Ảnh “độc” chụp tại Nhà Trắng trong ngày Sài Gòn thất thủ


Kissinger nói: “Tình hình thực tế và lý do tại sao, là gì? Có thể làm gì?” Weyand hứa: “Chúng tôi sẽ mang về một đánh giá chung và cung cấp một cái nhìn chính xác nhất về tình hình hiện nay”.


Lời tự sự của tác giả chùm ảnh, nhiếp ảnh gia David Hume Kennerly:

Tôi đã may mắn có vị trí tác nghiệp đắt giá trong thời gian kết thúc của cuộc Chiến tranh ở Việt Nam, cuộc chiến tranh mà tôi đã dành hơn 2 năm cuộc đời lăn lộn trên các chiến trường ở mảnh đất này.

Câu chuyện Việt Nam của tôi bắt đầu vào đầu năm 1971, khi Hãng tin thông tấn quốc tế (UPI) giao cho tôi tiếp quản văn phòng ở Sài Gòn để thay thế cho nhiếp ảnh gia Kent Potter. Khi đó, Kent Potter dự kiến là sẽ quay trở về nhà nhưng ông ấy không bao giờ có cơ hội đó nữa. Ngày 10/2/1971, Potter và 3 nhiếp ảnh gia khác đã thiệt mạng khi chiếc trực thăng chở họ bị bắn rơi ở Lào trong chiến dịch Lam Sơn 719 của quân đội Sài Gòn. Cùng trên chuyến bay này còn có phóng viên Larry Burrows của tờ Life, Henri Huet của AP, và Keisaburo Shimamoto của Newsweek, tất cả họ đều tử vong.

Tôi không quen biết ai trong số những nhiếp ảnh gia này, nhưng Burrows là thần tượng của cá nhân tôi, những bức ảnh của ông là nguồn cảm hứng cho mong muốn của tôi tham gia vào cuộc chiến với tư cách phóng viên ảnh.

Một vài tuần sau đó, tôi đã nằm trong một kế hoạch ràng buộc chặt với thành phố Sài Gòn. Tôi đã dành hơn hai năm chụp ảnh chiến tranh ở Đông Dương, năm 1972 tôi nhận được giải Pulitzer cho những bức ảnh của tôi tại Việt Nam, Campuchia và Ấn Độ, nơi tôi chụp về những người tị nạn chạy trốn qua biên giới từ Đông Pakistan. Việt Nam đã trở thành một phần của trong máu thịt của tôi; tất cả mọi điều xảy ra với tôi kể từ đó đã trở thành kinh nghiệm sống và làm việc. Tôi mới 24 tuổi, và năm đầu tiên của tôi là một nhiếp ảnh gia trong một chiến trường ác liệt. Có nhiều sự cố vô cùng nguy hiểm đã xảy ra và tôi đã từng nghĩ rằng, tôi sẽ không thể đón sinh nhật tuổi 25. Vì thế, khi tôi tổ chức sinh nhật ở Sài Gòn, tôi cảm thấy mỗi người quanh tôi là một phần thưởng thật sự. Cho đến nay, vận may sống sót đó đã bổ sung thêm vào cuộc đời tôi 43 năm nữa! Tôi đã cố gắng sử dụng những năm tháng đó thật tốt.

Tôi trở về Mỹ vào giữa năm 1973, làm việc cho tạp chí Time. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của tôi là vụ scandal Watergate, tôi cũng đã được phân công để chụp ảnh nhà lãnh đạo nhóm thiểu số Gerald R. Ford khi Phó Tổng thống Spiro Agnew từ chức vào mùa thu năm đó.

Một bức chân dung mà tôi đã chụp Ford được in trên trang bìa của tạp chí Time khi Nixon tuyên bố rằng ông sẽ thay thế Agnew làm phó tổng thống mới. Tiếp sau đó tôi đã dành hoàn toàn thời gian cho Ford.

Khi Tổng thống Mỹ Nixon từ chức, Ford lên thay thế. Ông ấy đã chỉ định tôi là nhiếp ảnh gia chính của ông. Với công việc này tôi có quyền thâm nhập mọi nơi, không chỉ theo sát hoạt động của Tổng thống và gia đình, mà tất cả những gì diễn ra đằng sau hậu trường. Đây là một vinh dự, và một công việc cực kỳ thú vị, đồng thời, đây cũng là thời gian hoạt chuyên nghiệp nhất và bổ ích cá nhân trong cuộc đời tôi. Ngày 3/3/1975, 6 tháng sau khi tổng thống Ford nhậm chức, tình hình miền Nam Việt Nam bắt đầu căng thẳng hơn khi quân đội Việt Nam tấn công thành phố Ban Mê Thuột tỉnh Tây Nguyên.

Sau vài ngày chiến đấu ác liệt, quân đội Mỹ tại Sài Gòn đã phải chịu hàng ngàn thương vong, quân đội Việt Nam tiến vào thành phố trọng điểm. Đây là khởi đầu của sự kết thúc chính quyền Nam Việt Nam. Khi đó, tôi đã có mặt bên trong Nhà Trắng được trao một cơ hội tuyệt vời để quan sát cuộc chiến tranh từ bên trong sảnh đường quyền lực. Vị thế đặc biệt này cho tôi một chuyến đi bí mật trở lại Việt Nam theo một nhiệm vụ đặc biệt mà Tổng thống Ford giao và sau đó trở lại Nhà Trắng cho đêm chung kết của bộ phim truyền hình dài tập đẫm máu Việt Nam. Những ngày cuối cùng của tháng 4/1975 là những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh địa ngục ở Việt Nam. Tôi hầu như không ngủ, và cố gắng chụp ảnh mỗi phút có thể trong những ngày cuối cùng căng thẳng.

Đây là những bức ảnh quý giá những ngày sụp đổ của chính quyền Sài Gòn:



Ngày 16/3/1975, tại văn phòng Nhà Trắng, cố vấn hội đồng an ninh quốc gia Brent Scowcroft nói chuyện điện thoại với một đồng nghiệp. Nét mặt ông không thể giấu được mức độ nghiêm trọng của tình hình khi quân đội Việt Nam đã hiện diện tại Huế.


25/3/1975: Tổng thống nói với Weyand - Tham mưu trưởng của Lục quân Hoa Kỳ: “Anh hãy đi với ngài đại sứ. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của anh. Anh đừng để mất nhiều thời gian - hãy nghiên cứu tình huống và xem liệu chúng ta có thể làm gì”, Tổng thống tiếp tục: “Chúng tôi muốn anh tư vấn về những điều mà có thể gây sốc cho miền Bắc. “Tôi lấy làm tiếc tôi không có quyền làm một số việc mà Tổng thống Nixon có thể làm”. Kissinger nói: “Tình hình thực tế và lý do tại sao, là gì? Có thể làm gì?” Weyand hứa: “Chúng tôi sẽ mang về một đánh giá chung và cung cấp một cái nhìn chính xác nhất về tình hình hiện nay”.


25/3/1975: Sau khi các quan chức ra về, tôi chụp bức ảnh này khi Tổng thống còn một mình trong văn phòng, rõ ràng ông rất thất vọng. Chúng tôi đã nói chuyện về chuyến đi, tôi nói với ông rằng, tôi có kinh nghiệm ở Việt Nam, tôi muốn đi cùng Weyand. Tổng thống đồng ý và nói rằng ông sẽ chờ tôi cung cấp cho ông ta một quan điểm khách quan và thẳng thắn khi tôi trở lại. Văn phòng của tôi ở tầng trệt của Nhà Trắng, tôi trở về và nói với nhân viên rằng tôi sẽ có một chuyến đi vào ngày hôm sau. Tôi treo một dấu hiệu trên cánh cửa của tôi và nói: “Tôi đến Việt Nam, sẽ trở lại trong 2 tuần”. Nhân viên của tôi nghĩ rằng tôi đã nói đùa cho đến khi tôi không quay lại văn phòng trong gần 2 tuần sau đó. Tối hôm ấy, tôi đã đi để nói lời tạm biệt với gia đình Ford và đề tổng thống cho vay một khoản tiền. Đó là những ngày trước khi có ATM. “Các ngân hàng đã đóng cửa, tôi sẽ đi trước khi họ mở cửa”, tôi nói. Ford lôi tất cả những đồng tiền trong ví của mình. “Ở đây là 47USD”, ông chìa ra cho tôi xem.


26/3/1975: Trên chiếc máy bay C-141, đã hai lần dừng tiếp nhiên liệu ở Anchorage và Tokyo trước khi đến Sài Gòn 24 giờ sau đó, của Tướng Weyand có Ken Quinn, nhân viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, chuyên về khu vực Đông Nam Á, ông George Carver và Ted Shackley, hai quan chức cấp cao của CIA. Ken và một số nhân viên Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) đang điều khiển một mạng lưới ngầm hiệu quả, rộng lớn và hoàn toàn không chính thức sơ tán ngàn người Việt Nam ra khỏi đất nước an toàn. Đại sứ Mỹ cho biết sẽ không có cuộc tắm máu trả thù nếu quân đội Việt Nam tiến vào miền Nam Việt Nam.


29/03/1975: Tôi không phải là thành phần trong cuộc họp giao ban chính thức của Weyand, nhưng tôi có một chỉ thị cá nhân của Tổng thống Ford xem xét và đưa ra quan điểm của riêng tôi về tình hình. Tôi đã gặp Montcrieff Spear, tổng lãnh sự Mỹ tại Nha Trang, khi ông này chuẩn bị rời khỏi Việt Nam. Vợ ông đang đóng gói hành lý khi tôi đến. Tuy nhiên, trước khi ông đi, ông ta cần phải tìm thấy đồng nghiệp của ông là tổng lãnh sự Al Francis, đã trốn khỏi Đà Nẵng.


30/3/1975: Spear và tôi lấy một chiếc trực thăng của hãng hàng không Air America đến Vịnh Cam Ranh để tìm kiếm Francis, lúc này đã chạy trốn khỏi Đà Nẵng bằng một con tàu bị bắt cóc bởi lính Nam Việt. Một con tàu lớn chen chúc hàng ngàn binh lính, một vài người trong số họ trong tình trạng thất vọng đã bắn vào trực thăng mang cờ Mỹ của chúng tôi.


30/3/1975: Francis đã trốn thoát trên một chiếc tàu kéo, chúng tôi đã phát hiện ra ông ta. Ông vẫy tay khi chúng tôi bay qua, chúng tôi hạ cánh tại vịnh Cam Ranh đón ông ta, chúng tôi đưa ông và Spear quay trở lại Sài Gòn bằng đường vòng qua Phnom Penh.

31/3/1975: Tôi ở Việt Nam theo mệnh lệnh Tổng thống, sau đó bay đến Phnom Penh bằng máy bay của Air America! Sân bay Pochentong bị gần như đóng cửa trước hỏa lực pháo binh, tôi gặp Matt Franjola, phóng viên và cũng là người bạn cũ từ Liên đoàn báo chí (AP) đến đón tôi. Ông ngồi trong chiếc xe jeep, lãnh đạm như mọi khi ngay cả khi tên lửa phát nổ gần đó. Ông đưa tôi đi uống tại khách sạn cũ Lê Phnom, nơi mà tôi đã hưởng thụ một ngày đặc biệt với Martini và súng cối.


31/3/1975: Sau giờ chiều, Matt chở tôi đến Đại sứ quán Mỹ, nơi tôi tham gia một cuộc họp bí mật về tình hình nghiêm trọng tại Campuchia của Đại sứ Mỹ John Gunther Dean và các nhân viên. Tại trung tâm hoạt động chiến thuật, bản đồ cho thấy mũi tên màu đỏ lớn của lực lượng Khmer Đỏ đến từ mọi hướng về phía thủ đô Phnom Penh. Chúng tôi đã bị bao vây. Các nhân viên đại sứ quán đã được chuẩn bị một cuộc di cư bằng trực thăng dành riêng cho công dân Hoa Kỳ và một số nước đồng minh nếu tình hình xấu hơn nữa.


Một người chồng Camphuchia đang an ủi người vợ của mình, bà bị thương và đang lặng lẽ ra đi trên tay chồng.


31/03/1975: Tôi đã thực hiện một bức chân dung của một em bé tị nạn Campuchia trong hàng ngàn người chen chúc tại một khách sạn đổ nát bên bờ sông Mekong. Tôi thấy em bé đeo một cái thẻ bài. Hình ảnh của cô bé là biểu tượng tất cả những đau khổ mà trẻ em trên toàn thế giới vì cuộc chiến tranh vô nghĩa. Tôi luôn bị ám ảnh bởi khuôn mặt của em bé và thậm chí khi du lịch tới Phnom Penh vài năm trước, tôi đã thử tìm em bé này, nhưng không có may mắn gặp lại.


Một đứa trẻ tị nạn Campuchia tại một bệnh viện ở Phnom Penh, Campuchia ngày 29/3/1975. Hai tuần sau, lực lượng Khmer Đỏ đánh chiếm hoàn toàn Campuchia.


Ngày 3/4/1975: Tôi trở về Sài Gòn trong thời gian tham dự một cuộc họp mà tại đó Weyand và đoàn của ông trao đổi nhiều vấn đề quan trọng cùng Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu trong văn phòng tại phủ tổng thống Sài Gòn. Đây là cuộc họp không hề dễ chịu. Tôi đã chụp một bức ảnh của Thiệu tại bàn làm việc với một bức tranh truyền thống Việt Nam treo đằng sau. Tôi tự hỏi ông ta còn ngồi bao lâu trong cái ghế đó? Chỉ 18 ngày sau đó.


Ngày 5/4/1975: Weyand trình bày ý kiến của mình cho Ford tại nhà riêng của tổng thống ở Palm Springs, California. Weyand không lạc quan, nhưng ông ta đã chỉ ra một vài cơ may có thể ngăn chặn cuộc tấn công của quân đội Việt Nam nếu Quốc hội phân bổ ngân sách để giúp đỡ đồng minh. Tổng thống rõ ràng không hài lòng với những gì vừa nghe được.


Ngày 5/4/1975: Tôi mang theo những bức ảnh đen trắng mà tôi chụp được trong chuyến thực địa tại Việt Nam và tôi đã trình bày Ford những nhìn nhận cực kỳ khó lọt tai tổng thống qua từng bức ảnh. Tôi trình bày: “Bất cứ ai nói với ông rằng Nam Việt Nam có thể trụ vững 3, 4 tuần hay hơn nữa, người đó đang lừa dối ông”. Hai hoặc ba ngày sau đó những bức ảnh đen trắng này đã thay thế hoàn toàn các bức ảnh mầu trang trí trên West Wing cảnh báo về kết thúc của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Campuchia. Tất cả mọi người đã biết về điều này.


Trong bức ảnh hiếm có này, các quan chức CIA trực tiếp tóm tắt tình hình cho tổng thống, có mặt trong cuộc họp là Giám đốc đơn vị tình báo CIA khu vực Đông Á Ted Shackley và Phó Giám đốc phụ trách các văn phòng tình báo an ninh quốc gia George Carver đang cân nhắc và đưa ra cho tổng thống những đánh giá sơ lược.


Ngày 5/4/1975: Tổng thống và phu nhân bay đến San Francisco sau khi cuộc họp của ông với Tướng Weyand và các cộng sự để chào đón một chuyến bay chở trẻ mồ côi Việt đến Mỹ - một phần của Chiến dịch Babylift, sơ tán trẻ em từ khu vực Đông Nam Á. Khi chuyến bay cuối cùng ra khỏi Nam Việt Nam, Mỹ đã di tản hơn 3.300 trẻ sơ sinh và trẻ em. Cùng với các cuộc di tản khác, hơn 110.000 người tị nạn đã sơ tán khỏi Nam Việt Nam vào thời điểm cuối cuộc chiến tranh.


Ngày 5/4/1975: Hàng ngàn trẻ em từ Việt Nam được tiếp nhận vào các gia đình trên toàn thế giới. Trong quá trình di tản đường không, một chiếc C-5A chở trẻ mồ côi bị rơi, làm thiệt mạng 138 người, trong đó có 78 trẻ em.


Ngày 9/4/1975: Các lực lượng quân đội Việt Nam đang tiến sát đến Sài Gòn, các vùng miền Trung hoàn toàn thất thủ. Giám đốc CIA William Colby và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Schlesinger vô cùng phiền muộn khi tôi chụp ảnh họ trong phòng nội các trước cuộc họp kín về tình hình Đông Dương.


Ngày 11/4/1975: Tổng thống Ford lo lắng hiện rõ trên nét mặt khi ra lệnh thực hiện chiến dịch Eagle Pull, sơ tán tất cả người Mỹ khỏi Campuchia. Ngày 21/4, hơn một tuần sau khi chiến dịch ở Campuchia đã được hoàn tất, tổng thống và Kissinger tập trung vào các vấn đề tại Việt Nam. Kissinger cho biết ông đã nói chuyện với Đại sứ Liên Xô Anatoly Dobrynin, cố gắng sắp xếp một cuộc ngừng bắn để người Mỹ ra đi. Tổng thống Ford thảo luận với Đại sứ Mỹ tại miền Nam Việt Nam Martin về vấn đề di tản. Ngày 23/4, tình hình ở Việt Nam đã rõ ràng đối với tổng thống, ông không ngại ngùng thừa nhận một thực tế, người Mỹ phải ra đi. Lần đầu tiên ông đã công khai thừa nhận, chiến tranh đã “kết thúc”.


Ngày 24/4/1975: Trong một cuộc họp của Ủy Ban Chỉ đạo về tình hình Việt Nam, tổng thống đã nói với Schlesinger rằng còn khoảng 1.700 người Mỹ ở Sài Gòn. Ông muốn con số đó xuống 1.090 vào ngày hôm sau. Schlesinger nói: “Con số này là quá nhiều trong một ngày”. Tổng thống tức tối: “Đó là những gì tôi đã ra lệnh”.


Từ trái sang phải: Giám đốc CIA William Colby, Ngoại trưởng Henry Kissinger và Chủ tịch Hội đồng tham mưu Liên quân George Brown. 19h30, ngày 28/4/1975: Giám đốc CIA William Colby mở đầu cuộc thảo luận tại cuộc họp, báo cáo, “Việt Cộng đã từ chối đề nghi ngừng bắn của tổng thống Dương Văn Minh.

Họ đã thêm một yêu cầu là giải giáp toàn bộ các lực lượng vũ trang chính quyền Sài Gòn”. Pháo binh Quân Giải phóng đã tấn công vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. 4h00 một loạt đạn tên lửa tấn công Tân Sơn Nhất. Điều này sẽ gây thương vong cho lính thủy đánh bộ Mỹ. 19:45, ngày 28/4/1975: Chủ tịch Hội đồng tham mưu Liên quân George Brown đề cập đến 70 phi vụ C-130 vào Tân Sơn Nhất, với 35 máy bay sẽ bay trong 2 chuyến để sơ tán 400 thành viên còn lại của Văn phòng tùy viên quân sự. Bộ phận điều hành mặt đất sẽ có toàn quyền về việc quyết định hành động có khả thi hay không. “Tất nhiên chúng tôi phải làm nhiệm vụ, nhưng nếu nguy cơ trở nên quá lớn, chúng tôi có thể sẽ phải rút lui”.

20h08, ngày 28/4/1975: Cuộc thảo luận quay lại với chủ đề, điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ tập kích vào các đoàn quân của Việt Nam để bảo vệ cuộc di tản. “Nếu chúng ta bắn, người Mỹ phải rút ra khỏi Đại sứ quán”, Henry Kissinger đề nghị, “Bắc Việt có ý định làm nhục chúng ta và sẽ là khôn ngoan nếu để người dân ở đó”. Tổng thống nói: “Tôi đồng ý. Tất cả nên để lại. Bây giờ chúng ta thực hiện 2 quyết định: Thứ nhất, hôm nay là ngày cuối cùng di tản người Việt. Thứ hai, nếu chúng ta bắn, người của chúng ta sẽ phải rút khỏi Đại Sứ quán. Chúng ta đã sẵn sàng bằng máy bay trực thăng?”. Tướng Brown trả lời: “Có, nếu ngài hoặc Đại sứ Martin nói như vậy, chúng ta có thể đón họ ở đó trong vòng 1 giờ”. Kissinger nói: “Chúng ta không nên để cho mọi người biết rằng đây là ngày cuối cùng của cuộc di tản dân sự”. Theo đó, nếu Tân Sơn Nhất bị đóng cửa, bắt đầu chiến dịch sơ tán bằng máy bay trực thăng.


21h15 ngày 28/4/1975: Tổng thống của Hoa Kỳ là người có tiếng nói cuối cùng về các quyết định lớn. Tôi luôn luôn tìm thấy sự nhân văn là nền tảng của mọi phán quyết của Tổng thống Ford vào lúc này. Đêm ấy, ông đã thực hiện một trong những quyết định khó khăn nhất của cuộc đời mình. Ông ngồi đăm chiêu cùng vợ, đệ nhất phu nhân Betty Ford. Ông đang phải ra một quyết định rất khó khăn nhưng cần thiết.


22h28 ngày 28/4/1975: Điều không ai muốn nghe đã nhanh chóng lan đi, Henry Kissinger báo cáo rằng các đường băng tại Tân Sơn Nhất không thể được sử dụng để di tản được. Tệ hơn nữa, người dân đã vượt khỏi rào kiểm soát và đứng tràn các đường băng, nên máy bay không thể cất - hạ cánh. Đã đến lúc xem xét thực hiện Phương án cuối cùng: Chiến dịch gió lốc.


22h33 ngày 28/4/1975: Mỹ đã thua cuộc chiến Việt Nam - thực tế hiển nhiên không thể thay đổi được. Ford ra lệnh thực hiện các chiến dịch gió lốc, chiến dịch di tản cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam. Chỉ duy có Betty Ford và tôi ở trong phòng cùng tổng thống khi ông thực hiện các cuộc gọi. Ông không còn có sự lựa chọn nào khác.


23h22 ngày 28/4/1975: Scowcroft là trung tâm điều phối và tất cả các thông tin này được báo cáo qua ông Kissinger và các quan chức khác của Nhà Trắng để đưa lên trình tổng thống.


23h22 ngày 28/4/1975: Tham mưu trưởng quân lực Hoa Kỳ Donald Rumsfeld theo sát tình hình đang biến chuyển rất nhanh.


11h38 ngày 29/4/1975: Trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo cả hai đảng trong phòng Nội các, Tổng thống ngồi cùng với Thượng nghị sĩ Robert Byrd của Bang Tây Virginia. Cuộc họp được tổ chức để giải quyết các vấn đề tài trợ sơ tán. Tổng thống thông báo rằng hơn 45.000 người đã được đưa khỏi Việt Nam trong vài ngày qua. Được biết, đến năm 1980 số lượng người Việt Nam đến Hoa Kỳ là hơn 230.000 người.


16h21 ngày 29/4/1975: Kissinger luôn trong trạng thái bận rộn, không ngừng nghỉ để giải quyết các vấn đề phát sinh từ Chiến dịch gió lốc. Suốt ngày hôm ấy, Đại sứ Martin đã đề nghị bổ sung thêm trực thăng để sơ tán người từ Việt Nam, nhưng thời gian và sự kiên nhẫn của ông đã hết.


16h23 ngày 29/4/1975: Kissinger xông vào cuộc họp kinh tế của tổng thống và báo cáo rằng cuộc di tản của Sài Gòn đã gần như hoàn tất. Thực tế, lịch làm việc của tổng thống cho ngày hôm đó đã có nhiều cuộc họp liên quan đến tình hình Việt Nam, nhưng không nhiều người được biết.


17h18 ngày 29/4/1975: Kissinger nhận những cái bắt tay chúc mừng về chiến dịch gió lốc thành công, nhưng có vẻ như những lời chúc mừng ấy là quá sớm.


17h25 ngày 29/4/1975: Kissinger và đoàn tùy tùng đến tòa nhà Old Executive Office để công bố với báo chí rằng cơn ác mộng quốc gia mới nhất đã kết thúc sau khi sơ tán thành công và an toàn của tất cả người Mỹ và cả những người muốn rời khỏi Sài Gòn.


Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thông báo kết thúc thành công cuộc di tản bằng máy bay trực thăng của Mỹ cuối cùng từ Việt Nam trong phòng họp tại tòa nhà Old Executive Office.


18h11 ngày 29/4/1975: Chỉ một giờ sau khi Kissinger tuyên bố cho báo chí và cả thế giới rằng: “Tôi tin tưởng rằng người Mỹ và những người muốn đi đã ra đi,” Scowcroft - Phó Cố vấn an ninh quốc gia thông báo, còn 11 lính thủy đánh bộ đang kẹt trên mái nhà Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn.


18h15 ngày 29/4/1975: Kissinger nóng ruột đi lại quanh văn phòng chờ đợi tin tức từ Sài Gòn về số phận các lính thủy đánh bộ bị mắc kẹt.


18h30 ngày 29/4/1975: Kissinger và Scowcroft so đồng hồ khi họ đang chờ đợi tin về 11 Lính thủy đánh bộ được cứu từ Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Trực thăng đang trên đường quay lại Sài Gòn để cứu hộ.


19h50 ngày 29/4/1975: Kissinger và Scowcroft đã chỉnh tề trang phục chuẩn bị cho bữa ăn tối cấp nhà nước với vua Jordan Hussein. Dù thế, họ vẫn chờ mong tin tức về các lính thủy đánh bộ bị mắc kẹt.


20h01 ngày 29/04/1975: Ford dừng bữa ăn tối với vua Hussein để nhận cuộc gọi từ văn phòng của Nhà Trắng, thông báo rằng 11 lính thủy đánh bộ bị kẹt trên nóc Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn cuối cùng đã được cứu thoát. Tới đây, quá trình tham gia của Mỹ ở Việt Nam thực sự kết thúc.


Cuối cùng đã có thể ăn mừng, Kissinger vui mừng vì 11 lính thủy đánh bộ đã cất cánh rời Đại sứ quán Mỹ ra tàu sân bay an toàn.


20h11 ngày 29/4/1975: Một vài phút sau, Ford quay trở lại dùng bữa tối với vua Hussein. Bây giờ là thời gian cho bánh mì nướng. Tổng thống nâng ly và nói chuyện về những mối quan hệ gần gũi và quan trọng với Quốc Vương Jordan. Họ cụng ly, uống một ngụm, tất cả mọi người hoan nghênh. Chữ “Việt Nam” không bao giờ được đề cập đến nữa.