Đinh Bằng Phi: Vương mang gánh nghĩa, gánh tình

NSND Đinh Bằng Phi nói hát bội quá nghèo nên tâm huyết của nghệ sĩ cũng bị bào mòn. Đó là điều ông lo cho sự tồn vong của môn nghệ thuật có hơn 100 tuổi này.

Là bậc trưởng thượng của ngành nghệ thuật hát bội hiện nay nhưng bao giờ bắt đầu một cuộc trò chuyện, ông cũng nhấn mạnh gốc gác của mình không phải là con nhà nòi mà là một anh “tay ngang” vượt qua rào cản khắc nghiệt của gia tộc đến với hát bội như một định mệnh gắn kết suốt cuộc đời. Ông luôn tự hào vì điều đó.

Bước qua lời nguyền của dòng tộc

Cụ thân sinh của ông tên Đinh Văn Đương, một công chức thời Pháp thuộc, làm việc tại Kho bạc Sài Gòn. Mẹ ông là Trần Kim Nở vốn là người chịu thương chịu khó, làm nội trợ lo cho chồng con. Gia đình không dính dáng gì đến hát bội. Nhưng vì ông xem nhiều, học nghề hát bội thông qua phương pháp thính thị rồi bắt chước làm theo. Đoàn hát nào về mái đình gần nhà, ông đều bỏ ăn để đi xem cho bằng được các vở tuồng. Không những thế, ông còn tìm mua sách, xin các kịch bản hát bội về đọc ngấu nghiến. Đam mê của ông không nhận được sự đồng ý của cha mẹ. Ông bị ngăn cấm khi biết có liên hệ với người của hát bội. Cha ông xem nghề hát là “xướng ca vô loài”, còn mẹ ông vẫn nặng lòng với câu chuyện chất chứa thù hận của gia tộc đối với hát bội. Người con gái xinh đẹp nhất làng mà ông gọi là bà cố bên ngoại vì mê anh kép hát bội đã bỏ nhà trốn theo đoàn hát. Cả gia đình báo làng xã, đốt đuốc đi tìm cả đêm để bắt cho bằng được cô gái mang về. Bị chia cắt tình duyên, cô gái về nhà giam mình trong phòng, không ăn uống, miệng cứ lảm nhảm một mình. Người trong nhà mời thầy cúng đến trục hồn ma, vì cho rằng cô gái bị “ma hát bội” nhập. Hồn con ma đâu không thấy chỉ thấy cô gái bị chết chìm dưới mương do thầy cúng và đám rước bất cẩn gây ra. Từ đó, gia đình sinh ra thù oán hát bội. Ông đau xót khi chịu nhiều cấm đoán từ gia đình. Nhưng rồi xóm Xẻo Lò - Sa Đéc vẫn có một thanh niên dám bước qua lời nguyền của gia tộc, dấn thân vào hát bội chính là ông.


NSND Đinh Bằng Phi tự vẽ mặt tuồng cho mình trong sự hoài niệm.


“Tôi luôn ghi nhớ câu chuyện mẹ kể về cái chết oan ức của bà cố. Nhưng không hiểu sao ma lực của nghệ thuật hát bội đã lôi cuốn và ràng buộc tôi cả đời. Tôi lạy tạ lỗi tổ tiên rằng nếu hát bội đã vô tình gây oan trái cho gia tộc thì nay tôi xin được gánh hết phần tội lỗi đó. Dù khi thề nguyền, tôi chẳng biết mình có gánh nổi oan khiên đó không nhưng tôi biết cốt lõi của hát bội chắc chắn là một thế giới tốt đẹp, vở tuồng ca ngợi trung, hiếu, tiết, nghĩa thì làm sao xấu xa được” - ông hồi tưởng.


NSND Đinh Bằng Phi và học trò - NSƯT Ngọc Nga bên tấm tranh vẽ vai tuồng của mình.


Nhớ ơn những người thầy

Trong ký ức, ông luôn nhớ ơn người thầy đã cổ vũ mình dấn thân vào hát bội là nhà báo Dương Tử Giang, chủ bút Báo Duy Tân ở Sài Gòn. Tờ báo này đã đăng truyện ngắn đầu tay của ông mang tên “Người anh quý” năm 1955. Khi ấy ông tròn 17 tuổi, đang theo học chương trình Cao tiểu Đông Dương tại Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký. Trong lời bình cho truyện ngắn, nhà báo Dương Tử Giang đánh giá ông là cây bút trẻ có câu chuyện đơn giản nhưng cảm động. Rồi khi nhận kịch bản hát bội “Phạm Ngũ Lão tòng quân”, cho in trên Báo Duy Tân, nhà báo Dương Tử Giang đã mời ông đến nhà in Nguyễn Năng Thân trên đường Trần Hưng Đạo để gặp gỡ và trao đổi. Nhà báo không ngờ người mình gặp là một thanh niên 17 tuổi mà trước đó khi đọc, nghĩ tác giả là một ông già am hiểu cổ văn mới viết được như thế. Từ đó, nhà báo đã động viên ông tiếp tục sáng tác. “Nhà báo ca ngợi vốn tuồng quý của ông cha, cộng với chiến tích đánh đuổi giặc ngoại xâm của dân tộc mình là một kho tàng quý nhưng sẽ mai một nếu không có người tiếp nối. Tôi còn nhớ ông nắm chặt tay tôi nói nếu em biết thưởng thức, suy nghĩ, đam mê thì sau này còn hy vọng có người lo cho hát bội” - ông nhớ lại lời người thầy mà mình mang ơn, trong niềm xúc động.

Nếu ở lĩnh vực sáng tác kịch bản tuồng, NSND Đinh Bằng Phi may mắn gặp được nhà báo Dương Tử Giang thì ở lĩnh vực biểu diễn, ông xem các nghệ sĩ thời ấy đều là thầy của mình. Bởi, ông xem đi xem lại nhiều vở tuồng, nhận thấy chất văn học biền ngẫu được sử dụng đều lấy từ nho học và dùng quá nhiều chữ Hán. Có những chữ không hiểu, ông lân la tìm các nghệ sĩ trong hậu trường để nhờ họ cắt nghĩa. Người này không chỉ, ông tìm người khác. Rồi ông lao vào học chữ Hán, món nợ mà ông cho rằng mãi đến năm 1977 mới trả dứt, khi học hết những gì cơ bản nhất về chữ Hán để hiểu và dịch nghĩa một cách chính xác. “Từ những người thầy là nghệ sĩ biểu diễn, tôi đã vững tin bước lên sân khấu. Vì tôi nghĩ muốn viết tuồng hát bội hay, phải biết hát, dù ít, dù nhiều. Những trải nghiệm trên sân khấu giúp tôi mạnh dạn vận dụng kiến thức để điều chỉnh, cắt bỏ những câu từ tối nghĩa, những rề rà trong nói lối, dài dòng không cần thiết trong câu hát của người xưa. Không phải tôi cho rằng người xưa lạc hậu, mà vì để hát bội tiếp cận với giới trẻ như tôi lúc đó, nó phải có sự cập nhật. Nhà báo Dương Tử Giang đã từng nói với tôi, hát bội muốn dựng các tuồng sử Việt Nam để truyền tinh thần yêu nước đến giới trẻ thì câu chữ không thể đánh đố họ, mà phải dễ hiểu” - ông nhớ lại.

Ông lân la làm quen với các tài danh hát bội như: Cô Ba Út, Năm Đồ, Hai Nhỏ, Năm Sa Đéc, Hữu Thoại, Minh Tơ, Thành Tôn… để làm dày thêm cho mình vốn nghề. “Đâu phải sống lâu thì cứ lên lão làng, tri thức của người nghệ sĩ chính là đích đến. NSND Thành Tôn đã dạy tôi điều đó” - ông xúc động nhắc đến một thế hệ tiền bối.

Sau này, 2 người thầy ông thọ giáo trong việc sáng tác những kịch bản dành cho thanh thiếu niên và đưa hát bội vào học đường chính là NSND Mịch Quang và nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký.

Nghèo xơ xác vẫn theo đuổi đến cùng

Phần lớn nghệ sĩ hát bội chịu cảnh nghèo xơ xác. Chẳng ai giàu có từ nghề này. Một lần về diễn cùng gánh hát bội ở Vũng Tàu, ông bắt gặp người ăn mày ngồi bên vỉa hè nơi một ngôi chợ đông đúc. Ông lão không van xin, chỉ đặt nón lá trước mặt, bày biện đồ hát bội ra, lặng lẽ ngồi hóa trang từng gương mặt tuồng. Người đi chợ thấy lạ nên bu lại. Họ thương một kép hát về chiều, không còn gánh hát bội nào cưu mang, sống kiếp ăn mày nhưng không cầu xin, mà hóa thân thật đẹp các vai tuồng hồi trẻ mình từng hát. Đó là một nghệ sĩ tên tuổi, khi hát bội không còn hưng thịnh, đã chọn cách ăn mày theo kiểu… hát bội để có cơm ăn. Một thời gian sau, không còn đủ sức để làm tuồng, đôi tay bắt đầu run, lão nghệ sĩ ra chợ cất tiếng hát sầu não nghe xé ruột, xé gan: “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng, gian nan là nợ anh hùng phải vay… Vì vương mang gánh nghĩa, gánh tình. Phải lịu địu tay bồng tay ẵm. Xót thương nghề, biển thẳm non cao”. Nghe đâu sau đó không lâu, ông lão ấy qua đời, được bà con chôn cất ở một góc đình.

Thân phận nghề hát bội là thế nhưng khi dấn thân vào rồi thì khó mà rứt ra. Ông cũng nhìn lại đời mình vì yêu hát bội mà từ bỏ nghề giáo truyền dạy con chữ cho trẻ quay về gánh hát, lập ban hát bội sống bằng thóc gạo, muối mắm của dân các làng chài...

Canh cánh nỗi lo


Ông đưa tôi xem những trang bản thảo soạn về giáo trình giảng dạy hát bội và hàng trăm vở tuồng đã biên soạn, sáng tác. Tất cả đều ố vàng theo thời gian. Ông nghẹn ngào: “Tuần rồi nhận được email của một trong 4 học trò ở Pháp, họ chọn hát bội Việt Nam để làm luận án tiến sĩ. Trong khi người Pháp trân quý viên ngọc của chúng ta thì do nhiều hoàn cảnh, nguyên nhân mà chúng ta để viên ngọc lu mờ theo thời gian”.

Nỗi lo sợ nhất đời ông là hát bội chết do chính sự nhận thức trong giáo dục khiến người trẻ thờ ơ. “Nếu đã xem là di sản, đưa vào bảo tàng thì việc trước hết là phải làm cho xứng cái danh bảo tàng. Cải lương có 100 năm thì hát bội đã hơn một thế kỷ” - ông bày tỏ.

“Hát bội quá nghèo nên tâm huyết của nghệ sĩ cũng bị bào mòn” - ông nói trong nước mắt.

Các học trò ông hiểu được tâm nguyện của thầy, họ đã hứa cùng nhau đồng hành cùng ông. NSƯT Ngọc Nga nói: “Chúng tôi sẽ cùng thầy làm hết sức hết lòng để đưa hát bội đến gần công chúng trẻ”.

Ông bày tỏ niềm vui vì còn có người đồng hành cùng mình. Giới sinh viên trẻ vẫn có người biểu lộ niềm say mê hát bội qua những đề án nghiên cứu bảo tồn, họ tìm đến ông để xin được đỡ đầu làm luận án tốt nghiệp cao học. Trong số đó có cả những họa sĩ trẻ, họ biểu hiện tình cảm dành cho hát bội qua các tác phẩm của mình. “Tôi chết nhắm mắt được rồi, khi có sinh viên, dẫu là quá ít, vẫn còn yêu cái nghề “biển thẳm non cao” mà tôi đã dấn thân vào” - ông cười mãn nguyện.

Nguyện vọng cuối đời

Tay ông nâng niu những bức họa chân dung về mình, do nhóm họa sĩ trẻ TP HCM vẽ tặng, tươi cười nói: “Vậy là phòng tư liệu hình ảnh của tôi sẽ có thêm nhiều bức họa tuồng mà tôi ưng ý”. Ở tuổi 80, đôi mắt đã mờ đục, muốn đọc, ông phải dùng đến kính lúp. Thế mà chưa bao giờ ông có suy nghĩ thôi không sáng tác, viết lách.

Nguyện vọng cuối đời của ông là xây dựng một phòng trưng bày những hình ảnh tư liệu, tạo không gian đặc trưng của hát bội đối với những ai yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Và trên hết vẫn là hiệu quả của việc trao truyền những kinh nghiệm quý báu cho thế hệ trẻ, để họ biết nâng niu, gìn giữ giá trị nghệ thuật hát bội của dân tộc.