Vai trò đào tạo (truyền dạy, truyền nghề) trong công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật Cải Lương

(Nghiên cứu trường hợp đoàn đồng ấu Bạch Long)

  Phạm Thái Bình
1. Đặt vấn đề

Cải lương là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc, hàm chứa những giá trị văn hóa tinh thần, được thể hiện bằng sự sáng tạo của người nghệ sĩ thông qua hoạt động biểu diễn trực tiếp trước công chúng và được công chúng hưởng ứng, tương tác cùng họ trong quá trình thể hiện tác phẩm. Qua đó, công chúng tiếp nhận những giá trị có ý nghĩa về mặt tư tưởng, nội dung, nghệ thuật từ vở diễn và đồng thời, có thể vận dụng vào thực tiễn cuộc sống nhằm hoàn thiện nhân cách bản thân trong xã hội.Tuy ra đời muộn hơn so với sân khấu Tuồng và Chèo, nhưng nghệ thuật Cải lương nhanh chóng tạo cho mình số lượng kịch mục vô cùng phong phú, với nội dung, thể tài đa dạng (như: hương xa, kiếm hiệp, tâm lý xã hội, tuồng cổ…). Trong đó, có nhiều vở diễn trở thành “khuôn mẫu” của nghệ thuật Cải lương.

Trải qua một thế kỷ tồn tại, theo dòng chảy chung của nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc Việt Nam, nghệ thuật Cải lương được nhiều thế hệ nghệ sĩ, danh cầm, soạn giả, đạo diễn… dày công vun đắp. Họ không ngừng sáng tạo, phát huy và truyền bá những tinh hoa, tinh túy của di sản sân khấu độc đáo vùng đất phương Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các phương thức hoạt động: sáng tác, biểu diễn và đào tạo (còn gọi là truyền dạy, hay truyền nghề). Công tác đào tạo đóng vai trò hết sức quan trọng, được xem là “thiên chức” cao cả, là một trong những hoạt động chính yếu của người nghệ sĩ Cải lương - những người đang thực hành và nắm giữ tri thức nghề nghiệp. Nếu không thực hiện tốt vai trò đào tạo ắt hẳn những giá trị độc đáo của Cải lương sẽ không được phổ biến rộng rãi và chắc chắn di sản nghệ thuật truyền thống này không thể tồn tại đến ngày hôm nay.

Xưa nay, hoạt động đào tạo lực lượng kế thừa đáp ứng nhu cầu sân khấu Cải lương luôn diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, ứng với từng giai đoạn lịch sử và hoàn cảnh xã hội cụ thể, luôn được giới nghề và cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương chú trọng, quan tâm.

● Đối với cơ sở giáo dục chuyên nghiệp cụ thể như các trường: Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn thành lập trước 1975 (Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh hiện thời) và Trường Nghệ thuật Sân khấu II ( Đại học Sân khấu và Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh ngày nay); Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội; Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật các địa phương khu vực Nam Bộ như: Đồng Nai, Cần Thơ,Tiền Giang … Như thường lệ, mỗi năm, những cơ sở đào tạo chuyên nghiệp này đều tổ chức tuyển sinh chuyên ngành Diễn viên Cải lương và Nhạc công Cải lương với các môn thi đầu vào bao gồm: năng khiếu (kiểm tra các tố chất: sắc vóc, ca và diễn tiểu phẩm, tiếng nói sân khấu (tức phát âm), kỹ năng đàn, trình độ về nhạc lý và ký xướng âm) và các môn kiến thức xã hội như: ngữ văn, phân tích tác phẩm sân khấu… theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi trúng tuyển, học viên được trang bị kiến thức một số môn học đại cương thuộc lĩnh vực khoa học xã hội như: Triết học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại cương sân khấu, Mỹ học nghệ thuật, Xã hội học nghệ thuật… và đặc biệt, được truyền thụ những môn học cơ bản liên quan đến kỹ năng chuyên môn như: Kỹ thuật biểu diễn, Ca cổ, Nói lối, Vũ đạo, Hóa trang, Múa dân gian, Hình thể sân khấu,Tiếng nói sân khấu, Ký xướng âm, Lịch sử Âm nhạc Việt Nam và Thế giới, Lý thuyết Âm nhạc Truyền thống Việt Nam… Kết thúc khóa học, nhà trường cấp bằng tốt nghiệp công nhận là Diễn viên Cải lương và Nhạc công Cải lương chuyên nghiệp hệ Trung cấp hoặc Cao đẳng cho sinh viên đúng theo quy định của pháp luật giáo dục Việt Nam.

● Đối với các sở ngành, hội đoàn và đơn vị nghệ thuật do nhà nước quản lý như: Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành có đoàn Cải lương chuyên nghiệp như: Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang...Thi thoảng, phối hợp mở lớp tập huấn nghiệp vụ về sân khấu Cải lương. Đối tượng tham gia là nhạc công và diễn viên các đoàn chuyên nghiệp như: Nhà hát Cải lương Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh), Nhà hát Tây Đô (Thành phố Cần Thơ), Nhà hát Cao Văn Lầu (Sở Văn hóa, Thông tin,Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu), Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Đồng Nai (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai), sinh viên khoa Kịch hát dân tộc Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh... Tại đây, học viên được giới thiệu những kiến thức căn bản của nghệ thuật Cải lương; các kỹ năng đờn và ca một số thể điệu của âm nhạc Cải lương; các trình thức vũ đạo của đào văn, đào võ, kép văn, kép võ…; nghệ thuật hóa trang; và thể hiện một số vai diễn mẫu do các thầy, cô trong Ban Giảng huấn (là những nhà giáo, nghệ sĩ, đạo diễn, nhạc sĩ… có uy tín nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cao) hướng dẫn, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu được họ đúc kết sau mấy mươi năm gắn bó với nghệ thuật sân khấu truyền thống. Song song đó, lớp tập huấn còn tạo cơ hội để các học viên có dịp giao lưu, trao đổi chuyên môn lẫn nhau; từ đó góp phần bảo tồn và gìn giữ vốn tinh hoa quý báu của nghệ thuật dân tộc. Kết thúc khóa học, học viên được cấp Giấy Chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn.

● Đối với các đoàn hát tư nhân, phương pháp truyền dạy chủ yếu là “cầm tay chỉ việc”. Bằng kinh nghiệm ca diễn (tức kinh nghiệm ca ngâm và diễn xuất) cộng với bản lĩnh xử lý tình huống sân khấu, thế hệ nghệ sĩ đi trước (bao gồm các thành phần như: diễn viên, đạo diễn, thầy tuồng, thầy đờn…) trực tiếp thị phạm hướng dẫn cho thế hệ sau thông qua những vai diễn thực tế trong các vở tuồng mà đoàn đang dàn dựng.

● Đối với nghệ thuật Cải lương tuồng cổ, phương pháp đào tạo không khác biệt so với đơn vị nghệ thuật tư nhân. Chủ yếu dựa theo kiểu “cha truyền con nối”, thế hệ đi trước truyền nghề ca - múa - diễn cho thế hệ con cháu nhằm tiếp nối truyền thống của gia đình, dòng tộc.Tuy không được đào tạo căn cơ, bài bản và cấp bằng chuyên nghiệp như cơ sở đào tạo nghệ thuật Cải lương chính thống; nhưng nhờ công lao truyền dạy của những bậc tiền bối dạn dày kinh nghiệm, Cải lương tuồng cổ giới thiệu đến công chúng nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng.Trong đó phải kể đến công lao của nghệ sĩ Bạch Long (con trai đôi nghệ sĩ Hát bội: NSND Thành Tôn và NS Huỳnh Mai) đã đào tạo nhiều học trò giỏi cho nghệ thuật Cải lương như: Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Tâm Tâm, Thy Trang, Bình Tinh, Lê Thanh Thảo, Hiền Linh, Ái Hằng…

2. Hoàn cảnh ra đời đoàn Đồng ấu Bạch Long

Đầu thập niên 1990, nghệ sĩ Bạch Long được biên tập viên Kim Hà (Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ) mời dàn dựng vở kịch thiếu nhi “Cóc kiện Trời” nhằm phục vụ khán giả truyền hình. Nhận thấy sở trường của mình là Cải lương tuồng cổ, nghệ sĩ Bạch Long trao đổi và đề nghị chỉnh sửa thành kịch bản Cải lương để thuận lợi cho anh trong việc dàn dựng tác phẩm. Được sự đồng thuận của nhà đài, nghệ sĩ Bạch Long tập hợp con em các nghệ sĩ Cải lương như: Tú Sương, Lê Thanh Thảo (con gái của Nghệ sĩ ưu tú Trường Sơn và nghệ sĩ Thanh Loan); Trinh Trinh, Xuân Trúc (con của đôi nghệ sĩ Xuân Yến - Hữu Cảnh); Quế Trân (con của cố Nghệ sĩ nhân dânThanh Tòng); Chinh Nhân, Bình Tinh (con của đôi nghệ sĩ Đức Lợi - Bạch Mai); Linh Tý (con của đôi nghệ sĩ Linh Tâm - Cẩm Thu); Tâm Tâm (con của soạn giả Hoàng Ngọc, Trưởng đoàn Cải lương Thanh Nga); Hiền Linh (con của soạn giả Đức Hiền và nghệ sĩ Dạ Lan); cùng một số diễn viên có năng khiếu như: Vũ Luân, Thy Trang, Ái Hằng, Chấn Cường… trực tiếp truyền dạy kỹ năng ca ngâm, diễn xuất và vũ đạo cho các diễn viên nhí tham gia vở “Cóc kiện Trời”. Tết Trung thu năm 1990, sau khi ra mắt khán giả truyền hình, nghệ sĩ Bạch Long và các học trò được mọi người hết lời khen ngợi. Sau thành công này, cộng với sự khuyến khích, động viên của bạn bè đồng nghiệp và đặc biệt là sự ủng hộ của giới mộ điệu, nghệ sĩ Bạch Long chính thức thành lập đoàn Đồng ấu Bạch Long. Đây là sở nguyện của NS Bạch Long, mong muốn những kinh nghiệm chuyên môn, những trình thức vũ đạo, những làn điệu, bài bản và những giá trị độc đáo của Cải lương tuồng cổ mà anh đang nắm giữ trau truyền lại cho thế hệ kế tục, để nghệ thuật Cải lương ngày càng lan tỏa sâu rộng, được lưu truyền trong nhân gian.

3. Nguyên nhân thành công

Từ những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, sân khấu Cải lương bắt đầu rơi vào tình trạng sa sút, hoạt động kém hiệu quả.Thậm chí, các đoàn Cải lương nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ như: Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Hương Mùa Thu, Phước Chung, Văn Công Thành Phố, Trung Hiếu, Thanh Nga… phải hạ bảng hiệu, lần lượt dừng hoạt động. Hai đoàn Cải lương tuồng cổ “lừng lẫy” thời đó là Minh Tơ và Huỳnh Long cũng cùng chung số phận. Mặc dù đầu tư diễn tuồng mới, quy tụ nhiều “ngôi sao” đang được công chúng mến mộ như: Vũ Linh,Thanh Thanh Tâm,Tài Linh, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Hồng Nhung,Tiểu Linh, Vân Hà, Chí Linh; bên cạnh các nghệ sĩ lão luyện như: Thanh Tòng, Thanh Loan, Trường Sơn, Ngọc Đáng, Đức Lợi, Bạch Mai, Thanh Thế, Bửu Truyện, Hữu Cảnh, Xuân Yến, Minh Long…; nhưng doanh thu không cao. Vấn đề này được soạn giả Nguyễn Phương đề cập trong bài viết của mình như sau:“Từ 1993 đến 1996, hai đoàn hát đại bang Minh Tơ, Huỳnh Long mỗi lần khai trương tuồng mới chỉ bán được trên dưới 100 vé là đắc khách lắm rồi. Rạp Hưng Đạo có trên 1.000 ghế mà đoàn hát chỉ bán được 10% số ghế đó nên ông trưởng đoàn không có tiền để phát lương cho nghệ sĩ. Năm 1996, hai đại bang Minh Tơ, Huỳnh Long treo bảng hiệu rã gánh” [6].

Mặc dù sân khấu Cải lương đang thưa dần khán giả, thế nhưng với lợi thế mới, lạ và hấp dẫn bởi dàn diễn viên nhỏ tuổi, mỗi tuần, Đồng ấu Bạch Long mở màn đủ 7 suất diễn. Những ngày cuối tuần đoàn diễn 3 suất (sáng, chiều, tối) với hàng loạt vở diễn hay như: Cóc kiện trời, Con ngựa và củ cải khổng lồ, Cầu vồng và đàn thỏ, Trần Quốc Toản ra quân, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Bao Công vô lò gạch, Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Xử bá đao Từ Hải Thọ, Bao Công xử án Trần Thế Mỹ, Thanh Xà - Bạch Xà…, được khán giả ấn tượng, quan tâm, ủng hộ.

● Vì sao Đồng ấu Bạch Long thành công trong thời điểm sân khấu Cải lương đang thu hẹp dần đất hoạt động? Qua tìm hiểu thực tế, người viết cho rằng hoạt động của Đồng ấu Bạch Long tạo hiệu quả tích cực là nhờ những yếu tố sau đây:

  • Các diễn viên nhí khi ấy như: Tú Sương, Trinh Trinh, Lê Thanh Thảo, Quế Trân, Chinh Nhân, Bình Tinh, Hiền Linh, Linh Tý… đều là con “nhà nòi”. Ngoài việc được thầy Bạch Long chỉ dẫn tận tình; các bạn được cha mẹ hết lòng truyền đạt những kinh nghiệm quý giá từ kỹ thuật ca ngâm, phong cách diễn xuất cho đến động tác vũ đạo và nghệ thuật hóa trang... Nhờ vậy mà các nghệ sĩ nhí của Đồng ấu Bạch Long tiến bộ rất nhanh, hóa thân các vai diễn thật xuất sắc, được giới chuyên môn và người mộ điệu đánh giá cao.

  • Cặp đào kép chánh Vũ Luân - Tú Sương diễn xuất khá hòa hợp. Đặc biệt, vóc dáng và phong cách ca - diễn của Vũ Luân có nét giống hao hao Nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh - “ngôi sao” ăn khách, thần tượng của đông đảo người ái mộ Cải lương. Cả hai thu hút khán giả ủng hộ đoàn Đồng ấu Bạch Long hơn các bảng hiệu Cải lương tên tuổi thời ấy. Đề cập đến đoàn Đồng ấu Bạch Long, soạn giả Nguyễn Phương đã viết: “… đoàn Đồng ấu Bạch Long ngày hát được ba suất ở rạp Đại Đồng. Hai diễn viên nhí Vũ Luân - Tú Sương là cặp nghệ sĩ được khán giả ưa thích nhứt như trước kia người ta thích Thanh Nga và Thành Được đóng cặp với nhau”[7]. Nhờ lợi thế này, cộng với lối ca - diễn khá “ăn ý”,Tú Sương và Vũ Luân trở thành cặp đào kép chánh sáng giá của Đồng ấu Bạch Long.

  • Nét diễn hài duyên dáng của “thần đồng Linh Tý”. Là con trai của đôi nghệ sĩ Linh Tâm và Cẩm Thu, năm 2 tuổi, Linh Tý sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật và bắt đầu thọ giáo nghệ sĩ Bạch Long.Với tính tình lanh lợi, nhạy bén và nét duyên hài dễ thương, Linh Tý đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của sân khấu Đồng ấu Bạch Long.

  • Sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng khán giả lúc bấy giờ. Khi các đoàn Cải lương chuyên nghiệp thời ấy không mở màn biểu diễn, người ái mộ tập trung ủng hộ các học trò của nghệ sĩ Bạch Long. Do đó, Đồng ấu Bạch Long thường xuyên sáng đèn và đạt doanh thu cao.

4. Độc đáo phương pháp truyền dạy

Nếu như các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp (các Trường Văn hóa - Nghệ thuật) và bán chuyên nghiệp (các đơn vị Cải lương nhà nước và tư nhân), diễn viên bắt đầu học nghề từ các vai làm quân chạy hiệu, quân báo, tỳ nữ; đến những vai kép con, đào con, kép độc, kép lão; rồi tới các nhân vật tướng trung, tướng nịnh; sau đó là vua, quan thừa tướng…; nghệ sĩ Bạch Long dạy học trò của mình theo từng nhân vật cụ thể trong các vở tuồng do anh dàn dựng.Thông qua việc hướng dẫn trực tiếp, các diễn viên nhí sẽ tiếp cận và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý giá từ phong cách ca ngâm và diễn xuất, cho đến động tác vũ đạo và nghệ thuật hóa trang một cách thiết thực, hiệu quả.Từ đó, khả năng chuyên môn của các học trò tiến triển rất nhanh, chững chạc, tự tin, bản lĩnh khi hóa thân vào các vai diễn trên sân khấu.

Nhờ phương pháp truyền dạy sáng tạo này, các diễn viên đoàn Đồng ấu Bạch Long mau chóng nổi danh và khẳng định tên tuổi trên sàn diễn Cải lương. Không chỉ biểu diễn hồn nhiên, gây thích thú cho khán giả qua một số vở tuồng dành cho thiếu nhi, với các nhân vật như: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thiên Lôi, Thần tướng, Tiên nữ, Công chúa, chú Khỉ, chàng Cóc… ; các học trò của nghệ sĩ Bạch Long còn thành công với những vở tuồng thuộc hàng “khuôn mẫu” của nghệ thuật Cải lương tuồng cổ như: Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Bao Công vô lò gạch, Bao Công xử án Trần Thế Mỹ, Xử bá đao Từ Hải Thọ, Thanh Xà - Bạch Xà… Qua đó, các nghệ sĩ trẻ đoàn Đồng ấu Bạch Long ngày càng tạo uy tín và niềm tin đối với giới nghề và người ái mộ. Những học trò nhí của đoàn Đồng ấu Bạch Long ngày ấy là lực lượng nòng cốt của nghệ thuật Cải lương hôm nay.

5. Đóng góp của đoàn Đồng ấu Bạch Long

Hoạt động trong một thập niên (1990 - 2000), Đồng ấu Bạch Long có những đóng góp đáng kể trong việc đào tạo thế hệ kế tục cho nghệ thuật sân khấu truyền thống, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát triển Cải lương Việt Nam. Đa phần các nghệ sĩ trẻ của đoàn Đồng ấu Bạch Long đã tạo dựng được tên tuổi bằng những vai diễn ấn tượng và đoạt nhiều giải thưởng cao tại các kỳ liên hoan, hội thi tài năng sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc. Cụ thể như: Tú Sương và Trinh Trinh đoạt Huy chương Vàng giải Triển vọng Trần Hữu Trang năm 1995; Chinh Nhân - Huy chương Vàng giải Triển vọng Trần Hữu Trang năm 1996; Quế Trân - Huy chương Vàng giải Triển vọng Trần Hữu Trang năm 1998;Tâm Tâm - Huy chương Vàng giải Triển vọng Trần Hữu Trang năm 2000; Thy Trang - Huy chương Vàng giải Triển vọng Trần Hữu Trang năm 2003; Vũ Luân - Huy chương Vàng Xuất sắc giải Trần Hữu Trang năm 2007; Lê Thanh Thảo - Huy chương Vàng giải Triển vọng Trần Hữu Trang năm 2012… Trong số đó có 5 nghệ sĩ vinh dự được nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu cao quý “Nghệ sĩ ưu tú” dành cho tài năng và những cống hiến của họ đối với sân khấu Cải lương đó là các nghệ sĩ: Quế Trân (2012); Vũ Luân và Tú Sương (2015); Thy Trang và Tâm Tâm (2019).

6. Kết luận

Đồng ấu Bạch Long là đoàn Cải lương dành cho thiếu nhi do nghệ sĩ Bạch Long thành lập đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước, để lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả mến mộ Cải lương. Nghệ sĩ Bạch Long và đoàn hát của mình đã góp công đào tạo, bổ sung nhiều gương mặt trẻ khá vững chắc về chuyên môn, xứng đáng là thế hệ kế thừa cho nghệ thuật Cải lương.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, công tác đào tạo sân khấu Cải lương vẫn thể hiện tính ưu việt và luôn phát huy vai trò quan trọng trong hoạt động bảo tồn và phát triển giá trị di sản Cải Lương Việt Nam.Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập quốc tế, trước sức ép của cơ chế thị trường, ảnh hưởng của văn hóa ngoại nhập… khiến cho phương thức hoạt động (sáng tác, biểu diễn, đào tạo) các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc (trong đó có Cải lương) bị tác động ít nhiều. Hiện thời, công tác đào tạo diễn viên và nhạc công Cải lương chủ yếu tại các trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật do Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch quản lý. Việc tuyển sinh và đào tạo tại các cơ sở giáo dục này gặp nhiều khó khăn. Ngay từ khâu tuyển sinh đã khó đạt đủ chỉ tiêu. Bởi lẽ, theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành, một thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, các cơ sở đào tạo được phép tuyển sinh nhiều lần trong năm theo đề án riêng, mức điểm sàn xét tuyển tương đối thấp…, dẫn đến hệ quả số lượng thí sinh lựa chọn vào các trường văn hóa nghệ thuật theo chiều hướng giảm. Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các trường, ngành nghề đào tạo cùng với sự cấp phép mới cho các cơ sở đào tạo về việc mở mã ngành cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyển sinh các chuyên ngành văn hóa nghệ thuật.

Việc đào tạo nghệ thuật nói chung, Cải lương nói riêng cũng chưa có cơ chế đặc thù, lại chồng chéo trong công tác quản lý. Đào tạo khối nghệ thuật tiêu chí hàng đầu là năng khiếu.Thời gian đào tạo kéo dài, tuổi nghề lại ngắn, sinh viên tốt nghiệp ra trường khó tìm được việc làm. Vì thế cho nên, cần phải xây dựng cơ chế đặc thù cho lĩnh vực đào tạo chuyên ngành năng khiếu nghệ thuật. Nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ mất dần nguồn lực kế thừa và đồng thời công tác bảo tồn, phát triển nghệ thuật Cải lương không phát huy hiệu quả. Hiện nay, các trường đào tạo khối nghệ thuật chuyên nghiệp như: Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sân khấu và Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh… do 3 bộ ngành bao gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Điều này dễ dẫn đến việc chồng chéo về thực hiện chính sách cùng các quy định về quy trình, chương trình, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, đội ngũ giảng viên và chế độ làm việc, chế độ chính sách ưu đãi đối với giảng viên, sinh viên... Đó là chưa kể đến một số quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và Nghị định số 48/2015 NĐ - CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều luật có nội dung chưa phù hợp hoặc chưa quy định đối với khối đào tạo đặc thù năng khiếu nghệ thuật. Vì vậy, cần có sự thống nhất trong điều hành quản lý, không nên áp dụng cơ chế cứng nhắc như các cơ sở đào tạo ở lĩnh vực khác. Bởi hệ thống các trường nghệ thuật có chuyên ngành kịch hát dân tộc như Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh mang nặng tính truyền nghề. Do đó, không thể quy định người thầy dạy Cải lương phải có học hàm, học vị như những chuyên ngành khác. Chỉ cần giảng viên là những nhà giáo, nghệ sĩ có danh hiệu, có uy tín chuyên môn và tâm huyết với nghề.

● Để công tác tuyển sinh và đào tạo nghệ thuật Cải lương được tốt hơn, người viết xin khuyến nghị thực hiện những giải pháp sau đây:

  • Cần xác định quy mô tuyển sinh phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội. Nhằm nâng cao chất lượng đầu vào cũng như đầu ra của sinh viên. Đặc biệt, cần thiết phải có quy định rõ ràng về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra đối với chuyên ngành diễn viên và nhạc công Cải lương (việc quy định chi tiết do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra); chú trọng đào tạo tài năng Cải lương theo đặt hàng của các đơn vị nghệ thuật nhằm cung cấp và nâng cao chất lượng nguồn lực kế thừa cho sân khấu Cải lương, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng và xã hội.

  • Thời gian tới, các cơ sở đào tạo Cải lương chuyên nghiệp cần tính toán xây dựng chương trình đào tạo Đờn ca Tài tử - Cải lương để góp phần thực hiện Đề án Bảo tồn và Phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ, thực hiện tốt cam kết với UNESCO. Mạnh dạn xây dựng chương trình đào tạo Đờn ca Tài tử một cách căn cơ, bài bản. Nhằm hình thành ý thức học tập, bồi dưỡng kiến thức và khơi dậy niềm say mê đối với giới trẻ hiện nay. Bên cạnh đó, nhà trường mời các chuyên gia, nghệ nhân có danh hiệu và uy tín về nhạc Tài tử - Cải lương vào giảng dạy, tạo cơ hội cho sinh viên mở rộng kiến thức, nắm vững tri thức và kỹ năng thực hành di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca Tài tử - Cải lương.

  • Với các sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường cần có chế độ ưu đãi như: hỗ trợ chi phí ăn, ở, ký túc xá, học bổng theo quy định; có định hướng công việc về lâu dài cho các bạn theo học nghệ thuật truyền thống.

  • Cần đổi mới phương pháp dạy và học hợp với xu thế phát triển của thời đại, giúp sinh viên có thể phát huy hết khả năng tư duy, sáng tạo nghệ thuật. Nhà trường cần củng cố và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên. Đặc biệt, trong thời đại chuyển đổi công nghệ số, ngoài kiến thức chuyên môn, nhà trường cần chú trọng việc dạy và học ngoại ngữ cho sinh viên nghệ thuật. Tạo điều kiện giúp các bạn có thể giao tiếp tốt với công chúng và du khách, nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị của nghệ thuật Cải lương.

  • Thiết nghĩ, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng Đề án mở mã ngành đào tạo sáng tác kịch bản Cải lương. Đây là công việc vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Hơn lúc nào hết, cần khẩn trương thực hiện giải pháp cải thiện chất lượng đào tạo nghệ thuật Cải lương. Nếu thực hiện đúng, nghiêm các giải pháp thiết thực ắt hẳn công tác bảo tồn, gìn giữ, kế thừa, phát huy các giá trị của nghệ thuật Cải lương đạt chất lượng cao, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập. Và chắc chắn những giá trị độc đáo, những tinh hoa, tinh túy của nghệ thuật Cải lương mà các thế hệ tiền bối đã dày công vun đắp qua chiều dài lịch sử sẽ không mai một, biến dạng hoặc thất truyền.

_________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Thái Bình (2012), Sự tương tác của Đờn ca Tài tử và sân khấu Cải lương Nam Bộ, Khóa luận Cử nhân Quản lý Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh.

  2. Đỗ Dũng (2003), Cải lương Nam Bộ, Nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh.

  3. Tuấn Giang (1997), Ca nhạc và sân khấu Cải lương, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc.

  4. Huỳnh Công Tín (Chủ biên), (2016), Văn hóa Cải lương Nam Bộ, Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.

  5. Trương Bỉnh Tòng (1995), Nghệ thuật Cải lương những trang sử, Nhà xuất bản Sân khấu, Hà Nội.

  6. http://sankhaucailuong.com/forum/viewtopic.php?t=48924; ngày truy cập: 10/5/2020.

  7. http://sankhau.com.vn/news/duong-nuoi-mam-non-san-khau.aspx; ngày truy cập: 10/5/2020.

  8. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/lao-dong-tien-luong/Nghi-dinh-48-2015-ND-CP-huong-dan-Luat-Giao-duc-nghe-nghiep-275390.aspx; ngày truy cập: 20/5/2020.