Thử “giải mã” câu chuyện “Vũ Khúc Đông Dương”

Gần đây có một số các báo loan tin về “phát hiện” của một nhà nghiên cứu (gốc Việt) ở Úc một bản nhạc cho là “đờn ca tài tử xưa nhất”. Bản nhạc nầy dành cho điệu múa mang tên “Vũ khúc Đông Dương”. Vì sự kiện nầy phổ biến rộng rãi, nồng nhiệt của các báo và thậm chí công diễn bản nhạc nầy tại hội thào ICTM (Hội đồng quốc tế về âm nhạc truyền thống), Thượng Hải, vào ngày 15 tháng 7 năm nay, DTNHVN nhận thấy cần có ý kiến về phía một nhà Dân tộc nhạc học có uy tín trên thể giới đang giảng dạy tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh là Gs.Ts. Nguyễn Thuyết Phong. Ông là người thiết lập ngành Dân tộc nhạc học (Ethnomusicology) đầu tiên tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viên quốc gia âm nhạc Việt Nam) từ năm 2004, được ghi tiểu sử và đồng tác giả với Gs.Ts. Trần Văn Khê mục “Việt Nam” trong đại tập bách khoa từ điển âm nhạc thế giới New Grove (Anh Quốc, 2001).

Thưa giáo sư, cảm nhận trước tiên về sự kiện này?

Chủ trương của ngành Dân tộc nhạc học thế giới (Ethnomusicology) là đi tìm “sự thật”. Mà muốn tìm ra sự thật chúng ta không chỉ bỏ một thời gian ngắn, hay nghe qua tin đồn, mà ngược lại phải cần có đầy đủ thời gian và dữ kiện để kiểm chứng một cách chắc chắn, thậm chí cần có sự tập hợp các nhà nghiên cứu có “lực” trước khi công bố bất cứ công trình quan trọng gì. Tôi cảm thấy thông tin bạn vừa nêu đã tiếp nhận và truyền đạt quá nhanh qua các báo lớn như Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Vietnam News, v.v. làm tôi và các đồng nghiệp choáng ngợp đến độ sửng sốt. Đó là cảm giác trước tiên của tôi.

Vậy, có điều gì cần nói ngay… để giải tỏa cảm giác ấy?

Có rất nhiều điều để nói. Trước hết là về mặt phương tiện thông tin đại chúng. Tôi cảm thấy ước gì có một sự khắt khe nào đó, cần thiết áp dụng trước khi đăng tin. Trước khi đưa ra báo chí, người nghiên cứu cần kiểm chứng kỹ lưỡng, bởi lẽ nếu chỉ đăng tin về sự kiện hằng ngày như các cuộc biểu diễn, hòa nhạc, hay tin về một “ngôi sao” tham dự sự kiện A, B gì đó thì không thành vấn đề. Ngược lại, khi công bố một công trình khoa học, thì công trình ấy đòi hỏi phải có một phân tích vững chắc, xác thực. Tôi ngạc nhiên khi đọc được bài báo mạng bị xóa vài chi tiết mà tôi đã đọc và thấy khác với trước, ví dụ báo Vietnam News http://vietnamnews.vn/life-style/241721/tai-tu-revived-for-shanghai-stage.html đã xóa tên một số người. Có lẽ chỉ sau khi gặp phải phản ứng gay gắt của người bị mượn danh trong bài đã đăng với mục đích “trợ lực” cho bài báo này. Câu “After finding the music piece, Tuyen announced his discovery to senior traditional musicians in the country, including …” có thiếu vài vị mà trước đây đã đề cập. Không lẽ nào tên đã được đăng rồi lại xóa? Nếu chính danh không lẽ nào bị rút ra. Như thế, phần nào có làm tổn thương cho các vị ấy. Chỉ chi tiết này cho thấy sự thất bại của việc thông tin chưa đảm bảo tính xác thực. Báo chí chú trọng đến việc thông tin nhanh chóng đến người đọc, gây cảm xúc mạnh hơn là những trang sách nghiên cứu.

Như vậy đâu là đầu câu chuyện, thưa Giáo sư? Có phải về sự “khám phá” của ông Nguyễn Lê Tuyên bản nhạc “Danse de l’Indo-Chine?” mà ông ấy cho rằng đây là bản nhạc “tài tử” đầu tiên?

Đúng vậy. Vấn đề nằm nguyên vẹn trong điều mà ông Nguyễn Lê Tuyên (nhạc sĩ guitar Rock, theo như ông nói với một đồng nghiệp của tôi lúc gặp nhau ở Thượng Hải lần rồi) công bố với báo chí. Trước hết, về xuất xứ bài Danse de l’Indochine mà các báo dịch ra là “Vũ khúc Đông Dương”. Tôi xem lại bản gốc trong sách Notes d’Ethnographie musicale của ông Julien Tiersot xuất bản năm 1905 (đúng ra cách viết phải là “Danse de l’Indo-Chine”). Phóng viên Minh An, báo Sài Gòn Giải Phóng (12/07/2013), viết “… các nghệ sĩ tài tử Việt Nam trình diễn tiết mục hòa tấu “Vũ khúc Đông Dương” - một bản nhạc tài tử được ký âm cổ nhất trong lịch sử âm nhạc tài tử Việt Nam vừa được phát hiện và phục dựng lại theo chữ nhạc truyền thống”. Tôi có nhiều nghi vấn về bản ký âm nầy: thứ nhất, đây chỉ là ký âm thô sơ, ký âm một mạch, theo cách của một người chưa rõ cơ cấu âm nhạc truyền thống Việt Nam như thế nào, ký âm không thể hiện cấu trúc chu kỳ (câu nhạc) và luyến láy là điều quan trọng để thể hiện điệu thức. Chính vì vậy, khi đọc nốt nhạc nghệ sĩ không thể hiểu nó thuộc điệu thức gì. Có người cho rằng theo hơi Bắc. Nhưng tôi nghĩ nếu áp dụng luyến láy (rung, nhấn, mỗ) một cách khác nhau thì sao? Chưa hẳn là hơi Bắc mà có thể là hơi ai, hơi xuân, hơi thiền, v.v.. Yếu tố luyến láy rất quan trọng trong nhạc truyền thống Việt Nam. Nó có thể biến đổi điệu thức chỉ qua một nhấn rung nho nhỏ tinh tế. Khi tác giả bài báo phỏng vấn nghệ sĩ thì mỗi người không tránh khỏi lúng túng, khó khăn, vất vả tìm cách giải thích; rồi một nghệ sĩ trong nhóm cũng phải xuôi chiều cho qua chuyện: “… cuối cùng chúng tôi đã chọn được cách chơi vừa ý nhất”. Vừa ý có thể là “đúng nhất” chăng? Ai có thẩm quyền về sự đúng sai nầy? Tiếp theo, ông Nguyễn Lê Tuyên, người tích cực vận động các nghệ sĩ qua diễn ở Thượng Hải, thì cho rằng “So với những bản tài tử được ký âm những năm 1910, 1911, Vũ khúc Đông Dương được coi là phát hiện sớm nhất, từ năm 1900”. Đây là điểm “nóng” của vấn đề. Phát biểu như vậy chứng tỏ sự qua loa và mù mờ về kiến thức toàn diện của sự kiện Exposition universelle de Paris, 1900. Tại hội chợ triễn làm nầy, théâtre (ở đây phải hiểu là “hát bội”) là điểm nổi trội hơn hết. Chính ông Tiersot phải nói rõ ở trang 47 của quyển sách trên là “J’ai pu noter sous la dictée de M. Viang la ligne mélodique entière du morceau qui forma la base essentielle du répertoire musical au théâtre Indo-Chinois” (Tôi đã có thể ký âm theo cách xướng âm của ông Viang toàn giai điệu của bài tạo nòng cốt của nhạc mục của sân khấu Đông Dương). Vậy sao có thể cho là bài đờn ca “tài tử” qua bài nầy? Quả tình đây là bài nhạc sân khấu, và hoàn toàn không phải cho múa mà Nguyễn Lê Tuyên đưa cho các báo đăng tin là Vũ khúc Đông Dương. Ông Viang (rất có thể là Viên, Viện hay Viễn phát âm theo giọng miền Nam nghe như có “g”) là trưởng đoàn nghệ thuật chủ yếu là hát bội như các sách đã ghi nhận. Như thế làm sao chúng ta có thể đồng ý được rằng cái bài nhạc mà ông Tiersot ghi là “nồng cốt” của sân khấu mà Nguyễn Lê Tuyên lại cho là nhạc “tài tử”? Điểm sai lầm nữa là tác giả của câu chuyện cố tình gán ép vũ nữ Cléo de Mérode múa theo bài nhạc trên? Điều nầy ông Tiersot chưa hề nói, và một tác giả khác, bà Judith Gautier, của quyển sách La musique indochinoise à l’Exposition de 1900: Chant annamite – Danse cambodgienne (Âm nhạc Đông Dương tại Hội chợ triễn lãm 1900: Bài hát An Nam - Múa Cao Miên) cũng không đá động gì tới múa trong nhạc Việt Nam khi nhắc đến sự tham gia của bà Mérode (lúc ấy phải là “cô” vì còn rất trẻ). Khi đọc qua quyến nầy, phải nhìn nhận là vào thời điểm đó (1900) mà bà đã có nhiều nhận xét khách quan và mô tả sự tinh tế, sâu lắng của âm nhạc Việt Nam mà chính bà rất ưu ái. Tôi thấy đáng tuyên dương, cảm kích. Sách xuất bản đúng thời điểm (1900), tức trước sách của ông Tiersot (1905), thì dễ tin hơn. Quá rõ ràng, hát và múa là đặc trưng của mỗi trong hai nước thuộc Đông Dương . Khi ta nhìn qua tựa của quyển sách thì biết dụng ý của bà về hát thì gắn liền với truyền thống An Nam, múa phải đi liền với truyền thống Cao Miên (Campuchia). Đồng thời, khi ta xem hình ảnh bà Mérode múa với trang phục Cao Miên (Khmer) thì khó có thể dùng nền nhạc đệm kiểu “Annam” được! Do vậy, việc gán ép múa Cao Miên với nhạc Việt là không có cơ sở. Tấm ảnh chung của tất cả nghệ sĩ Đông Dương đang ngồi trên sân khấu có thể hiểu là để phô trương tất cả nghệ sĩ Đông Dương tham gia Hội chợ. Và cũng quá xa vời thực tế để làm một phim Vũ Khúc Đông Dương ở các địa điểm quay tại Mỹ Tho, Paris và Marseilles, như báo Tuổi Trẻ (30.07.2013) đưa tin. Còn một chi tiết nữa khi bài báo cũng đề cập: “Còn sự kiện trung tâm của phim là ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều đã đệm Vũ khúc Đông Dương cho cô Cléo de Mérode múa tại Hội chợ thế giới Paris năm 1900”. Điều nầy không khớp với chính bài viết Nguyễn Lê Tuyên. Ông khẳng định rằng ông Nguyễn Tống Triều qua Marseilles biểu diễn vào năm 1906. Nói mà không có dẫn chứng từ sách nào. Quyển mà ông nêu lên để khẳng định điều nầy (L’Indochine 1906 báo cáo của đồng tác giả Ferrière, Garros, Meynard, Raquez,) lại không có chi tiết ấy, dù nhỏ. Nếu vậy, sao ông Nguyễn Tống Triều lại có mặt trong Hội chợ Paris năm 1900? Điều nầy chỉ gây sự lẫn lộn các chi tiết đề cập trong các bài báo. Dĩ nhiên, khi người ta làm phim điện ảnh thì không gì không thể làm được. Nhưng về mặt tài liệu nghiên cứu lịch sử là điều phải suy nghĩ lại, phải nghiêm túc và nghiêm khắc. Tôi muốn nhắc lại, nghiên cứu Dân tộc nhạc học là con đường chân thật, đi tìm sự thật.


Nghệ sĩ múa Cléo de Mérode với trang phục không phải Việt Nam.

Vậy, rốt cục có phải bài Danse de l’Indo-Chine là bản nhạc 100 năm duy nhất đã được “phát hiện” lần đầu tiên bởi ông Nguyễn Lê Tuyên? Giáo sư đồng ý với điều này?

Tôi hoàn toàn không đồng tình với quan điểm nầy chỉ với một lý do đơn giản rằng Nguyễn Lê Tuyên không tham khảo đủ dữ liệu trước khi khẳng định và công bố. Nhược điểm trong nghiên cứu thường là sự dễ dãi. Nắm được một tài liệu không có nghĩa đó là tất cả. Ông Tuyên chưa đọc quyển La musique indochinoise à l’Exposition de 1900: Chant annamite – Danse cambodgienne vừa kể trên, trong ấy bà Gautier ký âm đầy đủ hơn, mặc dù không thể cho là hoàn hảo nhưng vượt xa bản ký âm quá ngắn ngủi của ông Tiersot về nhiều mặt. Bài Plainte amoureuse (tạm dịch ‘Tình thán’) và L’Audience royale (tạm dịch ‘Khán giả hoàng cung’) là hai bản nhạc Việt bà đã dịch lời và ký âm kỹ lưỡng hơn bài Danse de l’Indo-Chine của ông Tiersot. Rất tiếc, ông Tuyên không biết về sự có mặt của một quyển sách đã xuất bản 5 năm trước và cũng khiến các nghệ sĩ đi diễn ở Thượng Hải tưởng lầm Vũ khúc Đông Dương là bài duy nhất, sớm nhất. Ống cũng không biết rằng âm nhạc Việt Nam gồm cả sân khấu (hát chèo, hát bội), nhạc lễ cũng đã có mặt ở Hội chợ triễn lãm Paris năm 1889. Nhà soạn nhạc Claude Debussy đã cảm thụ âm hưởng sân khấu Việt Nam như thế nào chúng ta cũng cần phải biết. Chính tai tôi có lần cũng nghe được đoạn nhạc qua thu âm ống sáp thời đó (1889) là đoạn hát chèo trong vai phù thủy không quá 1 phút tại Thư Viện Quốc Hội (Hoa Kỳ). Nó làm tôi bàng hoàng xúc động khi nghe được tiếng hát hơn trăm năm xưa. Thực ra ông Tiersot cũng đã xem hát bội nhiều lần từ những năm ấy và viết “Le théâtre annamite et les danses javanaises” (Sân khấu An Nam và múa Java) trong tập Musiques pictoresques et promenades musicales à l’Exposition de 1889 (Âm nhạc gợi ảnh và cuộc dạo chơi âm nhạc tại Hội chợ triển lãm năm 1889). Có thể còn nhiều bài nhạc khác đăng rải rác đó đây bên Pháp mà chúng ta chưa biết hết. Tóm lại, chúng ta không thể xem bài nhạc Danse de l’Indo-Chine nầy là duy nhất 100 năm như dư luận đang bị đè nặng bởi nguồn tin sai lệch cần phải báo động. Đó là sự hạn chế trong học thuật, khiếm khuyết trong nghiên cứu và gây ảnh hưởng đến báo chí và công chúng. Tôi không rõ ông Tuyên nói đi đến tận Thư viện quốc gia Pháp mới khám phá ra bài nhạc nầy để công bố. Kỳ thật, một người có chút kiến thức vi tính cũng có thể lên mạng Internet lấy ra trong ít phút bằng vào một vài từ khóa!

Xin Giáo sư cho một lời nhắn nhủ với những ai yêu âm nhạc dân tộc và muốn phát huy nó xuyên qua kết quả của một nhà nghiên cứu đúng nghĩa?

Kiến thức của chúng ta chỉ là giọt nước trong đại dương. Âm nhạc dân tộc ta là rừng biển. Mà cái rừng, cái biển ấy chỉ có thể có giá trị tinh anh mới tranh đua được với nước ngoài. Muốn vậy phải có sự quan tâm đến nền học thuật chuyên môn và chính xác, phát hiện rõ ràng và mạch lạc, và nhất là đạo đức trong nghề nghiên cứu. Ở Mỹ cũng như ở Úc có Hội đồng đạo đức nghiên cứu nhân văn (Human Research Ethics Committee) chuẩn nhận người nhận dự án nghiên cứu và nhà nghiên cứu ấy phải thể hiện niềm tự giác đáng quí trong nghề nghiệp. Một công trình nghiên cứu không nhìn thấy vai trò và chức năng tư vấn đáng kính của Hội đồng nầy đối với bản thân mình, tức nghiên cứu ấy không giá trị. Ở đây không có vấn đề thương - ghét, tôi chỉ muốn tranh luận vì học thuật thôi. Mỗi công trình nghiên cứu đều có sự nhiệt tâm, vất vả và tôi vẫn cảm thấy quí ông Tuyên về công sức. Hội đồng nói trên cũng không có phán quyết với bất cứ nhà nghiên cứu nào, mà nếu có chỉ là khuyến cáo. Chúng ta nghe nói nhiều về đờn ca tài tử đất Nam Bộ, một truyền thống rất lớn, muốn được UNESCO công nhận là di sản mà vẫn chưa thành công. Trong khi ấy một truyền thống nhỏ lại được công nhận ngay. Có phải đây là uẩn khúc tế nhị cần tự đánh thức (?) và suy nghĩ kỹ hơn nữa về nhiều mặt, trong đó có học thuật khang nghiêm, biểu diễn chân chính làm người ta nể trọng.

Xin cảm ơn Giáo sư