Nhạc Tài Tử: Tám Bản Ngự

Sau cuộc binh biến kinh thành Huế vào năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra chiếu Cần Vương, một số nhạc quan và nhạc công của triều đình lánh nạn vào miền Nam sinh sống, trong đó có Nguyễn Quang Đại, người đã có công rất nhiều trong việc phổ biến Nhạc Tài Tử tại miền Nam. Nguyễn Quang Đại được các báo chí hồi đầu thế kỷ 20 gọi là Ba Đại, nhưng theo nhạc sư Ba Tu thì sau này đổi thành Ba Đợi vì được nhạc giới kính trọng nên kiêng gọi tên tên tục (cũng theo nhạc sư Ba Tu, trước đây bản Tứ Đại được dân vùng Cần Đước gọi là Tứ Đợi cũng vì lẽ này), nguyên quán ở Hải Lăng, Quảng Trị vào sinh sống tại các vùng Đakao, Cần Giuộc, Cần Đước để truyền dạy Nhạc Lễ và Nhạc Tài Tử. Ông đã đào tạo được nhiều nhạc sĩ lừng danh như ở Đakao có Tám Hạnh, Sáu Thới (thầy của các nhạc sư Tư Nghi, giáo Thinh, Năm Cần), Cao Quỳnh Cư, Cao Quỳnh Diêu, Bảy Nhỏ... Tại các vùng Long An, Cần Giuộc, Cần Đước có các môn sinh như nhạc Láo, Sáu Thoàn, Chín Chiêu, nhạc Thời, Hai Tò Le, Năm Tịnh, cô Sáu Giỏi, cô Bảy Lung v.v... là những nhạc sĩ tài ba mà tiếng tăm còn truyền lại tới bây giờ. Từ những môn sinh của ông, các nghệ sĩ tài danh của thế hệ thứ hai, thứ ba đã được nối tiếp truyền nghề như Tư Huyện, Sáu Quý, Bảy Hàm, Chín Kỳ, Hai Phát, Hai Biểu, Tư Tụi, Ba Lựa v.v...

Ngoài việc truyền dạy nghề đờn, Ba Đợi còn đem một số Nhạc Cung Đình cải biên thành Nhạc Lễ miền Nam, hệ thống hóa Nhạc Tài Tử thành bốn điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán (còn được gọi là 20 bài bản tổ). Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 hai nhóm nhạc miền Đông do Ba Đợi làm trưởng nhóm cùng với nhóm nhạc miền Tây do Trần Quang Quờn làm thủ lĩnh đã ganh đua với nhau tạo nên phong trào đờn ca tài tử rộng lớn.

Ba Đợi là một nghệ sĩ tài năng đầy đức độ và đã đưa Nhạc Tài Tử miền Nam lên đỉnh cao đầy tính bác học, nhưng đến cuối đời lại chết trong hoàn cảnh túng quẫn, quan tài được một chiếc xe chở cá đưa vào chôn trong vùng mả hoang ở Bình Đông, Rạch Cát thuộc quận 8 Sàigòn. Ta không rõ năm sanh và năm mất của Ba Đợi, nhưng giáo Thinh (thế hệ thứ hai) còn ghi được ngày mất là ngày 19 tháng Giêng âm lịch. Năm 1996 linh vị của nhạc sư Nguyễn Quang Đại được tỉnh Long An đưa về thờ trong đình Vạn Phước thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước và hàng năm đều có tổ chức lễ giỗ kị vào ngày 19 tháng Giêng.

Vào tháng 12 năm 1898, nhân dịp vua Thành Thái vi hành vào Sàigòn, Ba Đợi đã sáng tác Tám Bản Ngự để cùng các môn đệ trình tấu cung nghinh nhà vua. Tám Bản Ngự gồm có: Đường Thái Tôn, Vọng Phu, Chiêu Quân, Ái Tử Kê, Bát Man Tấn Cống, Tương Tư, Duyên Kỳ Ngộ và Quả Phụ Hàm Oan. Theo tài liệu của giáo Thinh và nhạc sư Năm Hưng (thế hệ thứ ba) thì Tám Bản Ngự có ý nghĩa như sau:
  1. Đường Thái Tôn (hơi Bắc): Ám chỉ vua Thành Thái là một vị vua anh minh giống như vua Đường Thái Tôn (Lý Thế Dân) là một vị vua tài ba đã tạo nên sự cường thịnh cho triều đại Đường ở Trung Quốc.

  2. Vọng Phu (hơi Bắc dựng): Người dân miền Nam luôn luôn tưởng nhớ tới nhà vua như vợ ngóng chồng.

  3. Chiêu Quân (hơi Bắc dựng): Người dân miền Nam tuy bị dưới quyền cai trị của người Pháp, nhưng lòng vẫn trung trinh tiết liệt như Chiêu Quân, tuy phải hy sinh cho tổ quốc đem thân cống Hồ, nhưng đến khi chết thi thể cũng quay về cố quốc.

  4. Ái Tử Kê (hơi Bắc): Xin hãy thương người dân miền Nam như bầy gà con mất mẹ vì họ đang bị ở dưới sự đô hộ của Pháp.

  5. Bát Man Tấn Cống (hơi Bắc): Dân miền Nam đang bị người Pháp cai trị (rợ Tây) đến tấn cống lễ vật cho nhà vua.

  6. Tương Tư (hơi Ai): Người dân miền Nam lúc nào cũng tưởng nhớ đến vua mình.

  7. Duyên Kỳ Ngộ (hơi Ai): Đất miền Nam đang bị người Pháp đô hộ, tưởng là không bao giờ có dịp triều kiến nhà vua, nay may mắn được gặp thì đó là duyên kỳ ngộ.

  8. Quả Phụ Hàm Oan (hơi Ai, Oán): Vì ở dưới sự thống trị của người Pháp nên người miền Nam đã bị mất vua, phải làm việc theo sự chỉ định của người Pháp, nhưng miền Nam vẫn có những nhà ái quốc chống Tây chớ không phải ai cũng vì mê bả lợi danh mà phản quốc. Người miền Nam như người đờn bà mất chồng bị hàm oan.
Sau gần 100 năm ra đời, Tám Bản Ngự này đã được nhóm nhạc sĩ miền Đông tại Long An hòa tấu và thu băng vào tháng 10 năm 2002 để lưu giữ làm tài liệu. Tám Bản Ngự này được sáng tác để nói lên nỗi lòng của người dân miền Nam đối với nhà vua nên âm hưởng có ít nhiều phảng phất âm điệu của nhạc cung đình do các nhạc sĩ sau đây trình tấu:

Ba Tu: đờn kìm.
Út Tị: đờn cò.
Lê Thanh: đờn tỳ bà. .
Quang Dũng: đờn bầu, tiêu.
Duy Kim: đờn tranh.

(Xin nhấn vào hình loa màu xanh để nghe nhạc)
  1. Đường Thái Tôn
  2. Vọng Phu
  3. Chiêu Quân
  4. Ái Tử Kê
  5. Bát Man Tấn Cống
  6. Duyên Kỳ Ngộ
  7. Tương Tư
  8. Quả Phụ Hàm Oan
Bản Chiêu Quân trong Bát Ngự trên có hơi Bắc dựng (tức là giữa hơi bắc và hơi xuân) nhưng khi được đưa vào Cải lương thì chuyển hẳn qua hơi Ai. Riêng bản Duyên Kỳ Ngộ trong Cải lương là một bản vắn hơi Bắc không có liên quan gỉ đến bản Duyên Kỳ Ngộ trong Bát Ngự. Sau đây là bài Chiêu Quân do nghệ sĩ Lệ Thủy ca trong tuồng “Hạng Võ Biệt Ngu Cơ” và bài Duyên Kỳ Ngộ do nghệ sĩ Minh Phụng và Mỹ Châu ca trong tuồng “Kiếm Sĩ Dơi” thuộc bộ môn Cải lương[*]:
  • Bài Chiêu Quân do Lệ Thủy trình bày.
  • Bài Duyên Kỳ Ngộ do Minh PhụngMỹ Châu trình bày.
__________________________

[*] Theo nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ (Tân An, Long An).

__________________________

Tài liệu tổng hợp từ:
  • Nhị Tấn, “Nhạc Tài Tử Nam Bộ”, Câu Lạc Bộ Đờn Ca Tài Tử, Quận 8 TP HCM,1997.
  • Võ Tấn Hưng, “Cổ Nhạc Tầm Nguyên”, Sàigòn, 1958.
  • Nhiều tác giả, “Hội Thảo Khoa Học Về Đức Nghệ Nhơn Tiền Phong Nhạc Lễ, NhạcTài Tử Nguyễn Quang Đại”, Sở VHTT Long An, Long An, 1996.