Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long

Chương 20: Barisy thuật lại các trận đánh và vua Gia Long vào Huế

Về những trận giao tranh lớn giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, ngoài những điều ghi trong chính sử nhà Nguyễn, có rất ít tư liệu của các chứng nhân khác, vì lý do: các giáo sĩ không tham dự trực tiếp các trận đánh này; còn những tướng lãnh, binh sĩ, không quen viết hồi ký, mà nếu viết cũng bị thất lạc, vì sự bảo tồn di sản văn hoá của chúng ta rất kém. Cho nên, về các trận đánh lớn, ngoài Thực Lục, Liệt Truyện… những lá thư của Barisy có một chỗ đứng riêng, bởi đó là cái nhìn của một người ngoại quốc; tuy Barisy là bầy tôi hoàn toàn khâm phục nhà vua, nhưng anh có một cách trình bầy trận địa rất sống động, chi tiết và cặn kẽ, cho ta biết rõ bối cảnh chiến tranh: Thời đó, hai bên đánh nhau như thế nào, với những vũ khí gì? Sự chỉ huy của vua Gia Long ở mặt trận ra sao? v.v. Ngoài ra, Barisy còn đưa những con số về chiến thuyền, về khí giới, về số quân của hai bên, điều mà Thực Lục thường không ghi rõ. Tất nhiên độ chính xác cần được kiểm chứng, nhưng trong chừng mực nào đó, thư Barisy góp phần không ít vào việc tìm hiểu chiến tranh. Nhưng văn anh rất khó đọc, thường viết liền một hơi, không chấm, phẩy, chia động từ bừa bãi, chữ viết hoa tùy hứng, cho nên dịch không dễ dàng.

Cadière có công sưu tập những lá thư này. Trong tập Documents relatifs à l’époque de Gia Long (BEFEO, 1912, t. 1-82), ông trích một số thư và sửa cho dễ đọc hơn. Trong tập Les français au service de Gia Long, Leur Correspondance (BAVH, 1926, IV, 359-447), ông cho đánh máy đúng như nguyên bản và cho in đầy đủ mỗi lá thư. Vì vậy, tập tư liệu này quý hơn.

Trong phạm vi chương này, chúng tôi không thể dịch hết hai lá thư chính, rất dài; một viết ngày 11/4/1801 gửi cho giáo sĩ Létondal, quản thủ tu viện Macao, trong đó kể trận Chủ Sơn và trận Thị Nại ; một viết cho hai giáo sĩ Marquini và Létondal ngày 16/7/1801, kể trận Phú Xuân và vua Gia Long vào Huế. Ba trích đoạn được lựa chọn sau đây: trận Chủ Sơn, trận Thị Nại, trận Phú Xuân và Gia Long vào Huế. Trước mỗi tường trình của Barisy, sẽ có tóm tắt sự kiện theo chính sử; riêng trận Thị Nại, có thêm lời giáo sĩ Le Labousse và thư Chaigneau, như những nhân chứng khác.

Tóm tắt tình hình

Sau khi Võ Tánh chiếm được Quy Nhơn tháng 7/1799, Nguyễn Ánh đổi thành Bình Định, để Võ Tánh và Ngô Tòng Châu ở lại trấn giữ. Tháng 2/1800 bộ binh của Trần Quang Diệu tiến đánh Thạch Tân (Bến Đá, biên giới Bình Định – Quảng Ngãi), thuỷ binh của Võ Văn Dũng tiến đánh Thị Nại. Võ Tánh đóng chặt cửa thành không tiếp chiến. Trần Quang Diệu đắp lũy dài vây bọc thành Bình Định, chu vi 4.340 trượng, mỗi trượng hai người tuần giữ, bộ binh vây thêm vài vòng. Võ Văn Dũng để hai thuyền đại hiệu Định quốc và hơn 100 thuyền chiến chặn ngang cửa biển Thị Nại, cô lập Võ Tánh và Ngô Tòng Châu trong thành.

Tháng 4-5/1800, Nguyễn Ánh xuất quân từ Gia Định để giải vây Bình Định, quân Nguyễn thắng một số trận, chiếm được Phú Yên, nhưng không thể giải vây được Bình Định. Kể từ tháng 1/1801, cuộc chiến toàn diện bùng nổ khắp các mặt trận. Trận Thị Nại 28/2/1801 có thể coi là trận Xích Bích của Gia Long, làm thay đổi diện mạo chiến tranh cho đến chiến thắng cuối cùng. Trong giai đoạn này, chứng nhân Barisy đã đóng góp một số tư liệu lịch sử quan trọng.

Theo tiến trình thời gian, tháng 4-5/1800, Nguyễn Ánh để hoàng tử Cảnh trấn giữ Gia Định cùng với Nguyễn Văn Nhơn và Nguyễn Từ Châu, xuất quân qua cửa Cần Giờ, đem Minh Mạng, mới 9 tuổi đi theo. Tháng 7-8/1800, thuyền vua đến cửa biển Cù Mông (Bắc Phú Yên, giáp giới Bình Định). Cùng trong tháng này, vua cho Barisy về nước và cấp cho một chiến thuyền (xem chương 19: Barisy). Vua đóng bản doanh ở Cù Mông gần như trong suốt thời kỳ còn lại, cho tới khi khởi hành đi đánh Phú Xuân, ngày 5/6/1801.

Trong thời gian này, Barisy ở đâu? Chúng tôi nghĩ rằng: có thể con người giang hồ Barisy đã không bỏ mặt trận Bình Định Phú Yên, trong thời điểm sôi bỏng này, để “về nước”; theo Thực Lục là “nước Anh” hay “Ấn Độ” vì vẫn coi Barisy là người “Hồng Mao”. Vì thế, rất có thể Barisy đã có mặt ở các trận Chủ Sơn, Thị Nại. Sau chiến thắng Thị Nại ngày 1/3/1801, Barisy mới trở về Sài Gòn, và sau đó, anh bị Botelho vu cáo, trong lúc hoàng tử Cảnh hấp hối.

Cadière dựa vào lá thư Chaigneau viết cho Barisy kể trận Thị Nại, để đoán rằng Barisy ở miền Nam Nam Hà; chúng tôi không tin lắm, vì rất có thể Chaigneau cũng không biết bạn mình ở đâu, nên đã viết thư mô tả chiến thắng.

Trận Chủ Sơn

Khi Nguyễn Ánh xuất quân giải vây Bình Định, cử Nguyễn Văn Thành chỉ huy Tiền quân, tiến đánh Phú Yên, nhưng Nguyễn Văn Thành bị khó khăn ở mặt trận Chủ Sơn (giáp giới Bình Định) không cách nào phá được.

Trận Chủ Sơn, theo chính sử, xảy ra tháng 11 năm Canh Thân và ghi toàn thể công lao vào tay Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt, Đại Nam Nhất Thống Chí tóm tắt như sau:

Núi Phước An ở phiá Nam huyện Tuy Viễn [Bình Định], có tên nữa là Chủ Sơn, hình thế cao cả, hùng vĩ, chu vi hơn trăm dặm… Năm Canh Thân, quân giặc giữ Chủ Sơn, Nguyễn Văn Thành đánh mãi không được, dò thám [theo Thực Lục, nhờ người Man (Thượng) dẫn đường] biết được rằng ở phiá Tây Nam núi này có đường tắt có thể đánh úp mặt sau của giặc, bèn vẽ điạ đồ và xin quân hội chiến, vua bèn sai Tống Viết Phước và Lê Văn Duyệt đem quân tiến đến Thị Dã. Thành sai Duyệt giữ bảo [đồn] làm chính binh, tự mình đem kỳ binh [quân đánh úp] theo đường tắt đi vượt khe Bột, qua trại Đèn, vòng ra mặt sau của giặc, tung lửa đốt trại sách, quân giặc vội vàng quay lại đánh. Duyệt bèn chỉ huy binh sĩ tiến sát đến đồn giặc, hai mặt tả hữu đánh kẹp lại, quân giặc phải tan chạy” (ĐNNTC, tập 3, t. 16-17).

Đó là thoại chính thức, nhưng Barisy kể hơi khác một chút, anh viết:

… Nghe nói quân Tây Sơn gửi một phái đoàn đến [điều đình], việc ấy dám lắm vì họ đang ở trong thế kẹt, rất kẹt; họ cầm cự với quân của vua dưới lệnh tướng Ong Tien Quaoun [Ông Tiền Quân chỉ Nguyễn Văn Thành]: tới ngày 21 tuần trăng thứ 11 [ngày 5/1/1801], [Trước đó] nhờ bọn người Man đã tìm được cho vua một lối mòn, đại bác và voi có thể đi qua mà địch quân hoàn toàn không biết. Vua bèn gửi Ong Tong Dong Tag [Ông Tổng Đồn Tả tức Lê Văn Duyệt] với một phần quân đội đến sau lưng địch. Sau 7 ngày đường, đến sáng ngày 21 [5/1/1801], lúc mặt trời ló dạng, Ong Tien Quaoun nhìn thấy hiệu của Ong Tong Dong Tag, bèn tấn công dữ dội vào những đồn dung Thi [Đồng Thị, gần Thị Dã] gồm bẩy đồn thẳng hàng để chặn quân ta không tiến được đến gần.

Lệnh xung phong từ lúc mặt trời mọc, mà đến 10 giờ sáng ngụy quân mới thấy quân vua đã đến sau lưng và hai bên sườn. Giàn súng liên thanh (mouquesterie) sử dụng thuần thục và 20 đại bác nhỏ dã chiến, bắn, trong tầm ngắn của súng lục, chỉ chốc lát, đã quét sạch dọn đường. Những kẻ chạy trốn lãnh đủ thương giáo, lưỡi lê; sự tàn sát thực kinh hoàng; quân Theuk Teuk [Túc Trực] hay quân Cảm tử, không chừa một ai, họ chỉ rời chiến trường khi không còn người để giết” (Thư Barisy ngày 11/4/1801 gửi M. Létondal, BAVH, 1926, IV, t. 374).

Barisy mô tả gần đúng như chính sử, nhưng rõ hơn và sống động hơn. Trừ một chi tiết khác: Vua sai Lê Văn Duyệt đi ngả sau đánh tập hậu, còn chính sử ghi Nguyễn Văn Thành. Có thể Barisy đúng, vì Lê Văn Duyệt can đảm xông xáo, Nguyễn Văn Thành nhát, chưa chắc vua đã giao việc này. Ngoài ra, theo Barisy, nhà vua đích thân điều khiển trận chiến, việc này chính sử không ghi. Sau đó, Barisy viết tiếp:

Hội đồng chiến tranh của địch, sau thất bại này, tưởng họ có thể kích động tinh thần tướng sĩ và và nhân dân bằng cách đánh những cú lớn; bèn hội tụ những đoàn quân thiện chiến nhất và những quan tướng giỏi nhất, quyết định một trận đánh toàn diện. Ngày 27 của tuần trăng thứ 11 [11/1/1801] đại binh tham chiến, có binh đoàn của tướng thống lãnh thủy binh [Võ Văn Dũng] tăng lực lên tới 223 ngàn người. Nhưng con số này không làm cho đấng quân vương của ta sợ hãi. Quân địch thực sự có lợi trên địa thế. Nhưng vua có giàn súng liên thanh; có đại bác, và trên tất cả là tấm lòng ba quân. Chúa thượng tay cầm gươm, dáng vui vẻ, dạo qua các hàng ngũ. Quân ta hết sức nóng lòng. Bên địch đang rung chuyển, đại bác của họ nổ rền; đàn voi của họ hung dữ tiến gần đến hàng ngũ ta. Vua trầm tĩnh đứng giữa quân hộ vệ, quan sát tình hình. Sự im lặng tuyệt đối ngự trị hàng ngũ quân ta. Khi địch tới gần, vào tới 1/2 tầm súng. Vua hạ lệnh cho các toán quân nhả đạn: 400 khẩu đại bác dã chiến khạc lửa sắt và chết chóc, nhả liên hồi trúng đích, thành một cuộc tàn sát kinh hoàng. Phiá họ có những đồn bên sườn và ở phiá đuôi trợ lực; đại bác của họ bắn trúng làm quân ta thiệt hại nặng. Vua ra lệnh cho quân cảm tử trèo lên đánh giáp lá cà; các quan làm gương trước, chiếm được các đồn; quân sĩ chuyển sang gươm giáo và đại bác kết liễu sự tháo chạy toán loạn: địch quân chạy trốn vào thành luỹ phòng thủ. Thấy địch thua chạy, vua bằng lòng [không cho lệnh truy kích] vì quân nhà cũng thấm mệt: sự tàn sát còn kéo dài trong đêm. Vua đóng ở ngoài tầm đại bác (cách xa 1, 2 lần) của thành trì kiên cố của địch. Ngày 21 tháng 12 [4/2/1801] họ còn ra khiêu chiến, vua không rời vị trí phòng thủ của mình. Bấy giờ họ tiến lên đánh giáp lá cà, rất trật tự và chừng mực. Nhà vua, với kính thiên lý (lunette d’approche) trong tay, thấy ở bên cánh phải của họ rất lộn xộn mà lại bị một cái khe chia cắt với trung tâm, có thể dễ dàng cắt đứt. Bèn tức khắc hạ lệnh cho 22 đội cảm tử xuất phát đánh ngay không để cho họ kịp nhận diện. Gió Đông Bắc quạt khói vào mắt, khiến họ không phân biệt được quân nhà vua; chỉ đến khi nhận được những tràng súng đầu tiên, mới hiểu mình lầm. Họ chống mạnh; nhưng vua ở đâu, là có chiến thắng ở đó. Chiến thắng toàn diện: khi vua xuất trận, giữa quân cấm vệ, lại được hoả lực kinh hồn của giàn súng phòng thủ che chở, thì quân địch phải bại. Địch quân mất 5 trong số những quan tướng giỏi, cả tướng chỉ huy cánh phải. Quân đội nhà vua không tha ai cả, vì thế, sự tàn sát thật là kinh hoàng” (Thư Barisy viết ngày 11/4/1801 gửi M. Létondal, BAVH, 1926, IV, t. 375).

Trận chiến này, chỉ xảy ra có 6 ngày sau trận Chủ Sơn, nhưng không thấy chính sử ghi lại, vậy có thực đã xảy ra hay không? Chiếu vào Thực Lục thì có thể đây là những trận tiếp theo Chủ Sơn, Nguyễn Văn Thành đánh Trường Dã (Đồng Dài), Tống Việt Phước đánh Yên Tượng… chiếm được hết các đồn từ núi Lệ Thạch đến An Hoa, An Lộc… (TL, I, t. 422).

Ta lại biết, khi hành quân ra Bình Định-Phú Yên, Nguyễn Ánh đóng bản doanh ở Cù Mông, gần đấy. Vậy cũng rất có thể Nguyễn Ánh đã trực tiếp điều khiển các trận đánh chăng?

Vẫn theo Barisy, vì chiến bại này, mà quân Tây Sơn chuẩn bị một lực lượng quân tiếp viện ở Cù Mông để đánh Nguyễn Ánh bằng đường biển, nhưng bị Nguyễn Ánh khám phá và giải tán; rồi ông sẽ đánh trước, do đó, mà có trận Thị Nại 1801. Về việc này Barisy viết:

Từ khi đó, còn nhiều trận đánh khác mà quân chiến thắng của Hoàng Thượng đã tỏ sự can trường của họ. Sau cùng, ngày 1 tháng giêng [13/2/1801], các tướng thuỷ bộ [địch] họp đại hội đồng quyết định tấn công nhà vua bằng đường biển. Họ sửa soạn thuỷ binh trong cảng Cum-ong [Cù Mông] chỉ cách Quy Nhơn 20 dặm: cho lên tàu một đội tiếp viện quan trọng toàn quân thiện chiến. Nhà vua biết rõ dự định của họ, bèn liền tức khắc, cho quân xuống lại hạm đội, dùng rào chặn cửa biển và dùng giàn hoả lực đặt đúng chỗ, tước đoạt ý định của địch quân; nhưng riêng ông, ông đã dự tính chương trình tấn công. Và ông đã thực hiện với sự lớn lao của tâm hồn và lòng can đảm của những Nelson, Duncan, Hood, Rodney, v.v. (Thư Barisy viết ngày 11/4/1801 gửi cho M. Létondal, BAVH, 1926, IV, t. 375-376).

Liền sau đó là trận Thị Nại 1801.

Trận Thị Nại 1801

Đầu năm 1801, chiến thuật đánh hoả công của Đặng Đức Siêu đã sửa soạn xong. Thực Lục viết:

Trước là Tư Đồ giặc Võ Văn Dũng dùng hai chiếc thuyền đại hiệu Đinh quốc và hơn trăm chiếc thuyền chiến chặn đóng ngang cửa biển, lại dựng hai bảo [đồn] ở bãi Nhạn Châu bên tả và ở núi Tam Toà bên hữu cửa biển, đặt nhiều súng lớn, dựa thế cao, chẹn chỗ hiểm để chống quân ta. Đến đây các quan làm xong chiến cụ hoả công, vua mật định đêm hôm 16 [28/2/1801] cất quân đánh úp. [...] Lưu Phạm Văn Nhân giữ Cù Mông. Vua bèn thân chinh đem thuỷ quân tiến phát. Trống canh ba qua Tiêu Cơ, bắt được lính đi tuần của giặc, biết được khẩu hiệu, tức thì sai Nguyễn Văn Trương và Tống Phước Lương dùng thuyền nhỏ lên trước vào Hổ Cơ đốt đồn thủy của giặc. Lại sai Võ Di Nguy đi thuyền chấp lệnh thẳng tiến, Lê Văn Duyệt đốc quân tiếp theo. Giặc giữ bảo [đồn] cự chiến từ giờ Dần [3-5 giờ sáng] đến giờ Ngọ [11-13 giờ trưa] tiếng súng vang trời đạn bay như mưa. Võ Di Nguy bị bắn chết, Duyệt cứ mặc kệ, càng thúc đánh hăng. Vua thấy sĩ tốt nhiều người tử thương, cho tiểu sai đến dụ cho tạm lui. Duyệt thề chết vẫy quân xông lên, giờ Thân [15-17 giờ chiều] lọt vào được cửa biển, dùng đuốc hoả chiến thừa chiều gió phóng đánh thuyền đại hiệu của giặc. Quân Tây Sơn cả vỡ, chết rất nhiều. Dũng thua chạy. Thuyền Tây Sơn bị đốt cháy gần hết. Quân ta bèn giữ cửa Thị Nại. Người ta khen trận này là võ công to nhất.” TL, I, t. 428-429)

Về Nguyễn Văn Trương, Liệt Truyện viết rõ hơn: “Nguyễn Văn Trương tiên phong, bắt được lính tuần của Tây Sơn, biết khẩu hiệu, Trương bèn cho thuyền nhỏ lẻn vào Tiêu Ki, trèo qua thuyền lớn của địch, đến miếu Tam Toà, chém được đô đốc Trà, đốt rất nhiều thuyền địch.” (LT, II, t. 147).

Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa hiểu rõ Tiêu CơTiêu Ki là đâu, nên khó hình dung trận chiến. Tóm lại, theo Thực Lục: Trận đánh bắt đầu từ nửa đêm 28/2/1801, Nguyễn Văn Trương và Tống Phước Lương biết được mật lệnh của Tây Sơn, lẻn vào Hổ Cơ đốt đồn thuỷ của địch. Võ Di Nguy và Lê Văn Duyệt đánh mặt trước. Võ Di Nguy tử trận. Khoảng 3 đến 5 giờ chiều ngày hôm sau, 1/3/1801, Lê Văn Duyệt mới lọt được vào cửa biển, dùng hoả công đốt thuyền Tây Sơn. Chỗ này của Thực Lục rất đáng nghi ngờ, bởi vì trận đánh xảy ra giữa ban ngày, trái hẳn với những tài liệu khác và rất vô lý nữa. Ngoại trừ khả năng dịch giả Thực Lục dịch sai hoặc cố tình sửa giờ Tý trong nguyên bản thành giờ Ngọ để biến đêm thành ngày.

Trận Thị Nại, theo Le Labousse

Giáo sĩ Le Labousse là một trong những người hiếm hoi viết lại trận Thị Nại, tuy ông không trực tiếp tham dự, nhưng lúc ấy ông ở Khánh Hoà, được những người dự trận kể lại, ông viết:

… Chiến thắng lừng lẫy nhất, sẽ mở một kỷ nguyên mới trong lịch sử biên niên của Nam Hà, là chiến thắng mới đây nhà vua vừa đạt được trên thuỷ quân của địch ở cảng Quy Nhơn, chỗ bản đồ đề tên là Chine-Chine [Thị Nại]. Chính ở đó, cách đây 7, 8 năm, ông đã đốt thuỷ quân của người anh cả của địch [Nguyễn Nhạc]. Ông vừa tái tạo chiến công này lần thứ hai, hôm 1/3 vừa qua.

Sau đây là vị trí thuận lợi của hải quân bên địch: ngoài chuyện cửa biển rất hẹp, được bảo vệ bằng nhiều thành đồn, không có cách nào vào được; họ còn để ba chiến hạm lớn nhất chặn cửa biển, mỗi chiến hạm có ba giàn đại bác nòng súng rất lớn, những chiến thuyền còn lại được xếp làm sao cho không ai có thể len vào được.

Vì thế nhà vua không đem các chiến hạm lớn đến. Ông để chúng lại ở một vịnh nhỏ bên cạnh [Cù Mông?], và chỉ dùng 26 chiến thuyền ga-le (galères: thuyền vừa buồm vừa chèo) với 100 ghe nhẹ (bateaux légers), nói đúng ra là 100 xà-lúp (chaloupes); [tất cả] chở khoảng bốn nghìn người. Quả là không nhiều để tấn công một hải cảng, lúc đó, cả thuỷ binh lẫn quân lính đồn trú có tới hơn 20.000 người, 60 thớt voi, 40 chiến hạm lớn; 20 chiến hạm nhỏ hơn; 100 chiến thuyền ga-le (galères), và một con số lớn hơn, các ghe chiến khác, trang bị đầy đủ vũ khí. Nhưng sự can đảm trám khuyết những con số.

Vua tiến trước mắt quân địch, đến đêm tới trước cửa cảng, họ đứng vững đợi. Một trăm ghe nhẹ chở quân, cho đổ bộ, khá xa. Trong lúc đó, những chiến thuyền ga-le, nhờ bóng tối và gió thuận chiều phụ giúp, tiến đến những chiến hạm đầu tiên, nhẩy sang đánh giáp là cà và đốt cháy. Quân xuyên sâu vào trong cảng, ném khắp nơi những nắm đuốc và đủ loại các chất cháy. Bấy giờ sự tàn sát trở nên kinh hoàng. Đạn bắn tứ phiá, từ các đồn luỹ, từ các chiến hạm; trận mưa đại bác rú vang rền trên đầu mọi người. Khắp nơi lửa cháy, lửa thiêu hủy ga-le và chiến hạm địch, cái thì nổ, cái thì chìm. Cả hai bên đều chiến đấu kịch liệt. Ngụy quân, tàu đầy lửa mà các giàn súng vẫn kiên trì chống trả, cho tới khi lửa lan vào thuốc súng, tất cả biến mất trong một tiếng nổ chát chúa chung cục. Sau cùng, quân ta, sự khôn khéo kết hợp với sự can đảm, đã thắng, đã thực hiện những sự phi thường. Cho tới bấy giờ, người ta chưa thấy ở Nam Hà trận đánh nào dai dẳng đến thế, đẫm máu đến thế. Nó đã diễn ra từ 10 giờ tối tới 10 giờ sáng hôm sau, địch không còn lại một con tàu nhỏ bé nào. Tất cả đều đã bị đốt sạch.

Những sĩ quan Pháp, các ông Chaigneau, Vannier, và De Forcanz, điều khiển các tàu le Dragon [Long Phi], le Phoenix [Phượng Phi] và L’Aigle [Bằng Phi] cũng đi chiến dịch này.

Mỗi người với tàu của mình, trang bị khí giới, có nhiệm vụ hộ tống vua và đi kèm tất cả những thuyền chiến ga-le.

Nhưng lúc đánh nhau, họ bị giữ lại để hộ tống vua. Khi nghe tiếng đại bác nổ, máu Pháp sôi sục trong huyết quản, vua phải nghiêm cấm mới cản được lòng nhiệt thành của họ. Giữ họ lại bên vua còn khó hơn là thúc quân tiến lên giữa những trận mưa đại bác. Ông de Forcanz đã không dằn lòng trước cơn hăng say chiến đấu; lòng can đảm thúc đẩy, đang đêm lẻn vào cảng một mình đốt hết bẩy tàu chiến trang bị khí giới nhiều nhất.

Các ông Vannier và Chaigneau cũng có thể làm được như thế, nếu nghe theo lòng can đảm, nhưng các ông nhớ ra rằng, mình có nhiệm vụ canh gác cho cả một vương quốc, qua sinh mạng nhà vua.” (Doc. Rel., BEFEO, t. 45-46).

Le Labousse không nói rõ ngày giờ, nhưng ông cho biết đại khái lực lượng hai bên. Ông nhấn mạnh vua không đem theo tàu lớn, như vậy, có thể hiểu những tàu đại hiệu Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi đỗ lại ở cửa biển bên cạnh [có phải là Cù Mông chăng?]; nói cách khác, Vannier, Chaigneau, De Forcant, không quản tàu đại hiệu để dự trận. Nhưng tất cả đều xác định vua điều khiển trực tiếp trận này, vậy vua dùng ga-le chứ không đi tàu chiến bọc đồng. Nói chung, lời thuật của Le Labousse có vài chỗ không ăn khớp lắm. Đó là những lời ông viết cho giám đốc Viện Thừa sai Paris, từ Bình Khang ngày 20/4/1801. Năm ngày sau khi viết lá thư này, giáo sĩ Le Labousse mất tại Nha Trang, hôm 25/4/1801.

Thư của Chaigneau gửi Barisy ngày 2/3/1801 về trận Thị Nại

Ngày 19 tuần trăng thứ nhất hay là ngày 2/3/1801

Barisy thân mến,

Ta vừa đốt sạch thuỷ quân của địch không sót một tàu nhỏ nào. Trận chiến đẫm máu nhất chưa từng có ở Nam Hà. Quân địch chống trả tới chết. Quân ta đánh giỏi hơn. Bên ta có rất nhiều người chết và bị thương, nhưng chẳng đáng gì so với thắng lợi mà nhà vua đạt được. Các anh Vannier, Forsanz và tôi cùng tham dự, và cùng trở về bình an vô sự.

Trước kia, khi chưa thấy hải quân của địch, tôi có ý coi khinh, nhưng tôi bảo đảm với anh là tôi lầm: họ có những chiến hạm chở tới 50, 60 đại bác cỡ lớn.

Nhà vua sẽ đi đánh Hoàng Cung [Huế], người chắc chắn ở đó chẳng có sự kháng cự nào. Những người lính Tây Sơn chắc rất mất tinh thần; nhiều người muốn ra hàng, nhưng ta từ chối. Vua cho phép họ sống yên lành ở nhà mà không phải đánh nhau nữa.

Năm nay chúng tôi không về Sài Gòn. Nhà vua gửi tất cả những chiến hạm lớn đi chở gạo cho người.

Thời giờ gấp gáp, tôi không nói được dài hơn…

Xin anh báo tin này cho ông Liot

J. B. Chaigneau” (Cadière, Doc. Rel. t. 39-40)

Nhận xét kỹ lá thư của Chaigneau, ông cũng chỉ viết rất sơ sài: Các anh Vannier, Forsanz và tôi cùng tham dự, và cùng trở về bình an vô sự. Như vậy có nghiã gì? Một trận tàn sát kinh hoàng như vậy, nhưng ông chỉ nói chung chung kết quả, có thể vì ông không tham dự trực tiếp chăng?

Trận Thị Nại, 1801, theo Barisy

clip_image002

Barisy viết:

Quân đội địch dưới lệnh của đô đốc Thiuu Phõo [Thiếu Phó Trần Quang Diệu, thực ra thuỷ quân ở dưới lệnh Tư đồ Võ Văn Dũng], gồm có:

Tàu

Đại bác

đạn nặng

Người

9 tàu lớn (vaisseaux)

60 đại bác

24 livres

700

5 tàu

50

24

600

40 tàu

16

12

200

93 thuyền chiến ga-le (galères)

1

36

150

300 ghe đại bác (chaloupes canonnières)

1


50

100 ghe chiến (lugger cochinchin)



70

Tổng cộng: 673 [547]




Dinh quân thứ 3 (3e division) [chắc là Trung quân] của vua, gồm có:

Thuyền

Đại bác

Người

26 ga-le chở

1

200

65 ghe đại bác chở

1

80

Ngày rằm, 15 tháng giêng, theo lệ, tất cả các hạm đội thao diễn tập trận. Một cơn gió Nam thổi mặt nước nối lại như một tấm gương đã khiến vua nẩy ý cho một dinh quân nhổ neo và ngài cũng lên thuyền, dưới lệnh có các tướng: đô đốc Ong Tong Thoui [Ông Tổng Thuỷ tức Võ Di Nguy] mà người Bồ gọi là Bouche-Torte; Ong Yam Koun [Ông Giám quân], không phải ông đi sứ với Đức Giám Mục [chỉ Phạm Văn Nhân, đi với hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc sang Pondichéry], ông này trước theo ngụy quân, rồi khi vua ở Xiêm về, ra hàng [chỉ Nguyễn Văn Trương]; ông tướng Ong Tong Don Tag [Ông Tổng Đồn Tả tức Lê Văn Duyệt] là một trong những ông tướng Theuk Tuc [Túc trực] tức bộ binh thiện chiến, lính cảm tử. Có các ông Forcans, Vannier và Chaigneau.

Tới 2 giờ rưỡi chiều, đoàn chiến hạm 91 cánh buồm này khởi hành để đi tấn công một quân đội khoảng 50.000 người và 45.000 quân đổ bộ và quân canh gác các đồn phòng vệ cửa biển.

Đến chiều tối, khi đoàn chiến hạm tới đúng tầm súng của đảo Ong Datte [Hòn Đất], hoàng Thượng ra hiệu cho Ong Tong Don Tag [Lê Văn Duyệt] chuẩn bị 1.200 quân Theuk Tuc [Túc Trực] đổ bộ lên bãi cát. 7 giờ, việc đổ bộ bắt đầu dưới lệnh của quan Ong Fo Vé Theuk Tuc [Phó Vệ Uý Túc Trực]. Họ đi trong sự yên lặng hoàn toàn, dọc theo bãi cát, đến gần giàn súng đại bác của đồn địch mà không bị lộ.

Tới 10 giờ rưỡi, [thuyền] Vua đã tiến đến 4/3 tầm đại bác ở các đồn canh cửa biển. Địch vẫn không hay biết, vua gửi đội tiên phong gồm 62 ghe chở đại bác (chaloupes canonnières), với lệnh xung kích ba chiến hạm đầu tiên, leo lên đốt tàu và cắt dây neo, gây hỗn loạn trong hạm đội địch. Gió to và thủy triều lên mạnh, thuận lợi cho dự trình này: Ong Yam Quoun [Nguyễn Văn Trương] thi hành mệnh lệnh. Đúng 10 giờ 30, ông bắn phát súng đại bác đầu tiên. Lập tức Vua hạ lệnh tổng tấn công. 26 thuyền chiến ga-le bắn liên hồi khắp nơi trên bãi cát để quyét sạch. 1.200 lính của ta tay cầm súng đầu có lưỡi lê, tấn công sau lưng những người nấp trên bãi cát, đánh úp tất cả những gì còn lại, chĩa thẳng đại bác về phiá lòng trong bến cảng.

Bấy giờ, Vua ra lệnh cho tất cả ga-le cùng xông vào và tấn công cùng một lúc theo đúng trật tự trận đồ. Lúc đó, sự quần thảo mới trở nên đẫm máu và phải nhìn vua mới biết: Số mệnh của ông phụ thuộc vào trận chiến này. Đồn Tam Toy [Tam Toà] gây mối kinh hãi cho những ga-le của vua, rơi vào tầm đạn của họ là tan tành ngay. Ong Tong Thoui [Võ Di Nguy] trúng đạn đại bác mất đầu. Cái chết này làm cho quân sĩ loạng quạng. Một chiếc ga-le thất trận, Ong Tong Dong Tag [Lê Văn Duyệt] sai người đến chém đầu thuyền trưởng, đốt ga-le và ra lệnh tiến lên những chiến hạm neo ở phía Núi Đông, đốt chứ không chiếm. Lệnh này được thi hành với sự mau lẹ, can đảm và cẩn trọng.

Trong thời gian này, tướng Yam Quoun [Nguyễn Văn Trương], sau khi đã đốt ba tàu đầu tiên ở cửa vào, đã len được vào giữa hai hàng [thuyền] của địch quân, đến tấn công đoạn đuôi những ga-le của họ, đang chuẩn bị đến cứu các hạm đội. Địch quân ngạc nhiên vì bị tấn công ở chỗ họ không ngờ! Đầu thì tê liệt bởi giàn súng đại bác ở trên bãi cát, đã bị ta chiếm được. Họ đâm lưỡng lự. Ong Yam Quoun [Nguyễn Văn Trương] bèn đốt vài ghe pháo của chính mình: những người ở đầu của địch quân, tưởng các tướng lĩnh phiá sau, bán mình, làm phản, theo vua. Lòng cam đảm của họ bắt đầu lung lay. Ong Yam Quoun đã làm một chuyện phi thường: đánh một còn, một mất; ông đã vào quá sâu để có thể lùi. Lính của ông cũng thế, như một đoàn hổ, không còn biết gì nữa. Lửa cháy và tiếng súng đại bác làm cho đêm nay là một trong những đêm kinh hoàng nhất, chỉ có thể cảm thấy mà không thể diễn tả nổi. Tới 4 giờ sáng, lửa cháy trên tất cả các chiến hạm. Đến rạng đông, một phần lớn đã nổ trên không với tất cả thuỷ thủ… Những ga-le và ghe pháo, còn cầm cự được tới 2 giờ rưỡi chiều ngày 16 tháng Giêng, năm Cảnh Hưng thứ 62 [28/2/1801].

Vua bị thiệt hại nặng: 4.000 người chết. Nhưng sự mất mát của địch quân còn lớn lao không thể so sánh được: họ mất ít nhất 50.000 người; tất cả lực lượng thủy binh kinh hồn của họ; tất cả thuyền bè chuyên chở gồm 1.800 cánh buồm; 6.000 khẩu đại bác đủ loại tầm cỡ; vũ khí đạn dược, lương thực vô kể. Vàng, bạc, châu báu của các tướng sĩ tràn đầy, đều làm mồi cho sóng nước (t. 375- 379).

Lời thuật của Barisy, thực rõ ràng, tuy ta chưa biết anh có hoàn toàn mô tả đúng trận điạ hay không. Anh bắt đầu bằng cách chỉ định giờ xuất phát:

Ngày rằm tháng Giêng, tức ngày 27/2/1801, vua duyệt binh, nhân thấy gió Nam thổi gợn sóng mới nẩy ý đem một dinh quân [chắc là Trung quân] đi chinh phạt. Chỗ này Barisy hơi tiểu thuyết hoá, vì trước anh đã nói là vua có chương trình đánh rồi, và việc sẽ đánh hoả công theo chiến thuật của Đặng Đức Siêu, thì mọi người biết cả.

Theo Barisy, 2 giờ rưỡi chiều, hạm đội bắt đầu khởi hành từ Cù Mông, và theo bản thống kê của Barisy, không hề có chiếc thuyền đại hiệu nào tham dự. Vậy chắc chắn vua đi thuyền chiến ga-le.

Chiều tối, hạm đội đến ngang tầm đảo Hòn Đất (trên bản đồ Barisy là Ile ong Datte), vua ra lệnh cho Lê Văn Duyệt đổ bộ 1200 quân cảm tử lên bãi cát. 7 giờ tối quân bắt đầu đổ bộ.

10 giờ rưỡi tối, thuyền vua tới cửa biển Thị Nại. Vua ra lệnh cho 62 ghe đại bác tiên phong, xung kích ba chiến hạm đầu tiên của địch, chắc là các tàu đại hiệu chắn ngang cửa biển. Đúng 10 giờ rưỡi, giám quân Nguyễn Văn Trương bắn phát súng đại bác đầu tiên, và vua hạ lệnh tổng tấn công. 26 ga-le bắn liên hồi, quét sạch quân đồn trú của Trần Quang Diệu nấp trên bãi cát, để quân cảm tử của Gia Long vừa đổ bộ, xông lên… Sau đó, Barisy tiếp tục ngọn bút sôi nổi của anh. Điều đáng ghi nhận là Barisy cho ta hiểu rõ hơn chiến thuật của Nguyễn Văn Trương: Thực Lục nói đến Tiêu Cơ, Tiêu Ki, thực khó hiểu; Barisy viết rất rõ: Nguyễn Văn Trương (đã tra hỏi quân canh gác bị bắt, biết trước mật khẩu của Tây Sơn) len được vào giữa hai hàng ghe Tây Sơn, tiến đến đốt phá đằng cuối, làm rối loạn quân địch. Tóm lại, sự tường thuật của Barisy rõ ràng, mạch lạc và hợp lý hơn những văn bản khác.

Thực Lục đặt trận này vào đêm 16 rạng ngày 17 tháng Giêng (tức là đêm 28/2 rạng ngày 1/3). Tuy nhiên giờ giấc ghi trong Thực Lục rât đáng nghi ngờ: trận chiến xảy ra giữa ban ngày, ngày 1/3, trái hẳn với những tài liệu khác.

Còn Barisy đặt trận này vào đêm rằm tháng Giêng, rạng ngày 16 (tức là đêm 27/2 rạng ngày 28/2/1801); Barisy có “mơ mộng” chăng? Tuy nhiên về phương diện chiến lược, tấn công đêm rằm tháng Giêng rất đúng, vì gây bất ngờ.

Trận Phú Xuân

Dường như ý muốn thuật lại những giờ phút lịch sử mà anh đã sống qua, chính là động cơ thúc đẩy Barisy viết nhanh và viết nhiều trong khoảng thời gia khá ngắn ngủi, để kể lại những gì anh đã thấy. Lời mở đầu lá thư dài, viết cho các giáo sĩ Marquini và Létondal ngày 16/7/1801, trên tàu Thoai phon Thoai [tàu Thoại Phụng] ngày 16/7/1801, tại Cua Heou [cửa Thuận An], Barisy giải thích:

Thưa các cha,

Tính cờ một thuyền buồm ở Quảng Đông lại đến bến cảng này [Huế], đúng lúc những đoàn quân chiến thắng của Hoàng thượng đến chiếm. Con cháy bỏng lòng ham muốn thuật cho các cha biết những gì đáng kể đã xảy ra ở đây, từ lúc bắt đầu mở chiến dịch, đã khiến con tìm hết cách giúp ích vị thuyền trưởng thuyền này. Và con nghĩ ông ta đủ biết ơn con, để mang thư này tới tay các cha.

Lá thư cuối cùng con viết ngày 10/5 vừa qua [Cadière cho biết: không tìm thấy thư này] con đã kể cho các cha nghe việc chiếm Đà Nẵng ngày 8/3[1801]: quân đồn trú gồm 30 thớt voi, 84 đại bác đồng đỏ, các kho gạo của địch quân bị cháy cùng nhiều kho quần áo và cả tiền bạc, nhưng đó mới chỉ là sự mở màn trận tấn công lớn của nhà vua.

Và sau đây là những hàng thư anh kể lại trận Phú Xuân và Gia Long trở về Huế:

Ngày 28/5 quân đội của Tàa Quoun [Tả Quân] mà tôi [từ đây xin dịch là tôi thay vì con] trực thuộc, theo lệnh của Ong foo Thuoon [Ông Phó Tướng Nguyễn Công Thái] đến Quy Nhơn. Hoàng thượng duyệt quân, có 10.900 người thuộc bộ binh: 27 chiến thuyền ga-le, rất nhiều ghe chở đại bác. Quân ta ở lại Quy Nhơn tới 3/6 mới khởi hành đi Đà Nẵng. Vua lãnh đạo cả quân Thủy Bộ, tôi ở dưới lệnh vua, với tư cách thuyền trưởng tàu mang hiệu kỳ thống lĩnh của vua:

Thoai Phâon Toai [tàu Thoại Phụng]

chở 36 đại bác

15 tàu

chở 18 đại bác [đạn nặng] 12 livres

45 chiến thuyền ga-le

chở 1 đại bác, 36 livres

300 ghe nhỏ đại bác

chở 1 đại bác, 4 livres

Trong binh đội này, có 15.000 người thuộc quân đổ bộ, dưới lệnh của các tướng:

Dinh Táa [Dinh Tả]; Dinh Tiên [Dinh Tiền]; Ong Ton Don Tàa [Lê Văn Duyệt]

Ngày 7/6 chúng tôi đến Đà Nẵng, gặp lại thuỷ binh do ông Yam Quoun [tức Giám Quân Phạm Văn Nhơn, khi đánh trận Thị Nại, Phạm Văn Nhơn được lệnh giữ Cù Mông], ông này đã đi đại sứ ở Âu Châu [chỉ việc Phạm Văn Nhơn tháp tùng Hoàng tử Cảnh cùng Bá Đa Lộc sang Pondichéry], gồm có:

Thao Loan Phi [Long Phi]

32 đại bác

Chaigneau [điều khiển]

Thao Baon fi [Bằng Phi]

26 đại bác

Forsan [de Forcant]

Thoo Fhoan [Phượng Phi]

26 đại bác

Vannié [Vannier]

3 tàu chở 18 đại bác, 12 livres

  

30 ghe chở 1 đại bác

  

[Chỗ này Barisy nói rõ hơn về việc phân chia binh đội:

- Phần trên là binh đội đi từ Thị Nại (sau khi chiếm được) với nhà vua: chỉ có một tàu lớn là tàu Thoại Phụng của vua, mà Barisy được ở trên tàu.

- Phần dưới là thủy quân, dưới quyền điều khiển của Phạm Văn Nhơn, đi từ Cù Mông, trong đó có các tàu đại hiệu Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi. Điều này xác định một lần nữa: ba tàu Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi, đậu ở Cù Mông trong trận Thị Nại.]

Barisy viết tiếp:

4 giờ sáng ngày 9/6, toàn bộ binh đội xuống tàu [ở Đà Nẵng].

8 giờ sáng ngày 11, chúng tôi đến cửa sông Hương, vào tầm súng của đại bác các đồn phòng thủ cửa sông. Quân đội được lệnh chia hai: Tất cả những tàu chiến và 30 ghe chở đại bác họp thành một đội ngũ dưới lệnh ông Yam Quoun [Phạm Văn Nhơn] phong toả cửa Tây, có tên là Cua Heou [Cửa Hậu hay cửa Thuận An]. Cửa Đông có tên là Cua Ong [Cửa Tư Hiền] do vua và các tướng nói ở trên, tấn công; dưới lệnh có 45 chiến thuyền ga-le; 300 ghe chở đại bác, và 15.000 quân đổ bộ.

clip_image004

5 giờ sáng ngày 12, những chiến thuyền ga-le được lệnh dàn quân làm ba hàng, giữa các hàng là ghe nhỏ chở đại bác, tiến vào Cửa Ông; khi tiến đến giữa tầm đại bác, bị ba đồn phòng vệ khạc lửa vào, họ chịu trận, không chống trả, cho tới khi đạt tới cửa sông; chỗ này đã rất cạn lại còn bị địch lấp thêm nhiều vật liệu khác nhau, nhất là nhiều cọc nhọn và sà ngang; cho nên ga-le và ghe đại bác bị chặn lại, không thể tiến thoái được. Địch quân mừng quýnh, càng bắn dữ; bấy giở vua thấy nguy cơ trước mắt, mới ra lệnh cho quân nhẩy xuống nước lội vào bờ dưới làn súng đại bác đồn địch bắn ra. Những chiến thuyền ga-le dù bị mắc cạn cũng bắn trả dữ dội để những ghe nhỏ chở đại bác may mắn trườn qua chỗ bị ngáng.

Tướng chỉ huy, là chồng của em vua ngụy, đóng trong đồn phòng thủ với 10.000 quân tinh nhuệ, tên là Ong Foo Matthey [Ông Phò Mã Trị (Nguyễn Văn Trị)]. Tính tụ phụ làm tăng tốc sự thua trận của ông. Từ trên thành, nhìn thấy sự thảm bại của đội ngũ chúng tôi; ông tưởng ông chỉ cần ra chụp lấy chúng tôi như ta bắt đàn cừu trong vườn; chẳng may người công dân đại tướng khốn khổ lại bị thọp cổ; ra khỏi thành 500 toises [khoảng gần một cây số], ông đụng đầu với quân Cấm Vệ (Gardes du corp) tức là quân Theuk Teuk [Túc Trực], họ dùng lưỡi lê ở đầu súng đột kích ông một cách quyết liệt. Những toán lính khác, trước ở trên ga-le, tiến đến bên sườn và sau lưng ông. Ông bị bao vây tứ phiá, không có cách nào tiếp cận được với trong thành. Quân của ông cũng nhìn thấy cảnh ấy. Lính của chúng tôi dữ dội xông vào với sự hung hăng kịch liệt. Không có cách nào thoát được, ông kêu tha chết, nhưng người lính say sưa chém giết chẳng nghe thấy gì, kể cả lệnh trên. Phải khó nhọc lắm mới kéo được con mồi ra khỏi tay anh ta. Ông tướng Phò Mã Trị bị bắt sống đem đến trình diện vua, vua truyền sai đóng xích sắt.

Tất cả ngày hôm đó chúng tôi sửa soạn để tấn công những thành đồn khác, phiá trong sông. Bên địch có 7 tàu thuộc đội ngũ 65 tàu từ Bắc đem vào, đã cập bến đêm mùng 10. Những tàu khác thấy đậu ở cách quân chúng tôi hai dặm nhưng chạy nhanh nên thoát được.

Ngoài ra, họ còn có 10 tàu và 14 chiến thuyền ga-le; rất nhiều ghe đại bác, dưới lệnh của Tua Maa Noe [Tư Mã Nguyễn Văn Tứ?], có đầy người. Chúng tôi ở trên đài cao dựng trên cột buồm với kính viễn vọng nên có thể phân biệt được diện mạo những tác nhân chính.

Bấy giờ là 10 giờ sáng. Khi quân tiền vệ của chúng tôi gồm những ghe đại bác dưới sự điều khiển của Vệ uý vệ Phấn Dực [fan Vieuk, chú thích của Cadière, chép theo Cl. E. Maitre]; [chắc là Tống Phước Lương, vì lúc đó ông là Vệ uý vệ Phấn Dực Trung Quân, TL, I, t. 432] bắt đầu tiến vào tầm đại bác của họ. Hạm đội của họ thả neo theo hình lưỡi liềm được giàn đại bác gài chéo nhau che chở. Chiến thuyền ga-le của chúng tôi từ từ tiến vào, vừa đi vừa dò dẫm vì không biết rõ lòng sông; lúc thủy triều xuống, cạn hẳn.

Chúng tôi thấy các ghe đại bác bên địch bắt đầu chuyển động, và phân biệt được 27 ghe đang tiến về phiá chúng tôi. Tướng địch, mà người ta nhận ra nhờ ghe của ông có quốc kỳ lụa đỏ treo trên cột trước, không ngừng phất phới để khích lệ ba quân. Nhưng sự kinh hoàng đã tiến trước vua: ông Vệ uý vệ Phấn Dực không bắn súng báo hiệu, chợt đột kích xông vào tất cả các ghe đại bác của địch cùng một lúc. Bấy giờ chúng tôi sống một trận chiến ngắn nhưng thật đẫm máu: các đồn, tàu và các chiến thuyền ga-le nhất loạt cùng bắn, không phân biệt bạn thù. Nhưng chỉ trong 5 phút, chúng tôi đã thấy cờ vàng phất phới thay thế cờ đỏ. Trong khoảnh khắc này, đoàn chiến thuyền ga-le và ghe đại bác của ta đã đến và chúng tôi xung phong tiến lên tàu, thuyền địch, rồi đổ bộ xông vào thành luỹ đánh giáp lá cà. Tới chính ngọ, một sự im lặng ngự trị toàn thể. Lửa trên các chiến hạm của địch làm thành một cảnh tượng bi tráng. Bãi cát đối diện với chỗ chúng tôi thả neo, người chạy trốn lấp đầy không gian mà tầm nhìn có thể đạt được.

Nhà vua đã ngược dòng sông với toàn bộ quân đội. Ba giờ chiều, người đạt tới bến kế cận cung điện của tổ tiên. 10 [đại biểu] dân tộc quỳ gối trên bờ sông, có vẻ chờ đợi sự phán quyết mà vì vua chiến thắng sẽ tuyên bố. Một sự im lặng trọng đại bao trùm. Hồi tưởng lại những xúc phạm và nhục mạ trong quá khứ, gây mối kinh hoàng, khiến họ không thể yên lòng. Vì thế cho nên, họ đã thực tình kinh ngạc, khi thay vì thấy một kẻ chiến thắng, nổi giận bước xuống thành phố của họ; họ lại nhìn thấy một Henry IV, một người cha khoan dung, và nhân từ. Sự thanh tịnh và lòng tốt khắc trên trán nhà vua là điềm báo cho họ biết những gì sẽ chờ đợi họ trong tương lai. Tất cả quân đội tham chiến, trong sự im lặng sâu lắng nhất, đợi lệnh vua. Đến 6 giờ chiều, Hoàng thượng ra lệnh cho tất cả quân đội phải lên tàu và chính người cũng lên tàu của người để ngủ; sau khi đã chỉ định các đội canh gác tất cả các khu trong thành phố, cấm cướp bóc, vi phạm sẽ bị tử hình.

Vua Gia Long vào kinh đô Huế

8 giờ sáng ngày 15/6/1801, (tháng thứ 5, Cảnh Hưng thứ 62; năm thứ 27, ngụy triều Wandoé [(Nguyễn) Văn Huệ], còn được mệnh danh là Tais Shon hay Teschon [Tây Sơn], có nghiã là gia đình ở trên núi [Tây]), cháu của vị chúa sau cùng [tức Định Vương Nguyễn Phước Thuần], con người em của chúa [Nguyễn Ánh là con anh của chúa], đặt chân đến kinh đô Nam Hà.

Nhà vua không vào cung điện mà ngồi ở một phòng tiếp kiến bên ngoài, nơi dân chúng có thói quen tụ họp để hy vọng được thấy vua những ngày thiết triều.

Chính ở trong phòng này, 8 giờ sáng, tôi nhìn thấy vua. Vô số quần chúng đủ mọi hạng người, mọi tuổi, quây quần bên ông. Quân canh gác sơ sài, không mang khí giới, đứng cách quân vương khá xa. Thấy tôi, vua gọi lại, hỏi thăm tin tức Chaigneau… (Chaigneau bị đau từ mấy ngày nay), tôi kể chuyện này để thấy tấm lòng của nhà vua.

Sau đó, Hoàng thượng hỏi xem tôi đã thấy các tướng địch chưa. Tôi trả lời chưa. Người ra lệnh dẫn đến cho tôi [có lẽ là dẫn tôi đến]; sau đó người bảo tôi lại thăm các em của vua Ngụy. Tôi đi ngay. Họ ở trong một phòng nhỏ khá tăm tối, không có gì là lịch lãm, điều này càng làm tăng sự tương phản như đập vào mắt giữa quá khứ và hiện tại của họ. Con số những công nương là 5. Một cô trạc tuổi 16 tôi thấy rất xinh đẹp. Một cô nhỏ độ 12 tuổi, con gái công chúa Bắc Hà [Ngọc Hân công chúa], cũng thường thôi; ba cô khác từ khoảng 16 đến 18, da ngăm ngăm nhưng diện mạo dễ coi; ba cậu con trai, một cậu 15 tuổi, da cũng ngăm ngăm, nét mặt tầm thường; hai cậu khác cũng trạc 12 tuổi, con công chúa Bắc Hà, diện mạo khôi ngô, điệu bộ dễ thương.

Sau cuộc đi thăm ngắn ngủi này, tôi được dẫn đến một nhà tù khác, ở đó tôi thấy Mad Theẽu Do’an [Bà Tư Đồ], vợ tướng thủy binh của địch mà nhà vua đã đốt [thuyền, tàu] ở Quy Nhơn [tức Bà Võ Văn Dũng]. Bà này đẹp, vẻ hiền hậu và lịch sự. Mẹ của ông tướng này tuổi khoảng từ 45 đến 50. Bà nói chuyện rất lâu với tôi và kêu than số phận rủi ro của bà.

Trong một nhà tù khác, gần đấy, giam, mẹ của tướng Thieuu Phoo [Thiếu Phó Trần Quang Diệu] thống lãnh quân đội hãm thành Quy Nhơn. [Cadière chú thích lầm là bà Trần Quang Diệu, thực ra bà Bùi Thị Xuân còn đánh trận Trấn Ninh tháng 2/1802, đến khi Trần Quang Diệu bị bắt, cũng không có bằng chứng gì là bà bị bắt cùng chồng]. Bà trạc độ 55 tuổi. Một khuôn mặt cao quý trong sự bất hạnh, bà tỏ ra cương nghị, chính trực mà không kiêu hãnh.

Sau đó đến vợ của ông tướng foo Maatthey [Phò Mã Nguyễn Văn Trị], bà là em gái của vua Ngụy, và cũng là một chiến sĩ. Bà Theuk hauv Dinh [Tư Khấu Định, chú thích Cadière, theo Cl. E. Maitre] vợ của tướng Pháo binh.

Bà Ton Lin Keen [?], vợ của Phó Thống Lĩnh thuỷ quân, vv và v.v. nhiều lắm, trong đầu phải có cuốn lịch sách mới nhớ lại được.

Nhà vua đã thả tất cả nhà cửa của các quan, tướng địch cho cướp bóc. Tôi rất tức giận chuyện này; vì bọn lính đã đập phá tất cả những gì dưới tầm tay của chúng, có những dinh cơ, tuy làm theo lối Tàu, nhưng đối với Paris có thể là một lâu đài tráng lệ, với vườn cảnh, trồng đầy cây lạ, những bình sứ Nhật Bản. Sự trả thù của nhà vua dẫn đến kết quả như thế. (Thư Barisy viết cho Marquini và Létondal, trên tàu Thoại Phụng, ngày 16/7/1801, BAVH, 1926, IV, t. 400-406).

Barisy là một trong những người, nói đúng hơn, là người duy nhất đã viết kỹ, viết rõ, với văn tài bẩm sinh, về những ngày lịch sử này. Anh không chỉ làm sống lại các trận chiến như bày ra trước mắt, mà còn cho thấy khiá cạnh nhân văn, về con người, về sự ứng xử của họ trước mọi tình thế. Gia Long đạt tới chiến thắng cuối cùng trong những mất mát kinh hoàng không kém các trận điạ, trong năm 1801: hoàng tử Cảnh hiền lành, mất trên giường bệnh; hoàng tử Hy dũng mãnh, biệt hiệu Ông Búa, mất trong khi hành quân, cách nhau hai tháng. Các mãnh tướng: Võ Di Nguy tử trận, Võ Tánh tử tiết. Học giả Ngô Tòng Châu uống thuốc độc. Gia Long đem Minh Mạng chín tuổi, đi theo, trong cuộc hành quân định mệnh từ Gia Định ra Huế, để học nghề làm vua, đúng theo truyền thống các chúa Nguyễn. Chiến thắng của Gia Long nhuốm màu cay đắng. Sự trả thù của ông trên toàn thể gia đình Tây Sơn sau này, mà Barisy, mới chỉ nhìn thấy màn đầu, đã nói lên cái nhỏ của một vì vua lớn.