Đọc lại thơ tình một thuở của văn chương miền Nam

  Trần Doãn Nho

“Xin xem đây là một sự góp nhặt lại những di sản văn học ngỡ như bị thất lạc, mất dấu sau Tháng Tư 1975, hầu giúp tác giả và độc giả thấy lại những áng thơ văn mình yêu mến”.

Thư Ấn Quán, một nhà xuất bản do nhà văn Trần Hoài Thư thành lập, đã phục hồi di sản văn học miền Nam bằng cách tái bản rất nhiều tác phẩm của những tác giả miền Nam. Một trong những công trình lớn lao của việc phục hồi di sản đó là sự ra đời của năm bộ sách đồ sộ về thơ miền Nam:

  • Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến (hai tập).
  • Một Thời Lục Bát Miền Nam.
  • Thơ Tự Do Miền Nam.
  • Thơ Tình Miền Nam.

Trong “Lời Mở” của tập “Thơ Tình Miền Nam”, Thư Ấn Quán cho biết: “Tập ‘Thơ Tình Miền Nam’ này được ra đời là do ý kiến của một số bạn bè thân hữu và do sự đóng góp tích cực của nhà thơ Nguyễn Thanh Châu trong việc sưu tập và tuyển chọn. Xin xem đây là một sự góp nhặt lại những di sản văn học ngỡ như bị thất lạc, mất dấu sau Tháng Tư 1975, hầu giúp tác giả và độc giả thấy lại những áng thơ văn mình yêu mến”.

Tập sách dày hơn 720 trang, in đẹp, bìa cứng, gồm khoảng 500 bài thơ được sưu tập từ các tạp chí văn học nghệ thuật sáng giá một thời như Sáng Tạo, Văn, Vấn Đề, Nghệ Thuật, Thời Tập, Giữ Thơm Quê Mẹ, Khởi Hành, hay từ các tập thơ xuất bản ở miền Nam trong thời gian 20 năm Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Tập thơ quy tụ 150 tác giả thuộc đủ mọi thế hệ, từ những nhà thơ nổi danh như Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Minh Đức Hoài Trinh, Hoàng Anh Tuấn, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Đức Sơn, Kim Tuấn, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư, Trần Dạ Từ, Thanh Tâm Tuyền, Viên Linh, Vũ Hoàng Chương… cho đến một số nhà thơ vẫn còn khá xa lạ đối với một số độc giả, nhất là các thế hệ sau này, như Trần Xuân Kiêm, Lê Thanh Xuân, Trần Quang Long, Tần Vy…

Hầu hết là thơ của thế hệ “những cây bút trẻ” tuổi từ 20 đến 35, là lứa tuổi của những văn nghệ sĩ sống và lớn lên dưới chế độ VNCH: Lê Bá Lăng, Hồ Minh Dũng, Trần Dzạ Lữ, Thành Tôn, Hoàng Lộc, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Chí Kham, Luân Hoán, Hà Thúc Sinh, Cao Thoại Châu, Mường Mán…

Ngoài ra, độc giả cũng có dịp thưởng thức những bài thơ của những người thường chỉ được biết đến như nhà văn: Duyên Anh, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Phạm Công Thiện…

Nếu thơ tranh đấu, thơ thời sự hay thơ chiến tranh thường có tính cách giai đoạn, và sự thưởng ngoạn chỉ giới hạn trong một thành phần nào đó thì thơ tình là loại thơ được thưởng thức một cách say mê và thú vị vào bất cứ thời nào, với bất cứ ai và với bất cứ lứa tuổi nào.

Dù là người chưa yêu, đang yêu hay đã trải qua những cay đắng ngọt bùi của tình yêu, dù đang ở tuổi 15, 17 hay 40, 50 hay dù đã lên tới thất thập, thậm chí bát thập, cứu thập “cổ lai hy” chăng nữa, một bài thơ tình hay, không những không hề gây dị ứng mà ngược lại, còn đánh thức những cảm xúc sâu xa trong tâm hồn mỗi người, kéo ta trở về với thuở thanh xuân, lúc trái tim đang còn dạt dào rung động với tình cảm lứa đôi, trai gái. Thơ tình quả là không có tuổi, không giai cấp, không giới tính, không thời gian và không cả chiến tuyến.

Điều đầu tiên mà tôi chú ý ở “Thơ Tình Miền Nam” là trong số 150 nhà thơ, chỉ có khoảng 10 nhà thơ nữ: Minh Đức Hoài Trinh, Lệ Khánh, Tuệ Mai, Hồng Khắc Kim Mai, Lê Thị Tư… Chắc chắn đây không phải là do sự phân biệt đối xử của những người tuyển chọn, mà là do tình hình nói chung thời đó, con số những người phụ nữ viết văn hay làm thơ tương đối ít.

Chỉ trừ một số khá khiêm tốn sống trọn cuộc đời là một nhà văn hay nhà thơ như Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng còn thì nói chung, hầu hết các cây bút nữ, nếu có làm thơ viết văn thì chỉ trong thời gian độc thân, còn khi đã lập gia đình rồi, thường rời xa sinh hoạt văn học nghệ thuật.

Xin giới thiệu cùng quý độc giả một số đoạn thơ tình trích ra một cách tương đối ngẫu nhiên từ trong tập “Thơ Tình Miền Nam”.

Những nhà thơ nữ

Hoài Tuyết Trang

“Trời đổ tối trên những vùng nắng dọng
Sầu bỗng dưng rụng xuống một phương này
Hồn giá rét gối chăn nào đủ ấm
Người xa rồi ai nhóm lửa đêm nay?”
(Tuyệt Tình Người)

“Em từ thuở nắng vàng hong tóc biếc
Niềm ưu tư vừa bén rễ trong hồn
Chưa mất mát sao nghe lòng nuối tiếc
Gối chăn hờn ôm giấc ngủ cô đơn”

(Buồn Ước Vọng)

Hoàng Thị Bích Ni

“Thôi anh rượu đắng dừng tay lại
Sương khóc vờn quanh bờ ly trong
Lạnh xuống bao la trong đáy cốc
Để em rót đổ giọt sau cùng
(…)
Thôi anh rượu đắng thôi đừng rót
Sương khuya chùng lạnh xuống vai em
Như đời băng giá trong đáy cốc
Người đi làm rượu đổ nghiêng nghiêng”
(Của Đất)

Lê Thị Tư

Nếu những dòng thơ trên chỉ là tâm sự của cô gái đang yêu và mơ mộng, thì Lê Thị Tư dựng lên hình ảnh của “chàng”, một chàng vô danh nào đó mà nhà thơ tình cờ gặp giữa chốn đông người, và bị “coup de foudre”, tiếng sét ái tình:

“Tay dù che nắng chiều nghiêng
Bến đông người chật chàng riêng bước dài
Gió nâng vạt áo tà bay
Quán thưa thớt khách một vài tiếng kêu
Tới đây ta tới lúc chiều
Thấy chàng đứng đó hồn xiêu phách buồn
Ta thầm kêu gọi ta luôn
Lỡ thân một chuyến trăm nguồn cơn đau”
(Chiều Trên Bến Đò Mỹ Thuận)

Nguyễn Thị Hoàng

Chắc không mấy ai biết rằng nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, tác giả “Vòng Tay Học Trò” cũng đã từng làm thơ. Bài thơ tràn đầy hình ảnh vui nhộn của một thời Sài Gòn yêu dấu:

“Anh về với em một chiều thứ bảy
Cofetti vung vẩy lá me
Những đốm đèn xe chập chùng xa lộ
Hơi thở khuya nào gợn gió heo may
Anh bỏ em từ sáng thứ hai
Thành phố tha ma trải dài đại lộ
Từng hạt mưa bay cửa lòng bỡ ngỡ
Anh bỏ em từ trắc trở đầu tiên
Cho em xin một chiều vui thứ bảy
Có nhạc phòng trà có lá me bay”.
(Niềm Vui Nhỏ)

Lệ Khánh

Nói về thơ tình “bi thương,” có lẽ không ai qua mặt được Lệ Khánh, tác giả của “Em Là Gái Trời Bắt Xấu”:

“Em xót thương mình quá nhớ anh
Đêm đêm gối chiếc ngủ sao đành
Hồn em là cả trùng dương lạnh
Là nghĩa trang chôn số kiếp mình”
(Hồn Em Là Cả Trùng Dương Lạnh)

Nhã Ca

Nhã Ca về sau này quá nổi tiếng về văn đến nỗi có lẽ có người quên rằng bà vốn là một nhà thơ. Những bài thơ của bà viết vào thuở đầu đời là một trong những hiện tượng độc đáo của văn chương miền Nam thời đó; chúng mới về ngôn ngữ, lạ về hình ảnh và đầy chất suy tưởng:

“Tôi dẫm mùa đông dưới gót chân
Sầu tôi vết cắt vẫn chưa săn
Bùn rong rễ mốc hồn cây mục
Một mặt trời in đỏ dáng xuân”
(Vết Cắt Xuân)

Những nhà thơ nam

Duyên Anh

“Niên Thiếu” là một bài thơ tình nhẹ nhàng, hồn nhiên, có lẽ đã được viết vào thời “Hoa Thiên Lý”, là tác phẩm đầu tay rất thành công của ông:

“Thuở ấy mây non với gió mềm
nắng vừa ấm để mọng môi em
nụ hôn mừng tuổi ngon như tết
anh bảo em rằng mới tháng giêng”
(Niên Thiếu)

Hoàng Anh Tuấn

“Một Nửa” là một bài thơ tình với ngôn ngữ có phần khác lạ của tác giả bài thơ “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” do Phạm Đình Chương phổ nhạc ngày nào:

“Tôi nói: màu son của móng tay
Tôi nói: màu xanh của lá cây
Tôi nói: còn tôi chưa bán hết
Một phần thơ dại tuổi hai mươi
(…)
E có tiếng đàn vỡ làm hai
E mỗi câu thơ có then gài
E thấy linh hồn mình mắc cạn
E mình đâm ghét tuổi hai mươi”

Hiếm ai làm thơ tình mà cứ “tôi nói” rồi “tôi nói” như viết văn; đã thế lại còn, hết “e” lại đến “e.” Đọc lên, nghe ngồ ngộ, vui. Mà vẫn tình!

Nguyễn Chí Kham

“Ngón buồn rung thả cơn mưa
Âm lăn nhớ điệu ngày đưa trở về
Mắt em khép ngủ chiều mê
Men môi chín rượu hồn tê ngấm mùi”

Đây là trích đoạn từ bài thơ lục bát “Đa Sầu” một người bạn văn quen biết từ hồi mới tập tễnh làm quen với thế giới văn chương thuở nào, Nguyễn Chí Kham. Về sau này, anh rất ít làm thơ, mà tập trung viết tiểu thuyết, hiện anh đã xuất bản năm tiểu thuyết, cuốn nào cũng dày 5, 6 trăm trang.

Hoàng Ngọc Châu

“Anh Đứng Bên Trời Mơ Về Huế” là một trong những bài thơ tình đa dạng: Tình Huế đan xen trong tình mẹ và tình em:

“Mùa hạ nào thơm em vừa lớn
Lòng anh sứ nở trắng mười bông
Em ngon như nhãn vườn quê nội
Nhìn cũng say như uống rượu nồng
(…)
Bao năm cơm áo dạt bên trời
Lòng thấy chiều nay như lá rơi
Thấp thoáng trong mơ thành nội cũ
Em về áo lụa nhớ thương ai!”

Nguyễn Tôn Nhan

“Nàng đóng đinh tôi trên thập tự
Chiều quỳ dưới đất khóc vô tư
Tôi xuống rút xương mình đẽo sáo
Tôi lại leo lên
Thập tự nhỏ
Nàng đến quăng cho tôi vật đen
Nàng rất gầy tôi thổi sáo
Mưa xiên thủng hồn nàng
(…)
Tôi vẫn treo chân trên thập tự
Tôi nhìn mây trắng ngủ lang thang
Không còn gì nói nữa”
(Thủ Tiêu Người Tình)

Bài thơ có những hình ảnh và ngôn ngữ không “tình” chút nào, thực ra, đều là ẩn dụ cho một mối tình quá đỗi là “tình!”

Trần Quang Long

Cuối cùng, tôi tìm thấy lại một bài thơ tình đã từng thuộc lòng từ thời mới lên đại học của một người bạn cà phê (cà phê Dung, cà phê Quán Bạn) thời sinh viên ở Huế vào những năm 1963-1964, Trần Quang Long. Bài thơ nhẹ nhàng với nhiều hình ảnh khá thú vị:

“Em thương sao Véga màu hồng
Tôi thương vì sao trong mắt trong
Một thoáng, sao băng vào hư ảo
Một thoáng, đời thành nỗi nhớ mong
(…)
Này em bây giờ mình xa nhau
Hồn có còn nghe biển rạt rào
Xa xôi em có nhìn ngơ ngác
Bâng khuâng tìm Véga phương nào”
(Biển Sao)