Sơ lược về nguồn gốc một số địa danh miền Nam (2)


Sông Sài Gòn ngày xưa.

Tên gọi Saigon từ đâu?

Đây là một đề tài được các nhà nghiên cứu, học giả, Tây lẫn Ta, tốn rất nhiều thì giờ và công sức.

Cho đến nay thì có khoảng 5 giả thuyết về xuất xứ của chữ Sài Gòn, trong đó có 3 thuộc loại quan trọng hơn. Xin ghi lại 3 thuyết quan trọng hơn dưới đây:

Sài Gòn từ Thầy Ngòn (Đề Ngạn), Xi-Coón (Tây Cống):

Đây là thuyết được đưa ra bởi 2 tay thực dân Pháp là Aubaret và Francis Garnier (người bị giặc Cờ Đen phục kích chết). Theo Aubaret, Histoire et description de la Basse-Cochinchine và Garnier, Cholen, thì người Tàu ở miền Nam, sau khi bị Tây Sơn tàn sát, đã lập nên thành phố Chợ Lớn vào năm 1778 và đặt tên cho thành phố đó là Tai-ngon hay Ti-ngan. Sau dó, người Việt bắt chước gọi theo và phát âm thành Sài Gòn.

Thuyết này được hai học giả là Vương Hồng Sển và Thái Văn Kiểm đồng ý. Quả thật, trên phương diện ngữ âm, thì Thầy Ngòn, Xi Coón, rất giống Sài Gòn! Tuy nhiên, theo lịch sử thì không phải.

Tại sao? Vì lịch sử chứng minh rằng Saigon có trước, rồi người Tàu mới đọc theo và đọc trại ra thành Thầy Ngòn, Xi Coọn.

Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, năm 1674 Thống Suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ “Luỹ Sài Gòn” (theo Hán-Việt viết là “Sài Côn”). Đây là lần đầu tiên chữ Sài Gòn xuất hiện trong tài liệu sử sách Việt Nam. Vì thiếu chữ viết nên chữ Hán “Côn” được dùng thế cho “Gòn”. Nếu đọc theo Nôm là “Gòn”, còn không biết đó là Nôm mà đọc theo chữ Hán thì là “Côn”.

Như vậy, ngay từ năm 1674 đã có địa danh Saigon! Thì làm gì phải đợi đến 1778 khi người Tàu ở Cù Lao Phố bị Tây Sơn tiêu diệt rồi chạy xuống lập nên Thầy Ngòn tức Đề Ngạn, hay Xi Coón tức Tây Cổng.

Sài Gòn từ Củi Gòn, Cây Gòn, Prey Kor.

Thuyết này được Petrus Trương Vĩnh Ký đưa ra dựa theo sự “nghe nói” như sau:

“Sài là mượn tiếng viết theo chữ Hán có nghĩa là củi gỗ; Gòn là tiếng Nam chỉ bông gòn. Người ta nói rằng tên đó phát sinh bởi sự kiện nhiều cây bông gòn do người Cao Miên đã trồng chung quanh đồn đất xưa của họ, mà dấu vết nay vẫn còn ở chùa Cây Mai và các vùng lân cận”.

Pétrus-Trương Vĩnh Ký - Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs, trong Excursions et Reconnaissance X. Saigon , Imprimerie Coloniale 1885.

Không biết tại sao mà sau này Louis Malleret và Vương Hồng Sển lại quả quyết thuyết này là “của” Trương Vĩnh Ký , mặc dù ngay sau đoạn này, TVK lại viết tiếp “Theo ý tôi, hình như tên đó là của người Cao Miên đặt cho xứ này, rồi sau đem làm tên gọi thành phố. Tôi chưa tìm ra được nguồn gốc đích thực của tên đó”.

Tương tự, có nhiều thuyết phụ theo nói rằng Sàigòn từ “Cây Gòn” (Kai Gon) hay “Rừng Gòn” (Prey Kor) mà ra.

Nói chung, các thuyết này đều dựa trên một đặc điểm chính: cây bông gòn.

Nhưng thuyết này phần lớn đã bị bác bỏ vì lý do đơn giản là không ai tìm được dấu tích của một thứ “rừng gòn” ở vùng Sàigòn, hay sự đắc dụng của củi gòn ở miền Nam, kể cả nhà bác học Trương Vĩnh Ký. Ngay vào thời của Trương Vĩnh Ký (1885) tức khoảng hơn 100 năm sau mà đã không còn dấu tích rõ ràng của thứ rừng này, mặc dù lúc đó Sàigòn không có phát triển hay thay đổi gì cho lắm. Ngay cả khi Louis Malleret khảo nghiệm lại, hình như cũng không có dấu vết gì của một rừng gòn ở Sàigòn.


Lăng Ông Bà Chiểu.


Sài Gòn từ Prei Nokor

Đây là thuyết mà thoạt đầu khó có thể chấp nhận nhứt (về ngữ âm), nhưng hiện nay được coi như là “most likely”.

Chính Petrus Trương Vĩnh Ký là người đưa ra thuyết này Trong Tiểu Giáo Trình Địa Lý Nam Kỳ, ông đã công bố một danh sách đối chiếu 187 địa danh Việt Miên ở Nam Kỳ, như Cần Giờ là Kanco, Gò Vấp là Kompăp, Cần Giuộc là Kantuọc và Sài Gòn là Prei Nokor.

Trước nhất, theo sử Cao Miên được dịch lại bởi Louis Malleret, vào năm 1623, một sứ thần của chúa Nguyễn đem quốc thư tới vua Cao Miên và ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor (Saigon) và Kras Krabei của Cao Miên để đặt phòng thu thuế.

Năm 1747, theo danh mục các họ đạo trong Histoire de la Mission Cochinchine, có ghi Rai Gon Thong (Sài Gòn Thượng) và Rai Gon Hạ (Sài Gòn Hạ).

Đó là theo sử sách, còn theo tiếng nói thì Prei Nokor (hay Brai Nagara theo tiếng Phạn mà người Miên mượn), có nghĩa là “thị trấn ở trong rừng”, Prei hay Brai là rừng, Nokor hay Nagara là thị trấn. Đây là vùng mà chúa Nguyễn đã mượn làm nơi thu thuế như đã nói ở trên.

Theo tiến trình của ngôn ngữ, Prei hay Brai biến thành RAI, thành “Sài”, Nokor bị bỏ “no” thành “kor”, và từ “kor” thành “Gòn”.

Từ Prei Nokor… mà thành SàiGòn thì thật là… dễ sợ!

Còn sở dĩ có Saigon viết dính nhau là do các giáo sĩ Tây phương đã bỏ mất dấu và gắn liền nhau khi in. Sau khi chiếm nước ta, để khỏi đọc “sai” ra “sê” theo giọng Pháp nên Saigon được viết với hai dấu chấm trên chữ i.

Saigon… muôn thuở là Sài gòn!

Ca dao tục ngữ Sài Gòn


Saigon là Hòn ngọc Viễn Đông, là một thành phố lớn nhất Việt Nam. Những nơi như Saigon được mệnh danh là Kẻ Chợ, đã là Kẻ Chợ ắt có chợ, mà phải là ngôi chợ lớn, khách Lục tỉnh lên thăm Saigon, ra vào chợ Saigon hẳn không quên. Chợ Saigon được đồng bào Hậu Giang so sánh với ngôi chợ tỉnh nhà:

Chợ Saigon cẩn đá,
Chợ Rạch Giá cẩn xi măng.
Giã em xứ sở vuông tròn,
Anh về xứ sở không còn ra vô.



Nhà ga Sài Gòn thời Pháp thuộc.


Người con gái ở đô thành tiêm nhiễm nếp sống Tây phương, chàng trai xa nàng khỏi sao thắc mắc, lo nàng ở lại chẳng vuông tròn nên phải ra vô, nàng vuông tròn chàng yên tâm về xứ sở.

Cúc mọc bờ ao kêu bằng cúc thủy,
Chợ Saigon xa, chợ Mỹ cũng xa.
Viết thư thăm hết mọi nhà,
Trước thăm phụ mẫu sau là thăm em.


Saigon và Mỹ Tho, hai nơi cách nhau trên sáu chục cây số, nay tuy thật gần nhưng xưa thật xa, vì phương tiện di chuyển đâu có dồi dào như nay, chàng và nàng dù đã yêu nhau, nhưng mỗi lúc tới thăm đâu có dễ dàng, đôi bên cùng bận làm ăn buôn bán, nàng ở chợ Saigon, chàng ở chợ Mỹ Tho. Nhớ nhung nhau, chỉ biết tin thư thăm hỏi, lấy giấy thay lời. Chàng yêu nàng vì duyên, vì tình, tình yêu chân thật, đâu thấy nàng giàu mà ham hoặc thấy nàng nghèo mà chê.

Chợ Saigon đèn xanh, đèn đỏ,
Anh coi không tỏ, anh ngỡ đèn tàu.
Lấy anh em đâu kể sang giàu,
Rau dưa mắm muối có nơi nào hơn em.


Chợ Saigon với những hàng quảng cáo đèn màu xanh đỏ, chàng trai quê lên nhầm lẫn đó là đèn tàu. Sự lầm lẫn thị giác này có thể có được, nhưng lầm về yêu đương, chàng đâu có lầm. Chàng lấy nàng đâu có kể sang giàu, vì tiền tài bao nhiêu cũng có thể hết, duy tình nghĩa mới bền lâu, như người xưa đã nói:

Theo vàng bỏ ngãi ai hơi,
Vàng thời đã hết, ngãi tôi vẫn còn.



Bà Điểm 18 thôn vườn trầu.


Chính vì nghĩa mới bền lâu, nên khi xa người nghĩa, người con trai đứng ngồi không yên:

Chim quyên xuống đất tha mồi,
Tôi xa người nghĩa đứng ngồi không yên!

Giấy tây bán mấy,
Mua lấy tờ nguyên,
Làm thơ hỏi bạn tình duyên chuyện gì?


Mến thương nàng, đem nàng so sánh với các nàng Lục tỉnh, cô gái Saigon thật hơn:

Nội trong lục tỉnh Nam kỳ,
Mấy ai được nết nhu mì như em.
Hai hàng lụy ngọc ướt nhèm,
Làm sao cho đặng anh với em giao hòa.


Sự ước vọng, lòng mong mỏi của chàng là được cùng nàng giao hòa! Chợ Saigon ngày nay ta vẫn gọi là chợ Bến Thành, nhưng Bến Thành trước đây là bến tàu và hàng ngày thường 10 giờ thì tàu đến bến này:

Mười giờ tàu lại Bến Thành,
Súp lê còi thổi bộ hành lao xao.


Sao lại mệnh danh Bến Thành? Phải chăng đây là bến của đô thành Saigon hay của Gia Định thành? Còn khách bộ hành lao xao vì muốn ngắm tàu Tây.

Anh ngồi quạt quán Bến Thành,
Nghe em có chốn anh đành quăng om!
Anh ngồi quạt quán Bà Hom,
Hành khách chẳng có, đá om quăng lò.

Chàng trai ngồi quạt quán ở Bến Thành với bình trà Huế, được tin người mình thương đã có nơi chốn, chàng tỏ buồn rầu quẳng cả bình trà đi! Kể cũng đáng buồn, tưởng được cùng người thương thưởng thức bình trà (om) ngon, ngờ đâu nàng là hoa có chủ, chàng đành ôm hận, trút mối giận vào om, cái bình trà vô tội. Nhắc đến Bến Thành, quên sao được thành Tây:

Dân đất Bắc,
Đắp thành Tây.
Đông thật là đông,
Sầu Nam vời vợi.


Câu này gồm đủ đông, tây, nam, bắc! Dân đất Bắc phải chăng những người dân miền Bắc bị đưa vào Nam làm dân phu, đắp thành cho người Tây? Số dân phu ắt nhiều lắm, Đông thật là đông. Sự đông đúc này quả là một mối sầu vời vợi cho nước Nam, cho dân Nam! Nước mất nhà tan, thân làm nô lệ, phải đi đắp thành cực khổ cho Tây để chúng dựa vào thành trì đô hộ đồng bào mình. Người miền Bắc bị đi dân phu hằng than thở:

Nhà tan nước mất ai ơi,
Cái thân nô lệ sống đời cu ly!


Người dân than thân như vậy, nhưng vẫn có bọn mũ cao áo dài hà hiếp dân để nịnh bợ quân thù! Thật đau đớn nhưng những kẻ mãi quốc cầu vinh, cõng rắn cắn gà nhà, có bao giờ chúng nghĩ đến Sầu Nam vời vợi. Và trong khi sống đời cu ly đi đắp thành Tây, đã biết bao nhiêu người bỏ thây cùng công việc, ngày xưa đâu đã có máy móc, kỹ thuật xây dựng đắp hoàn toàn công ở sức người. Đắp thành Tây rồi xây soái phủ cho Tây, người dân Nam trong cảnh căm hờn muốn nói không ra, đành gởi tâm tình vào ca dao tục ngữ:

Trên thượng thơ bán giấy
Dưới Thủ Ngữ treo cờ.
Kìa Ba còn đứng trơ vơ!
Nào khi núp bụi, núp bờ,
Mũi Di đánh dạo bây giờ bỏ em.


Thượng thơ, xưa chính là soái phủ miền Nam ở góc đường Tự Do và Gia Long ngày nay. Nơi ấy có bán ấn chỉ cho dân, trong Nam quen gọi là bán giấy. Thủ Ngữ là nơi thủy quân Pháp đóng, có dựng cột cờ. Con người ái quốc trông hai nơi này căm gan sôi ruột! Ai đã khéo đặt ra câu ca dao trên để kích thích lòng căm hờn của người dân Việt, đã nhắc đến tượng Gambotta ở vườn Tao Đàn, gọi một cách nhục nhã là Ba Tượng một người Pháp gọi là Ba, ai là dân Việt ắt thấy nhục vong quốc này. Nếu câu ca dao chỉ có ba dòng đầu có thể gợi sự nghi ngờ của người Pháp, bởi vậy phải thêm hai hàng sau gắn vào, mượn lời tình nhân oán trách tình nhân che dấu ý kín của câu hát. Tuy đây là lời tình nhân oán trách tình nhân, nhưng cũng là lời đồng chí oán trách đồng chí, đã cùng nhau núp bụi ngồi bờ, đã cùng nhau đánh dạo ở mũi Di, vậy mà quên nhau, về đầu thú người Pháp để cầu công danh phú quý. Pháp chiếm Việt Nam, một mặt dân Việt Nam căm hờn, một mặt một số cô gái Việt Nam kém ý thức, vì hoàn cảnh đã sánh duyên với Pháp trở thành me Tây. Lính Pháp lấy me trong thời gian ở đất Việt, rồi anh lính trở về Pháp, cô me Tây ở lại nước Việt lại lấy chồng, đụng một anh lính khác, chẳng khác chi các nàng Giao Chỉ sau này trong thập niên 60 cho đến năm 1975 sánh duyên cùng các chú lính Mẽo:

Saigon mũi đỏ,
Gia Định súp lê.
Giã hiền thê ở lại lấy chồng,
Thuyền anh ra cửa bể như rồng lên mây.


Thuyền, tàu Saigon hồi đó sơn mũi đỏ để phân biệt với thuyền tàu lục tỉnh, như vậy thực dân tiện bề kiểm soát. Thuyền anh ra cửa bể như rồng lên mây, câu này muốn nói khi anh lính Tây đã ra cửa bể rồi, anh tha hồ được tự do, đến bến mới anh tha hồ kết duyên cùng người mới. Về các cuộc hôn nhân Việt Pháp, lúc tiễn đưa, chúng tôi đã từng nhắc tới một câu trong ca dao hôn nhân dị chủng, xin phép được nhắc lại như sau:

Còi súp lê một anh còn than thở,
Còi súp lê hai anh nức nở vắn dài.
Còi súp lê ba, tàu ra biển Bắc,
Nước mắt anh nhỏ ra, anh rút mù xoa anh chậm,
Tình nghĩa vợ chồng ngàn dặm không quên.


Cuộc tiễn đưa ắt phải xảy ra tại bến tàu Saigon, và có anh chàng Tây đã thút thít vì phải xa vợ, anh bảo rằng ngàn dặm không quên, có thật hay chăng anh ra cửa bể như rồng lên mây? Sao có sự mâu thuẫn giữa hai câu thơ trên, hay ý tại ngôn ngoại, chỉ có sự mâu thuẫn trên hình thức, còn thực ra thì ngàn dặm có đời nào mà không quên đối với những lứa đôi dị chủng, nhất là trong cuộc chắp nối giang hồ. Saigon nơi có đô hội lớn, phố xá rộng rãi, cây cao và rậm mát:

Đường Saigon cây to bóng mát,
Đường Chợ Lớn hạt cát nhỏ dễ đi.


Đường Saigon có đúng cây to bóng mát, còn đường Chợ Lớn có lẽ trước đây với đất phù sa của đồng bằng Cửu Long, cát nhỏ dễ đi chăng! Dưới thời Pháp thuộc, đường Saigon cũng như đường Chợ Lớn đều đã rải đá và sau này tráng nhựa... Ngày nay, với thời gian đường đã hư hỏng dù rải đá hay tráng nhựa, mà chính quyền có ít chú ý tới sửa chữa, nên có thể có người than:

Đường Saigon ổ gà đi xóc,
Đường Chợ Lớn đi xóc ổ gà.


Ca dao Saigon có những câu rất ngộ nghĩnh, nhắc tới địa danh một cách khéo léo:

Chị Hươu đi chợ Đồng Nai,
Bước qua Bến Nghé ngồi nhai thịt bò.


Trong bài này chúng ta bắt gặp bốn con vật ăn cỏ là Hươu, Nai, Nghé, Bò với hai địa danh là Đồng Nai, Bến Nghé. Dưới đây là câu ca dao nhắc tới các chợ khác ngoài chợ Bến Thành:

Mẹ đi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau chợ Vải, mua trầu chợ Dinh.

Sáng mai đi chợ Gò Vấp,
Anh mua một xấp vải đem về.
Cho con hai nó cắt, con ba nó may,
Con tư nó đột, con năm nó viền.
Con sáu đơm nút, con bảy vắt khuy;
Anh bước ra đi,
Con tám níu, con chín trì,
Ớ em mười ơi!
Sao em để vậy còn gì áo anh?


Ca dao Saigon hẳn phải còn nhiều, biết tới đâu xin tỏ tường tới đó, những điều chưa biết xin nhờ sự chỉ giáo của người biết. (Trích tác phẩm “Hương Nước Hồn Quê”Toan Ánh )

Đầu tiên được nói đến Bà Nghè, tên gọi hồi trước của con rạch Thị Nghè quận 1 sát bên Sở thú Sài Gòn. Trong Gia Định phú do Phan Văn Thị sáng tác có câu ví ngộ nghĩnh.

Coi ngoài rạch Bà Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải,
Ngó lên giồng Ông Tố, cây xanh nghịt nghịt, lá chàm rai.


Tôi chịu thua, tìm cả trong tự điển cây “chàm rai” là cây gì, mà lá nó xanh dữ vậy. Nội ô Sài Gòn còn có một bà cũng nổi tiếng đó là Bà Chiểu, nằm trên địa bàn phường 1, 2 và 14 thuộc quận Bình Thạnh. Khu vực này có cái chợ cùng tên Bà Chiểu tấp nập ngày đêm, chủ yếu là bán lẻ. Có câu ca dao, nghe cũng vui tai:

Xe mui chiều thả chung quanh
Đôi vòng Bà Chiểu thích tình dạo chơi.


Có lẽ nổi tiếng nhất trong các bà là Bà Điểm. Tương truyền bà Điểm là một chủ quán nước chè vùng Tân Thới Nhứt, Hóc Môn, có 18 thôn vườn trầu, nơi đây Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định từng hoạt động (khoảng năm 1861). Nói cho ngay, người Sài Gòn xưa hay đặt cho con rạch, chiếc cầu, một địa điểm, một con đường, con hẻm một cái tên (hoặc bà hoặc ông) trước là dễ nhớ, sau là ghi lại công tích của người đó góp cho dân trong vùng; thứ nữa nhìn hình vóc của khu vực đó mà đặt. Thí dụ: Bà Quẹo, là khu vực gồm các phường 13, 14 quận Tân Bình. Ai đi trên đường lên Tây Ninh, vọt thẳng biên giới với Cam-pu-chia, có một ngã ba, nếu nhà ở hướng lộ 14 thì quẹo trái (rẽ) vào. Hay Bà Đô, là con rạch ở phường 1, quận 5, thông từ các ao, đầm ra rạch Bến Nghé, nay bị lấp rồi. Bà Đô còn là tên chiếc cầu ở đầu đường Hàm Tử bắc qua rạch Bà Đô (còn gọi là Thị Đô). Dân chèo ghe ở Sài Gòn hồi trước, qua đây hay hát:

Kể từ chợ Sỏi trở vô
Xóm Lá là chợ, Thị Đô là cầu.


Hay như Bà Thuông, tên chiếc cầu trên kênh Tàu Hũ, từ đầu đường Tản Đà đến đầu đường Phú Định. Trong Gia Định phú có câu ví rất hay:

Giếng Bà Nhuận rạch cam tuyền, trai gái nhảy thỏa tình khát vọng
Cầu Bà Thuông đường quan lộ gần xa đều phỉ chí quy lai.


Tên cầu, tên rạch, tên khu vực nào đó có từ Bà rất nhiều. Như: rạch Bà Bướm có tên từ 1902 ở phường Tân Thuận Đông, quận 7 chảy vào sông Sài Gòn, nay nằm trong khu chế xuất Tân Thuận. Sông Bà Cả Bảy chảy qua hai xã Trung Lập Thượng và Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi dài 15 km từ ranh giới với Tây Ninh đến sông Láng Thé. Bà Hom vừa là khu vực phường 13, 14, quận 6 giáp ranh với Tân Bình và Bình Chánh, vừa là chiếc kênh ở xã Tân Tạo. Bà Tàng, vừa là các rạch ở phường 7, quận 8, cũng là tên chiếc cầu bắc qua rạch Lào trên đường Phạm Thế Hiển. Rồi Bà Tà, Bà Lài, Bà Hồng, Bà Lát, Bà Nghiêm, Bà Chủ, Bà Tàng, Bà Thiên, Bà Tiếng, Bà Xếp... cũng là cầu, là rạch, là tên riêng vùng đất. Như tên Bà Khắc là chiếc cầu xưa ở vùng Cầu Kho quận 1. Khắc trong tiếng Nam Bộ còn gọi là Khấc, để cầu khỏi trơn trợt. Trong bài Cổ Gia Định phong cảnh vịnh có câu:

Trên cây Da Còm, nỡ để ông già gùi đội
Dưới đường Cầu Khắc, chi cho con trẻ lạc loài.


Chiếc cầu Bà Khắc (hay Khấc) này thời nay không còn nữa. Nhiều tên đường cũng tên bà, như đường Bà Huyện Thanh Quan trên địa bàn phường 6, 7, 9 quận 3, hồi Pháp có tên là Rue Nouvelle, đến năm 1920 đổi thành Pierre Fladin. Năm 1955 mới có tên Bà Huyện Thanh Quan đến ngày nay. Bà Ký là đường trên địa bàn phường 9, quận 6. Bà Lài là đường nối từ đường Phạm Văn Chí với Lò Gốm, nay tên đường mới là Đặng Thái Thân. Bà Lê Chân ở Tân Định. Năm 1906 có tên là Frostin. Đến 19-10-1955 đổi lại thành đường Bà Lê Chân. Bà Triệu nằm sau Bệnh viện Chợ Rẫy, thời Pháp có tên là Merlande. Năm 1955 mới đổi thành Bà Triệu... Chắc là còn nhiều “bà” nữa mà người viết chưa có vinh hạnh làm quen xin mọi người tìm thêm nữa. Cũng lạ, khi đặt tên cho cái rạch, con sông, chiếc cầu, hay địa danh một vùng đất gắn với một bà nào đó, thì có cả ca dao, câu hát, câu ví dí dỏm. Nhưng, với cánh đàn ông thì thiệt là khô khan, chả thơ phú, câu vè, câu đố nào.

Dù sao, có bà thì phải có ông, bởi thiếu ông nghe như trống trải trong lòng vậy. Ở Sài Gòn địa danh mang tên năm ông sau đây, cứ nhắc tới thì cả nam, phụ, lão, ấu ai cũng rành. Đầu sổ là Ông Lãnh. Gắn liền với Ông Lãnh là chiếc cầu. Dạ, Cầu Ông Lãnh, rồi chợ Cầu Ông Lãnh, và phường Cầu Ông Lãnh (Nói nhỏ: chỗ này hồi trước bụi đời dữ lắm nghen, nay thì đỡ nhiều rồi). Đúng là có cầu, có chợ, có phường 100%, nhưng thử hỏi cắc cớ: vậy Ông Lãnh là ai vậy, thưa bà con, thì nghe chừng ngắc ngứ lắm! Có giả thuyết cầu này do ông Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (1798 - 1866) đóng quân ở đồn Cây Mai, Thủ Thiêm và tại đình Nhơn Hòa, quận 1 gần chiếc cầu. Vả lại, năm 1885, Trương Vĩnh Ký có viết rằng chiếc cầu gỗ do ông lãnh binh ở gần đó cho bắc qua, chắc là ông Lãnh binh Thăng này, chớ không phải ai khác. Cũng có người bảo, cầu này ở cạnh một ông lãnh sự, nên đặt chết tên luôn. Nghe chừng chuyện này không thuyết phục mấy. Hai là Ông Thượng. Người Sài Gòn trọng tuổi một chút nghe đến vườn Ông Thượng thì biết ngay là Công viên Tao Đàn thuộc quận 1 bây giờ. Chớ hỏi bọn trẻ,chưa chắc hiểu vườn Ông Thượng ở đâu. Vả lại, Ông Thượng là tên dân gian gọi tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt những thập niên 20 và 30 của thế kỷ 19. Nghe nói, vườn Ông Thượng hồi đó hay có gánh hát đến biểu diễn, cả cải lương lẫn hát bội, và Nguyễn Đình Chiểu hồi nhỏ cũng hay đến đây coi tuồng hát bội. Ba là Ông Tố. Giồng Ông Tố, hồi năm nẳm, ở vùng này còn nhiều cọp beo và nhiều ve lắm, nên có câu:

Coi cọp, xuống Thị Nghè
Ăn ve, lên Ông Tố.


Ve mà nướng lên ăn cũng thơm như cào cào, châu chấu vậy. Không rõ ông Trương Vĩnh Tố có làm quan chức gì, chỉ biết ông ở gần đấy và khu đất cao (gọi là giồng) có lẽ là của ông chăng? Bốn là Ông Tạ. Là chợ mang tên một thầy thuốc nam nổi tiếng Trần Văn Bỉ (còn gọi là Tạ Thủ). Chợ Ông Tạ còn là vùng đất thuộc các phường 3, 4, 5, 7 của quận Tân Bình. Nói thêm: Dân ghiền thịt chó nghe đến chợ Ông Tạ là gợi ngay đến các hàng thịt chó treo lủng lẳng cả chục con thui vàng rực, coi bắt mắt lắm. Năm là Ông Thìn. Cầu Ông Thìn bắc qua sông Cần Giuộc, nối hai xã Đa Phước và Quy Đức, huyện Bình Chánh trên tỉnh lộ 50. Dân gian truyền rằng Ông Thìn là tên người lái đò đưa khách sang sông. Cầu Ông Thìn được bắc dã chiến năm 1925, nay đã nâng thành cầu đúc dài 162 m. Có cái tên ông rất nổi tiếng ở Sài Gòn này. Đó là Lăng Ông (dân thường gọi là Lăng Ông Bà Chiểu). Đây là lăng của Tả quân Lê Văn Duyệt, được xây trên khuôn viên khá rộng 18.500 m2. Nghe rằng tác giả công trình này về sau xây lăng Tự Đức ở Huế. Ngày 16-11-1988, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Lăng Ông là di tích kiến trúc nghệ thuật. Lăng có bốn cột gỗ chạm rồng rất đẹp ở chánh điện. Cổng tam quan có cây thốt nốt tạo vẻ trang nghiêm, tĩnh mịch. Ở Sài Gòn, còn có Chùa Ông là chùa thờ Quan Công (Quan Vân Trường) tại xã Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Đức. Tên đường chỉ duy nhất có Ông Ích Khiêm. Gắn với tên ông còn có rạch, cầu Ông Buông ở quận 6 (dài độ 2.800 m từ ngả ba rạch bến Trâu và Tân Hóa tới rạch Lò Gốm); rạch Ông Cái ở quận 2, rạch Ông Cốm, Ông Đồ ở Tân Túc, Bình Chánh, rạch Ông Điền từ đất Cần Giuộc đổ vào sông Nhà Bè, rạch Ông Đội ở quận 7, rạch Ông Mưu ở Bình Chánh; rạch Ông Nghĩa ở xã An Thới Đông, Cần Giờ từ rừng lá đến sông Lòng Tàu. Có cầu Ông Lớn bắc qua kinh Tàu Hủ; cầu Ông Nhiêu, cầu Ông Thìn, cầu Ông Tiều... Rồi đập Ông Hiền ở xã Bình Hưng dài đến ba cây số.