Văn hóa lão tướng

Hình chụp ngày 14 tháng 2 năm 2007.
Cách đây gần chục năm, một hôm đang tìm mua sách tại tiệm Hồng Bàng – một tiệm bán sách tại San Jose – tôi thấy một cụ già tay xách một túi vải đi vào, ông Lục (nhân viên bán sách) cung kính chạy ra chào hỏi. Sau đó tôi được ông Lục cho biết cụ già đó là Giáo sư Nguyễn Khắc Kham, một người mà tôi đã từng nghe danh về những sách vở ông cụ sưu tầm và sự ưu đãi đặc biệt của ông Lục đối với cụ. Số là cứ vài ba tháng, tiệm sách Hồng Bàng có hàng mới về, sau khi làm kế toán sách vở và sắp xếp thứ loại trong kho xong, ông Lục gọi điện thoại báo cho cụ Kham và cụ là người đầu tiên được chọn sách trước, sau đó ông Lục mới gọi điện thoại cho chúng tôi – những khách hàng quen – đến lựa chọn và cuối cùng, số sách còn lại mới được đưa ra kệ bán cho mọi người. Cụ Kham còn được một ưu đãi đặc biệt nữa là cụ có quyền chọn tất cả những sách cụ thích, nếu không đủ tiền trả thì ông Lục giữ lại trong kho, mỗi đầu tháng có tiền cụ lại đến lấy sách tiếp, nếu không đủ tiền nữa thì sách được giữ lại cho đến tháng sau. Đôi khi cụ bận hoặc yếu trong người thì ông Lục đem sách đến giao tận nhà cho cụ. Không những thế, ông Lục còn bớt cho cụ một giá đặc biệt mà không ai có được. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Giáo sư Nguyễn Khắc Kham, một người đã một đời tận tụy cho sự nghiệp Giáo Dục và Văn Hóa của dân tộc.

Vì không phải là môn sinh của cụ, lại không sinh hoạt trong lãnh vực Giáo Dục và Văn Hóa nên tôi không có cơ hội làm quen với cụ. Bẵng đi một thời gian, một hôm cần tài liệu về Văn Thiên Tường, một nghĩa sĩ đời Nam Tống, tôi tìm được bài “Chính Khí Ca” của ông, nhưng lại viết bằng chữ Hán. Vốn liếng Hán Văn của tôi rất hạn hẹp, bài “Chính Khí Ca” lại có rất nhiều điển tích nên tôi lúng túng trên hai tuần tra cứu mà cũng không hiểu hết bài. Chợt nhớ tới cụ Nguyễn Khắc Kham, tôi xin ông Lục số điện thoại và gọi cụ để xin tới gặp. Cụ không biết tôi là ai, nhưng hỏi tôi cần gì. Sau khi nghe tôi trình bày nỗi khó khăn của mình thì cụ nói ngay: “Ông không cần phải mất công dịch làm gì. Cụ Phan Bội Châu và ông Nguyễn Hiến Lê đã dịch bài Chính Khí Ca này rồi, nhưng bài dịch của ông Nguyễn Hiến Lê không đầy đủ vì ông ta không dịch đoạn cuối. Ngoài ra còn có vài người Pháp và người Mỹ cũng đã dịch bài này rồi, họ dịch chính xác lắm”. Sau đó cụ chỉ cho tôi tìm bài dịch trong những sách nào và nói là nếu không có thì cụ sẽ tìm cho, còn bây giờ thì không cần gặp vì không cần thiết. Cụ xin số điện thoại của tôi và cúp máy. Nghe cụ nói, tôi giật mình mà khâm phục cho trí nhớ của một cụ già 94 tuổi, nhưng cũng hơi thất vọng vì thấy cụ có vẻ như không muốn giúp mình nên không cho gặp mặt và tìm cách từ chối khéo. Thế nhưng tôi đã lầm to! Ngày hôm sau khi đi làm về, tôi thấy 3 lời nhắn của cụ trên máy điện thoại ở nhà, nói là đã sao chụp cho tôi bản dịch của một người Pháp rồi, hãy đến mà lấy. Ngoài ra, cụ còn cho biết là đã gọi điện thoại cho Giáo sư Trương Toại, một môn sinh của cụ, để sao chụp cho tôi bản dịch chữ Việt. Khi nghe cụ nói, tôi hối hận vì đã nghi oan cho cụ và khâm phục sự sốt sắng và tinh thần làm việc không biết mệt mỏi của cụ để giúp đỡ cho mọi người. Sau này có dịp gần gũi cụ nhiều hơn, tôi thấy mỗi lần có ai cần tìm tài liệu gì là cụ giúp ngay, không cần biết người đó thân hay sơ.

Ngoài kiến thức bao quát trên nhiều lãnh vực, tủ sách của cụ cũng rất phong phú với trên 10 ngàn tựa sách đủ thể loại, cho nên khi cần tìm tài liệu gì, người ta hỏi cụ là hầu như sẽ được toại nguyện. Nếu những tài liệu cần tìm không có, cụ lại đến thư viện Berkeley tìm cho. Ngoài việc cung cấp tài liệu cho những người hỏi xin, cụ cũng thường quan tâm đến những môn sinh hoặc thân hữu đang nghiên cứu hoặc viết về một đề tài nào đó, nếu gặp những tài liệu có liên quan đến vấn đề ấy, cụ lại tự động đi kiếm và gửi cho. Cụ cũng đặc biệt chiếu cố đến những tác giả ngoại quốc viết về Việt Nam, thường gửi cho họ những tài liệu bổ túc và khuyên mọi người nên ủng hộ và khuyến kích những tác giả ngoại quốc, vì họ đã quan tâm đến văn hóa Việt Nam. Tánh cụ cẩn thận nên chỉ đem thư đến bưu điện gửi chứ không bỏ trong hộp thư ở nhà. Cụ thường gửi hỏa tốc những tài liệu để thư chóng đến người nhận và chờ tin người nhận gọi lại, báo tin là tài liệu đã đến nơi thì cụ mới yên tâm. Đôi khi vì một lý do gì đó người nhận quên không báo cho cụ, những lúc ấy cụ rất thắc mắc, chỉ sợ thư từ bị lạc, nên thường băn khoăn không biết có nên gửi lại tài liệu đó hay không. Những tài liệu cụ gửi đi đã gói ghém tâm huyết và mồ hôi của cụ!

Giáo sư Nguyễn Khắc Kham trên đường đi photocopy tài liệu văn hoá cho hậu sinh, ở tuổi 99. Hình chụp ngày 1 tháng 11, 2006.
Cụ không lái xe, lại không muốn phiền ai nên mỗi lần đi đâu, cụ đi bộ hoặc dùng xe buýt. Cụ bị bịnh rỗng xương nên hay đau lưng, đi đứng khó khăn, chỉ đi được khoảng 1 phần 3 dặm là phải nằm nghỉ mệt trên thảm cỏ hoặc bên lề đường. Đôi khi có môn sinh hoặc thân hữu gặp cụ nghỉ mệt bên đường, dừng xe xin đưa cụ đi, nhưng cụ nhất định từ chối vì không muốn làm phiền ai, có khi phải nằn nì mãi cụ mới nhận lời. Những hôm cụ đến thư viện Berkeley mượn sách là cả một vấn đề. Cụ rời nhà từ 8 giờ sáng, đi bộ ra trạm xe buýt để đón xe đi đến trạm xe điện ở Fremont cách nhà cụ khoảng 15 dặm, sau đó lấy xe điện đi đến trường đại học Berkeley. Đoạn đường từ nhà cụ đến Berkeley chỉ khoảng 45 dặm, nhưng cụ phải mất trên 2 tiếng mới đến nơi, sau đó còn phải đi bộ một đoạn xa từ trạm xe đến thư viện nên mỗi khi đi mượn sách, thường đến 6 giờ tối cụ mới về đến nhà. Tuy đi mượn sách cực nhọc và mất thì giờ như vậy, nhưng mỗi khi mượn được quyển sách hay, cụ lại gọi điện thoại “khoe” với tôi và rủ tôi hôm nào tiện thì đi sao chụp chung để giữ làm tài liệu.

Nhiều người đã nói về tính hiếu khách và việc hẹn rất đúng giờ của cụ, vì cụ thường chuẩn bị tiếp đón nửa giờ trước khi hẹn và khi khách đến thì đã thấy cụ ngồi chờ sẵn với bình trà trên bàn, nhưng có một lần tôi chứng kiến sự giữ hẹn đúng giờ rất ngoạn mục của cụ. Hôm ấy có hai người bạn của cụ hẹn đến chơi và rủ tôi đi chung cho vui. Hai cụ bạn xin đến thăm cụ lúc 2 giờ chiều vì các cụ muốn tránh giờ kẹt xe, nhưng cụ nói là có việc bận và xin hẹn gặp lúc 2 giờ rưỡi. Chúng tôi đến lúc 2 giờ 15 thì cụ không có nhà, anh Châu – người con rể – ra mở cửa mời chúng tôi vào. Anh Châu nói rằng không biết cụ đi đâu từ sáng, nhưng nếu có hẹn thì cụ sẽ về và mời chúng tôi uống nước ngồi chờ cụ. Quả nhiên đúng 2 giờ rưỡi cụ mở cửa bước vào, quẳng cái túi xách trên ghế, nhìn đồng hồ và nói: “Đúng 2 giờ rưỡi! Tôi phải cố đi thật nhanh từ trạm xe buýt về đây, phải nghỉ mệt mất hai lần đấy! May mà về đúng giờ, chỉ sợ các ông phải ngồi chờ. Hôm nay có tí việc, tôi phải đi ra ngoài”. Một cụ bạn của cụ quay sang nói nhỏ với tôi: “Kinh thật! Gần trăm tuổi rồi mà còn giữ được đúng hẹn như thế, cậu trông đấy mà làm gương”.

Tôi với cụ thường đi ăn trưa với nhau và thay phiên trả tiền. Đi ăn chung với cụ là một điều may mắn vì tôi học hỏi được rất nhiều khi chuyện trò với cụ trong những buổi ăn đó, nên có một lần tôi nghĩ ra phương pháp giành phần trả tiền bằng cách ăn nhanh và hỏi nhiều chuyện để cụ ăn chậm. Tôi ăn xong trước, trả tiền và làm được ba lần như thế, thấy cụ không nói gì nên tôi yên tâm vì cụ đã chấp nhận hảo ý của mình, nhưng đến lần thứ tư, trước khi đi ăn cụ nói với tôi: “Hôm nay đi ăn tôi giả tiền. Anh đã giả ba lần rồi, tôi nợ anh ba lần ăn, tôi nhớ rõ lắm”. Thế là tôi phải để cụ trả ba lần kế tiếp, đến lần thứ tư, trước khi đi ăn tôi nhắc với cụ là hôm nay đến phiên tôi trả tiền thì cụ nói: “Không được máy móc như thế, hôm nay tôi giả nữa, tôi không thết anh được một bữa ăn à?” Mỗi khi cụ đã có ý định mời ăn thì khó có ai giành phần trả tiền với cụ được, tôi đành “cung kính bất như tuân lệnh” và từ đó về sau, cứ để mọi việc xảy ra tự nhiên, khi nào cụ mời đi ăn thì để cụ trả tiền vì tánh cụ sòng phẳng và không muốn nợ ai. Cứ cách vài hôm, sau khi đi ăn là cụ ghé mua vài ba thanh kẹo chocolate hoặc một cái bánh dầy kẹp giò lụa về làm quà cho... cụ Bà ở nhà. Những thanh kẹo hoặc miếng bánh đó tuy đơn sơ nhưng chứa đầy tình nghĩa vợ chồng “chia ngọt xẻ bùi” với nhau.

Đối với những khách ở xa đến thăm, cụ thường mời họ ra ngoài ăn và lẽ dĩ nhiên phần trả tiền là của cụ. Lúc gần đây cụ bị đau nhiều, không đi ra ngoài được, có những học trò từ xa về thăm, cụ nhờ tôi thay cụ mời họ đi ăn, tốn bao nhiêu cụ sẽ đưa tiền lại. Chúng tôi đi ăn, khi về cụ hỏi tôi ăn hết bao nhiêu để cụ trả. Vì không dám lấy tiền của cụ, tôi nói láo là các ông khách kia đã giành trả tiền rồi, cụ trách tôi là không hiểu việc, khách ở xa đến thăm, họ đã tốn tiền xe và thì giờ, thế mà cũng không mời họ được một bữa ăn.

Vì đã từng sinh hoạt trong lãnh vực báo chí và xuất bản, cụ hiểu nỗi khó khăn của những người làm văn hóa, sách báo in ra rất khó bán vì kén độc giả, nên khi nhận được sách báo biếu, cụ thường gửi trả lại tiền sách nhưng nói khéo là “ủng hộ”, hoặc đặt mua báo năm. Những khi biết được cơ sở văn hóa nào cần giúp đỡ tài chánh, cụ lập tức ủng hộ ngay mặc dù đôi khi cụ cũng gặp khó khăn vì tốn nhiều tiền cho những sách sao chụp và tiền cước phí khi phải gửi tài liệu cho nhiều người trong một tháng.

Cụ có rất nhiều học trò nay đã thành danh trong xã hội. Những môn sinh của cụ tuy có những công việc chuyên môn riêng, nhưng họ cũng là những chiến sĩ Văn Hóa đã và đang cùng cụ âm thầm chiến đấu trên trường văn trận bút cho một nước Việt tự do với niềm tự hào của một dân tộc có văn hiến. Khi thì cụ giúp thêm những tài liệu về lãnh thổ, lãnh hải nước nhà để họ đưa ra ánh sáng những chủ quyền của ta về biên giới, lúc thì cụ gửi những bản Nôm cổ để họ có thêm tài liệu chứng minh là tiếng Việt cũng có một sắc thái độc lập riêng biệt. Những tài liệu về lịch sử, địa danh, phong tục, thi cử, văn học... cũng được cụ tự tay sao chụp và gửi đi để họ có thêm dữ kiện viết bài. Cụ thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm, nhắc nhở và khuyến khích họ như một vị thầy giáo của họ trên 4, 5 chục năm về trước. Thấy tôi thích tìm hiểu về văn học Việt Nam, cụ khuyến khích và hoạch định cho tôi một chương trình để làm việc với cụ. Có những lúc vì bận việc làm ở sở nên tôi xao lãng không đến gặp cụ, thì cụ lại gọi điện thoại nhắc nhở và nói rằng cụ chẳng sống được bao lâu nữa, phải cố gắng lên. Với một bầu nhiệt huyết và lòng thương học trò như vậy, cụ đã được học trò quý mến và thương yêu như một người cha. Tôi đã chứng kiến nhiều chuyện cảm động của học trò đối với cụ. Hôm Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện ra mắt sách tại San Jose, cụ đến tham dự, thi sĩ đang ký tên tặng sách, thấy cụ đến, vội vàng bỏ bút xuống đứng lên đỡ cụ vào hội trường và ngồi bên thăm hỏi cụ, quên cả việc chính của mình là phải... ký tặng sách cho độc giả. Khi cụ đến tham dự những buổi sinh hoạt văn hóa hoặc ra mắt sách, các học trò của cụ – những người tuổi đã trên lục, thất tuần – quây quần bên cụ để chào hỏi và vui mừng khi thấy cụ còn mạnh khỏe. Giáo sư Nguyễn Văn Sâm ở Mỹ về Việt Nam nghiên cứu những thư tịch cổ, cũng tạm ngưng công việc để về San Jose tham dự lễ mừng thọ bách niên của cụ rồi lại qua Việt Nam ngay sau buổi lễ để tiếp tục công việc. Khi đến thăm cụ, ông đã quỳ bên giường xoa lưng, bóp tay cho cụ đỡ đau, như một người con chăm sóc cha già. Cụ hỏi thăm công việc ông đang làm và hứa sẽ giúp thêm tài liệu, ông hẹn tháng Sáu này sẽ sang đây thăm và làm việc với cụ. Ngày 24 tháng Giêng vừa qua, sau khi đưa cụ đi chiếu điện (radiation) trị bịnh ra về, cụ chợt nói với tôi: “Không hiểu có kịp đến tháng Sáu này không? Tôi chỉ cần thêm một năm nữa là sẽ làm xong được nhiều việc lắm. Bị đau như thế này chẳng làm được gì cả. Khổ quá!”. Tôi an ủi, nói cụ đừng bi quan thì cụ nói: “Người tôi tôi biết, đau bây giờ khác hơn những lần trước. Đau kinh khủng lắm cơ, ăn ngủ không được.” Tuy cụ bị đau đớn như vậy nhưng không lo đến thân mình mà chỉ sợ thất hứa với học trò!

Trong những năm gần đây, mỗi khi nhận được thiệp mừng sinh nhật, có người chúc cụ theo thói quen “Sống lâu trăm tuổi” thì cụ lại cười và nói: “Họ chỉ chúc cho tôi sống đến 1 trăm tuổi thôi, nếu tôi sống trên 1 trăm tuổi thì lúc ấy chúc như thế nào?”. Khi nghe viện Việt Học dự định tổ chức lễ “Mừng Thọ bách niên” cho cụ, cụ khiêm tốn từ chối vì cho là mình không xứng đáng hưởng sự tuyên dương đó và nói “càng sống lâu càng nhục nhã”. Tôi lấy làm lạ hỏi thì cụ nói: “Anh xem đấy, càng già mình càng thua một đứa bé, muốn làm gì cũng không được, phải nhờ vả đến người khác, nhục lắm. Tôi có nhiều tài liệu quý lắm, định lấy cho anh mượn nhưng tôi để trong hộp trên kệ cao, hôm nào có thì giờ anh đến giúp tôi đem xuống, tôi sẽ soạn cho. Cứ bị đau lưng như thế này, chả làm gì được. Khổ thế!”. Thì ra cụ cảm thấy nhục vì bịnh già càng ngày càng làm hao mòn sức khỏe, đi đứng khó khăn, khiêng nặng không được nên không còn hoạt động như xưa để tìm tài liệu giúp người! Nghe cụ nói tôi cảm thấy “nhục” lây vì mình còn đầy đủ sức khỏe mà chưa làm được gì cả. Tuy sức khỏe yếu kém nhưng tinh thần cụ rất minh mẫn. Trong thời gian gần đây, cụ bị đau xương bàn tọa, cử động rất khó khăn nên phải nằm một chỗ trên giường nhưng vẫn gọi điện thoại dặn dò, chỉ bảo, hướng dẫn những môn sinh đang nghiên cứu nhiều vấn đề khác nhau. Nhiều khi bị đau lưng, đang nằm nghỉ nhưng chợt nhớ tới một đề tài nào đó, cụ lại lăn người qua kệ sách phía bên giường, hoặc trườn người xuống lục trong những thùng sách trong phòng ngủ để tìm thêm tài liệu giúp môn sinh. Thấy cụ đang bị bịnh nhưng vẫn cố gắng làm việc, tôi lấy làm ái ngại, khuyên cụ tĩnh dưỡng, để khi nào khỏe hẳn rồi hãy tìm sách cho mượn thì cụ nói: “Ô hay! Mình có sách, người ta đang cần, bây giờ không cho mượn thì chờ đến bao giờ?” Những lúc ấy, tôi thấy cụ như một lão tướng đang tả xung hữu đột giữa mặt trận Văn Hóa để gìn giữ những di sản của dân tộc cho thế hệ mai sau.