Một số vấn đề cần trao đổi liên quan đến cuộc khởi nghĩa Thủ Khoa Huân

  Lê Công Lý

Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân là vị anh hùng dân tộc, đồng thời là nhà thơ nổi tiếng trong giai đoạn đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Tấm lòng trung trinh son sắt của ông đối với đất nước ví như viên ngọc sáng chói, tỏ rực bầu trời đen ngòm của đất nước đương thời.

Tuy nhiên, dù đã trải qua 145 năm từ ngày ông đền xong nợ nước, hiểu biết của hậu thế về ông vẫn còn khá tù mù, ngoài tập tiểu truyện gồm 7 trang chữ Hán Nôm và khoảng 12 bài thơ, cộng thêm vài tài liệu của Pháp được tìm thấy trong các trung tâm lưu trữ. Do đó, trách nhiệm của lớp hậu sinh là phải ra sức khắc phục sự tàn phá của thời gian và sự lãng quên của nhân thế để quyết tìm cho ra được những mảng tiểu sử về hành trạng và tâm hồn của ngài Thủ khoa vốn đang còn bị che lấp.

1. Thủ khoa Huân bị đày đi đâu và bao lâu?

Ngày 22/8/1864, Thủ khoa Huân bị kết án chung thân đày đi ‘đại hải’. Mà ‘đại hải’ là đâu? Trần Nghĩa trong Kỉ yếu hội thảo Nguyễn Hữu Huân – tấm gương kiên trung bất khuất của người trí thức yêu nước (1976) cho biết Thủ khoa Huân bị đày đi đảo Réunion (tức đảo Bòn-bon thuộc Madagascar), nằm về đông nam lục địa Phi châu thuộc Ấn Độ Dương.

Thế nhưng Tiểu truyện bản Hán Nôm (còn được gọi là Định Tường Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện), bản của Viện KHXH tại TP.HCM được các tác giả Phạm Thiều, Cao Tự Thanh, Lê Minh Đức sử dụng trong cuốn Nguyễn Hữu Huân – nhà yêu nước kiên cường, nhà thơ bất khuất (2001) lại khẳng định Thủ khoa Huân bị đày đi đảo Cai Danh (該名/ Cayenne) thuộc Nam Mĩ, dựa vào một bản khai hồ sơ cá nhân của Đỗ Hữu Phương (Dossier individuel Đỗ Hữu Phương) vốn không đề ngày và không kí tên đóng dấu, trong Services Locaux[1].

Địa danh Cayenne này cũng đã được một số sĩ phu yêu nước đầu thế kỉ XX cho rằng đó là nơi Thủ khoa Huân bị lưu đày, chẳng hạn Trương Gia Mô trong bài Vịnh Nguyễn Hữu Huân (1920) cũng ghi nhận:

Lãnh đạo dân quân vùng An Định,
Sa cơ đày biệt đảo Cay-den
[2].

Riêng sử sách chính quy của triều Nguyễn thì Đại Nam thực lục ghi chung chung rằng Thủ khoa Huân bị đày ra hải ngoại vào năm 1874 (Tự Đức thứ 27) tới 1875 (Tự Đức thứ 28), còn Đại Nam liệt truyện ghi Thủ khoa Huân bị đày từ năm 1868 (Tự Đức thứ 21) tới 1875 (Tự Đức thứ 28).

Đây là những ghi chép không chính xác dựa theo truyền khẩu và trí nhớ. Kì thực, theo Tiểu truyện, Thủ khoa Huân bị đày từ tháng 7 năm Giáp Tí, tức tháng 8 năm 1864. Án đày 10 năm, nhưng 5 năm sau Thủ khoa Huân được ân xá trước thời hạn và phóng thích về quê ngày 04/02/1869 (theo Gia Định báo, số 2, ngày 15/02/1869, tr.1).

Trở lại việc Thủ khoa Huân bị đày đi đâu, có lẽ cần căn cứ vào các tài liệu chính thống của Pháp. Trong tình hình chưa truy tầm ra được các văn bản chính thống đó thì nên căn cứ vào các tài liệu của những người theo Tây học, vì họ có khả năng rành rẽ về các địa danh nước ngoài và phương Tây nói riêng. Trong trường hợp Thủ khoa Huân, nên tin cậy hơn các tài liệu của ông Hội đồng Thông, bởi lẽ ông vừa là cháu ngoại thừa tự Thủ khoa Huân, lại vừa theo Tây học, nhập quốc tịch Pháp và từng du học ở Pháp. Theo bản Tiểu truyện Thủ khoa Huân bằng chữ ABC của ông Hội đồng Thông (hồi thứ 4) mà chúng tôi vừa sưu tầm được, Thủ khoa Huân bị đày đi đảo Bourbon, còn có tên khác là đảo Réunion, nằm ở bờ tây Ấn Độ Dương và phía đông nam lục địa châu Phi.

2. Kẻ chỉ điểm cho Tây bắt Thủ khoa Huân là ai?

Xưa nay người ta cứ theo Tiểu truyện Thủ khoa Huân vốn được cho rằng do ông Trần Văn Thông sao lục, rằng kẻ chỉ điểm chính là Đốc binh Hương, vốn là tay chân tin cẩn của Thủ khoa Huân. Mà ông Trần Văn Thông vốn Tây học, từng du học bên Pháp, làm Cai tổng rồi Uỷ viên Hội đồng Địa hạt, lại là cháu ngoại thừa tự của Thủ khoa Huân và là người địa phương, nên lời ông rất đáng tin.

Nhưng kể từ năm 2001, ba tác giả Phạm Thiều, Cao Tự Thanh và Lê Minh Đức có ra cuốn Nguyễn Hữu Huân – nhà yêu nước kiên cường, nhà thơ bất khuất[3], lại kê ra bức thư của Đỗ Hữu Phương đề ngày 24/5/1875, xin quan Tây thể theo lời cầu xin của bà Lê Thị Năm mà thả chồng bà (tên Trần Văn Thuông) vốn theo Thủ khoa Huân khởi nghĩa, bị Tây bắt giam. Thế là, từ đó trở đi có rất nhiều tác giả khác cứ theo đó khẳng định kẻ chỉ điểm chính là bà Năm để ‘minh oan’ cho Đốc binh Hương.

Nhưng thiết nghĩ, lúc đó (1875), Thủ khoa Huân xưng ‘Nam Hà tổng thống’, đã có thâm niên chống Tây 15 năm, trong đó có 5 năm tù đày biệt xứ, thì lẽ nào lại còn quá hời hợt để một người đàn bà cũng có thể dắt Tây đi bắt một lần thành công ngay?

Hơn nữa, xem bức thư đề của Đỗ Hữu Phương đó, thấy nói bà Năm kì hẹn trong vòng 15 ngày hoặc 1 tháng nữa, bà SẼ BẮT TIẾP ‘tên Lâm Lễ’ nộp cho Tây nữa. Mà ở phần trên bức thư cho biết bà Năm không chịu nhận tiền thưởng, chỉ yêu cầu Tây thả chồng bà ra thôi, thì tại sao bà phải ‘bắt tiếp’ những người lãnh đạo kháng chiến khác nữa? Khẩu khí đó còn hơn cả Tổng đốc Lộc, Đội Tấn và Tổng đốc Phương vốn già dặn kinh nghiệm đàn áp, bắt bớ những người kháng chiến.

Vả lại, tài liệu này cũng cho biết Trần Văn Thuông (chồng bà Năm) quê làng Yên Xuân, hạt Tân An. Thế nhưng chúng tôi tra các danh mục xã thôn đương thời lại không thấy thôn làng nào tên Yên Xuân/ An Xuân cả. Vậy không biết bà Năm với ông Thuông này là người ở đâu mà có thể ảnh hưởng ghê gớm đến số phận của Thủ khoa Huân và vận mệnh đất nước đến như thế? Hay là đương thời thực dân Pháp vốn có nhiều nguồn tin để cùng mục tiêu bắt Thủ khoa Huân, mà nguồn tin từ bà Lê Thị Năm chỉ là một trong số đó và chưa hẳn đã có hiệu quả.

Đó là chưa nói đến tiền lệ đã xảy ra trước đó vào năm 1864: Kẻ dẫn Tây đi bắt Bình Tây đại nguyên soái Trương Định chính là Đội Tấn, vốn là thủ hạ quan trọng, tâm phúc của Trương Định, chứ người ngoài khó có thể biết rõ nội tình của nghĩa quân.

Nhưng dù sao đi nữa thì kẻ được tưởng thưởng nhiều nhất qua vụ bắt Thủ khoa Huân lần này vẫn là Đỗ Hữu Phương[4], người từng là bạn và đã đứng ra bảo lãnh cho Thủ khoa Huân ở trong nhà mình từ năm 1869 đến 1872, và cũng chính là người đã bày mưu tính kế để bắt Thủ khoa Huân lần cuối cùng.

3. Tác giả bộ Tiểu sử Thủ khoa Huân bằng chữ Hán Nôm là ai?

Chúng tôi vừa sưu tầm được bản Tiểu truyện Thủ khoa Huân bằng chữ ABC dài 25 trang, được ghi bằng thủ bút của ông Trần Văn Thông (nên gọi là ‘bản Trần Văn Thông’) có niên đại trước năm 1952 (sẽ công bố vào dịp khác). Bản đó trước đây chưa từng được công bố, mà thay vào đó là bản bằng chữ Hán Nôm vốn quá ngắn (chỉ 7 trang) và nhiều sai sót. Bản Hán Nôm này đã được vài tác giả công bố, nhưng quan trọng nhất là cuốn Nguyễn Hữu Huân – nhà yêu nước kiên cường, nhà thơ bất khuất do Phạm Thiều, Cao Tự Thanh, Lê Minh Đức biên soạn[5].

Nhưng bản Hán Nôm này do ai biên soạn, đến nay vẫn còn chưa rõ.

Bản đó vốn không có nhan đề, được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, đoạn sau có ghi ‘外孫男陳文通恭奠Ngoại tôn nam Trần Văn Thông cung điện’ (cháu ngoại trai là Trần Văn Thông kính cúng). Như vậy, theo câu chữ đó thì ông Trần Văn Thông chỉ là người dâng cúng bản Tiểu truyện đó cho ông ngoại, còn tác giả là ai không biết, nên có nhiều suy đoán. Mà đa số đoán rằng, tác giả bản Tiểu sử này chính là ông Trần Văn Thông, nhưng vì ông đương làm quan cho Tây (Cai tổng rồi Uỷ viên Hội đồng địa hạt tỉnh Mĩ Tho – gọi là ‘ông Hội đồng Thông’) nên không thể ghi tên mình là tác giả, nếu không muốn bị Tây kết tội phản nghịch.

Nhưng nếu tác giả là ông Thông thì cũng lạ, vì ông 18 tuổi đã vô ‘dân Tây’ (nhập quốc tịch Pháp) rồi du học bên ‘mẫu quốc’ (ngành thương mại), thì làm sao có đủ vốn chữ Hán Nôm để viết một bản Tiểu truyện như vậy[6]?

Đặc biệt, đối chiếu bản Tiểu truyện bằng chữ ABC viết bằng bút tích của chính ông Thông với bản Tiểu truyện bằng chữ Hán Nôm sẽ thấy có rất nhiều chỗ khác biệt và độ dài khác xa nhau[7], nên không thể do cùng một người viết được.

Hơn nữa, nếu quả thật ngay từ năm Nhâm Ngọ 1942 mà đã có bản Tiểu truyện Thủ khoa Huân lưu truyền bằng chữ Hán Nôm có đề tên ông Trần Văn Thông kính cúng, thì ông Thông cũng khó yên thân với nhà cầm quyền, nói chi đến việc giữ chức Cai tổng, uỷ viên Hội đồng địa hạt. Do đó, theo chúng tôi, bản Tiểu truyện có ghi tên ông Trần Văn Thông chỉ được biên soạn và lưu hành sau năm 1954, tức lúc Pháp đã rút khỏi Việt Nam. Tiếc là ông Thông mất khá sớm (năm 1955), nên bản Tiểu truyện này không có cơ hội được ông sửa chữa, dẫn đến có rất nhiều sai lầm trong đó.

4. Đại nghĩa diệt thân: Tiểu thuyết hay kí sự về cuộc khởi nghĩa của Thủ khoa Huân?

Tài liệu về cuộc khởi nghĩa Thủ khoa Huân mà các nhà nghiên cứu Việt Nam hiện có rất ít ỏi, nên rất nhiều vấn đề căn bản hiện nay vẫn còn tù mù. Do đó, tác phẩm Đại nghĩa diệt thân[8] của Hồ Biểu Chánh là tài liệu bổ sung quan trọng cung cấp thêm nhiều tư liệu quý về cuộc khởi nghĩa này.

Đại nghĩa diệt thân kể về giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Định Tường. Đó là cuộc khởi nghĩa của đoàn quân nghĩa dõng do Thủ khoa Huân lãnh đạo, qua trận Bình Cách và trận Cổ Chi.

Tuy nhiên, cốt truyện lại xoay quanh mối quan hệ gia đình của ông Nhiêu Giám, gồm có: ông Nhiêu, bà Nhiêu cùng hai người con của ông bà là cậu Hai Đạt và cô Ba Trâm cùng chàng rể là Chí Linh.

Đạt và Chí Linh vốn là nghĩa binh tin cẩn Thủ khoa Huân. Sau trận Bình Cách (1863), tuy nghĩa quân gây thương tích nhiều cho Pháp nhưng chẳng may Thủ khoa Huân bị thương và bị Pháp bắt, nên nghĩa quân tan vỡ. Nghe lời cha dạy, Đạt bỏ vợ con, trốn ra Mĩ Tho, giả vờ làm nghề chài lưới để tìm hiểu tình hình nhằm tìm cách giải cứu cho cụ Thủ khoa Huân.

Thủ khoa Huân được Pháp chăm sóc tử tế để khuyến dụ đầu hàng và làm quan lớn cho Pháp, nhưng cụ nhất quyết khước từ, nên họ chở cụ lên Chợ Lớn để quản thúc tại nhà một ông quan phủ người Việt theo Pháp.

>Để nắm tin tức và tìm cách giải cứu cho Thủ khoa Huân, Đạt làm quen với ‘ông Đội Tồn’ vốn là Việt gian theo Pháp, nhưng dần dần, Đạt lại bị Đội Tồn khuyến dụ đi làm việc cho Pháp, trở thành ‘Đội Đạt’, dẫn lính đi bắt nghĩa quân.

Ở Chợ Lớn một thời gian, Thủ khoa Huân trốn về Định Tường để kháng chiến lần 3. Pháp biết được, liền cho quân truy lùng ráo riết. Riêng Đội Đạt trước đó có về thăm nhà, tình cờ biết được kế hoạch của nghĩa quân sẽ rước Thủ khoa Huân vô Cổ Chi để uỷ lạo tinh thần mọi người, nên liền báo với Pháp và xin dẫn quân tiên phong đi bắt Thủ khoa Huân để lập công.

Biết kế hoạch và địa điểm đã bị lộ, Chí Linh báo cho Thủ khoa Huân biết để không đến Cổ Chi mà lui ra phía vàm Rạch Chanh để theo sông Vàm Cỏ Tây đi sâu vào Đồng Tháp Mười hội với Thiên Hộ Dương, còn anh cho quân mai phục ở Cổ Chi, diệt gọn toán lính tiên phong của Pháp, trong đó có Đội Đạt.

Vì cái chết của Đội Đạt (anh vợ) mà Chí Linh bị vợ và mẹ vợ (tức bà Nhiêu) trách móc thảm thiết vì thương tiếc Đạt và vì vốn ủng hộ Đạt theo Pháp để mưu cầu danh lợi cho bản thân và gia đình. Nhưng ngược lại, ông Nhiêu (cha vợ Chí Linh, cha ruột Đạt) lại hết sức bênh vực Chí Linh, viện tích xưa bên Tàu có ông Thạch Tử vì đại nghĩa trung quân mà cam bày kế giết đứa con ruột phản nghịch của mình, và ông gọi đó là tấm gương ‘Đại nghĩa diệt thân’.

Về phần Thủ khoa Huân, chẳng may bị Pháp bắt lại tại vàm Rạch Chanh và chở về Sài Gòn.

Được tin đó, ông Nhiêu vô cùng thất vọng cho tương lai của đất nước, cộng với sự bất đồng về lẽ sống trong nội bộ gia đình, nên ông buồn bã bỏ đi biệt tích.

Tác phẩm tuy không quá dài (268 trang) nhưng đầy ắp sự kiện, số liệu và nhiều ghi chép rõ ràng, trung thực về địa thế, cảnh quan và nhân vật, đặc sệt chất kí sự về cuộc khởi nghĩa Thủ khoa Huân ở Định Tường nửa sau thế kỉ XIX.

Vậy câu hỏi đặt ra là: Đại nghĩa diệt thân là tiểu thuyết lịch sử (hư cấu) hay kí sự (ghi chép) lịch sử?

Vốn đã có tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa Thủ khoa Huân và kiến thức thực địa, nên chúng tôi thấy tính chất kí sự đặc sệt của cuốn sách này, nhất là những ghi chép về trận Bình Cách và trận Cổ Chi. Nhiều địa danh hẻo lánh của các địa phương này cũng được ông ghi chép rõ ràng, trung thực, có tác dụng phủ chánh những lệch lạc về địa danh bây giờ.

Bức tranh sinh hoạt của dân địa phương cũng được tác giả ghi chép trung thực và sinh động. Nhiều địa hình, địa thế đất đai, đường thủy bộ cũng được miêu tả vô cùng trung thực và chi tiết mà chỉ có người sở tại mới cảm thấy hết.

Nhưng đặc biệt nhất mà cũng đậm tính cách văn chương nhất chính là cách tác giả miêu tả những giằng xé nội tâm của những người vì thân phụ nghĩa (như cánh đàn bà: bà Nhiêu Giám, cô Đậu, cô Trâm) và những người vì đại nghĩa diệt thân (đại nghĩa thắng tình nhà) như cánh đàn ông (ông Nhiêu Giám, anh Chí Linh).

Cũng dễ hiểu: Tác giả của tác phẩm này là Hồ Biểu Chánh vốn làm quan cho Tây tới chức Đốc phủ sứ, nhưng lại là người có học, có tâm, có tầm, và đặc biệt là có óc quan sát và khả năng, điều kiện nắm bắt và ghi chép sự kiện, nhất là tấm lòng yêu nước tiềm tàng kiểu ‘xanh vỏ đỏ lòng’, để đến khi Tây vừa rút (1954 – 1955) thì ngay lập tức cuốn sách này trình làng. Coi sách nầy, nếu không biết tên tác giả, người đọc không bao giờ tưởng tượng nổi tác giả nguyên là quan Đốc phủ sứ cho Tây, bởi giọng văn Nam Bộ ngay thiệt, mộc mạc, chân chất và nhất là tinh thần dân tộc đặc sệt.

Đọc sách, cũng dễ thấy nhiều đoạn tác giả tự sỉ vả bản thân để tự ‘phản bổn hoàn nguyên’, trở về vị trí của một nhà Nho Việt Nam thứ thiệt, chớ không còn mảy may gì của một vị quan tân trào[9].

Vậy nên nay chúng tôi giới thiệu sách Đại nghĩa diệt thân của Hồ Biểu Chánh như là một tài liệu kí sự quan trọng về cuộc khởi nghĩa Thủ khoa Huân. Đây chắc chắn sẽ là một tài liệu quan trọng để bổ sung vào kho tư liệu còn quá thiếu thốn về Thủ khoa Huân.

____________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bảo Định Giang – Huỳnh Lứa – Nguyễn Quảng Tuân (2001), Gương sáng ngàn đời, Nxb Trẻ, TP.HCM.

  2. Ernest Outrey (1904, tái bản 2019), Tân thơ tổng lí quy điều, Nxb Thuận Hoá, Huế.

  3. Hồ Biểu Chánh (1955, tái bản 1989), Đại nghĩa diệt thân, Nxb Tổng hợp Tiền Giang.

  4. Phạm Thiều, Cao Tự Thanh, Lê Minh Đức (2001), Nguyễn Hữu Huân – nhà yêu nước kiên cường, nhà thơ bất khuất, Nxb Trẻ, TP.HCM.

  5. Trương Hoàn Phát (1925), Nam Kì vĩ nhơn lục, Imprimerie de L’union, Saigon.

____________________

CHÚ THÍCH:

[1] Phạm Thiều, Cao Tự Thanh, Lê Minh Đức (2001), Nguyễn Hữu Huân – nhà yêu nước kiên cường, nhà thơ bất khuất, Nxb Trẻ, TP.HCM, tr.157.

[2] Bảo Định Giang – Huỳnh Lứa – Nguyễn Quảng Tuân (2001), Gương sáng ngàn đời, Nxb Trẻ, TP.HCM, tr.244.

[3] Nxb Trẻ.

[4] Trong Văn tế quan Tổng đốc Đỗ Hữu đại nhơn (tức Đỗ Hữu Phương) năm 1914 của quan Đốc lí thành phố kiêm Chánh bố Chủ tỉnh Cholon có ca tụng công nghiệp của Đỗ Hữu Phương như sau: “28 năm trường, Ngài cứ giữ một niềm thanh cần mẫn đạt mà giúp nước trị dân, không lòng xao lảng… Nhứt là công đào kinh Nước-mặng [sic]. Lại cũng nhờ Ngài tảo thanh đám phá loạn Thủ khoa Huân năm 1875”. Theo Trương Hoàn Phát (1925), Nam Kì vĩ nhơn lục, Imprimerie de L’union, Saigon, p.51.

[5] Nxb Trẻ, TP.HCM, 2001.

[6] Theo Tân thơ tổng lí quy điều (1904), các giấy tờ làm việc giữa Hội đồng địa hạt với quan chủ tỉnh và quan ‘nguyên soái’ đều bằng chữ Pháp và chữ ABC, không dùng chữ Hán. Do đó, các ‘ông Hội đồng’ cũng buộc phải rành chữ ABC và chữ Pháp hơn là chữ Hán.

[7] Bản chữ Hán Nôm chỉ có 7 trang, trong khi bản ABC tới 25 trang.

[8] Hồ Biểu Chánh (1955, tái bản 1989), Đại nghĩa diệt thân, Nxb Tổng hợp Tiền Giang.

[9] Chẳng hạn: “Những người ra phe giúp với nhà cầm quyền Pháp đó thuộc hạng người thiếu học, không có lương tâm không biết Tổ quốc. Họ là cặn bã, chớ không phải tinh hoa của đất nước. Họ tính thừa thời thế để lên mặt lên mày, để trèo lên địa vị cao sang, là chỗ lúc bình thường họ chẳng hề dám mong mỏi” (chương 1).