Những nhà sách xưa

Phạm Công Luận

“Tây in sách, Việt Nam chứa sách, Tàu phổ biến sách”, có câu nói trong giới viết lách thời xưa, mà nhà văn Thế Phong nhắc lại trong cuốn “Nhà văn tác phẩm cuộc đời” (NXB Đại Ngã, 1970).

Câu này ắt được nói đến từ thời Pháp thuộc, khi công nghệ in ấn ban đầu trong tay người Pháp. Các nhà xuất bản người Việt in sách xong đưa vào kho nhưng phát hành ra công chúng phải theo hệ thống của người Hoa trong Chợ Lớn, có mạng lưới buôn bán rộng khắp và giỏi kinh doanh.


Nhà sách Tinh Hoa trên đường Trần Hưng Đạo, quận I của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo. (ảnh tư liệu gia đình của họa sĩ Lê Mộng Lâm).

Ở câu chuyện này, khi bán sách in ronéo cho một ông chủ nhà thầu sách người Hoa, nhà văn Thế Phong nhận xét: “Ông này rất khôn ngoan, biết sách hay. Những cuốn như ‘Nhà văn hậu chiến’ hay ‘Nhà văn tiền chiến’, ông bán rất đắt. Cuốn sách ba chục, ông bán gấp đôi. Ông còn bán sách Tây hiếm với giá rất cao”.

Chuyện người Hoa Chợ Lớn bán sách tiếng Việt còn được được nhắc lại trong cuốn sách khá thú vị của nhà văn Nguyễn Công Hoan, hồi ký “Nhớ và ghi về Hà Nội”. Thời Pháp thuộc, ông Vũ Đình Long, chủ nhà xuất bản Tân Dân thường xuyên gửi sách của nhà xuất bản vô Nam để bán, và bán rất chạy.

Ông Hoan kể, một lần vào Nam, buổi sáng ông đến nhà Đỗ Phương Quế là tổng đại lý sách Bắc ở Chợ Lớn để xem bán sách. Ở đó, ông thấy một người vào nhà sách hỏi hôm nay có sách ngoài Bắc vào chưa? Chủ hiệu đáp có. Khách bảo chủ tiệm bán. Chủ tiệm lấy tất cả các sách mới nhận được, gói vào một gói rồi đưa khách. Khách hỏi giá, rồi xỉa tiền ra trả, không cần biết trong gói có những sách gì, tác giả nào. Nguyễn Công Hoan than: “Thấy kiểu mua sách ấy, mình ngán quá!”.

Đọc đoạn văn này, ta thông cảm với sự nhạy cảm của nhà văn, nhưng mặt khác có thể nghĩ rằng người mua sách có thể là một đại lý con của tổng đại lý bán sách từ Bắc vào, họ mua về để tiếp tục bán lẻ cho khách chuộng sách của các nhà văn miền Bắc, nên không nhất thiết phải xem sách trước. Hoặc có khi khách chỉ là người đi giao nhận cho chủ tiệm sách nào đó ở Sài Gòn.

Nhà sách Đỗ Phương Quế không chỉ bán mà còn xuất bản sách, có những cuốn có giá trị như cuốn “Việt Nam Tây thuộc sử” của Đào Trinh Nhất (xuất bản 1937 ở Chợ Lớn), “Nỗi lòng Đồ Chiểu” của Phan Văn Hùm (xuất bản 1938) và “Biện chứng pháp phổ thông” cũng của Phan Văn Hùm.


Quảng cáo Yiễm Yiễm thư trang của nhà thơ Đông Hồ. (ảnh tư liệu: PCL).

Nguyễn Công Hoan kể sau đó nhà sách này và ông Vũ Đình Long có mâu thuẫn với nhau: “Nhà này (Đỗ Phương Quế), trước thì rất sòng phẳng, nhưng sau, thì mỗi số tiểu thuyết thứ bảy, dù bán hết, cũng nói là chưa bán hết, còn đọng một ít. Nhà xuất bản không muốn lấy báo ế vì sợ tốn tiền đài tải. Và những số báo ế, cứ gửi ở đại lý, có khi dần dần vẫn bán được.

Nhà Đỗ Phương Quế cho là nhà Tân Dân ở xa, không thể kiểm soát được, nên làm lối ấy mấy năm trời, để được món tiền khá lớn. Nhưng đến khi nhà Tân Dân biết, nên không cho Đỗ Phương Quế làm tổng phát hành nữa. Người anh em rể của Vũ Đình Long là Nguyễn Khắc Đàm mới vào Sài Gòn, mở hiệu bán sách, làm tổng phát hành cho nhà xuất bản Tân Dân”.

Câu chuyện nhận sách bán, khai thấp hơn số lượng bán ra để trả tiền ít hơn, chiếm dụng vốn cho đến giờ vẫn còn tồn tại.

Trong cuốn “Sài Gòn, chuyện đời của phố” tập 1, được sự giúp đỡ của gia đình ông Nguyễn Khánh Đàm ở Hà Nội, tôi có bài viết về nhà sách của ông trên đường Sabourain (Lưu Văn Lang ngày nay) ở trung tâm thành phố. Nhà sách chỉ tồn tại trong sáu năm (1939-1945), nhưng có ý nghĩa trong đời sống văn hóa Sài Gòn cho đến giờ, vì góp phần quan trọng giúp độc giả miền Nam đọc được văn chương miền Bắc xa xôi đang phát triển mạnh.

Nhà sách đã tổ chức cuộc triển lãm Báo chí Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1943, giúp người đọc cả nước biết đến nền báo chí non trẻ của nước Việt. Ở thời đó, nhà sách đã được trưng bày rất hiện đại, chuyên nghiệp, có nhiều tủ kệ ngăn nắp và có tủ kính đặt giữa nhà sách bày những ấn phẩm đặc biệt.

Năm 1944, ông Nguyễn Khánh Đàm lên Đà Lạt mở thêm hiệu sách thứ hai. Nhà sách Nguyễn Khánh Đàm ở Sài Gòn tồn tại đến năm 1945 thì ngưng hoạt động và có lẽ nhà sách trên Đà Lạt cũng chịu chung số phận.

Cùng khoảng thời gian này, có tiệm sách Thanh Thanh khá có tiếng ở số 120 de la Somme (Hàm Nghi), cũng chuyên bày bán các loại sách từ miền Trung và miền Bắc đưa vào, thiên về sách học thuật bên cạnh các tiểu thuyết. Trên báo Tân Văn ra năm 1935, tiệm quảng cáo: “Không hề lên giá như các hàng sách khác mà lại lựa ròng những sách quốc văn có giá trị để cống hiến cho các bạn thanh niên muốn khảo cứu và luyện tập quốc văn”.

Ở đây có bán các cuốn sách có giá trị như Hán Việt thành ngữ (Dictionnaire Sino Annamite) của Bửu Cân, Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh với mỗi từ vựng hay giải thích trong các cuốn tự điển này đều có chú thích Pháp văn, giá 3,2 đồng. Ngoài ra là các cuốn khác như Chữ Tàu tiếng Nam, Diễm Dương Trang, Hồng Lâu Mộng, Cậu Tám Lọ, Mảnh Trăng Thu, Một Đêm Trước, Thế Giới Sử, Văn đàn bảo giám bộ 3 cuốn, Kép Tư Bền, Nữ Lưu Văn Học Sử, Sào Nam văn tập… Tiệm sách này cũng có bán sách của nhóm Tự Lực Văn đoàn, sách thuốc của Nhựt Nam thư quán, Nam Ký, Đông Tây…


Quảng cáo nhà sách Vĩnh Bảo. (ảnh tư liệu: PCL).

Sau 1954, khắp Sài Gòn rộ lên các nhà sách cho dù các dãy sạp bán sách cũ giá rẻ vẫn tồn tại song song phía bên lề đường Lê Lợi, gần nhà thương Sài Gòn.

Nhà sách Khai Trí lớn nhất, còn có nhiều nhà sách khác như nhà sách Khai Tâm bán sách báo và dụng cụ văn phòng số 123 Tự Do, nhà sách Lê Phan số 41 Phạm Ngũ Lão, nhà sách Phương Anh số 303 Hai Bà Trưng, nhà sách Sài Gòn số 28A Lê Lợi, nhà sách Thanh Tuân số 56, nhà sách Văn Hữu 28C, nhà sách Liên Châu số 3 Công trường Hòa Bình (chủ yếu bán sách giáo khoa cho các trường dạy theo chương trình Pháp)…

Nhà sách Vĩnh Bảo 66 ter (trước ở 46 bis Gia Long), nhà sách Xuân Thu 185 -193B Tự Do, Yiễm Yiễm thư trang số 113-115 Nguyễn Thái Học, nhà sách Tự Lực 92, nhà sách Tinh Hoa số 51 Trần Hưng Đạo. Còn trong Chợ Lớn có nhà sách Hồng Dân của ông Lê Ngọc Anh số 254 Khổng Tử (Hải Thượng Lãn Ông), nhà sách Sy-tai của ông Dương Kỳ Phước số 162 Phùng Hưng, nhà sách Mỹ Khoan 17 Trần Điện.

Nhà sách ở Sài Gòn cách nay hơn nửa thế kỷ tập trung nhiều ở khu trung tâm Sài Gòn. Ở các vùng ngoại vi như Phú Nhuận, Ông Tạ, Bà Chiểu… cư dân cũ kể rằng ban đầu không có mấy nhà sách, trừ vài tiệm bán sách giáo khoa cùng đồ văn phòng. Cho đến cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, phong trào mở tiệm thuê sách nở rộ ở nhiều khu vực, phù hợp sở thích của dân đọc sách đa số không có nhiều tiền mua sách. Một số nhà sách vẫn duy trì bán sách, nhất là sách giáo khoa và sách vở bút mực nhưng đặt thêm những kệ sách cho thuê. Dần dà, các tiệm bán sách ít đi, nhường chỗ cho sự thịnh hành của các tiệm cho thuê mướn sách về đọc.