Ðọc ‘Trọn Bộ Dòng Việt’, nhớ người xưa bạn cũ

Ðầu năm 2013, qua đường bưu điện, đĩa vi tính văn khố toàn tập “Trọn Bộ Dòng Việt (1993-2009)” nằm trong hộp thư của tôi tại thị trấn Giữa Ðàng (Midway City, tên do Phạm Duy đặt), đã khiến nó được bày lên một ngăn cao của tủ sách, để lưu ý người viết cái ý định sẽ viết một bài giới thiệu, một mặt nhìn lại công trình của các vị thầy xưa, mấy người bạn cũ, một mặt cảm tạ Giáo Sư Lê Bảo Xuyến, người trông coi thực hiện bộ sưu tập này, và mặt khác, để ghi lại những nét chính của một tạp chí văn hóa nghiêm chỉnh mà từ khi nó chết, hải ngoại không còn một tạp chí biên khảo, sưu tập nghiên cứu văn hóa nào khác, tuyệt nhiên không. Ý định viết bài giới thiệu ấy mãi tới nay mới viết được.


Từ phải, Giáo Sư Lê Văn, người chủ trương tập san văn hóa Dòng Việt (1993-2009), Nguyễn Sỹ Tế, Viên Linh, Trần Minh Tùng và Nguyễn Khắc Hoạch. (Hình: Viên Linh cung cấp)


Ðây là một đĩa DVD, song ngoài hộp nhựa, trình bày y hệt một bìa sách in. Mở ra, người đọc thấy ngoài đĩa DVD, là một lá thư in hai mặt giấy, nhan đề “Lá Thư Tri Ân và Tạ Từ”, một di cảo của giáo sư Lê Văn (-) nguyên chủ trương biên tập Dòng Việt:

“Hành trình 18 năm biên tập của Dòng Việt, từ khi Tuyển Tập số 1 ‘Ngôn ngữ Văn tự Việt Nam’ được phát hành vào tháng 9, 1993 do quí giáo sư Nguyễn Ðình Hòa, Nguyễn Khắc Kham và Hà Mai Phương thực hiện, đến nay được xem như hoàn tất với ‘Nền Văn Học Triều Nguyễn’ cùng lời tri ân và tạ từ của ban biên tập chúng tôi. Ðảm nhận trách nhiệm từ số 2 cũng vào mùa Thu năm 1994, Dòng Việt vẫn giữ chủ trương qui kết mọi hành trang khiêm tốn, chỉ nhằm mục đích rất giới hạn: hỗ trợ cho các thế hệ Việt Nam ở hải ngoại sau 1975 tìm hiểu các nhà biên khảo, các học giả, các vị giáo sư và nhân sĩ ở Việt Nam Cộng Hòa…”

Lá thư còn dài, song mấy dòng trên nói rất rõ và rất khiêm tốn mục đích của Dòng Việt. Ngoài đĩa DVD kết thúc, người viết bài này nhận được Dòng Việt ngay từ số ra mắt, do người bạn học cũ từ thập niên ’50 là anh Hà Mai Phương gửi cho. Diễn trình của tờ tập san ra sao?

Tờ Dòng Việt số 1 đề tên Hà Mai Phương là chủ nhiệm kiêm chủ bút, song ở những dòng bên trên, ghi tên hai vị “guest editor” là Nguyễn Ðình Hòa, Nguyễn Khắc Kham. Anh Phương là một cao đồ của một vị thầy khả kính: Giáo Sư Nguyễn Khắc Kham. Công việc văn hóa anh thực hiện phần lớn đều được sự chỉ dạy của thầy, kể cả sau này anh ra Việt Nam Tập San hay truyền bá một chủ đề nghiên cứu có tính chuyên biệt. Anh, và chị Chu Thu Hằng, rất thân cận với Giáo Sư Nguyễn; chính anh đặt mua dài hạn nhiều năm tờ tạp chí Khởi Hành của tôi để gửi biếu giáo sư. Sau này cũng do anh giới thiệu, tôi được gặp giáo sư và giữ được liên lạc từ đó cho tới khi giáo sư từ trần, vào đúng tuổi 100 (1907-2007).

Dòng Việt số 1 có chủ đề “Tuyển Tập Ngôn Ngữ Văn Tự Việt Nam, và chính thức để “Ðể tưởng niệm Linh Mục Lê Văn Lý,” bên dưới ghi mấy hàng chữ Anh ngữ ý nghĩa như trên. Trong gần 300 trang, tờ tập san có bài vở như “Lời nói đầu” của Nguyễn Ðình Hòa, và các bài viết của Nguyễn Khắc Hoạch, Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Khắc Kham, Nguyễn Thế Anh, Thái Văn Kiểm, và nhiều người khác. Bài viết chính về LM Lý là của Giáo Sư Nguyễn Ðình Hòa, ông viết cặn kẽ về hai tác phẩm quan trọng của nhà ngữ học quá cố, là cuốn “Le Parler Vietnamien, Sa Structure Phonologique et Morphologique Fonctionnelle,” (Ngôn ngữ Việt Nam, Cấu trúc Âm thanh và hình thái xét theo chức năng của Việt ngữ, do Tủ sách Viện Khảo Cổ, Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH in tại Sài gòn năm 1960), và cuốn “Sơ Thảo Ngữ Pháp Việt Nam” do Tủ sách Ðại Học, Bộ QGGD, in năm 1968.

Tới số 2, guest editor là Nguyễn Ðình Hòa và Lê Văn. Tới số 3, mùa Thu 1996, guest editor được đổi sang Việt ngữ, là Chủ trương Biên tập, là Nguyễn Khắc Hoạch và Lê Văn. Tới năm 1997, Dòng Việt ra số 4, và Chủ trương Biên tập là Lê Thanh Minh Châu và Lê Văn. Năm 1998, số 5, Chủ trương Biên tập là Võ Long Tê và Lê Văn. Năm 1999, Dòng Việt số 6 làm chủ đề Ðại học Văn Khoa Sài Gòn, chủ trương là Trần Hồng Châu (bút hiệu của giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch) và Lê Văn… Trong chủ đề Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn có những bài giá trị về các vị học giả danh tiếng như Nguyễn Ðăng Thục, Nghiêm Toản. Số kế tiếp có bài của những Trần Trọng San, Lê Tôn Nghiêm, Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Lương Kim Ðịnh, Nguyễn Sỹ Tế,… Các số 8 và 9 chủ đề là Ðại Học Sư Phạm Huế… Như thế, cho tới số 23 là số chót trong 18 năm hiện diện, ta thấy Dòng Việt hầu như cứ một năm mới ra được một số khoảng 300 trang, với các bài cũ và mới, tuy không nhiều, song là những bài sưu khảo chọn lọc. Sau đó, các chủ đề tiếp là về Nguyễn Du và Truyện Kiều, về Huế, về Triều Nguyễn, về Quang Trung Nguyễn Huệ. Các chủ đề sau tiến về Miền Nam, như Cuộc Nam tiến của Dân tộc Việt, và Văn học Nam kỳ Lục tỉnh.

Hai tập về Văn học Nam kỳ rất phong phú, chủ trương biên tập của Lê Văn, Ðoàn Khoách và Trần Nguyên Lan Hương. Người đọc thấy những bài được sưu tập lại như: “Lược khảo Phong trào Văn chương ở Nam kỳ” của Hải Dương – Chim Hải Yến, các bài viết về Nguyễn Ðình Chiểu của Ngô Quang Lý, Võ Lang, Phù Lang, Trương Bá Phát, Trần Cửu Chấn.

Bốn năm tác giả viết về Trương Vĩnh Ký và Hồ Biểu Chánh là Viên Ðài-Nguyễn Ðồng, Ðoàn Khoách, Nguyễn Văn Sâm và Thanh Lãng. Những số tập san vừa kể nằm trong một chủ trương được Giáo Sư Lê Văn nói rõ trong lá thư tri ân và tạ từ: “Dòng Việt đã thực hiện (sưu tập bài vở cũ mới và in ấn ra) đến giai đoạn cận đại của tiến trình hình thành và phát huy nền văn học Việt Nam từ khi có Xứ Ðàng Trong. Với sự nghiệp Nam tiến của các chúa Nguyễn với khả năng phát huy chữ Nôm, đồng thời sáng tạo chữ Quốc ngữ, được xem như phương tiện văn tự phong phú và tuyệt kỹ nhất của ngôn ngữ Việt Nam, nền văn học, nghệ thuật, giáo dục Việt Nam đã tiến hành và phát huy đẹp đẽ để đi vào thế kỷ XXI.” Sự xuất hiện rời rạc của tờ tập san có thể đã khiến nó không được đông đảo dư luận đại chúng biết đến, song giới đọc sách, những người nghiên cứu, đương thời và mai sau, luôn luôn dành cho nó một chỗ trang trọng trong tủ sách gia đình, và trên bàn viết gửi hy vọng tới tương lai, các thế hệ sau.

Tờ tập san đặc biệt với tôi không những là do chủ trương sưu tập và bảo tồn văn hóa, giương danh văn hiến của nó, hay do người bạn thời thiếu niên làm chủ nhiệm chủ bút trong các số đầu, mà còn vì đó là tờ báo không định kỳ “muôn đời” chỉ có một hình vẽ ngoài bìa, là hình long ly qui phượng gì đó, chỉ việc làm mới bằng cách đổi màu xanh đỏ tím vàng. Nó còn khiến tôi có một vài kỷ niệm đẹp, chẳng hạn với các Giáo Sư Lê Văn-Lê Bảo Xuyến. Người làm báo, dù bất định kỳ hay nhất là báo ngày báo tháng, thế nào không nhiều thì ít, không sớm thì muộn, cũng có thể để xảy ra những sơ sót, hay khiếm khuyết. Ðã có một sơ sót xảy ra cho Dòng Việt, khiến cho người phụ trách đương thời bị chụp mũ. Bản thân tôi khi nhận được tờ tập san thấy ngay sơ sót ấy và đã bực mình, tự than phiền với mình – sao lại lơ là đến thế – nhưng khi đọc những tờ thư tố cáo tờ tập san, tôi đã không chịu nổi những người chỉ biết chống Cộng bằng thư rơi và bằng tuyên cáo đóng khung đăng nhật trình. [“Tuyên cáo đóng khung,” trong ý nghĩa kỹ thuật của nhà báo, là “quảng cáo/hay bài viết mà tác giả phải trả tiền thì nhà báo mới đăng.] Tôi đã tự động viết bài bênh Giáo Sư Lê Văn, dù không thân thiết gì trước đó.

Từ thuở đôi mươi, khi còn lui tới Ðàm Trường Viễn Kiến trên đường Hai Mươi Sài Gòn của nhà văn Nguyễn Ðức Quỳnh, (một trong mấy người chủ chốt của Nhóm Hàn Thuyên, giữa Trương Tửu, Nguyễn Ðình Lạp,…) ông Quỳnh đã dạy tôi một hai điều: là “khi việc gì xảy ra, phải tự hỏi ngay: đó là hành vi tự phát, hay một manh động?” Tôi thấy ngay đó là một manh động (hành động lưu manh). Người ta chống vị chủ trương tờ tập san vì người ta nhằm mục đích khác. Thành ra sau đó tôi có thêm nhiều người bạn quí. Không thể quên Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng, môn đồ của Giáo Sư Lê Văn ở Ðại Học Sư Phạm Huế. Anh viết cho tôi một lá thư cảm ơn, đại ý tôi còn nhớ là trong bao nhiêu học trò của thầy anh, không thấy ai lên tiếng bênh vực ông trong cơn trái gió trở giời, mà tôi không học Giáo Sư Lê Văn, lại đứng ra bênh vực ông! Viết bài bênh vực ông, tôi mất đi vài ba người mà tôi cứ tưởng là bạn, nhưng cũng nhờ đó, tôi có những người bạn quí chẳng bao giờ trước đó tôi nghĩ họ là bạn mình.

Cảm ơn Giáo Sư Lê Bảo Xuyến đã gửi cho tôi cuốn DVD “Trọn Bộ Dòng Việt, 1993-2009”. Xin dùng những lời của chị kế tiếp trong “Lá thư tri ân và tạ từ” để kết thúc bài này, những lời văn hoa nhưng lại là chân tình: “Tuy Giáo Sư Lê Văn không còn nữa, nhưng các dòng văn học quê hương, dù chỉ được ghi khiêm tốn trên bộ DVD này, cũng sẽ có được cơ duyên luân lưu trên các cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Ðiều đó sẽ góp phần cơ bản để tiếp thu thêm bao nhiêu trào lưu tiến bộ Chân Thiện Mỹ ở các phương trời, đồng thời hòa điệu cùng “ngàn dâu, non nước” Việt Nam, để nguồn sáng tạo của chúng ta luôn luôn xanh tốt như lời “Thề Non Nước” của Tản Ðà:

“Nước đi ra biển lại mưa về nguồn…
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt, non thì cứ vui.”