Hội nghị cấp cao “giải cứu” sân khấu Cải Lương tung hỏa mù


Sáng sớm ngày 23 tháng 3 năm 2018, tôi vô internet, đọc một tin liên quan đến sân khấu Cải Lương, tôi mừng húm vì phen này Cải Lương được những vị nghệ sĩ “có chức” khá to, ra tay tế độ cho cái nghệ thuật sân khấu cải lương mà từ năm 1950, tại Hội Nghị Văn Hóa ở Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã ra lịnh tiêu diệt vì cho Cải Lương là sản phẩm của giai cấp Tiểu tư sản.

Hội nghị “Giải Cứu Sân Khấu” được tổ chức tại Thành phố Tuyên Quang, hàng trăm nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, quản lý về nghệ thuật biểu diễn trên cà nước đang cùng chung sức tìm giải pháp đổi mới hoạt động, đưa sân khấu thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay. (Trích)

Chủ trì Hội Nghị Giải Cứu Cải Lương có Nghệ sĩ nhân dân – tiến sĩ Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ Sĩ Sân Khấu Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp Hội Sân Khấu quốc tế Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ văn hóa thể thao du lịch; các ông phó giáo sư
tiến sĩ Trần Trí Trắc, Phạm Duy Khuê, NSND Vũ Mạnh Hợp, Nghệ sĩ ưu tú Trần Minh Ngọc, chủ tịch Hội Nghệ Sĩ Sân Khấu TPHCM, Giám Đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức… hội nghị có 30 bài tham luận với chủ đề “Nâng cao chất lượng hoạt động Nghệ Thuật Sân Khấu trong thời kỳ mới”.

Trong hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra nguyên nhân làm cho sân khấu cải lương lâm vào khủng hoảng: Nội dung và hình thức lạc hậu, chậm phát triển so với hiện thực đang thay đổi nhanh theo đà phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều mâu thuẫn nảy sinh, xung đột giữa các thế giới mới… cũ trong khi đó sân khấu chỉ quanh quẩn với các đề tài về quá khứ lịch sử, về đời sống hằng ngày với những mâu thuẫn cá nhân vụn vặt, đời thường. Sân khấu xã hội hóa phía Nam chạy theo một bộ phận khán giả, biến sân khấu thành một bộ phận tiêu dùng, biến khán giả thành người thụ động, người chứng kiến những trò kinh dị, đồng tính, ma mị…(ngưng trích)

Đọc kết luận của Hội nghị Giải Cứu Sân Khấu Cải Lương mới thấy các ông quan chức nghệ sĩ miền Bắc kết tội nghệ sĩ miền Nam làm cho sân khấu cải lương rơi vào khủng hoảng.

Ông nguyên Thứ Trưởng Bộ VHTTTT, các ông phó giáo sư – tiến sĩ đang dạy trường Đại học Văn Hóa Văn Nghệ và các cán bộ lãnh đạo các đoàn hát đang dự Hội Nghị Giải Cứu Sân Khấu Cải Lương chắc phải hiểu rằng kết luận của Hội thảo nêu trên là bản án định tội Ban Tuyên Huấn thành ủy TP HCM và các Ban Tuyên Huấn của các đảng bộ ở các tỉnh miền Nam vì không có vở tuồng, kịch nào được cho dàn dựng và biểu diễn mà không có sự kiểm duyệt và cấp giấy phép cho hát của Ban Kiểm Duyệt thuộc Ban Tuyên Huấn của Cấp Ủy địa phương.

Người Saigon

Tôi còn nhớ Tết năm 2014. Nhà hát Trần Hữu Trang hát trong rạp Thủ Đô – Chợ Lớn 3 tuồng mới: “Hiu Hiu Gió Bấc”, “Hồn Ma Báo Oán”, “Mộng Hoa Vương”. Ba tuồng này nói về chuyện Hồn Ma báo oán, chuyện Mộng Hoa Vương đưa xác người yêu về cố quốc. Khán giả Sài gòn không muốn trong ngày Tết mà phải xem các tuồng hát ma quái, tuồng có chết chóc, họ sợ xui cả năm không đi xem nên đoàn Trần Hữu Trang hát vài xuất rồi dẹp.

Sân khấu kịch Phú Nhuận, rạp Kịch Idecaf, Kịch Thế Giới Trẻ, Kịch Công Nhân cũng hát những vở kịch ma, quỷ, có hồn ma hiện về trên sân khấu như kịch: “Điều ước của quỷ”, “Lục sắc”, Ma Ma Sư Phụ”, “Hồn Oan”, “Câu chuyện quỷ ở rừng xanh”, “Hồn anh xác em”…

Có 45 nhóm hài kịch tục tĩu, nhảm nhí được khuyến khích hoạt động để ru ngủ khán giả, hát vài chục tiểu phẩm hài về ma quái, mộng mị, khuyến khích dân chúng dị đoan, đến chùa cúng bái hay lên đồng cốt cầu Thánh Mẫu, Ngũ Nương Nương để quên đi thực tại đang bị Tàu Công lấn chiếm và nô lệ hóa.

Nếu không có Định Hướng Chính Trị khuyến khích các đoàn hát hát những tuồng ma quái, dị đoan thì có đoàn nào dám hát? Rạp hát nào dám cho hát các tuồng đó?

Gần đây, Tết năm 2018, theo định hướng chính trị của đảng CS, Thành Ủy TP HCM, Liên Hiệp các Hội Văn Học Nghệ Thuật của đảng bộ TP HCM đã đầu tư kinh phí và giao cho các đơn vị nghệ thuật của Nhà Nước thực hiện ba tác phẩm sân khấu: Kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 Nhà hát Trần Hữu Trang dựng vở “Bức chân dung huyền thoại”, đề cao tấm ảnh HCM nâng cao tinh thần cán binh VC xung phong diệt địch trong trận Mậu Thân 1968. Sân khấu Kịch dựng “Châu Về Hiệp Phố”, Đoàn ca kịch Thống Nhất Tiều – Quảng dựng vở: “Nghĩa Tình năm ấy Mậu Thân 1968” dựng chuyện một bà xẩm ở Chợ Lớn cứu một thương binh VC, giúp thuốc men, che giấu và len lỏi trong các con đường nhỏ trong xóm, đưa anh cán binh về với đơn vị để rút ra khỏi thành phố.

Cộng Sản rêu rao “Hòa hợp, hòa giải dân tộc” xóa bỏ hận thù, vậy mà sau 50 năm Tết Mậu Thân còn nhắc lại chuyện chúng vi phạm thỏa hiệp ngưng bắn nhân dịp Tết để xâm nhập vào các thành phố, giết người, cướp của. Thảm sát ở Huế có hơn năm ngàn người dân bị giết, tràn ngập oán thù mà VC muốn dùng các tuồng hát đó để thay đen đổi trắng, nói hơn năm ngàn thường dân bị chết là do bom pháo của Mỹ bắn chớ không phải do cán binh Việt Cộng bắt giết như nhiều nhân chứng sống sót đã tố cáo. Tuồng viết theo định hướng chính trị, dựng chuyện nói láo, dân chúng không xem hát là phải rồi!

Nguyên nhân thứ nhất khiến cho Cải Lương mất khán giả là sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hơn 50 soạn giả tài danh miền Nam bị cấm hành nghề 10 năm, số soạn giả trong chiến khu ra và ở miền Bắc vào sáng tác theo chỉ thị nghị quyết của đảng, không hạp lòng dân nên khán giả không đi xem hát nhiều như trước năm 1975. Năm 1986, sau khi ông TBT Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói cho văn nghệ sĩ thì các soạn giả cũ của Sài gòn vẫn không được phép sáng tác tuồng Cải Lương nữa vì sáng tác lúc này là phải theo định hướng chính trị của đảng chớ không được tự do sáng tác như ngày trước năm 1975. Các tuồng cải lương sáng tác trong thời kỳ ông TBT Linh cởi trói cho văn nghệ sĩ là dành quyền sáng tác cho những soạn giả đảng viên CS như Lê Duy Hạnh, Ngọc Linh, Phi Hùng, Thanh Cao, Dương Linh, Tám Khoa… và các đoàn viên CS mới được kết nạp.

Tuồng cải lương và kịch phải theo các định hướng chính trị sau đây (những năm sau 1975):

– Tuyên truyền chánh sách “giãn dân, xây dựng khu kinh tế mới” (đưa dân thành phố Sài gòn đi phá rừng lập khu kinh tế mới ở tỉnh Bình Dương, khu kinh tế mới Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh…)

– Tuyên truyền kêu gọi thanh niên gia nhập Thanh Niên Xung Phong, thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự…

– Tuyên truyền chiến dịch Đánh Tư Sản, đổi tiền.

– Tố cáo tội ác Trí, Phú, Địa, Hào, tội ác Mỹ Ngụy…. (Bịa những cốt truyện)

– Tuyên truyền các ngày lễ lớn, đề cao công nghiệp của đảng CS (3 tháng 2, Ngày thành lập đảng CS; 19 tháng 5, ngày sinh HCM; 19 tháng 8, Cách mạng tháng 8; 23 tháng 9 Nam Kỳ khởi Nghĩa…) Trong những ngày lễ nầy, loa tuyên ruyền của phường đặt ngay trong từng nhà dân, nói ra rả suốt ngày, gánh hát cũng nhai lại luận điệu tuyên truyền đó, ai ngu gì bỏ tiền ra mua vé vào rạp hát nghe tuyên truyền?

Nguyên nhân thứ hai:

Trước năm 1975, Sài gòn, Chợ Lớn và Gia Định với hơn ba triệu dân, có 39 rạp hát, đình lớn dành cho các đoàn hát cải lương. Dân chúng ở quận nào gần các rạp hát thì có thể đi bộ, đI xe đạp hay đi xe máy đén rạp đó xem hát. Ví dụ dân ở quận Nhứt, quận Nhì có thể đến các rạp Norodom, rạp hát Thành Phố, rạp Olympic, rạp hát Thành Xương, rạp Aristo, rạp Nguyễn Văn Hảo, rạp Quốc Thanh, rạp Kinh Thành Cầu Ông Lãnh, rạp Đình Cầu Quan, rạp đình Cầu Muối, rạp đình Tân Kiểng… Quận nào cũng có nhiều rạp hát, trong một đêm có nhiều đoàn hát cải lương hát ở Sài gòn, Chợ Lớn, Gia Định…

Sau năm 1975, các rạp hát bị thay đổi “công năng”, biến thành restaurant (rạp Quốc Thanh), thành casino (rạp lao Động B), thành Nhà bán Sách (rạp Kinh Thành, Cây Gõ, Cao Đồng Hưng Gia Định), thành Câu Lạc Bộ Thanh Niên (rạp Long Vân)… Hiện nay, Sài gòn Chợ Lớn Gia Định có hơn 9 triệu dân, chỉ còn một rạp Hưng Đạo cất lại chỉ có 630 ghế… vậy mà khi có hát Cải Lương, không bao giờ có được một nửa rạp khán giả!

Trước năm 1975, Sài gòn và các tỉnh miền Nam, miền Trung có hơn 60 đoàn hát Cải Lương. Sau 1975, chánh phủ CS giải tán hết các đoàn hát cải lương tư nhơn, thành lập ở Sài gòn ba đoàn CL Trần Hữu Trang, một đoàn Văn Công thành phố, các tỉnh mỗi tỉnh có một đoàn văn công, vừa hát cải lương, vừa ca tân nhạc và vũ.

Từ năm 2010, có vài đoàn hát Cải Lương gọi là Xã Hội Hóa là do các nhóm nghệ sĩ hoặc đảng viên bỏ tiền ra, tập họp nghệ sĩ, diễn lại những tuồng hát hay trước 1975 để thu lợi, hát xong là rã nhóm Cải Lương Xã Hội Hóa đó.

Không có nhiều rạp hát, không có nhiều đoàn hát, không có nhiều soạn giả, không được tư do sáng tác, mọi hoạt động sân khấu đều đặt dưới kiểm soát gắt gao của đảng CS, nghệ thuật sân khấu Cải Lương không bị tiêu diệt mới là chuyện lạ!

Nguyên nhân thứ 3 góp phần tiêu diệt sân khấu Cải Lương:

Rất nhiều đường lớn trong thành phố thường xuyên bị kẹt xe khiến cho xe hơi, xe máy và cả người đi bộ phải di chuyển khó khăn, mất rất nhiều thì giờ. Mỗi lần nước sông lớn (người miền Bắc gọi là triều cường) hoặc khi có một đám mưa lớn, nước ngập nhiều đường lộ, nước ngập cao hơn bánh xe khiến cho xe hơi, xe gắn máy phải chết máy, không di chuyển được. Nhà của người dân lao động bị ngập, người ta phải dọn đồ đạc lên tầng trên, phải tát nước ra khỏi nhà. Khi dứt mưa hay các con sông gặp nước ròng, phải mất nhiều giờ nước mới rút, hết làm ngập đường phố và nhà của dân, dân phải quét dọn, lau nhà vì nước cống dơ bẩn theo nước ngập tràn vô nhà, lại mất nhiều thời giờ làm vệ sinh mới ổn định cuộc sống. Làm sao người dân yên tâm mà đi xem hát được?

Bần cùng hóa dân chúng thành phố, tạo mọi khó khăn trong sinh hoạt của lớp nghèo thành thị, khuyến khích cuộc sống ăn chơi sa đọa của lớp thanh niên mới lớn lên sau 1975 (mại dâm, bia ôm, hớt tóc ôm, tắm ôm, cà phê võng ôm, massage toàn thân, ciné có giường nằm, tiệc nhậu bia thâu đêm suốt sáng… những sinh hoạt sa đọa đầu độc thanh niên mới lớn lên sau chiến tranh…) Đó là những thủ đoạn giết chết cải lương và làm tê liệt sự phản kháng của tầng lớp thanh niên trước sự bán nước cho Trung Cộng của Bộ chính trị của Đảng CS.

Hội nghị cấp cao giải cứu sân khấu cải lương là một hành động tung hỏa mù lôi kéo sự chú ý của đại đa số người bình dân, chú ý vào cái chết của nghệ thuật sân khấu, cái mất của sở thích của đại đa số người miền Nam, để làm cho mọi người quên cái họa diệt chủng của dân tộc Việt Nam do Bản ký kết trong Hội Nghị Thành Đô biến nước Việt Nam thành một tỉnh của Trung Cộng từ năm 2020.

“Đi với Tàu thì mất nước. Không đi với Tàu thì mất Đảng”.