Lục Vân Tiên trong văn hóa miền Nam

Cũng như Truyện Kiều đối với người dân Miền Bắc, tác phẩm Lục Vân Tiên của Cụ Đồ Chiểu đã đi vào lòng người dân Miền Nam một cách sâu đậm và trở thành một phần thân thiết trong đời sống văn hóa của người dân vùng đồng bằng Đồng Nai – Cửu Long. Có thể nói người dân Miền Nam đã ưa thích tác phẩm này vì hai lý do chánh sau đây: 1) Vì họ kính trọng cụ Đồ Chiểu là một nhà giáo yêu nước; 2) Vì họ cũng xem Cụ Đồ Chiểu là một nhà thơ lớn của dân gian, của đất Nam Kỳ Lục Tỉnh, và tác phẩm Lục Văn Tiên chính là tác phẩm tiêu biểu nhứt của Cụ về giá trị đạo đức của Miền Nam.

Vài Điều Cần Biết Về Tác Phẩm Lục Vân Tiên

Mặc dù cho đến ngày hôm nay chúng ta vẫn chưa có thể khẳng định một cách chính xác tác phẩm Lục Vân Tiên đã ra đời vào năm nào, nhưng, nói chung, phần lớn các nhà nghiên cứu văn học đều đồng ý tác phẩm này đã được sáng tác sau khi tác giả đã bị mù và đã về quê nhà dạy học, nghĩa là trong khoảng thời gian giữa hai năm 1851 khi cụ mở trường dạy học và năm 1859 khi Pháp đánh thành Gia Định.

Tác giả của truyện thơ Lục Vân Tiên này là cụ Nguyễn Đình Chiểu. Nguyễn Đình Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, sau khi mù lấy hiệu Hối Trai, sinh giờ dậu, ngày bính tuất, mười-ba tháng năm, năm nhâm ngọ (1er Juillet 1822) ở làng Tân Khánh, tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Ðịnh (làng tổng ấy thuộc về Sài Gòn ngày nay) và mất ngày ất hợi, hai-mươi-bốn tháng năm, năm mậu tý (3 Juillet 1888), ở làng An-Đức, Tổng Bảo-An, quận Ba-Tri, tỉnh Bến-Tre (xưa là làng An-Bình-Đông, huyện Bảo-An, phủ Hoằng-Trị, tỉnh Vĩnh-Long).”[1]

Cốt truyện thơ Lục Vân Tiên có thể tóm tắt như sau:

“Ở quận Đông Thành, vợ chồng họ Lục sinh được đứa con trai rất tuấn tú, đặt tên là Lục Vân Tiên. Sau khi lên núi tầm sư học đạo, Vân Tiên trở thành một con người xuất chúng: văn võ kiêm toàn. Trên đường xuống núi về kinh ứng thi, Vân Tiên đã đánh tan bọn cướp Phong Lai, cứu được Kiều Nguyệt Nga, một thiếu nữ vóc ngọc mình vàng. Cảm công đức chàng hiệp sĩ, nàng vẽ bức hình Lục Vân Tiên luôn luôn mang theo mình. Vân Tiên ghé thăm gia đình Võ Công - người đã hứa gả con gái cho chàng. Vân Tiên gặp Hớn Minh, Vương Tử Trực (hai người bạn tốt) và Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, 2 kẻ xấu xa. Ông Quán đã nói với 4 sĩ tử về lẽ ghét thương ở đời. Sắp vào trường thi, Vân Tiên nhận được tin nhà. Chàng vội trở về quê chịu tang mẹ. Quá đau khổ mà lâm bệnh, hai mắt bị mù, Vân Tiên bị bọn lang băm, phù thủy, thầy bói lừa gạt lấy hết tiền; Trịnh Hâm đẩy xuống sông hãm hại. Vân Tiên được con giao long và ngư ông cứu thoát. Vân Tiên trở lại nhà Võ Công, bị hắt hủi và bị bỏ vào hang sâu cho chết. Vân Tiên được thần núi và ông Tiều cứu ra, gặp lại Hớn Minh, người bạn nghĩa hiệp. Vương Tử Trực đỗ thủ khoa, tìm đến nhà Võ Công hỏi thăm tin tức Vân Tiên. Võ Công ngỏ ý gả con gái cho Vương Tử Trực, nhưng đã bị chàng mắng nhiếc, y quá nhục mà chết. Kiều Nguyệt Nga nghe tin Vân Tiên gặp nạn đã qua đời, nàng vô cùng thương tiếc, nguyền sẽ thủ tiết. Tên thái sư trong triều hiến kế cho nhà vua bắt đem Kiều Nguyệt Nga cống cho giặc Ô Qua. Nàng đã ôm theo bức hình Lục Vân Tiên nhảy xuống sông tự tử. Phật Bà Quan Âm đã cứu sống Kiều Nguyệt Nga; sau đó nàng lại dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Công muốn nhận Kiều Nguyệt Nga làm con nuôi, nhưng Bùi Kiệm lại nằng nặc đòi lấy nàng làm vợ. Kiều Nguyệt Nga bỏ trốn, nương nhờ lão bà ở giữa rừng sâu. Lục Vân Tiên nhờ thuốc tiên mà đôi mắt sáng lại. Chàng vội trở lại quê nhà: thăm cha, viếng mộ mẹ, thăm Kiều Công. Chàng lại đi thi, đậu Trạng nguyên; vua sai đi dẹp giặc Ô Qua. Trên đường chiến thắng trở về, Lục Vân Tiên bất ngờ gặp lại Kiều Nguyệt Nga, hai người mừng mừng tủi tủi. Lục Vân Tiên trở lại triều đình, tậu hết sự tình đầu đuôi. Tên thái sư và bọn gian ác bị trừng phạt, những người nhân nghĩa được đền đáp. Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga nên vợ nên chồng, sống cuộc đời hạnh phúc, vinh hiển.”[2]

Với lời văn, ngôn từ chất phát, đượm mầu sắc dân gian Miền Nam, với những hình tượng quen thuộc của đời sống thôn dả (ngư ông, ông quán, ông tiều) và của tín ngưỡng dân gian (thần núi, Phật Bà), trãi qua năm tháng, truyện thơ Lục Vân Tiên đã đi vào lòng người dân trong xã hội Miền Nam để trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của họ. Chúng ta sẽ lần lượt điểm qua những thể hiện của truyện thơ này trong văn hóa Miền Nam

Thể Hiện Trong Giáo Dục

Câu chuyện Lục Vân Tiên tràn ngập những hình tượng và biểu tượng của Đạo Đức Nho Giáo vốn đãthấm nhuần trong dân gian Miền Nam trong suốt mấy thế kỷ Nam Tiến của dân Việt. Thể hiện tính trung thực, chính trực của người dân Miền Nam, tác giả đã không che đậy bằng văn chương mỹ tự hoa hòe mà viết liền ra cái tiêu chuẩn đạo đức cho nam nữ ngay trong phần mở đầu của tác phầm của mình:

Trai thời TRUNG HIẾU làm đầu,
Gái thời TIẾT HẠNH là câu trau mình.

Tác phẩm truyện thơ này, do đó, đương nhiên trở thành một loại “gia huấn ca” mà người dân Miền Nam đã sử dụng để dạy con cái cách hành xử để trở thành một con người tốt trong xã hội.

“Lục Vân Tiên là một bản trường ca đề cập về luân lí đạo đức của con người, nói cách khác: về “Đạo lý Việt Nam.” Đạo lý ấy rất giản dị: Trai thì trung với nước, hiếu với cha mẹ, có chí tiến thủ, giúp nước cứu dân; gái thì tiết hạnh và cao quý; đồng bào ăn ở với nhau thì có thủy có chung, luôn luôn sẵn sàng cứu giúp nhau trong những cơn hoạn nạn, không vì danh lợi mà chà đạp lên tình người, không vì những đố kị và oán hận riêng tây mà hại người, không nên “hành” những nghề lừa bịp tức cười như lang băm, thầy bói, thầy pháp nhảm nhí…”[3]

Truyện thơ này rõ ràng cũng khuyến khích việc duy trì tính chất “kiến nghĩa bất vi” rất đặc thù trong lối sống của ngươi dân Miền Nam:

“Lại nữa, trong cuộc đấu tranh gian khổ với thiên nhiên, người lưu dân luôn luôn cần có bè bạn để giúp đở nhau cùng vượt qua khó khăn. Nhu cầu sinh tồn nầy dần dà cũng tạo ra trong người lưu dân tính nghĩa hiệp, sẳn sàng giúp đở những người chẳng may lâm nạn. Câu kiến nghĩa bất vi đã trở thành một mẫu mực sống của người dân ĐBĐNCL [Đồng Bằng Đồng Nai Cửu Long].”[4]

“Kiến nghĩa bất vi”: đây là cách nói tắt của người Miền Nam để chỉ 2 câu thơ chữ Hán: “Kiến nghĩa bầt vi vô dõng giả, Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”, có nghĩa là: “Thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là người có can đãm; Thấy kẻ khác gặp chuyện nguy hiểm mà không cứu người ta thì không phải là người anh hùng.” Trong truyện thơ này, Lục Vân Tiên, sau khi từ biệt thầy xuống núi, đã ra tay nghĩa hiệp, đánh dẹp bọn cướp núi Phong Lai và giải cứu Kiều Nguyệt Nga, chính là thực hiện đức tính “kiến nghĩa bất vi” đặc thù của người dân Miền Nam.

Trong suốt truyện thơ này, các nhân vật chính diện đều là đại diện chân chính của nền giáo dục “Đạo lý Việt Nam” này:

  • Vân Tiên là biểu tượng của Trung Hiếu
  • Nguyệt Nga là biểu tương của Tiết Hạnh
  • Hớn Minh và Tử Trực là gương sáng cho tình bạn thủy chung
  • Ông quán thì ghét bọn làm ác tới độ “ghét cay, ghét đắng, ghét vào tới tâm.”
  • Ông chài thì “Dốc lòng nhân-nghĩa, há chờ trả ơn
  • Ông tiều cũng vậy, “Làm ơn mà lại trông người sao hay”

Tất cả những nhân vật phản diện như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, Võ công, Thái sư, đều không có được hậu vận tốt đẹp, hoàn toàn đúng theo “hệ thống luân lý “thiện ác đáo đầu chung hữu báo.”“ [5]

Thể Hiện trong Văn Học Dân Gian

Trong phần đông dân chúng Miền Nam, có thể nói từ già tới trẻ, từ người thành thị đến thôn quê, từ người có học đến người bình dân, không ai là không biết, không thuộc ít nhiều truyện thơ Lục Vân Tiên, một tác phẩm văn học đã đi vào lòng người dân và luôn luôn được nói đến một cách thân thương, triều mến bằng cách gọi ngắn là “thơ Vân Tiên.” Hơn thế nữa, “Sức hút của tác phẩm “Lục Vân Tiên” trong đời sống dân gian Nam bộ còn ở chỗ đã khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều câu đố, ca dao, tục ngữ, dân nhạc ra đời.”[6] Xin ghi lại một vài câu đố (xuất: Nhân) mà người làm ra đã dựa vào “thơ Vân Tiên” như sau:

Ai vừa ra khỏi trường thi,
Nghe tin mẹ vãng, vật mình khóc than.

hay

Ai mà bị bỏ vào hang,
Về sau thi đỗ, làm quan tại trào.

Và sau đây là một vài câu ca dao cũng rõ ràng là đã có xuất xứ từ “thơ Vân Tiên”:

Dù cho vợ Trang Tử kia còn lỡ đạo thờ chồng
Còn em giữ một dạ, một lòng như chị Nguyệt Nga

hay

Chẳng thà nghèo khó ở túp lều tranh
Chớ không đành bội nghĩa như cha con Võ công tham tài[7]

Thể Hiện Trong Âm Nhạc Dân Gian

Đây mới là phần ảnh hưởng sâu đậm nhứt của truyện thơ Lục Vân Tiên trong đời sống văn hóa của người Miền Nam. Dấu ấn của truyện thơ này bàng bạc trong tất cả những hình thức âm nhạc dân gian truyền thống của Miền Nam.

Câu Hò, Câu Hát

: Theo Giáo sư Trần Văn Khê (1921-2015), nhà nhạc học Việt Nam nổi tiếng thế giới, “Hò là một thể loại diễn xướng trong đời sống người Việt Nam từ thời xa xưa, khởi nguồn từ tập quán sinh hoạt vùng chiêm trũng, diễn tả tâm trạng của người lao động. Hò và Lý tuy có phần giống nhau nhưng Hò thường gắn liền với một động tác khi làm việc còn Lý thì không.”[8] Trong sách “Phương ngữ Nam Bộ: ghi chép và chú giải,” tác giả Bùi Thanh Kiên nói rõ thêm: “một hình thái nghệ thuật dân gian, thể hiện bằng điệu thơ song thất lục bát, lục bát chánh thức hay biến thức, câu dài ngằn không hạn định. Hò có thể xuất hiện đơn độc, nghĩa là nghệ nhân có thể hò một mình để tự tình hoặc tiêu sầu khiển muộn. Đó là lối hò rơi. Ngoài ra, hai hoặc nhiều người có thể hò đối đáp với nhau trong mọi sinh hoạt nông nghiệp hay trên vùng sông nước. Vì vậy chúng ta thường nghe: hò cấy lúa, hò giã gạo, hò chèo ghe.”[9] Truyện thơ Lục Vân Tiên, với hình thức thơ lục bát, và với ngôn từ đậm chất Miền Nam, đã đương nhiên trở thành một nguồn liệu hoàn toàn thích hợp cho các điệu hò. Một thí dụ điển hình: Điệu hò ở Gò Công đã có những câu như sau:

“Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời,
Lục Vân Tiên qua núi gặp thời những ai?
Chú cõng con rồi đến Phong Lai,
Kim Liên rồi đến Chị Hai họ Kiều.”
[10]

Hát: trong các loại hát ví ở Miền Nam, chia làm hai phe, lối hát “Vân Tiên cõng mẹ,” cho đến ngày hôm nay, vẫn còn được nghe hát trong các buổi họp mặt học sinh, các trại Hè, vv.

Một phe hát:

“Vân Tiên cõng mẹ chạy ra,
Đụng phải cột nhà, cõng mẹ chay vô.”

Phe kia đáp lại:

Vân Tiên cõng mẹ chạy vô,
Đụng phải cái bồ, cõng mẹ chạy ra.”

Hai phe cứ tiếp tục hát như vậy, mỗi lần chỉ cần thay cái vật mà Vân Tiên đụng phải, nhưng phải đúng hoặc vần a hay vần ô, cho tới khi nào một phe không tìm ra được vần nữa thì phe đó kể như thua và cuộc hát chấm dứt.

Hát bắt quàng: Là lối hát kể chuyện, từ chuyện này bắt sang chuyện kia, không ăn nhập gì với nhau cả. Xin ghi ra đây một thí dụ mà tác giả bài viết này còn nhớ lại đã được nghe người dì ruột hát lúc tác giả còn nhỏ:

“Lão bà xuống chốn thành đô,
Bà nhớ mua một cái ô đựng trầu.
Bà mua chừng nội có năm đồng,
Cũng đừng có lựa thứ mắc hơn,
Có dư bạc hảy đem lụng về.
Tiền lúa lúc này cao giá,
Hàng xóm nó thiếu lại vay,
Hỏi thăm lai, Vân Tiên đã mù …”

Qua bài hát bắt quàng này, chúng ta còn nhận ra thêm được một điều thật đặc biệt nữa là người Miền Nam đã xem nhân vật Vân Tiên trong truyện thơ Lục Vân Tiên như là một con người có thật và rất gần gủi trong đời sống của họ, như một người hàng xóm vậy.

Nói Thơ Vân Tiên

Truyện thơ Lục Vân Tiên, tuy là thơ, nhưng ít khi được ngâm như truyện Kiều. Đối lại, người Miền Nam lại “nói thơ Vân Tiên.” Nói thơ là sao?

Nói thơ là một phương cách diễn xướng độc đáo trong dân gian Miền Nam, phối hợp giữa hai lối, “ca có vần” và “hát kể,” vừa hát vừa kể chuyện.[11] Chính vì đặc tính này của nói thơ, truyện thơ Lục Vân Tiên, với bản chất là thơ, cùng với ngôn từ giản dị, chân chất, đầy màu sắc dân gian Miền Nam, cùng với nội dung luân lý đạo đức hoàn toàn phù hợp với con người Miền Nam lương thiện, chân thật và nghĩa hiệp, đã trở thành đối tượng số một của nói thơ, và chẳng bao lâu, “nói thơ Vân Tiên” đã trở thành một loại hình diễn xướng được ưa chuộng khắp nơi tại Miền Nam, nhứt là trong Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu, vv.

Nói thơ Vân Tiên chính là nền tảng xuất phát của cả một phong trào nói thơ với các bài thơ, bài vè Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng, vv được lưu truyền rầm rộ trong dân chúng Miền Nam trong mấy thập niên đầu cùa Thế kỷ 20.[12]

Đờn Ca Tài Tử

Nhạc tài tử là một loại hình âm nhạc đặc thù của Miền Nam. Người được tôn vinh là Hậu Tổ của Đờn Ca Tài Tử là cụ Nguyễn Quang Đại, thường được giới cổ nhạc Miền Nam gọi là Ba Đại hay Ba Đợi (tên Đại được đổi thành Đợi là vì kỵ húy sau khi vua Bảo Đại lên ngôi). Cụ Ba Đại xuất thân là một nghệ nhân trong ban nhạc cung đình của Triều Đình Huế. Sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, Cụ rời kinh thành Huế vào Nam sinh sống bằng nghề dạy đờn và đã đào tạo được rất nhiều nhạc sĩ cổ nhạc nổi danh như Tám Hạnh, Sáu Thời, Cao Quỳnh Cư, Cao Quỳnh Diêu, Bảy Nhỏ, Sáu Thoàn, Chín Chiêu, vv. “Ngoài việc truyền dạy nghề đờn, Ba Đợi còn đem một số Nhạc Cung Đình cải biên thành Nhạc Lễ miền Nam, hệ thống hóa Nhạc Tài Tử thành bốn điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán (còn được gọi là 20 bài tổ). Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 có hai nhóm nhạc gồm miền Đông của Ba Đợi cùng với nhóm nhạc miền Tây của Trần Quang Quờn đã ganh đua với nhau tạo nên phong trào đờn ca tài tử rộng lớn.[13]

Phong trào đờn ca tài tử phát triển đã tạo ra nhu cầu cần có những lời ca mới cho các bài ca và truyện thơ Lục Vân Tiên, với nhiều tích truyện có tình tiết éo le, gay cấn, nhưng đều có hậu, đã đương nhiên trở thành một nguồn tài liệu đặc sắc cho việc sáng tác các lời ca mới cho các ban đờn ca tài tử đó. Người đi đầu trong công việc này là cụ Trương Duy Toản (1885-1957), một nhà báo, nhà cách mạng chống Pháp vào đầu thế kỷ 20. Vào khoảng năm 1916, cụ bị Pháp bắt và đưa đi an trí tại Cần Thơ. Chính trong thời gian bị quản chế này, cụ Toản “đã sáng tác nhiều bài bản hay như: “Vân Tiên mù”, “Lão Quán ca”, “Khen chàng Tử Trực”, “Thương nàng Nguyệt Nga”... Đặc biệt, chính ông Trương Duy Toản đã gộp các bài ca lẻ đó của đờn ca tài tử thành các bài lớn mà người ca có thêm điệu bộ, cử chỉ - gọi là ca ra bộ, tiền thân của nghệ thuật cải lương. Bài ca ra bộ đầu tiên của nước ta được ghi nhận là “Bùi Kiệm thi rớt trở về” của ông Trương Duy Toản. Rõ ràng, tác phẩm “Lục Vân Tiên” đã đóng góp không nhỏ cho nghệ thuật diễn xướng dân gian Nam bộ.”[14]

Thay Lời Kết

Truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu, ra đời cách đây đã hơn 150 năm, là một đóng góp vô cùng lớn lao vào kho tàng văn hóa của Miền Nam. Tác phẩm này của nhà giáo yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã để lại những đấu ấn sâu đậm về nhiều lãnh vực văn hóa của Miền Nam, từ giáo dục (luân lý đao đức) cho đến văn học chính thống (thơ văn) hay văn học dân gian (ca dao, câu đối, vè), từ âm nhạc dân gian (nói thơ, hát hò) cho đến cổ nhạc và nghệ thuật trình diễn (đờn ca tài tử, ca ra bộ là những bộ môn tiền thân của Cải Lương là nghệ thuật sân khấu chánh của Miền Nam). Và có lẽ truyện thơ Lục Vân Tiên cũng là tác phẩm văn học chữ Nôm đầu tiên của Việt Nam được dịch sang tiếng Pháp từ cuối thế kỷ thứ 19. “E. BAJOT dịch xong LỤC VÂN TIÊN, đề ngày 5 mai 1885. Sách in ra ở Paris, năm 1887. Khi ấy Đồ Chiểu còn sống, cụ mất ngày 3 Juillet 1888.”[15]

______________

Ghi Chú:

[1] Nguyễn Đình Chiểu. Lục Vân Tiên / Ðồ Chiểu ; sửa đúng theo bản của cụ Trương Vĩnh Ký phát hành năm 1889 gồm có 21 đoạn 2.076 câu; Nguyễn Thanh Tâm chú thích. Sài Gòn: Sách giáo khoa Tân Việt, 1951. Tr. IX. (Cổ văn Việt Nam).

[2] Tóm tắt tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://loigiaihay.com/tom-tat-tac-pham-truyen-luc-van-tien-cua-nguyen-dinh-chieu-c36a903.html

[3] Thiên Chương. Lục Vân Tiên, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://hoavouu.com/images/file/sJ7wOmAx0QgQADoy/lucvantien.pdf

[4] Lâm Vĩnh Thế. Những sắc thái riêng biệt trong tín ngưỡng dân gian Miền Nam, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://viethocjournal.com/2018/11/sac-thai-rieng-biet-tin-nguong-dan-gian-mien-nam/

[5] Nguyễn Vy Khanh. Nguyễn Đình Chiểu và lý-luận văn-học, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.namkyluctinh.org/tuyen-tap/nguyen-vy-khanh/nguyen-dhinh-chieu-va-ly-luan-van-hoc

[6] Đăng Huỳnh. Sức sống thơ văn Đồ Chiểu trong đời sống dân gian Nam bộ, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://baocantho.com.vn/suc-song-tho-van-do-chieu-trong-doi-song-dan-gian-nam-bo-a21031.html

[7] Những bài ca dao - tục ngữ về “Lục Vân Tiên,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://cadao.me/the/luc-van-tien/

[8] Trần Văn Khê. Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. T/p Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ, 2004. Tr. 81.

[9] Bùi Thanh Kiên. Phương ngữ Nam Bộ: ghi chép & chú giải. Tập I: A-K. T/p Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2014. Tr. 678-679.

[10] Đăng Huỳnh, tài liệu đã dẫn.

[11] Nguyễn Hữu Hiệp. Nói thơ: một sản phẩm văn nghệ dân gian độc đáo của Nam bộ, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&%20action=detail&%20id=3861

[12] Lê Minh Quốc. Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://leminhquoc.vn/the-loai-khac/bien-khao/1039-tho-thay-thong-chanh-sau-trong-hai-mieng.html

[13] Nguyễn Tuấn Khanh. Bước đường của Cải Lương. Westminster, Calif.: Viện Việt Học, 2014. Tr. 36.

[14] Đăng Huỳnh, tài liệu đã dẫn.

[15] Nguyễn Đình Chiểu, sđd, tr. XV.