Cải lương miền Tây với nỗi buồn hợp nhất

Lãnh đạo trung tâm sắp xếp để diễn viên nghiệp dư tham gia vở diễn chuyên nghiệp. Ngược lại, họ điều động cả diễn viên chuyên nghiệp tham gia một cuộc thi dành cho diễn viên quần chúng.

Việc hợp nhất đoàn nghệ thuật và trung tâm văn hóa tỉnh với mục tiêu sắp xếp lại, nâng cao năng lực đơn vị biểu diễn công lập theo hướng tinh gọn chưa biết phát huy hiệu quả đến đâu, nhưng lại đang đẩy sân khấu cải lương vào nguy cơ triệt tiêu tính chuyên nghiệp...

Từ quý I/2018, nhiều địa phương thực hiện hợp nhất Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (TTVHNT) và Đoàn nghệ thuật (ĐNT) cấp tỉnh theo Nghị quyết số 19/NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Tại khu vực phía Nam, chủ trương hợp nhất TTVHNT và ĐNT công lập đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đoàn cải lương khu vực Đông - Tây Nam bộ ngay sau khi Liên hoan Cải lương toàn quốc năm ngoái kết thúc. Đáng lo hơn, những đoàn chịu ảnh hưởng nhiều nhất đều là những “thương hiệu” mạnh của cải lương khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Nhấp nhổm như ngồi trên lò than

Ba TTVHNT đầu tiên tiến hành hợp nhất các đoàn cải lương thuộc các tỉnh Tây Ninh, Long An và Đồng Tháp, mới nhất có thêm TTVHNT tỉnh Tiền Giang. Trong số đó, việc khép lại Đoàn văn công Đồng Tháp để hợp nhất với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh để lại nhiều nuối tiếc nhất cho cả người làm nghề lẫn khán giả vốn đã quen thuộc với thương hiệu cải lương được mến mộ này.


Đoàn cải lương Long An - đơn vị hiếm hoi vẫn duy trì được tính chuyên nghiệp, tiếp tục dàn dựng các vở diễn và tổ chức biểu diễn thường xuyên sau khi sáp nhập với trung tâm văn hóa nghệ thuật.

Chỉ duy nhất Đoàn cải lương Long An còn duy trì được những suất diễn mang tính chuyên nghiệp và dàn dựng những vở diễn mới. Kể từ sau khi sáp nhập, cải lương Đồng Tháp và Tây Ninh chỉ còn là một phần của chương trình văn nghệ tổng hợp gồm ca múa nhạc, chiếu phim… với các màn trích đoạn hoặc ca cảnh, ca cổ. Hơn một tháng sau khi trở thành người của TTVHNT Tiền Giang, các diễn viên cải lương của ĐNT tổng hợp Tiền Giang trước đây vẫn chưa hình dung được con đường phía trước sẽ ra sao.

Chưa chính thức có quyết định sáp nhập, nhưng từ sau Liên hoan Cải lương 2018, Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang chỉ tổ chức những buổi biểu diễn tổng hợp. Trừ vở cải lương Tiếng vọng hang Hòn được dàn dựng để tham gia liên hoan, ngay sau khi có thông tin về việc sáp nhập ĐNT với TTVHNT, mọi hoạt động của đoàn đã tạm dừng. Đoàn hiện chỉ còn năm diễn viên. Muốn tổ chức biểu diễn, đoàn phải hợp đồng thêm nghệ sĩ tự do. Hiện đơn vị này đang chờ kết quả đăng ký bản quyền bảng hiệu để sang nhượng cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Sau khi nhượng quyền bảng hiệu, đoàn sẽ chính thức giải tán và sáp nhập về TTVHNT tỉnh.

Đoàn cải lương Hương Tràm (Cà Mau) - một thương hiệu mạnh của cải lương miền Tây Nam bộ - dù vẫn hoạt động độc lập nhưng trong tâm trạng chờ nâng cấp thành nhà hát nghệ thuật và sáp nhập thêm TTVHNT tỉnh. Một năm nay đoàn cũng chưa dựng thêm vở mới. Quan sát thực tế các đoàn cải lương tỉnh bạn, lãnh đạo, nghệ sĩ ngổn ngang nỗi lo việc sáp nhập với TTVHNT có làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của đoàn? Liệu đoàn có tiếp tục hoạt động như một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp hay bị phân tán bởi những hoạt động khác của TTVHNT?

Cải lương đang bị nghiệp dư hóa?

Không những không còn được biểu diễn cải lương nguyên tuồng, âu lo trước viễn cảnh của cải lương lẫn điều kiện trau dồi nghề nghiệp của bản thân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điều khiến những nghệ sĩ, diễn viên cải lương ấm ức và buồn lòng hơn cả là họ “được” yêu cầu phải tham gia cả những chương trình biểu diễn nghiệp dư. Với lý do rất “hợp lý”: nhân sự trực thuộc TTVHNT thì phải chịu sự phân công của trung tâm, và không có lý do gì để từ chối tham gia những hoạt động biểu diễn của trung tâm, bao gồm các chương trình thông tin cổ động, văn nghệ quần chúng…

Những chuyện tréo ngoe không ít lần đã xảy ra ở các chương trình biểu diễn của TTVHNT. Lãnh đạo trung tâm sắp xếp để diễn viên nghiệp dư tham gia vở diễn chuyên nghiệp. Ngược lại, họ điều động cả diễn viên chuyên nghiệp tham gia một cuộc thi dành cho diễn viên quần chúng.

Trừ những đoàn cải lương trực thuộc nhà hát như Đoàn cải lương Tây Đô (thuộc Nhà hát Tây Đô, Cần Thơ), Đoàn cải lương Cao Văn Lầu (Nhà hát Cao Văn Lầu, Bạc Liêu), hầu hết những đơn vị cải lương còn lại (dù đã sáp nhập hay chưa) gần như chưa có những kế hoạch đầu tư lâu dài, để phát triển cải lương theo hướng chuyên nghiệp và tiếp tục chinh phục khán giả.

Ngoài ra, còn một loạt câu hỏi khác được nhiều người trong giới đặt ra: TTVHNT nên được xem là một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp hay nghiệp dư? Hoạt động lẫn lộn giữa nghiệp dư và chuyên nghiệp như vậy thì TTVHNT sẽ trực thuộc Cục Văn hóa cơ sở hay Cục Nghệ thuật biểu diễn? Nếu thuộc TTVHNT thì đơn vị có được tham gia liên hoan sân khấu cải lương hay không? Đây là những câu hỏi cần được các cấp có liên quan lắng nghe và sớm có lời giải đáp, để giải tỏa tâm lý cho những người làm nghề.

TTVHNT có triệt tiêu cải lương? Đây là nỗi lo của hầu hết những người làm cải lương ở miền Tây Nam bộ. Nhiều ý kiến cho rằng, bản lĩnh, nhận thức và tầm nhìn của người được trao trách nhiệm đứng đầu TTVHNT và cả người có trách nhiệm ở mỗi địa phương có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển hoặc triệt tiêu cải lương khi tiến hành sáp nhập TTVHNT với ĐNT công lập.

Quản lý TTVHNT phải là người có đủ am hiểu về tính chất chuyên nghiệp và nghiệp dư trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật, để những giá trị không bị đánh tráo, triệt tiêu tính chuyên nghiệp trong hoạt động biểu diễn. Cũng theo Nghị quyết 19/NQ/TƯ “Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ giữ lại một ĐNT công lập truyền thống tiêu biểu của địa phương”, với tiêu chí này, để giữ được một đơn vị nghệ thuật truyền thống, địa phương phải xác định được đâu là loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của mình để có những quy định, định hướng đầu tư đúng đắn. Tránh sáp nhập chỉ vì nghị quyết yêu cầu và thực hiện một cách máy móc, cảm tính, thiếu định hướng phát triển lâu dài.

NSƯT Đỗ Kỷ- Quyền Trưởng phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn:

Tránh ‘nghiệp dư hóa’ các đơn vị nghệ thuật khi hợp nhất với Trung tâm văn hóa

Phóng viên: Thưa ông, việc hợp nhất trung tâm văn hóa và đoàn nghệ thuật công lập cấp tỉnh đang làm những người làm nghề lo lắng, xin ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

NSƯT Đỗ Kỷ: Điều đầu tiên cần khẳng định, chủ trương hợp nhất là một chủ trương đúng. Bởi lẽ, lâu nay các địa phương có quá nhiều đoàn nghệ thuật công lập.

Đây là hệ quả của việc thành lập nhiều đoàn nghệ thuật có tính chất xung kích, phục vụ nhiệm vụ chính trị trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đất nước ta giờ đây đã bước vào thời kỳ mới, do vậy mô hình nhiều đoàn nghệ thuật không đảm bảo chất lượng chuyên môn đã không còn phù hợp. Việc có nhiều đơn vị nghệ thuật dẫn tới đầu tư dàn trải.

Chẳng hạn cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, không một đơn vị nghệ thuật tại địa phương nào đáp ứng đủ yêu cầu. Về con người cũng vậy, mỗi đơn vị may mắn lắm mới có được một, hai kép chính, đào chính… Chưa kể nhiều địa phương không có loại hình nghệ thuật truyền thống cũng cố gắng duy trì cho đủ các loại hình, nên nhiều năm qua, không hoặc rất hiếm khi xây dựng được những tác phẩm, chương trình chất lượng cao.

* Nhưng việc hợp nhất như hiện nay đang có nguy cơ nghiệp dư hóa hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, và triệt tiêu nghệ thuật truyền thống?

- Do chức năng, nhiệm vụ của trung tâm văn hóa và các đơn vị nghệ thuật có những điểm chung, nhưng cũng có những điểm khác biệt, nên cần nhận thức cho đúng việc hợp nhất nhằm mục đích gì, để có những giải pháp chính xác.

Trung tâm văn hóa có nhiệm vụ: “Tổ chức các hoạt động văn hóa, bồi dưỡng năng khiếu nhằm nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa và giải trí của nhân dân” (trích Thông tư 03/2009/TT- BVHTTDL ngày 28/8/2009 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp là nơi xây dựng các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng. Vì vậy, cần tránh tình trạng “nghiệp dư hóa” các đơn vị nghệ thuật khi hợp nhất với trung tâm văn hóa, mà phải chú trọng “chuyên nghiệp hóa” trung tâm văn hóa khi hợp nhất với các đơn vị nghệ thuật.

Các đơn vị nghệ thuật khi hợp nhất với trung tâm văn hóa thì phải lấy nghệ thuật chuyên nghiệp làm nhiệm vụ trung tâm, là hoạt động chính để từng bước chuyên nghiệp hóa, nâng cao chuyên môn đối với các hoạt động. Có như vậy thì nghệ sĩ mới an lòng làm nghề, mới có đủ điều kiện hoàn thành trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, chuyên tâm xây dựng những tác phẩm đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân.

Bên cạnh đó, việc hợp nhất cần phát huy tốt nhất sức mạnh loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương: đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, lựa chọn những người có trình độ chuyên môn cao, những nghệ sĩ có đủ tài và đức.

* Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hoa (ghi)