Tản mạn về văn chương miền Nam trong thời chiến

Trần Hoài Thư

1.

Bộ sách Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến đã được phát hành cách đây vài năm. Và chúng tôi nhận được những lời khen đầy khích lệ: “Vĩ đại”, “bề thể”, “đồ sộ”, “giá trị”, “không có ai có thể làm nổi”, “xứng đáng để vào trong tủ sách gia đình” . Những chữ rất tối kỵ trong văn chương, phê bình văn học. Ngay cả nhà phê bình Đặng Tiến cũng lấy cả sách chúng tôi gởi tặng để tặng lại một nhà phê bình văn học rất tiến bộ và quen thuộc miền Bắc khi ông ấy thăm xứ Pháp. Ông ĐT lại chia sẻ dùm cái “vui thật là vui” (chữ ĐT) cùng chúng tôi khi nói có người nghe cuốn sách này nên lấy cớ đến thăm để xem nó thế nào. Có biết bao sách quí khác để ông làm quà văn nghệ. Của Pháp của Mỹ, của những tác giả rất lẫy lừng.

Nhưng ông lại tặng cuốn “Thơ Miền Nam trong Thời Chiến” dày cộm, nặng nề. Chúng tôi hiểu tại sao ông ĐT lại làm vậy. Vì sao. Vì ông biết nhà nhận dịnh văn học kia dù có thiết tha đến văn học miền Nam cách mấy cũng phải chịu bó tay khi không có tài liệu sách vở để tham khảo. Ngay cả chúng tôi vẫn không thể tìm ra nổi huống hồ là những người chưa một lần quen thuộc với những tập Văn, Bách Khoa, Khởi Hành, Vấn Đề, Nghệ Thuật.

Để rồi sững sốt và cảm thấy có lỗi như qua lá thư của người bạn sau nhi nhận bộ sưu tập “Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến”: “Có những người bạn mình, làm thơ hay thế ni, rằng mình lại không để ý hè. Thật có lỗi”.

Thưa anh, tôi cũng vậy. Trước đây chỉ biết những tên quen thuộc xem họ là ngôi sao, là thần tượng. Ngoài họ ra thì chẳng có ai sánh nổi. Giờ có dịp đọc lại những sách báo cũ, mới hiểu là mình đã khờ dại làm sao. Nếu không có dự án sưu tập này, chắc sẽ không bao giờ biết đến tên Nguyễn Dương Quang với bài thơ “Đêm cuối năm viết cho má” mà nhà phê bình Đặng Tiến đã trích và đã viết:

Tác giả ít được biết đến, nhưng bài thơ hay quá, chất trí tuệ quyện vào tâm huyết hồn nhiên mà điểu luyện. Tình cảm chìm chìm mà ý tứ lâng lâng. Trong sáng, sao mà u uất? Thơ đích thực là điều đơn giản kỳ diệu “ có nói cũng không cùng”[1].

2.

Tôi liên tưởng đến trường hợp tương tự là tác phẩm Cõi Đá Vàng của Nguyễn thị Thanh Sâm, An Tiêm xuất bản năm 1971.. Nó không hề được nhắc nhở hay giới thiệu bởi các nhà nhận định phê bình hay các đỉnh núi văn nghệ bấy giờ. Vậy mà nó lại được phục sinh lại sau năm 1975 do từ những bạn trẻ chỉ biết đến nó khi còn ngồi ở mái trường trung học hay bạn tù, như ý kiến dưới đây được đăng trên blog phayvan:

Lần đầu tiên mới được biết và đọc truyện này.

Thật ấn tượng với câu truyện mà tác giả chuyển tải, và càng ấn tượng hơn nữa vì tác giả là nữ, mà lại chọn đề tài này để viết!

Tiếc là trước 1975, tác phẩm này, mang tính cách “cảnh báo, cảnh tỉnh”, nhưng lại không có được nhiều người lưu ý, tiếp cận đọc, để rồi sau 1975, phải trả giá rất đắt cho sự ngây thơ, ấu trĩ, tập trung trình diện… vào cái bẫy lưới “học tập một tháng” giăng sẵn của cs!!!!

Âu cũng là cái “Nghiệp” của cả dân tộc VN vậy!!!!!!!

(Ý kiến của PHT)

3.

“Cảnh báo, cảnh tỉnh”. Hai yếu tố cần thiết cho một tác phẩm lớn. Không biết có tác phẩm văn chương nào ở miền Nam trước tháng 4-75 mang tinh cách này không:

…Tin chiến thắng Việt Bắc vẫn tung bay, những chiến dịch dưới đồng bằng vẫn tiếp diễn, máu khắp nơi vẫn chảy, chảy vì đấu tranh chủ nghĩa, vì cốt nhục tương tàn nhiều hơn chảy vì chiến đấu chống ngoại xâm. Tiếng hoan hô đả đảo ngày đêm không dứt, đất nước vẫn điêu linh, Mẹ quê hương đã mỏi mòn kiệt lực.

Chúng nó nhân danh Mẹ giết dần mòn những đứa con yêu quý Mẹ mang nặng đẻ đau. Chúng nó múa may khắp nơi, những gót chân chúng nó không hề chạm đất, có những móng vuốt nạm vàng nạm bạc sáng lòa. Chúng nó rung những dây chuông trên những mắt xích vang lên từng tràng nhạc hấp dẫn yêu ma.

Tuy nhiên, đồng bào trên quê hương chưa nhận diện được chúng nó, chưa có một giới danh rõ rệt nào để đặt cho chúng nó, bởi vì kẻ thù xâm lăng của dân tộc đang sừng sững trước mặt choán lấp những hiện tượng quái đản, cái nguy cơ trầm trọng đó.”

(CĐV, trang 320)

hay

Chúng ta bị mất tất cả, nhưng chúng ta còn có cái để mà mất mát. Còn những lớp người sau chúng ta, họ sẽ không có gì cả để mà ảo vọng. Và họ vẫn bị mất mát như thường, có lẽ họ sẽ mất ngay chính con người của họ, đó mới chính là điều khủng khiếp.

(CĐV trang 402)

Xin nhớ Cõi Đá Vàng là tác phẩm viết về thời kháng chiến chống Pháp.

4.

Ngoài tính cách “Cảnh tỉnh, cảnh báo”, CĐV là một tác phẩm văn chương tuyệt vời.. Từ trước đến nay, ít có cuốn sách nào mà lời văn lại được người đọc thuộc lòng, và nhớ mãi về sau, như Cõi Đá Vàng trừ bài vănTôi Đi Học của Thanh Tịnh. (Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều…)

Tuy nhiên, Tôi đi học được nhớ vì nó có trong chương trình Việt văn, trên những cuốn sách giáo khoa của thời Tiểu học. Còn Cõi Đá Vàng thì ít ai biết. Vậy mà cũng có người đọc thến thuộc lòng:

… Tôi thích cuốn sách ấy, bởi vì nó có một kết cấu lạ, không theo motif bình thường như những cuốn sách “chống cộng” khác. Và nhớ nhất một đoạn văn, tới bây giờ nhắc lại vẫn còn thuộc:

“Hồi bé, có lần nhìn trăng, tôi cứ thấy trăng đi. Lớn lên, có khi tôi để ý nhìn mà không thấy trăng đi nữa. Trăng cứ đứng yên giữa trời. Có lẽ hồi bé chưa biết buồn nên thấy trăng đi, thấy ngày tháng chóng qua. Còn bây giờ, đời đã buồn, nên ngày tháng không đi, trăng cũng không đi…”

Nhớ đoạn văn thuộc lòng như vậy cũng vì nó giống ký ức mình. Hồi nhỏ T. cũng để ý thấy trăng đi đó! Thấy trăng lang thang dạo chơi với mình suốt một thời thơ ấu. Mỗi lần tập trung nhìn lại thấy cái quầng sáng ấy như di động, thích thú ghê lắm khi thấy trăng đi! Lớn khôn, T. không để ý nhìn như nhân vật trong truyện, bởi vì T. biết là trăng chẳng bao giờ biết đi. Nó cứ đứng yên đến tội, chỉ có ngày tháng thì đi nhanh hơn vòng quay của chong chóng trước gió. Nhớ con trăng lang thang thời nhỏ của mình quá, mà không biết tìm đâu!

(trích Trăng Đùa chơi của ĐT từ website: http://www.angelfire.com/tn/dtrang/duachoi.htm)

hay

“…Nhưng cuốn truyện khiến tôi đăm chiêu nhất trong năm tôi học 12 là cuốn Cõi Đá Vàng của bà Nguyễn Thị Thanh Sâm. Ông cậu ruột hay bà Ngoại của tôi mượn được đâu đó, cả nhà tôi cùng đọc. Một câu trích trong cuốn đó đến giờ tôi vẫn nhớ “Có gì lạ đâu em ơi, trong cơn mê này của nhân loại, mà ta được chọn làm thí điểm”.

….Chính nhờ đọc cuốn này, tôi hiểu tại sao bà Ngoại tôi lại bỏ kháng chiến, quay về lại Huế.

(ý kiến của Diên Hoàng)

5.

Y. đã quăng đôi đủa, sắp ném cái iphone. Y. gào la chửi rủa. Ngay cả một số người thân thiết nhất trong gia đình. Sau đó, nằng nặc đòi phải đi lên lầu mặc áo tràng đọc kinh… Tôi thì chỉ biết nhặt lại chiếc đủa, và vuốt tóc Y. Bỗng Y. hỏi nhìn tôi, ông đã gởi cho ông viện trưởng chưa . Tôi hỏi gởi gì? Cuốn Cõi Đá Vàng.

Tôi gật đầu nhận bừa là có gởi để mong cho Y. đừng hỏi nữa. Nhưng Y. hỏi thêm: người ta đọc Cõi Đá Vàng có ai khen không ông? Tôi nói có, họ khen nhiều lắm.

Đây là câu hỏi của một người bệnh tâm thần. Sau đó là hết. Nhưng nó vẫn còn vướng vít trong tâm trí tôi. Ngày trước 1975, Cõi Đá Vàng không được nhắc nhở cũng vì nó không chịu tuân phục theo cái qui luật “cúng đình, cúng tổ”. Nó giống như bài thơ của Nguyễn Dương Quang mà nhà phê bình văn học Đặng Tiến đã từng nhận định: “Tác giả ít được biết đến, nhưng bài thơ hay quá, chất trí tuệ quyện vào tâm huyết hồn nhiên mà điểu luyện. Tình cảm chìm chìm mà ý tứ lâng lâng. Trong sáng, sao mà u uất? Thơ đích thực là điều đơn giản kỳ diệu có nói cũng không cùng”. Bây giờ dù khen bao nhiêu, tán dương bao nhiêu, thì cũng vô ích vì Y. đâu còn được bình thường nữa để mà hiểu được lời khen. Hay đâu còn cảnh viết địa chỉ người nhận, đế cảm nhận được niềm vui được gởi tặng đến một hai độc giả hỏi Cỏi Đá Vàng..

Ngay cả tác giả nữa.

Nhưng mà phải viết. Gởi lên cõi không cùng.

_____________________

[1] Xin trích lại đoạn thơ:

Hình như cây súng con lạ lắm
Sao nó run lên khi đạn lên nòng
Tâm hồn nó như tâm hồn con vậy
Một kẻ nằm, kẻ đứng, xót xa không?

Trước mặt con: những ngọn đồi cát máu
Đêm thì thầm cùng những nấm xương
Ôi, trái tim con mãi tôn thờ má
Đã dạy con hai tiếng yểu thương
Từ má lỏng bàn tay dìu dắt
Con bơ vơ giữa cuộc phù sinh
Dòng nước nào xa nguồn mà không đục
Sợ một mai con lạc dấu chân mình

(tr. 428)