Tháng Sáu, đọc thơ Thanh Nam


Nhà văn Thanh Nam qua ống kính nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh. (Hình: Viên Linh cung cấp).


Nhà văn Thanh Nam (1931 – 2 Tháng Sáu, 1985) như người ta vẫn gọi, thực sự là một nhà thơ.

1. Thi tập duy nhất của anh chỉ được in ở nước ngoài, nhan đề “Đất Khách,” sẽ còn lại trong sự nghiệp văn chương của anh hơn là các cuốn tiểu thuyết anh đã viết, và sẽ cùng tập truyện ngắn “Buồn Ga Nhỏ,” đại diện cho văn chương của tác giả hơn hết thảy những cuốn khác của anh.

Cuộc đời anh nơi đất khách tiếc thay đã quá ngắn ngủi, chỉ đúng 10 năm kể từ 30 Tháng Tư, 1975.

Biền biệt thời gian mòn mỏi đợi
Rối bời tâm sự tuyết đan tơ
Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài một Tháng Tư.
(Thanh Nam, Đất Khách, 1983)

Trong thời gian sửa soạn rời Sài Gòn, không một ngày nào, mỗi chiều đi làm về, tôi không dừng cái xe Lambretta trước cửa nhà anh, trong một con ngõ ở đường Lý Thái Tổ. Đó là do anh yêu cầu: mỗi ngày tôi phải ghé qua cho anh biết tình hình, tin tức đi, hay ở ra sao.

Cũng không mấy khó vì tôi cũng ở đường Lý Thái Tổ; nhà anh ở gần Phở Xe Lửa, còn tôi thuê nhà trong khu Cư Xá Sĩ Quan Lý Thái Tổ, cách nhau khoảng năm bảy phút chạy xe.

Vào khoảng Tháng Ba chúng tôi đã quyết định sẽ đi cùng với nhau, nếu phải rời đất nước.

Khi còn độc thân, anh và tôi cùng làm hai tờ tuần báo Kịch Ảnh và Nghệ Thuật, thuê chung một phòng trên cao ốc Cửu Long đường Hai Bà Trưng gần bến Bạch Đằng.

Do đó, ngay từ bước thứ nhất phải sửa soạn rời bỏ quê hương, Thanh Nam và tôi sửa soạn chung. Đi cùng một xe hơi. Đến cùng một điểm hẹn. Vào cùng một trú điểm; ở cùng một trạm chuyển bến: Phú Quốc.

Lên cùng một con tàu The American Challenger vượt đại dương… nhưng chia tay khi vào đất khách. Bất đắc dĩ. Tôi còn nhớ cặp mắt thất thần của Thanh Nam khi tôi bảo anh, gia đình tôi đã được gọi đi Washington, DC.

Trước đó tôi bàn với anh: nhớ là nếu được bảo trợ, chỉ đi một trong hai nơi mà thôi: New York hay thủ đô Washington; nhớ đừng nhận đi bất cứ đâu ngoài hai nơi đó, như thế mới ở gần nhau được.

Tôi còn nhớ đã nói nửa đùa nửa thật với anh: “Vừa ở gần nhau, vừa ‘tới chốn văn minh,’ thì tìm vào chỗ văn minh, không họ đưa mình vào sống với Da Đỏ thì chết, vì mình không biết săn bắn!”

Chúng tôi đã làm được gần đúng như đã giao ước với nhau; đầu Tháng Tám tôi đặt chân xuống Washington, do một nhà thờ Tin Lành ở đường số 9 bảo trợ, cuối Tháng Tám hay đầu Tháng Chín, Thanh Nam tới New Jersey. Tháng Mười, 1975, từ Washington, DC, tôi đáp xe buýt đi New Jesrey thăm anh.

2. Thanh Nam không thể ở New Jersey được lâu. Không lúc nào anh không than thở. Buồn quá. Không có bạn. Gần đó cũng có một gia đình Việt Nam, nhưng hai gia đình không thể thân được nhau.

May mắn cho anh, khoảng một năm sau anh bắt được liên lạc với một người bạn cũ, và thế là cả gia đình anh di chuyển về Seattle, tiểu bang Washington. Anh cùng người bạn, nhà văn Vũ Huy Quang, làm việc trong tờ Đất Mới, một trong vài tờ báo Việt Ngữ đầu tiên tại Hoa Kỳ. Những bài thơ ký tên Thanh Nam lần lượt xuất hiện trên Đất Mới. Tất cả – không bao nhiêu – sau đó được in trong thi phẩm “Đất Khách.”

Sương

Sớm nay trời đổ sương mù
Đồi cao ngó xuống thấy mờ biển khơi
Bỗng dưng lòng thoáng bồi hồi
Tưởng đâu Phú Quốc đêm rời quê hương

(Thanh Nam, 11.1975)

Tới đây như tự bao giờ
Ngẫu nhiên nắng sớm, tình cờ mưa khuya
Tủi mừng dăm mặt cố tri
Tưởng xa nghìn dặm lại về một phương
Ngậm ngùi câu chuyện tha hương
Nhìn nhau, tóc đã tuyết sương điểm buồn
Lạc trong trận đấu mê hồn
Còi chưa mãn cuộc, chân còn tới lui…

(Thanh Nam, Buổi Đầu, 4.76)

Nhiều nhà thơ miền Nam Việt Nam nổi tiếng như một nhà văn, trong đó có Thanh Nam. Nhiều người quá lãng mạn để trở thành một nhà văn, song vì sinh kế, họ vẫn trở thành nhà văn, như Hoàng Trúc Ly.

Báo chí miền Nam có một đặc điểm rất ít thấy nơi làng báo Âu-Mỹ: ấy là dù nhật báo đi nữa, tờ báo vẫn có ít nhất một trang lớn có đến bốn tiểu thuyết, do bốn nhà văn viết từng ngày, mỗi ngày một đoạn dài, in ra cũng được bốn hay năm trang khổ sách tiểu thuyết. Và dù là nhật báo vẫn có một khung in thơ.

Sống trong làng báo, người thơ tài giỏi đến đâu cũng phải viết cái gì khác để có thêm nhuận bút, vì người ta không trả nhuận bút cho thơ, nếu có thì không được bao nhiêu, nên người thơ phải viết thêm một mục gì đó để có thể sống với ngòi bút.

Nhà thơ Đinh Hùng, làm thơ trào phúng ký bút hiệu Thần Đăng (Thần Đèn), nhưng thần đèn phải viết thêm các truyện kiếm hiệp như “Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu” trên nhật báo Tự Do.

Thanh Nam làm thơ rất hay, rất truyền cảm, đó là vần điệu của một tâm hồn mộc mạc, một đời sống giản dị, một con người chân thật. Anh nói với tôi anh làm thơ từ năm 15 tuổi ở Hà Nội, thế mà tới 1975 khi ở Sài Gòn, anh đã có trên 30 cuốn tiểu thuyết được xuất bản.

Như thế con người thi sĩ của anh đã phải nhường chỗ cho con người nhà văn rất nhiều. Nhưng một khi anh làm thơ, thơ nhất định phải… buồn. Và nhất định phải hay.

Ngó ra buổi sáng quê người
Tiếng xe lăn bánh nhịp đời trôi mau
Giã từ ngôn ngữ đã lâu
Hôm nay thèm nói một câu chửi thề.

(Thanh Nam, Buổi Sáng)

Một trong những bài thơ hay nhất của Thanh Nam là bài “Thơ Xuân Đất Khách” anh làm ở Seattle năm 1977. Người Việt miền Nam di tản ra nước ngoài, nhất là di tản tới Mỹ, sẽ tìm thấy mình, nhiều hay ít, trong bài thơ này.

Bài thơ đã đăng trên nhiều báo, và cuối cùng đã in trong tập “Đất Khách” của anh, xuất bản năm 1983, hai năm trước khi anh qua đời vì bệnh ung thư thực quản. Tôi đã rất hân hạnh được anh đề tặng cho bài này từ lúc đăng báo tới cả khi in trong tập thơ của anh.

Thơ Xuân Đất Khách
(Gởi Viên Linh)

Tờ lịch đầu năm rớt hững hờ
Mới hay năm tháng đã thay mùa
Ra đi từ thuở làm ly khách
Sầu xứ hai Xuân chẳng đợi chờ

Trôi dạt từ Đông sang cõi Bắc
Hành trình trơ một gánh ưu tư
Quê người nghĩ xót thân lưu lạc
Đất lạ đâu ngờ buổi viễn du

Thức ngủ một mình trong tủi nhục
Dặm dài chân mỏi bước bơ vơ
Giống như người lính vừa thua trận
Nằm giữa sa trường nát gió mưa
Khép mắt cố quên đời chiến sĩ
Làm thân cây cỏ gục ven bờ
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa

Ới hỡi quê hương bè bạn cũ
Những ai còn mất giữa sa mù
Mất nhau từ buổi tàn Xuân đó
Không một tin nhà, một cánh thư

Biền biệt thời gian mòn mỏi đợi
Rối bời tâm sự tuyết đan tơ
Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài một Tháng Tư!

Chấp nhận hai đời trong một kiếp
Đành cho giông bão phũ phàng đưa
Đầu thai lần nữa trên trần thế
Kéo nốt trăm năm kiếp sống nhờ
Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt
Tập làm con trẻ nói ngu ngơ…

1977