Nguyễn Tuấn Khanh và ‘Bước Đường của Cải Lương’

WESTMINSTER, California (NV)Sách mới, “Bước Đường của Cải Lương” tác giả Nguyễn Tuấn Khanh, được ra mắt lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 24 Tháng Tám, 2014 tại Viện Việt-Học, Westminster.

“Cuốn sách này nói về lịch sử của bộ môn cải lương theo những tài liệu tôi mới tìm được từ những tờ báo xưa như Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn, Nữ Giới Chung, An Hà Nhựt Báo, từ năm 1900 đến 1925,” nhà biên khảo Nguyễn Tuấn Khanh, tác giả của cuốn sách mới ra mắt, phát biểu. 


Nhà biên khảo Nguyễn Tuấn Khanh trong buổi ra mắt sách “Bước Đường của Cải Lương,” tại Viện Việt Học, Westminster, CA. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Ông cho biết, ông cũng tìm mua được những cuốn sách đờn ca từ những năm 1905-1928 liên quan đến Đờn Ca Tài Tử và Cải Lương, đặc biệt là vở tuồng Pháp Việt Nhứt Gia mà mọi người cho là từ đó, bộ môn cải lương thành hình.

“Thế nhưng sau khi nghiên cứu, tôi không thấy đúng như vậy. Tôi cũng tìm ra được là khi sự thay đổi về phong cách đờn ca tài tử khi xưa không phải do Tư Triều khởi xướng như mọi người vẫn lầm tưởng từ trước tới nay, mà là do nhóm của Cao Quỳnh Cư, Cao Quỳnh Diêu bắt đầu (hai vị này sau là chức sắc của Cao Đài)”, ông giải thích.

Bài “Dạ Cổ Hoài Lang” được nói trong phần hai của quyển sách.

“Ở trong nước đã có nhiều buổi hội thảo để tìm ra bản gốc của bài này nhưng họ chỉ tìm được những ấn bản khoảng thập niên 1950-1960 mà thôi, tôi có bản in năm 1924 nên cũng chứng minh được nhiều điều mới,” tác giả khẳng định. 


Tác giả ký lưu niệm cho khách mua sách. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Trong phần trình bày, tác giả cho thấy những hình ảnh về các tài liệu mà ông sưu tập được, như cuốn “Bài Ca Mới, Thập Nhị Tài Tử” hay “Bài Ca Lục Vân Tiên” được in lần thứ nhất; hoặc “Tuồng cải lương Kim Vân Kiều” do Lê Công Kiền soạn; tuồng cải lương “Bội Phu Quả Báo” do Nguyễn Trọng Quyền soạn.

Ông cũng trình chiếu các khúc phim về hát bội trích đoạn “Thất Nam Dương Thành” và nhấn mạnh đến các động tác và cách vẽ mặt của các diễn viên, khác với các tuồng cải lương.

“Ẩn sĩ Châu Sáng đi cứu người ân lâm nạn lời đối thoại khác với tuồng cải lương Lục Vân Tiên vai Kiều Nguyệt Nga với những đối thoại giống như người kể chuyện,” ông nói.

Tác giả cuốn sách mới ra mắt cũng đề cập đến ảnh hưởng của thời Pháp thuộc, nhà văn Hồ Biểu Chánh và Hội Khuyến Học Long Xuyên.

“Khi ấy khoảng năm 1916, ‘ca ra bộ’ ra đời với bài Tứ Đại “Bùi Kiệm Thi Rớt” mở đường cho cải lương năm 1919. Cải lương phát xuất từ kịch nghệ, nhưng từ những người trí thức,” ông nói.

“Là người miền Bắc, lúc nhỏ tôi thích hát chèo, nhưng khi nghiên cứu về cải lương thì các bạn tôi cười và rất ngạc nhiên. Tôi nhớ lại hồi xưa trong các xóm lao động, ai mà không nghe ban Thành Công, ban Cửu Long với tân cổ giao duyên?” ông cười và kể lại chuyện quá khứ.

Trước đó, cô Kim Ngân Nguyễn, đại diện Viện Việt Học, Giáo Sư Trần Văn Chi, diễn giả, giới thiệu lịch sử của bộ môn cải lương.

“Theo Giáo Sư Vương Hồng Sển, cải lương là đứa con không cha,” vị diễn giả người miền Nam nói.


Hình tác giả chụp với soạn giả Nguyễn Phương hồi Tháng Hai, 2014. (Hình: Nguyễn Tuấn Khanh cung cấp)

Theo ông Chi, cải lương trải qua ba giai đoạn.

“Giai đoạn đờn ca tài tử gồm những người có phong cách như Nguyễn Du tả ‘Dập dìu tài tử, giai nhân’ thích hát, ngồi trên chiếu. Sau đến giai đoạn ‘Hát Bội,’ trên sân khấu có người kéo cảnh để diễn tả ý niệm về thời gian. Sau hết mới là cải lương,” ông giải thích.

“Năm 1920 cải lương các lò ở Mỹ Tho bắt đầu bán vé xem cải lương. Từ gánh hát, phát triển thành đoàn cải lương,” ông kể.

“Người đọc sẽ thấy cải lương mang tính văn hóa, dù gần người Khmer nhưng không hề lai, lại rất chân chất. Ai không vui khi nghe Văn Hường, Minh Cảnh, hay xem ‘Tư Ếch Đi Sài Gòn’ ?” vị giáo sư dẫn chứng.

“Anh Nguyễn Tuấn Khanh không sanh ra trong hoàn cảnh cải lương mà ‘nhập’ nên viết về cải lương như người bên trong. Đây là cuốn sách hiếm quý, đáng được người đọc để bên các sách về cải lương của Vương Hồng Sển, Trần Văn Khải,và Giáo Sư Trần Văn Khê,” ông Chi khen ngợi.


Tác giả (thứ hai từ trái) chụp hình với Giáo Sư Trần Văn Chi (trái) và các bạn hữu. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Một diễn giả khác là Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm, từng dạy môn Hán Nôm tại Đại Học Văn Khoa Saigon.

“Cải lương không phải là một tĩnh từ, không đi một mình, nhưng trở thành danh từ với ý nghĩa tốt và tương phản với ý nghĩa khi là một tĩnh từ. Thí dụ như nói ai đó ‘cải lương,’ vị giáo sư cao tuổi nói.

“Tác giả Nguyễn Tuấn Khanh khi viết sách, ông đưa ra những con số chính xác, ông tìm tòi, bỏ tiền, bỏ công đi tìm mua cho ra bản gốc. Ông lục lọi từ cá báo cũ viết tin tức về cải lương, như ‘Nông Cổ Mín Đàm,’ như ‘Lục Tỉnh Tân Văn,’” Giáo sư Sâm nói.

“Qua sách của nhà biên khảo này, chúng ta biết được tuồng nào, diễn khi nào và ở đâu. ‘Thanh Tao’ là ai, ‘Bầu Cao’ là ai, tuồng ‘Hoàng Tử Lưng Gù’, ‘Máu Nhuộm Hoàng Cung.’ Nguyễn Tuấn Khanh là người xứng đáng là ‘người giữ lịch sử cải lương,” ông khen ngợi.

Giáo Sư Nguyễn Trí Thành, cựu giáo sư Trung Học Võ Trường Toản, nơi tác giả theo học, chia sẻ: “Anh Khanh thật là chịu khó và làm việc đến nơi đến chốn. Anh là người Bắc khiến ai cũng ngạc nhiên khi biên soạn sách về cải lương.”

Bà Trần Minh Phượng, vợ ông Lý Khôn Sơn, bạn cùng khóa 3/72 Thủ Đức, tâm sự: “Cải lương là quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Anh Khanh làm chúng tôi hãnh diện có người bạn tài giỏi. Riêng tôi, anh làm tôi nhớ đến mẹ tôi. Khi còn sinh tiền, bà rất thích cải lương.”

Tác giả Nguyễn Tuấn Khanh, cho biết ông sang Hoa Kỳ năm 1975, làm ngành IT về điện toán từ năm 1981 đến nay. Hiện ông đang làm việc cho Đại Học San Jose State University, San Jose, CA. Ông là hội viên thường trực Hội Đồng Điều Hành Viện Việt-Học từ năm 2006 (trưởng ban Tu Thư, điều hành lớp học chữ Nôm online cấp 1, 2, đồng trưởng dự án Nam Phong Tạp Chí, phân phối ấn phẩm của cơ sở xuất bản Viện Việt Học). Ông hiện cư ngụ tại San Jose, California, USA.

Sách “Bước Đường của Cải Lương” dày 329 trang, do Viện Việt-Học xuất bản, giá bán $20.

Tác giả có CD tài liệu về “Ca Ra Bộ” và “Dạ Cổ Hoài Lang” dành tặng cho 100 khách hàng đầu tiên liên lạc mua sách.

Liên lạc mua sách qua điện thoại (408) 929-4794 hay địa chỉ tác giả:

Nguyễn Tuấn Khanh

1558 Sawleaf Ct.
San Jose, CA 95131.

Email: ntkhanh@viethoc.com.

Viện Việt-Học (714) 775-2050.

Website: www.viethoc.com

Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com