Thay thế Ý Thức Hệ bằng Văn Hóa Chính Trị

(Tham luận trong dịp ra mắt sách “Trần Văn Thạch (1905-1945): Cây bút chống bạo quyền áp bức” tại Sceaux, ngày 14 tháng 6, năm 2014)


Thưa quí vị,
Thưa các bạn,

Nếu tôi được phép nói với quí vị và các bạn, như trong chỗ tình thân, những cảm nghĩ cuối đời của tôi, thì tôi muốn được qúi vi và các bạn chia sẻ với tôi nhận định, chỉ tầm thường thôi, là chuyện đời rút lại không là gì khác hơn chuyện sống và chết. Ai cũng muốn sống chẳng ai thích chết nhưng sau cùng thì rồi ai cũng phải chết. Vậy mối quan tâm của mọi người là phải sống như thế nào và nếu chẳng tránh được chết thì phải chết ra sao.

Hôm nay chúng ta họp mặt tại đây để được giới thiệu về một tác phẩm có liên quan tới cuộc sống của một người dân Việt Nam, một nhân vật văn hóa chính trị, vào thời điểm đầu thế kỷ trước, đã hiến trọn cuộc dời của mình cho sự nghiệp tranh đấu chống Pháp, giành dộc lập cho đất nước và tự do cho đồng bào.

Quý vị đã nghe mấy diễn giả trước tôi trình bày rất đầy đủ về thân thế và sự nghiệp tranh đấu chính trị của ông Trần Văn Thạch, một nhà trí thức dân thuộc địa chống mẫu quốc thực dân, rồi khi không còn thực dân nữa, chống độc tài bản địa.

Trường hợp của ông Trần Văn Thạch hôm nay đã được gợi lại, đúng vào lúc đất nước đang trải qua một cơn khủng hoảng toàn diện vì chế độ, cách đây hơn nửa thê kỷ, đã tước đoạt quyền chính trị, thậm chí cả quyền sống của ông Trần Văn Thạch, với thực chất toàn trị không hề thay đổi, vẫn còn đang tiếp tục cầm quyền. Do đó phải khẩn cấp đặt vấn đề tổ chức lại cuộc sống chung trong xã hội, theo tiêu chuẩn của thời dại văn minh những năm 2000. “Thay thế ý thức hệ bằng văn hóa chính trị” là một trong nhiều cách nhìn, cách hiểu, cách thực hiện cuộc vận động thay đổi ấy.

Nhưng trước hết cần hỏi rằng “Thay thế ý thức hệ bằng Văn Hóa Chính Trị” là gì? Và tại sao phải thay thế ý thức hệ bằng Văn Hóa Chính Tri?

Nhóm chữ “Thay Thế Ý thức hệ bằng Văn Hóa Chính Trị” có hai thuật ngữ khó hiểu là Ý thức hệ và Văn Hóa Chính Trị. Nếu hai thuật ngữ này được định nghĩa một cách rõ ràng, chúng sẽ giúp giải thích vì sao lại phải lấy Văn Hóa Chính Trị thay thế Ý thức hệ.

Rất tiếc là một buổi ra mắt sách không phải là loại khung cảnh trao đổi ý kiến mang đặc tính những cuộc hội luận chuyên đề. Ngoài ra, thời lượng dành cho phần tham luận vì rất ngắn nên sự phát biểu của người tham luận cũng chỉ được triển khai trong phạm vi đại cương.

Trước những hạn chế như vậy, tôi xin góp với tác giả Trần Mỹ Châu và các thuyết trình viên trong buổi ra mắt sách này mấy nhận định sau đây về trường hợp ông Trần Văn Thạch.

Tôi sẽ khởi đi từ sự khẳng định rằng, tại Việt Nam, tập đoàn cầm quyền cộng sản thuộc phe Đệ Tam Quốc Tế, vì lý do ý thức hệ, đã thủ tiêu ông Trần Văn Thạch như trước đó ở Liên Xô, Stalin đã cho người ám sát Trosky. Ý thức hệ của phe Đệ Tam đã thúc đẩy và cho phép những người làm chính trị của phe này đứng ngoài vòng pháp luật, đứng trên pháp luật, ngang nhiên phạm những tội ác cướp của, giết người. Vì ý thức hệ đó là một thứ văn hóa bệnh hoạn thể hiện phần thú tính còn tàng trữ trong con sinh vật người và tuân theo sự hướng dẫn của bản năng. Thế kỷ XX là thời toàn thịnh của ý thức hệ phát xít, na di và ý thức hệ cộng sản toàn trị trong đó bạo lực khủng bố đã được định chế hóa, được hậu thế ghi khắc như một thời của đại họa vô nhân đạo. May thay, cuộc thế chiến lần thứ hai, một cuộc chiến tranh nóng, đã loại trừ được ý thức hệ phát xít na di, đẩy lui nó ra khỏi vũ đài lịch sử. Với cuộc chiến tranh lạnh, đến lượt ý thức hệ cộng sản bị đào thải gần như khắp trên hoàn vũ, chỉ còn sót lại bốn nước cộng sản tàn dư, trong đó có Việt Nam, thủ phạm của những tội ác đối với nhà trí thức chiến sĩ tự do Trần Văn Thạch.

Hôm nay hồi tưởng lại những tội ác đó chúng ta như đang được đặt trước một cuộc thử thách mà chúng ta phải vượt qua.

Bài học và tấm gương Trần Văn Thạch đưa chúng ta đến việc vận động thay thế ý thức hệ bệnh hoạn đó bằng văn hoá chính trị lành mạnh để đào tạo con người lành mạnh. Bằng cách nào và làm sao, đó là thách thức cho tất cả chúng ta.

Quyển sách Trần Văn Thạch, Cây bút chống bạo quyền áp bức ra đời đúng lúc, vì Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng toàn diện. Ý thức hệ cộng sản dưới chế độ xã hội gọi là chủ nghĩa tại Việt Nam đã và vẫn còn đang chà đạp giá trị con người.

Tại Việt Nam, giá trị bẩm sinh con người đã được tiền nhân từ bác học đến người bình dân đề cao từ thời xa xưa. Giá trị ấy được gói ghém trong câu sau đây trích dẫn từ Kinh Lễ:

“Nhân giả kỳ thiên hạ chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí giã”. Nghĩa là ”Người là cái đức của trời đất, sự giao hợp của âm dương, sự tụ hội của quỷ thần và cái khí tinh tú của ngũ hành”.

Còn ca dao thì định giá trị con người như sau:

Dẫu xây chín đợt phù đồ
Không bằng làm phước cứu cho một người

Con người lành mạnh sống chung với đồng loại trên nền tảng bình đẳng. Ai cũng có quyền sống và quyền sống đó được tôn trọng.

Trên thực tế, và trong các xã hội văn minh tiến bộ, con người và giá trị con người được luật pháp bảo vệ. Không ai có thể nhân danh bất kỳ danh nghĩa gì để xâm phạm đến giá trị ấy. Và luật pháp trừng trị nghiêm khắc những hành vi xâm phạm giá trị này.

Từ hơn nửa thế kỷ trước, đất nước bị người Pháp đô hộ, Trần Văn Thạch đã anh dũng tranh đấu cho giá trị con người Việt Nam tại miền Nam thuộc địa. Khi cả nước được đặt dưới quyền cai trị của tập đoàn cầm quyền người bản địa, ông vẫn tiếp tục tranh đấu. Ông đã ngã xuống vì đấu tranh cho một cuộc sống lành mạnh, văn minh, độc lập, tự do. Chúng ta ghi nhớ sự nghiệp và sự hy sinh của ông. Chúng ta nhận lãnh trước lịch sử sứ mạng thực hiện viêc thay thế ý thức hệ bệnh hoạn đó bằng văn hoá chính trị lành mạnh. Càng sớm càng tốt.

Đó là lấy văn hoá chính trị lành mạnh thay thế cho ý thức hệ bệnh hoạn với bàn tay giết giết không ngừng nghỉ, ngoại lai, xa lạ với dân tộc ta.

Chưa bao giờ tôi cảm thấy thời cơ đến gần với chúng ta như bây giờ. Nhưng thời cơ đến không phải để hành động thay cho chúng ta. Mà để mở đường cho chính chúng ta hành động

Tôi thấy dường như chúng ta đang đi trên đại lộ Champs Élysées, tiến bước đến trước Khải Hoàn Môn, trên đó sáng ngời hàng chữ

Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia đó bằng ba chữ tài.