Việt sử Xứ Đàng Trong: Giao thương và xung đột với người Hà Lan


Antonio van Diemen, Toàn quyền Công ty Đông Ấn Hà Lan trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh Ảnh: T.L.


Từ đầu thế kỷ 17, nước Hà Lan, nước Anh lập những công ty thương mại được chính phủ cho độc quyền hoạt động ở các miền trên bờ biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, gọi là Công ty Đông Ấn Độ.

Từ đầu thế kỷ 17, nước Hà Lan, nước Anh lập những công ty thương mại, với sự hùn vốn của tư nhân, được chính phủ cho độc quyền hoạt động ở các miền trên bờ biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, gọi là Công ty Đông Ấn Độ.

Hằng năm, vào khoảng đầu năm âm lịch, sự buôn bán bắt đầu. Người Việt đem đến Faifo (Hội An) sản vật trong xứ như tơ sống, gỗ quý, trầm hương, đường, xạ hương, quế, tiêu, gạo... Còn tàu Âu châu thì chở đến đồ sành, đồ sứ, giấy, trà, bạc thoi, binh khíc, diêm sinh, lưu huỳnh, chì, kẽm, vải, nỉ đỏ, nỉ xanh, nỉ đen... Các chúa cũng thường mua sản vật của dân gian để trao đổi với thương nhân ngoại quốc, lấy ngoại hóa. Sự mua bán kéo dài trong 5, 6 tháng.

Theo giáo sĩ Christoforo Borri thì thấy người Hà Lan đến buôn bán ở Đàng Trong, người Bồ Đào Nha ở Macau sai một sứ giả đến xin chúa Nguyễn đuổi họ; sau đó lại sai một phái đoàn đến nói với chúa Nguyễn hãy đề phòng người Hà Lan nhã nhặn nhưng xảo quyệt, e họ sẽ xâm chiếm đất đai Nam Hà như họ đã làm ở Ấn Độ. Nhưng chúa Sãi khá sáng suốt, vẫn sai viết thư cho công ty Hà Lan vời họ sang buôn bán ở nước mình. Đầu năm 1636, đã có một thương điếm Hà Lan được thiết lập ở Quảng Nam.

Bấy giờ ở Nhật Bản, Mạc phủ đã xuống lệnh cấm người Nhật buôn bán với Đông Kinh (Tonquin, tức khu vực Bắc kỳ thời kỳ đó), công ty Hà Lan ở Nhật định sang Đông Kinh buôn bán, thay địa vị người Nhật ở đấy. Tháng 3.1637, tàu Grol từ Nhật Bản đến Tourane (Đà Nẵng ngày nay) rồi ra Đông Kinh, xin vua Lê, chúa Trịnh cho phép đến buôn bán ở Đàng Ngoài và dâng vua Lê hai khẩu đại bác. Những người Hà Lan được tiếp đãi tử tế và cho phép mở thương điếm ở Hiến Nam. Nhân đó, chúa Trịnh có yêu cầu người Hà Lan giúp mình trong cuộc chiến tranh với họ Nguyễn.

Nhân tàu Grol ghé Tourane, chúa Thượng đã gửi cho Toàn quyền Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Batavia (Jakarta, Indonesia ngày nay) bức thư và nửa cân trầm hương. Trong thư chúa tỏ ý mong muốn người Hà Lan đến buôn bán ở nước mình.

Những hảo tâm ấy của chúa Nguyễn không được lâu bền. Vì chúa Thượng đã biết sự giao dịch của chúa Trịnh và người Hà Lan, nhất là lời yêu cầu giúp đỡ để chống, đánh mình. Do đó, những lời hứa hẹn miễn thuế cho Hà Lan không được tuân giữ, rồi năm 1641, hai chiếc tàu Hà Lan bị đắm gần đảo Poulo Cahm, phần đông người trong tàu bị bắt giam. Các thương nhân Hà Lan bị đối xử quyết liệt: một đứa đầy tớ người Việt của thương điếm Hà Lan ăn cắp, bị người Hà Lan tự tiện đem giết, quan Trấn thủ Quảng Nam bèn thu hàng hóa, đồ đạc của thương điếm đem đốt hết, vàng bạc và đồ gì không cháy đều được vứt xuống biển, 7 thương nhân Hà Lan bị giết, 2 thương nhân khác được gửi đi một tàu ngoại quốc để về Batavia, thuật lại việc đã xảy ra cho công ty biết. Trước tình hình ấy, trong năm 1641, người Hà Lan đã phải bỏ thương điếm ở Faifo, và giao cho một người Nhật tên là Risemondono cư trú ở Senua (tức Thuận Hóa, chỉ Huế ngày nay) đại diện cho họ ở Đàng Trong.

Đầu năm 1642, một chiếc tàu Hà Lan do Van Liesvelt làm thuyền trưởng đi Batavia, ghé đến gần Faifo, xin chúa Nguyễn thả những người Hà Lan đang bị giam, nhưng chúa Nguyễn biết trên tàu ấy có mấy sứ giả Trịnh phái sang Batavia nên không thả.

Động binh

Công ty Hà Lan bèn quyết định dùng binh lực: 5 chiếc tàu có 152 thủy thủ và 70 binh sĩ được phái đến hải phận Đàng Trong, một đoàn trưởng là Van Liesvelt lên bộ, bị quân chúa Nguyễn đánh giết cùng 12 binh sĩ. Một đoàn trưởng khác là Van Linga đem giết 20 người Việt mà họ bắt trước để làm con tin, nhưng Van Linga không dám lên bộ. Chúa Thượng bèn bắt giết 1 thương nhân Hà Lan đang bị giam. Để trả thù, Van Linga bắt 107 người Việt họ gặp trên các làng ở dọc bờ biển đem xuống tàu, rồi cho tàu chạy ra bắc.

Năm 1643, hai chiếc tàu Hà Lan là Kievit và Nachtegeals đến Đàng Ngoài. Bấy giờ, chúa Trịnh đương đem quân đi đánh Đàng Trong ở Quảng Bình, được tin, liền viết thư yêu cầu hai tàu ấy, và một chiếc khác là Woec Kinde Boode đang đậu ở hải phận Đàng Ngoài, vào sông Gianh giúp mình, nhưng không biết vì sao không thấy ba tàu ấy dự chiến trận này. Đầu năm 1644, 3 chiếc tàu Hà Lan vào hải phận Đàng Trong, không biết có phải để gặp quân chúa Trịnh hay không. Được tin, Thế tử Dũng Lễ hầu (tức chúa Hiền sau này) liền đem 60 ghe chiến ra vây đánh. Chiếc tàu lớn hơn của Hà Lan bị ghe Việt xông vào đánh phá, Pieter Baek phải đốt nổ kho thuốc súng để tự tử, hai chiếc kia bỏ chạy, bị đuổi theo, một chiếc va vào đá, chìm, còn chiếc kia chạy thoát ra bắc. chúa Trịnh tức giận, không cho ghé vào hải cảng để tiếp tế lương thực. Theo Alexander de Rhodes, chúa Thượng sai cắt mũi 7 người Hà Lan thoát chết và cùng các xác chết người Hà Lan, gửi ra bắc để chúa Trịnh tưởng niệm chiến công của đội quân tinh nhuệ của mình.

Nhưng công ty Hà Lan thấy rằng tình trạng ấy không thuận tiện cho sự mở mang thương nghiệp của mình, nên năm 1650 thay đổi chính sách. Về phần chúa Nguyễn, bấy giờ là chúa Hiền, đã nối ngôi cha từ năm 1648, cũng cho Batavia biết là mình muốn hòa hảo. Ngày 9.12.1651, hai bên hiệp ước: bỏ qua sự bất hòa cũ.

Nhưng sự hòa hảo này không được duy trì lâu dài. Nhân viên của công ty liên tục bị phiền nhiễu, nên đầu năm 1654, công ty Hà Lan quyết định chiến tranh với Đàng Trong. Nhưng chiến tranh ấy, người Hà Lan không tích cực thực hành, người ta chỉ thấy thương quán Hà Lan đóng cửa từ đó.