Ông Diệp Văn Kỳ cọ vỉa “Áo người quân tử” mà đẻ ra “Biển ái đầy vơi”

Mới bữa tối thứ bảy rồi, gánh hát Phước Cương diễn vở tuồng Biển ái đầy vơi của ông Diệp Văn Kỳ tại rạp hát Tây Sài Gòn, thiên hạ đi coi khá đông mà sau lại ai cũng có ý bất mãn như kẻ đã đi coi thơ Cống Quỳnh thuở nọ!

Thứ hai, các báo quốc âm ra, báo nào cũng có bình phẩm, đại để chỗ nào khen là khen gượng, còn chỗ nào chê là chê thiệt tình. Duy có bạn đồng nghiệp Đuốc nhà Nam chỉ trích hơi thẳng tay một chút.

Tôi đọc mấy bài bình phẩm đó, thấy chỉ trích vở tuồng ấy nhiều chỗ, song có một điều, theo tôi thì hình như không thể bỏ qua mà chẳng biết vì sao mấy nhà bình phẩm không ai nói tới?

Tôi dốt về nghề đặt tuồng, những cách kết cấu và miêu tả của một bổn tuồng, thế nào là hay, thế nào là dở, thì tôi hầu muốn mang nhiên như gậy thằng mù. Song có một điều coi tuồng mà nhìn mặt nó, thì tôi rành lắm. Coi một bổn tuồng, tôi biết ngay nó ra từ đâu.

Như bổn tuồng Biển ái đầy vơi đây là con của bổn tuồng Áo người quân tử, mà bởi vì là con chơi ác[1], cho nên khuôn mặt nó càng giống người đẻ ra nó lắm (Chơi ác sao lại đẻ con ra giống? Sự đó tưởng ai ai cũng hiểu, không cần cắt nghĩa).

Cốt tuồng của áo người quân tử như vầy: Một người con gái lấy phải một tay nhà giàu trọc phú, rồi không bằng lòng, không chịu ăn ở cùng nhau. Chàng trọc phú kia bèn chia một phần gia tài cho vợ, còn bao nhiêu của túm hết lên Sài Gòn ở, ăn chơi vung tàn tán. Về sau anh ta bị khánh tận, khi ấy nàng kia mới sanh lòng hối ngộ mà lại sum hiệp cùng nhau.

Biển ái đầy vơi thì cũng vậy đó có khác chi? Cô Tố Tâm trước không ưng Lê Tuấn vì là nhà giàu, sau Lê Tuấn hết của mới chịu lấy làm chồng, thì so với vở kia cũng một nếp chẳng mấy xôi. Huống chi trong đó còn rập theo y như hệt, đến những tay chơi cặp tàu, mấy cô tứ thời, mâm hút á phiện, đều là vật sở hữu của áo người quân tử.

Thấy người ta nói áo người quân tử là lột ở một bổn tuồng chớp bóng của Tây mà ra. Cho nên đem mà đọ với phong tục nhà Nam ta, tâm lý người Nam ta, thật không mặn mòi gì hết. Mẹ nó như vậy, tài chi đẻ ra con mà không đối với phong tục tâm lý càng thành ra người dưng?

Đừng vị mích lòng ai hết, nói trắng ra mà nghe, thì hai bổn tuồng nầy chẳng có ý vị gì, mà nhứt là đứa con đáng tội nghiệp kia là Biển ái đầy vơi. Sở dĩ khán giả còn ngồi rán coi cho hết, là vì trong đó có nhiều trò bông lơn, nhiều cảnh hiện tại, có thể đỡ buồn một chút. Chớ nói cho xác[2] ra thì bổn tuồng chẳng có nghĩa chi hết: theo cách phê bình của các cụ phê bình tuồng hát bội ta ngày xưa, thì nói rằng: Tuồng không có màu.

Áo người quân tử chẳng gì đi nữa cũng là một cái sự nghiệp riêng của gánh Phước Cương mới tạo lập vừa xong. Ông Diệp Văn Kỳ thiếu chi nơi khác mà lại tỏ vẻ nó cho được mới chịu? Như vậy, khác nào ông cọ vỉa[3] nó? Mới trong mấy tuần lễ mà bụng nó thè lè ra, đẻ ngay đứa nhỏ Biển ái đầy vơi; đứa nhỏ nầy phải nhìn ông Diệp là cha, nhưng nó tìm khắp hết người xung quanh nó cũng không tìm ra ai là mẹ! Thảm thay!

__________________

[1] Con “chơi ác”: con hoang, con ngoài giá thú.

[2] Xác: chắc (H.T. Paulus Của, sđd.), nói cho xác: nói cho chắc.

[3] Cọ vỉa: dựa vào.