Nhạc Tài Tử: Bản “Bình Sa Lạc Nhạn”

Bầy nhạn bay theo hình chữ V
Trong hệ thống Nhạc Tài Tử miền Nam, ngoài 4 bản Oán chính nằm trong 20 bản tổ là Tứ Đại, Phụng Cầu, Phụng Hoàng và Giang Nam Cửu Khúc còn cò 4 bản Oán phụ là Bình Sa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Đề Quyên, Ngươn Tiêu Hội Oán và Võ Văn Hội Oán. Riêng bản “Bình Sa Lạc Nhạn” đã được đưa vào giáo trình giảng dạy nhạc dân tộc cấp quốc gia, tuy nhiên, ít được phổ biến và chưa được đưa vào Cải Lương vì làn điệu của bản này mang âm hưởng giống như bản “Tứ Đại Oán” và “Văn Thiên Tường”. Bản “Bình Sa Lạc Nhạn” có 37 câu, nhịp 8 (tức là mỗi câu có 8 nhịp), song lang mỗi câu rơi vào nhịp thứ 6 và thứ 8, câu l vô đầu là chữ “Xang” và kết thúc câu 37 bằng chữ “Liu”, ý nghĩa về tên của bản nhạc này đã được nhạc giới giải thích theo nhiều cách khác nhau.


Chim nhạn Gia Nã Đại (Canada Geese - Branta canadensis)
Giả thuyết thứ nhứt cho rằng loài chim nhạn hai con trống và mái thường bay có đôi có cặp với nhau. Khi có một con bị chết thì con kia bay lượn vòng vòng trên không trung, kêu la thảm thiết rồi lao đầu xuống bãi cát mà chết theo. Vì thế, tên bản đờn này được giải nghĩa là: bãi cát được gọi là “bình sa”, còn chim nhạn lao xuống được gọi là “lạc nhạn”.

Điều giải thích này không chính xác vì loài nhạn mà người Việt chúng ta còn gọi là con mòng thường bay theo đàn hình chữ V. Loài chim này hình dáng giống như con vịt trời, tiếng Anh gọi là “Wild Goose”, tức là một loài ngỗng trời, có nhiều ở Gia Nã Đại, khi mùa đông đến thì bay về phương Nam trốn lạnh. Vì vậy, không có việc chim lao đầu vào bãi cát mà chết khi con kia bị chết như giả thuyết trên giải thích.

Giả thuyết thứ nhì kể rằng có một gia đình phú hộ nọ có một cô con gái rất đẹp, một hôm tổ chức đờn ca tài tử, mời được một ông thầy đờn tranh tài hoa đến giúp vui. Ông thầy này vừa mới sáng tác được một bản Oán rất hay nhưng chưa đặt tên, đem ra đờn cho mọi người thưởng thức. Trong lúc ông thầy đờn đang thả hồn theo tiếng nhạc thì cô con gái của chủ nhà bưng trà lên đãi khách, nghe thấy tiếng đờn mùi mẫn ai oán của ông thầy đờn, cô ta ngẩn ngơ rụng rời tay chơn làm rớt bình trà. Ông thầy đờn ngó lên thấy vẻ đẹp như hớp hồn của cô gái làm cho ông luống cuống, tay đờn đụng vô mấy con nhạn của đờn tranh làm cho những con nhạn đó bị lệch đi và đờn bị lạc dây, nhưng vì trong lúc nhập tâm nên ông thầy đờn vẫn tiếp tục say sưa đờn cho đến hết bản mà vẫn đúng chữ đờn dù dây bị lạc. Sau đó, vì việc làm rớt bình trà mà những con nhạn bị lạc nên ông thầy đờn này đặt tên bản đờn là “Bình Sa Lạc Nhạn”.

Nếu giải thích theo giả thuyết này thì bốn chữ bình, sa, lạc và nhạn phải hoàn toàn là tiếng Việt:
  • BÌNH do tiếng Hán đã được Việt hóa như bình bông, bình trà, bình nước…
  • SA có nghĩa là rớt xuống như mưa sa, sương sa.
  • LẠC có nghĩa là sai lệch, chênh.
  • NHẠN của tiếng Việt dùng trong đờn tranh có nghĩa là con ngựa hoặc phím dùng để nâng dây đờn, còn con nhạn đờn tranh theo tiếng Hán thì được gọi là “cầm trụ” [琴柱].
Trong kho tàng nhạc Tài Tử, Cải Lương của miền Nam, hầu hết tên các bài bản đều được viết theo tiếng Hán Việt vì trước khi có chữ quốc ngữ, các bản đờn hoặc bài ca đều được viết bằng chữ Hán. Đến khi chữ quốc ngữ bắt đầu thịnh hành thì tên những bản nhạc mới sáng tác sau này dùng cho Nhạc Tài Tử hoặc Cải Lương vẫn được đặt tên bằng tiếng Hán Việt vì do thói quen và cũng là để cho thích hợp với nền cổ nhạc, thí dụ như bài “Phi Vân Điệp Khúc” do nhạc sĩ Văn Giỏi sáng tác vào năm 1976 đang được thịnh hành trong giới Cải Lương là một điển hình. Có soạn giả muốn Việt hóa tên bản nhạc mới, như nghệ sĩ Xuân Phát đã đặt tên một bản ngắn trong tuồng cải lương “Trương Chi Mỵ Nương” của ông là “Trăng Thu Dạ Khúc”, tên của bản này gồm cả chữ Việt “trăng thu” và Hán Việt “dạ khúc”, về sau ông đặt thêm một đoạn cuối cho bài “Trăng Thu Dạ Khúc” và gọi đoạn thêm này là “Vĩ Trăng Thu”, chữ ‘vĩ” có nghĩa là đuôi, cũng là tiếng Hán Việt ghép với chữ “trăng thu”. Vì vậy, nếu giải thích tên bản “Bình Sa Lạc Nhạn” này dùng hoàn toàn bằng chữ Việt thì có vẻ hơi gượng ép và câu chuyện kể trên có vẻ như là một truyện vui trong lúc trà dư tửu hậu.

Tuy nhiên, cũng có bản nhạc thoạt tiên tưởng là tiếng Hán Việt nhưng lại là tiếng Việt, đó là bản “Tây Thi”, một bản Bắc trong 20 bản tổ. Tên của bản này được giải thích là năm 1900 một nhóm nghệ sĩ Nhạc Tài Tử miền Nam được mời sang Pháp dự cuộc Đấu Xảo Quốc Tế, trên đường về, các nhạc sĩ tụ họp nhau đờn ca giải buồn vì lúc đó phương tiện di chuyển từ Sàigòn qua Pháp là bằng tàu thủy và phải đi trên nửa tháng. Nhân việc cổ nhạc miền Nam được qua Pháp dự cuộc thi do các giám khảo Tây chấm điểm nên bản nhạc mới này được đặt tên là “Tây Thi”, có nghĩa là “đi Tây thi”, không phài là Tây Thi gái nước Việt, một trong Tứ Đại Mỹ Nhân của Trung Quốc[1].

Nếu chỉ dựa trên tên của bản nhạc để giải thích ý nghĩa của nó thì cũng chưa được chính xác cho lắm vì có bản nhạc, nếu không có sự giải thích của tác giả thì khó mà đoán ra ý nghĩa của bản đó. Thí dụ như bản “Ngũ Châu Minh Phổ” do nhạc sư Nguyễn Văn Thinh (Giáo Thinh) sáng tác năm 1975, có nghĩa là “năm hạt châu của thành phố HCM”. Bản “Ngũ Châu Minh Phổ” này không nói về “năm hạt châu” mà là bản đờn gồm 5 lớp, lớp 1 bắt đầu bằng dây Hò I, lớp 2 Hò II, lớp 3 Hò III, lớp 4 Hò IV và lớp 5 trở lại Hò I, nghĩa là trong bản đờn chuyển dây 5 lần mà thôi.

Giả thuyết thứ ba cho rằng tên “Bình Sa Lạc Nhạn” được đặt theo đề tài “Bình Sa Lạc Nhạc” [平沙落雁] trong “Tiêu Tương Bát Cảnh” [潇湘八景] của Trung Quốc. Giả thuyết này khả tín và có thể chấp nhận được vì “Tiêu Tương Bát Cảnh” là tám cảnh đẹp trong khu vực hai sông Tiêu và sông Tương ở tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc. Tám cảnh đẹp này đã là đề tài cho nhiều thi sĩ, họa sĩ và nhạc sĩ của Trung Quốc và những nước lân cận như Nhật Bản, Việt Nam gần ngàn năm qua. Tám cảnh đẹp đó đã được Tống Địch vẽ vào khoảng thế kỷ 15 gồm có:
  • Bình Sa Lạc Nhạn ở Hành Dương (chim nhạn đáp xuống bãi cát).
  • Sơn Thị Tình Lam ở Tương Đàm (phố núi trong khói chiều).
  • Viễn Phố Qui Phàm ở Tương Âm (thuyền buồm xa về).
  • Ngư Thôn Tịch Chiếu ở Đào Nguyên (nắng chiều ở xóm chài).
  • Yên Tự Vãn Chung ở Hành Sơn (tiếng chuông chùa ban chiều).
  • Động Dình Thu Nguyệt ở Nhạc Dương (trăng thu trên hồ Động Đình).
  • Giang Thiên Mộ Tuyết ở Trường Sa (tuyết rơi trên sông lúc chiều tối).
  • Tiêu Tương Dạ Vũ ở Vĩnh Châu (mưa đêm trên sông Tiêu Tương).
Trong tám cảnh này thì “Bình Sa Lạc Nhạn” (chim nhạn đáp xuống bãi cát bằng) được coi như là “đệ nhất thắng cảnh” của Tiêu Tương. “Bình Sa Lạc Nhạn” là một bãi cát phía Nam của sông Tương ở Hành Dương, trong khu vực gồm 72 ngọn núi của tỉnh Hồ Nam, trong đó có ngọn Hồi Nhạn Phong [回雁峰] được gọi là “Nam nhạc đệ nhất phong” [南岳第一峰] (ngọn núi đệ nhất của những núi phía Nam). Tương truyền chim nhạn sống ở phương Bắc, đến cuối thu thì bay về đây trốn lạnh, sang xuân ấm áp lại bay đi nên ngọn núi được gọi là “Hồi Nhạn Phong” (ngọn núi chim nhạn trở về). Khu vực này hiện nay là một thắng tích của tỉnh Hồ Nam và được nhà cầm quyền Trung Quốc bảo tồn là khu du lịch cấp “AAA”. Nhiều thi gia, họa sĩ đã làm thơ hoặc vẽ tranh để tả cảnh đẹp của bãi “Bình Sa Lạc Nhạn”. Riêng Việt Nam cũng có các thi nhân làm thơ tả cảnh của “Tiêu Tương Bát Cảnh” như Lương Nhữ Hộc khi đi sứ Trung Quốc hoặc Đặng Trần Côn (tác giả Chinh Phụ Ngâm).

Tranh Bình Sa Lạc Nhạn do danh họa Nhật là Tuyết Chu vẽ vào thế kỷ 15
Nói về âm nhạc thì Trung Quốc có bản “Bình Sa Lạc Nhạn” [平沙落雁] nằm trong 10 bản cổ nhạc lớn của họ (Trung Quốc Cổ Điển Thập Đại Danh Khúc) [中国古典十大名曲] được lưu truyền từ lâu. Về tác giả của bản “Bình Sa Lạc Nhạn” của Trung Quốc thì có nhiều thuyết khác nhau, có nơi nói là của Trần Tử Ngang [陳子昂] (661-720) đời Đường, có nơi nói là của Mao Mẫn Trọng [毛敏仲] (1241-1258) đời Tống hoặc của Chu Quyền Đẳng [朱權等] (1634) đời Minh.

Bản “Bình Sa Lạc Nhạn” của Trung Quốc âm điệu du dương réo rắt, miêu tả được tiếng kêu của bầy nhạn đang bay lượn trên không trung trước khi hạ cánh đáp xuống bãi cát. Còn bản “Bình Sa Lạc Nhạc” của Việt Nam thuộc hơi Oán, mang âm điệu u buồn của bản “Tứ Đại” pha lẫn bi hùng của bản “Văn Thiên Tường”. Về tác giả của bản “Bình Sa Lạc Nhạn” của Việt Nam thì có hai giả thuyết khác nhau. Theo Thạc sĩ Huỳnh Khải thì bản “Bình Sa Lạc Nhạn” do nhạc sư Võ Văn Khuê (Hai Khuê) sáng tác bản đờn và lời ca[2], thuyết thứ nhì cho là nhạc sư Nguyễn Văn Thinh (Giáo Thinh) sáng tác bản này[3].

Sở dĩ bản “Bình Sa Lạc Nhạc” của Việt Nam có âm điệu ai oán, khác với bản của Trung Quốc vì có một nguyên nhân sâu xa khác, đó là mặc dù bãi “Bình Sa Lạc Nhạn” là một cảnh đẹp của sông Tương, nhưng cũng là biểu tượng cho cái chết của Khuất Nguyên.

Khuất Nguyên (340 TCN – 278 TCN) là một nhà thơ, nhà chính trị và một nhà yêu nước thời Chiến Quốc. Ông là người nước Sở, tên là Bình, học rộng nhớ dai và có tài về văn chương. Lúc đầu ông được vua Sở Hoài Vương yêu quý và tin dùng, nhưng sau vua nghe lời gièm pha nên ghét bỏ ông. Vì việc này, Khuất Nguyên viết thiên Ly Tao bất hủ để nói lên tâm sự của mình. Sau khi Hoài Vương mất, Sở Tương Vương lên nối ngôi, Khuất Nguyên bị đày ra Giang Nam. Ông thất chí, suốt ngày ca hát như người điên, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, ông viết một bài theo thể Sở từ là “Hoài Sa” [懷沙] rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử. Bài “Hoài Sa” gồm 42 câu và sau đây là 3 câu cuối:

。。。。。。。。
世溷濁莫吾知,人心不可謂兮。
Thế hỗn trọc mạc ngô tri, nhân tâm bất khả vị hề.

知死不可讓,願勿愛兮。
Tri tử bất khả nhượng, nguyện vật ái hề.

明告君子,吾將以為類兮。
Minh cáo quân tử, ngô tương dĩ vi loại hề.

Những câu trên đã được Trần Trọng San dịch như sau:

. . . . . . . .
Đời vẫn đục không ai biết ta, chẳng thể ngỏ cùng ai hề.
Biết chết không thể nhường, nguyện chẳng thương tiếc hề.
Nói rõ cùng người quân tử, hãy lấy ta làm gương hề.

Vì Khuất Nguyên có tên là “Bình” và làm bài “Hoài Sa” rồi ôm đá nhảy xuống sông tự trầm nên tên bản “Bình Sa Lạc Nhạn” cũng được dùng để nói về cái chết của Khuất Nguyên hoặc của những người yêu nước có tài nhưng thất chí.

Bản “Bình Sa Lạc Nhạc” của Việt Nam ra đời vào khoảng giữa thập niên 1920 tới thập niên 1940. Trong khoảng thời gian này, nước Việt Nam có nhiều nhà yêu nước đã đứng lên chống lại quân Pháp xâm lăng hầu giành lại độc lập cho nước nhà, nhưng việc chưa thành thì đã ra người thiên cổ, điển hình là các chí sĩ Phan Châu Trinh mất năm 1926, 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng lên máy chém vào năm 1930, chí sĩ Phan Bội Châu mất năm 1940… Có lẽ tác giả của bản “Bình Sa Lạc Nhạn” sáng tác bản này để tưởng nhớ tới những người yêu nước trên nên mới có âm điệu ai oán bi hùng chăng?

Như trên đã nói, tác giả bản “Bình Sa Lạc Nhạn” của Việt Nam có thể là do một trong hai nhạc sư là Giáo Thinh hoặc Hai Khuê sáng tác. Hai vị nhạc sư này đều có những sáng tác đóng góp cho bộ môn Nhạc Tài Tử miền Nam như bản Võ Tắc Biệt do Hai Khuê sáng tác để đối lại với bản Văn Thiên Tường[4].

Riêng về Giáo Thinh thì ông đã sáng tác nhiều bài bản từ năm 1929 cho đến khi từ trần năm 1991, trong đó có nhiều bài nói lên lòng yêu nước như lời bài Kim Tiền Bản và Ngự Giá với lời ca chống thực dân Pháp, hoặc các bản “Chinh Phụ Ly Tình”, “Thanh Dạ Đề Quyên”, “Song Phi Hồ Điệp” đã được giới Tài Tử, Cải Lương yêu thích và sử dụng rộng rãi trên sân khấu. Bản “Chinh Phụ Ly Tình” [征婦離情] có nghĩa là “người vợ chia tay với chồng để chồng đi giúp nước” hoặc bản “Thanh Dạ Đề Quyên” [清夜啼鵑] có nghĩa là “đêm vắng lặng nghe tiếng cuốc kêu” để nói lên nỗi đau của người dân mất nước. Với một tấm lòng ưu tư về đất nước như vậy, có thể bản “Bình Sa Lạc Nhạn” cũng do nhạc sư Nguyễn Văn Thinh sáng tác vì bản nảy cũng có ý nghĩa thương tiếc những người yêu nước, có tài nhưng vận chưa đến nên phải chết trong ân hận. Tuy nhiên, đây chỉ là sự phỏng đoán dựa trên quá trình sáng tác của Giáo Thinh mà thôi. Hai nhạc sư này đã không còn nữa, nhưng hai ông còn có nhiều học trò, hy vọng các môn sinh của hai ông sẽ tìm được thêm tài liệu về bản “Bình Sa Lạc Nhạn” trong những sách vở do hai ông để lại ngõ hầu ý nghĩa của bản nhạc được sáng tỏ hơn.

____________________________

[1] Soạn giả Nhị Tấn dựa theo tài liệu riêng của giáo Thinh.

[2] Bộ Tứ Oán Trong Nhạc Tài Tử, Huỳnh Khải,http://huynhkhai.com/index.php?option=com_content&view=article&id=423%3Ab-t-oan-trong-nhc-tai-t&catid=37%3Atimhiu-am-nhc-truyn-thng&Itemid=79&lang=vi,%2029-9-2010

[3] Hấp Dẫn Với “Ngày Hội Đàn Tranh”, Nguyên Vũ,http://www.tienghatquehuong.net/HOINGODANTRANH2.htm, (Theo Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần, số 413, 2011)

[4] Góp ý về Cổ Nhạc Nam Phần,http://www.datviet.com/threads/17566-B%E1%BA%A1n-th%C3%ADch-C%E1%BB%95-Nh%E1%BA%A1c-...-xin-m%E1%BB%9Di-v%C3%A0o-...

*****

TÀI LIỆU SƯU TẦM (có thể click để nghe hoặc tải xuống máy vi tính):


Bản “Bình Sa Lạc Nhạc” của Việt Nam:

Bản “Bình Sa Lạc Nhạc” của Trung Quốc:

TÀI LIỆU THAM KHẢO: