Giã biệt nhạc sĩ Lam Phương, giai điệu lời ca lóng lánh nắng đẹp miền Nam
Trần Củng Sơn

Tin nhạc sĩ Lam Phương từ giã giới yêu nhạc chiều ngày 22-12-2020 tại Quận Cam California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 83 tuổi (1937-2020) lan truyền thật mau từ hải ngoại về tới quê nhà Việt Nam trên các báo chí truyền thông.

Ông tên thật Lâm Đình Phùng, sinh tại Rạch Giá Kiên Giang, là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam với sự nghiệp khoảng 200 ca khúc đặc sắc đi vào lòng người. Ở tuổi đôi mươi, nhạc sĩ Lam Phương đã nổi danh với những nhạc phẩm Khúc Ca Ngày Mùa , Kiếp Nghèo, Bức Tâm Thư, Nhạc Rừng Khuya, Chuyến Đò Vỹ Tuyến, Lá Thư Miền Trung, Nắng Đẹp Miền Nam, Tình Anh Lính Chiến… trong thập niên 1950.

Sự sáng tác sung mãn của ông tiếp tục với cả trăm ca khúc quyến rũ người nghe thập niên 1960, những năm đầu thập niên 1970 và Lam Phương trở thành cái tên quen thuộc của giới thưởng thức ca nhạc. Tạm kể ra một số bài hát còn nhớ như Đèn Khuya, Duyên Kiếp, Ngày Hạnh Phúc, Ngày Tạm Biệt, Trăm Nhớ Ngàn Thương, Thu Sầu, Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi, Phút Cuối…

Đặc biệt bản Thành Phố Buồn năm 1970, viết về mối tình phố thơ mộng Đà Lạt “Thành phố nào nhớ không em nơi chúng mình tìm phút êm đềm” rất ăn khách- theo tác giả kể- tiền bản quyền bài hát mua được một căn nhà lớn.

Thời Việt Nam Cộng Hòa, Lam Phương là nhạc sĩ thành công với nhiều bài hát được công chúng ưa thích và đời sống khá sung túc. Nhưng 30-4-1975 Sài Gòn thất thủ và ông cùng hàng triệu người sống kiếp lưu vong xứ người.

Qua hải ngoại, có lúc sống tại Paris Pháp và sau cùng tại Quận Cam Hoa Kỳ, Lam Phương vẫn tiếp tục sáng tác. Bản Lầm (1978)” Anh đã lầm đưa em sang đây, để đêm trường nghe tiếng thở dài “được đón nhận nồng nhiệt. Bản Chiều Tây Đô (1984 ) “Tàu đưa ta đi tàu sẽ đón ta hồi hương, Tây Đô sẽ sống lại yêu thương” là một trong những nhạc phẩm thành công của ông viết ở hải ngoại.

Bản Cho Em Quên Tuổi Ngọc viết lúc ở Pháp, ông đắc ý khi tâm tình cùng bằng hữu “Cho em trao một lần cuối ăn năn quê hương tội tình. Em xin được khóc cô đơn ôi thân phận mình”.

Bản Em Đi Rồi “Em đi rồi từ đây tiếng hát cô đơn biết chia cùng ai nỗi buồn trên xứ người” viết tặng ca sĩ Họa Mi được ưa thích.

Nhạc sĩ Lam Phương vẫn đều đều gởi đến giới yêu nhạc nhiều ca khúc quyến rũ đễ hát dễ nghe như Cỏ Úa “Còn nhớ tên nhau xin gọi trong giấc mộng, còn chút thương yêu xin đưa vào dư âm…”, Tình Đẹp Như Mơ “Tình yêu từ đâu mà tình yêu vội vã chiếm tim ta, chỉ một lần qua mà đêm đêm hình bóng mãi bên ta” .

Khi ông bị đột quị vào năm 1999 và tay chân bị liệt, giọng nói không được lưu loát và điều quan trọng là đầu óc không còn năng lực để tiếp tục sáng tác nữa. Ông kể rằng mỗi lần suy nghĩ tìm câu nhạc, lời ca thì nhức đầu nên đành từ bỏ công việc viết ca khúc. Đây là một điều đáng tiếc cho ông và cho giới yêu nhạc.

Tạm chia cuộc đời sáng tác Lam Phương thành 3 phần. Phần 1 là thời Việt Nam Cộng Hòa viết một trăm mấy chục ca khúc. Phần 2 là thời lưu vong viết được mấy chục ca khúc. Phần 3 là thời gian bị bệnh năm 1999 đến cuối đời, ngưng sáng tác.

Thời gian ông sức khỏe kém trong 21 năm thật buồn, nhưng đền bù lại giới yêu nhạc vẫn yêu mến ông và nhiều buổi ca nhạc chủ đề Lam Phương khắp nơi có đông khách tham dự. Hình ảnh nhạc sĩ Lam Phương ngồi trên xe lăn được đẩy ra sân khấu trong tiếng vỗ tay ngưỡng mộ, biểu hiện tình thương khán giả dành cho ông.

Đến ngày sinh nhật ông, mấy trăm người tụ họp chúc mừng và hát những nhạc phẩm Lam Phương rất cảm động. Đây là điều an ủi quí giá dành cho người nhạc sĩ tài hoa, tánh tình hiền hòa.

Trung tâm Thúy Nga thực hiện 3 cuốn DVD chủ đề Lam Phương. Trung tâm Asia thực hiện một DVD chủ đề Anh Bằng Lam Phương. Mấy năm sau này, nhạc Lam Phương được nhiều ca sĩ nổi tiếng trong nước thu âm và trình diễn nên tên tuổi ông vẫn được đồng bào quê nhà mến mộ như thời Việt Nam Cộng Hòa.

Trong một đôi lần trò chuyện cùng nhạc sĩ Lam Phương, ông nói rằng sự nghiệp khoảng hai trăm ca khúc nhưng hầu hết được công chúng ưa thích. Khi cảm hứng dâng tràn thì ông viết thành bài hát thật mau lẹ. Còn bài nào mà bị vướng mắc cái gì đó thì ông bỏ luôn. Từ điều này, hiểu được lý do tại sao dòng nhạc của Lam Phương rất tự nhiên, đi thẳng vào hồn người nghe. Có vẻ như ông không bị gò bó bởi nhạc lý hòa âm; ông để cảm xúc hòa cùng lời ca mộc mạc chân tình với những nốt nhạc làm cho bài hát được đồng bào ưa thích và cùng hát với nhau.

Ông nói là Lam Phương chưa bao giờ phổ thơ của ai với lý do khiêm tốn rằng mình khó diễn tả được cái hay của bài thơ. Dĩ nhiên, vì ông có tài đặt lời ca cùng cảm hứng dồi dào trong sáng tác nên không cần thơ người khác.

Thời thơ ấu, tôi từng nghe ông chú ôm đàn ghi ta vỗ thùng điệu Bolero hát bản Khúc Ca Ngày Mùa “Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát”, các học trò với bộ áo nông dân thôn nữ cùng múa giã gạo với bài hát này trong những buổi liên hoan văn nghệ hàng năm ở trường trung học. Nhạc sĩ Lam Phương vẽ nên khung cảnh thanh bình của miền quê đồng bằng sông Cửu Long, giai điệu êm đềm, lời ca thi vị. Bản hát đó ghi mãi trong ký ức khi nghĩ về Lam Phương- nghệ danh nghe hay hay mà muốn hiểu nghĩa gì cũng được.

Bản Ngày Tạm Biệt “Nhớ hàng phượng thắm ven đường mỗi lúc chiều buông tan tác rơi cài lên mái tóc xanh” vang lên lúc học trò bịn rịn chia tay mùa hè mãn khóa. Giai điệu da diết, hơi hướm dân ca Nam Bộ.

Bản Chuyến Đò Vỹ Tuyến “Đêm nay trăng sáng quá anh ơi sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu” nói về dòng sông Bến Hải chia đôi đất nước 20-7-1954 là sự tưởng tượng phong phú của tác giả ở Miền Nam chưa đến tuổi đôi mươi. Nét nhạc bài này đặc biệt, gọi là nét nhạc Lam Phương.

Sáng tác Lam Phương cảm hứng về quê hương và tình yêu đôi lứa- sự cân đối đẹp đẽ cần phải có đối với một nhạc sĩ lớn như ông. Giai điệu hay, lời ca hay, có cả trăm nhạc phẩm được công chúng ưa thích- điều này để người đời tôn vinh Lam Phương là một trong các nhạc sĩ hàng đầu tân nhạc Việt Nam.

Lúc sinh thời, ông từng tâm sự rằng ước nguyện khi qua đời muốn được an táng tại quê nhà; không biết là có thực hiện được hay không giữa mùa đại dịch cúm. Ngôi mộ của nhạc sĩ Lam Phương ở Việt Nam sẽ là một danh thắng thu hút khách muôn phương đến tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa của dân tộc.

Mở nghe bài hát Nắng Đẹp Miền Nam “Khi người lính chiến đã đấu tranh hiến hòa bình cho Đồng Tháp Cà Mau. Đây quê hương thân yêu Miền Nam, nắng lên huy hoàng đẹp mùa vui sang” mà lòng bâng khuâng ngậm ngùi. Những nhạc phẩm của Lam Phương giai điệu vui tươi êm ái, lời ca mộc mạc, chân tình đi thẳng lòng người, đẹp như màu nắng lóng lánh trên cánh đồng màu mỡ Miền Nam, thuở thanh bình năm cũ trở thành kỷ niệm.

Giã biệt nhạc sĩ Lam Phương, lòng kính mến, vẫn nhớ nụ cười hiền hòa, giọng nói từ tốn của tác giả Khúc Ca Ngày Mùa.