Nhạc sĩ Vinh Sử: Ông hoàng nhạc sến bây giờ sống sao?
Tạp chí Mốt & Cuộc Sống – 07:00 ICT Thứ sáu, ngày 20 tháng sáu năm 2014

Yêu thật nhiều, cho thật nhiều, nhưng cũng bị phụ thật nhiều, đến tuổi già ông lại phải một mình đơn độc với những ám ảnh luật nhân quả.

Lối nói chuyện thẳng thắn, không màu mè, khách khí, đó là cảm giác đầu tiên của người viết khi cảm nhận về nhạc sĩ Vinh Sử. Khác với suy nghĩ mặc định của nhiều người, nhạc sĩ hẳn là một người phải nói chuyện duyên dáng, văn chương, nhất là nhạc sĩ Vinh Sử càng như vậy, vì đa số tác phẩm âm nhạc của ông đều là những ca khúc trữ tình mượt mà. Những ca khúc mộc mạc mang đậm tình quê hương đất nước, gần gũi nhất với người lao động nghèo. Những ca khúc của ông cũng được vang lên nhiều nhất trong các xóm nghèo khắp mọi miền đất nước đã thể hiện phần nào tính cách trong con người của ông.

Ngôi sao của xóm nghèo

Nhạc sĩ Vinh Sử tên đầy đủ là Bùi Vinh Sử, sinh năm 1944 trong một xóm lao động nghèo tại quận 4, TP.HCM. Là người duy nhất trong bốn anh em được cha mẹ cho đi học. Được ưu ái thế nhưng con đường học vấn của ông cũng không suôn sẻ, bởi bản tính thích phiêu du, không chịu sự ràng buộc trong khuôn khổ của mình. Mười tuổi ông mới bắt đầu đi học lớp 1 (ngày trước gọi là lớp 5), đến 15 tuổi thì ông nghỉ học (thời điểm này ông đang học lớp nhất) để chạy theo âm nhạc.

Dù việc học hành của Vinh Sử không đến nơi đến chốn nhưng nó là nền tảng để ông có thể gần gũi với văn thơ, chữ nghĩa. Lại là người yêu thơ, mê nhạc từ rất sớm nên ông thuộc làu thơ Kiều, làm những bài thơ thất ngôn bát cú để xướng họa cùng bạn bè và bày tỏ những cảm xúc trong lòng mình.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm bún, may mắn thay Vinh Sử có một người cậu theo đuổi nghệ thuật có nghệ danh Ba Tích. Ba Tích là thầy giáo dạy piano ở trường Âm nhạc quốc gia. Thấy Vinh Sử thích nhạc, ông dắt Vinh Sử vào trường để học, nhưng chỉ hơn một năm là Vinh Sử bị đuổi do thành tích “quậy phá” của mình. Để tiếp tục theo đuổi đam mê âm nhạc, Vinh Sử tìm đến thầy Dũng ở quận 4 để tầm sư học đạo. Tuy việc học nhạc ở trường Âm nhạc Quốc gia gián đoạn nhưng đó là mốc khá quan trọng trong cuộc đời của nhạc sĩ. Đó chính là nơi tập cho Vinh Sử những bước đầu chập chững làm quen với các nốt nhạc.

Để có tiền phát triển con đường âm nhạc của mình, cũng như truyền bá tên tuổi cho những đứa con tinh thần, cậu thanh niên Vinh Sử lén cạy tủ “chôm” tiền cha mẹ để có kinh phí tham gia các show diễn. Tiếc thay kế hoạch phá sản, bị gia đình phát hiện và cấm cửa, danh tiếng lại chưa có nên từ đó ông đã sống đúng nghĩa như bài Kiếp lang thang, một sáng tác rất nổi tiếng của ông do ca sĩ Chế Linh trình bày. 


Tồn tại một mình không dễ dàng chút nào so với một chàng trai đang tuổi lớn quen được cha mẹ nâng đỡ, Vinh Sử phải tập làm quen sống trong một căn hộ nhỏ tồi tàn được thuê với giá rẻ ở quận 4. Ban ngày ông vật lộn với đủ nghề như phụ hồ, khuân vác... để mưu sinh. Tối lại thắp đèn bầu bạn với cây guitar và cho ra đời những sáng tác sâu lắng, nhiều trải nghiệm của một “ông cụ non” sớm nếm trải mùi đời nơi phố chợ, cùng với lòng quyết tâm sớm kiếm được danh tiếng, tiền tài để quay về đoàn tụ với gia đình.

Có lẽ lớn lên trong một xóm lao động nghèo, lại từng “nằm gan nếm mật” đầy cơ cực trong cô đơn nên những sáng tác của Vinh Sử đều đa số sử dụng các giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng như lời ru, như Habanera, Bolero, Ballad, vỗ về lấy những cay đắng trong lòng mình, trong lòng những người xung quanh cuộc sống của mình. Những tình khúc như Hai bàn tay trắng, Không giờ rồi, Nhẫn cỏ cho em, Người phu kéo mo cau... đều thể hiện được điều đó. Cũng chính vậy, âm nhạc của ông luôn gần gũi và dễ dàng đi sâu vào lòng người mộ điệu từ nhà ga, bến xe cho đến tận cùng hẻm hóc...

Nhờ những sáng tác đi sâu vào lòng người, gần gũi với khán giả, cuộc sống của ông đã hoàn toàn thay đổi. Tiền bạc và danh tiếng đã đến với ông một cách nhanh chóng không kiểm soát được. Đó cũng là điều khiến cho ông liêu xiêu vào bể tình, mà từ đây càng nhiều ca khúc đau thương, bẽ bàng trong tình ái được ông sáng tác. Và cũng nhờ thế danh tiếng ông càng nổi lên hơn bao giờ hết.

Kể về những ca khúc tình buồn của ông phải nhắc đến Gõ cửa trái tim, Tội tình, Mưa bụi, Bội bạc, Gái nhà nghèo, Vòng nhẫn cưới, Trả nhẫn kim cương... Người trong xóm nghèo tự hào về ông, khán giả mộ điệu khắp nơi đều nhắc đến tên Vinh Sử và gọi ông với danh xưng “Ông hoàng nhạc sến”. Ngoài nghệ danh chính là Vinh Sử, “Ông hoàng nhạc sến” còn những nghệ danh khác như Cô Phượng, Hàn Ni, Diễm Nhi, Đức Vượng... với tài sản lên đến khoảng 1.000 bài hát.

Lao đao vì một chữ tình
Vinh Sử là một nghệ sĩ không may mắn trong đường tình duyên. Trái tim ông lúc nào cũng chất chứa đầy men tình nhưng những cuộc tình đều không trọn vẹn, mặc dù có đến bốn người vợ chính thức và hàng tá người tình. Nhiều vợ, nhiều nhân tình nhưng Vinh Sử luôn khẳng định: “Tôi là người rất chung thủy trong tình yêu, tôi chưa bao giờ bỏ ai. Chỉ có người ta bỏ tôi mà đi và khi không còn ai bên cạnh tôi mới yêu người khác”. Lý giải cho việc “từng người tình bỏ ông đi” ông cho rằng: “Không ai chịu đựng nổi tính tự do, phóng khoáng của tôi. Trước khi cưới nhau, tôi luôn tỉ tê rằng, tôi yêu tự do. Yêu nhau, cưới nhau nhưng tôi phải được tự do làm những việc mình yêu thích, miễn sao không thay lòng đổi dạ, phản bội gia đình là được. Thế mà cuối cùng cũng không ai chấp nhận được, người đàn bà nào đến với tôi rồi rời xa tôi cũng chỉ vì không chấp nhận điều đó”.

Về khoảng “yêu tự do như sinh mạng”, nhạc sĩ Vinh Sử không hề giấu giếm: “Khi đang ở nhà với vợ, bạn bè dưới Cần Thơ gọi điện tụ họp anh em nghệ sĩ là tôi khoác áo ra xe đi ngay lập tức, có khi đi vài hôm mới về nhà. Tính tôi là vậy!”. Phóng khoáng, tự do, thích làm những điều mình muốn mà không suy nghĩ trước sau, tất cả là lý do khiến ông từng đau khổ trong tình yêu khi cảm thấy lòng tin yêu bị lợi dụng. Đó là người con gái thua ông rất nhiều tuổi, ông cưu mang người ấy từ quê vào thành phố, yêu và nghĩ mình được đáp lại tình cảm, sau khi làm giấy kết hôn và nhập hộ khẩu thì bị người ta trở mặt bắt ra tòa ly dị để chia nửa căn nhà. “Tôi biết người ta không yêu mình, tôi buồn và tổn thương. Nhưng họ thích nửa căn nhà thì tôi cũng đưa cho”. 


Hiện tại, tuổi già sức yếu, thân mang trọng bệnh, chứng kiến cảnh người từng phụ bạc mình nghèo khó, Vinh Sử thoáng nghĩ về luật nhân quả và không khỏi chạnh lòng. “Mới đây người ấy đến nhờ tôi giúp ít tiền để làm quán vỉa hè sinh sống, tôi không có tiền nhưng cũng không đành lòng bỏ mặc người mình từng thương, tôi đã hứa vài hôm nữa sẽ đưa cô ấy, vì tôi có thể xoay xở bạn bè xung quanh”.

Thất bại nhiều trong hôn nhân lẫn tình cảm, nhạc sĩ Vinh Sử vẫn không bao giờ oán trách những người đã đi qua đời mình. Mỗi khi người quen, bạn bè đề cập về tình duyên ông đều xua tay “số tôi nó vậy”. Người yêu của ông, phần lớn đều là những cô gái có gia cảnh khó khăn, hiểu hoàn cảnh của nhau nên khi chia tay ông luôn là người bước ra khỏi nhà. “Mỗi lần lấy vợ là tôi gom góp tiền mua nhà, chia tay vợ thì tôi để lại căn nhà cho cô ấy và không mang theo gì cả”.

Vinh Sử có sáu người con của ba người vợ đầu. Dù đã chia tay với người cũ nhưng ông vẫn luôn là một người cha tròn trách nhiệm, ông luôn chu cấp và chăm lo cho các con đến nơi đến chốn trong cuộc sống lẫn học hành. Hiện nay, các con của ông đều đã có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống an nhàn. “Các con năn nỉ tôi về ở cùng nhưng tôi vẫn lo cho thân mình được. Tôi thích sống một mình mà thôi và quen với điều đó rồi”.

Quả đúng như vậy, nhà nhạc sĩ luôn đóng cửa, ông luôn chìm đắm trong cảm xúc của mình giữa không gian chật hẹp, bề bộn. Có lẽ ông quen sống một mình thật và điều đó khiến người viết luôn ám ảnh, bởi một người đã đổ gãy nhiều trong tình cảm thường chỉ thích cảm giác yên ổn khi ở một mình. Những ca khúc tình yêu đầy đau khổ như rút ruột của ông đã không thể giấu giếm được điều ấy, dù ông cố tỏ ra mạnh mẽ như thế nào.

Ông hoàng nhạc sến bùi ngùi về thời vàng son
Tháng 11.2011, giữa căn nhà thuê chưa đến mười mét vuông, nhạc sĩ Vinh Sử lâm trọng bệnh. Cô độc đón nhận kết quả từ bệnh viện là căn bệnh ung thư ruột già, ông đã dồn hết tiền bạc tích cóp được cho cuộc phẫu thuật thành công. Thế nhưng, sức khỏe ông đã xuống cấp trầm trọng, cùng với nhiều triệu trứng khác lạ trong cơ thể khiến Vinh Sử không yên, ông tái khám và sử dụng thuốc nhiều lần mà vẫn không thuyên giảm.

Cách đây một tháng, bệnh ung thư lại tái phát thêm một lần nữa nên ông phải tái phẫu thuật. Do phẫu thuật cắt ruột nhiều lần nên ông phải dùng hậu môn giả lắp vào bên hông bụng, việc đi lại vô cùng khó khăn, chỉ có thể nằm yên một chỗ. Thân hình ốm yếu, chỉ độc chiếc quần cụt trên người (vì mặc áo cũng khó khăn), “ông hoàng nhạc sến” đã phải đối diện với cuộc sống đếm từng ngày trong căn phòng trọ hiếm người ghé đến. Thế nhưng Vinh Sử vẫn không hề than oán cuộc đời, không kêu xin sự giúp đỡ của bất cứ một ai, kể cả con cái. Bạn bè ai biết hoàn cảnh chung tay giúp ông được phần nào thì ông ghi dạ ngần ấy. Chỉ có điều, hiện giờ ông quá yếu, khi gặp sự cố không thể xoay xở, ông gọi điện thoại cho một vài người bạn thân chạy đến hỗ trợ. “Tôi có một vài người bạn hết lòng vì bạn, họ luôn sẵn sàng mỗi khi tôi nhờ đến”, ông tâm sự bằng giọng cảm động. 


Nhớ lại chặng đường vàng son trước đây, một ca khúc có thể mua được hai chiếc xe hơi đời mới, một ngày ông có thể tiêu đến mười cây vàng cho một đêm “nhất dạ đế vương”, “ông hoàng nhạc sến” không khỏi bùi ngùi. “Tôi cảm thấy chút tiếc nuối vì tuổi trẻ phóng khoáng, phung phí không biết tích cóp về sau. Tôi ham tụ tập bạn bè ăn nhậu, làm bao nhiêu tiền tôi đều dành cho tiệc tùng tụ họp mà quên cả lối về”.

Bàn về âm nhạc, niềm đam mê lớn nhất của đời ông, nhạc sĩ Vinh Sử cho biết: “Tôi đang chiến đấu từng ngày vì miếng ăn, vì bệnh tật nên không còn tâm trí để sáng tác. Tôi chỉ mong sức khỏe mau hồi phục để có thể tiếp tục phục vụ cho những khán giả đã trót yêu những sáng tác của mình. Tôi biết nhiều khán giả vẫn trông chờ tôi trở lại”.