Soạn giả ‘Tình anh bán chiếu’ - bậc hiền tài của nghệ thuật cải lương

Đại thụ của sân khấu cải lương - NSND Viễn Châu - mất đi để lại gia tài đồ sộ với những tác phẩm đậm đà cốt cách Nam bộ, thấm đẫm tình người, tình quê hương.

Chiều 1/2, tin Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu qua đời ở tuổi 92 tại TP HCM khiến giới cổ nhạc và khán giả yêu cải lương bàng hoàng, đau xót. Không chỉ có những khán giả thuộc thế hệ trước, người thuộc thế hệ 8X, 9X cũng lan truyền tin ông mất trên mạng xã hội dòng trạng thái chia sẻ tiếc thương.

Được người thân soạn giả Viễn Châu báo tin ông mất, Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương đã đến ngay nhà ông. Cố nén xúc động, “kỳ nữ” Kim Cương chia sẻ: “Độ tuổi của ông chuyện còn mất là lẽ đương nhiên của trời đất. Nhưng... biết tin ông mất tôi hụt hẫng ghê lắm. Tôi không dám gọi ông là ‘hậu tổ’ của nền sân khấu cải lương. Nhưng với tôi và chắc chắn với rất nhiều nghệ sĩ, Viễn Châu là đại thụ của sân khấu cải lương. Mất Viễn Châu là một thiệt thòi rất lớn của nền sân khấu”.


Từ trái qua: NSƯT Út Bạch Lan, GS-TS Trần Văn Khê, NSND Viễn Châu, NSƯT Ca Lê Hồng trong một cuộc hội ngộ tại khách sạn Cửu Long năm 1995. Ảnh: nhà báo Thanh Hiệp.


Còn Nghệ sĩ Ưu tú Diệu Hiền khi biết tin đã lặng đi mấy phút. Thay vì chia sẻ ngay cảm xúc về người mất, bà cất cao giọng hát một câu vọng cổ Tần Quỳnh khóc bạn của Viễn Châu.


“Nghe tin ông qua đời, cảm giác đầu tiên của tôi là thấy như trời sụp xuống, đau lòng quá. Thương tiếc còn gì bằng. Ông là một kho tàng vô giá của nền nghệ thuật vọng cổ, cải lương, một bộ óc sáng tạo không mệt mỏi, một tâm hồn nghệ sĩ không làm sao sánh được”, nữ nghệ sĩ ngoài 70 tuổi ngậm ngùi nói.

Nhắc đến Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu, những người yêu cổ nhạc, giới chuyên môn không thể nào quên được ngón đàn tranh tài tình của ông. Ngón đàn ấy từng đưa ông trở thành một trong ba danh cầm của làng nhạc cổ truyền miền Nam. Danh tiếng của “tam hùng” danh cầm gồm Năm Cơ - Bảy Bá (Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu) - Văn Vỹ in đậm trong lòng mộ điệu của giới cổ nhạc từ thập niên 1960.

Ngoài đàn tranh, Viễn Châu có thể chơi thạo các nhạc cụ như violon, guitar... Tài năng của ông không ngừng ở việc hòa đàn, sáng tác giai điệu mà còn ở khả năng sáng tác hàng loạt bài vọng cổ, vở tuồng cải lương được rất nhiều người yêu thích. Trong số đó có nhiều tác phẩm trở thành kinh điển, như: Tình anh bán chiếu, Sầu vương ý nhạc, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Lá trầu xanh, Hàn Mặc Tử, Tần Quỳnh Khóc bạn, Kiếp cầm ca...

Một trong những sáng tạo nghệ thuật của Viễn Châu thường được nhắc đến chính là việc ông lập nên thể loại tân cổ giao duyên.

Đây là một hình thức ghép tân nhạc vào bản vọng cổ. Chính nhờ cách làm này, những giai điệu cổ trở nên mềm mại, uyển chuyển và dễ đi vào lòng người hơn khi lột tả nhiều cảm xúc và chủ đề mang hơi thở, nhịp sống đương đại chứ không hẳn là về tuồng xưa, tích cũ. Viễn Châu không chỉ lấy nhạc của người khác để viết thêm lời vọng cổ vào mà ông tự mình viết giai điệu và lời.

Sáng tác của ông chân phương, phóng khoáng như bản tính khoáng đạt, giàu nhân nghĩa của người Nam Bộ. Lời các bản nhạc của ông thấm thía, sâu sắc dù đó là về tình yêu, tình bạn hay triết lý nhân sinh... Rất nhiều ngôi sao của làng vọng cổ, cải lương đã thành danh qua những sáng tác của Viễn Châu, như: Thành Được, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Hùng Cường, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Nghệ sĩ Nhân Dân Ngọc Giàu...

Viễn Châu để lại cho đời khoảng 50 kịch bản cải lương, 2.000 bản vọng cổ. Và gia tài sáng tác ấy được ông bồi đắp gần như đến những ngày cuối của cuộc đời. Ở người nghệ sĩ sinh năm 1924 này có một tình yêu cháy bỏng dành cho cổ nhạc. Tình yêu ấy làm nên một sức sáng tác bền bỉ, nguồn cảm hứng dồi dào trong tim ông mỗi khi có ai đề nghị ông viết bản nhạc cho họ hát.


Nghệ sĩ Kim Tử Long thường tìm đến Viễn Châu để có được các bài hát ưng ý. Ảnh: nhà báo Thanh Hiệp.


Nghệ sĩ Kim Cương nhớ lại, khi bà làm chương trình kỷ niệm tám năm ngày mất của mẹ mình - Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam, bà chia sẻ với Viễn Châu mong muốn có một bài vọng cổ mới tưởng nhớ mẹ.

“Nghe tôi nói vậy, trong hai ngày, ông đã hoàn thành bài Giấc mộng lá sầu riêng. Tôi đã nhờ ca sĩ Cẩm Ly hát bài vọng cổ này trong chương trình. Đến giờ, tôi vẫn không thể nào nghe hết bài hát này mà không khóc. Ca từ, giai điệu của bài hát quá hay, quá thấm thía. Chỉ có một tâm hồn phóng khoáng, giàu chất nghệ sĩ như Viễn Châu mới có thể hiểu được nỗi lòng của người nghệ sĩ khi về chiều một cách sâu sắc như thế”, Kim Cương tâm sự.

Không chỉ những nghệ sĩ lừng danh của làng sân khấu mến mộ tài năng của ông Bảy Viễn Châu, một thế hệ nghệ sĩ cải lương sinh sau năm 1975 đã thường xuyên hát bài ca, diễn vở tuồng của ông. Nghệ sĩ Ưu tú Kim Tử Long nằm trong số đó. Anh thường tìm đến ông để xin đặt bài ca khúc mới. Lần ông sinh nhật 90 tuổi, Kim Tử Long đã đặt hàng ông viết cho anh bản vọng cổ mang tên Tiền (nhạc Ngọc Sơn) và ông sẵn sàng làm ngay.

“Tôi rất thích bài Tiền và tôi không thể hiểu vì sao một người ở tuổi 90 như ông mà vẫn được sự sáng suốt, tình cảm dạt dào, thấm thía như thế để đưa vào một bài hát mới. Chiều 1/2, tôi còn đang tập tuồng vở của ba Bảy Viễn Châu là vở Hai nụ cười xuân cho chương trình Ngân mãi chuông vàng của đài truyền hình. Lúc đang tập, anh Minh Châu - con của bác Bảy - điện báo tin bác mất, tất cả mọi người đều đứng sững lại vì bất ngờ”, Kim Tử Long nói.

Không chỉ yêu kính vì tài năng, Viễn Châu còn là một người nghệ sĩ lớn được kính trọng vì tâm và đức.

Nghệ sĩ Ưu tú Diệu Hiền còn nhớ mãi thái độ khiêm nhường, trân trọng mà ông Viễn Châu dành cho từng nghệ sĩ. Ông không có thái độ phân biệt nghệ sĩ tên tuổi, hay người mới vào nghề. Chỉ cần đó là người nghệ sĩ hết lòng yêu nghề là ông dành cho họ tình cảm thương quý.

“Tôi hay một nghệ sĩ mới vào nghề nào mà chưa có bài hát để hợp với giọng của mình, chỉ cần đến tìm ông bảo ‘Ông Bảy à, con mới đi hát mà con yếu nhịp quá. Ông viết sao cho con có bài hát vô trúng nhịp, hợp giọng với’ là ông bắt tay vào viết ngay. Ông thật sự là một tài năng”, bà Diệu Hiền nhớ lại.

Trong cuộc đời hơn 50 năm ca hát, Diệu Hiền có hai bản vọng cổ được khán giả rất yêu thích là Tần Quỳnh khóc bạn Trụ Vương thiêu mình - đều là hai sáng tác của Viễn Châu. Khoảng mười năm trước, có lần, khi bà biểu diễn ở Quán nghệ sĩ tại TP HCM, Viễn Châu - lúc đó đã là soạn giả lừng danh - dành cho đàn em sự trân trọng bất ngờ. Khi nghe bà hát xong, ông cầm nhánh hoa hồng có cài vào số tiền 500.000 đồng, lên sân khấu và bảo: “Từ trước đến giờ khi nghệ sĩ hát tuồng của tác giả thì phải trả tiền tác quyền nhưng giờ tôi muốn trả tiền để Diệu Hiền hát ‘Tần Quỳnh khóc bạn”. Hành động thay lời khen của ông khiến nữ nghệ sĩ nhớ mãi.


Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu qua đời để lại trong lòng nhiều khán giả mộ điệu sự tiếc thương. Ảnh: Hoàng Vinh.


Nhà báo Thanh Hiệp - một cây bút lâu năm trong mảng sân khấu - kể:
Tôi và ông thường ngồi ở một quán mì lề đường trò chuyện với nhau rất nhiều về sân khấu, cổ nhạc, về vui buồn của người soạn giả. Ông rất thích khi thấy có một người trẻ quan tâm đến cải lương, vọng cổ. Tôi hỏi gì ông cũng giải đáp cặn kẽ, rõ ràng. Sau này, tôi có viết 15 bài về bác đăng trên báo. Lúc đó, bác đã yếu, mắt mờ nhưng vẫn cố đọc rõ từng chữ, để cho tôi hoàn thành các bài viết ghi chép”.

Nhà báo Thanh Hiệp và nhiều người rất xúc động khi chứng kiến ông Bảy Viễn Châu là người làm việc thiện rất lặng lẽ, thành tâm. Sau khi anh Hiệp đăng 15 bài về chuyện đời ông, mang tiền nhuận bút đến trao, ông nhất quyết chỉ nhận một nửa vì nói nửa còn lại là công người viết. Sau đó, số tiền này cũng như tiền tác quyền nhận được từ các nghệ sĩ hải ngoại được ông dành dụm để đi làm việc thiện - chỗ nào nhà bị cháy, nơi nào có người nghèo. Ông phân tiền vào từng phong bì rồi nhờ người chở đến trao tận tay người cần giúp.

Khi đi làm thiện nguyện, ông không bao giờ để tên thật của mình mà chỉ để ngoài bì thư những cái tên như: Ông Tư Ếch, Anh bán chiếu, Ông bán bưởi Biên Hòa, Ông lão chèo đò... Đây đều là tên của các nhân vật trong những bài vọng cổ của ông. “Chính họ là những nhân vật đã truyền cảm hứng cho tôi sáng tác. Tôi muốn tri ân họ bằng việc phải nhắc đến tên họ”, soạn giả từng tâm sự.

“Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu là một con người rất dễ thương, một người hiền tài của làng cổ nhạc. Tôi không biết rồi đây ai sẽ là người thay thế được vị trí của ông, sẽ tiếp nối những gì mà ông và các bậc đi trước đã đóng góp cho nghệ thuật cải lương. Với tôi, và tôi tin chắc là với nhiều người, ông là một trong những ngọn đuốc sáng nhất trên vòm trời cải lương, vọng cổ Việt Nam”, Nghệ sĩ Ưu tú Diệu Hiền chia sẻ.