Nguồn gốc địa danh Lai Vung

 Huỳnh Hữu Hiếu


Phong cảnh ở vàm rạch Mù U ở xã Tân Dương, thuộc huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam.

Người Khmer bản địa gọi loại cau khô rủ trên cây là Sla tamvun (ស្លា តម្ពូល), nên vùng này được họ gọi là Srôk Sla-Tamvum hoặc Phsar Sla-Tamvun (ស្លា តម្ពូល). Người Việt phát âm thành xóm Xla Tam-Vung hoặc còn có một cách gọi khác, chợ Xla Tầm-Vung (ស្លា តម្ពូល).

Cũng như nhiều địa danh gốc Khmer khác ở Nam kỳ, địa danh Lai Vung ra đời rất sớm và trải qua một số bước thăng trầm, như: bị phát âm sai, diễn dịch sang ngôn ngữ khác (chữ Hán, chữ Nôm và tiếng Việt) chưa chính xác, không được hiểu đúng ý nghĩa, khi trở thành địa danh hành chánh, thì cấp hành chánh mà nó mang tên thường thay đổi, có khi bị xóa tên, rồi lại khôi phục… Căn cứ vào một số tư liệu liên quan, chúng ta theo dõi những biến đổi trong quá trình sử dụng địa danh này, qua đó tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của nó.

Có thể nói địa danh Lai Vung xuất hiện đầu tiên trên văn bản là trong quyển Gia Định thành thông chí (GĐTTC) của Trịnh Hoài Đức vào đầu thế kỷ XIX. Trong mục Sơn xuyên của trấn Vĩnh Thanh, sách này có hai nơi chép liên quan đến tên gọi Lai Vung. Ngày nay sách này có nhiều bản dịch, ở mỗi bản, tên Lai Vung được dịch khác nhau:

Bản dịch của G.Aubaret (1863), trong quyển Histoire et Description de La Basse Cochinchine (Gia-Dinh-Thung-Chí), dịch: “Le Cuong Oai vulgaiement appelé Lai Vum” có nghĩa là “Cường Oai tục danh là Lai Vum”.

Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo (1972):

Trang 78, ghi: “Hồi Luân thuỷ tam kỳ (Ngã ba Nước Xoáy): tục goị là Nước Xoáy, ở địa phận thôn Tân Long. Phiá tây có ngòi nhỏ thông với sông Thủ Ô, cạn hẹp khó đi; nhánh phía bắc đi 33 dặm tới sông Sa Đéc; nhánh phía nam đi hơn 71 dặm qua kinh Cường Oai (tục gọi là Cái Dắt Lai Phong 丐 熄 來 [土葻 ]), đến Kỳ Can (Cán Cờ), Thung Dung (Thông Dông), rồi đến sông Cường Oai ra sông Hậu; nhánh phía tây chảy 18 dặm cũng qua kinh Cường Oai chuyển theo ngòi Lưu Thuỷ rồi ra Hậu giang...”

Trang 82, chép: “Cường Oai giang (強 歪 江) tục gọi là sông Lai Phong, rộng 15 tầm, sâu 18 thước ta. Thủ sở Cường Oai ở bờ bắc, ở đây chợ quán đông đúc, cách phía nam trấn 160 dặm rưởi, chảy xuống hướng phía đông 71 dặm đến mương nhỏ rồi nhập vào sông Hồi Oa, thông với sông Sa Đéc, rồi chảy ra sông Tiền”.

Bản dịch của Lý Việt Dũng (2006):

Trang 78: “...nhánh phía nam đi hơn 71 dặm qua kinh Cường Oai (tục gọi là Cái Tắc Lai Vung 丐 熄 來 [土葻]), đến Kỳ Can (Cán Cờ), Thung Dung (Thông Dông), rồi đến sông Cường Oai ra sông Hậu...”

Trang 84: “Cường Oai giang (強 歪 江) tục gọi là sông Lai Vung (來 [土葻])...”

Trong Đại Nam nhất thống chí lục tỉnh Nam Việt (ĐNNTC), tập Hạ (An Giang-Hà Tiên) bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, ở mục sông Cường Oai, dịch giả dịch là sông Lai Phong [5].

Trong khi đó bản dịch của Viện Sử học, do nhà xuất bản Thuận Hoá-Huế (2006) dịch nghĩa ra là con sông Lai Lễ [6].

Theo Reneignements géographiques denandés aux province et nécessaires à la confection de la carte générale de la Cochinchine (S.L. 3927) do M.Bigrel thực hiện vào năm 1873, thì vào tháng 1-1873, tham biện (Inspection) Sa Đéc có 9 tổng với 73 làng. Trong đó tổng An Thới có 12 làng, trong làng Tân Lộc có chợ mang tên Lai Vung.

Trong Cẩm nang thời sự tuế thứ Canh dần (1890): ghi hạt Sa Đéc có bảy chợ, chợ Lai Vung ở tổng An Thới.

Trong Cẩm nang thời sự tuế thứ Kỷ mảo (1897), được Vương Hồng Sển trích đăng trong Tự vị tiếng Việt Miền Nam (TVTVMN), như sau:

Mục nhà thơ-nhà dây thép (Bưu điện) Sa Đéc: có đặt tại chợ Lai Vum (làng Tân Lộc) một cơ sở.

Mục chợ chính: Sa Đéc có 10 chợ, có hai chợ mang tên na ná nhau: Lái Vum (tổng An Hội), chợ Lai Vung ở tổng An Thới (TVTVMN, tr.224). Ở đây có lẽ cụ Vương ghi nhầm tổng An Thới thành An Hội, vì trên thực tế tổng An Hội xưa nay không có chợ nào mang tên Lái Vum và Lái Vum chính là chợ ở làng Tân Lộc của tổng An Thới.

Trong Monographie de la province de Sadec,1903, chép: Sa Đéc có 9 tổng, ở tổng An Thới có chợ Lai Vum ở làng Tân Lộc, một trong 16 chợ chính ở Sađéc lúc đó.

Nghị định Toàn quyền (NĐTQ) ngày 9/2/1913, đặt tỉnh Sa Đéc dưới quyền chủ tỉnh Vĩnh Long (tương đương một quận), có một viên chức hành chánh ngạch đại lý (délégateur) đại diện của chủ tỉnh Vĩnh Long đóng tại Sa Đéc; mặc dù trên nguyên tắc, Sa Đéc là một trong 20 tỉnh ở Nam kỳ, do NĐTQ ngày 20/12/1899 quy định.

Đến ngày 01/4/1916, tỉnh Sa Đéc mới được chia thành ba quận : Châu Thành, Cao Lãnh và Lai Vung.

Sau năm 1954, chánh quyền Ngô Đình Diệm, theo nghị định số 308-BNV/NC/NĐ ngày 8-10-1957, tỉnh Sa Đéc trở thành hai quận của tỉnh Vĩnh Long là Sa Đéc và Lấp Vò, tất cả có 20 xã.

Năm năm sau bằng nghị định số 718-NV ngày 11-7-1962, hai quận này tách ra để lập hai quận mới là Đức Tôn và Đức Thành vẫn thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Đến ngày 24-4-1966, tỉnh Sa Đéc được thành lập lại với diện tích nhỏ hơn trước đây gồm 4 quận, 10 tổng và 36 xã cho tới năm 1975:

  1. Quận Sa Đéc có 13 xã.
  2. Quận Đức Thành (đổi tên từ quận Lai Vung) có 8 xã: Tân Thành, Long Hậu, Vĩnh Thới, Tân Hòa Bình, Hòa Long, Tân Phước, Long Thắng, Phong Hòa.
  3. Quận Đức Tôn có 7 xã.
  4. Quận Lấp Vò có 8 xã.

Sau năm 1975, Quyết định 4-CP ngày 05/ 01/1981 của Hội đồng Chính phủ, đổi tên quận Lấp Vò thành huyện Thạnh Hưng.

Đến năm 1989, Quyết định 77-HĐBT ngày 27/06/1989 của Hội đồng Bộ trưởng: chia huyện Thạnh Hưng ra thành hai huyện lấy tên là huyện Thạnh Hưng và huyện Lai Vung. Theo đó, huyện Lai Vung có 11 xã Định Hoà, Hoà Long, Hoà Thành, Long Hậu, Long Thắng, Phong Hoà, Tân Dương, Tân Hoà, Tân Phước, Tân Thành, Vĩnh Thới gồm 23.864 hécta và 142.267 nhân khẩu. Huyện lỵ đặt tại xã Hoà Long.

Diển trình trên cho thấy khởi điểm có thể tên Lai Vung hình thành bắt đầu từ chợ và sông mang tên Lai Vung, vì GĐTTC của Trịnh Hoài Đức ghi chép những địa danh có từ trước thế kỷ XIX. “Cường Oai giang tục gọi là sông Lai Vung, rộng 15 tầm, sâu 18 thước ta. Thủ sở Cường Oai ở bờ bắc, ở đây chợ quán đông đúc, cách phía nam trấn 160 dặm rưởi, chảy xuống hướng phía đông 71 dặm đến mương nhỏ rồi nhập vào sông Hồi Oa, thông với sông Sa Đéc, rồi chảy ra sông Tiền”.

Cách đặt tên sông rạch phổ biến ở Nam kỳ là thường căn cứ vào đặc điểm của nó hoặc vùng lân cận nó. Như trên bờ rạch có nhiều tre, rạch đó thường mang tên rạch Cái Tre; hay rạch có nhiều tôm hay có khúc uốn cong như con tôm, thì nó có tên là rạch Tôm hay rạch Cái Tôm; trên bờ có chợ, dứt khoát nó thường mang tên chợ đó, như sông Sa Đéc có chợ Sa Đéc và sông Cao Lãnh có chợ Cao Lãnh...Trên bờ sông Lai Vung có chợ Lai Vung.

Như vậy tên chợ Lai Vung có trước và trở thành tục danh của sông Cường Oai.

Sở dĩ có sự xuất hiện một số tên gọi khác bên cạnh tên Lai Vung, như: Lai Phong, Lai Lam, Lai Lễ, Lai Vum, Lái Vum... là do người phiên dịch từ văn bản chữ Nôm sang quốc ngữ, lầm lẫn tự dạng của bản chữ Nôm và cũng có thể chưa am tường văn hoá lịch sử địa phương. Về vấn đề này, học giả họ Vương, nhận xét: “Trong bản dịch GĐTTC tập 1, trang 84, Nguyễn Tạo không rành tiếng địa phương và cứ coi theo sách dịch ra, nên Cái Tắt Lai Vung, ông dịch : Cái Dắt Lai Phong, do đó người đọc, không ai hiểu gì cả.”

Riêng hai từ Lai Vum và Lái Vum, có thể do người Pháp dựa theo bản dịch của G.Aubaret mà ra.

Bản đồ làng Tân Lộc xưa (nay là xã Tân Thành), với rạch Lai Vung nối sông Hậu tới xã Long Hậu. Vàm Tắc Lai Vung, có nơi viết là Kinh Thủy, chính là Cái Tắc Lai Vung, nơi mà Tu Trai Nguyễn Tạo dịch thành Cái Dắc Lai Phong

Chợ Lai Vung nằm trong thôn Tân Lộc. Theo Địa bạ tỉnh An Giang (ĐBAG), thôn Tân Lộc cùng với thôn Long Hậu thuộc xứ Vu lai, thuộc tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, có địa giới tứ cận như sau:

  • Đông giáp thôn Tân Phong (tổng An Trường huyện Vĩnh An).
  • Tây giáp thôn Định An.
  • Nam giáp sông Cái (sông Hậu)
  • Bắc giáp thôn Long Hậu.

Diện tích thực canh: 4336,3 mẩu ta, gồm 480 sở. Sơn điền: 3632 mẩu Thổ canh 713 mẩu, trong đó có tới 576,5 mẩu trồng cau, trong khi tòan huỵên chỉ có 612,2 mẩu ( ĐBAG, tr 221-234).

Theo Monographie de la province de Sadec 1903, Sa Đéc có tới 2.848 hecta trồng cau, trong khi dừa chỉ chiếm 730,50 hecta. Cau trồng tập trung ở làng Tân Lộc. Điều đó cho thấy Tân Lộc là nơi trồng cau nhiều nhứt trong vùng và chợ Lai Vung là nơi tập trung cau trong vùng bán đi nơi khác. Người ta ăn trầu với cau tươi hoặc cau khô. Cau tươi không giữ lâu được, để bán đi xa, cau phải được sơ chế bằng cách xắt mỏng, luộc rồi phơi khô. Dân trồng chuyên nghiệp ở Nam kỳ ngày trước thường chia cau ra nhiều loại, trên dưới khoảng 20 loại tuỳ theo đặc điểm của cây hoặc trái như sau:

  1. Cau đầu ruồi: trái cau mới nhú ra (hoa cau).
  2. Cau đậu: cau khô dính hạt.
  3. Cau điếc: cau không có hạt.
  4. Cau đóng vóc: trái cau gần đặc ruột.
  5. Cau hoa: cau còn non trái nhỏ
  6. Cau hoa tai: miếng cau khô nhỏ mà cong queo.
  7. Cau lại buồng: buồng cau có một vài quả quặt quẹo (cau đèo, cau điếc): Trầu không cắt ngọn têm chuông,
    Cau hoa lại buồng chẳng lấy được nhau.

  8. Cau liên phòng hay truyền bẹ (luôn bẹ): thứ cau có trái bốn mùa, cứ mỗi bẹ có một buồng.
  9. Cau lòng tôm: cau rỗng ruột mà đỏ.
  10. Cau lừng: cây cau già cỗi, ít cho trái.
  11. Cau ớt: thứ cau nhỏ trái.
  12. Cau tiên đầm: cau non ruột xốp có nước.
  13. Cau tum: thứ cau khô miếng nhỏ.
  14. Cau Xiêm: thứ cau lớn cây lớn trái.
  15. Cau rừng: thứ cau nhỏ cây, nhỏ trái.
  16. Cau dầy: trái cau chắc ruột.
  17. Cau già: trái cau đã cứng ruột.
  18. Cau mình: cau khô có xác có ruột.
  19. Cau xác: cau dùng xác, không có hột.
  20. Cau tầm vun: để cau chín khô nguyên buồng trên cây mới hái xuống.

Ngoài dùng để ăn trầu, cau còn là chất phụ gia quan trọng trong nghề nhuộm. Để trái cau chín khô trên cây, nước chát của nó mới đủ độ cầm màu. Sau khi hái xuống, tách lấy hột. Nếu chưa đủ khô phải phơi tiếp, mới thành phẩm. Hột cau tầm vun rất cứng, dùng búa đập mới bể.

Trong chiến tranh Tây Sơn-Nguyễn Ánh trên đất Nam kỳ (1776-1789), Nguyễn Ánh lập căn cứ ở Nước Xoáy (Long Hưng), khi bị quân Tây Sơn bao vây, đã chế ra khẩu đại bác bằng gỗ dùng hột cau khô loại này đánh đuổi được quân Tây Sơn.

Tân Lộc là nơi trồng nhiều cau, có chợ bán cau, nổi tiếng với loại cau để chín khô trên cây. Ngừơi Khmer bản địa gọi loại cau khô rủ trên cây là Sla tamvun, nên vùng này được họ gọi là Srôk Sla tamvun hoặc Phsar Cla Tamvun. Người Việt phát âm thành xóm /Xla Tam Vung/ hoặc còn có một cách gọi khác, chợ /Xla Tầm Vung/.

Qua năm tháng dưới sự tác động của khuynh hướng thịnh âm và giản lược của ngôn ngữ: |Xla Tầm Vung| lược bớt âm |Tầm| biến thành Xla Vung, rồi Việt hoá, bỏ âm |X| của |Xla| và nói trại đi thành |Lai|; để cuối cùng trở thành Lai Vung cho dễ nói.

Như vậy, tên gọi Lai Vung là một địa danh có nguồn gốc từ ngôn ngữ Khmer, được Việt hoá dưới dạng phiên âm toàn phần, tự nó không có nghĩa gì cả. Để ghi vào giấy tờ, văn bản, các cụ ta mượn âm (Nôm, hoặc Hán) của chữ 來 để ghi âm tiếng |Lai| và ghép bộ thổ 土 vào chữ bông 葻 (chữ Nôm) thành [土葻] để ghi âm tiếng |Vung|. Chữ |bông| Nôm 葻 có tự dạng na ná như chữ |lam| Hán 嵐, nếu không chú ý dễ lầm lẫn; do đó có người phiên âm Lai Vung thành Lai Lam. Ở đây các cụ ta mượn chữ |bông|, để sử dụng âm |ông # ong| ghi âm cho |ung| của |Vung| trong Lai Vung, vì trong một số trường hợp của tiếng nói Việt ta, các nguyên âm o,ô,u có thể thay thế nhau, như: bung ra = bong ra, thung dung = thong dong, bệnh phung cùi = bệnh phong...

Trước đây cũng có một số giả thuyết giải thích về nguồn gốc tên gọi Lai Vung, cho rằng địa danh Lai Vung, bắt nguồn từ tiếng Khmer, như:

  1. Prey thum: có nghĩa là rừng lớn
  2. Tonplé thum: có nghĩa là sông lớn.
  3. Prek thum: có nghĩa là rạch lớn.
  4. Sla kpong: Bến Cau.

Các giả thuyết trên không có cơ sở lịch sử, còn giả thuyết thứ tư không phù hợp với cấu trúc ngôn ngữ Khmer. Vì Bến Cau tiếng Khmer phải nói là Kompong Sla. Do đó, cả bốn giả thuyết đều khiến cho người nghe khó chấp nhận.

Tên gọi Lai Vung ra đời trong buổi đầu khai hoang mở cõi bên bờ sông Hậu, ghi đậm dấu ấn lịch sử trong diễn trình xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới với thành quả đầy sáng tạo trong nông nghiệp: đào mương lên liếp lập vườn trồng cau. Một trong hai hoạt động kinh tế chính của Nam kỳ lúc bấy giờ.

“Gia Định nhứt Thóc nhì Cau”

Nhưng đến nay cả Nam kỳ có mấy nơi dùng cái tên sản phẩm nông nghiệp làm tên gọi cho quê hương mình! Cái tên Srôk Sla tamvun, xứ Cao Tầm Vung, xóm Lai Vung, chợ Lai Vung đã đi vào lòng đất, tình người từ bao đời qua. Trong diễn trình hành chánh qua nhiều chế độ chánh trị như; thời quân chủ, thời Pháp thuộc, miền Nam và miền Bắc chia đôi rồi lại thống nhứt như hiện nay, dù hai chữ Lai Vung khi hiện diện trên văn bản, khi biến mất; nhưng trong lòng người Lai Vung, người đồng bằng sông Cửu Long nó vẫn bàng bạc trong lời ăn tiếng nói, trong giao tiếp hàng ngày…

Tuy chợ ngày xưa không còn mang tên Lai Vung, nhưng huyện Lai Vung đang trên đà phát triển. Chợ Lai Vung mới thay thế cho tên chợ Hòa Long cũ tọa lac tại thị trấn Lai Vung với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng; người, xe khắp nơi, đến đi tấp nập, đặc sản mang tên nem Lai Vung, quýt Lai Vung...) theo đó đến mọi miền đất nước. Chợ Lai Vung xưa, nay mang tên mới là Chợ Tân Thành. Năm 2009, được xây cất lại khang trang bên bờ sông Lai Vung, ngày đêm vẫn âm thầm mang phù sa tưới ruộng đồng toàn huyện như thở nào.

Nếu huyện Lai Vung có làm biểu tượng, huy hiệu cho huyện, thiết nghĩ chắc không có hình ảnh nào đắc ý hơn Cây Cau.