Gốm Nam bộ đang ‘được mùa’ trở lại

(Thethaovanhoa.vn) - Gốm Nam bộ hình thành từ giữa thế kỷ 18, phát triển rực rỡ nhất trong giai đoạn từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Thế nhưng trong mắt người làm nghề và trong tâm cảm của chính người sử dụng trước đây, gốm Nam bộ rất ít khi nào thoát khỏi vẻ bình dị, thân thuộc và bình dân của nó. Gần đây, sau hơn nửa thế kỷ thăng trầm, gốm Nam bộ đã trở lại với diện mạo mới: đi vào các bộ sưu tập, nên giá cả và giá trị đều thay đổi.

1. Cũng ít khi nào gốm Nam bộ có nhiều sự kiện trưng bày, triển lãm, viết bài, viết sách và đấu giá như thời gian qua. Mới hơn tuần trước tại TP.HCM, một cuộc hội ngộ và giao lưu đã diễn ra, với 100 hiện vật sưu tập được trưng bày, phần đấu giá gốm thu về hơn 100 triệu đồng, bổ sung vào quỹ hoạt động chung.

Mới đây tại tỉnh Bình Dương, triển lãm chuyên đề Gốm Bình Dương - Tinh hoa từ đất đã giới thiệu rất nhiều hiện vật, hình ảnh gốm qua các giai đoạn phát triển từ cuối thế kỷ 19 cho đến đương thời. Đồng thời triển lãm cũng khắc họa quy trình sản xuất, đặc trưng của gốm Bình Dương trong quan hệ với gốm Nam bộ nói chung.


Bình lọc nước, cao 79cm. Một sản phẩm của lò Lâm Đào Xương (Lái Thiêu, Bình Dương). Sưu tập: Trần Hòa Bình, TP.HCM.


Theo quy ước nhận diện, gốm Nam bộ bao gồm các lò gốm ở Sài Gòn xưa, các lò gốm ở Biên Hòa (Đồng Nai), các lò gốm ở Lái Thiêu (Bình Dương), các lò gốm ở Vĩnh Long…

“Dù chưa có một số liệu chính thức và chính xác, nhưng tôi nghĩ rằng những sự kiện như trưng bày, triển lãm về gốm Nam bộ trong thế kỷ 21 có thể bằng hai thế kỷ trước cộng lại. Vì trước đây gốm Nam bộ chỉ là vật dụng, nên thường chỉ dừng lại ở bày bán, cùng lắm là hội chợ” - nhà sưu tập Nguyễn Minh Hóa chia sẻ.

Ngoài triển lãm, trưng bày tại khục vực Nam bộ, gốm Nam bộ từng xuất hiện trong các cuộc triển lãm, đấu giá ở nước ngoài. Một dấu ấn đáng nhớ, đó là hồi 8/5/2015 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm Gốm Nam bộ và cổ vật trong các sưu tập tư nhân tiêu biểu đã làm cho giới thưởng ngoạn Hà Nội trầm trồ. Tại đây, riêng phần gốm Nam bộ đã có gần 200 hiện vật, tư liệu thuộc sở hữu của nhà sưu tập Nguyễn Thị Hòa và hơn 30 nhà sưu tập phía Nam được giới thiệu. Sau triển lãm này, số nhà sưu tập chơi gốm Nam bộ tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa… tăng lên đáng kể.


Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, cao 114cm. Một sản phẩm của lò Thành Lễ, Bình Dương. Tượng này rất quý. Sưu tập: Trần Hòa Bình, TP.HCM.


2. Theo ước tính, giới sưu tập gốm Nam bộ chủ yếu sinh sống ở Nam bộ, hiện có hơn 2.500 người. Trong số này cũng có chừng 10% ở miền Trung, miền Bắc, hải ngoại và người nước ngoài.

Đáng chú ý hơn nữa, hàng trăm người trẻ (dưới 40 tuổi) đã tham gia sưu tập, trao đổi, nghiên cứu. Gần đây đã có những giao dịch công khai hoặc trao tay về gốm Nam bộ, mà giá bán của một hiện vật đã lên đến vài chục triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng, có vài đồ vật quý hiếm giá trên một tỷ đồng.

Trong một nghiên cứu, tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu nhận định: “Thị trường của gốm Nam bộ là cả miền Đông và Tây Nam bộ, thậm chí cả một phần Tây Nguyên và Campuchia. Trong nửa đầu thế kỷ 20, khi thương nghiệp Nam - Bắc phát triển mạnh, gốm Nam bộ còn theo chân thương nhân ra miền Bắc, miền Trung, có mặt trong nhiều nhà giàu có và một số đình, chùa... Nếu không xuất phát từ đặc điểm lịch sử - xã hội và đặc trưng văn hóa Nam bộ để nghiên cứu thì dễ có quan niệm gốm Nam bộ không có giá trị đặc biệt, vì niên đại muộn và tính mỹ thuật không cao do quá... bình dân”.

Đất nào gốm đó! Con người, phong thổ, cá tính Nam bộ đã làm nên gốm Nam bộ, hồn hậu, bình dị, nhưng thắm tình, hữu dụng. Có lẽ chính những điều này cũng là điểm mấu chốt để các nhà sưu tập ngày nay tìm kiếm, sưu tập lại, sau mấy thế kỷ gốm Nam bộ chủ yếu làm đồ gia dụng và trang trí đơn thuần. Người chơi gốm Nam bộ là chơi với cái tình, cái phóng khoáng của đất qua thời gian, chơi với kỷ niệm và lịch sử, hơn là việc chú trọng quá nhiều vào yếu tố mỹ thuật, tính tư tưởng.

“Điều đáng mừng là gốm cổ - gốm xưa của Nam bộ hiện nay còn được lưu giữ khá nhiều trong dân gian, trong các bảo tàng, cũng như trong các bộ sưu tập của tư nhân. Nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi cổ vật đã được tổ chức, qua đó nâng cao sự hiểu biết và ý thức bảo tồn vốn cổ” - Nguyễn Thị Hậu nhận định.