Sự loan tin bừa bãi của truyền thông Tây Phương và Hoa Kỳ về cuộc chiến Việt Nam


Trong tác phẩm “Chiến tranh ngôn ngữ” của Giáo sư Asabriggs, nguyên giám đốc Âu Châu Vụ của Ðài BBC Luân Ðôn, có giải thích về hiện tượng loạn ngôn của một số người làm truyền thông báo chí trên khắp thế giới. Theo ông, thì sự bộc phát của chiến tranh, không những vì quyền lợi, ý thức.. mà ngôn ngữ cũng dự phần. Chính sự loan tin bừa bãi, những bài viết loạn ngôn, những hình ảnh lắp ghép thiếu trung thực.. đã gây ảnh hưởng khủng khiếp, khi nó được nói tới bằng tất cả các chiều hướng đối nghịch, qua phương tiện truyền thông, truyền thanh, truyền hình.

Khác với cảnh chợ văn làng báo vàng thau lẫn lộn thời VNCH, tất cả những người làm truyền thông Tây phương và Hoa Kỳ, dù chuyên nghiệp hay tài tử, đều đã tốt nghiệp các khóa huấn luyện hành nghề báo chí, ký giả, phóng viên thông tin và truyền hình, tại các trường đại học công hay tư. Tuy nhiên hầu hết đã không làm đúng hay giữ được những bài học căn bản, nhất là các ký giả chiến trường hay những người chuyên săn tin tức có liên quan tới những biến cố chính trị, chỉ vì lợi nhuận thương mại và sự cạnh tranh nghề nghiệp. Ðó là chưa nhắc tới chuyện dài báo chí, truyền thông tại các nước thứ ba và CS, không bao giờ dám viết đúng sự thật.

Bởi vậy chẳng ai lấy làm ngạc nhiên, trước sự thú nhận của Macolm Browne, một thông tin viên lão thành và tên tuổi của hãng Reuter, đã sống lăn lộn nhiều năm, khắp các chiến trường Nam VN. Trong kỳ đại hội lần 5 của Hiệp Hội Thông Tín Viên Quốc Tế, được tổ chức tại nước Anh vào cuối năm 1968, ông đã chỉ trích gay gắt các phóng viên ngoại quốc, nhất là Tây phương và Hoa Kỳ, đã không còn giữ được sự vô tư, chính xác về cuộc chiến VN. Tất cả gần như hành động theo nhu cầu cạnh tranh và chính sách đối ngoại của quốc gia họ, phần lớn thiên về phía Bắc Việt. Cũng do hành động bẻ cong ngòi bút này, mà suốt cuộc chiến VN từ 1965 cho tới lúc người Mỹ rút quân bộ chiến về nước vào năm 1973, qua những loan báo tin tức chiến sự bừa bãi một cách trắng trợn, đã làm cho thế giới hiểu lầm rằng “Chỉ có quân Mỹ mới đánh giặc thực sự, còn QLVNCH thì hèn nhát bỏ chạy, nên phải bị mất nước về tay CS”..

Cái thành kiến bất công không lương thiện trên, tưởng đâu đã bị chôn vùi trong nấm mồ nhục nhã của người Mỹ, qua hậu chứng VN sau ngày 30-4-1975. Thế nhưng mới đây vào năm 2005, trong một buổi nói chuyện về sự tham chiến của Hoa Kỳ tại Iraq, John Mc.Cain, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa, kẻ đã ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2008 và đã rớt đài, vẫn ngang ngược tuyên bố bậy bạ rằng “Nam VN không bao giờ có một chính quyền hợp pháp tại Sài Gòn (South Vietnam never had a legitimate goverment in Saigon), còn Hồ Chí Minh là người Quốc Gia yêu nước.”. Tệ hơn là cả Tổng thống G.W.Bush và Bộ trưởng QP Donald Rumsfeld, khi trả lời những câu phỏng vấn của nhà báo O’ Reilly vào năm 2004, đều tuyên bố “Người Nam VN đã không chiến đấu (The South Vietnammese did not fight )”. Sự thật những người Mỹ trên, đều biết mình ăn nói bừa bãi, dối trá không đúng sự thật. Nhưng vì đang lúc cần biện minh, trước dư luận chống đối trong và ngoài nước, việc quân Mỹ đang tham chiến tại Iraq, nên vẫn cứ nói những điều không đáng nói, nhất là sự thật của cuộc chiến VN, ngày nay đã bị phanh phui lột trần. Sau ngày 7-11-2006, Rumsfeld từ chức Bộ trưởng QP, và đã được David Gate thay thế, vì sự thất bại của chính sách quân sự Mỹ tại Iraq, do chính đương sự dàn dựng.

1- Siêu cường Mỹ hãnh diện về sự loan tin bừa bãi của báo chí, truyền hình suốt cuộc chiến VN:

Ngày nay cả thế giới đều biết rõ, sự thất bại của người Mỹ khi tham chiến tại Nam VN, không phải ở chiến trường, mà do ảnh hưởng tai hại của báo chí Mỹ gây ra. Mở đầu cho những lời sám hối của một số nhà báo Tây phương và Mỹ, trước hằng triệu oan hồn tử sĩ của ba nước Ðông Dương, đã bị Cộng Sản sát hại, sau khi cưỡng chiếm được toàn vùng, qua sự góp miệng của cái gọi là truyền thông, truyền hình, báo chí. Năm 1980, Kenneth Crawford bình luận gia của tuần báo Newsweek, là kẻ cầm bút đầu tiên thẳng thắn xác nhận rằng “Chiến tranh VN là cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử Mỹ, có nền báo chí hầu hết đều thân thiện hay đứng hẳn về phía kẻ thù của chính tổ quốc mình”.Cựu Tổng thống Nixon cũng đã ghi nhận sư kiện bi thảm trên, trong tác phẩm The Real War. Theo ông, chính sự bẻ cong ngòi bút này, mà những chiến thắng lớn của Quân lực Mỹ và VNCH trước Cộng sản Bắc Việt khắp các mặt trận, từ cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân (1968), Cuộc Hành Quân Vượt Biên Sang Kampuchia (1970), Hạ Lào (1971), Mùa Hè Ðỏ Lửa (1972).. đã biến thành đại bại. Còn VNCH ngăn chống quân xâm lăng Bắc Việt, để tự vệ và bảo toàn đất nước, tài sản và sinh mạng của mình, thì bị tố cáo là đánh giặc thuê cho Mỹ. Trong lúc đó, Hồ và đảng CS, làm tay sai cho Nga-Tàu, gây nên cảnh đạn bom lửa loạn, tàn ác dã man, sát hại đồng bào, thì lại được đề cao bưng bợ, qua danh từ “giải phóng”.

Lạ lùng hơn hết, là lúc nước Mỹ đang có chiến tranh với Bắc Việt, thì nữ tài tử Jane Fonda cùng với cựu bộ trưởng tư pháp Mỹ Ramsay Clark tới Hà Nội, công khai chửi bới và lăng nhục những người lính và cả tổ quốc mình. Vậy mà lúc trở về nước, cả hai vẫn được báo chí ca tụng hết lời, chẳng khác nào những nam nữ anh hùng đang lập được một chiến công hiển hách cho dân tộc Hoa Kỳ. Tết Mậu Thân (1968), Cộng sản Bắc Việt và Việt Cộng, Việt gian nằm vùng tại địa phương, đã tàn sát dã man đồng bào Nam VN khắp chốn nhưng kinh khiếp nhất là tại cố đô Huế. Vì hầu hết các phóng viên Tây phương và Mỹ thuộc thành phần phản chiến, lại bị cộng sản đầu độc tuyên truyền, nên chẳng mấy ai quan tâm tới thảm sát tại Huế. Họa hoằn lắm mới thấy được bản tin chiến sự của Peter Braestrup, trưởng văn phòng báo Washington Post. Sau đó thêm George McArthur của hãng thông tấn AP.. nhưng những bản tin này đâu khác gì “tin xe cán chó”, nên chỉ được cho đăng ở trang trong của tờ báo.. Bi hài hơn, là sự kiện truyền thông báo chí Tây Phương và Hoa Kỳ, đã coi cuộc tấn công của Bắc Việt khắp lãnh thổ Nam VN trong dịp Tết Mậu Thân (1968), như là một cơ hội vàng ròng, để khai thác tuyên truyền những chiến thắng của CS lúc đầu tại một vài nơi, đồng thời bôi bác QLVNCH là hèn kém, không chịu chiến đấu. Lại lên án sự tàn bạo dã man của quân Mỹ, đã dùng bom đạn cầy phá những tỉnh thị đông người.

Ðể thu hút sự chú ý của công luận thế giới, tất cả các thông tín viên quốc tế và hệ thống truyền hình cũng như tờ Newsweek Mỹ, được lệnh thâu góp tin tức, hình ảnh liên quan tới mọi nơi chốn đã xảy ra chiến cuộc, do bom đạn tàn phá, rồi đổ hết tội cho người Mỹ gây ra. Trong khi đó, chẳng ai thèm nói tới nguyên nhân vì sao có thảm họa này, kể cả sự khủng bố, chém giết, chôn sống đồng bào Huế của VC.

Paul A.Gigot, một bỉnh bút về điểm sách tại Mỹ, vào tháng 7 năm 1979 đã công khai vạch mặt David Halberstam, ngay lúc hắn ra mắt quyển “The Power That Be”, khi đặt câu hỏi về lý do “những người VN liều chết bỏ nước ra đi” tìm tự do sau ngày 30-4-1975. Ðây là tên nhà báo bất lương hung hăng nhất của Mỹ, lúc nào cũng mù quáng ca tụng cuộc xâm lăng của Bắc Việt như một hành động thần thánh. Hắn cũng là người loan tin thất thiệt về trận tết Mậu Thân, làm cho người Mỹ xấu hổ vì tưởng mình đã thua VC, nên sinh ra bất mãn và muốn rút quân về nước.

Gần suốt cuộc chiến VN, ta thấy hầu hết các phóng viên ngoại quốc luôn loan tin thất thiệt, có nhận định theo thiên kiến và đã đối xử bất công với VNCH.. bởi vì họ tới VN bằng con đường độc đạo không lối thoát, lại còn mang nặng tư tưởng phản chiến và sự nhồi nhét luận điệu tuyên truyền của Quốc tế Cộng Sản (QTCS) trong óc-tim. Hơn nữa phần lớn các phóng viên tới VN để săn tin chiến trường, chẳng có bao nhiêu người có cơ hội hay đủ can đảm theo các đơn vị hành quân tại mặt trận. Do trên, để có tin gửi về, đã phải dựa theo những tài liệu, được diễn dịch từ các cố vấn Mỹ hay theo các cánh quân Hoa Kỳ. Trước năm 1973, những thông tín viên ngoại quốc nào được MACV cấp cho chiếc thẻ nhà báo, coi như đã trúng số độc đắc. Thời gian đó, phương tiện chuyển vận của quân lực Mỹ tại VN rất hùng hậu, thuận tiện nhất là trực thăng có thể đi tới mặt trận nào cũng được. Còn QLVNCH thì thiếu thốn đủ mọi thứ, hơn nữa trong đầu óc của các phóng viên ngoại quốc, đã sẵn thành kiến “Lính VNCH đâu chịu chiến đấu”, vì vậy có theo cũng chẳng thu được tin tức gì..

Cũng có ít người gan dạ theo lính ra tới mặt trận, đến khi chạm mặt với thực tế vài lần, đầy khó khăn nguy hiểm cùng cái chết lúc nào cũng chực chờ, bởi vậy đã quay về săn tin qua người Mỹ. Hơn nữa các phóng viên khi được lệnh tới công tác tại Nam VN, họ đâu có thực quyền để viết ghi theo ý mình, mà phải làm theo chỉ thị của cơ quan, đã hướng dẫn sẵn tầm mắt, sự suy nghĩ, cảm nhận.. làm sao để khỏi bị trật đường rầy. Ðó là tự do ngôn luận của nền báo chí Âu-Mỹ, được dàn dựng từ đài phát thanh BBC Luân Ðôn, VOA Hoa Thịnh Ðốn, cho tới các hãng thông tấn AP,UPI, AFP cũng như các hãng truyền hình CBS,NBC, ABC.. tất cả đều không có được cái nhìn trung thực, vô tư về cuộc chiến VN vừa qua.

Năm 1971 Mỹ bắt đầu cuộc triệt thoái khỏi VN. Ðể được thêm một nhiệm kỳ tổng thống, Nixon và Kissinger lại tìm đủ mọi cách, đẩy QLVNCH vào tử địa tại vùng rừng núi hiểm trở của Hạ Lào, đày đọa thân xác của người lính trận suốt 45 ngày đêm không ngừng nghỉ, dưới mưa bom đạn pháo, đã khiến cho hằng ngàn mạng người lá rụng, trước những thứ vũ khí tối tân của Nga-Tàu đã viện trợ cho VC.

Nhưng dầu bị đẩy tới một chiến trường xa lạ, vùng căn cứ địa kiên cố lâu đời của Bắc Việt, tài liệu mật cuộc hành quân lại được báo trước cho Hà Nội, nên giặc đã giăng sẵn thiên la địa võng bằng đủ mọi thứ khí giới tối tân nhất lúc đó, để tận diệt QLVNCH. Tuy vậy, những đơn vị Dù, TQLC, BĐQ, Thiết Giáp, Pháo Binh, Công Binh và SĐ1BB, đã anh dũng chiến đấu đến giờ phút cuối cùng, tới lúc đã đạt được mục đích phá hủy gần như toàn diện những kho tàng, căn cứ của Bắc Việt tại Hạ Lào, mới rút quân về nước.

Nỗi bi thiết tận cùng của người lính Nam VN không có bút mực nào có thể diễn tả cho hết được. Ðó là sự chết chóc, banh thây mất xác tại chiến trường, còn có thêm sự hận nhục, khi bị báo chí truyền hình Tây Phương và Mỹ, dựng đứng và ngụy tạo những hình ảnh xuyên tạc tồi tệ của người lính VNCH, trên báo chí và truyền hình. Nhiều thảm kịch của “thân phận người lính VNCH” tại mặt trận quá phũ phàng, đã làm kinh hoàng hậu phương, ngoại trừ “những trái tim thú vật” đang núp lén đâu đó để chực đâm hùa. Suốt 45 ngày đêm tại chiến trường Hạ Lào, hầu hết các đơn vị QLVNCH phải chiến đấu trong đơn độc, không yểm trợ, tải thương, tiếp tế.. nhưng đã chiến đấu tới phút cuối cùng bị giặc tràn ngập giết chết hay tự sát. Ðó là căn cứ hỏa lực 31 của Lữ đoàn 3 Nhảy dù, nơi Ðại Uý Nguyễn Văn Ðương, Pháo đội trưởng thuộc TÐ3PB Dù, đã dùng khẩu đại bác cuối cùng trực xạ vào xe tăng Bắc Việt, rồi tự vẫn. Ðó là những người lính của Tiểu đoàn 21, 39 Biệt Ðộng Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Sư Ðoàn 1 Bộ Binh.. chiến đấu tới nỗi, đã phải lật xác bạn thù để tìm súng đạn tiếp tục chiến đấu. Ðây cũng là lần đầu tiên trong cuộc chiến VN, tử thi của người lính đành bỏ lại với núi rừng, khi những người còn sống sót bắt buộc phải triệt thoái lui quân. Chiến đấu đến nỗi quân số 432 người của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 1, SÐ1BB chết hết các cấp chỉ huy sau 11 ngày tử chiến tại căn cư Lolo. Ðến khi may mắn được máy bay Mỹ cứu về Khe Sanh, lúc đó chỉ còn 63 người, cấp bậc cao nhất là Trung sĩ. Ai cũng đều mang thương tích trầm trọng, mặt mày hốc hác vì không ngủ thiếu ăn, quần áo đẫm đầy máu đất, không nón, không giầy, không vũ khí.. Vậy mà họ đâu có được yên ổn, vì bọn nhà báo Tây Phương và Mỹ đã ùa tới chụp hình, rồi ghi vào đó “Ðây là lính VNCH hèn nhát bỏ chạy, không chịu chiến đấu, được máy bay Mỹ cứu về”.Với quân đội Mỹ, bọn nhà báo cũng không tha, cả lũ diều hâu nằm chực tại Khe Sanh hay Lao Bảo, rình rập những phi hành đoàn trực thăng bị thương tích từ mặt trận trở về, chụp hình, quay phim, lên báo để bêu xấu. Cũng may còn có hai ký giả John Saar (Anh) và Okamura (Nhật), đã theo các đơn vị QLVNCH tại Hạ Lào, còn chút lương tâm và sự công bằng tối thiểu của người làm báo, nên đã ghi lại những sự thật tàn nhẫn và phủ phàng thảm tuyệt của người lính trận miền Nam, từ người bị trọng thương cho tới các xác chết bất động.

Hai cảnh đời trái ngược, không ai còn bút mực nào để vẽ, viết hay nói lên cho trọn vẹn trong lúc tại Khe Sanh, Quảng Trị, Huế, Ðà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn.. máy bay trực thăng đủ loại của Không quân Mỹ-Việt, lên xuống không ngừng, để tải thương binh và tử thi của lính, từ mặt trận về. Xác chết nào cũng đã sình thối, được gói ghém vội vã trong các bao tải hay poncho, để lộ đôi chân không bết đầy bùn đất. Thương vong quá nhiều, nên tất cả các Quân và Dân Y Viện đầy nghẹt, khiến không đủ giường để chữa trị, vì vậy nhiều thương binh phải nằm trên băng ca dọc theo hành lang. Phố phường, làng xóm cả nước như òa chết trong tiếng khóc của những gia đình có con cái, thân thuộc.. ra đi không trở về. Cảnh tang tóc càng thêm đứt ruột, qua những chiếc khăn tang trắng còn thơm mùi vải, vừa được chít trên những mái đầu xanh của các cô nhi quả phụ.

Trong lúc đó, cũng tại những địa danh đẵm đầy máu lệ Huế, Ðà Nẵng, Sài Gòn.. có nhiều người đang biểu tình, nhìn từng khuôn mặt, dù có tóc hay không, nam và nữ, ai nấy đều no tròn trắng mập, chứng tỏ họ đã sống rất là đầy đủ, sung sướng, hạnh phúc, giữa xã hội Miền Nam máu lửa ngập tràn, dân đen đói cơm thiếu áo, nhất là vợ con lính nheo nhóc với lương tháng, không bằng đĩ điếm me Mẽo sau một trận cười. Những nguời này xuất hiện giữa đám đông, không phải để cùng chia sớt phần nào nỗi đau bất hạnh của thân phận lính. Họ cũng không tới để tố cáo tội ác diệt chủng và xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt. Tóm lại họ tụ tập biểu tình để tố cáo Chính phủ đã tổ chức gian lận bầu cử, để Nguyễn Văn Thiệu và Trần Văn Hương đắc cử Tổng Thống. Dữ dội hơn là cảnh phục kích ám sát Mỹ, đốt xe cộ, cơ sở ngoại quốc. Tất cả cũng chỉ với mục đích: “Tạo thêm nguyên cớ, để phong trào phản chiến đang lên cao nhất tại Mỹ, bắt chính phủ rút hết quân về nước”. Có vậy, Dương Văn Minh mới được làm Tổng Thống, để ra lệnh đầu hàng. Ngày 29-3-1972, ngay lúc Bắc Việt mở màn cuộc tổng tấn công VNCH trong mùa hè đỏ lửa, thì cũng là thời gian đạo quân báo chí ngoại quốc, từ bốn phương trời kéo tới Nam VN để chờ tin QLVNCH bị CS Bắc Việt đánh bại. Số trên, đông tới 600 người, tập trung tại Sài Gòn, Huế và Ðà Nẵng, ngự trong các khách sạn sang trọng Continental và Caravelle (SG), Hương Giang (Huế). Chứng kiến cảnh lúc nhúc của bọn phóng viên nhà báo này, Bourgine chủ bút tờ Valeur Actuelles (Pháp), đã trào phúng ví von, gọi đó là “lũ kên kên người”, đang chờ hút máu và rỉa thịt xác chết VN. Là một ký giả chiến trường, từng nhảy xuống lòng chảo Ðiện Biên Phủ trước năm 1954, sau đó đã lăn lộn nhiều năm khắp bốn vùng chiến thuật. Tại Mặt Trận An Lộc, Bourgine đã viết gởi về cho tòa soạn tại Ba Lê, một bài phê bình như sau “những bài viết của các ký giả ngoại quốc đặc biệt là Mỹ, đang mặc sức tung hoành tại Nam VN, đã nói lên cái tư cách của những con chó” người “ăn xác chết và bầy kên kên rình rập kiếm tử thi lính VNCH”..Nhưng không may mắn cho đoàn âm binh, vì sau đó Cộng Sản Bắc Việt đã đại bại tại các Mặt Trận Quảng Trị, Kon Tum, Bình Ðịnh, An Lộc.. nên chúng đã tự động giải tán, số lớn về nước do chẳng còn đề tài gì hấp dẫn để viết về VN, ngoài sự đại bại của Bắc Việt.

Một phóng viên chiến trường khác là Mermez, đã có mặt tại VN ngay từ khi mở màn cuộc đại chiến “Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972”. Ông đã theo các đơn vị QLVNCH vào Kon Tum, An Lộc và nhiều tiền đồn hẻo lánh của Nghĩa Quân tại Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tại Sài Gòn, ông sống một mình trong xóm nhỏ của người dân lao động nghèo nàn. Ông viết “Người lính VNCH gan dạ và liều lĩnh tới mức ai cũng phải sợ, nhất là lính Nghĩa Quân và Cán Bộ Bình Ðịnh Xây Dựng Nông Thôn”. Họ đâu có coi VC ra gì. Riêng dân chúng Miền Nam, hầu hết đều thù ghét Cộng Sản ra mặt, cũng vì chúng, mà người dân nông thôn phải tan nhà nát cửa.Riêng ký giả Bernard Ulmann của tờ Observateur, tuy chỉ mới tới VN lần đầu nhưng sau khi thăm làng quê An Tánh của Nguyễn Thị Bình tại Kiến Hòa. Ông đã viết trên báo xác nhận rằng Miền Nam VN nhất lại Vùng 4 Chiến thuật, nhiều nơi kể cả Bến Tre, dân chúng sống trong cảnh thanh bình. Ðặc biệt hầu hét đều thù ghét VC.

Bi thảm quá, trong khi tại các mặt trận lớn đang rực lửa bom, nhất là An Lộc suốt 80 ngày, đồng bào và QLVNCH bị Cộng Sản Bắc Việt vây hãm, dưới trời mưa pháo, có ngày lên tới 7500 trái, đã làm cho 2500 dân lính chết, nhiều ngàn người khác bị thương nặng. Tại Quảng Trị, Kon Tum, Bình Ðịnh.. đâu đâu cũng tràn ngập xác người lánh nạn, nhất là trên đoạn đường từ Hải Lăng về Mỹ Chánh, khiến cho sau này các sử gia đã gọi đó “Ðại lộ kinh hoàng”. Ngày 9-5-1972, sau khi Quảng Trị bị thất thủ 5 ngày, Chính phủ VNCH ban hành lệnh “Tổ Quốc Lâm Nguy” ra lệnh Thiết Quân Luật trên toàn quốc. Ngày 28-6-1972, Lưỡng Viện Quốc Hội ban hành Luật Ủy Quyền, cho phép Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu được toàn quyền trong lúc đất nước có chiến tranh.

Ðây là một việc rất bình thường ở đâu cũng có. Nước Mỹ cũng đã từng nhiều lần ban hành chính sách “quân dịch” cho tới năm 1973 mới bãi bỏ. Vậy mà tại VNCH lúc đó, lại có một số người biểu tình chống đối, xuống đường bãi công... trong khi quân Bắc Việt sắp vào tới Sài Gòn, vì Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH lúc đó, thật sự đã tung hết các lực lượng Tổng Trừ Bị như Sư Ðoàn Dù, SĐ.TQLC, Biệt Kích Dù, Biệt Ðộng Quân, thậm chí phải tăng phái cả SÐ21BB và một phần của SÐ9BB.. vào các mặt trận.. Góp phần trong bữa tiệc máu của Dân-Lính Miền Nam, là miệng lưỡi lắc léo, ngòi bút bẻ cong, trái tim thú vật.. của bọn người tự xưng là yêu nước nhưng thực chất chỉ là đám người vô ý thức, đang góp mặt trên các tờ báo, làm tay sai và công cụ tuyên truyền của QTCS gồm tờ Ðiện Tín,Tin Ðiện, Tia Sáng, Thần Chung, Ðối Diện..

Vì sự sống còn của đất nước và dân tộc, hơn nữa không thể để cho bọn hoạt đầu chính trị, đám văn nô nằm vùng, lợi dụng sự lâm nguy của chính phủ, để đâm sau lưng hằng triệu người Lính, đang xả thân nơi chiến trường. Bởi vậy Tổng Thống Thiệu và Chính Phủ, đã bó buộc phải ban hành Sắc Lệnh 007 ngày 4-8-1972, coi như một đạo luật báo chí thời chiến tranh. Ðặc điểm của luật trên là bắt báo tư nhân phải ký quỹ 20 triệu, còn bao đảng phải chỉ phải đóng một nửa.Ngoài ra siết chặt hệ thống kiểm duyệt báo chí, bắt và truy tố những ai vi phạm nền an ninh Quốc Gia, đưa ra Tòa Án Mặt Trận xét xử.

Sáng ngày 10-10-1974, tại Sài Gòn có chừng 300 người, tự xưng là “ký giả đi ăn mày”. Cầm đầu có Vũ Hạnh, Sơn Nam, Kiên Giang Hà Huy Hà.. cùng cặp kè với Hồ Ngọc Nhuận, Lý Chánh Trung, Ngô Công Ðức.. đòi bãi bỏ sắc lệnh 007 báo chí và bắt Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức, để lập chính phủ mới “hòa hợp hòa giài hòa bình”. Ăn ké trong chiến dịch trên, còn có 100 nhà báo ngoại quốc, được dịp quay phim chụp ảnh, từ những căn phòng sang trọng tại khách sạn Caravelle.. để tiếp tục bán đứng VNCH.

Sau ngày mất nước, nhờ báo chí VC ca tụng, dân đen dưới xóm, mới biết vụ “ký giả đi ăn mày dỏm” được Bắc Việt dàn dựng, để cho những tên trí thức phản tặc, trong số này không ít lính tham dự, có dịp lập công với đảng, trong sứ mệnh “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”.Còn Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch bù nhìn của Mặt Trận Ma GPMN trong chuyến thăm viếng Mạc Tư Khoa vào tháng 5-1975, đã hãnh diện tuyên bố “Ðánh chiếm được Miền Nam VN, là công lớn của báo chí và phóng viên ngoại quốc, trong đó có Hoa Kỳ”. Nhà báo Allan Brownfield, qua tác phẩm “How Media Bias Distorts Our View of the World” đã khẳng định rằng, chính báo chí Tây Phương trong đó có Hoa Kỳ, vì mù quáng đã giúp cho Mao Trạch Ðông và Fidel Castro, đạt được chiến thắng mau lẹ tại Trung Hoa lục địa và Cu Ba. Chính hậu chứng trên, đã làm cho người Mỹ lạc lối trong cuộc chiến VN, vì bị báo chí tuyên truyền rằng Hồ Chí Minh là người yêu nước và cuộc chiến tại Nam VN là nội chiến, chứ không phải bị Bắc Việt xâm lăng. Tóm lại chính hệ thống truyền thông Mỹ, đã bị điệp viên CS cùng với các nhóm phản chiến làm mù mắt, nên đã phổ biến những nguồn tin hoàn toàn sai sự thật. Một trong những bằng chứng điển hình là trận Tết Mậu Thân (1968), theo Trương Như Tảng cho biết, VC hoàn toàn bị thảm bại nhưng nhờ báo chi Mỹ phản tuyên truyền, nên trở thành chiến thắng huy hoàng. Trái lại các sử gia đã ghi chép một cách trung thực rằng Cộng sản Hà Nội, đã thụt lùi về quân sự, sau thảm bại nặng nề trên khắp chiến trường. Theo Arnaud de Borchgrave, một biên tập viên kỳ cựu của tờ Newsweek và chủ bút tờ The Washington Times, qua kinh nghiệm làm báo, cũng đã kết luận rằng “chính sự thông tin chống Mỹ và đầu óc phản chiến của Tây Phương, đã giúp Cộng Sản Bắc Việt toàn thắng tại VN. Riêng nhà báo Pháp Jean Lacouture, một kẻ sùng bái Hồ Chí Minh và VC như thần thánh nhưng đã tỉnh ngộ sau năm 1975”, viết: Từ 1960-1969, chính báo chí Tây Phương và Mỹ đã tuyên truyền, khiến dư luận thế giới, kể cả các nước tự do, đều tin là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là tổ chức chính trị độc lập của Nam VN chống lại chính quyền Sài Gòn. Tệ nhất là tôi đã biết rõ bộ mặt thật của CS Hà Nội nhưng đã cố tình giấu giếm mọi người. Tình trạng này cũng đã xảy ra với các đồng nghiệp Mỹ phản chiến của Tờ The New York Times như Anthony Lewis, Harrison Salisbury, Tom Wicker.. Trong cuốn phim “Ha Noi Hilton” do Hollywood sản xuất, ngoài những hình ảnh thật về cảnh hành hạ tra tấn dã man của Bắc Việt đối với tù binh Mỹ, còn ghi nhận một sự kiện lịch sử. Ðó là việc CS đã chế giễu Hoa Kỳ “Chúng tôi không thắng tại chiến trường nhưng nhờ truyền thông Mỹ đã giúp, nên đạt được thành quả cuối cùng tại Hoa Thịnh Ðốn”. Lê Duẩn trong ngày Sài Gòn thất thủ, đã gửi lời cám ơn đoàn quân ký giả và đảng CS Hoa Kỳ, đã giúp Bắc Việt chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lăng VN.

Cũng vì vậy mà ngày nay trong giòng lịch sử lập quốc của Hoa Kỳ, đã có thêm một trang đặc biệt để đời mà chắc ai cũng phải nhớ. Ðó là lần đầu tiên Mỹ thua trận, không phải do kẻ thù gây ra, mà chính giới truyền thông của nước mình, đã đâm sau lưng người lính tận tuyệt.. Nhưng nhức nhối hơn, có lẽ là bài viết của một cựu chiến binh Mỹ, đăng trên tờ Los Angeles Times ngày 27-4-1980 “Khi tháo chạy khỏi Nam VN, chẳng những chúng ta đã mang tiếng thua trận, phản bội đồng minh, mà còn đánh mất hết linh hồn của Mỹ Quốc”.

2- Truyền Thông Tây Phương Và Hoa Kỳ Sau Cuộc Chiến VN, Vẫn Xuyên Tạc Sự Thật:

Trước sự sụp đổ nhanh chóng và vô lý của Nam VN không phải tại chiến trường, mà ngay ở các thành phố lớn Ba Lê, Hoa Thịnh Ðốn, New York, Luân Ðôn, La Mã, Huế-Ðà Nẵng và Sài Gòn, khiến cho nhiều trí thức ngoại quốc, đã phẫn nộ và bày tỏ thái độ khinh miệt, đối với một số người trong cũng như ngoài nước, một thời lợi dụng tự do, dân chủ và nghề nghiệp, để bẻ cong ngòi bút, xuyên tạc sự thật, phỉ báng đồng bào và quân đội Nam VN với mục đích đầu độc dư luận thế giới, giúp Bắc Việt cưỡng chiếm VNCH. Ðề tài quen thuộc, được một số báo chí Hoa Kỳ và Tây Phương viết lách, đem lên truyền thanh truyền hình, đó là người lính VNCH hèn nhát không chịu chiến đấu nên bị mất tự do và bị người Mỹ khinh miệt nên bỏ rơi không thèm giúp.

Hai câu hỏi trên cách đây vài chục năm được bịa chuyện là có, nhưng bây giờ sự thật đã xác nhận “KHÔNG”. Hoa Kỳ khi tới chiến đấu tại Nam VN, có đủ phương tiện tinh thần cũng như vật chất, vẫn nhiều lần bị thương vong, bại nhục., vẫn không thiếu những binh sĩ đào ngũ, bỏ chạy khi trận địa hỗn loạn, vẫn có tham nhũng và chính cựu TT. Bill Clinton, vì hèn nhát nên đã trốn quân dịch pháp định. QLVNCH chỉ mới được thành lập, là một quân đội nghèo nhất trên thế giới, bị chiến đấu trong một cuộc chiến không có giới hạn chiến trường, hậu phương, bạn địch. Thế nhưng những người lính nghèo đó, mà lương năm cộng với tiền tử tuất, phế tật, không bằng một cuốc rượu của những ca ve, me Mỹ.. vậy mà họ vẫn một đời đem máu đào xương trắng, phụng sự chính nghĩa, bảo vệ màu cờ, sắc áo và từng sinh mạng của người dân, kể cả những tên ký sinh vô loại ở hậu phương, cũng như tất đất của quê hương.

QLVNCH là sinh mạng của muôn người, nên khi thiếu vắng hay không còn họ, mạng người Nam VN lá rụng, đã gục ngã tại Mậu Thân Huế-Sài Gòn, trên các đại lộ kinh hoàng quốc lộ 1, Kontum, An Lộc mùa hè đổ máu và sau rốt là cùng nhau chết tập thể vào ngày 30-4-1975. Như sử gia Edward S.Creasy viết trong tác phẩm nổi tiếng “Fifteen Decisive Battle Of The World” năm 1851 “Tầm quan trọng của một cuộc chiến, là những gì ta có hôm nay, đối với người thắng cũng như kẻ bại”.Thật vậy, những gì đã xảy ra tại Nam VN, sau 30 năm bị cộng sản cưỡng chiếm, đã đủ trả lời về tấn thảm kịch của VN, mà lần nữa Robert S.McNamara, cựu bộ trưởng QP. Thời TT Kenedy, đã giải thích một chiều, trong hồi ký của mình “In Retrospect-The Tragedy and Lesson of VN”.

Nhưng không phải tất cả người Mỹ đều mù quáng và tin tưởng vào truyền thông báo chí lúc đó. Chính những giờ phút cuối cùng, nhìn cảnh đời bi thảm của phận lính bọt bèo Nam VN trên màn ảnh, tờ The New York Times Service, đã thay thế người nhược tiểu, giận dữ tố cáo chính quyền Mỹ là hèn nhát, bỏ đồng minh tháo chạy về nước trước sự tấn công của VC. Họ cũng nêu đích danh Henry Kissinger là kẻ bán đứng VNCH cho VC khi bắt ép họ ký vào bản hiệp ước giả mạo 1973, sau đó tàn nhẫn cúp viện trợ, phủi tay đứng nhìn miền Nam sụp đổ, dù đã cam kết trước là sẽ can thiệp nếu Bắc Việt phản bội.

Không có gì tồn tại với thời gian, trừ chân lý. Vì vậy những câu chuyện hề của Henry Winston, chủ tịch đảng cộng sản Mỹ, đem diễn tại Hà Nội vào tháng 5-1975, hay lời tuyên bố vung vít của Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch bù nhìn của Mặt Trận Ma giải phóng, tại Mạc Tư Khoa, ngay khi Sài Gòn thất thủ: “cám ơn báo chí và ký giả Tây Phương, đã góp phần lớn cho chiến thắng của Hà Nội, trong số này đáng kể là người Mỹ”.

Ðây là tất cả sự thật, vừa được một cựu chiến binh Không Quân Hoa Kỳ là Harry H.Noyes, thay mặt những người lính VNCH, qua tác phẩm “Heroic Allies” nói lên vinh quang và sự hãnh diện của một quân lực, từ lâu đã bị bọn trí thức vô liêm sỉ, tước đoạt một cách hèn hạ, bất nhơn và vô nhân đạo. Sự tuyên truyền lố lăng và cuồng ngạo của Hà Nội cùng những mặt mo bưng bợ, làm cho thiên hạ năm châu chán ghét, sau khi cái thây ma VNCH chỉ còn trơ lại bộ xương gầy đét, không còn gì để cho Huỳnh Liên, Ngô Bá Thành, Huỳnh Tấn Mẫm, Chân Tín và một số quạ đen, diều hâu, bu tới rỉa rói như lúc chợ còn đông khứa.

Trong tài liệu đặc biệt “How Media Bias Distorts Our View of the World” của ký giả Allan Brownnfiels, nói rằng vì hầu hết giới truyền thông Tây Phương, quá mù quáng, ca tụng một chiều về Mao Trạch Ðông và Fidel Castro, trong lúc thẳng tay sỉ nhục bôi lọ Tưởng Giới Thạch và chính phủ CuBa lúc đó, tuy vô tình nhưng đã làm cho cộng sản tại hai nước này chiến thắng mau lẹ. Bài học của lịch sử sau đó lại tái diễn ở Nam VN. Lần này do chính những thành phần được ưu tiên trang trọng trong xã hội lúc đó, là những công tử tiểu thư đài các của giới địa chủ, địa hào, thương gia, chủ vựa nước mắm, nhờ cha mẹ tổ tiên theo thực dân Pháp bốc lột đồng bào, nên có tiền, có thế, cho con trai, con gái qua Pháp, Mỹ du học thành luật sư, bác sỹ, giáo sư, những thành phần mà Hồ Chí Minh và đảng VC ở miền Bắc, chém giết và khinh bỉ tận tuyệt, sau khi được làm chủ nửa miền đất nước vào năm 1954. Nhờ cái mặt nạ trí thức và sự tự do quá trớn của Nam VN, những thành phần ăn chén đá bát này, luôn bẻ cong ngòi bút, làm cho thế giới tự do lầm lạc, nghĩ rằng giặc Cộng tại Nam VN là những người bình thường, yêu nước, nên nổi dậy chống lại sự độc tài tham nhũng của chế độ. Bài học “lỡ ngu làm hỏng cuộc đời” của Hồ Thu, Dương Quỳnh Hoa, Trương Như Tảng.. không biết tới bao giờ mới làm cho Nguyễn Thị Bình mở mắt để ăn năn sám hối, tạ tội với quốc dân, chuộc lại cái thanh danh của ông ngoại mình là Phan Chu Trinh, bị muộn phiền, vì có hai cháu ngoan “theo bác, phản quốc”. Tóm lại nhờ những trí thức này, mà VC nằm vùng sau ngày tập kết 1954, VC chính thống từ Miền Bắc xâm nhập, kể cả Tàu Cộng, Liên Xô, Cu Ba, Ðông Âu.. trong bộ đội Hà Nội đang chiến đấu tại Nam VN, đều không có dính líu tới Hồ và cộng sản đệ tam quốc tế. Sự độc ác trên, nhờ tuyên truyền ngay ở miền Nam và các mạng lưới quốc tế, khiến cho cuộc chiến chống xâm lăng cộng sản, của người Việt quốc gia Nam VN, mất đi cái ý nghĩa chính thống, làm cho Hoa Kỳ cũng gặp nhiều khó khăn khi sang chiến đấu bảo vệ tiền đồn chống cộng ở Ðông Nam Á. Rốt cục, cả Mỹ lẫn Việt đều đại bại trước mặt trận thông tin ca ngợi VC, của báo chí, truyền thông ngoại quốc và ngay trong nước.

Từ năm 1965, Hoa Kỳ bắt đầu đổ quân dồn dập vào Nam VN, cũng là thời kỳ lửa máu dồn dập ở hậu phương. Ðây cũng là thời kỳ ăn nên làm ra, của những thông tín viên, ký giả ngoại quốc, qua những bài tường thuật, có kèm hình ảnh, không phải để phổ biến những sự thật, mà chỉ để tuyên truyền một chiều, nhằm bôi lọ những quân đội, đang trực diện với cộng sản Bắc Việt, trên chiến trường Nam VN. Có thể nói bài phóng sự chiến trường đầu tiên, của thông tín viên đài CBS tên Morley Safer, viết về cuộc hành quân của một đơn vị TQLC Mỹ, tại một làng xôi đậu, đã trở thành những mẫu thông tin “ăn khách”, theo đơn đặt hàng của thị trường Mỹ và Tây Phương lúc đó. Cũng nhờ báo chí phản tuyên truyền, Tết Mậu Thân 1968, VC chết thảm khắp nơi, đã thành chiến thắng, chiếm được ngay cả Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Sài Gòn. Tàn nhẫn và đáng khinh tởm nhất, là báo chí Tây Phương, trong suốt cuộc chiến Nam VN, đã không hề một chữ tường thuật những hành vi khủng bố, giết người tàn bạo của VC trong trận Mậu Thân 1968 tại Huế, năm 1972 và những ngày di tản máu lửa hận hờn.

Chiến cuộc VN đã kết thúc hơn 37 năm, nhưng nhiều người Phi Châu và các nước thứ ba như Bhutan, Panama.. làm như đang ngủ ở trên mây, vì họ mù tịt chuyện VN, do thiếu tin tức, kể cả câu chuyện VC làm xếp chúa cả nước sau ngày 30-4-1975 cũng không hề biết tới.

Nhưng giới truyền thông Tây Phương và Hoa Kỳ thì khác, bởi vì chuyện gì có liên quan tới CS Việt Nam, họ hầu như đều biết hết. Thế nhưng tới nay, nhiều người vẫn chứng nào tật nấy, làm như không biết gì hết về các bí mật của cuộc chiến VN, đã bị phanh phui, lột trần sự thật. Mấy chục năm qua, cứ đến ngày 30-4-1975 là dịp tốt để các đài truyền hình Mỹ, tung ra các loại phim tuyên truyền xuyên tạc cuộc chiến VN, được gọi là “tài liệu lịch sử”, đã làm cho 58.000 quân Mỹ và hơn 3 triệu người Ðông Dương thiệt mạng. Bỉ ổi nhất trong cái, được gọi là loại phim tài liệu lịch sử này. Ðó là bộ “Vietnam, a televised history” với nội dung hoàn toàn đề cao sự chiến thắng của CS Hà Nội, đồng thời tố cáo tội ác của Quân Lực Hoa Kỳ và VNCH trong chiến tranh. Phim được một cán bộ trai Bắc Việt thuyết minh, qua chữ nghĩa dựa theo tư tưởng Mao It. Nhưng đòn tuyên truyền này, đến nay đã lỗi thời, dù năm nào cũng được nhai lại, chỉ làm cho mọi người thêm ứa gan, vì ai cũng đã biết hết sự thật.

Hùa theo ăn có xác chết VN là những thành phần làm báo Mỹ từng liên hệ với cuộc chiến vừa qua. Mới đây tại hải ngoại, người Việt tị nạn đã lột mặt nạ ký giả Alan Dawson từng làm trưởng phòng hảng thông tấn UPI tại Sài Gòn trước 1975, vì đương sự đã viết sai nhiều sự thật trong hồi ký “55 days: The Fall of South VN”. Ðó là việc dựng câu chuyện trong trận Xuân Lộc vào tháng 4/1975, nói là trực thăng tới chở các đơn vị đang tham chiến về Sài Gòn, trong số này có cả Tư lệnh SĐ18BB là Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo. Lại viết là có 600 quân của Trung Ðoàn 43/SĐ18BB do Ðại Tá Lê Xuân Hiếu chỉ huy, tình nguyện ở lại Xuân Lộc. Trong khi đó, sự thật không có bất cứ một đơn vị nào được máy bay chở, kể cả Tướng Ðảo, vì cuộc lui quân bằng đường bộ. Chỉ có TĐ2/43/SĐ18BB của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế bị kẹt lại vì đóng quân quá xa tuyến lui quân, nhưng cuối cùng ông cũng đưa được đơn vị về Long Thành, tuy bị thiệt hại rất nặng.

Chưa hết, Alan Dawson còn dựng đứng câu chuyện, để vu khống Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh QÐ4 đã ra lệnh thủ tiêu Trung Tá Tỉnh trưởng Kiên Giang là Vương Văn Trổ, vì tội đào ngũ. Thật sự Trung Tá Trổ đã ở lại chiến đấu với đồng đội tới ngày 30-4-1975, sau đó đi tù 13 năm tận ngoài Bắc và mới sang Hoa Kỳ bằng diện HO năm 1993 tạm cư tại Houston, TX.

Những hành động bỉ ổi này, tới nay đâu có kết thúc. Bởi vậy, vào ngày 9-5-2005, tạp chí Newsweek Mỹ, tờ báo chuyên môn nói láo ăn tiền, nên chỉ mới dựa vào một nguồn tin không chắc chắn, để ngụy tạo một bài viết giựt gân cỡ “trận đánh cuối cùng không có đại bàng”, trong đó tố cáo một viên chức Mỹ, làm việc tại trại giam tù khủng bố ở Guantanamo Bay, đã quăng kinh Koran vào bồn cầu tiêu rồi dội nước. Việc loan tin vô trách nhiệm trên, đã gây nên sự phẫn nộ tại các nước theo đạo Hồi, sau đó biến thành bạo lực chống Mỹ, làm cho hàng chục người chết và nhiều người khác bị thương.

Trước sự kiện ghê tởm này, chẳng những đã gây chết người, mà còn làm tổn thương tới danh dự của Hoa Kỳ trước công luận thế giới. Thế nhưng tòa báo chỉ xin lỗi suông mà không chịu hủy bỏ bài viết bịa đặt trên, cho dù cả Ngoại trưởng Condoleezza Rice lẫn Phát Ngôn Viên Phủ Tổng Thống, đều lên tiếng cảnh báo sự kiện quốc tế nghiêm trọng này. Cuối cùng đến ngày 23-5-2005, trước tình trạng hỗn loạn chống Mỹ càng bộc phát, mạng người tiếp tục gãy đổ, chừng đó chủ bút tờ Newsweek mới chịu hủy bỏ bài báo đã đăng. Không thấy ai nói gì về trách nhiệm của sự loan tin bừa bãi này.

Tiếp tục biểu dương tự do ngôn luận, tự do phát biểu, tự do viết báo, nên ngày 20-9-2004, đài truyền hình CBS Mỹ, lại đem chuyện quân dịch của đương kim Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush, ra trước công luận để bôi bác xuyên tạc. Trước hành động quá đáng này, cơ quan hành pháp Mỹ, đã lên tiếng phản đối, vì cho rằng tài liệu vừa phổ biến, thiếu trung thực. Thấy bị lố, nên đài trên phải công bố về sự sai lầm và hứa sẽ điều tra nội vụ. Ðây không phải là lần đầu tiên đã xảy ra sự cố của nền báo chí và truyền thông Hoa Kỳ, chuyên môn loan tin thất thiệt, đã bắt nguồn từ thời chiến tranh VN, rồi trở thành thói quen tật xấu, hầu như không ai từ bỏ được.

Những vụ tai tiếng trên, đã khiến cho hệ thống truyền thanh truyền hình và báo chí Mỹ càng ngày càng xuống dốc, với hằng hằng những tin tức thất thiệt, qua các đài CNN, NBC, CBS cũng như các báo The New Work Times, USA Today, The Washington Post, The New Repuclic, The Los Angeles Times.. làm cho người dân không biết đâu mà mò.

Qua sự lộng hành càng ngày càng quá đáng của giới truyền thông, làm nhớ lại Peter Arnett, một phóng viên người Tân Tây Lan, lấy vợ VN có thân nhân tập kết, nên đầu óc đã bị nhuộm đỏ. Vì vậy khi làm việc cho hãng thông tấn AP, hắn chuyên môn viết bài ca tụng bộ đội Bắc Việt, công khai xuyên tạc quân lực Mỹ và VNCH, bằng những phóng sự chiến trường tuyên truyền một chiều. Arnett là tác nhân đã biến chiến thắng của quân Mỹ tại trận Núi Ấp Bia, thành đại bại. Lại còn đánh lận con đen, đảo lộn sự thật, khi diễn đạt danh từ “đồi Hambuger” do những quân Dù Mỹ tham dự trận đánh đó đặt ra, vì quá thương tâm, khi chứng kiến hơn 700 xác bộ đội Bắc Việt bị bom lửa biến thành đống thịt đỏ, bị đồng bọn bỏ lại chiến trường, lúc chém vè.

Trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, Arnett là phóng viên của hãng truyền hình CNN, là người ngoại quốc duy nhất được Sadam Hussein cho ở lại Bagdad để tường thuật tin tức thất thiệt, giúp Iraq chống Mỹ, khiến Tòa Bạch Ốc nổi giận muốn đưa hắn ra tòa án quân sự. Năm 2001, Peter Arnett mới bị đuổi ra khỏi CNN vì loan tin thất thiệt, trong cuộc bầu cử TT giữa G.Bush và Gore.

Tóm lại con người không ai có thể sống ngoài lịch sử, cho dù đó chỉ là những trang sử đẵm đầy máu lệ. Bởi vậy bất cứ ai cũng đều hãnh diện về những trang sử vẻ vang của dân tộc mình. Ðó mới chính là lý tưởng và sự chiến thắng sau cùng của cuộc chiến VN vừa qua