5 đời nhạc sĩ họ TRẦN

Ở xứ Việt Nam, khi học nhạc cổ truyền là phải học theo lối truyền khẩu, một lối học rất được phổ biến khắp Á Châu. Ngày xưa, học trò thường đến nhà thầy, ở đó học cho tới lúc thành tài, có khi 5 năm, 10 năm, hay lâu hơn nữa tùy theo học mau hay chậm. Khi nào thầy thấy học trò đủ sức, hấp thụ đầy đủ những bí quyết của môn mình đang học thì lúc đó mới ra về, mới được thầy cho “xuống núi”. Khi ở nhà thầy, công việc làm hàng ngày là giúp việc trong nhà, như làm vườn, quét dọn nhà, làm tất cả công việc của một người giúp việc. Tối nào thầy hứng lấy đàn ra dạo, hay đàn bài bản, học trò thường lắng tai nghe để thấm nhuần các ngón đàn của thầy. Khi nào thầy vui, thầy gọi một học trò để dạy, chỉ cách nhấn cho đúng với điệu của bài bản. Chính vì học theo phương pháp này mà học trò mất nhiều năm để được đào tạo thành một nhạc sĩ.

Sự khó khăn gian truân trong cách học nhạc cổ truyền, thêm vào đó sự coi thường của xã hội Việt Nam thời phong kiến cho rằng đàn hát là “xướng ca vô loài” nên số người học nhạc không có bao nhiêu người. Ngành nhạc chỉ dành để giải trí, và nhạc sĩ không được đi thi để trở thành quan trong triều đình. Chính vì thế, tìm được một gia đình nhạc sĩ nhiều đời ở Việt Nam không phải là chuyện dễ !

Ở Việt Nam có một vài gia đình nhạc sĩ trong lĩnh vực tân cổ nhạc.

Gia đình nhạc sĩ Lữ Liên lúc đầu chuyên về nhạc cổ vơí cây đàn nhị qua tài nghệ của nhạc sĩ Lữ Liên (từ trần tại tiểu bang California, Hoa kỳ). Các con của ông chuyển sang ngành tân nhạc Việt và nhạc ngoại quốc từ lúc ở Sài Gòn trước 1975 và đã nổi tiếng như nữ ca sĩ Bích Chiêu (cùng thời với Bạch Yến, Thanh Thúy, hiện sống tại tỉnh Orléans, Pháp sau khi bôn ba nơi hải ngoại từ năm 1963 ở Pháp, rồi Ý đại lợi, rồi nay trở lại Pháp), Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Anh Tú (từ trần), Lưu Bích, ban nhạc Uptight (tất cả đều nổi tiếng trong cộng đồng Việt và cư ngụ tại vùng Nam California từ hơn 37 năm nay).

Gia đình nhạc sĩ Phạm Duy cũng là một ngoại hạng. Nhạc sĩ Phạm Duy (sinh năm 1921, từ trần năm 2013) là một nhạc sĩ có một sức sáng tác hiếm có (trên 1000 ca khúc trong đó hàng trăm bản nhạc đã chinh phục cả ba thế hệ Việt Nam). Vợ ông là nữ ca sĩ Thái Hằng (từ trần) lúc trước đã hát trong ban hợp ca Thăng Long với các anh em Hoài Trung, Hoài Bắc (đã từ trần tại California và còn là nhạc sĩ sáng tác nổi danh dưới tên Phạm Ðình Chương có vợ là nữ ca sĩ Khánh Ngọc) và Thái Thanh (các con của nữ danh ca Thái Thanh là Ý Lan và Quỳnh Hương đã chinh phục giới yêu nhạc Việt ở hải ngoại từ năm 1991. Gần đây hơn, Mai Linh, con gái lớn của Ý Lan, vào nghề ca hát và đã tạo cho mình một chỗ đứng có nhiều triển vọng). Các con của Phạm Duy – Thái Hằng lập ra ban nhạc kích động trẻ The Dreamers ở Sài Gòn vào cuối thập niên 60. Ban nhạc này vẫn còn vang tiếng khi sang Hoa Kỳ vào đầu thập niên 80 cho tới đầu thập niên 90 thì rã. Các con của Phạm Duy đã tạo một ngôi vị vững chắc trong làng tân nhạc Việt ở hải ngoại như nam ca sĩ Duy Quang ( từ trần cuối năm 2012 tại California, đã từng là chồng của nữ ca sĩ Julie – mang tên Julie Quang khi sống với Duy Quang), các ca sĩ Thái Hiền, Thái Thảo (có chồng là nam ca sĩ Tuấn Ngọc thuộc gia đình nhạc sĩ Lữ Liên), Thái Hạnh. Nhạc sĩ Duy Cường chuyên về hòa âm, và trở thành người hòa âm của tất cả các bản nhạc của cha (Phạm Duy) và soạn hòa âm cho hàng nghìn bản nhạc cho các ca sĩ Việt ở California. Phạm Duy và các con hiện nay sống ở Việt Nam

Gia đình nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (từ trần) với vợ là nữ ca nhạc sĩ Thúy Nga (nổi tiếng một thời với chiếc phong cầm, còn sinh hoạt trong những năm đầu sang Mỹ và sau đó từ giã sân khấu luôn). Con và cháu là Hoàng Thi Thi, Hoàng Thi Thao từng nổi tiếng thần đồng vĩ cầm ở Việt Nam và tiếp tục đàn vĩ cầm cho các ban nhạc Việt Nam trong cộng đồng Việt tại California.

Nhạc sĩ Thu Hồ (từ trần tại Hoa kỳ) cũng là ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam có một cô con gái trở thành ca sĩ Mỹ Huyền tạo sự nghiệp tại California từ khi sang Mỹ.

Gia đinh Phạm Nghệ (hiện ở Hoa Kỳ) chuyên về nhạc cổ điển.

Gia đình nhạc sĩ vĩ cầm Nguyễn Khắc Cung (từ trần ở Pháp) chuyên về nhạc cổ điển Tây phương.

Gia đình nhạc sĩ thôỉ sáo Nguyễn Ðình Nghĩa (từ trần ở Virginia, Hoa kỳ) chuyên về nhạc cổ Việt Nam với các con giỏi về các loại đàn Việt, đã đi trình diễn nhiều nơi tại Mỹ từ năm 1982.

Về phía cải lương, cặp nghệ sĩ Việt Hùng-Ngọc Nuôi (cả hai từ trần) nổi tiếng trong giới hát cải lương từ nhiều năm qua, có các con đi về phía tân nhạc nổi tiếng một thời qua ban nhạc The Crazy Dog, và nữ ca sĩ Bích Ngọc tạo một chỗ đứng trong giới nhạc trẻ. Nghệ sĩ Hữu Phước (từ trần năm 1997 tại Pháp) nổi tiếng là người hát mùi 6 câu vọng cổ và đóng tuồng làm rơi nước mắt người xem, có nhiều con nhưng chỉ có Hương Lan là nổi tiếng nhất và là ca sĩ từ cổ nhạc sang tân nhạc thành công và giữ địa vị ca sĩ hàng đầu trong ngành ca hát Việt Nam ở hải ngoại. Hương Thanh, em gái của Hương Lan, nổi tiếng trong địa hạt dân ca ở Pháp và Âu châu với sự cộng tác của nhạc sĩ Jazz Nguyên Lê tạo một hướng đi mới trong nhạc Việt.

Tìm đuợc một dòng họ năm đời nhạc sĩ nhạc cổ truyền có thể nói là hiếm có lắm. Tôi được may mắn sinh trưởng trong một gia đình có tới 5 đời nhạc sĩ cổ truyền, và mỗi đời có những bước tiến “canh tân”, có những đóng góp vào việc bảo tồn, bảo lưu, duy trì và phổ biến nhạc Việt cổ truyền khắp nơi trên thế giới.

Ðời thứ nhứt: Nhạc sĩ nhạc cung đình Huế

Người khởi xướng truyền thống nhạc của gia đình họ Trần là ông sơ của tôi, tên là Trần Quang Thọ (1830-1890). Ông là nhạc sĩ của ban đại nhạc triều đình Huế, dưới thời vua Tự Ðức. Cụ mang cả gia đình vào trong Nam và định cư tại làng Vĩnh Kim, thuộc tỉnh Mỹ Tho, cạnh bên sông Sầm Giang (được nổi tiếng nhờ tên ban kịch Sầm Giang của chú tôi là Trần Văn Trạch). Cụ chỉ là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, sử dụng cây đàn tỳ bà, đàn nhị, và các loại trống. Chính cụ đã mang truyền thống nhạc miền Trung và Ca Huế vào trong Nam để sau này biến thành loại nhạc đàn tài tử miền Nam.

Ðời thứ nhì: Nhạc sĩ sáng tác bài bản, sáng chế cách ghi bài bản cổ

Ông cố tôi, Trần Quang Diệm (1853-1925) là người con thứ tư trong gia đình có 7 ngươì con. Ông có khiếu về nhạc nhất trong gia đình. Chính ông là người duy trì truyền thống nhạc trong gia đình. Ðàn tỳ bà rất giỏi, được gởi ra thành nội Huế để học loại nhạc Ca Huế (một loại nhạc thính phòng với bài bản khác với bài bản của dàn đại nhạc và tiểu nhạc). Ông cố tôi được nổi tiếng khắp vùng lục tỉnh về tài đàn tỳ bà. Ông đã sáng tác một số bài bản cho đàn tỳ bà, nhưng đã thất truyền sau một lần cháy nhà. Ông đã nghĩ ra cách ghi chia phân nhịp trong các bài cổ nhạc để dễ dạy cho học trò. Ông có sáng tác 8 bài Ngự trong số 10 bài Ngự để đón tiếp vua Thành Thái lúc vua vào thăm viếng miền Nam. Trong thời của ông có hai ông nhạc sĩ khác nổi tiếng về nhạc miền Nam là Nguyễn Liên Phong và Nguyễn Tòng Bá. Hai luồng âm nhạc của ông cố tôi và của hai nhạc sĩ này đã làm phát sinh ra nhạc đàn tài tử miền Nam.

Ðời thứ ba: Nhạc sĩ sáng tạo

Ông cố tôi có 7 người con, nhưng chỉ có hai người là có năng khiếu về âm nhạc. Người con thứ nhì là Bà Cô Ba của tôi, tên là Trần Ngọc Viện (1885-1944), và ông nội tôi là Trần Quang Triều (1897-1929), người con thứ sáu có biệt danh là Bảy Triều. Trên khai sanh tên là Trần Văn Chiều vì lúc làm giấy khai sanh, người thơ ký trong làng đã tự ý đổi lại thành Chiều thay vì Triều. Chữ lót họ cũng đổi luôn, nhứt là vào thời đó, trong làng xã miền Nam, hễ con trai thì cho chữ Văn, và con gái thì dùng chữ lót Thị. Bà Cô Ba của tôi đàn tỳ bà theo truyền thống Huế và rất giỏi về đàn tranh. Bà là người đã thành lập một đoàn cải lương với các nghệ sĩ toàn là nữ giới, lấy tên là gánh Nữ Ðồng Ban (1927-1929). Ðây có thể nói là một gánh hát duy nhứt trong lịch sử cải lương Việt Nam là nghệ sĩ toàn là đàn bà. Các cô thiếu nữ toàn là con gái con nhà lành trong làng. Bà Cô của tôi bắt các cô phải học chữ ban ngày, tập đánh võ, múa côn, múa kiếm, luyện giọng. Ông thầy tuồng tên là Nguyễn Tri Khương (mất vào năm 1962), anh ruột của bà Nội của tôi, là người con thứ tư trong gia đình họ Nguyễn (dòng dõi Nguyễn Tri Phương), tôi gọi là ông Cậu Năm. Ông Cậu Năm là một nhạc sĩ rất có tài chẳng những thổi sáo điêu luyện, làu thông tất cả những nhạc khí đàn dây và trống. Ông lại sở trường viết những bài bản mới. Chính trong vở tuồng “Giọt lệ chung tình” (1927), ông đặt một số bài bản mới như “Phong Xuy Trịch Liễu”, “Yến Tước Tranh Ngôn”, “Thất Trỉ Bi Hùng”, “Bắc Cung Ai” mà dường như chỉ được lưu truyền trong gia đình mà thôi, mặc dù âm điệu rất phong phú. Số phận của những bài bản nầy giống như mấy mươi bài của thầy ký Trần Quang Quờn, có lẽ sẽ bị mai một đi. Người anh của ông Cậu Năm là ông cậu Tư Nguyễn Tri Lạc rất sành về nhạc lễ và các tiết tấu trong các loại nhạc lễ. Ông là cụ thân sinh của cố nhạc sĩ tài danh Nguyễn Mỹ Ca, nổi tiếng qua nhạc phẩm “Dạ Khúc”. Ông Nội của tôi, Trần Quang Triều (1897-1931) giỏi về đàn kìm. Lúc đó, ông học ở trường trung học Chasseloup Laubat của Pháp ở Sài Gòn. Tôi được nghe kể lại rằng lúc nhỏ ông Nội tôi giỏi về môn thôi miên, thường hay dùng môn này để làm cho các ông giám thị ngủ hết để ngồi chơi trong lớp hay đàn kìm. Ông có chế ra cách lên dây đặt tên là dây Tố Lan, được giới cải lương “dâyTố Lan của ông Bảy Triều”. Cách lên dây của hai dây đàn kìm cách nhau một quãng bảy thứ (Do-Sib) tạo một không khí buồn ảo não khi đàn. Một trong những người học trò ngoài gia đình được nhiều người biết là ông thân của nhạc sư đàn tranh Nguyễn Vĩnh Bảo. Ông Nội tôi không may mất sớm thành ra không thể phát triển cách lên dây Tố Lan cho đàn kìm được rộng rãi hơn. Hai gia đình nhạc sĩ Trần và Nguyễn phối hợp lại với nhau đã làm phát sinh ra một truyền thống âm nhạc gia đình ngày càng phong phú. Ðời thứ ba đã cho thấy rằng ảnh hưởng nhạc Tây phương đã xâm nhập một phần nào vào trong nền âm nhạc cổ miền Nam. Ông Cậu Năm Nguyễn Tri Khương có viết lời Việt cho những bản nhạc Pháp thịnh hành thời đó như “La Madelon”, “La Marseillaise”. Em của ông Cậu Năm biết đàn lục huyền cầm móc phím, và một người khác biết kéo vĩ cầm Tây phương. Cả hai nhạc khí Tây phương bắt đầu đượcdùng trong nhạc đàn tài tử miền Nam.

Ðời thứ tư: Nhạc sĩ hướng về Tây phương và nghiên cứu

GSTS TRẦN VĂN KHÊ

Ông bà Nội tôi có ba người con: ông thân tôi là Trần Văn Khê (sinh năm 1921, hiện sống tại TP HCM, Vietnam), chú tôi là Trần Văn Trạch (sinh năm 1924 – mất năm 1994 tại Pháp), và cô tôi là Trần Ngọc Sương (sinh năm 1926, hiện sống ở Montréal, Canada.

Cô tôi cũng đã từng đi hát thời các ca sĩ Mộc Lan, Kim Tước, Minh Trang dưới danh hiệu là ca sĩ Thủy Ngọc, có thu một vài dĩa 78 vòng, đã tạo cho mình một chỗ đứng trong làng tân nhạc, nhưng đã giải nghệ vào khoảng 1950.

Chú tôi được mệnh danh là Quái Kiệt Trần Văn Trạch.

Lúc nhỏ có học đàn tỳ bà và đàn rất hay, và cũng có khiếu ca cổ nhạc rất mùi, không thua gì cố nghệ sĩ Năm Nghĩa thời 30. Nhưng có lẽ vì hoàn cảnh nên mới dấn thân vào ngành ca hát. Khởi đầu mở một phòng trà nhỏ (loại salon de thé) ở đường Lagrandière. Sau đó, khoảng 1947-48, chú Trạch hoạt náo và hát tại dancing Théophile ở vùng Dakao. Các bài nhạc hài hước đầu tiên do chú Trần Văn Trạch hát là do nhạc sĩ Lê Thương viết ra vào năm 1948-49 (Hòa Bình 48, Liên Hiệp Quốc).

Các chương trình phụ diễn tân nhạc trên sân khấu xiệc, hát bóng, và danh từ đại nhạc hội là do chú Trạch đề xướng ra ở Sài Gòn từ đầu năm 1950. Chú đã trở thành một ca sĩ hài hước ngoại hạng nổi tiếng qua các bản diễu như “Anh Phu Xích Lô” (1951), “Chuyến Xe Lửa Mùng 5” (1952), “Cái Tê Lê Phôn”, “Cái Ðồng Hồ Tay”, “Anh Chàng Thất Nghiệp”, “Cây Bút Máy”, “Ðừng Có Lo”. Hai bài nhạc không hài hước nhưng rất được phổ biến là “Chiến Xa Việt Nam” (1952), và “Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia” (1952). Ban nhạc Sầm Giang đã có mặt trên đài phát thanh Pháp Á từ 1950 tới 1954, quy tụ một số nhạc sĩ gạo cội như cố nhạc sĩ Võ Ðức Thu, Khánh Băng, về sau có Nghiêm Phú Phi (hiện sống tại Orange County, California, Hoa kỳ), các ca sĩ nổi tiếng thời đó như Trần Văn Trạch, Ngọc Sương, Ngọc Hà, Tôn Thất Niệm, Linh Sơn, Mạnh Phát, Minh Diệu, Túy Hoa, Tâm Vấn. Ðến năm 1953, có thêm những bộ mặt mới như nữ kịch sĩ Bích Thuận, ban Thăng Long, Duy Trác, Tùng Lâm, và … em bé Bạch Yến ( trở thành người bạn “đồng hành và đồng chí” của tôi sau này). Ngoài lĩnh vực âm nhạc, chú Trần Văn Trạch còn là người làm phim Việt đầu tiên ở miền Nam. Hai cuốn phim Lòng Nhân Ðạo (1955) với Trần Văn Trạch, Kim Cương, Hà Minh Tây (sống ở Paris), và Giọt Máu Rơi (1956) với Trần Văn Trạch và Kim Cương do hãng phim Mỹ Phương sản xuất. Sau đó chú Trạch lập ra hãng phim Việt Thanh và có làm đạo diễn cho hai cuốn phim cổ tích Thoại Khanh Châu Tuấn (1956) với Kim Cương và Vân Hùng, và Trương Chi Mỵ Nương (1956) với Trang Thiên Kim và La Thoại Tân.

Chỉ có thân phụ tôi, Trần Văn Khê (1921 – ) là người duy nhứt trong dòng họ Trần đã học nhạc cổ đàng hoàng và đã phát huy nhạc Việt Nam ra ngoài biên giới Việt. Lúc nhỏ Ba tôi đã được ông Cố tôi dạy cho cách tụng kinh Phật giáo, lại được nghe những buổi hòa đàn trong gia đình, gặp những nhạc sĩ tài danh thời đó, nên Ba tôi dễ hấp thụ những “ngón đờn nhức xương” trong cổ nhạc Việt. Ba tôi đã học đàn kìm với ông Nội tôi, học đàn tỳ bà và đàn tranh với bà cô Ba, học trống với ông Cậu Tư Nguyễn Tri Lạc, học lý thuyết nhạc cổi Việt với ông Cậu Năm Nguyễn Tri Khương, học đàn lục huyền cầm móc phím với một ông cậu khác, học măng cầm và nhạc lý hòa âm Tây phương ở trường trung học Petrus Ký tại Sài Gòn.

Thừa hưởng hai truyền thống âm nhạc Ðông và Tây, phong trào nhạc Tây phương đang bành trướng mạnh và giới trẻ thời đó nghĩ rằng Âu hóa nhạc Việt mới là tiến bộ. Bởi thế cho nên, lúc còn là học sinh trung học, mỗi lần về làng Vĩnh Kim, Ba tôi thường cùng bác Mỹ Ca (chuyên đờn violon) hòa đàn. Hai người thường biểu diễn đàn cổ nhạc với cây đàn lục huyền cầm móc phím do Ba tôi đờn với bác Mỹ Ca đờn violon. Dân làng tề tựu đông đảo trước sân nhà để nghe mấy “cậu Sài Gòn” biểu diễn nhạc khí lạ.

Song song với việc đổi mới trong cách sử dụng nhạc khí, Ba tôi còn đờn những bài nhạc mới do tầng lớp sinh viên trẻ đang tập tành sáng tác. Lúc đó vào khoảng 1936-37. Ba tôi rất hăng hái trong việc “canh tân” nhạc Việt. Từng làm trưởng ban văn nghệ ở trường Petrus Ký, sau ra Hà Nội học trường thuốc, quán xuyến vai tuồng nhạc trưởng ban nhạc trường đại học Hà Nội vào năm 1942-43. Sau đó, Ba tôi thành hôn cùng Má tôi (bà Nguyễn Thị Sương, giáo sư trường nữ trung học Gia Long, Saigon từ năm 1955 tới 1976 và trường hội Việt Mỹ cũng tại Saigon).

Chính trong thời gian thế chiến thứ hai, Ba tôi có phổ nhạc bài thơ “Ði Chơi Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp vào năm 1943 và đã do nữ ca sĩ Mộc Lan trình bày lần đầu tại Việt Nam vào năm 1950 và sau này nữ ca sĩ Thanh Lan có thu vào băng vidéo ở Sài Gòn (1990). Một bản nhạc khác cũng được biết tới là “Giận Nhau”.

Ngoài ra Ba tôi có sáng tác khoảng trên 30 bản nhạc nhưng không có xuất bản. Ðến khi sang Pháp năm 1949, Ba tôi vẫn còn tin rằng việc làm đẩy mạnh nền tân nhạc Việt theo chiều hướng Âu Mỹ là con đường đi rất đúng. Do đó thân phụ tôi lấy biệt hiệu là ca sĩ Hải Minh ( tên của tôi và của em trai tôi ghép lại) để thâu trên 30 dĩa 78 vòng cho hãng dĩa ORIA tại Paris từ năm 1949 tới 1951.

Các bản nhạc do Ba tôi hát thường được phát thanh tại các rạp hát bóng thời đó ở Sài Gòn và lục tỉnh, chẳng hạn như các bản “Quyết Tiến”, “Xa Quê”, “Bông Hoa Rừng”, “Hòa Bình 48”, “Quảng Ðường Mai”, vv…. của những bạn thân của Ba tôi như Võ Ðức Thu, Lê Thương, Phạm Duy, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Hữu Ba.

Ðến khi Ba tôi ngã bịnh phải nằm nhà thương hơn ba năm trời từ 1953 tới năm 1956. Chính trong khoảng thơì gian này đã là mầm móng tạo cơ hội cho Ba tôi nghĩ tới việc “trở về nguồn” và bắt đầu ghi tên vào khóa thi tiến sĩ âm nhạc ở đại học đường Sorbonne với đề tài “Musique Traditionnelle Vietnamienne” (Âm nhạc cổ truyền Việt Nam). Ông thân tôi trở thành vị tiến sĩ âm nhạc đầu tiên của Việt Nam và là người đóng góp nhiều nhất trong việc phát triển nhạc Việt trên thế giới.

Ông làm giáo sư nhạc học ở trường đại học Sorbonne từ 1958 tới 1987, giám đốc Trung tâm nghiên cứu nhạc Ðông Phương (Centre d’Etudes de Musique Orientale) từ 1960 tới 1987, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (Centre National de la Recherche Scientifique), phó chủ tịch Hội đồng quốc tế âm nhạc (Conseil International de la Musique, UNESCO) từ 1958 tới 1989, và sau đó trở thành hội viên danh dự.

Ngoài ra ông còn giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các cơ quan nghiên cứu âm nhạc trên thế giới. Tác giả của trên 300 bài viết về nhạc Á châu và Việt, ba quyển sách về nhạc Việt, tác giả của nhiều bài viết về nhạc Việt trong hầu hết các tự điển âmnhạc trên thế giới (Harvard Dictionary, Encyclopaedia Britannica, New Grove Dictionary of Music, Larousse, Encyclapaedia Universalis, Bordas, Fasquelle, vv…) thân phụ tôi đã về hưu từ tháng 10, 1987.

Trong thời gian về hưu, ông vẫn đi dạy ở Hoa Kỳ, Canada, và cố vấn cho dự án thành lập một trung tâm bảo vệ nhạc cung đình Huế tại Việt Nam từ năm 1994. Năm 1997 Ba tôi có xuất bản một quyển sách mang tên là “Tiểu Phẩm” ghi lại những kỷ niệm của thời trẻ. Năm 1998, các bạn thơ của Ba tôi đã xuất bản một tập thơ gồm một số bài thơ của Ba tôi và các bạn thơ họa lại. Hiện nay ông vẫn tiếp tục du lịch khắp nơi, vẫn tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu, chuẩn bị một số sách, giảng dạy tại các đại học đường khắp năm châu. Đến cuối năm 2004, ông trở về sống tại TP Hồ Chí Minh (Saigon cũ) ở quận Bình Thạnh và lập Trung Tâm Trần Văn Khê để tiếp tục truyền dạy thế hệ trẻ ở Việt Nam.

Ðời thứ năm: Nhạc sĩ trong lòng nhạc thế giới

GS TRẦN QUANG HẢI

Trong số bốn người con của Ba tôi, chỉ có em gái út là Trần thị Thủy Ngọc (1950) và tôi là Trần Quang Hải (1944) là tiếp tục truyền thống nhạc cổ gia đình.


Em trai kế tôi là Trần Quang Minh (1946) từng tạo tiếng tăm trong giới sinh viên ở Sài Gòn và nhất là trong trường kiến trúc với ban nhạc kích động “Ba Trái Gáo Dừa” và ban nhạc “Bùng Rền” chuyên về tân nhạc và nhạc ngoại quốc. Trở thành kiến trúc sư vào thập niên 70.

Em gái kế đó tên Trần Thị Thủy Tiên (1948) không có học nhạc nhưng có khiếu làm hề, chọc người khác cười nhưng chưa bao giờ lên sân khấu hài.

Sau nhiều năm cố gắng học ở trường INALCO (Paris, Pháp), dù phải bỏ nhiều thì giờ lo cho chồng, chống lại một căn bịnh trong óc, và với sự trì chí, kiên nhẫn, Thủy Tiên đã đậu bằng cử nhân văn chương. Hiện đang học cử nhân Litteratures françaises năm thứ 3 của Univ. Diderot. Ngoài ra Thủy Tiên là cọng tác viên thường trực của tờ báo NGÀY MỚI tại Paris. Song song với những hoạt động hàng ngày, em còn viết những mẫu chuyện thời thơ ấu dưới dạng truyện ngắn. Đồng thời làm thơ bằng tiếng Pháp và có khiếu về vẽ.


Em gái Trần Thị Thủy Ngọc sang Pháp từ năm 1969, học đàn tranh với Ba tôi tại Pháp và phụ giúp Ba tôi dạy đàn tranh tại Trung tâm nghiên cứu nhạc Ðông Phương (1980-1987). Hiện làm việc cho trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp, trong một ban nghiên cứu về Đông Nam Á tại Paris.

Tôi học nhạc từ năm 5 tuổi. Lúc đó Ba tôi đã đi sang Pháp rồi. Bên nhà, xung quanh tôi không ai biết nhạc để hướng dẫn tôi. Má tôi cho tôi học đàn Mandoline, rồi học vĩ cầm, rồi dương cầm. Ðến khi trường quốc gia âm nhạc mở cửa tại Sài Gòn năm 1955, tôi là nhạc sinh đầu tiên của trường, và học vĩ cầm với ông Phạm Gia Nhiêu (từ trần ở Sài Gòn) năm đầu tiên. Những năm kế tiếp tôi học vĩ cầm với ông Ðỗ Thế Phiệt (đã từ trần tại Sài Gòn) cho tới năm tốt nghiệp năm 1961. Về nhạc lý tôi học với hai ông Nguyễn Cầu (từ trần tháng 12, 1992 tại Washington DC, Hoa Kỳ) và Hùng Lân ( từ trần tại Saigon). Khi sang Pháp vào cuối năm 1961, lần đầu tiên tôi gặp lại Ba tôi sau 13 năm xa cách, tôi chỉ có ý định học nhạc Tây Phương để trở thành nhạc sĩ vĩ cầm chứ không có ý định tiếp tục truyền thống nhạc cổ của gia đình.

Phải nói là nhờ nhạc sư vĩ cầm Yehudi Menuhin đã khuyên tôi nên trở về nguồn thì họa may tôi có thể trở thành thày của người Tây Phương. Tôi đã nghe lời ông Yehudi Menuhin. Từ đó tôi học đàn tranh và nhạc lý Á châu với Ba tôi tại Sorbonne cũng như tại Trung tâm nghiên cứ nhạc Ðông Phương.

Trong thời gian 8 năm dài đăng đẳng, tôi đã lỉnh hội về nhạc lý cũng như thực tập một số nhạc khí như trống Zarb của Ba Tư, đàn nhị nan hu của Trung quốc, đàn vina của Ấn độ miền Nam, hát kinh kịch Trung quốc, hát múa rối Bunraku của Nhựt, đàn gamelan của Nam Dương. Tôi tự học đàn độc huyền, đàn cò, sinh tiền. Tôi đã phát triển kỹ thuật đàn môi sau khi học với người bạn xứ Anh là John Wright nhờ nghe và thấy nhiều loại đàn môi khác trên thế giới.

Lúc nhỏ, tôi có học đánh muỗng căn bản ở Việt Nam. Khi sang Pháp, gặp một người bạn nhạc sĩ Mỹ, tên là Roger Mason, đánh muỗng thật hay. Chính nhờ sự trao đổi kỹ thuật đánh muỗng qua những cuộc “đụng độ” tranh tài muỗng trên sân khấu mà tôi phát triển cách đánh muỗng. Cho tới ngày hôm nay, tôi là người duy nhứt thế giới trình diễn độc tấu muỗng trên sân khấu. Tôi có dịp chạm trán với những danh tài về muỗng tại Mỹ, Gia nã đại, Nga, Anh, Pháp, Thỗ Nhĩ Kỳ, nhưng chưa ai có thể đánh muỗng hay hơn tôi. Và tôi đã được “tôn” làm “Vua Muỗng” (Le Roi des Cuillers / The King of Spoons) tại một đại nhạc hội dân nhạc ở Cambridge Folk Music Festival vào năm 1967.

Sau khi đậu xong bằng cao học về dân nhạc của trường cao đẳng khoa học xã hội, tôi được Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học nhận vào làm việc từ đầu năm 1968. Vài năm sau tôi đệ trình luận án tiến sĩ về sự khám phá kỹ thuật hát đồng song thanh. Tôi tự khám phá cách hát đồng song thanh, tức là hát hai giọng cùng một lúc, do dân Mông Cổ và dân Tuva miền Tây Bá Lợi Á. Tôi đã năng luyện kỹ thuật hát này để trở thành một người chuyên môn duy nhứt trên thế giới có thể truyền dạy kỹ thuật hát đồng song thanh cho bất cứ người nào trong vòng 3 phút.

Năm 1989, tôi cùng anh bạn cùng sở Hugo Zemp hoàn thành cuốn phim nhan đề “Le Chant des Harmoniques” (Bài hát bồi âm) dựa trên ba khía cạnh nghiên cứu: cách đo bồi âm của giọng hát qua máy Sonagraph, cách đo cổ họng và miệng qua quang tuyến X (rayon X / X-ray), và phương pháp dạy hát của tôi. Phim dài 38 phút, chiếm 4 giải thưởng quốc tế (Estonie năm 1990, Pháp năm 1990, Canada năm 1991). Năm 1995, tôi được mời sang Kyzyl, thủ đô của xứ Tuva, để làm chánh chủ khảo cuộc thi hát đồng song thanh cho 300 ca sĩ hát theo kỹ thuật này. Năm 1997 tôi nghĩ tới chuyện sáng chế ra một cây đàn môi mang tên tôi. Với sự giúp đở kỹ thuật của Hồ Bách Nghĩa, tôi đã thực hiện giấc mộng của tôi là lưu lại cho đời sau một nhạc khí mang tên tôi. Cây đàn môi này đã được tặng cho viện bảo tàng ở Cape Town (Nam Phi), viện bảo tàng đàn môi của xứ Yakut (Tây bá lợi á), viện bảo tàng đàn môi ở Molln(Áo quốc). Cùng một năm, tôi viết 17 tác phẩm cho đàn môi nhiều loại và có thu vào một CD mang tên là “Guimbardes du Monde / Jew’s Harps of the World/ TrânQuang Hai” do hãng dĩa Playasound phát hành tại Paris vào tháng 11,1997. Năm 1998, tôi được mời như là thượng khách của đại hội đàn môi thế giới để tham luận về đàn môi Á châu, đàn môi trong nhạc mới Tây phương, và trình diễn. Tôi được may mắn được chọn là Nhạc Sĩ đánh đàn môi hay nhứt đại hội ( The Best Jew’s Harp Player of the Festival) gồm những người chơi đàn môi giỏi nhứt. Trong hai năm 1999 và 2000, tôi được mời làm thượng khách (invité d’honneur) hay chủ tịch danh dự (président d’honneur) của nhiều đại nhạc hội (Festival d’Auch/Eclats des Voix năm 1999, Festival de Pérouges/Au Fil de la Voix năm 2000, vv…). Năm 2002, tôi được huy chương Bắc đẩu bội tinh (Légion d’Honneur) của Pháp và năm 2009 huy chương danh dự làm việc hạng đại kim (médaille d’honneur du Travail, catégorie Grand Or) của Pháp.

Năm 2004, tôi hợp tác cùng Luc Souvet thực hiện một DVD “Le Chant Diphonique” dành cho học sinh trung học do Centre Régional de Documentation pédagogique ở Saint Denis (đảo La Réunion) phát hành. Năm 2009, một DVD về nhạc truyền thống Việt Nam được xuất bản tại Pháp. Năm 2012, Patrick Kersalé có thực hiện một chương trình “Mystères Voix du Monde “ với tôi là người dẫn giải trên blog http: //geozik.com. Năm 2013, Patrikc Kersalé có thu hình buổi nói chuyện của tôi về hát đồng song thanh tại Festival de l’Ile Noirmoutier với tựa đề “Le chant des harmoniques” cũng trên blog: http: //geozik.com.

Sau nhiều năm trình diễn nhạc Việt tại các đại nhạc hội quốc tế, giảng dạy tại các trường đại học thế giới, tôi đã và đang tiếp tục duy trì truyền thống nhạc cổ gia đình. Với tổng số 23 dĩa hát(15 dĩa 33 vòng, 8 dĩa CD) được phổ biến khắp nơi từ hơn 45 năm nay, tiếp tục con đường phát huy nhạc Việt ở hải ngoại của phụ thân tôi. Một mặt lo bảo vệ truyền thống, một mặt khác tôi tự vạch một hướng đi cho riêng tôi. Ðó là hòa mình vào trong xã hội Tây phương. Những thử thách đi từ sáng tác nhạc Việt (400 bài) đến trình diễn nhạc Jazz, nhạc Pop, qua nhạc phim Tây phương. Tôi đã khởi công làm nhạc điện tử (Về Nguồn,một sáng tác cùng với nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Tường (1929-1997 tại Pháp), nhạc đương đại tùy hứng (một dĩa 33 vòng SHAMAN với nhạc sĩ Jazz Misha Lobko, 1982), nhạc tùy hứng tập thể, những loại nhạc cận đại thuộc khuynh hướng tân kỳ nhất, và một số bài bản đã được trình diễn tại các nhạc hội quốc tế. Năm 1997, tôi có cộng tác trong dự án bộ dĩa 3 CD với đề tựa VOIX DU MONDE do 30 nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học đã chiếm giải thưởng Grand Prix du Disque de l’Académie Charles Cros, Le Diapason de l’Année, Le CHOC de l’annéẹ Tôi cũng có tham dự việc thực hiện một dĩa 2 CD về nhạc sắc tộc Việt Nam, được xuất bản vào tháng 11, 1997 nhân dịp lễ Thượng Ðỉnh Pháp Thoại lần đầu.

Nữ ca sĩ Bạch Yến, một giọng ca quen thuộc của làng tân nhạc Việt Nam, đã từng nổi tiếng qua bài “Ðêm Ðông” (nhạc của Nguyễn Văn Thương) và những bài ca nhạc ngoại quốc, đã mang đến cho tôi sau ngày chúng tôi thành hôn với nhau, một nguồn hứng mới. Bạch Yến đã đóng góp vào việc phổ biến nhạc Việt ở hải ngoại một cách đắc lực và kín đáo. Kinh nghiệm về sân khấu, về sự tổ chức chương trình, cũng như sự lưu ý đến trang y phục để làm cho chương trình trình diễn có một giá trị sân khấu và nghệ thuật cao hơn. Hai chúng tôi đã sát cánh từ hơn 30 năm nay và đã gặt hái nhiềuthành công, cụ thể hóa bằng một giải thưởng tối cao Grand Prix du Disque de l’Académie Charles Cros năm 1983 tại Paris cho dĩa hát của chúng tôi “Viêt Nam – Trân Quang Hai & Bach Yên” do hãng dĩa Studio SM phát hành tại Paris, một huy chương vàng âm nhạc năm 1986 do Hàn Lâm Viện Văn Hóa Á Châu ban tặng, và nhiều giải thưởng quốc tế khác.
Với 5 đời nhạc sĩ cổ truyền, với một truyền thống âm nhạc gia đình hơn 160 năm, môĩ một đời nhạc sĩ đã có những bước tiến ngày càng nới rộng. Ðời thứ nhứt chỉ giới hạn trong thành nội Huế mà thôi. Ðời thứ nhì đã thay đổi vào miền Nam và đã có sáng tác bài bản cho đàn tỳ bà. Ðời thứ ba được đánh dấu bằng sự sáng tạo dây Tố Lan cho cách lên dây đàn kìm để đàn cảc bài buồn và liên kết giữa hai gia đình nhạc sĩ. Ðời thứ tư được chứng mình bởi ảnh hưởng Tây phương và việc phát huy nhạc cô truyền ơ hải ngoại. Ðời thứ năm nhắm vào sự trình diễn nhạc Việt ở hải ngoại và sự hội nhập các luồng nhạc cổ tân Ãu Á trong một chiều hướng sáng tác cận đại trong một chiều hướng đương đại. Ðời thứ sáu chưa thấy có một viễn ảnh tốt đẹp. Các con học nhạc rất ít, không có năng khiếu về âm nhạc. Con gái tôi, Trần thị Minh Tâm (sinh năm 1973), học xong cử nhân về nhạc học tại trường đại học Sorbonne ở Paris (Ba tôi, tôi và con gái tôi đều học chung một trường dạy về nhạc học). Ngoài ra con tôi học piano 10 năm, nhạc lý 11 năm. Từng hát cho dàn hợp xướng của trường đại học Sorbonne. Nhưng lại không thích nghiên cứu âm nhạc vì nghĩ là đã có ông nội và cha nổi tiếng trong lĩnh vực này. Sau khi đậu cử nhân nhạc học, cháu tìm được việc làm tổ chức đại nhạc hội cho nhạc cổ điển bên Thụy Sĩ (Festival VERBIER rất nổi tiếng ở Thụy Sĩ chuyên về nhạc cổ điển tây phương) từ năm 1997. Cháu đã làm việc tại Paris cho một tổ chức chuyên về nhạc baroque từ năm 2008. Hiện cháu chuyển sang ngành nghiên cứu ẩm thực việt nam và hy vọng sẽ viết sách về bộ môn ẩm thực với các món đặc sản và bình dân của Việt Nam trong một tương lai gần đây. Cố nhạc sĩ Trần Văn Trạch có một người con gái tên là Nguyệt Hà (thuộc đời nhạc sĩ thứ 6) hiện là giáo sư dạy đàn piano ở hai âm nhạc viện thuộc vùng ngoại ô Pháp.

Có thể truyền thống nhạc gia đình họ Trần đến đây là chấm dứt hay có thể trao lại cho một người nào khác không phải ở trong gia đình? Tôi vẫn tiếp tục tìm một người để trao lại những gì tôi đã học đuợc hầu tiếp nối con đường tôi đã và đang dấn thân đi. Cái khó khăn của tôi là khó tìm cho ra một người có đủ khả năng và chịu để hết thời giờ và tâm chí vào việc học nhạc và nghiên cứu nhạc, cũng như trình diễn nhạc, nhất là trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Ở trong nước, tôi không có hy vọng vì tôi không có mặt trong xứ để khám phá “người trong mộng”. Tôi chỉ nuôi mộng ảo và ước mong sao mộng ảo đó có ngày sẽ trở thành sự thật thì lúc đó dù tôi có nằm xuống đi rồi, tôi cũng sẽ ngậm cười toại nguyện vì truyền thống nhạc của gia đình họ Trần vẫn còn được tiếp nối qua những thế hệ sau.

Trần Quang Hải (Paris)

Trần Quang Hải (TQH): Tôi sinh ngày 13 tháng 5, năm 1944 tại làng Linh Đông Xã, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định, miền Nam Việt Nam. Lúc còn học sinh, học tại trường trung học Trương Vĩnh Ký và học nhạc tại trường quốc gia âm nhạc Saigon từ năm 1955 tới 1961. Sang Pháp năm 1961, học khoa nhạc học tại trường đại học Sorbonne, và trung tâm nghiên cứu nhạc Đông Phương (Centre of Studies for Oriental Music) ở Paris. Trong thời gian đó, tôi lại học môn dân tộc nhạc học (ethnomusicology) tại trường cao học khoa học xã hội (School of Studies for Social Sciences). Đậu tiến sĩ dân tộc nhạc học vào năm 1973. Làm việc tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (National Center for Scientific Research) từ năm 1968 tới ngày nay (41 năm) với chức vụ nghiên cứu gia về dân tộc nhạc học (ethnomusicologist) chuyên về nhạc Việt Nam và nhạc Á châu, đặc biệt về giọng hát.


Ba và Bà Nội chụp năm 1924.



Thủy Tiên, Minh, Hải, Thủy Ngọc (1954).



Trần Văn Khê & Nguyễn Thị Sương, Minh, Hải, và Thủy Tiên chụp năm 1949 ở nhà đường Monceau, Tân Định, Saigon trước ngày Ba đi sang Pháp.


Trần Văn Khê, Trần Quang Hải, Bạch Yến, Trần Quang Minh tại tư gia của GS Trần Văn Khê, 2009.