo vách tường, những dãy cửa sơn xanh trổ ra đường hầm nầy khép kín mít. Dãy tường đối diện thấp hơn, nhìn ra sân cỏ âm u như bãi tha ma. Ngọn đèn nê-ông cháy sém hai đầu hắt ánh sáng mù mờ lên trần nhà làm bằng ván ép sứt nẹp, sơn trắng ngả màu ngà vàng vọt không đều, lỗ chỗ những vệt nước mưa thâm đen vẽ lên những đường biên nối kết thành những thiên thần hay hình tượng nào đó mỗi khi chớp mắt muốn hình dung tới. Những bức tranh tường cũ thiệt là ngoạn mục. Những đường nét sẵn sàng gợi ý cho người xem tự vẽ thành bức họa theo ý mình. Tựa như xấp hình trắc nghiệm nhân cách nguệch ngoạc những vết màu vô nghĩa để bác sĩ định bịnh tâm thần dựa theo óc liên tưởng định hình của bịnh nhân. Và bác sĩ đương bỏ tôi tự liên tưởng một mình, không chẩn đoán. Tôi chỉ còn thầm nói với chính tôi bằng thứ ngôn ngữ hì nhảnh.

Vụt cánh cửa màu xanh bên hông tường bật mở. Tiếng dép kéo lết quét lẹp xẹp trên nền xi-măng đẩy một bóng áo trắng xuất hiện nhạt nhoà bên chiếc ghế bố. Mùi ê-te xông lên nồng nặc. Cô y tá mảnh khảnh vói tay chỉnh tới chỉnh lui cái bánh xe li ti trên dây truyền nước biển. Chai dịch truyền móc máng trên một que nhôm mỏng kẹp đứng sững vào thanh ghế bố. Cô ngước mặt lên vẽ rõ nét phờ phạc đầy mỏi mệt giữa khuya. Thình lình cô hả họng ngáp dài thành tiếng, ngáp lớn, rộng họng, lòi răng, tay không che miệng. Gương mặt kéo xệch dị dạng châm bẩm ngó vô chai nước như mụ phù thủy đương xoay quả cầu định mệnh cho một người. Giờ, số phận của tôi đương trông chờ vào bàn tay của những người mặc áo trắng thiên thần như cô. Cũng như vận mệnh của khách đương trông chờ câu phán xét của bà phù thủy lưng còng gảy gập. Giây phút chờ đợi nầy cơ hồ như kéo đứt dây thần kinh khiến chúng sắp sửa bể vụng tan tành. Sống hay chết, may hay rủi, đường biên mong manh căng kéo hết cỡ trong đợi chờ. Cuối giờ khắc duỗi dài thườn thượt nầy, chắc chắn mụ phù thủy sẽ nói nhiều hơn cô y tá. Y như rằng, cô không nói tiếng nào hết. Cô và tôi rất giống nhau, ít ra trong lúc nầy. Miệng lưỡi tôi sưng húp lên, chỉ ú ớ, không phát âm được. Tôi biết mình như vậy khi cô quát bung màn nhĩ tôi nhiều lần để đút cây đo thân nhiệt vô miệng. Cô kéo khẩu trang che kín hơn mặt mũi, cúi xuống sang sảng ra lịnh:

‘Hả họng ra. Hả ra! Đã nói hả họng lớn ra chút nữa. Có nghe không? Tai nạn chỗ khác chớ đâu có điếc.’

Tôi có nghe, nhưng không trả lời được. Cô thọt đại thiệt mạnh cây đo thân nhiệt vô họng tôi, thọt sâu vô, rồi ngoe nguẩy bỏ đi. Cái đít ốm tong đong đưa qua lại. Tôi đau lồng lộn bắn người lên rồi dập mình xuống hổn hển thở dốc. Mà cũng nhờ vậy tôi nghe được toàn thân đau nhói. Tôi biết ít ra rằng mình còn sống, còn ở chung với thế giới loài người. Lồng ngực và ổ bụng có lưỡi dao bén ngót cứ tùng xẻo tơi bời dọc ngang mỗi giây phút. Mồ hôi có tuôn ra chèm nhẹp đầy mình nhưng nỗi buồn về cái chết chưa kịp có mặt.

Bức tường loang lổ từng mảng trống rớt vữa để lộ những viên gạch xếp so le bạc màu nhám nhúa, như những con mắt đổ ghèn đương trao tráo ngó tôi dưới cõi âm ty. Bức tường chạy dài tóm tém lối đi, thu hẹp tới thành một đường hầm hung hút và ngộp ngạt. Hệt như một lòng huyệt sâu thẳm, dài thòng đào sẵn tù đời kiếp nào. Có lẽ họ nghĩ tôi sắp chết nên mới đẩy bỏ vô đây. Tôi như đương nằm dưới một lòng huyệt sâu dài, không vách ngăn, chờ một vài người cùng chung số phận tiếp nối chen vào chỗ trống phía sau trước khi đất lấp tới. Là một mồ chôn tập thể tiếp nối cánh cửa mở vào nhà xác. Ý nghĩ nầy càng rõ nét hơn khi bất thần một trong những cánh cửa hông xa xa lưng chừng ở giữa đường hầm mở bung rộng huỵch và tiếng chưn người rầm rập chạy trờ tới. Mùi đặc trưng của bịnh viện cũng xông tới theo bước chưn. Họ kêu réo anh bảo vệ vô tiếp sức. Anh lẹ làng nắm hai đầu ghế bố kéo tôi nhảy vồng lên tưng tưng lùi ra sau. Cây kim truyền dịch xốc lên đâu trật vô thịt đau điếng. Tôi rên rống lên, rên lớn tiếng hết cỡ cho hơi ứ đọng lâu nay trong lồng ngực bung ra. Nhưng anh bảo vệ nầy điếc đặc, anh không lộ vẻ gì như nghe tôi rên, bỏ mặc tôi quay tới tiếp tay với một người khác đương vịn cáng của một chiếc xe đẩy cao cao, bọc thanh nhôm sáng bóng. Trên xe, xác chết trùm kín. Cũng bằng vải trắng. Anh phải ép ghế bố của tôi sát vô tường hơn mới có được khoảng trống để mở cửa nhà xác. Tiếng cót két của cánh cửa gỗ khô dầu nghiến xoáy vào đầu tôi tựa như mũi khoan khoét sâu vào khối đá tai mèo nằm gie ra biển. Tôi đương chờ sụp đổ. Họ đẩy xác vào, gấp rút đóng cửa tới, bỏ đi. Và tôi sụp đổ thiệt sự khi có ai đó, giống như động tác hồi nảy, đẩy chiếc ghế bố trở tới áp sát cánh cửa mở vô nhà xác. Lần nầy tôi không nghe đau nhưng đầu óc mê man thấy mình trôi giạt trên mặt nước Biển Chết sau khi bị sóng giận dữ nhồi đè. Tôi đương quay và trúc ngược chiều mọi cảnh vật chung quanh. Là đương lọt vào trũng nước xoáy. Tôi nhắm nghiền mắt tới khi nghe tiếng khóc của một người đàn bà và một đứa bé gái xé tấm cửa nhà xác đóng bằng ván bổ kho đến lay hồn tôi dậy. Một điệu nhạc liêu trai thốc lên hòa quyện vô duyên theo tiếng khóc tức tửi vọng ra từ trong nhà xác. Hồi lâu, tôi mới biết được người bảo vệ nãy giờ mở radio nghe nhạc trẻ bên ngoài sân cỏ. Anh lí nhí hát theo điệu nhạc thời thượng của cô ca sĩ đương nhập vai vào một cuộc tình trắc trở. Anh đương ở ngoài cổng, bên ngoài mọi thân phận, vô tư tìm cách chống ngủ qua đêm, tìm cách chứng tỏ mình có mặt ở cơ quan, không vi phạm chủ trương.

Cô y tá có cái đít lắc lư hồi nãy trở lại với cái tai nghe của máy đo huyết áp tòn ten trước ngực. Cẩn thận che khẩu trang kín mặt hơn nữa. Cô dõng dạc ra lịnh thiếu điều thổi bay khẩu trang vô mặt tôi:

‘Đưa tay kia ra coi. Tay kia kìa. Bộ liệt luôn rồi hả? Mới thấy nhúc nhích dây mà!’

Cánh tay còn lại bị liệt thiệt. Tôi ráng điều khiển để lay động nó nhưng không sao giở lên nỗi. Cô bực mình nghiêng người kéo giựt tay tôi đặt lên ngực và bắt đầu đo huyết áp. Rồi cô lật đật rút thanh đo thân nhiệt trong miệng tôi ra, lắc lắc hướng nó về ánh sáng ngọn đèn nê-ông yếu ớt. Cô kêu lớn tiếng:

‘Chị Hoa ơi, chị Hoa! Ra đây em nói nầy nghe nè!’

Người y tá tên Hoa trờ tới trong dáng đi phục phịch, có đôi mắt phơi bày tuổi già, coi lại số thân nhiệt và số đo huyết áp, tắc lưỡi liên tục:

‘Chết mồ rồi! Lăn bình tới cho thở ốc-xy đi. Mau lên! May ra còn kịp! Phải chờ tới sáng bác sĩ mới vô. Hôm nay 28 Tết rồi. Cả đêm chỉ có tụi mình. Có thấy bóng dáng bác sĩ nào vô trực đâu? Mà bịnh nhơn nầy ở đâu ra vậy em?’

‘Họ mới chở mấy người gảy càng sứt gọng nầy tới đây nằm xếp lớp bên trong kia kìa. Hết giường rồi nên ổng phải nằm đây thôi. Đặt ghế bố lùi tới thì choáng bít cửa hông. Đẩy ghế bố tới thì đụng cửa nhà xác. Coi vậy chớ nằm bít cửa nhà xác có mòi êm hơn. Ít ai ra vô. Kiếm hoài mà không thấy thẻ bảo hiểm y tế trong bóp ổng. Chỉ có thẻ chứng nhận ổng làm thầy giáo cấp Hai ở đâu tuốt luốt khỏi Ba Mít lận. Địa chỉ trong chứng minh nhân dân thấy ghi ở Sài Gòn. Chắc ổng về quê ăn Tết. Mấy chuyến xe đò ọp ẹp từ vùng quê đổ ra Cần Thơ đi ngang qua huyện Phong Điền nầy vào những ngày áp Tết đông nghẹt hà. Họ nói khi xe chạy tới Cầu Nhiếm chật ních nên tài xế chạy luôn không rước thêm khách. Vậy mà ổng cũng cố phóng theo đu trên bửng sau. Bởi vậy lúc xe lật ổng mới bị té văng ra, bị nặng như vầy nè. Phù miệng, phù mỏ hết trơn rồi. Có nói năng được tiếng đực, tiếng cái nào đâu mà hỏi với han.’

‘Nội tạng có bị chấn thương không?’

‘Ai biết đâu nà. Hông sưng chù vù. Ấn tay tới đâu rên la tới đó. Phải chờ bác sĩ vô thôi.’

Cô Hoa tốc chăn nhìn xuống mình tôi, tới tắc lưỡi kêu trời:

‘Mau mau rút kim truyền dịch ra lụi lại chỗ khác đi. Em làm ăn ẩu xị quá. Kim chạy lệch ra khỏi mạch làm tay bịnh nhân sưng chù vù lên kìa. Thấy chưa?’

‘Lúc vô nước biển, em đâm kim trúng mạch rồi dán băng keo cẩn thận lắm mà. Sau đó thấy đứng giọt, em có trở tới chỉnh bánh xe cho chảy tới. Đâu thấy có gì đâu. Ừ…ừ …Mà phải rồi. Hồi nãy thằng bảo vệ kéo ghế bố ra để đẩy xác vô mạnh tay nên mới vuột kim ra nè. Đúng quá rồi.’

‘Thôi, thôi. Để chị khám coi sao.’

Cô Hoa đặt ống nghe chụp chụp trên ngực tôi mấy cái rồi đắp chăn tới, thở ra. Anh bảo vệ lăn bình ốc-xy tới, miệng vẫn huýt sáo điệu nhạc trẻ vừa nghe trên đài. Cô y tá kề tai cô Hoa bỏ nhỏ:

‘Tụt huyết áp rồi nè.’

Cô Hoa day tới trợn mắt:

‘Thì mới cho thở ốc-xy. Lẹ lên.’

Ghim ống thở vào mũi tôi, hai người đứng nán tới, tỉnh bơ nói sang chuyện quần áo cho mình và cho con cái, chuyện dưa cà mắm muối trong mấy ngày Tết.

‘Tết nhứt thiệt rầu thúi ruột, chị ơi! Vợ chồng em chắt mót trọn năm cộng với tiền thưởng mới mua nổi chiếc xe đạp điện cho đứa con gái đi học. Ra tới Phong Điền ngót chục cây số chớ có phải gần gũi gì đâu. Con nhỏ đạp xe mệt ná thở mà tới cứ đụng giờ tập thể dục. Nó bị xỉu lên xỉu xuống hoài hà. Còn thêm giá cả năm nay cái gì cũng leo thang đến tận mây xanh. Muốn kho nồi thịt kho tàu mà em cứ suy đi nghĩ tới hoài. Mắc đã đành mà lúc nầy là dịp để tụi nó bung ra thứ heo lở mồm long móng. Sợ quá. Chắc tụi em phải kéo cả nhà về ba má ảnh ăn Tết quá. Ở chỗ của ảnh người ta nuôi heo bằng cám siêu thịt nên thịt heo cũng không cao..’

‘Để chị cho em một keo dưa củ kiệu tiếp khách. Hôm ra Vàm Láng chị mua được mớ kiệu bán đổ bán tháo, rẻ lắm. Ừ…ừ. Với chai rượu đế ngâm chuối hột nữa. Để chồng em lai rai với bạn bè ngày tu ngày Tết. Chị cũng lo chạy cái ăn, cái mặc cho ba ngày Tết nầy muốn hết hơi rồi. Nói giấu gì em, chị đâu có trông mong vào đồng lương nầy đâu em. May mà nhờ mớ cây kiểng và bon-sai chồng chị lui cui chăm sóc nguyên năm. Hổm rày ảnh chở ra chợ Cái Răng bày bán. Dân nhà giàu đi xe hơi ghé tới mua bộn bộn rồi. Bán không hết thì 30Tết ảnh cũng chở về o bế thêm để năm sau bán tiếp. Đâu hư thúi gì đâu mà sợ.’

‘Chị sướng hơn em, em trông mong ở số tiền gia đình bịnh nhân cho mà lúc nầy chỉ đạo dòm ngó dữ quá nên cũng ít đi!’

‘ Hai chị né ra giùm em đi.’

Tới là anh bảo vệ. Anh chụp cán ghế bố lôi tôi lên trên, tưng người đau điếng. Tôi rên lên, rên lớn tiếng. Anh đặt cáng xuống hăm dọa:

‘Ông mà rên rỉ nữa là tui đẩy ông vô đó luôn cho coi. Năm ngoài nầy trên ghế bố là cha đời rồi, bao nhiêu người nằm nền xi măng đằng kia kìa. Rên hoài nhức lổ tai chết mẹ! Vừa làm bảo vệ, vừa làm lao công cực như trâu. Mệt thấy mẹ nè.’

Chiếc xe đẩy có thanh nhôm đưa xác người phủ kín vải trắng hối hả băng ngang. Cánh cửa ván bổ kho khô dầu được mở ra, khép lại như tiếng nghiến răng của một con ác thú vừa nuốt xong một xác người. Tôi im, húng hắng, không dám ho lớn tiếng, đếm những giọt nước biển rơi chầm chậm, đều đều, chờ sáng. Những giọt nước rơi rơi tựa như chiếc đồng hồ cát điểm giờ hành huyết một tên tử tội. Thật đều đặn và vô tình. Sao tôi không còn hình dung ra cánh tay nhân ái của một nàng tiên áo trắng chặt lìa ra từ một thân thể ngọc ngà để tới chia sớt sức sống cho tôi? Chỗ vết kim truyền dịch cũ vẫn còn sưng húp lên. Tôi mất hết cảm giác đau đớn nhưng cứ ám ảnh một thân xác trương phình, sình lên sau khi chết. Mà ghê gớm hơn vậy nữa. Những giọt nước đương len lỏi chạy khắp người sẽ cho tôi thấy cơ thể tôi bị trương sình lên ra sao và như thế nào trước khi chết. Tôi cố đuổi ý nghĩ đó ra khỏi đầu bằng cách đếm số những giọt nước nhễu đều đều, nhưng càng đếm tôi càng nghe như cơ thể mình từ từ càng lúc càng sưng phù lên. Cho tới khi anh bảo vệ ngừng hát, tôi thấy ánh bình minh hẩng sáng ở cuối lối đi. Nước biển cũng ngừng chảy. Cái chai đứng im lìm, cạn queo.

Cánh cửa hông bật mở. Hai người y tá vội vàng, đi bơi bơi theo sau một cô bác sĩ trẻ. Cô đi thiệt lẹ, đi te te tới chỗ tôi nằm, tay cầm mớ giấy tờ quơ quơ trước ngực. Cô cúi xuống, vẻ mặt hết hồn, nói với tôi:

‘Thưa thầy. Trời ơi! Xui rủi quá. Em đâu dè thầy nằm đây. Em mới liếc qua hồ sơ thấy tên thầy, ngờ ngợ nên chạy lẹ ra đây nè. Thầy nhìn ra em không? Thầy còn nhớ em không?’

Tôi lắc đầu cố nhớ nhưng vô ích.

Bữa nào như bữa nấy con Lũng cũng đi học trễ tràng. Chuông reo ba hồi bảy chập mới thấy nó hớt hơ hớt hãy chạy vô cửa trường, Bộ quần áo trắng trở màu vàng lợt và có vẻ gì đó như phơi chưa khô, phát ra âm thanh phệt phệt ở mỗi bước chưn của nó. Mặt nó xanh xao vì mệt đứ đừ trong cơn thở gần đứt hơi. Tôi nhẹ nhàng kêu Phượng con từ từ đi về chỗ ngồi, không sao đâu con. Có tiếng mấy trò gái xầm xì về bộ quần áo ngày nào cũng ướt của bạn. Hình như bạn Lũng chỉ có một bộ quần áo. Tôi lừ mắt về chỗ phát ra tiếng xì xào. Các con phải thông cảm với bạn Phượng, mỗi gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn riêng, không ai muốn ăn mặc luộm thuộm trước mặt bạn bè. Từ nay tôi cử em Phượng làm trưởng lớp vì những sự cố gắng của em và nhứt là tinh thần làm việc của em. Con gái rượu của Bí Thư xã đứng dậy phản đối. Thưa thầy chuyện nầy em thấy phải bàn với Chi Đoàn của trường, bạn Lũng chưa vào Chi Đoàn. Tôi chận họng nó. Em quên rồi sao, phải kêu bạn mình bằng Phượng, bạn em sẽ có giấy khai sanh mới với tên mới, mình bắt đầu kêu bằng tên mới là vừa. Tôi đã dặn rồi. Còn chuyện Chi Đoàn thì để tôi lo. Cám ơn em đã lo. Vậy mà con Lũng chỉ có mỗi một bộ quần áo chiều giặt sáng mặc đã phải nghỉ ở nhà vì không có tiền đóng chi phí nầy nọ cho trường. Nghe đâu rồi một người chú của nó sau đó đem nó lên Sàigòn, biệt tăm biệt dạng.

Cô bác sĩ mau mắn tiếp lời:

‘Em là Phượng nè. Hồi đó em học lớp Bảy với thầy đó. Thầy cho em làm lớp trưởng đó. Thầy cứ nằm yên để em khám kỹ coi nhen.’

Phượng biểu cô y tá rút kim truyền dịch ra, tốc chăn chụp tai nghe lên lồng ngực tôi và ấn mạnh lên từ vùng bụng.

‘Đau không thầy? Chỗ nầy đau không thầy? Còn chỗ nầy?’

Tôi nhìn cô bác sĩ, lắc đầu và gật đầu. Thiệt ra cũng khó phân biệt. Chỗ nào cũng đau nhói. Chỗ ít, chỗ nhiều thôi. Được một lúc cô bác sĩ kéo mền lại đắp lên người tôi, lộ vẻ hốt hoảng:

‘Em sẽ cho xe cứu thương đưa thầy lên tuyến trên ngay. Cần phải phẫu thuật gấp. Bình tỉnh nghe thầy. Chỉ là tiểu phẫu thôi mà, nhưng phải kịp lúc, thầy hén. Chắc thầy nhờ em hồi phải không, hồi đó thầy giúp má em đổi tên cho em đó.”

Tôi biết cô bác sĩ cố trấn an tôi bằng cách nói nầy nói nọ. Cô hơ hải chạy vào trong, oang oang ra lịnh rồi chính tay cô mang bịch máu ra truyền cho tôi.

‘Họ đương chuẩn bị xe rồi khiêng thầy ra liền. Thầy đừng lo. Em đi theo xe nữa. Bây giờ em tạm chích cho thầy mũi thuốc nầy để khỏi đau khi xe chạy nghe thầy.’

Sau đó, tôi đờ đẫn ngó lên trần nhà lần cuối. Hình ảnh của những thiên thần vẫn còn lờ mờ hiện lên trong tầm nhìn của tôi. Bỗng dưng những đôi cánh của họ chỉ còn trơ ra những que xương gập gãy, trơ trụi và rũ rượi, không bay xuống trần được nữa. Và tôi thiếp đi trong mùi ê-te của bịnh viện không biết bao lâu.

Tôi thức dậy thì trời tối. Căn phòng lạnh thấu xương. Tôi không mở mắt, không nhúc nhích cục kịch gì được. Người ta cột ngang mình tôi bằng ba sợi dây ở chỗ ngực đùi và chưn, cột chăng qua cái bàn thiếc lạnh như ở trong nhà xác. Chung quanh tôi cũng có mấy cái tương tợ, trắng xác vải trùm. Tôi biết là đêm vì ngoài cửa kiếng tối om và trong nầy có tiếng anh bảo vệ hôm qua như đang nói chuyện với ai.

Được không đó anh. Nghe nói là người nhà của bác sĩ Phượng, bể chuyện thì khó lòng. Bảo đảm mà lo gì. Ai mà ở đó kiểm lại coi cơ quan cái nào còn cái nào mất. Liều vậy, cái nầy có giá vì ổng mới đi, còn nóng. Thu mua lần nầy chịu giá cao vì cần gấp để tặng Trên. Coi kỹ lại coi, ông nầy chết một lần rồi tỉnh lại đó cha, coi chừng ổng tỉnh lại lần nữa thì mình hết làm ăn. Chết mẹ nó rồi cho nên bác sĩ Phượng khóc rồi ký giấy cho ổng vô đây..

Tôi bị tháo sợi dây cột ngang đùi ra, tôi nghe thấy như mắt mình động đậy dưới lớp mi nhưng mở ra không được. Cũng còn chút ấm ấm, tiếng anh bảo vệ thắc mắc. Cái nầy thì nên thuốc lắm. Tai nạn chớ không phải bịnh. Đồ bịnh thì thiếu gì. Và tôi nghe đau thiệt đau ở hông mình như có ai khoét thịt, tùng xẻo.

Tôi không thấy đau đớn gì nữa. Đêm được thắp sáng bằng muôn ngàn lồng đèn lung linh. Vách tường chói ngời ngọc ngà. Chung quanh thiệt là yên tĩnh…