Tháng Tư, nhớ về Sài Gòn

Tháng Tư gợi lại bao nhiêu kỷ niệm cho nhiều thế hệ người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước
Tháng Tư về, gợi lên bao điều để suy nghĩ và để nhớ.
Nhớ Sài Gòn, chẳng hạn. Ờ, tại sao lại nhớ Sài Gòn mà không nhớ Huế, nhớ Đà Nẵng, nhớ Nha Trang? Hay nhớ Đà Lạt? Có thể nhiều người nhớ những thành phố này, còn với Nguyễn thì Sài Gòn là đóa quỳ vàng của một thời. Có lẽ tại vì Nguyễn đã sống ở đó những năm thanh xuân của đời mình, và ra đi từ đó. Lại nữa, Sài Gòn chính là Việt Nam trong tim của Nguyễn và của nhiều người. Ôi Việt Nam / từng là nỗi đau xé trong tôi / sao tôi khóc lúc ra đi / phượng đỏ một lời yêu dấu cũ / là lúc chia xa… Vâng, qua bên này nghe ca khúc Đêm Nhớ Về Sài Gòn của Trầm Tử Thiêng lại càng nhớ da diết. Đêm nhớ về Sài Gòn / Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa / Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa / Ai sầu trong quán úa

Ôi Tháng Tư. Tháng Tư mở ra những cơn mưa đầu tháng Năm ở Sài Gòn ngày ấy. Mưa. Mưa trái mùa trên rừng cao su An Lộc. Những chiến sĩ Biệt Kích Dù, hàng hàng lớp lớp, đứng nghiêm trong mưa, chào quốc kỳ lần cuối. Rồi chia tay… Vì đâu… Xin hãy nhớ lại kể từ 30 Tháng Tư 1975, không còn tiếng súng xối xả vào kẻ thù, mà đây đó có những tiếng súng lẻ tẻ, tiếng nổ lựu đạn, của các tướng quân, sĩ quan, binh sĩ chấp nhận cái chết chứ nhất định không để rơi vào tay kẻ thù. Những người lính Dù ở Lăng Cha Cả chẳng hạn, hay những người lính Thủy Quân Lục Chiến trong Biển Xưa của Nguyễn Mộng Giác.
Và như vậy, Tháng Tư gợi lại bao nhiêu kỷ niệm cho nhiều thế hệ người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước. Nó là một dấu mốc rất lớn, kể từ năm 1975 trở đi tới nay, và chắc chắn nó cũng nói lên bao điều với những thế hệ sau này. Thật vậy, tháng 4 vẫn luôn là những kỷ niệm thật đau khổ và lớn lao, một vết cháy trong tâm hồn bạn tâm hồn tôi – những người một thời bước đi trên sạn đạo lửa đỏ quê hương – và cho cả lớp người theo cha mẹ vượt biên hồi còn bé dại rồi lớn lên ở những xứ sở xa lạ – như cô bé Phạm Quỳnh Anh người hôm nào đã hát ca khúc Bonjour Vietnam tuyệt vời, hay như cô bé Dao Strom với tiếng đàn thùng, tác giả những bài ca buồn trong tuyển tập Send Me Home – lớp người trẻ hôm nay vẫn chưa quên những năm hãi hùng “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội xã hội chủ nghĩa,” với những ông chủ mới “y trang xúng xính. giọng hét phàm phu” (chữ của Tô Thùy Yên) chĩa mũi súng đẩy hàng trăm ngàn người vào trại cải tạo, đẩy cả triệu dân ra biển Đông sóng dữ hay đi vùng kinh tế mới ma hoang nước độc…
Đúng vậy. Nhà báo Trần Khải viết: Những hình ảnh kinh hoàng, bây giờ nhìn lại vẫn thấy y hệt như là truyện tiểu thuyết Liên Xô. Có vẻ gì rất là siêu thực, như không thể là thực, nhưng lại rất là bi thảm, và đã làm chết biết bao nhiêu người, trên rừng, ngoài phố và sau này là trên biển. Bao giờ thì tháng 4 có thể hàn gắn, không còn là một vết thương, ít nhất là với nhiều triệu người? Với Sơn Ca, có bao giờ cô quên được những hình ảnh hãi hùng đau đớn của Tháng Tư 1975: hôm 28 tháng tư em vào Tân Sơn Nhất / đêm địch pháo phi trường. em ôm hai con / trời tối đen. tắt rồi ánh lửa / không tiếng người. anh ờ nơi đâu… Ôi, cô ca sĩ mắt xếch, tóc màu auburn, em còn nhớ đã cùng chàng chỉ ít hôm sau khi Việt Cộng chiếm Sài Gòn, đã đi mua ngay chiếc xe đạp, đèo nhau đi, để gọi là từ đài các bước xuống bụi đời… Và em nữa, cùng hai con, lúc ấy còn bé xíu, chiều chiều đứng trên ban công nhìn ra sông Thanh Đa, cầu nguyện… Tháng Tư quả như vết dao chém xuống Sài Gòn, chém xuống Việt Nam, cắt đứt những mảnh đời. Kể từ đây xanh thành đỏ, phải thành trái, đúng thành sai, con người lộn ngược đầu kiểu như trong tranh Upsidedown của Nguyễn Đại Giang. Còn gã nhạc sĩ mù ôm đàn gào trong cơn mưa trước rạng đông mặt trời bị cắt cổ (soleil / cou coupé –Apollinaire), bây giờ đi đâu về đâu?
Cuối cùng, Tháng Tư vọng lên câu chửi thề nổi tiếng của thi sĩ Sơn Núi: Đù mẹ cây bông hồng / Mày không lao động / Sao mày trổ bông