Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 10: Tài nữ Bạc Liêu

Tiến Trình

Con gái ôm quân tử cầm

Về Bạc Liêu, nói chuyện đờn ca tài tử (ĐCTT), thế nào rồi người ta cũng nhắc đến Ngọc Cần. Một soạn giả nổi tiếng ở xứ sở của bản Dạ cổ hoài lang có lần thổ lộ rằng kiếm một ngón đờn hay thì xứ này không thiếu, nhưng đờn đến mức người nghe bị “hút hồn”, khiến thỉnh thoảng người ta lại phát nhớ như một thứ chất gây nghiện thì phải kể đến nữ tài tử 37 tuổi này. Ngọc Cần đã làm thay đổi định kiến của ông về đờn kìm, loại nhạc cụ được gọi là “quân tử cầm” vốn dành cho đấng nam nhi. Hơn 10 năm trước, sau một lần nghe cô gái gầy guộc ôm đờn rải Tứ đại oán, ông lại muốn nghe lần nữa, lần nữa... và ông nhận ra rằng, Ngọc Cần đã đờn “từ bên trong đờn ra. Tiếng đờn đẹp phát ra từ tâm hồn đẹp, nắn nót, điêu luyện...”.

Không riêng vị soạn giả nổi tiếng nghiêm khắc này, khi nhắc đến Ngọc Cần, nhiều tài tử, không chỉ ở Bạc Liêu, đều dành cho cô sự trân trọng. Trong giới, nhiều người còn gọi cô là “Ngọc kìm”, “tài nữ”... Là nữ nhi lại nổi danh với “quân tử cầm” như Ngọc Cần thì không có mấy người.

Con nhà nòi, cha là nghệ nhân Đỗ Văn Trọng, Ngọc Cần có điều kiện gần gũi với cây đờn từ rất sớm. 9 tuổi, cô được cha dạy nắn phím. Rồi cây đờn kìm đã theo cha con cô trong những tháng ngày tha phương cầu thực. Cuộc sống rày đây mai đó của hai cha con cũng chỉ có tiếng đờn làm bạn. Vì vậy, tiếng đờn kìm sớm ăn sâu vào tâm hồn trẻ thơ non nớt của cô. Có đám tiệc người ta mời, hai cha con lội bộ thâu đêm để đi đờn mướn kiếm cơm. Lúc tới tuổi cập kê, Ngọc Cần chưa một lần biết đến phấn son. Nhà nghèo, không có được hai chiếc quần để thay đổi. “Có lúc đi gặt về chiếc quần không còn nguyên vẹn. Gặt xong người ta kêu ghé nhà để giao lúa, em phải... nhảy sông trốn để đỡ mắc cỡ”, cô nói.

Tài nữ cô đơn

Năm 1993 Cần 16 tuổi. Lúc hai cha con đang gặt lúa mướn ở Ba Thê (An Giang) thì nghe radio thông báo có cuộc thi ĐCTT ở TP.HCM. Người cha không lưỡng lự bỏ ngay việc gặt mướn, đưa con đi thi. Trong cuộc thi quy tụ những anh tài của ĐCTT, thể lệ thi cũng đòi hỏi rất khắt khe. Ngọc Cần trước giờ chỉ đờn theo cảm âm. Bài bản, lớp lang gần như mù tịt. Người cha vội vã đưa con về Bạc Liêu để gấp gáp thọ giáo nghệ nhân Chung Văn On. Cô gái 16 tuổi đã làm vị nghệ nhân già không khỏi ngạc nhiên khi chỉ trong 1 ngày đêm đã đờn nhuần nhuyễn 20 bản tổ. Một điều mà vị nghệ nhân này thổ lộ là chưa có tiền lệ. Sau khi đưa con tới học thầy On, người cha lại chạy đôn chạy đáo hỏi vay tiền làm lộ phí đưa con đi thi.

Cô gái gầy guộc, đen đúa trong bộ áo bà ba rộng xúng xính rụt rè bước ra sân khấu, trước mặt là những cây đại thụ của ĐCTT, các anh tài từ các nơi. Cây đờn kìm trong tay cô trỗi lên đã làm lặng phắc người nghe. Cô gái nhỏ nhắn biểu diễn xuất thần 20 bài tổ (mỗi bài đờn 1 lớp) đã hoàn toàn thuyết phục Ban giám khảo Liên hoan ĐCTT toàn quốc năm ấy. Ngọc Cần được trao giải đặc biệt của cuộc thi một cách xứng đáng làm nhiều người thắc mắc tìm hiểu. Soạn giả Viễn Châu bấy giờ đã đến gặp riêng Ngọc Cần và tặng cho cô cây đờn với những lời động viên: “Hãy tiếp tục với cây đờn, rồi con sẽ thành công”. Sau cuộc thi đó, tài nữ trở về... gặt lúa, trước khi được nhận vào biểu diễn cho đoàn cải lương Hương Tràm (Cà Mau) rồi đoàn Cao Văn Lầu (Bạc Liêu)...

Đã hơn 20 năm, cây đờn kìm theo Ngọc Cần có mặt khắp các sự kiện quan trọng của ĐCTT, là tri kỷ, tri âm của cô trong suốt những thăng trầm cuộc sống. Qua mỗi giai đoạn cuộc đời, ngón đờn càng chín hơn... và trở thành thứ nam châm thu hút bao nhiêu người đắm say với ĐCTT như ngày nay.

“Ông ơi cả đời tôi chỉ có cây đờn là bạn tri âm, theo bước chân lưu lạc chốn phong trần. Cho đến một đêm khuya tôi ngã quỵ bên mình”, điệu Nam ai buồn mà Ngọc Cần hay hát mỗi khi nghĩ đến hoàn cảnh “con gái ôm quân tử cầm” của mình. “Dường như tình cảm của tôi có bao nhiêu đều đã dành hết cho đờn kìm”, Ngọc Cần giải thích vì sao đến giờ cô vẫn một thân một mình. Giới tài tử ở Bạc Liêu hay gọi Ngọc Cần là “tài nữ cô đơn”. Có lần Cần tâm sự, thời gian trước cô cũng từng yêu và định kết hôn với một giáo viên. Nhưng nghĩ đến viễn cảnh có gia đình rồi phải bỏ đờn, thế là cô lại cự tuyệt.

Để sống trọn tình yêu với cây đờn.