Lý Đợi và tập thơ chọn lọc “Khi kẻ thù ta buồn ngủ”

Lý Đợi sinh năm 1978 tại làng Khúc Lũy, Điện Bàn, Quảng Nam.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA



Bìa tập thơ song ngữ Việt/Anh “Khi kẻ thù ta buồn ngủ/When our enemy falls asleep” do NXB Giấy Vụn xuất bản lần thứ nhứt tại Sài Gòn quý I/2010.
Photo courtesy of www.tienve.org


Anh tốt nghiệp Cử nhân Văn chương năm 2001. Hiện sống tại Sài Gòn, sinh hoạt kiếm sống như một nhà văn và nhà báo tự do. Anh viết đủ thể loại trong đó có nghiên cứu và phê bình lý luận văn học. Anh cũng có những sinh hoạt văn học khác rất cá biệt và không ít người cho là lập dị. Cùng với Bùi Chát, Lý Đợi chủ trương nhà xuất bản Giấy Vụn được tổ chức Internationl Publishers Association trao tặng giải Freedom to Publish năm 2011 tại Hội sách Quốc tế Buenos Aires, Argentina.

Lý Đợi là thành viên trụ cột của nhóm Mở Miệng, gồm Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán, và nhiều người khác. Lý Đợi cùng với các bạn khởi xướng và cổ xúy cho phong trào in tác phẩm photocopy tại Việt Nam.

Nói về sự chọn lựa của anh với các bài thơ trong tác phẩm “Khi kẻ thù ta buồn ngủ” Lý Đợi cho biết:

“Với tôi tác phẩm này là một kỷ niệm. Kỷ niệm theo nghĩa tôi chọn những bài mà tôi đã viết trong quãng thời gian năm năm từ 2003 tới 2008. Chọn lựa của tôi có thể khác với chọn lựa của người khác vì tôi đặt một chủ đề trước khi chọn chứ không phải chọn lại những bài tạm gọi là tiêu biểu hay ưng ý của tôi. Trong tập này có nhiều bài tôi không ưng ý nhưng do tôi chọn chủ đề cho tập thơ trước khi chọn trong mấy trăm tác phẩm mà tôi đã viết trong 5 năm qua.

Tập thơ này cũ theo nghĩa là nó không có nhiều bài mới. Trong 23 bài thì chỉ có một hai bài mới viết cuối năm 2008, nhưng với tôi nó lại mới theo cái nghĩa được chọn theo chủ đề. Chủ đề này nó cũng khép lại cho quá trình tôi đi trong 5 năm sẽ xuất bản tập thơ mới vì tôi tính xuất bản tập thơ mới trước rồi mới in tuyển tập này sau, nhưng sợ tập thơ mới sẽ làm mình mất cảm hứng. Hơn nữa mình cảm thấy trong quá trình 5 năm đó những bài thơ này được xuất hiện đây đó trên mạng nên bây giờ lần đầu tiên nó xuất hiện trong tuyển tập cũng là điều hay. Kỷ niệm có nghĩa là vậy.”

Lý Đợi.Linh hồn của nhóm “Mở miệng”. Photo courtesy of Dieucaycopy’s blog. Photo: RFA
Bài đầu tiên của tập thơ có tựa “Vì em là con gái” đã làm không ít người đọc hụt hẫng mặc dù đã chuẩn bị cách đọc vì biết sự thể hiện ngôn ngữ của Lý Đợi không hề dễ gặp ở những cây bút khác. Chi tiết trong câu chuyện như cắm mũi lao cùn vào trí nhớ của người đọc vì hình như câu chuyện này đã hơn một lần họ được nghe đâu đó nhưng mãi đến nay mới được trình chiếu lại trên màn hình hiện thực. Câu chuyện qua tay Lý Đợi trở thành siêu thực và những biểu cảm nhầy nhụa khiến đôi mắt người đọc bài thơ phải láo liên lo sợ cho chính người thân của mình trở thành cô gái ấy.

Vì em là con gái

Mười sáu ngày tuổi bị giật mình bởi tiếng súng trong doanh trại quân đội gần nhà

Mười sáu tuần tuổi bị thay sữa bằng bia hơi

Mười sáu tháng tuổi bị hiếp lần 1 bởi tay chủ nhà trẻ muốn chiếm lấy hin

Mười sáu tuổi bị hiếp lần 4 bởi thầy giáo dạy công dân

Từ mười bảy trở đi, sách kỉ lục ghi thành tích như sau:
– Mười sáu lần bị từ chối nhập trường học vì ăn mặc hở hang
– Mười sáu lần lấy chồng nước ngoài, trừ châu Âu và Mỹ
– Mười sáu lần mắc bệnh về đường sinh dục
– Mười sáu lần vào tù ra trại với giấy chứng nhận phục hồi nhân phẩm
– …
Vì em là con gái của xứ sở mà anh [thì] hùng, em [thì] hèn
Vì em là con gái của nơi mà chữ và nghĩa tách rời nhau
Vì em là con gái của những điều không thuộc về lễ
Vì em là con gái của tiếng súng và bạo lực
Vì em là con gái của những kẻ mù màu và huyễn hoặc
Vì em là con gái của những tiếng khóc thầm lặng…
Và vì em là con gái
Và vì em là mẹ của tất cả chúng ta
Vậy mà…
đa phần vẫn buột miệng: à há!

Lý Đợi lấy chất liệu từ những câu chuyện xảy ra hay sắp xảy ra bên ngoài xã hội. Chính xã hội làm thơ anh, nếu phải gọi là thơ, bám theo để phản chiếu phần lõi của nó. Những bật khóc vì tình hay chờ đợi sự mầu nhiệm nào đó không có mặt trong thơ Lý Đợi. Thô nháp và cục cằn như đá, từng lời thơ của anh rơi theo chiều thẳng đứng xuống không gian tối thăm thẳm đầy những hoài nghi bởi thất lạc niềm tin. Trong bài “Viên đạn lịch sử F12”, với một ít kịch tính trong cách viết, bài thơ kéo dài hơn sáu mươi năm trình bày sự thua cuộc của lịch sử qua từng giai đoạn bởi niềm tin thơ ngây, già nua án ngữ những vươn tới của tuổi trẻ.

Viên đạn lịch sử F2

Mấy hôm trước, báo đưa tin, hiện có một vài học sinh phổ thông [khoảng 24 triệu đứa], nói tiếng Việt, được chẩn đoán là bị đạn bắn vào mép tim, dọc sọ, và giữa háng.

Những viên đạn đã gỉ sét, gây đau đớn, khiến khó thở…; và đặc biệt, được bay một cách chậm rãi, lạnh lùng từ hơn 30 năm [mà không: hơn 60 năm] trước – và tất nhiên, đã được thông báo, định hướng cẩn thận.

Tất cả lũ trẻ nghe tin tuyên truyền là sẽ được giải phẩu để lấy đạn ra – điều đó giống như một phép màu.

Lũ trẻ sẽ có dịp cảm ơn “thiên tài” của trời phật đã giúp chúng được sống tiếp quãng đời còn lại.

Và đương nhiên rồi, điều đó chỉ có thể diễn ra [và thành hiện thực xã hội…] khi thực sự có những phép màu… Mà những phép màu ấy, phải thoát ra được cảnh tù đày của chính mình.

Vấn nạn xã hội mỗi nước một khác, nhưng mại dâm là cái mà mọi xã hội đều na ná như nhau ngoại trừ Việt Nam. Mại dâm vùng miền tại đây trở thành vết xước vừa đau xót, vừa bẽ bàng đôi khi trở thành chai lì đến nghiệt ngã. Lý Đợi nhìn góc tối của vấn đề này một cách dễ chịu và không hiểu tại sao anh không đặt cái tựa của bài thơ là “Đương nhiên miền Tây”?
Hai cô gái Việt Nam ngồi trò chuyện với một người nước ngoài tại một phòng trà ở Hà Nội. Ảnh mang tính minh họa. AFP photo. Photo: RFA

Nhân đi massage, gặp nữ lưu hào kiệt

Tôi hỏi em tên gì?

– Em trả lời: Diễm Phượng Thu Hồng Nga Mai Kiều Vân… anh thích tên nào cũng được

Em nhiêu tuổi?

– Mười sáu mười bảy, mười chín đôi mươi… anh thích bao nhiêu em cũng chiều

Quê đâu?

– Đương nhiên miền Tây, dù thực chất em dân Hà Nội

Cá tính?

– Yêu âm nhạc, ghét thể thao, thích thẳng thắn, sợ cô đơn

Tình trạng gia đình?

– Độc thân, vui tính, ở trọ, nhưng có bé trai 3 tuổi

Nghề nghiệp?

– Tên khai thuế: Nhân viên phục hồi sức khoẻ, có cấp thẻ hành nghề

– Tên thường gọi: Chuyên viên massage

Với Lý Đợi những mẩu tin hàng ngày trên các tờ báo lá cải có thể biến thành thơ, hay cái gọi là thơ, rất dễ dàng. Không cố nắn gọt cho sự kiện trở thành thơ theo hướng dễ coi hơn, mà ngược lại, Lý Đợi đã đẩy tận cùng sự kiện thành các câu hỏi xoáy sâu vào ý thức của con người hôm nay. Thơ Lý Đợi đem vấn đề gai góc bồng bế nhau lủng lẳng treo ngược trong tim người đọc khiến họ khó chịu, bực mình nhưng rất cần thiết. Trong bài “Những gì tôi thấy, hay là Bài tường thuật từ thành phố bị vây hãm” anh viết:

Những gì tôi thấy, hay là Bài tường thuật từ thành phố bị vây hãm
tôi thấy những kẻ lai căng
những kẻ quyền cao chức trọng
bọn trọc phú… đang bứt từng miếng da trên bộ xương héo mòn của dân tộc
tôi thấy bọn mạo danh
bọn khát máu
bọn đần ngu
bọn ma mãnh… đang gia nhập vào các sắc-quân phục
tôi thấy bọn đồ tể
bọn tay sai
bọn nghe-rình lén
bọn cải trang luật pháp
bọn đội lốt công quyền… đang ẩn mình trong các văn phòng
đang tham ô, móc ngoặc, ăn lương và chơi điện tử
tôi thấy… tôi thấy
tôi:
một kẻ có râu từng bị ép mặc đồ lót nữ
từng bị ép hiếm dâm trẻ vị thành niên
từng bị ép khai tên các thi-nghệ sĩ cùng thời
từng bị truy vấn về số tiền ăn xôi mỗi sáng…
tôi:
mỗi tuần xóc lọ* hai lần
tôi đã thấy ngày một thêm già xin ăn
trẻ mù chữ
thanh/ trung niên thất nghiệp… tôi đã thấy
không phải quỷ hút máu người mà người “đỏ” hút người “vàng”
không phải ai tỉnh ai điên mà tất cả bị làm cho dở hơi
không phải ai hay ai dở mà chỉ nói với nhau bằng bệnh thành tích…
tôi đã thấy
điều đó không quan trọng
điều đó thật phản động
điều đó làm lộ bí mật quốc gia
điều đó nhảm nhí… vì tất cả mọi người đều thấy
vì tất cả mọi người tự dán keo vào mắt chính mình

“Khi kẻ thù ta buồn ngủ” là tựa của một bài thơ có vần cuối lập lại với nhau từ câu đầu tới câu chót. Chính việc lập lại một vần duy nhất trong toàn bài làm bài thơ mang chiếc áo khoác rách rưới cải trang thành ăn mày ngôn ngữ và chính sự cải trang này đã nhạo báng và là chìa khóa mà tác giả trao cho người đọc mở toang cánh cửa vô lý, hèn mọn, khuynh loát của thành phần cai trị và cơ hội, ăn theo.

Khi kẻ thù ta buồn ngủ

………………
Thì chúng ta đã ngủ
Vợ và con gái và bọn đàn bà [nói chung] đang mơ ăn thù đủ*
Đám nhà thơ nghĩ mình nằm trong hũ
Bọn chính khách thì móc đứng mình trong tủ
Bọn công an mắt bị bưng mủ
Tất cả là giấc ngủ
Quên đi chuyện ấp ủ
Nguyên đây chỉ vần… ủ!
Chúng đột kích ta từ phía sau
Mở toang cửa vào vườn rau
Đắp đường làm cầu
Diệt xong bến Văn Lâu
Giành đánh trống chầu

Nhà thơ Lý Đợi. Photo courtesy of www.tienve.org. Photo: RFA
“Khi ngồi chọn ra ban đầu tôi chọn được 46 bài. Trong khi làm mục lục mới lược bỏ ra phân nửa. Tôi thường đọc các tập thơ có thể theo chủ quan của tôi, tôi cho rằng đối với tôi một tập thơ hay không phải tất cả bài thơ đều là thơ hay mà nó phải có câu chuyện mà mục lục là cái thể hiện cho câu chuyện đó rõ nét nhất. Cũng như một cuốn sách nghiên cứu vậy, mục lục mà kém thì tôi không quan tâm nhiều tới cuốn sách đó.

Trong tập thơ này tôi muốn bài đầu tiên người con gái lúc đó chỉ 16 tháng tuổi đã bị hiếp dâm, cho tới khi cô ấy lên 16 tuổi thì bị hiếp dâm lần thứ tư, tức là độ tuổi vị thành niên tại Việt Nam. Sự hiếp dâm đó nó sinh ra cái gì? Nó sinh ra câu chuyện mà những bài khác nó nói…để gần tới cuối cùng nó sinh ra “Những người ăn xin ở Hà Nội”, “Những gì không đến từ Việt Nam” rồi “Lời kết cho một tập đoàn phản động” cuối cùng thì nó lộ ra việc “Khai quật bản sắc văn hóa Việt Nam”.”


Lý Đợi vừa cho biết cách chọn lựa thơ trong tập “Khi kẻ thù ta buồn ngủ” của anh. Bài “Mới khai quật bản sắc văn hóa Việt Nam” có lẽ là bài thơ cay đắng nhất mà tác giả lựa chọn trong tập thơ này.

“Bản sắc dân tộc” có lẽ là câu nói cửa miệng mà người ta thường nghe các quan chức văn hóa lập đi lập lại trong những bài diễn văn, thông báo, truyền đơn vận động một phong trào nào đó. Qua bộ lọc của Lý Đợi thì cụm từ này trở thành vô nghĩa thảm hại, núp phía sau những từ ngữ có cánh tụng ca một điều không thật với mục đích ru ngủ, mị dân và nhất là mụ mị chính những kẻ mang danh làm văn hóa.

Có trời mới biết nó là gì…

Như một số báo chí đã đưa tin, vừa qua, ông Nguyễn Văn Cù, nông dân ở Thanh Hóa, đã tìm thấy bản sắc văn hóa Việt Nam trong khi đang đào ao nuôi cá. Ông Cù kể: “Chúng tôi đào sâu năm mét thì gặp phải vật lạ. Khi tôi và anh em lôi được nó lên trên mặt đất thì tôi nghi ngay đây là bản sắc văn hóa Việt Nam bởi tôi thấy nó rất là kì dị.” Ông Cù báo lên Ủy ban Nhân dân tỉnh, và ngay hôm sau một đoàn các nhà sử học và khảo cổ học trung ương đã tới hiện trường xem xét. Giáo sư sử học Trần Văn Lân, 84 tuổi, khẳng định: “Không nghi ngờ gì nữa, đây chính là cái na-xiông-nan i-đăng-ti-tê, cái bản sắc văn hóa Việt Nam rồi. Những xét nghiệm đầu tiên cho thấy nó có xuất xứ từ thời các cụ.””

Trong đoạn cuối của bài thơ Lý Đợi viết:

Có trời mới biết nó là gì…

Trong thời gian tới, các nhà sử học và khảo cổ quốc gia sẽ tiếp tục phân tích hiện vật mới tìm thấy. Giáo sư Lân cung cấp thêm thông tin: “Các xét nghiệm phải bảo đảm tính trung thực và khoa học cao.

Ví dụ, hiện nay bản sắc văn hóa Việt Nam hơi có mùi, nhưng chúng tôi chưa kết luận được là đó là một đặc tính của hiện vật, hay đó là do hiện vật nằm trong sình lầy một thời gian dài.”

Có trời mới biết nó là gì…
Thì đó là bản sắc văn hóa Việt Nam
Nó giống như một xác chết thối
Giống như một cái gối cũ
Như một vết thương bưng mủ
Được lôi lên từ vũng bùn
Đầy mùi xú ế…
Chứ còn nghi ngờ gì nữa, rõ khổ…

Lý Đợi trong thời gian gần đây ít sáng tác hơn. Anh đang chuẩn bị cho một tác phẩm nào đó mà anh không tiết lộ. Người yêu mến văn chương Lý Đợi có thể vững tin rằng với anh, những con chữ bình thường nhất cũng trở thành nổi loạn kể cả khi chúng phản ảnh một vấn đề hiền lành hay vô thưởng vô phạt nhất.

Điều đặc biệt này làm cho Lý Đợi trở nên dễ gần hơn mặc dù thơ anh đôi khi đẩy người đọc ra xa vì chúng đòi...không gian để thở, và nhất là chúng cần chỗ trống để vung tay, gạt chân hay khom người làm trò diễu nhại, đùa cợt với những bậc thức giả nửa mùa hay các nhà văn hóa khoác chiếc áo di sản để che đậy những đìều dối trá.