Cách bỏ dấu chuẩn trên chữ Việt
Timothy Banh

Các bạn Quốc Ngữ Việt Nam Văn Hiến thân mến,

Như đã hứa vài ngày trước về vấn đề bỏ dấu tiếng Việt, Ban Quản Trị xin đăng lại bài viết đã đăng ngày 30-5-2019 với bản bổ túc cho Phần 1, cùng với trọn Phần 2 đề ra cách đặt dấu chia ra theo từng nhóm chữ, kèm theo thí dụ cụ thể để chúng ta sử dụng dấu cho đúng.

Toàn bộ bài nghiên cứu về cách đặt dấu chuẩn tiếng Việt này đã được đăng trong trang Quốc Ngữ vào ngày 24-3-2021. Nay Ban Quản Trị đăng lại theo yêu cầu để các anh chị em thành viên mới đọc và sử dụng. Đây là một đề tài quan trọng và khá phức tạp của ngữ vựng học tiếng Việt, nên bài viết dù cho tôi đã cố gắng giản lược hết mức, nó vẫn rất dài vì gồm hai phần, mong các bạn chịu khó đọc.

Phần 1: Luận về quan điểm.

Trước khi bàn đến mọi vấn đề của chánh tả tiếng Việt, nhất là việc bỏ dấu hỏi, ngã, chúng ta cần xem xét nên đặt các thanh dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng ở đâu trên từ, chữ tiếng Việt cho hợp lý.

Cũng vì chúng ta thường viết rất nhiều lần những chữ “hóa”, “hòa” trong các danh từ “văn hóa”, “cộng hòa”,… nên thiết nghĩ chúng ta cần thảo luận đề tài đặt dấu làm sao cho hợp lý này trên chữ Việt của chúng ta — một vấn đề mà người miền Bắc đã làm cho rối tung lên lâu nay.

Chúng ta nói bỏ dấu sao cho “hợp lý”, chứ không nói bỏ dấu sao cho “đúng”. Vì “đúng” với “hợp lý” nhiều khi không giống nhau mà còn mâu thuẫn nhau.

Trước hết, chúng ta không bỏ dấu trên phụ âm mà chỉ đặt trên nguyên âm. Với các chữ có tập hợp nguyên âm đứng giữa phụ âm đi đầu và phụ âm bọc sau như: bán, cũng, từng, hồng, bệnh, chẳng, lẫn, tiếng, toàn, luật, Nguyễn, chuyện, hưởng, hoàng,… chúng ta ai cũng phải bỏ dấu ở nguyên âm chính giữa chữ, và ở nguyên âm sau cùng nếu là nguyên âm đôi, nguyên âm ba như vừa nêu. Đây là sự hợp lý mà ai cũng theo, không có gì phải bàn cãi.

Nhưng khoảng hơn chục năm trở lại đây chúng ta thấy nhiều người viết các chữ HÓA, HÒA, TÙY, HỦY, THỦY, LỤY, XÕA,… lại bỏ các dấu sắc, hỏi, ngã, nặng lên các nguyên âm sau cùng, thành: HOÁ, HOÀ, TUỲ, HUỶ, THUỶ, LUỴ, XOÃ,… Các bạn có để ý không?

Có người viết tất có người theo. Nhiều người thấy có sự thay đổi thì cứ bắt chước đổi theo mà không biết nguyên nhân do đâu mà có, và viết như vậy thì đúng hay sai. Tệ hơn nữa là lại có rất nhiều nhóm Facebook đặt tên trang của mình có danh tự “Việt Nam Cộng Hòa” trong đó mà lại bỏ dấu theo kiểu cộng sản Bắc Việt là “Việt Nam Cộng Hoà”, thật là đáng xấu hổ! Sự thay đổi này, sở dĩ có, là do một số người trong nước bày ra, và lối bỏ dấu chữ Việt trái khoáy này là từ lớp người có học viết lách trên báo trên mạng, các nhà văn nhà giáo hẳn hoi, chứ không phải người bình dân.

Họ căn cứ vào việc phiên âm các chữ thuộc nhóm phát âm mở (tức khi nói môi chúng ta không khép lại mà mở ra đến hết chữ), với 2 nguyên âm đôi ở cuối từ không kết thúc bằng phụ âm. Họ phân âm như sau: HOÁ: tức “HO+Á”, mới ra âm đúng của chữ “hóa”; còn viết “HÓA” sẽ thành “HÓ+A”, không tạo ra âm đúng của “hóa” được. Do vậy họ chủ trương người Việt nên viết là HOÁ, HOÀ, HOẢ, HOẠ, thay vì HÓA, HÒA, HỎA, HỌA như Miền Nam trước kia.

Cùng loại như trên, những chữ: tùy, túy, tủy, tụy, hủy, thúy, thùy, thủy, thụy, lũy, lụy, khỏe, lòe… cũng do lối phân tích trên mà họ cho rằng: THỦ+Y —> THỦY là sai, còn THU+Ỷ —> THUỶ mới đúng(!) Tương tự, họ dạy rằng:

  • LŨ+Y —> LŨY: sai. LU+Ỹ —> LUỸ: đúng.
  • KHỎ+E —> KHỎE: sai. KHO+Ẻ —> KHOẺ: đúng.
  • LÒ+E —> LÒE: sai. LO+È —> LOÈ: đúng.
  • v.v...

Đó là lập luận của Bắc Việt, còn chúng ta nên nhớ, phải viết các dấu trên vào nguyên âm đứng giữa mới là đúng cách bỏ dấu chuẩn của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta: THÚY, THÙY, THỦY, THỤY, LŨY, LỤY, HÚY, HỦY, TÚY, TÙY, TỦY, TỤY, NGỤY, NHỤY, KHỤY, CHỦY, TRỦY, LÓE, LÒE, TÒE, HÒE, HỌE, CHÓE, CHỌE, KHÓE, KHỎE.

Lối phân tích cấu tạo ngữ âm của chữ theo sự phân âm có tính chất “chiết tự” của miền Bắc không hẳn là sai, cho nên ngay chính tôi lúc đầu cũng thấy “có lý”. Nhưng lập tức thấy ngay không thể được, mà phải xem xét lại vấn đề từ đầu coi nó “có lý” nhưng thật sự có “hợp lý” hay không.

Trước hết, các “nhà ngôn ngữ học” Hà nội không giải thích vì sao họ chỉ thay đổi cách bỏ dấu ở một số chữ như trên, nhưng còn hàng trăm chữ phát âm mở khác cũng có nguyên âm kép đằng sau y hệt, như: cái, trái, phải, hãy, lấy, bẫy, của, cửa, giữa, nào, lão, máu, mẫu, hỏi, rỗi, tuổi, củi, tựu, hữu, rượu, người, v.v… họ lại ĐỂ NGUYÊN như cũ mà không sửa lại cho “đúng” như họ giảng giải, thành: “caí”, “traí”, “phaỉ”, “haỹ”, “lâý”, “bâỹ”, “cuả”, “cưả”, “giưã”, “naò”, “laõ”. “maú”, “mâũ”, “hoỉ”, “rôĩ”, “tuôỉ”, “cuỉ”, “tưụ”, “hưũ”, “rươụ”, “ngươì”… Các bạn xem kỹ lập tức sẽ tự hỏi tại sao họ không làm cho “tới bến” theo cách họ vừa bàn? Tại sao “huỷ”, “luỹ”,… thì bỏ dấu trên “y” đằng sau, mà “hủi”, “lũi” thì lại bỏ dấu hỏi ngã vào chữ “u” ở giữa mà không “nhất quán” viết thành “huỉ”, “luĩ” như “huỷ”, “luỹ”?

Và thành ngữ này nữa: CÃI CHÀY CÃI CỐI. Liệu họ có thể sửa dấu theo cách của họ thành CAĨ CHAỲ CAĨ CÔÍ được không? Nếu không thể làm vậy thì tại sao là “không thể”?

Đến đây thì chúng ta đã thấy cái mà Hà nội quan niệm là “đúng” đã trái ngược lại sự “hợp lý” rồi! Và như vậy, việc sửa cách bỏ dấu của họ, nếu chỉ làm được ở một số chữ chứ không làm được cho đồng nhất tất cả như chúng ta vừa phân tích, là một thứ thay đổi dở hơi ba rọi chỉ tổ gây rối loạn mất thời giờ và làm người Việt viết tiếng mẹ đẻ ngày một mệt trí chứ chẳng được cái tích sự gì!

Chỉ sợ cứ bỏ dấu loạn xạ theo lối chữ làm chữ không như cộng sản Bắc Việt mai mốt chúng ta sẽ không còn là người Việt viết tiếng Việt nữa, mà thành người Tàu viết tiếng Việt!

Phương diện thứ hai phải xem xét cho Quốc ngữ là, bỏ dấu ở đâu cho chỉnh là một chuyện, còn bỏ dấu sao cho ĐẸP CHỮ lại là chuyện khác. Tiếng Việt của chúng ta là ngôn ngữ độc đáo và duy nhất (unique) trên thế giới có đến 6 dấu giọng, và là chữ viết đơn âm tiết (mỗi chữ viết tách rời, chỉ có một âm tiết - syllable). Cho nên việc đặt một cái dấu trên một chữ đơn âm sao cho chữ được cân xứng là một điều không thể bỏ qua, hơn nữa mới là mục đích quan trọng so với việc thay đổi vị trí dấu trên nguyên âm kép lộn xộn vô ích trên kia.

Nay các “nhà ngôn ngữ học” trong nước đòi thay đổi bừa bãi như trên liệu có muốn bỏ dấu theo cách của họ khi đề tên mình trên giấy tờ là Nguyễn Văn/Nguyễn Thị Hoá, Hoà, Thuý, Thuỳ, Thuỷ, Thuỵ , thay vì Hóa, Hòa, Thúy, Thùy, Thủy, Thụy? Chắc là có, nhưng liệu có ai để ý tới chủ ý của họ hay không, hay chỉ làm người đọc cho rằng họ chỉ bỏ dấu bừa không phải cách?

Tất nhiên, nếu đem ra so sánh thì chúng ta thấy ngoại trừ một số nguyên âm đặc biệt đòi hỏi dấu phải đi theo chúng, cách bỏ dấu đồng nhất chữ nào cũng có cái dấu ngay CHÍNH GIỮA là coi THUẬN MẮT nhất. Đây cũng là quan điểm của các nhà ngôn ngữ học Miền Nam trước đây khi bàn soạn để thống nhất cách bỏ dấu tiếng Việt trong các sách giáo khoa do Trung Tâm Học Liệu Bộ Quốc Gia Giáo Dục của chúng ta ấn hành. Theo đó, tất cả các sách giáo khoa dạy chữ Việt mọi cấp, tất cả các sách dạy chuyên môn mọi ngành từ trung học đến đại học do Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục xuất bản đều in chữ Việt bỏ dấu theo hình thức coi trọng tự dạng vừa nêu, hoàn toàn không giống lối viết chữ hổ lốn của Hà nội.

Kết luận:

Giống như con người vậy, không có ngôn ngữ nào trên thế giới là toàn thiện toàn mỹ. Cách tối ưu để duy trì và bồi đắp một ngôn ngữ tốt đẹp, trong sáng, là chấp nhận những gì được tán thành bởi số đông những người có học vấn, chứ không phải thiểu số của một miền cưỡng ép đa số của cả nước mà nên chuyện. Một sự thay đổi không đem lại cái gì hay mà còn làm xấu tiếng Việt đi thì không ai cần phải theo. Vì vậy, chúng ta nhất thiết phải bỏ qua một chi tiết ngữ âm không quan trọng và đầy vướng mắc để đổi lấy chữ viết đẹp là một việc đáng làm, không cần phải chạy theo cái chi li của Hà nội, của những người học đại học “xã hội nhân văn” ra trường rồi ngồi ăn lương trong viện này viện kia mà chẳng có việc gì làm, bèn vẽ chuyện cho ra vẻ có “đóng góp phục vụ văn hóa cách mạng” cho chế độ. Còn giới chóp bu lãnh đạo của họ thì toàn một lũ dốt đặc cán mai, có “hồng” không “chuyên”, có trình độ gì đâu mà “lãnh đạo văn hóa” với dạy dân viết chữ!

Sau những điều vừa phân tích trên, Quốc Ngữ Việt Nam Văn Hiến đề nghị các bạn từ nay cứ yên tâm bỏ dấu ở chính giữa mỗi chữ, cũng như luôn viết chữ “hóa” trong “VĂN HÓA”, “hòa” trong “VIỆT NAM CỘNG HÒA” với dấu sắc, dấu huyền nằm nguyên vị trên chữ “O” như chúng ta vẫn viết từ trước đến giờ mà không thay đổi như người trong nước hiện nay (viết “hoá”, “hoà”, “hoả”, “hoạ” với dấu đặt chướng mắt ở nguyên âm cuối cùng). Bảo đảm không một ai dám nói các bạn đặt dấu như chúng ta vừa bàn là không đúng hay viết tiếng Việt như vậy là sai.

Phần 2: Quy cách bỏ dấu chuẩn của Miền Nam.

Thưa các bạn,

Ở Phần trên vừa rồi, TB đã phân tích và nêu ra dẫn giải chứng minh cho quan điểm bỏ dấu trên chữ Việt của Quốc ngữ thời Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta tại Miền Nam Việt Nam là chuẩn, khác với cách của miền Bắc. Trở lại với việc bỏ dấu (các dấu sắc, huyền, hỏi ngã, nặng) trên hay dưới mỗi chữ tiếng Việt có dấu, chúng ta thấy thời Việt Nam Cộng Hòa chúng ta viết theo các quy tắc sau:

  1. Trước hết, dấu chữ Việt luôn luôn đặt vào nguyên âm:
    a, ă, â, o, ô, ơ, u, ư, i, y, không đặt vào phụ âm: b, c, d, đ, g, h, k, l, m, n, p, qu, r, s, t, v, x. Thí dụ: má, cả, đó, phủ, thử, bắt, lần, bỗng, buồn, ửng, bình, kỵ, dọa, quá, hướng, thuyền,…

  2. Dấu ở nguyên âm nằm giữa 2 phụ âm:
    bán, bổn, các, cần, dán, dẫn, gần, gắn, hờn, hận, lần, lạc, mềm, mất, nản, nén, rất, rụt, sớm, súc, tấn, tổn, vật, vụt, xác, xốp,…

  3. Chữ có từ 4 mẫu tự trở lên, dấu đặt vào nguyên âm ở giữa chữ hoặc áp chót:
    rằng, cũng, hạnh, chẳng, chốn, trác, trạng, vướng, thưởng, lược, phước, miền, ngoằng, viếng, khiễng, nhuyễn, chảy, thấy, nghèo, khỏe, thủy, nghĩa, hoài, người, khoèo, ngoằn ngoèo, nhiễu, khuỷu, bướu, rượu,…

  4. Dấu đặt vào nguyên âm chữ có phụ âm kép “ch”, “tr”, “nh”, “ng”, “ngh”, “kh” trước hoặc sau nó:
    chữ, chà, chỉ, ách, ếch, ích, trả, trổ, trĩ, thả, thủ, thử, nhà, nhẹ, ánh, ình, úng, ửng, ngã, ngủ, nghỉ, nghệ, khá, khổ,…;

    Và phụ âm kép “qu”: quá, quà, quở, què, quẻ, quê, quế, quý, quỳ, quỷ, quỵ, … Lưu ý: vai trò của “u” ở “qu” không phải là nguyên âm độc lập như “u” trong “rún”, “bùn”, “cũng”, “cúc”, “nhục”,…, mà “u” ở đây chỉ là trợ âm vị của phụ âm kép “qu”, vì vậy chúng ta không thể bỏ dấu vào giữa chữ như “qúa”, “qùa”, “qủe”, “qúê”, “qúy”,… được, mà luôn luôn phải đánh dấu vào mọi nguyên âm đi sau tập hợp “qu”: quá, quà, quẻ, quế, quý, quở, quải, quản, quít, quẫn, quỳnh, quyển, v.v…

  5. Trong chữ có 1 phụ âm + 2 nguyên âm, dấu được đặt vào giữa chữ:
    nếu, tếu, tùy, tóe, hóa, hỏi, hồi, hài, hởi, hãy, hủy, hữu, hòe, hếu, hẻo, yến, uốn, oản, ườn, nói, nổi, nỗi, vội, vải, vậy, rào, rối, rẫy, bảo, bại, bệu, cửu, cựu, kều, kẻo, lấy, lãi, lạy, lựa, lựu, lếu, láo, lóe, lòe, lũy, lõi, lỗi, nếu, nẻo, nãy, nói, nối, nổi, nỗi, cõi, cẩu, cối, cầy, lời, mếu, mỏi, cõi, xào, xòa, xõa, xòe, xẻo, sủi, sếu,…

    Ngoại lệ của 1 phụ âm + 2 nguyên âm: Huế, huề, huệ, tuế, tuệ, duệ, nhuệ, xuể, (xem quy tắc 6 và 7)

  6. Dấu đặt vào nguyên âm “ê” trong tập hợp 3 nguyên âm đi liền nhau nếu có mẫu tự “ê”:
    nhiều, nhiễu, kiếu, khiếu, hiếu, hiểu, tiếu, tiểu, miễu, phiếu, yếu, chuyến, chuyền, chuyển, chuyện, huyền, huyễn, huyện, thuyền, nguyền, Nguyễn, nguyện, nguyệt, nhuyễn, luyến, luyện, khuyết, huyệt, duyệt,…

  7. Trường hợp các chữ chỉ có 2 nguyên âm, tất cả dấu được đặt vào nguyên âm đi đầu, ngoại trừ nguyên âm “e” và “ê”:
    úy, ủy, úa, ái, ải, ấy, ới, ối, ổi, ủa, ủi,…; éo, èo, ẻo, ẹo, oé, oẹ, uế, uể.

    Lưu ý đặc biệt: mẫu tự “ê” là nguyên âm luôn mang dấu của chữ, nên giống như “uế”, “uể” vừa nêu trên, tất cả chữ nào có dấu và có nguyên âm “ê” bên trong cùng với các nguyên âm khác, thì dấu luôn luôn được đặt vào “ê”, dù “ê” nằm ở đâu, đằng trước, chính giữa, hay đằng sau chữ:

    ếch, ếm, ệu, ềnh, ễnh, biến, biền, biển, biện, biết, biệt, biếu, biểu, chiếc, chiến, chiền, chiết, chiếu, chiều, chiểu, chuyến, chuyền, chuyển, chuyện, diếc, diếm, diễm, diệm, diễn, diện, diều, diễu, diệu, điếc, điển, điện, điếng, điệt, điếu, điều, điểu, điệu, giếng, giềng, giễu, hiến, hiền, hiển, hiện, hếu, hều, hiếu, hiểu, hiệu, Huế, huề, huệ, huyền, huyễn, huyện, kiến, kiềng, kiểng, kiễng, kiếu, kiều, kiểu, kiệu, khều, khiến, khiển, khiếu, lếu, lều, lểu, liến, liền, liễn, liệng, liều, liễu, liệu, luyến, luyện, miến, miền, miễn, miện, miếu, miều, miễu, nguyền, Nguyễn, nguyện, nhuệ, nhiều, nhiễu, nghiễm, nghiệm, niền, niễng, niệu, phiến, phiền, phiện, phiếu, phễu, quyến, quyền, quyển, quyện, riết, riềng, suyển, suyễn, tiến, tiền, tiễn, tiện, tiếu, tiều, tiểu, tiễu, tuế, tuệ, tuềnh, tuyến, tuyền, tuyển, thiến, thiền, thiển, thiện, thiếu, thiều, thiểu, thiệu, thuyền, triều, triệu, tếu, tiếu, uyển, viền, viễn, viện, xiềng, xiểng, xuyết, yếm, yểm, yến, yếu, yểu.

  8. Nguyên âm “ô” và “ơ”. Đây cũng là hai nguyên âm các dấu luôn luôn đi theo chúng, không đặt vào nguyên âm nào bên cạnh:
    lối, lồi, lỗi, lội, tối, tồi, tội, hối, hồi, hồi, hổi, hội, trồi, rối, rồi, rỗi, bối, bồi, bổi, bội, muốn, cuốn, uổng, xuống, tuồng, buồng, ruộng, tuốt, cuốc, chuốc, nhuốc, ruốc, luộc, buộc, buốt, chuốt, chuột, ruột,…; ước, nước, phước, tước, được, lược, cược, ưỡn, tướng, cường, hưởng, dưỡng, nhượng, rời, lời, lợi, bới, bởi, hỡi, cởi, cỡi, cưỡi, cười, rưỡi, bưởi, bướu, rượu,…

    Trường hợp đặc biệt của “ơ”: Tiếng Việt có hai chữ đồng nghĩa là THỦA và THUỞ (thủa ấy, thuở ấy, muôn thủa, muôn thuở) nhưng dấu hỏi được đặt khác vị trí nhau. Chúng ta lưu ý là trong chữ “thủa”, dấu hỏi được đặt ở chính giữa, tức trên nguyên âm “u” giống như phần 7 ở trên, nhưng ở chữ “thuở” thì dấu hỏi phải đi theo nguyên âm “ơ” theo phần 8 vừa nêu, không thể đặt trên “u”, vì chữ nào có nguyên âm “ơ” thì dấu luôn luôn đặt vào nó, không vào nguyên âm nào khác.

Trên đây là các quy tắc bỏ dấu chữ Việt mà thời Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta đã áp dụng. Các thí dụ được nêu ra chỉ là một số tiêu biểu, tôi chưa kê hết tất cả các chữ trong tiếng Việt theo mỗi quy tắc.

Bài viết đã trình bày đầy đủ cách thức bỏ dấu chuẩn của tiếng Việt Miền Nam. Đây là một trong những luận đề vô cùng thiết thực trong mục tiêu phục hồi và bảo tồn Quốc ngữ tinh thuần của Miền Nam Việt Nam Cộng Hòa mà trang nhà chúng ta luôn hướng tới. Ban Quản Trị hết sức mong mỏi anh chị em nhóm chúng ta cố gắng nắm vững và thực hành viết, luyện cho tinh, để chúng ta cùng nhau luôn giữ lối viết chữ Việt theo nề nếp trong sáng và đẹp đẽ của Quốc ngữ Việt Nam.

Đồng thời, Ban Quản Trị cũng đề nghị anh chị em hãy tích cực quảng bá các bài viết có ích này bằng cách chia sẻ với người thân, bạn bè khắp nơi, giúp đồng hương chúng ta cùng học lại cách viết chữ mẹ đẻ đúng đắn để truyền lại cho con cháu ngày sau.

TB xin dừng lại ở đây. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết khác.

Mong các bạn đọc, thảo luận và cho ý kiến.

Cám ơn các bạn đã đọc bài.

website view counter