Một người Thầy

  Từ Kế Tường

Lớp đệ tứ trước năm 1975 hệ 12 năm là lớp 9 bây giờ. Năm đó tôi học trường trung học tư thục Nguyễn Văn Khuê nằm góc ngã ba Nguyễn Thái Học và con đường nhỏ, ngắn đâm thẳng vào Khu Dân Sinh (Chợ Dân Sinh bây giờ), thuộc Q1 Sài Gòn. Cũng cần quẹo lại (Không phải queo lựa) một chút của mốc thời gian năm tôi học giữa năm lớp tiếp liên (Lớp chuyển cấp) từ lớp nhất (Lớp 5 bây giờ) lên lớp đệ thất (Lớp 6 bây giờ) thì tôi rời trường tiểu học Lộc Thuận huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre, rời quê nhà (Làng Phú Vang) lên Sài Gòn vào thẳng lớp đệ thất trường Nguyễn Văn Khuê. Rồi lần lượt lên đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ. Năm đó là năm thi trung học đệ nhất cấp. Còn gọi là bằng Thành Chung.

Thầy dạy môn hóa học của lớp tôi là thầy Bùi Nhật Tiến, mà mãi sau này ra làm báo, viết văn, trở thành đồng nghiệp với thầy tôi mới biết thầy là nhà văn Nhật Tiến của truyện dài “Chim hót trong lồng” mà tôi rất thích, đã đọc gần như thuộc lòng. Thầy Bùi Nhật Tiến nhỏ người, gầy ốm, mang kính trắng gọng vàng, nước da trắng, mặt xương... và rất hiền lành. Thầy lúc nào cũng ăn nói nhỏ nhẹ, kể cả khi giảng bài. Năm lớp đệ tứ trường trung học tư thục Nguyễn Văn Khuê, một ngôi trường tư bề thế, rất nổi tiếng thời bấy giờ vì có rất nhiều giáo sư tên tuổi dạy, trong đó có thầy Trần Bích Lan (Nhà thơ Nguyên Sa dạy triết), nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (dạy Anh văn), thầy Cù An Hưng (dạy Toán)...

Lúc đó tất nhiên thầy Bùi Nhật Tiến không biết tôi là ai, vì tôi chỉ mới tập tễnh làm thơ, viết văn... chép sổ tay, thỉnh thoảng mới gửi đăng báo. Còn tôi có đọc “Chim hót trong lồng” nhưng chỉ biết nhà văn Nhật Tiến, tác giả của tác phẩm mà tôi rất thích, chứ chưa biết Giáo sư Bùi Nhật Tiến dạy môn hóa học lớp tôi và nhà văn Nhật Tiến là một. Chỉ thấy thầy trong lúc cho học sinh viết bài hoặc làm bài, thầy ngồi ở bàn viết hý hoáy viết rất nhanh. Hóa ra thầy tranh thủ lúc không giảng bài trên bục giảng, đã tranh thủ viết... tiểu thuyết. Và tôi cũng không ngờ giáo sư Bùi Nhật Tiến dạy môn hóa học mà lại viết văn.

Khi tôi vào làng báo, viết văn, có chút tên tuổi, có một số tác phẩm được độc giả yêu mến tìm đọc, các nhà xuất bản săn đón. Nhất là lúc tôi làm Tuổi Ngọc thì thầy Bùi Nhật Tiến làm tờ tuần báo Thiếu Nhi do ông Nguyễn Hùng Trương chủ nhà sách Khai Trí làm chủ nhiệm. Chỉ khi đó thầy và tôi mới biết nhau trên quan hệ đồng nghiệp, nhưng tôi vẫn giấu năm tôi học lớp đệ tứ trường Nguyễn Văn Khuê tôi là học sinh của thầy.

Mãi đến sau năm 1975 khi tôi công tác ở Q4, có một buổi tối nhà văn, nhà giáo Cao Thế Dung mời tôi lên nhà anh ấy chơi, khi tôi lên thì gặp thầy Nhật Tiến đã có mặt ở đây. Đó là một buổi tối trà đàm, chỉ có 3 người: Nhà văn, nhà giáo Cao Thế Dung, thầy Bùi Nhật Tiến và tôi. Buổi trà đàm chỉ loanh quanh chuyện thời sự, cuộc sống, và... nhắc lại kỷ niệm. Anh Cao Thế Dung và thầy Nhật Tiến cùng lứa tuổi và là đồng nghiệp dạy học, tôi chơi thân với anh Cao Thế Dung nên coi là bạn vong niên, gọi anh bằng anh. Và thầy Nhật Tiến trên quan hệ đồng nghiệp viết văn, làm báo từ nhiều năm trước tôi cũng đã gọi thầy bằng anh, vợ thầy là nhà văn Đỗ Phương Khanh là chị.

Và lẽ ra, nếu không có buổi trà đàm tối hôm ấy ở nhà anh Cao Thế Dung, chuyện bí mật tôi là học trò của nhà văn Bùi Nhật Tiến năm lớp đệ tứ trường Nguyễn Văn Khuê vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Nhưng do, tối hôm đó thầy Nhật Tiến cho biết là buổi tối thầy từ biệt để chuẩn bị đi nước ngoài, trong lúc không khí chùng xuống, với nỗi hoài cảm ngậm ngùi tôi đã tiết lộ với anh Cao Thế Dung và cả thầy Nhật Tiến chính tôi là học trò giỏi môn hóa mà thầy Nhật Tiến đã dạy tôi năm lớp đệ tứ trường Nguyễn Văn Khuê. Và tôi đã gọi thầy là... thầy khi nhắc lại kỷ niệm này.

Thầy Nhật Tiến đã rất vui, đôi mắt thầy sáng lên, nhấp nháy sau tròng kính cận quen thuộc như ngày nào vẫn còn đứng lớp. Thầy nói một câu rất nhỏ nhẹ, rất khiêm tốn và rất dễ thương:

- Thầy không ngờ em giỏi quá, viết văn mà học giỏi môn toán hóa học.

Tôi cũng cười đáp lại:

- Em cũng không ngờ thầy viết văn mà dạy môn hóa học, lại dạy rất hay.

Sau hôm đó thì tôi không còn dịp nào gặp lại thầy nữa. Nghe đâu thầy đã vượt biên ra nước ngoài.

Một vài lần tôi gặp và nói chuyện với nhà văn Nhật Tuấn khi anh Tuấn còn công tác ở NXB Văn Học, trụ sở ở phía Nam trong một con hẻm năm trên đường Công Lý (Nam kỳ Khởi Nghĩa bây giờ) gần chùa Vĩnh Nghiêm. Tôi có nhắc lại chuyện tôi từng học môn hóa lớp đệ tứ với thầy Nhật Tiến. Anh Tuấn hứa nếu có liên lạc với nhà văn Nhật Tiến sẽ chuyển lời hỏi thăm của tôi tới thầy và gia đình thầy.

Hôm nay mới vừa được tin qua mạng xã hội thầy Nhật Tiến đã mất, thọ 84 tuổi. Tôi viết lại kỷ niệm đáng nhớ này và xin được xem bài viết như một nén tâm hương thắp gửi vong linh thầy và cầu mong thầy sớm về cõi an lạc.