Mỹ-Tho về đêm

Huỳnh Quốc Minh (Tiểu Minh)

Nếu ai có hỏi nơi nào đẹp nhất? Không cần suy nghĩ, tôi sẽ trả lời ngay là: Mỹ-Tho! Nhớ lại thời trung học Hoa văn trong thập niên 60 ở trường Thiên-Chúa Giáo Minh-Viễn, tại ngã sáu trên đường Minh-Mạng Chợ-Lớn, thành phần nữ giáo sư trẻ đẹp, độc thân từ Ðài-Loan sang dạy học thường hay nói với học sinh rằng: “Không có nơi nào đẹp bằng quê hương, cho dù quê hương mình có nghèo khó đi nữa“. Ðiều nầy quả thật không sai! Hơn 30 năm xa xứ sống nơi một thành phố lớn đầy vui nhộn của nước Ðức, thỉnh thoảng tôi hay tưởng nhớ về Mỹ-Tho thân thương nơi mình sinh ra và lớn lên. So với Hong-Kong, Tokyo hay Paris by night, cùng nhiều phồn hoa đô thị khác, với bao cảnh ăn chơi bậc nhất thế giới thì Mỹ-Tho về đêm thuở xưa quá nhỏ và hết sức quê mùa, bình dị, nhưng lại rất vui với bao kỷ niệm đong đầy, mà kỷ niệm thì bao giờ cũng đẹp!

Ngược dòng thời gian … Trước năm 1975, gia đình ba mẹ tôi có hai thương hiệu tại chợ Mỹ-Tho. Mỗi khi màn đêm buông xuống, sinh hoạt sôi động trong ngày chuyển sang lắng đọng thấy rõ. Tiệm buôn trên nhiều khu phố của người Hoa đóng cửa nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc. Những con đường xung quanh nhà lồng và chợ cá náo nhiệt, bắt đầu dọn dẹp từ một giờ trưa để nhường chỗ cho xe cộ lưu thông. Khu vực nầy vắng lặng và kém sạch sẽ, nên ban đêm lượng xe qua lại rất ít. Từ 19 đến 21 giờ, hai cái loa sắt to đùng gắn ở đầu ngôi chợ phía đường Nguyễn Huệ, phát thanh nghe đinh tai nhức óc cùng lúc với những chiếc loa được treo trên cột trụ cao, tại nhiều giao điểm trọng yếu như đầu Cầu Quây, vườn hoa Lạc-Hồng, Cầu Bắc, bùng binh cuối đường Ông Bà Nguyễn Trung-Long (nay là đường 3 tháng 2), Bến Xe Mới, công viên Dân Chủ, chợ Hàng Bông và bên kia Cầu Quây là ngả tư “Quốc Tế“, rồi chạy dài xuống tận Chợ Cũ. Chương trình phát thanh địa phương vào buổi tối thường do nữ xướng ngôn viên duyên dáng Hồng-Loan phụ trách. Ngoài tin tức trong nước và tiếp vận đài Sài-Gòn, đa phần đều là tân nhạc. Thỉnh thoảng còn có nhạc kích động ngoại quốc không lời rất hay!

Chợ búa ngưng hoạt động, ảnh hưởng dây chuyền đến mọi sinh động của thành phố. Trong chợ Hàng Bông, một số bạn hàng đàn bà ngồi trên chiếu đệm dưới đất, bàn bạc chuyện buôn bán bên đống trái cây còn sót lại trong ngày. Ðược biết, nhóm người nầy ban đêm thường giăng mùng ngủ tại chỗ, đợi sáng sớm đón mua trái cây của những người trong vườn mang ra. Dãy phố bên kia gần góc đường, nhà thuốc Tây Bình Dân đêm nào cũng mở cửa tới khuya. Phía ngoài đầu chợ, những xe hủ tiếu, thịt bò viên, nước đá, nước mía, xe bán bánh kẹo, cốc, ổi, xoài chua ngâm nước cam thảo (xe lẻng-kẻng), khô, mực nướng ép luôn có khách vãng lai ghé vào.

Phía ngả ba đầu đường Nguyễn Huệ, nơi rạp hát Vĩnh Lợi chuyên chiếu phim kiếm hiệp Ấn-Ðộ, có phần nhộn nhịp hơn vì là trung tâm phố. Thỉnh thoảng rạp còn chiếu phim võ hiệp Hong-Kong của hãng SB (Shaws Brother), do hai anh em nhà tài phiệt làm chủ. Lâu lâu, có gánh cải lương từ Sài-Gòn xuống hát vài đêm, tuy chỉ vài đêm thôi nhưng cũng đủ làm khán giả say mê và đến xem đầy rạp. Bình thường rạp chiếu mỗi ngày hai xuất, 3 giờ chiều, 6 giờ tối, chúa nhật và ngày lễ thì thêm xuất 9 giờ sáng. Mặt tiền của rạp rộng lớn, nằm trên một thế đất cao ở giữa có dạng nửa hình bầu dục. Phía trên treo ngang những tấm bảng vải lớn nối liền nhau được căng bằng khung cây, vẽ hình ảnh tài tử của phim đang trình chiếu với màu sắc sặc sỡ. Từ 2 giờ chiều, tiếng nhạc Ấn-Ðộ không ngừng được phát lớn, trở thành quen thuộc với mọi người vì bị “tra tấn“ hai tai. Gian hàng ăn uống lặt vặt trước rạp như xe lẻng-kẻng, hột vịt lộn, nghêu, chuối nếp nướng, nước đá, nước mía, luôn thu hút được đông người trước giờ chiếu phim. Bên kia góc lề đường nơi hông tiệm vàng Phước Tín, xe cháo vịt luộc chấm ăn với nước mắm gừng khá đậm đà của chú người Quảng Ðông, được đẩy ra bày bán từ bốn giờ chiều là điểm hấp dẫn của nhiều người sành ăn. Ban đêm, cùng chiều gần góc bên kia đường, tiệm buôn Vân-Phát Hãng, đèn ống sáng choang với những tủ kiếng lớn, bày bán các loại rượu mạnh, thực phẩm đồ hộp, trái vải khô, nho, lê, bôm (pomme), phô-mai đầu bò, bơ (beurre) hiệu đồng tiền, nước tương Maggi của Pháp, mứt trái cây, bánh kẹo nhập cảng và rất nhiều thứ khác trông thật đẹp mắt như một Shop ở nước ngoài. Mặc dù là cửa hàng duy nhất, nhưng vì hàng thuộc dạng cao cấp, nên tiệm nầy rất ít người vào mua.

Ban đêm, xe cộ giảm thiểu rất nhiều. Bến Xe Mới trên giếng nước đôi trở nên đìu hiu, vắng vẻ. Xe Lambretta ba bánh thì không thấy, nhưng một số ít xe đò tuyến đường Sài-Gòn, Tân-An, Tân-Hiệp còn nằm tại bến chờ tài vào sáng sớm hôm sau. Trạm xe lô Minh-Chánh từ đường lộ quẹo vào ngay phía bên phải, chỉ còn trơ lại cái bàn bán vé cùng chiếc ghế gỗ. Dãy phố phía sau gần đó, cũng như dãy lầu hai tầng giống nhau nằm đối diện bên kia, vài tiệm bán nước giải khát đang chờ khách dưới ánh đèn đường leo lét, tạo nên một khung cảnh ảm đạm giữa màn đêm. Bên ngoài đường cái, phương tiện giao thông tương đối ồn ào, vì là cửa ngõ ra vào của thành phố nối liền với Sài-Gòn và các tỉnh miền Tây. Ðường ra ngã ba Trung-Lương tối tăm, xe cộ ít hơn ban ngày rất nhiều. Thỉnh thoảng, một vài xe vận tải chở đầy hàng, xuất phát từ các vựa nông sản phẩm bên đường Phan Thanh-Giản trực chỉ chạy về cung ứng cho thủ đô.

Bến Xe Mới chạy qua Cầu Ðúc, con đường quẹo trái nhỏ hẹp không tráng nhựa dài khoảng hai cây số, trẻ em trong các xóm nhà lao động hai bên, thường tựu tập lác đác thành từng nhóm nhỏ ra lộ chơi giỡn dưới ánh đèn yếu ớt. Nơi ngả ba chợ Vòng Nhỏ dân cư đông đúc, ngôi chợ tuy đã ngủ yên, nhưng vài hàng quán ăn vặt vẫn có người mua lai rai. Cũng tại ngả ba nầy, một con đường ngắn nhỏ tạo thành ngả tư dẫn xuống bờ sông. Bên phải nơi đây, một căn nhà ngói được rào, sân vườn có trồng cây nhãn lớn, nên chủ nhà mở quán nhậu lấy tên là Cây Nhãn. Quán ăn nhỏ có tính cách gia đình tuy nằm trong sâu, nhưng lại đông khách vào chiều tối. Với cảnh vật cây nhà lá vườn không trang trí, những chiếc bàn ghế đơn sơ được bày trước sân nhà. Thực khách thường là những người quen biết tìm đến, mà phần đông là quân nhân, rồi chuyền miệng giới thiệu lẫn nhau, vì quán có các món ăn ngon không nơi nào có, nhất là món gà con sắp nở trong trứng, lăn bột chiên ăn với rau răm chấm muối tiêu chanh. Còn thịt bò được thái mỏng ướp rất thơm, nướng bằng miếng ngói cong lợp nhà đặt nghiêng trên lò than, có chén hứng mỡ phía dưới được thoa liên tục lên miếng ngói khi nướng. Thịt bò cuốn bánh tráng cùng với bún, rau sống, chuối chát, khế chua, chấm ăn với mắm nêm uống bia thì phải nói là tuyệt!

Nơi chợ Vòng Nhỏ, con đường hướng về chợ Ðồng Sanh ít xe qua lại. Dưới ánh đèn đường vừa đủ sáng, người dân nhà ở hai bên thường tủa ra lộ hóng mát. Một vài tủ thuốc hút bên vệ đường ế ẩm, nên người bán hay ngồi đọc tiểu thuyết. Ðoạn đường tiếp nối đổ lên Bình-Ðức, rồi đến căn cứ quân sự Ðồng-Tâm dài gần 10 cây số không có đèn đường, lại thiếu an ninh, thế mà hàng đêm trên đoạn đường mạo hiểm nầy, thường có nhiều người lính mặc quân phục, liều mạng trốn trại phóng xe Honda “dù“ về Mỹ-Tho ngủ, trong đó có … tôi!

Ngược lại, từ chợ Vòng Nhỏ về hướng Cầu Bắc, xe gắn máy và xe đạp tấp nập. Người dân Mỹ-Tho hay ở bất cứ nơi nào, thích tìm vui trong thói quen ban đêm chạy xe vòng vòng không mục đích. Bến bắc sang Tân-Thạch ban đêm vẫn còn hoạt động, nhưng lượng người và xe ít đi khá nhiều. Hàng quán hai bên, sức bán cũng giảm theo. Cách đó không xa trong phần đất của Ty Công-Chánh, cạnh bồn cấp nước khổng lồ trên cao, những đóm đèn tròn an toàn màu đỏ từ dưới thân tháp sắt phát sóng, tới đỉnh cao 128 mét của đài truyền thanh không ngừng chớp tắt. Bên đường Ông Bà Nguyễn Trung-Long, nhiều tàng cổ thụ rợp bóng về đêm làm không khí càng mát mẻ hơn! Nơi ngả tư gần giếng nước, một ngôi biệt thự đẹp nổi bật có lính gác, mà người dân trong thành phố đều biết, đó là tư gia của phu nhân cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Cũng nên kể thêm rằng, ông cụ của bà Thiệu ngày xưa là Thầy xem mạch trong tiệm thuốc bắc Thọ-Nam Ðường, tại ngả ba đầu đường Võ Tánh - Nguyễn Huệ phía Cửa Nam nhà lồng chợ Mỹ-Tho, nơi mà tôi thường lui tới chơi thân với mấy đứa con của chủ tiệm. Trong một sự tình cờ, ngôi biệt thự được hai chiến xa M-113 canh phòng vào mùa Xuân 1968 năm xưa, khi bà Thiệu về quê nhà ăn Tết, nhờ đó mà giảm thiểu được thiệt hại phần nào, cho thành phố có cái tên Ðẹp và Thơm trong biến cố tang thương của Tết Mậu Thân.

Ðoạn đường dài Ông Bà Nguyễn Trung-Long ban đêm không có gì vui, ngoại trừ vài quán nước nhỏ, nhưng ngày nay được bình chọn là con đường đẹp nhất tại địa phương. Cuối đường là một ngả tư lớn, nối tiếp với đường Trần Quốc-Tuấn đi vô lò heo, mà nay là chợ Thạnh-Trị, hai bên nhà dân lao động có nhiều hàng quán. Tiệm phở Thanh-Bình trong mấy căn phố gần đầu đường, vừa nấu xong nồi súp bò to tướng chuẩn bị cho sáng mai cũng bắt đầu bán khi có khách vào. Tại ngả tư giao tiếp với đường Nguyễn Tri-Phương, một bùng binh tròn ở giữa được trồng hoa với thành nước xung quanh. Nơi đây xưa kia có một bót cảnh sát, nhưng về sau không còn nữa! Bên trái gần đó là ngôi nhà thờ Tin Lành trang nghiêm được sơn màu trắng. Cách đó không xa đi về hướng chợ là ngả tư đại lộ Hùng Vương, con đường rộng nhất trong thành phố. Ðối diện với trường Thánh Giu-Se, ngôi nhà thờ Công Giáo đồ sộ, do người Pháp xây cất vẫn uy nghi và là niềm hãnh diện của người sùng đạo. Khoảng giữa trên con đường lớn nầy, đáng kể nhất là ngôi trường trung học công lập danh tiếng và lâu đời Nguyễn Ðình-Chiểu, cũng do người Pháp xây cất vào năm 1879. Khuôn viên ngôi trường rộng lớn, được bao bọc bởi bốn con đường là Hùng Vương, Ngô Quyền, Lê Lợi và Lê Ðại-Hành. Phía bên kia ngả tư đường Ngô Quyền là trường Nữ Trung Học Lê Ngọc-Hân. Những con đường nầy, sáu ngày trong tuần được tô điểm thật đẹp bởi đầy bóng dáng nam, nữ học sinh của nhiều ngôi trường công, tư, tiểu và trung học tập trung, nhưng ban đêm thì trống vắng buồn tênh.

Hai bên đường phía trên đại lộ Hùng Vương, ngoại trừ hai tiệm chụp hình Bạch-Ðằng, tiệm bán tạp hóa Huỳnh Bá có bàn bi-da và đá banh bàn nơi góc đường Lê Ðại-Hành còn mở cửa, từ khán đài trước bảo sanh viện, Trung-Tâm Y-Tế Toàn Khoa, sân vận động (giờ là cung văn hóa thiếu nhi), công viên Dân Chủ, doanh trại rộng lớn của Tiểu-Khu và dinh Tỉnh Trưởng, phạm vi nầy vắng lạnh, lại có phần nghiêm trọng bởi sự canh phòng của lính gác, nên khi chạy xe dạo chơi qua đây mà trong lòng không khỏi hồi hộp, lo sợ. Từ dinh Tỉnh Trưởng quẹo phải, băng qua ngả tư đường Ông Bà Nguyễn Trung-Long đến hai giếng nước lớn, nhỏ hai bên, rồi quẹo phải chạy dọc theo chiều dài giếng nước lớn sang bên kia đường ra Bến Xe Mới, đèn đường thưa thớt tối tăm, nhưng cảnh vật lại không hữu tình, nên ban đêm không phải là địa điểm hấp dẫn cho trai gái đưa nhau đến đây hò hẹn.

Mỹ-Tho là một đại phố cổ xưa, có nhiều thương thuyền ngược xuôi các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu-Long và thủ đô Sài-Gòn. Con sông dài cắt đôi tỉnh lỵ chạy xuyên qua khu trung tâm chợ với lưu lượng lớn ghe thuyền, mà hai bờ được nối liền bởi chiếc Cầu Quây có bề dầy lịch sử, đã tô điểm cho thành phố thêm nét đặc thù của miền Nam-Kỳ Lục Tỉnh. Từ phía chợ sang Cầu Quây, có bót cảnh sát bên trái nơi dốc cầu đi xuống khu Ðập Ðá và bến đò chèo đã ngưng đưa khách sang chợ Mỹ-Tho. Hai ngõ đường hẹp phân ra, dẫn sâu ngoằn ngoèo vào trong xóm nhà đông đúc dân cư đầy huyên náo. Ði đến đâu ngoài đường, người ta cũng nghe mồn một chương trình phát thanh của đài Sài-Gòn và Quân Ðội từ trong nhà vọng ra. Vào tối thứ bảy còn vui tai hơn nữa! Trong màn đêm thanh vắng, vở tuồng cải lương miền Nam qua ống loa được mở hết công suất, phát ra từ những máy truyền hình, của nhiều nhà có đông người lối xóm đến xem tập thể cho tới khuya, hình như đã quá quen thuộc, nên không thấy ai than phiền gì hết! Mọi người đang chăm chú say mê theo dõi cốt truyện, bất chợt có những tiếng cười vang thích thú, khi vai hề diễn xuất một tình tiết mắc cười như thế nào đó. Thường thì trong những tuồng tích cải lương không thiếu những màn bi kịch thảm sầu, nên khiến người xem nhất là phái nữ không khỏi thương vay khóc mướn đến hai mắt đỏ hoe.

Hướng bên kia cùng đường Phan Thanh-Giản, đối diện với dãy phố buôn bán của người Hoa, là nhà sàn có gác được xây bằng gỗ dọc theo bờ sông của người Việt, ngoài trừ vài vựa cá, hầu hết đều là vựa thu mua nông sản phẩm từ các miền nông thôn xa xôi thuộc tỉnh Bến Tre chở đến. Ban ngày, con đường nhỏ gồ ghề nầy xe cộ tấp nập rất khó lưu thông, nhưng ban đêm ngưng hoạt động và ít xe qua lại. Nhiều công nhân khuân vác giăng võng ngủ giữa nhà, chờ ghe thuyền sáng sớm cặp bến phía sau vựa lên hàng. Bến đò nơi cuối đường, nhiều đò máy đã đến vào buổi chiều từ các quận, xã hẻo lánh ven sông như Bình-Ðại, Ba-Tri, An-Hóa, Cái-Mơn, Tân-Ðịnh, Vang-Quới, Lộc-Thuận, thuộc tỉnh Bến Tre để bổ hàng cũng hồi sinh khi trời tờ mờ vào sáng hôm sau.

Song song với con đường bờ sông Phan Thanh-Giản, phía trong là đường Trịnh Hoài-Ðức có ngôi đình Ðiều-Hòa. Truyền thuyết dân gian cho biết thần đình rất linh thiêng nên các bàn thờ khói hương thường nghi ngút, dập dìu người đến khấn nguyện vào những ngày lễ lạc trong năm. Ngoài ra còn có ngôi chùa Chà xây cất vào thời Pháp thuộc sơn màu trắng. Bên phải chùa Chà, một con đường nhỏ bằng xi-măng chạy dài thông ra tới đường Ðinh Bộ-Lĩnh đối diện với rạp hát Viễn-Trường. Ban đêm nhà cửa hai bên đèn điện vừa đủ sáng, vài quán nước bình dân trong xóm thường có nhiều thanh niên tựu tập tán gẫu rất to tiếng.

Con đường Ðinh Bộ-Lĩnh từ đầu Cầu Quây đến ngả tư Chợ Cũ, ngày cũng như đêm luôn có nhiều xe cộ lưu thông. Khoảng giữa con đường nầy, rạp hát Viễn-Trường xập xệ nằm phía trong, có cái sân hình chữ nhật trải rộng ra đến ven đường, chuyên chiếu phim cũ hay hai phim chung một xuất, dù vậy mà vẫn ít người xem. Trên thềm cao trước rạp, hầu như đêm nào cũng có vài người vô gia cư trải chiếu, giăng mùng qua đêm. Bên kia đường, đèn điện trong tiệm chụp hình lâu đời Lâm Tuấn vẫn còn sáng trưng.

Ngả tư Chợ Cũ về đêm thật yên tịnh khác hẳn ban ngày. Mặt đường bên chợ hướng vào chùa Ông của người Triều-Châu và đường tới xã Gò Cát luôn dơ bẩn, nực nồng mùi hôi tanh của các gian hàng thịt cá đã dọn dẹp còn lưu lại. Ðầu đường bên kia xuống Bến Tắm Ngựa, ban ngày là bến xe ngựa đi Trung-Lương, xe lam chạy quận Chợ Gạo và xe đò xuyên quận Ông Văn đến tỉnh Gò-Công. Nhưng ban đêm không thấy bóng dáng một xe nào hết. Vài hàng quán ăn uống nơi đây luôn mở cửa mặc dù rất ế khách.

Mỹ-Tho vào thuở xa xưa khoảng từ 1950 đến năm đầu 1960, Cầu Tàu không chỉ là nơi lý tưởng cho những người thích bơi lội vào buổi sáng và tập thể dục, mà còn là một công viên đẹp đầy bóng cây. Ban đêm thật mát mẻ nhờ gió sông thổi vào dưới tàng đại thụ. Nhiều người thưởng ngoạn thích đến đây ngồi chơi hóng mát, bước ra phía ngoài chiếc cầu hít thở không khí trong lành và xem người ta câu cá. Cũng trong thời điểm nầy, công viên Dân Chủ với diện tích không lớn bên ngoài sân vận động được xây cất, có hồ phun nước tròn với ánh đèn xung quanh khi trời về đêm. Nơi đây tuy trồng nhiều loại hoa đẹp, nhưng lại không có duyên với quần chúng, nên người đến ngồi chơi trên các băng đá rất thưa thớt.

Cuối thập niên 50, tuyến đường sắt cũ kỹ Mỹ-Tho nối liền Sài-Gòn, do người Pháp thiết lập vào năm 1883 bị hủy bỏ. Nhà ga xe lửa nằm nơi góc đường đã biến thành vườn hoa Lạc-Hồng với một diện tích rộng lớn, có cây bồ đề thật to nhiều tàng xum xuê. Nhà hàng cao cấp Cửu-Long nằm lẻ loi sát bờ sông gần đó rất ít khách ban đêm. Vườn hoa Lạc-Hồng tân lập, nên không có kỳ hoa dị thảo và nhiều cây to lớn như ở Cầu Tàu cách đó không xa. Băng đá ngồi được đặt rải rác nhiều chỗ, hầu hết là do các nhà thương mại tài trợ, với những dòng chữ quảng cáo tiệm buôn được in trên thành dựa.

Nhìn chung thì vườn hoa quang đãng có nhiều đường đi bộ rộng rãi. Những đêm mát trời, thiên hạ ra đây ngồi chơi hứng gió khá đông. Vì thế mà vườn hoa Lạc-Hồng ban đêm rất ồn ào bởi tiếng nói chuyện, cười giỡn, chạy chơi của trẻ em, cùng với tiếng rao của những người bán hàng rong như đậu phộng rang, bánh kẹo, cà-rem cây, mía ghim, bong bóng bay, chong chóng giấy. Phần đông những người đến đây vui chơi là gia đình lao động. Một số thanh niên nam nữ cũng tìm đến nơi nầy để hẹn hò hay thố lộ tâm tình. Dọc theo lề đường bên ngoài, những chiếc xe bán nước đá, sữa đậu nành, mía hấp luôn luôn có khách. Ở vàm sông nơi góc đường, gần cầu thang bằng đá đi xuống bến đò chèo, nhiều phu cyclo ngồi trên xe nghỉ mệt hướng mắt tìm khách. Phía ngoài, tiếng xe gắn máy bóp kèn inh ỏi, nối đuôi không ngừng chạy rầm rộ rẽ trái sang dãy bar trên đường một chiều Trưng Trắc.

Xa xa phía bên kia là cù lao Tân-Long, nhiều đóm đèn điện của nhà dân được thắp sáng. Dưới nước, chiếc tàu của cây xăng Shell đang nhấp nhô theo lượn sóng giữa màn đêm, phút chốc lại có một chiếc ghe gắn máy đuôi tôm nổ tành-tạch chạy qua lại ở giữa con sông rộng lớn. Mặc dù trời đã tối đen, nhưng người ta vẫn nghe được đâu đó tiếng róc-rách của nước sông bị khuấy động, bởi những chiếc xuồng tam bản mong manh đang xuôi mái chèo đưa khách sang sông. Trên bờ, dãy phố hai tầng vắng người bên kia đường, các khách sạn Hạnh-Huê, Mỹ-Hoa, Lạc-Hồng và tiệm cơm Việt-Nam ảm đạm đang chờ khách lỡ đường.

Nói đến thành phố Mỹ-Tho năm xưa, mà không nhắc tới dãy bar dọc theo bờ sông trên đường Trưng Trắc quả là một điều thiếu sót, hay nói đúng hơn là chưa biết Mỹ-Tho. Gần bốn thập niên sống nơi hải ngoại, nhiều người khi biết tôi quê quán ở Mỹ-Tho, đã thích thú đề cập ngay đến nơi chốn ăn uống nhộn nhịp nầy.

Năm 1965, Hoa Kỳ bắt đầu đổ 184.000 quân ào ạt vào Việt Nam theo chương trình viện trợ quân sự, sang năm 1966 tăng tới 385.000 và năm 1967 lên tiếp đến con số 485.600. Trong lúc chiến tranh đang leo thang cao độ, một khoảng đất rộng lớn hình vuông đầm lầy, hoang dại ở khu Bình-Ðức, đã nhanh chóng biến thành căn cứ Ðồng-Tâm có một cạnh tiếp giáp với mặt sông Cửu-Long, theo lối xây cất nhà tiền chế bằng gỗ hai tầng cho quân đội Ðồng-Minh. Vào thời điểm nầy, phong trào Snack Bar bắt đầu nở rộ ở nơi nào có căn cứ của quân đội viễn chinh. Trên đường Trưng Trắc, chừng năm cái bar đầu tiên phía vườn hoa Lạc-Hồng, đã thay hình đổi dạng khác hẳn thành một thế giới riêng biệt, từ những cái tên bar bằng tiếng Anh, đến các ghế ngồi cao trong quán rượu và bộ Salon màu mè. Giờ mở cửa các bar nầy từ sáu giờ chiều cho đến khuya, với thức uống rượu mạnh, bia lon, Coca-Cola lon và các loại Chips khoai Tây hay đậu phộng rang. Những hàng ngoại nầy đều mua từ trong PX (Post Exchange) của Mỹ rồi mang ra bán lại với giá cắt cổ. Khách đến uống bia nhậu rượu đều là lính Mỹ và trả bằng tiền đô-la. Mỗi bar có gần mười nữ chiêu đãi viên Việt-Nam trẻ đẹp, trang điểm phấn son lòe loẹt và nực nồng mùi dầu thơm rẻ tiền. Còn ăn mặc thì cũn cỡn, áo hai dây hở hang đầy khiêu gợi. Hầu hết gái bán bar khi ngồi thân mật, lả lơi với khách đều nói được tiếng Anh, nhưng là loại tiếng bồi lẫn ngôn ngữ múa tay. Mỗi đêm, nhất là thứ bảy, tiếng nhạc ngoại quốc kích động trong những bar nầy được mở lớn vang dội cả một góc trời. Nhiều người đi đường hay chạy xe qua lại không khỏi tò mò ném mắt nhìn vào. Ðêm càng về khuya, không khí nơi góc đường nầy càng tưng bừng đôi khi náo loạn, khiến xe Jeep của MP (Military Police) Mỹ thường xuyên tuần tiểu qua lại kiểm soát nhiều lần.

Ðến giữa năm 1969, quân đội Hoa-Kỳ đồn trú tại căn cứ Ðồng-Tâm được lệnh di chuyển, bàn giao doanh trại lại cho hai đại đơn vị là Hải-Quân và Sư-Ðoàn 7 Bộ-Binh trong thành phố Mỹ-Tho dời ra. Lúc bấy giờ, những Bar dành cho lính Mỹ đã tự động đóng cửa, rồi biến thành các quán giải khát bình thường mang tên Tina, Ru, nhưng nổi bật nhất là quán Mây Chiều có lối trang trí mỹ thuật, ấm cúng và thường mở nhạc TCS, nên đã thu hút được đông đảo giới học sinh, cùng những thức uống ngon như cà-phê Phin và nhất là món chè thạch, mặc dù giá cả có đắt đôi chút. Trong khi quán nước Hoa Xuân gần đó tuy rộng rãi hơn, nhưng có vẻ bình dân nên luôn ít khách. Ðối diện bên kia, quán nước Hoài Vĩnh Phúc đã một thời nổi đình nổi đám nhờ có nhạc sống vào mỗi tối thứ bảy. Ban nhạc của nhóm bạn người Hoa chúng tôi nhiều lần được mời đánh nhạc tại đây. Trên dãy phố nầy, hầu hết tiệm buôn ban đêm đều đóng cửa, ngoại trừ một số ít còn kinh doanh được như nơi đầu đường, tiệm chơi billard Lạc-Hồng, có nền nhà nằm trên thế đất cao, tiếp đến là tiệm chụp hình Thiện-Ký. Nhà hàng Nam-Sơn nơi ngả ba đường, chỉ bán cà-phê cho một số ít người Hoa quen biết thường đến đây đánh cờ tướng, hay bàn chuyện làm ăn.

Hướng về phía Cầu Quây, nhà may Âu phục Văn Minh có tiếng và bán nhiều loại vải ngoại đắt tiền. Ông chủ tuổi trung niên, dáng người hào hoa phong nhã và luôn ăn mặc chỉnh tề, thường đứng cắt vải say mê với “cây kéo vàng“ của mình, bên cái tủ kiếng lớn hình chữ nhật đặt giữa phía trước, rồi chuyền vải vào bên trong cho thợ may. Sát bên là hai tiệm basar lớn nằm cạnh nhau là Huỳnh Căn-Ký và Mỹ-Lệ Hưng với đèn néon sáng chói, hàng hóa đầy ắp với cách trang hoàng đẹp mắt. Một điểm ngộ nghĩnh là khách hàng phần đông thích xem và mua radio của Nhật. Cạnh hai tiệm buôn nầy, rạp hát Ðịnh-Tường khang trang có máy lạnh thường chiếu phim Pháp, mà xuất hát chót từ 21 đến 23 giờ luôn ít khán giả. Cho nên sau 21 giờ, khi phim đã bắt đầu thì trước rạp cũng như quán kem Hương-Duyên đối diện trở nên vắng vẻ khác lạ, đèn điện tắt bớt và cánh cửa sắt cũng được khép lại, bên trong chỉ còn anh soát vé thấp thoáng khi ẩn, lúc hiện trên chiếc ghế cạnh tấm màn nhung màu đỏ sậm nơi cửa ra vào.

Nối tiếp phía dưới, quán kem Mỹ-Duyên từ bàn ghế cho đến cách trang hoàng kém phần bắt mắt, nên không được sự ủng hộ của giới trẻ. Phần đông khách đến quán nầy là người Hoa quen biết và thường thích ăn kem dừa, sau đó được chủ tiệm cho thêm một ly nước lã pha bạc hà thật lạnh. Băng qua ngả ba đầu đường cùng chiều, chiếc xe bán bánh mì thịt Ba-Lê luôn đông khách. Bánh mì Baguette loại lớn được cắt ra từng khúc, đặt trên vỉ lò than nhỏ nướng lại cho nóng dòn rồi thoa bơ. Trước khi dồn thịt đùi khìa và chả lụa, người bán trét vào hai má bên trong ruột bánh mì, một lớp mỏng pâté gan được bọc lớp mỡ chài thơm phức. Sau đó, chế dài lên đó một muỗng nước sốt thịt thay vì nước tương, rồi cho thêm vài miếng dưa chua, ít cọng ngò rí và mấy lát ớt sừng trâu nữa là người mua có được một khúc bánh mì thịt khá ngon miệng.

Cách đó không xa, tiệm bán đồng hồ Lưu Vinh-Ký còn mở cửa chờ khách. Nơi góc cuối dãy phố nầy, tòa nhà từ thời Pháp thuộc là Ty Ðiền Ðịa hai tầng, có cái sân thượng rộng lớn hình vòng cung nhìn xuống quang cảnh đầu Cầu Quây khá đẹp. Ðối diện phía bên bờ sông, một khoảng nền trống bằng xi-măng không có kiosk hay quán bar, mà là một sạp bánh khá quen thuộc đối với người dân địa phương, nhất là giới thanh niên. Phải công nhận quầy nầy làm bánh rất khéo và bánh lúc nào cũng còn nóng hổi, thơm ngon vì vừa từ nhà mới mang ra. Quầy có nhiều thứ bánh: bánh bò, bánh tiêu, bánh da lợn, bánh qui, bánh gan và bánh khoai mì. Sạp bánh ngọt nầy chỉ bán từ 6 giờ chiều đến chừng 10 giờ đêm là hết sạch! Chủ sạp là bà Sáu, dáng người mập mạp, phúc hậu, vui vẻ. Nhưng thường trực ngồi bán là con gái của bà, thuộc người đẹp của trường Nữ Trung Học Lê Ngọc-Hân với tánh tình đoan trang, thùy mị và ít nói. Cũng chính vì điểm nói ít, nên nàng đã thu hút được nhiều nam sinh trường Nguyễn, thường đến mua bánh nhằm mục đích để ngắm nhìn.

Song song với đường Trưng Trắc phía bên trong gần khám đường, một con đường nhỏ yên tịnh, câu lạc bộ Châu-Diều rộng lớn và khang trang, được thành lập vào năm 1961 với bốn bức tường cao bao bọc xung quanh. Hội quán thể thao nầy mở cửa từ 10 giờ sáng, nhưng đến chiều tối mới có đông khách đến đá banh bàn, đánh ping-pong và thụt bi-da. Gần dốc Cầu Quây, hai tiệm chụp hình Phong-Lan và Cảnh-Trung còn tiếp khách chụp hình ban đêm.

Con đường Trưng Trắc dọc theo bờ sông dài gần hai cây số, tính từ vườn hoa Lạc-Hồng, đến ngã ba Ty Công An đường Ngô Quyền tại bến đò ngang qua xóm Dầu. Tiếp nối theo là đường Alexandre de Rhodes (Bá Ða Lộc). Với chừng chiều dài đó được phân ra làm ba đoạn có sinh hoạt khác biệt cả ngày lẫn đêm. Phía các quán bar thì khỏi phải nói. Còn bên dãy phố khoảng giữa từ đầu Cầu Quây nơi Phòng Thông Tin, xuyên qua phạm vi chợ cá và phía trước cổng ra vào nhà lồng chợ Mỹ-Tho đến ngả ba đường Châu Văn Tiếp, nơi có bến đò máy và chiếc cầu bằng gỗ, được xây cất sau nầy để bắt qua bên kia sông, là khu vực thương mại sầm uất của người Hoa vào ban ngày. Phần đường ngắn còn lại chỉ có vài ba tiệm buôn nhỏ, hàn tiện làm cửa sắt và ngôi chùa Ông lâu đời được sự sùng bái của giới Hoa thương, hàng năm trong đêm Giao-Thừa đông nghẹt người đến xin xăm, cầu mong cho Năm Mới làm ăn thuận lợi phát tài.

Trở lại đoạn đường Trưng Trắc vui nhộn của thành phố, dãy bar dọc bờ sông buổi sáng tương đối im lìm, ngoại trừ vài quán bán thức ăn sáng và cà-phê như Thái-Ký, Quới-Ký. Trong quán Xường, một số người Hoa ngồi trên những chiếc bàn ăn mì, hủ tiếu, một cách ngon lành! Từ 11 giờ trưa, hầu hết các bar bắt đầu hoạt động cầm chừng chờ hoàng hôn buông xuống. Khi trời vừa nhá nhem tối, đèn đường bật lên hòa quyện chung với ánh sáng từ bao quán bar được thắp tỏa lên, tạo nên không khí đầy sống động của một khu phố về đêm. Người và xe bắt đầu tăng dần trong tiết trời mát dịu. Một số bar đông khách có quán ăn Tòng-Ký, tiệm kem Hương-Lan. Ông chủ quán ăn A-Lục trong chiếc quần đùi và để mình trần, đưa cái “thùng nước lèo“ tròn trĩnh như Ông Ðịa phía trước, một bên vai vắt cái khăn lau mồ hôi, tay cầm chiếc vợt thau nhanh nhẹn chiên mì dòn, trên chiếc lò gas nơi bếp đang cháy bùng với ngọn lửa táp. Cạnh bên là quán ăn Chí-Thành, em ruột của chú A-Lục cũng bận rộn thao tác không kém, với những món chiên xào bốc khói, để ứng phó cho nhiều khách đang đợi chờ ngoài các bàn ăn. Nhìn chung thì thực đơn của dạng các quán ăn nầy giống nhà hàng Tàu, như thịt heo, bò, gà, vịt, tôm, cua, mực xào sền-sệt với rau cải các loại và vài món canh để ăn cơm. Tiệm kem Duyên Thắm rộng rãi với nhiều bàn ghế, thường mở nhạc kích động Mai Lệ Huyền và Hùng Cường khá lớn vang dội ra đến ngoài đường. Quán bò 7 món Hữu-Lợi và quán bánh hỏi, nem nướng Sinh-Viên có bảng thực đơn riêng biệt, với những món ăn độc đáo cũng thu hút khá đông thực khách. Gần đó, quán sâm bổ lượng Khâm Ký bán đủ các loại chè ngọt khá đậm đà luôn được nhiều người chiếu cố.

Trong các quán ăn tập trung kề cận nầy, phải nói Việt Hải là quán nhậu ngon nhất! Ông già chủ quán người Hoa gốc Hải-Nam, có bà vợ Việt-Nam trẻ tuổi hơn nhiều, nên đặt tên quán là Việt-Hải. Ðầu bếp do chính ông chủ đảm nhận, bà vợ cùng đứa con gái duy nhất chạy bàn. Ðặc sản của quán nầy có món bồ câu quay, thịt bò lúc lắc chấm với muối tiêu chanh ăn với xà-lách-son, dồi trường xào dòn với ớt xanh Ðà-Lạt, lẩu lương hay cá bông lau ăn với rau nhúc và uống bia thì khỏi chê! Mỗi lần chủ quán chiên xào, khói thơm bay đầy ra đến ngoài đường. Quán có các món nhậu độc đáo, ông bà chủ lại nhiệt tình chiêu đãi và cô con gái xinh đẹp luôn tươi cười vui vẻ, nên khách đến ăn rất đông, nhất là vào những ngày cuối tháng lãnh lương, lính tráng khó mà tìm được bàn trống nơi quán ăn nầy. Nhan nhản dọc theo nhiều quán bar, hầu như lúc nào cũng có vài người nghèo khó, bệnh tật, phải lê thân nài nỉ thực khách để bán vé số, hoặc cầu xin ít đồng tiền lẻ độ nhật trông mà tội nghiệp!

Còn gì thi vị cho bằng những đêm trăng thanh gió mát, an nhàn ngồi trong quán cùng bạn bè ăn uống hàn huyên tâm sự, hướng mắt nhìn xuống mặt nước dâng đầy lên dãy vựa phía bên kia bờ sông, trong khi nhiều ghe thuyền neo bến đang im lìm soi bóng dưới ánh trăng sáng thật đẹp! Bên ngoài đường lộ, người xe đông đúc qua lại không ngừng. Những ngày nghỉ lễ hay các ngày Tết, đoạn đường Trưng Trắc về đêm càng đông nghẹt rừng người và xe. Nam thanh nữ tú thích chưng diện quần áo đẹp, không rủ nhau mà cùng diễn trò “ông đi qua, bà đi lại“ nhiều lần trên con đường huyên náo nầy, chỉ đơn giản thế mà trong lòng cũng cảm thấy đầy thích thú!

Nhiều lần trở về quê nhà thăm thân nhân sau hơn 30 năm xa cách, tôi không quên đi khắp mọi nẻo đường mong tìm lại dấu chân kỷ niệm năm xưa của mình, nhưng cảnh vật nay đã hoàn toàn thay đổi, nhà cửa lớn nhỏ đâu đâu cũng được sửa sang hoặc xây mới, cao, thấp, rộng, hẹp, đủ sắc màu không chút mỹ quan đô thị. Xe gắn máy tràn ngập đường phố chạy hỗn độn dọc ngang, hầu như không có luật lệ giao thông. Ði đến bất cứ nơi nào, tâm tư tôi không khỏi cảm thấy buồn buồn, xót xa như đánh mất một cái gì không bao tìm lại được. Lòng người viễn xứ luôn hoài niệm về cố hương. Nhưng quê hương Mỹ-Tho của tôi ngày nay sao quá xa lạ thế nầy?

Câu nói thở than của các nữ Giáo Sư Ðài-Loan xa gia đình năm xưa, vẫn còn văng vẳng bên tai. Mà thật vậy! Không có nơi nào đẹp bằng quê hương, nhưng phải chăng Mỹ-Tho thân thương của tôi vẫn đẹp mãi, mà tôi không bao giờ quên được chỉ còn trong ký ức?